Chương trước
Chương sau
Ngày hôm sau, vào khoảng mười giờ tối, khi cưỡi ngựa tiến vào thủ đô của mình tại Babbiano, đức ông hùng mạnh và cao quý Gian Maria Sforza thấy cả thành phố đang trong cơn hỗn loạn, đây là kết quả từ sự có mặt đầy đe dọa của sứ giả do Cesare Borgia phái tới, như đức ông đã sáng suốt đoán ra.

Một đám đông dày đặc và lầm lì đón chào Công tước tại Porta Romana, tất cả đều im lặng khi ngài phi ngựa vào thành phố, với Alvari, Santi và hai chục tay thương giáp trụ chỉnh tề hộ tống. Trong sự im lặng đó lẩn khuất một mối đe dọa còn ghê gớm hơn bất cứ sự phản đối nào, mặt Công tước trắng bệch ra khi trông thấy đây đó những khuôn mặt nhìn mình đầy thù hận. Nhưng điều tệ hại nhất vẫn còn ở phía trước. Khi Công tước cùng tùy tùng đi tới Borgo deil’Annunziata, đám đông trở nên đông đảo hơn, và sự im lặng nhường chỗ cho những tiếng hò hét giận dữ. Đám người đó trở nên đầy đe dọa, và theo lệnh Armstadt - lúc này Công tước đã đờ người ra vì sợ, chẳng thể ra nổi lệnh nữa - đám kị binh liền hạ thấp ngọn thương xuống để mở đường, trong khi một người dân thường, bị đám đông đẩy tới quá gần, bị xéo nát dưới vó ngựa.

Vài giọng mỉa mai cất lên hỏi Công tước xem đức ông đã cưới được vợ hay chưa, và tại sao chẳng ai thấy các tay thương mà chú vợ ngài gửi tới giúp chống lại Borgia đâu. Số khác lớn tiếng hỏi số tiền thuế Công tước đã tàn nhẫn lột khỏi tay dân chúng đã biến đâu mất, và đội quân đáng lẽ phải được tuyển mộ bằng tiền thuế đó giờ đang ở chỗ nào. Trả lời thay cho Công tước, vô số giọng nói cất lên thẳng thừng nêu ra đủ thứ lí do phóng túng mà ngài đã đổ hết ngân khố vào.

Rồi, thật bất ngờ, một tiếng thét lớn “Đồ sát nhân!” vang lên, kéo theo đó là những tiếng hô căm phẫn đòi Công tước trả mạng cho Ferrabraccio can trường, cho Amerini, người bạn của dân chúng, cùng những người khác mà Công rước đã sát hại, bằng không ngài sẽ phải chịu chung số phận. Cuối cùng cái tên Bá tước Aquila vang lên khắp nơi đập vào tai Công tước, làm đám đông kích động hô vang “Muôn năm! Francesco del Falco muôn năm!” và một giọng khác, át tất cả các giọng còn lại, không ngừng lặp đi lặp lại, “Công tước Francesco.” Nghe đến đây máu nóng dồn lên mặt Gian Maria, cơn giận vừa bùng lên đã dập tắt nỗi sợ hãi của ngài. Ngài đứng nhỏm lên trên bàn đạp, mắt rực lửa vì cơn ghen tức cuồng nộ đang giày vò trong tim.

“Martino!” Công tước gầm lên gọi tay đại úy. “Hạ thương xuống và phi nước đại xuyên qua chúng!”

Tay hộ pháp Thụy Sĩ ngần ngừ, cho dù gã không thiếu lòng can đảm. Alvaro de’Alvari và Gismondo Santi giật mình nhìn nhau, và người chính khách già đời, chưa từng biết sợ là gì, không khỏi tái mặt khi nghe lệnh của Công tước.

“Thưa đức ông,” ông cố can Công tước, “ngài không thể làm thế được.”

“Không ư?” Gian Maria quắc mắt nhìn lại, hết từ Santi đến viên đại úy đang do dự. “Đồ ngu!” Công tước quát viên đại úy. “Đồ súc sinh, ngươi đợi gì nữa? Ngươi không nghe thấy ta nói gì sao?”

Không chần chừ một giây, tay đại úy tuốt kiếm giơ cao lên, cất giọng trầm trầm gắt gỏng ra lệnh, đám thuộc hạ liền chúc mũi thương xuống chĩa thẳng vào đám đông. Đám dân đen cũng đã nghe thấy mệnh lệnh, và chợt thức tỉnh trước họa chết người, những người đứng gần nhất vội vàng lùi lại nhưng những người khác đang chen vai nhau đứng chật cứng phía sau đã khiến họ bị kẹt trước cơn lốc chết chóc đang ập tới với tiếng binh khí kêu lách cách và tiếng hô xung trận man rợ.

Những tiếng rú thảm thiết thế chỗ cho những tiếng hô phản đối. Nhưng trong đám đông không chỉ có những người chờ chết. Có đến một nửa số đá rải đường ập xuống đoàn kị binh, kêu vang như một cơn mưa đá trên áo giáp, đập móp méo không ít mũ trụ. Bản thân Công tước cũng bị ném trúng hai lần, trong khi Santi, không có mũ trụ bảo vệ, bị một vết thương lớn trên đầu, máu trào ra nhuộm đỏ mái tóc bạc của ông.

Cuối cùng, trong tình trạng tơi tả, toán người cũng tới được điện Công tước, bỏ lại đằng sau một vệt dài xác chết và người bị thương đánh dấu con đường đã đi qua.

Trong cơn giận dữ, Gian Maria lao thẳng về phòng riêng và ở lì trong đó đến khi khoảng hai giờ sau, được thông báo rằng sứ giả của Cesare Borgia xin cầu kiến.

Vẫn còn chưa bình tâm trở lại, sôi sục vì tức giận trước màn chào đón của dân chúng, Gian Maria – đang trong tâm trạng hoàn toàn không thích hợp cho một cuộc gặp đòi hỏi sự tỉnh táo sáng suốt ngay cả với một bộ óc thông minh hơn nhiều so với đức ông – đón tiếp sứ giả, một người Tây Ban Nha với khuôn mặt u ám và cử chỉ của một tu sĩ trong phòng khách của cung điện.

Đứng bên cạnh Công tước là Alvari, Santi và Fabrizio da Lodi, trong khi mẹ của đức ông, Caterina Colonna, ngồi trên chiếc ghế bọc nhung đỏ có thêu hình con sư tử vàng, biểu tượng của dòng họ Sforza.

Buổi tiếp kiến diễn ra nhanh chóng rồi kết thúc một cách cộc cằn hoàn toàn trái ngược với vẻ trang trọng lễ nghi lúc mở đầu. Chẳng lâu la gì cũng có thể nhận ra nhiệm vụ thật của tay sứ giả là cố kiếm cho bằng được một cuộc cãi vã với Babbiano, khiến Borgia có được cái cớ hợp lí để tấn công. Ông ta yêu cầu, lúc đầu thì điềm tĩnh và lịch sự, và sau đó - khi bị từ chối – với vẻ khăng khăng ngạo mạn, rằng Gian Maria phải cung cấp cho Công tước Valentinois năm trăm lính coi như phần đóng góp vào nỗ lực mà Cesare Borgia đang tiến hành để chống lại nguy cơ xâm lược từ người Pháp.

Gian Maria chẳng hề đoái hoài đến những lời khuyên nhẫn nhịn mà Lodi thì thầm vào tai, thúc giục Công tước nên tìm cách kéo dài thời gian, dùng kế hoãn binh với tay sứ giả cho đến khi liên minh với Urbino đã hoàn tất và vị thế của họ đã đủ mạnh để bất chấp cơn giận dữ của Cesare Borgia. Nhưng cả lời khuyên khôn ngoan này lẫn những cái nhìn cảnh cáo bực bội của bà mẹ nhìn xa trông rộng đều không kìm được cơn bốc đồng của đức ông. Công tước chỉ tuân theo sự rồ dại của mình, chẳng hề suy xét đến hậu quả sau này.

“Ngươi hãy chuyển đến Công tước Valentinois lời nhắn của ta,” đức ông kết thúc cuộc thương thuyết. “Hãy nói với y rằng tất cả những tay thương ta có ở Babbiano, ta đều có ý định giữ lại, và sử dụng chúng để bảo vệ lãnh thổ của ta khỏi cuộc tấn công của những tên kẻ cướp đang đe dọa. Ngài Lodi,” đức ông nói thêm, đoạn quay sang Fabrizio, chẳng thèm đợi xem tay sứ giả có định nói thêm gì hay không, “hãy dẫn quý ông đây trở lại phòng ông ta, và cấp cho ông ta giấy thông hành để ông ta rời khỏi công quốc của ta.”

Khi tay sứ giả, đỏ mặt tía tai, mắt long lên đe dọa, đã lui ra ngoài dưới sự tháp tùng của Lodi, phu nhân Caterina đứng dậy, không còn kiềm chế nổi cơn bực, trút những lời thậm tệ lên đầu ông con quý tử.

“Đồ ngu!” bà quát vào mặt Công tước. “Thế là công quốc của quý ngài đi tong rồi đấy... theo cái tay sứ giả kia. Rồi bà phá lên cười chua chát. “Rốt cuộc, khi quẳng nó đi, có lẽ con đã hành động khôn ngoan đấy, vì thề có Chúa trên thiên đàng, con không xứng đáng được trị vì một công quốc.”

“Thưa mẹ,” Công tước trả lời, với tất cả sự điềm đạm mà tâm trạng nóng nảy hiện tại còn cho phép ngài giữ được, “con muốn khuyên mẹ tốt nhất nên để tâm đến những chuyện dành cho phụ nữ, và đừng can thiệp vào chuyện của đàn ông.”

“Chuyện của đàn ông! Và con đã giải quyết nó như một thằng oắt miệng còn hôi sữa hay một cô ả đỏng đảnh hay hờn đấy thôi.”

“Con giải quyết theo cách mà con cho là tốt nhất, thưa mẹ, vì hãy nhớ cho rằng con là Công tước Babbiano,” đức ông trả lời bực bội. “Con không sợ bất cứ đứa con hoang của bất cứ ông giáo hoàng nào trên đời cả. Liên minh với Urbino chỉ còn là chuyện một sớm một chiều. Hãy chờ đến lúc mọi việc hoàn tất, và nếu Valentinois muốn nhe nanh múa vuốt thì – thề có Chúa - chúng ta sẽ cho hắn biết.”

“À phải rồi, nhưng chỉ có khác là trong khi răng của hắn là răng sói thì răng của con là răng cừu. Còn nữa, liên minh với Urbino chưa đâu vào đâu cả. Sẽ khôn ngoan hơn nhiều nếu con để tay sứ giả kia ra đi với một lời hứa mập mờ để có thêm thời gian hoàn tất liên minh với gia đình Montefeltro. Bây giờ thì thời gian của con chỉ còn tính từng ngày. Với câu trả lời bất cẩn của con, Cesare sẽ hành động ngay lập tức. Còn về phần mẹ, mẹ quả thật không có ý định trở thành tù binh trong tay kẻ xâm lược, nên mẹ sẽ rời Babbiano đến Naples lánh nạn. Nếu con muốn nghe lời khuyên cuối cùng của mẹ, thì đó là hãy làm như mẹ.”

Gian Maria đứng dậy bước xuống bục đặt ngai, ngạc nhiên nhìn mẹ mình. Rồi đức ông quay sang nhìn Alvari, Santi, và cuối cùng là Lodi, người đã quay trở lại khi Caterina còn đang nói, như để cầu cứu. Nhưng tất cả đều im lặng, vẻ mặt nặng nề nghiêm trọng.

“Tất cả các người đều là đồ hèn!” Đức ông cười khinh khỉnh. Rồi khuôn mặt Công tước tối sầm lại, giọng nói trở nên cương quyết. “Còn ta thì không đâu,” đức ông quả quyết, “cho dù trước đây có lúc ta đã tỏ vẻ như vậy. Nhưng giờ đây ta đã trưởng thành, thưa các ngài. Ta đã nghe thấy một giọng nói trên đường phố Babbiano hôm nay và ta đã nhìn thấy cái cảnh khiến máu ta sôi lên. Nên biết rằng vị Công tước nhân hậu, tốt bụng, nhẫn nhịn mà các ngài đã biết không còn nữa. Cuối cùng con sư tử đã bị đánh thức, và các ngài sẽ thấy những thứ các ngài chưa bao giờ mơ tới.”

Lúc này mọi người bèn nhìn Công tước với ánh mắt chứa đựng vẻ nặng nề được cộng thêm nỗi băn khoăn lo sợ pha lẫn thương hại. Chẳng lẽ những gì phải chịu đựng ngày hôm đó đã khiến Công tước mất trí rồi sao? Nếu không phải là điên rồ, thì cơn mê sảng huênh hoang này còn có thể là gì?

“Câm hết rồi sao?” Công tước hỏi, mắt long lên. “Hay các người cho rằng ta đã hứa điều ta không thể làm được. Các người hãy tự đánh giá lấy, và sẽ nhanh thôi. Ngày mai, thưa mẹ, trong khi mẹ đi xuống phía Nam như mẹ đã nói, con sẽ lại quay trở lại phía Bắc, tới Urbino. Con sẽ không bỏ phí thêm một ngày nào nữa. Trong vòng một tuần nữa, thưa các ngài, nhờ lượng Chúa, ta sẽ thành hôn. Urbino sẽ trở thành lá chắn của chúng ra, và cùng với Urbino sẽ là Perugia và Camerino. Nhưng không chỉ có thế. Chúng ta sẽ có món hồi môn khổng lồ của công nương Valentina. Và các ngài thử đoán xem ta sẽ dùng nó vào việc gì? Ta sẽ dùng đến đồng fllorin cuối cùng vào việc mộ binh. Ta sẽ mộ tất cả các đội quân đánh thuê còn tự do ở Italia. Ta sẽ tập hợp một đội quân chưa ai có được, và với đội quân này tự ta sẽ đi đối mặt với Công tước Valentinois. Ta sẽ không ngồi chết gí ở đây chờ hắn đến, mà ta sẽ đi tìm hắn, và bằng đội quân đó ta sẽ lao thẳng vào hắn như một cơn thịnh nộ của Chúa. Phải, mẹ yêu quý của con ạ,” Công tước phá lên cười trong cơn mê sảng, “chú cừu sẽ săn đuổi con sói, và sẽ làm cho nó không bao giờ dám bén mảng đến gần bất cứ một con cừu nào nữa. Tất cả ta sẽ làm, các bạn thân mến ạ, và các ngài sẽ được chứng kiến những trận đánh chưa từng có kể từ thời Castracani [1].”

[1]Castruccio Castracani degli Antelminelli (1281-1328): Công tước Lucca, đồng thời là một condottiero (chỉ huy quân đánh thuê) nổi tiếng.

Tất cả nhìn chằm chằm vào Công tước, không dám tin giờ đức ông còn tỉnh táo, và băn khoăn tự hỏi từ đâu lại nảy ra cơn hăng say chinh chiến ở ông hoàng bản tính vốn lười biếng nhiều hơn năng động, nhút nhát nhiều hơn can đảm này. Thế nhưng nguyên nhân cũng chẳng ở đâu xa, chỉ cần họ chịu khó để ý đến dòng suy nghĩ mà Công tước đang nói lớn lên thành tiếng, vì chính quý ông đã nói ra manh mối khi nhắc tới một giọng nói ngài đã nghe thấy, những cảnh tượng ngài đã nhìn thấy trên đường phố Babbiano. Giọng nói ấy chính là giọng nói đã tung hô ông em họ Francesco của ngài làm Công tước. Giọng nói ấy đã làm cơn đố kị của Công tước bùng lên. Gã em họ này đã cướp mất của ngài cùng lúc cả tình yêu của dân chúng lẫn trái tim của Valentina, chính điều đó đã làm bùng lên trong tim ngài khát vọng cháy bỏng muốn đánh gục đối thủ, muốn làm cho cả dân chúng lẫn Valentina phải mở mắt thừa nhận sai lầm. Đức ông lúc này chẳng khác gì một con bạc đang dấn thân vào một ván bài được ăn cả ngã về không, vốn liếng của ngài trông cậy cả vào món hồi môn của cô dâu tương lai, và đối thủ là toàn bộ sức mạnh của Borgia. Nếu bước ra khỏi cuộc đọ sức với tư cách người thắng ngài sẽ được tô điểm bằng vinh quang, ngài sẽ không chỉ là vị cứu tinh, người đem lại tự do cho dân chúng Babbiano, mà cả Italia - hay ít nhất phần đất Italia đã nếm mùi gót sắt của Valentinois - sẽ tôn sùng ngài. Chỉ như thế ngài mới có thể lấy lại được niềm kiêu hãnh của bản thân, xóa sạch khỏi tâm trí mọi người kí ức về gã em họ phản loạn mà ngài chuẩn bị ra tay trừng trị.

Mẹ của Công tước lúc này lại lên tiếng, bằng lời lẽ can gián, bà mong Công tước không nên dấn mình vào một cuộc phiêu lưu mà đầu óc phụ nữ của bà cảm thấy quá mạo hiểm và nhiều nguy cơ như vậy trước khi suy nghĩ chín chắn và tham khảo ý kiến của triều thần. Cùng lúc đó một người hầu bước vào, tiến lại phía Công tước.

“Thưa mẹ,” Gian Maria lên tiếng, cắt ngang lời khuyên can của mẹ ngài, “Ý con đã quyết. Bây giờ mong mẹ hãy ngừng lại một chút và quay về chỗ ngồi, con sẽ cho mẹ thấy màn đầu tiên trong vở diễn vĩ đại mà con đang chuẩn bị.” Rồi quay sang gã người hầu đang đứng đợi. “Có chuyện gì?” Công tước hỏi.

“Đại úy Armstadt đã về, thưa đức ông, và đã giải ngài Bá tước tới.”

“Mang thêm nến đến đây và truyền cho họ vào,” Công tước ra lệnh ngắn gọn. “Xin hãy về chỗ ngồi, thưa các ngài, và cả mẹ cũng vậy. Ta chuẩn bị phán xử đây.”

Vừa ngạc nhiên vừa chẳng hiểu chuyện gì sắp xảy ra, mọi người đều làm theo lệnh của Công tước, quay về chỗ ngồi trong khi Gian Maria bước lên bục rồi ngồi chễm chệ trên chiếc ngai Công tước. Đám người hầu bước vào, mang theo những giá nến lớn bằng vàng khối đặt lên bàn. Họ rút lui, và khi cánh cửa mở ra lần nữa, tất cả những người có mặt không khỏi ngạc nhiên khi nghe tiếng mạng sắt của áo giáp kêu lách cách vọng lại gần.

Sự ngạc nhiên của họ càng tăng thêm, rồi tất cả đều không khỏi ớn lạnh và nín lặng khi Bá tước Aquila bước vào phòng giữa hai người lính vũ trang đầy đủ, một dấu hiệu chứng tỏ chàng đang là một tù nhân. Chỉ cần nhìn lướt qua tất cả những khuôn mặt đang ngồi quanh ngai vàng - đồng thời không lộ một chút ngạc nhiên nào khi bắt gặp sự có mặt của Lodi - Francesco đứng bất động chờ người của chàng lên tiếng.

Chàng ăn mặc lịch sự, nhưng không có vẻ gì hào nhoáng, và nếu chàng có dáng vẻ uy nghi vương giả, thì phần lớn là nhờ vào gương mặt và phong thái không giống người thường của chàng. Bá tước không có vũ khí, trên đầu cũng không đội mũ, duy có chiếc mạng vàng giữ tóc bất li thân càng làm nổi bật thêm mái tóc đen nhánh của chàng. Khuôn mặt chàng không để lộ bất cứ cảm xúc nào, với cái nhìn của một người đã quá chán ngán những trò nhạt nhẽo được bày ra cho chàng giải khuây.

Bầu không khí im lặng ngột ngạt kéo dài hồi lâu, trong lúc đó ông anh họ vẫn nhìn chàng chằm chằm với ánh mắt kì lạ. Cuối cùng Gian Maria lên tiếng, giọng rít lên đầy kích động.

“Ngươi có thể nói ra lí do nào,” Công tước hỏi, “giúp cho đầu của ngươi lại không thể bị cắm trên ngọn giáo cạnh những tên phản loạn khác trên cổng Thành Bacolo không?”

Francesco khẽ nhướng mày ngạc nhiên.

“Tôi biết vài lí do,” chàng mỉm cười trả lời, một câu trả lời mà chính sự đơn giản của nó dường như lại khiến Công tước bối rối.

“Hãy để chúng ta thử lắng nghe một trong số đó xem,” đức ông bèn thách thức.

“Ấy không, tốt hơn hãy để mọi người được nghe dăm lí do tại sao cái đầu tội nghiệp của tôi lại đáng bị đối xử hà khắc đến thế. Khi một người bỗng dưng bị bắt giữ một cách thô bạo như trường hợp của tôi, theo lệ thường, một thông lệ có lẽ đức ông cũng vui lòng tuân theo, người ta sẽ giải thích cho anh ta nguyên do của vụ bắt giữ.”

“Quân phản nghịch dẻo mồm,” điên tiết trước vẻ đạo mạo dửng dưng của người em họ, Công tước gầm lên hậm hực. “Quân rắn độc lươn lẹo! Ngươi muốn biết vì sao ngươi bị bắt ư? Vậy hãy trả lời ta xem, quý ông Bá tước, ngài đã dấm dúi làm gì ở Acquasparta vào buổi sáng ngày thứ Tư cuối cùng trước lễ Phục sinh?”

Khuôn mặt bình thản của chàng Bá tước vẫn không hề biểu hiện cảm xúc nào, giống như chàng đang mang lớp mặt nạ kiên nhẫn đến phi thường. Chỉ có hai bàn tay hơi nắm chặt lại để lộ ra rằng câu hỏi của Công tước đã làm chàng bị bất ngờ, nhưng không có ai để ý đến chi tiết đó. Fabrizio da Lodi, đứng sau lưng Công tước, đến môi cũng đã tái nhợt cả đi.

“Tôi không nhớ mình đã làm chuyện gì quan trọng ở đó,” chàng trả lời. “Chỉ đơn giản là hít thở không khí mùa xuân trong lành trong rừng.”

“Chỉ thế thôi? ” Gian Maria giễu cợt.

“Tội tự thấy không có chuyện quan trọng nào khác, ở đó tôi đã gặp và nói chuyện với một công nương, rồi thì một ngài tu sĩ, một anh hề, một tay công tử bột và dăm tên lính. Nhưng,” chàng ngừng lại đột ngột, đoạn tiếp tục với giọng cao ngạo, “cho dù làm gì đi chăng nữa, tôi luôn cư xử theo cách mà tôi tự thấy là đúng mực nhất, và tôi cũng chưa thấy ai nói với mình rằng Bá tước Aquila phải trình báo từng bước đi cử chỉ của anh ta. Đức ông vẫn chưa cho tôi biết, lấy quyền gì, hoặc dựa trên lí do tưởng tượng nào, đức ông đã cho bắt giữ tôi.”

“Ta không có quyền gì thực chứ? Ngươi không thấy mối liên hệ giữa tội lỗi của ngươi và việc ngươi có mặt gần Sant’ Angelo ngày hôm đó sao?”

“Nếu tôi phải hiểu rằng đức ông đã điệu tôi đến đây theo cung cách thiếu tôn trọng này để biến tôi thành trò giải trí cho ngài, thì quả thực tôi đã sáng mắt ra nhiều nhưng cũng không khỏi kinh ngạc. Hãy nhớ rằng tôi không phải là tay hề trong triều đình của đức ông.”

“Đừng giảo biện,” Công tước gằn giọng. “Ngươi định dùng lời lẽ làm khó ta đấy à.” Vừa cười khẩy Công tước vừa quay sang đám quần thần. “Các ngài và cả mẹ nữa, thưa mẫu thân kính mến, tất cả sẽ được biết ngay bây giờ dựa trên nguyên do nào ta đã cho bắt tên phản nghịch này. Các vị sẽ được biết ngay đây. Vào tối ngày thứ Ba cuối cùng trước lễ Phục sinh, có bảy tên phản nghịch gặp nhau ở Sant’ Angelo để bàn mưu lật đổ ta. Trong số đó, thủ cấp của bốn tên giờ đã bị bêu trên cổng thành Babbiano; ba tên còn lại tẩu thoát, và trước mắt các vị là một trong ba tên đó – chính là kẻ trèo lên ngai vàng sau khi chúng đã phế bỏ ta.”

Cái nhìn của mọi người lúc này đều hướng cả vào chàng Bá tước trẻ, trong khi đôi mắt của chàng dừng lại lên khuôn mặt của Lodi, nhận ra trên đó vẻ lo lắng lộ rõ đến nỗi hẳn đã làm bại lộ thân phận của ông lão nếu Công tước tình cờ quay lại.

Sự im lặng tưởng chừng kéo dài vô tận. Gian Maria có vẻ trông chờ một câu trả lời từ Francesco; nhưng Francesco chỉ đứng lặng thinh nhìn gã, không hề tỏ ra ý định lên tiếng. Cuối cùng, không chịu được lâu hơn nữa sự im lặng nặng nề:

“Thế nào hả,” Công tước quát lớn. “Ngươi không có gì để trả lời sao?”

“Tôi phải thừa nhận,” Francesco đáp, “tôi đã không nghe thấy câu hỏi nào cả. Tôi chỉ nghe thấy một tràng gào thét không đầu không đuôi, phóng đại và điên khùng, một lời buộc tội vô lí chẳng đi kèm theo bằng chứng nào cả, hoặc giả tôi phải đoán rằng Công tước không hề có bằng chứng. Tôi xin hỏi các ngài và phu nhân,” chàng tiếp tục, hướng về phía những người còn lại, “rằng đức ông đã nói ra điều gì đáng để trả lời chưa?”

“Ngươi muốn có bằng chứng ư?” Gian Maria lớn tiếng, nhưng không còn giữ được vẻ tự tin như trước, và giọng điệu cũng bớt sừng sộ hơn. Trước vẻ bình thản của Francesco - một vẻ bình thản lạ thường mà Gian Maria cũng phải thừa nhận giống với sự tự tin của một người biết chắc anh ta không có gì để sợ hơn là sự giả tạo của một kẻ đang cố gắng che giấu tội lỗi, Công tước không thể không cảm thấy nghi ngờ chính mình. “Ngươi muốn có bằng chứng?” Công tước lặp lại, rồi hỏi với giọng ép chết đối phương: “Vậy ngươi giải thích thế nào về vết thương trên người lúc đó?”

Một nụ cười phớt qua gương mặt Francesco, rồi khuôn mặt chàng lại bình thản như cũ.

“Tôi yêu cầu đức ông đưa ra bằng chứng, chứ không chờ đợi một câu hỏi,” chàng phản đối với giọng chán chường. “Cho dù tôi có bị một trăm vết thương đi nữa thì điều đó chứng minh được gì chứ?”

“Chứng minh được gì ư?” Công tước lẩm bẩm lặp lại, càng lúc càng mất đi sự tự tin vào suy đoán của mình, thậm chí đức ông đã bắt đầu thấy lo rằng ngài đã bị mối nghi ngờ lôi đi quá vội vã và quá xa. “Điều đó, cùng với sự có mặt của ngươi tại đó, chứng minh với ta rằng ngươi đã tham gia vào vụ loạn đả tối hôm trước.”

Francessco cựa mình. Chàng mỉm cười, thở dài. Rồi với giọng gần như ra lệnh:

“Hãy bảo những gã này đi ra ngoài,” chàng vừa nói vừa chỉ vào hai tên lính. “Sau đó hãy cho phép tôi được xua tan những nghi ngờ ngớ ngẩn của đức ông.”

Gian Maria ngớ người, trơ mắt ra nhìn chàng Bá tước. Vẻ quả quyết đầy thuyết phục, dáng điệu nghiêm nghị, bình tĩnh của người em họ tạo nên một bức chân dung tương phản hoàn toàn với vẻ lúng túng, ngơ ngẩn như gà mắc tóc của đức ông khiến sự tự tin của ngài xẹp dần như quả bóng xì hơi. Công tước phẩy tay đuổi bọn lính ra ngoài, tuân theo một cách vô thức mệnh lệnh của người em họ lúc này đã hoàn toàn chiếm thế thượng phong.

“Bây giờ, thưa đức ông,” Francesco lên tiếng, sau khi bọn lính đã đi khuất, “tôi muốn biết chính xác lời buộc tội đức ông dành cho tôi trước khi tôi bác bỏ nó. Theo lời đức ông, tôi có thể hiểu thế này: một vụ mưu phản đã hình thành ở Sant’ Angelo cách đây ít lâu nhằm lật đổ đức ông khỏi ngai vàng của Babbiano và đặt tôi ngồi lên đó. Đức ông do đó đã buộc tội tôi tham gia vào vụ mưu phản, với vai trò mà đám người dự mưu muốn dành cho tôi. Có phải như vậy không, thưa đức ông?”

Gian Maria gật đầu.

“Ngươi đã thuật lại chính xác đấy,” Công tước lầm bầm. “Nếu ngươi chứng minh được ngươi vô tội, ta sẵn sàng thừa nhận đã hiểu lầm ngươi.”

“Chúng ta cứ tạm chấp nhận rằng vụ mưu phản là có thật, cho dù với dân chúng Babbiano thì bằng chứng đưa ra có vẻ không được thuyết phục cho lắm. Một người, lúc này đã chết, thông báo với đức ông rằng một âm mưu đang được thai nghén. Quả thực nếu chỉ có thế thì khó có thể coi là đủ tang chứng để bêu đầu bốn nhà quý tộc can trường kia lên như vậy, nhưng tôi không nghi ngờ rằng đức ông vẫn còn những bằng chứng khác mà chúng tôi chưa được biết.” Gian Maria bất giác rùng mình. Đức ông nhớ lại những lời Francesco đã nói trong buổi gặp gần đây nhất giữa hai người; đồng thời ngài cũng nhớ tới cách mà dân chúng Babbiano vừa chào đón sự trở về của ngài.

“Chúng ta hãy coi sự việc đúng là như vậy,” Francesco bình thản tiếp tục. “Quả thực, những hành động sau đó của đức ông không cho phép tôi được nghi ngờ. Như vậy, chúng ta đồng ý rằng đã có một vụ mưu phản, nhưng còn chuyện tôi có dính dáng vào đó, rằng tôi là người được chọn để thay thế đức ông - có cần tôi phải chứng minh sự nực cười của một lời cáo buộc như thế chăng?”

“Ngươi cần phải chứng minh đấy. Thề có Chúa! Rất cần, nếu ngươi không muốn mất đầu.”

Chàng Bá tước đứng thẳng thoải mái, hai tay chắp sau lưng, mỉm cười nhìn thẳng vào khuôn mặt nhợt nhạt và vầng trán cau có của ông anh họ.

“Cách thực thi công lí của đức ông quả thực là khó hiểu, anh họ của tôi ạ,” chàng trả lời nhỏ nhẹ, hoàn toàn bình thản. “Quả là một phát minh vĩ đại! Ngài cho người thô bạo lôi tôi xềnh xệch đến đây, và ngồi đó nói: ‘Hãy chứng minh rằng ngươi không âm mưu chống lại ta, nếu không ta sẽ giao ngươi cho đao phủ!’ Thề có đức tin! So với ngài thì Solomon chỉ là một gã ngốc không hơn không kém.”

Gian Maria đấm xuống chiếc ngai đang ngồi mạnh đến mức khiến bàn tay đức ông đến tận hôm sau vẫn còn thâm tím.

“Chứng minh đi!” đức ông thét lên như một đứa trẻ đang hờn. “Chứng minh đi, chứng minh đi, chứng minh đi!”

“Chẳng lẽ những gì tôi vừa nói không đủ để chứng minh sự vô tội của tôi rồi sao?” Bá tước trả lời, vừa có vẻ ngạc nhiên lẫn phản đối khiến Gian Maria thở dốc vì bực bội.

Sau đó Công tước phẩy tay cáu kỉnh.

“Quý ông Alvari,” đức ông lên tiếng, giọng ngạt đi vì tức tối. “Ta nghĩ tốt nhất ông hãy gọi bọn lính gác vào đây.”

“Đợi đã!” chàng Bá tước lên tiếng, giơ tay ra dấu ngăn cản. Lúc này vẻ bình thản vô lo vô nghĩ đã biến khỏi khuôn mặt chàng: nụ cười đã tắt ngấm, thay vào đó là cái nhìn khinh bỉ giận dữ. “Tôi lặp lại lời nói của mình. Đức ông đã dùng vũ lực bắt tôi đến đây, và ngồi đó, trên ngai vàng của ngài, ngài đã nói: ‘Hãy chứng minh là ngươi không âm mưu chống ta nếu ngươi không muốn mất đầu.’” Chàng dừng lại một giây, nhận thấy cái nhìn lúng túng của mọi người đang hướng về mình.

“Ngươi định triết lí chăng?” Công tước nhếch mép, chưa hiểu chuyện gì.

“Nếu đức ông đã nói thế,” Francesco đáp trả. “Cứ cho là vậy đi. Và nếu đức ông chịu khó suy nghĩ một chút, chẳng lẽ chỉ nguyên chuyện đó không cho đức ông đủ bằng chứng rồi hay sao?” chàng hỏi, giọng đầy tự tin. “Liệu vị trí của chúng ta trong lúc này đây chưa đủ nói lên sự vô lí của lời buộc tội đức ông gán cho tôi sao? Nếu lời buộc tội của đức ông là đúng, thì liệu đức ông có còn ngồi được ở đó và tôi phải đứng ở đây không?” Chàng Bá tước phá lên cười gần như man dại, đôi mắt sáng quắc nhìn thẳng đầy khinh miệt vào Công tước. “Nếu đức ông cứ cần có thêm bằng chứng thì, anh Gian Maria, nói để anh biết rằng nếu tôi thực sự thèm thuồng cái ngai mọt ruỗng của anh thì giờ phút này tôi đã ngự trên đó từ lâu rồi, chứ không phải đứng đây hoài hơi bào chữa cho mình trước một lời cáo buộc ngu ngốc như vậy. Anh vẫn còn nghi ngờ ư? Chẳng lẽ anh chưa học được gì trên đường phố Babbiano hôm nay sao? Chẳng lẽ anh không nghe thấy người ta tung hô tôi và chế nhạo anh sao? Vậy mà,” chàng kết thúc với vẻ thương hại, “anh vẫn nói là tôi âm mưu chống lại anh. Cần gì phải thế chứ, nếu tôi muốn chiếm ngai vàng của anh, tôi chỉ cần phất cao lá cờ hiệu của tôi trên đường phố Babbiano, và chỉ sau một giờ thôi, Gian Maria sẽ không còn là Công tước nữa. Bây giờ thì liệu tôi đã chứng minh được sự vô tội của mình chưa, thưa đức ông cao quý?” chàng hạ giọng, buồn bã nói tiếp. “Liệu tôi đã thuyết phục được đức ông rằng tôi thậm chí chẳng cần đến âm mưu nào không?”

Nhưng Công tước không trả lời. Cứng họng, choáng váng, đức ông ngồi đờ ra như tượng gỗ, nhìn trân trối vào khuôn mặt điển trai của người em họ, trong khi những người khác lén nhìn về phía ngài, vừa im lặng vừa lo thầm cho chàng trai trẻ đã dám đứng đó, trong móng vuốt của Gian Maria, quát thẳng vào mặt Công tước những lời liều lĩnh như thế. Công tước đưa hai tay lên ôm mặt, ngồi lặng đi như kẻ đang đắm chìm trong suy nghĩ. Cuối cùng Công tước chầm chậm nhấc hai bàn tay ra, để lộ khuôn mặt rũ rượi mệt mỏi vì tức giận và buồn phiền. Đức ông quay sang Santi, người đứng gần nhất.

“Gọi lính gác vào đây,” đức ông vừa vung tay vừa thét lên điên khùng, và Santi, không dám hé răng, lặng lẽ. Những người còn lại chờ đợi với tâm trạng nặng nề, ngoại trừ một người, và người này cũng chính là nguyên nhân gây nên bầu không khí nặng nề hiện tại. Một lát sau viên đại úy Thụy Sĩ đi vào sảnh, theo sau là hai tên lính, Gian Maria liền chỉ tay về phía người tù.

“Mang hắn ra,” đức ông gằn từng tiếng khó nhọc, mặt tái nhợt, toàn thân run lên bần bật vì tức giận. “Mang hắn ra ngay, và đợi lệnh của ta ngoài tiền phòng.”

“Nếu là vĩnh biệt, anh họ thân mến của tôi,” Francesco lên tiếng, “tôi hi vọng anh sẽ gửi đến cho tôi một tu sĩ. Tôi luôn là một con chiên ngoan đạo.”

Gian Maria không trả lời, chỉ đưa mắt nhìn Martino. Hiểu ý, viên đại úy khẽ đặt tay lên vai Francesco. Trong giây lát chàng Bá tước vẫn đứng lặng, đưa mắt nhìn từ Công tước sang hai tên lính; sau đó đôi mắt chàng dừng lại một giây vào những người còn lại trong phòng; cuối cùng, khẽ nhún vai, chàng quay gót, đầu ngẩng cao, bước ra khỏi căn phòng.

Bầu không khí yên lặng tiếp tục ngay cả khi chàng Bá tước đã bị giải đi, cho đến khi Caterina Colonna phá vỡ nó bằng một tràng cười như xói vào cái đầu đang căng ra như muốn nổ tung của Gian Maria.

“Đức ông đã hùng hồn hứa hẹn,” bà chế nhạo, “sẽ trở thành một con sư tử. Nhưng cho đến lúc này, chúng ta chỉ nghe thấy tiếng hí của một con lừa mà thôi.”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.