- Nói cho chị nghe, cái nghiên này em từ đâu mà có. Đừng sợ, dù em thật sự đã lấy nó, chị cũng sẽ mua nó về!
Đứa trẻ nhỏ thó tuy đã bảy tám tuổi nhưng chỉ cao tới éo tôi, trên mặt lấm lem bùn đất, cả người dơ bẩn đầy vết bầm tím, nhiều chỗ đã rướm máu vì bị đánh đập, trông vô cùng đáng thương. Lúc này nó đã bớt sợ hãi, hơn nữa nó biết tôi là người bảo vệ nó nên nó hình như đối với tôi nảy sinh cảm giác sùng bái. Nó nhỏ giọng nói, nước mắt trong suốt như pha lê từ hốc mắt chảy ra.
- Em không ăn trộm, cái nghiên này là em thắng được. Bài thơ của em thắng được giải nhất, đây là ông chủ cho em, nói em tương lai nhất định làm được việc lớn, khuyên em cố gắng học hành.
Quả nhiên! Đám người trời sinh phú quý này vốn coi người nghèo bằng nửa con mắt, luôn cho rằng mình là ngọc ngà còn người nghèo chính là cỏ rác.
Tên công tử nghe vậy thì ha ha cười, buông lời miệt thị:
- Mi lừa được đám phụ nữ ngu ngốc đó chớ sao lừa được ta, một tên cóc ghẻ như mi đừng nói là làm thơ, nửa chữ cắn răng còn có khi không biết. Biết điều thì giao cái nghiên đó ra đây, còn không thì lên quan phủ!
- Đừng hiếp người quá đáng! – Tôi quát – Em trai, em đọc bài thơ đó ra là biết ngay, mắt chó không nhìn được người cao, nếu em đọc được thì chị tin em, còn kẻ kia chị sẽ xem như anh ta đố kị người tài. Không cần phải sợ anh ta, chị cho em đi học, mai sau có công danh thì quay về trả món nợ này!
Công tử áo hoa lại cười ha ha, lần này điệu cười còn vang dội hơn:
- Ta xem bọn bây đi học kiểu gì, một tên thường dân dơ bẩn mà học đòi làm quan. Hừ, muốn đi học thì bước qua xác ta cái đã!
- Ngông cuồng! – Tôi mắng – Thường dân thì sao, chẳng lẽ thường dân thì không thể đi học? Nếu như làm thường dân mà có tài, thì còn hơn một trăm tên giàu có mà bất tài như anh. Hưng Đạo đại vương ở Vạn Kiếp chiêu hiền đãi sĩ, ngay cả một kẻ ngồi đan sọt dọc đường ngài cũng nhìn ra được tài năng của y mà đưa về khoản đãi, hai mươi sáu năm trước tiên đế đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện thu nhận cả con cái các nhà thường dân tham gia. Còn anh, thứ như anh không xứng với Trần triều, anh chính là nỗi ô nhục của Đại Việt ta.
Công tử nọ vốn muốn mở miệng phản bác, lại không biết phản bác cái gì, bởi vì phản bác tôi chính là phản bác Hưng Đạo vương và tiên hoàng, phản bác cả quan điểm của vương triều.
Nhất thời gương mặt gã lúc trắng lúc xanh, bị một người phụ nữ chửi bới mà không thể phác tác. Về lý lẽ tôi có, về sức mạnh tôi cũng hơn, thì kẻ yếu sức yếu lời như anh ta dĩ nhiên chịu nhục.
Bên đây công tử áo hoa còn chưa lên tiếng, bên kia đã vang lên tiếng nói trầm ấm của một chàng trai xa lạ, chất giọng trong suốt thanh tao, hay như tiếng đàn tiếng sáo.
- Nói hay lắm, đã lâu rồi ta mới nghe một cô gái thốt ra những lời có ý tứ như vậy!
Chàng trai sóng vai bên cạnh cũng tiếp lời, chất giọng lại cực kỳ dễ nghe:
- Nhóc con, em có thể đọc lại bài thơ đó được không?
Tôi ngạc nhiên nhìn hai anh chàng một trắng một lam nhạt đứng sóng vai nhau trong góc tối không thể nhìn rõ mặt, chỉ thấy dáng người cao ngất, tư thái nhã nhặn, từng cử chỉ đều toát lên vẻ hào môn quý khí, lại chẳng biết là thần thánh phương nào. Có điều trông bộ dạng có thể nương nhờ được, biết đâu sẽ giúp mình giải quyết mớ phiền phức này. Gió nhè nhẹ, tôi như ngửi được mùi dạ lý hương thơm ngát, không biết là vì lúc nãy ngã lên chậu hoa nên mùi hoa ám trên người mình, hay là từ người của hai nam tử đứng đằng đó. Mùi hoa vấn vương nơi đầu mũi, khiến khứu giác tôi lâng lâng.
"Hảo cảnh minh nhân nhãn,
Giang sơn chính khoát nhiên.
Yên lung sơ xuất nhật,
Ba dạng nộn tình thiên.
Ngạn liễu thuỳ kim tiết,
Đinh hoa phác hoạ thuyền.
Thê lương khoan lữ tứ,
Hoà noãn hỉ tân niên.
Nhất thời bốn bề yên lặng, một chiếc lá khô xào xạc cũng có thể nghe được rõ ràng. Trong những người ở đây, nếu người nào hiểu được văn chương một chút, đều có thể nghe ra bài thơ này xuất sắc đến nhường nào. Đúng thế, tất cả đều lặng người không tin được một đứa bé bảy tám tuổi đã có thể làm ra bài thơ hay đến như vậy.
Từ bài thơ cùng với ánh mắt sáng như gương của đứa trẻ, tôi thấy được cả giang sơn Đại Việt ta tươi đẹp đến nhường nào. Đôi mắt nó như chiếc gương soi, chứa ngàn vạn phong cảnh trong thiên hạ, nhìn vào đó, như thấy được sông núi nước Nam, sương khói lãng đãng buổi bình minh, hàng liễu bên sông đung đưa trong làn mưa xuân rả rích, khe khẽ sóng vỗ mạn thuyền, từng cánh hoa được nước mưa gột rửa trong suốt, lấp lánh như thuỷ tinh.
Tôi ngẩn người, ông trời thật trớ trêu thay, một đứa trẻ với đôi mắt và tâm hồn đẹp đẽ như thế, lại ban cho nó gương mặt xấu xí nhường này.
Cuối cùng, vẫn là tên công tử kia lên tiếng trước, phá đi bầu không khí có vẻ như là hoà thuận:
- Oắt con, mi đã trộm đồ, còn đi trộm thơ của ai nữa? Hôm nay ta nhất định bắt mi đi quan phủ để quan phủ trừng trị mi, cho mi từ nay chừa thói trộm cắp!
Đến lúc này đứa bé cũng không chịu nổi nữa, phẫn nộ hét lên:
- Tôi không trộm, tôi không trộm cái gì hết. Nghiên mực này tôi không cần cũng được, nhưng thơ là của tôi, tôi cấm anh nói tôi trộm. Tôi không hèn hạ đến mức trộm thơ của người khác!
- Ta xem mi cứng miệng được bao lâu, gia nô đâu, bắt nó cho ta!
Lúc này ngay cả công tử cũng hùng hổ vung nắm đấm, hai mắt long sòng sọc chỉ chờ nhào lên đánh đứa bé mà thôi. Đan Thanh ôm chặt đứa bé trong tay, sợ nó vì quá nóng giận mà lao lên ăn đòn. Tôi thì một cước hai cước tấn công về đám người kia, nhất thời xung quanh đầy tiếng tay chân hỗn loạn, bụi đất mịt mù.
Đứa nhóc vừa xông lên vừa gào khóc, như mọi tủi nhục chất chứa từ lâu hôm nay đột nhiên bộc phát. Tiếng nó vang lên thê lương ai oán, lòng tôi cũng xốn xang nhộn nhạo, chỉ hận không thể một đấm giết chết tên kia cho rồi.
(Giữa dòng lơ lửng làm chi, nhà xưa sao chẳng về đi cho rồi.
Há rằng trống rỗng bất tài
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay.
Nếu ta giữ mực thẳng ngay.
Mưa sa gió táp xem nay cũng thường)
"Kiển hà vi hề trung lưu,
Hạp tương phản hề cố vũ.
Khởi hộ lạc hề vô dung,
Thán thiền quyên hề đa ngộ.
Cẩu dư bính chi bất a,
Quả hà thương hề phong vũ.
Tôi nghe thơ, tức thì cả người chấn động như sét đánh giữa trời quang. Nhất thời lơ đãng bị đấm vào mặt một cái, e rằng gò má tôi đã trầy một đường.
Lúc này mới thấy hai vị anh chàng đứng xem kịch đằng kia hoảng hốt, chàng trai áo trắng liền cất giọng trách, thanh âm vừa phải mà uy nghiêm:
- Đỗ Thiên Hư, còn không mau dừng tay!
Đỗ Thiên Hư giật bắn mình, lúc này anh ta mới để ý đến hai người đang đứng phía sau. Dưới ánh đèn nhàn nhạt, trong mắt Đỗ Thiên Hư dần lộ ra vẻ kinh hãi, anh ta hốt hoảng quỳ sụp xuống, không dám ngẩng mặt lên, đám người hầu thấy vậy cũng đồng loạt cúi lạy, không khí lại rơi vào trầm mặc, chỉ còn tiếng hít thở cùng tiếng khóc thút thít của đứa trẻ kia.
Hồi lâu mới nghe chàng trai áo trắng cười bảo:
- Lúc nãy thấy anh giọng điệu hùng hồn, không la mắng thì mạt sát người ta, sao bây giờ lại im thin thít thế?
Quả nhiên lại là một con giời, chất giọng không giận mà uy, nghe như cười nhưng lại khiến kẻ quỳ dưới đất kia phát khóc. Đỗ Thiên Hư đầu cúi gần như sát đất, run rẩy thưa:
Bên kia Đan Thanh mới nghe thấy đã xanh mặt, kéo áo tôi, ra dấu tôi mau quỳ xuống. Tôi trong lòng thầm nghĩ bản thân đường đường cũng là phu nhân, quỳ cái gì mà quỳ. Lại nhớ ra hình như mình lén lút trốn nhà đi chơi, nên đành không một tiếng động quỳ xuống theo cô ả.
Tôi liếc mắt lên thấy anh chàng áo xanh quay sang nhỏ giọng hỏi:
- Anh năm, đây là ai vậy?
- Em không biết hả? – Chàng áo trắng điềm nhiên đáp – Đây là Đỗ Thiên Hư, em trai của Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung. Lần trước cả hai đến phủ anh chào hỏi, tình cờ quen biết mà thôi. Chỉ tiếc anh trai hắn ẩn nhẫn bao nhiêu, thì hắn lại càn rỡ tuỳ hứng bấy nhiêu.
Tôi thấy Đỗ Thiên Hư nghe đến tên mình, rùng mình một cái, phía trên lại vang lên tiếng của người áo xanh:
- Cũng chỉ là một kẻ thích ra vẻ!.
Tôi tò mò nhìn người một thân áo trắng gọi là anh năm kia, anh ta có đôi mắt phượng hẹp dài, sống mũi cao ngất, khoé môi luôn ẩn ý cười nhưng lại hàm chứa vẻ lạnh lùng xa cách. Trên người anh ta ẩn chứa khí phách tối cao, không giận mà uy, khiến người ta chỉ vừa gặp là nảy sinh cảm giác sùng bái cúi đầu dù trông anh có vẻ ôn nhu nhã nhặn. Anh ta tựa như một cơn gió thu diễm lệ se se lạnh, như vầng trăng thanh lạnh đẹp đẽ nhưng cô tịch, điên đảo chúng sinh.
Người còn lại nhưng tướng mạo cùng với anh chàng áo trắng có đến bảy phần giống nhau, khả năng cao hai người chính là anh em với nhau, nếu nói người áo trắng như gió thu đêm trăng sáng, thì anh ta chính là một vầng thái dương rực rỡ, toả ánh sáng xuống nhân gian hữu tình. Gương mặt anh ta tinh xảo như điêu khắc, lúc cười lên thì ấm áp như gió xuân, lúc không cười thì nhu tình như nước, mơn man trên mặt hồ trong veo.
Cả hai đứng cạnh nhau thật xứng với bốn chữ kinh thế hãi tục.
Đỗ Thiên Hư dường như cảm thấy bản thân anh ta không có lỗi lầm gì, lúc này mới ngẩng đầu nói:
- Hai vị vương gia anh minh, kẻ hèn hồ nghi thằng nhóc này có hành vi trộm cắp, mong vương gia suy xét trừng trị để làm gương cho kẻ khác, chớ để người không biết học theo.
Chàng trai áo xanh đứng khoanh tay, ung dung tựa lưng vào gốc cây hoa sữa, giọng mỉa mai.
- Chỉ mới hồ nghi đã ra tay đánh người, anh cũng tự tin gớm nhỉ!
Tôi suýt nữa là giơ ngón cái ra.
Lúc này tôi mới phát hiện thì ra mùi hương mà mình ngửi được lúc nãy không phải là mùi dạ lý hương mà chính là mùi hoa sữa, gió đưa hương hoa sữa nhàn nhạt phiêu đãng vào không trung.
Đỗ Thiên Hư chỉ biết cúi người hô:
- Kẻ hèn không dám. Kẻ hèn chỉ thắc mắc cái nghiên mực kia xuất phát từ đâu thôi. Nếu như thật sự là nó ăn cắp, vương gia cũng không thể bao che cho nó được. Tội ăn cắp là phải chặt tay chặt chân!
- Vậy nếu nó không ăn cắp thì sao? Không lẽ tôi đem anh đi cắt lưỡi vì tội vu khống! – Tôi nói.
- Cô dám....! – Đỗ Thiên Hư cả giận, trừng mắt nhìn tôi.
- Tôi thì sao? Anh không dám chứ tôi thì dám! – Tôi cũng không chịu yếu thế, hùng hổ nói.
Anh chàng áo trắng cũng bật cười, vẫn thanh âm điềm nhiên như cũ, anh ta nói:
- Nàng này nói cũng không sai, nếu như thằng bé ăn trộm, tôi sẽ xử theo phép nước. Còn nếu nó không trộm thì sao? Chúng ta cũng không thể để thằng bé bị đổ tội, bị đánh oan.
- Việc này... - Đỗ Thiên Hư có hơi do dự. – Nếu nó không trộm, kẻ hèn chấp nhận bị phạt roi theo phép nước. Nhưng điều tra phải rõ ràng, đừng vì nó còn nhỏ mà dung túng, loại như nó sẽ làm nhiễu loạn kỷ cương. Riêng ả kia, tôi muốn cô phải quỳ xuống xin lỗi.
Tôi thật muốn đá một phát vào mồm anh ta. Loại người gì mà ngay cả trẻ con cũng quyết ép nó tới đường cùng thế này. Một tiếng nhắc đừng hùa nhau bao che, hai tiếng sợ người ta dung túng, bỉ ổi đến thế là cùng.
Đứa bé bên đây đã ngưng khóc, nghe vậy thì nói.
- Tôi không cần anh phạt roi, tôi chỉ cần anh quỳ xuống xin lỗi chị ấy!
Tôi nhìn đứa bé mà mát lòng mát dạ. Ôi trời ơi đây mới chính là khí khái đàn ông đây này.
Ánh mắt hai anh chàng kia đều hiện lên vẻ tán thưởng. Chàng áo trắng đôi mắt nồng đậm ý cười, chàng áo xanh lại có vẻ như vui sướng khi người gặp hoạ. Đương thắc mắc đã nghe chàng áo trắng cười bảo:
- Không cần điều tra gì đâu, cái nghiên này tên là Minh Tỉnh, là cống phẩm của Chiêm Thành mà tiên hoàng ban cho ta, ngày thường luôn đặt trong thư phòng, nếu muốn xác thực thì cứ hỏi anh cả nhà ngươi sẽ biết. – Anh ta vừa nói vừa thản nhiên nhìn khuôn mặt đang từ từ biến xanh của Đỗ Thiên Hư – Còn về lý do tại sao nó lại từ thư phòng ta bay vào tay của đứa trẻ này thì ngươi cũng đoán ra rồi đó, ta chính là người ra đề mà!
Chàng áo trắng vừa nhìn Đỗ Thiên Hư vừa nhún vai, ngỏ ý rằng ta cũng không nhờ nhà ngươi đi đoạt đồ giúp.
Tôi ôm bụng cười ha hả, vừa đi vòng quanh Đỗ Thiên Hư vừa hả hê nói:
- Cái nghiên đi một vòng lại về tay khổ chủ, ha ha ha, khổ chủ người ta cũng không tiếc, anh tiếc thay cái gì. Đáng đời anh đồ bỉ ổi, cho anh chết, ha ha ha. Còn ngẩn ra đó làm gì, dập đầu xin lỗi đi chứ!
Đỗ Thiên Hư nghiến răng ken két hướng về phía chàng áo trắng mà van:
- Cầu vương gia cho tôi được phạt roi, tôi đường đường là đàn ông sao lại dập đầu trước một cô gái?
Chàng trai áo trắng lơ đãng nói:
- Anh đường đường là đàn ông, lúc nãy cũng không nghe anh từ chối hình phạt này!
- Tôi...
Rốt cục tên Đỗ Thiên Hư cũng phải cúi đầu trước quyền thế. Loại người như anh ta có lẽ cũng không ngờ tới được bản thân sẽ phải rơi vào hoàn cảnh như thế này. Lúc anh ta cúi đầu xin lỗi, tôi loáng thoáng nghe được anh ta nghiến răng ken két cùng tiếng hít thở khó khăn.
Hy vọng bài học này sẽ khiến anh ta nhớ sâu sắc, đừng bao giờ khinh thường người khác, dù chỉ là một đứa trẻ trông qua có vẻ xấu xí nghèo hèn.
- Lúc nãy đang đánh hăng say, tôi nhắm chừng võ công của em thêm trăm người nữa còn chưa rõ thắng bại, cớ sao lơ đãng để bản thân bị thương thế này?
Tôi lấy tay sờ sờ vết thương còn đang rướm máu, cười hì hì, nói:
- Nhất thời sơ ý thôi. Hôm nay cảm ơn hai anh cứu giúp. À hai anh tên gì, để sau này tôi tiện bề báo đáp.
Hai anh chàng đưa mắt nhìn nhau, tôi hiểu ý, liền chữa:
- Phi lễ chớ hỏi, phi lễ chớ hỏi.
Chàng áo xanh không nhịn được cười, bảo tôi:
- Anh tôi thứ năm còn tôi thứ sáu, cứ gọi bọn tôi là anh năm anh sáu được rồi. Còn báo đáp thì thôi không cần đâu, bọn tôi cũng chỉ đúng lúc đi ngang qua thôi.
Tôi cũng làm bộ vái hai anh chàng này một cái, dù sao bọn họ cũng đường đường là vương là tướng.
- Chị à, giúp người thì giúp cho trót, chị cho em theo đi được không? Em không có nhà để về.
- Không, bọn chị... - Đan Thanh buộc miệng nói.
Vừa nói tới đó, thằng bé đã khóc nấc lên. Tôi ngồi xuống, nhẹ giọng an ủi nó:
- Bọn chị có thể thu nhận em, nhưng em không thể đi theo tụi chị. Chị gửi em đến trường, cho em đi học được không? Em tên gì?
- Dạ em tên là Mạc Đĩnh Chi.
Thằng bé xưng tên xong lại mếu máo. Chợt nghe có tiếng đằng hắng bên kia, anh năm đã đến bên đứa bé, anh nói:
- Đồ là của ta bỏ ra, đáng lý nên theo ta mới phải.
Mạc Đĩnh Chi nhìn anh năm, rồi lại nhìn tôi, rốt cuộc nói:
- Không, em muốn theo chị ấy.
Thấy mặt anh năm đanh lại, tôi nín cười, bảo:
- Thằng bé ngốc, người ta đường đường là một vương gia, lại đi chiêu mộ em, em biết em vinh dự thế nào không. Đi theo anh ấy em được đi học, có công danh sáng lạng mà em không thích sao?
Thằng bé dụi mắt, không biết nghĩ thế nào liền quay sang anh năm rồi nói:
- Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt. Thầy năm, xin nhận của con một lạy!
Anh ta quay mặt đi, lạnh nhạt nói:
- Ta nói nhận ngươi hồi nào!
Thằng bé lại bắt đầu mếu máo.
Anh chàng sáu hai mắt tràn ngập ý cười, khiến khuôn mặt như ánh dương quang sáng bừng trong đêm tối, anh ta vẫn tựa vào gốc hoa sữa, thái độ vẫn như ung dung không màng thế sự. Nghe thế anh ta liền cười, bảo:
- Anh năm đã bỏ ra món đồ yêu thích nhất của mình thì xem như anh ấy đã thu nhận ngươi rồi. Tính tình anh ấy hay nói cứng, sau này ngươi phải chịu khó hầu hạ, còn không mau nói rõ thân thế cho anh ấy tường tận?
Mạc Đĩnh Chi thành thật nói:
- Thầy năm tại thượng, nhà con ở xứ Bàng Hà, vốn có ông tổ là Mạc Hiển Tích từng ra làm quan. Nhưng dòng họ gây ra sai trai, bị bắt tội, nên con mới thất lạc thân nhân, ra nông nổi này.
Anh chàng sáu nhíu mày:
- Là tội gì mà lại ra nông nỗi như thế? Nếu như thất lạc người nhà ta cũng có thể tìm giúp ngươi.
Mạc Đĩnh Chi không hề giấu giếm, cúi đầu rưng rưng:
- Là tội hàng giặc, trọng tội đấy ạ. Cha mẹ tôi đều thẹn quá tự sát, nên tôi mới lưu lạc đến đây. Thượng hoàng đã trị tội cả làng của tôi, bắt dân làm lính hầu cho các vương hầu, không cho ra làm quan...
Nói đến đây, cả mấy người đều rơi vào trầm mặc. Lát sau, chỉ nghe anh năm trầm giọng nói:
- Nếu như ngươi là người có đức có tài, muốn vì xã tắc lập công chuộc tội, thì ta há lại phụ ngươi?
Mạc Đĩnh Chi dập đầu ba cái, thưa:
- Thầy năm, học trò Mạc Đĩnh Chi quyết không hai lòng, có trời đất chứng giám.
Tôi thấy cõi lòng ẩn ẩn niềm xúc động không nói nên lời.
Thoắt cái đã sang canh hai, phía Phiêu Hương lâu hôm nay hình như có tiết mục gì đó đặc sắc, trong lòng tôi vạn lần muốn đi, tò mò xem tuyệt kỹ của cô nương chốn kinh thành là gì, có như ở Vạn Kiếp hay không.
Có điều Đan Thanh đúng là một cô nàng thích lãi nhãi, cứ lãi nhãi bên tai tôi, khiến tôi nảy sinh suy nghĩ đánh ngất cô nàng. Cũng may số Đan Thanh vẫn còn may mắn, hai vị vương gia và học trò nào đó cùng lúc cũng muốn đi xem.
Nghe nói người kinh thành rất chuộng nghệ thuật, nhảy múa thường xuyên được tổ chức trong cung đình và trong dân gian, được hôm hội họp, có lẽ nhị vị vương gia này muốn ra dân gian để đổi gió.
Nhưng nhanh chóng, tôi đã cảm thấy hối hận, tiếc mục đặc sắc của Phiêu Hương Lâu hoá ra chính là màn ca trù của cô đào đắc khách nhất. Đừng nói tôi là một người không có tâm nhãn, dù rất nhiều người yêu thích bộ môn này, nhưng tôi hoàn toàn không có phúc phần đó.
Thế cho nên giữa những ánh mắt say mê, giữa những cái đầu gật gù cùng tiếng vỗ tay như sấm dậy, tôi sực tỉnh trong cơn mê man, tâm trạng cũng không khả quan lắm. Mạc Đĩnh Chi bảo tôi chính là con sâu ngủ, tiết mục đặc sắc thế mà cũng ngủ được làm tôi ú ớ không biết phải giải thích ra sao. Anh sáu nhìn tôi mỉa mai:
- Vậy mà cũng nằng nặc đòi đi cho bằng được!
Tôi ngáp một cái, không thèm trả lời.
Trên đời có buổi tiệc nào không tàn, trước khi đi tôi dặn dò Mạc Đĩnh Chi phải cố gắng học tập, phải biết nghe lời thầy năm, có cơ hội tôi nhất định sẽ đến thăm.
Thằng nhóc lại nhìn tôi mếu máo. Đôi mắt trong veo như mèo con.
Hai vị vương gia cố ý hỏi danh tính, nhưng tôi không nói. Mạc Đĩnh Chi níu áo tôi, thổn thức:
- Chị không cho em biết tên, sau này làm sao em tìm được chị để báo đáp.
Tôi nói:
- Có duyên chắc chắn sẽ gặp lại, sau này khi em thành tài, chị em ta chắc chắn sẽ gặp lại nhau.
Tôi bái biệt, lại tiếp tục chuyến hành trình dài đằng đẵng của mình.
Sáng tinh mơ, tôi lại bị Đan Thanh gọi dậy. Chẳng hiểu sao cùng đi, cùng trở về, thậm chí Đan Thanh còn ngủ trễ hơn tôi nữa nhưng cô ả vẫn tỉnh táo càm ràm.
Thấy tôi vẫn như cũ từ trong phòng bước ra, mấy người cấm vệ quân cũng thả lỏng, không hỏi han gì.
Xuống tầng dưới cùng, điểm tâm đã bày trước mặt, cấm vệ quân cũng đứng sẵn sàng trước cửa khách điếm từ lúc nào. Điểm tâm tinh tế, nhưng tôi chỉ uống nổi một bát canh gà nóng hổi cho ấm bụng.
Hôm nay có mưa lâm thâm, tôi ngồi trong xe cuộn tròn trong chiếc chăn ấm, ngủ gà ngủ gật, lại bắt đầu nhung nhớ đến Quốc Tảng ở Vạn Kiếp, không biết tâm trạng anh ta đã đỡ hơn chưa. Trong cơn chập chờn tôi thấy Đan Thanh lúi húi giữ lửa thêm than, thỉnh thoảng còn vén chăn giúp.
Trong lúc ngủ mơ màng nghe tiếng chuông gióng xa, ngân nga vang vọng trong không gian thoáng đãng. Tôi khẽ mở mắt, rèm mi còn đọng hơi sương. Thấy tôi thắc mắc, Đan Thanh vén rèm hỏi một vị đang cưỡi ngựa kế bên, anh ta liền giải bày đấy là tiếng chuông Trấn Vũ ở trấn bắc.
Đi qua cửa Đại Hưng vào Phượng Thành, không gian cũng yên ắng hẳn. Đây có lẽ là khu vực phủ đệ dành cho các quan lại, quý tộc sinh sống. Tôi bị cái tĩnh mịch uy nghiêm kia đưa vào giấc ngủ dài, suốt dọc đường chỉ nghe tiếng bánh xe va xuống đường lộc cộc, mùi hoa sữa thơm thoang thoảng cùng tiếng mưa rơi rả rích. Thỉnh thoảng chỉ thấy Đan Thanh tựa vào rèm cửa ngắm mưa.
Đến cung Quân Hoa, đầu cổ đã sớm váng vất, tôi cũng chẳng còn tâm trạng đâu mà ngắm nghía phong cảnh trong cung. Cung nhân quỳ đầy trong sân, tôi không thèm nhìn mặt mà chỉ phất tay cho họ lui xuống rồi chui ngay vào phòng ngủ đánh một giấc.
Nửa canh giờ sau phải đến ra mắt thái hậu cùng hoàng hậu, nhưng tôi chỉ thấy đầu choáng mắt hoa, e là khó mà phụng mệnh. Thế nên tôi vô thức đi vào giấc ngủ nặng nề, tất cả mọi thanh âm đều biến thành những tiếng ồn ào vô nghĩa cùng tiếng mưa trầm đục rơi trên mái hiên cứ loạn xạ nhảy trong đầu như điệu thôi miên.
Trong lúc chập chờn nửa tỉnh nửa mê, đầu óc mụ mị, chỉ nghe tiếng Đan Thanh khóc lóc bên tai. Tôi thầm kêu không ổn rồi, hoá ra cảm giác buồn ngủ vốn không phải đơn thuần là do thiếu ngủ mà chính do bản thân đã đổ bệnh dẫn đến hôn mê.
Kể từ khi bị thương ở Vạn Kiếp, tôi cảm giác mình cũng mất đi một phần sức khoẻ, vết dao khắc sâu vào vai tôi tuy đã lành nhưng lúc trở trời như bây giờ cũng âm ỉ đau. Tôi lại nhớ tới Quốc Tảng, ngày ấy anh ôm tôi giữa bụi đất mịt mù, mùi hương trên người anh đột nhiên ùa về làm đầu tôi càng thêm váng vất. Tôi biết tôi đã mất anh.
Nhưng biết làm sao được, bọn tôi không thể chung đường, tôi cũng phải tập quên thì hơn.
Lúc tôi tỉnh lại đã là trưa hôm sau, khi cái nắng ấm áp của mùa đông giá lạnh chiếu vào cửa sổ rọi lên mặt. Trong cơn gió thốc se lạnh chỉ nghe thoang thoảng hương hoa đào thơm ngát cùng mùi than sưởi ngai ngái dưới gầm giường. Mới đây mà đã sắp sang xuân.
- Mẹ ạ, em ấy đã tỉnh rồi!
Bên tai tôi vang lên tiếng nói trong trẻo êm dịu, thoang thoảng như tiếng gió xuân. Tim tôi bỗng giật thót, ôi trời ơi, thật đúng là rồng đến nhà tôm đây mà. Trong lòng thầm kêu ây da, mình không đi tìm phiền phức, phiền phức cũng tự tìm đến mình.
Len lén mở mắt nhìn, chỉ thấy một cô gái áng chừng mười chín đôi mươi đang ngồi cạnh giường. Chị ta mặc viên lĩnh vàng nhạt, tóc búi cao, dung nhan vạn phần xinh đẹp, mày mắt như hoạ, khí chất như mai, mỗi một cái nhấc tay cũng thật nhã nhặn, khiến tôi phải căng mắt ra mà nhìn. Tuy không đeo trang sức cũng không trang điểm loè loẹt, nhưng dung mạo cao quý đẹp đẽ. Tôi nghĩ, mấy thứ dung chi tục phấn kia làm sao xứng với chị ta.
- Thật tốt quá, tốt quá rồi, để mẹ đến xem..
Cách đó tầm hai bước chân là một người phụ nữ ngoài bốn mươi, tuy tóc mai hai bên đã có vài sợi bạc, nhưng dung mạo vẫn chưa hằn dấu vết của thời gian.
Cô gái áo vàng ngồi dịch sang bên, chừa chỗ cho bà ngồi xuống. Bà ấy nắm lấy tay tôi vuốt ve, ánh mắt mềm mại.
- Làm mẹ lo muốn chết, sao sức khoẻ của em con lại yếu như vậy, mẹ còn nhớ lúc nhỏ em con là đứa khoẻ mạnh, thật không hiểu cha con nuôi kiểu gì nữa.
Cô gái áo vàng vội nói:
- Mẹ đừng trách cha con, em Tĩnh bị thất lạc đã lâu, nay vừa tìm lại được, em ấy không sống trong vương phủ, đương nhiên cha con cũng không thể chăm sóc em ấy như mấy người chúng con được.
Tôi mới ngã ngửa, hoá ra đây là hoàng hậu Quyên Thanh và thái hậu.
Thái hậu nghe thế cũng không tỏ ra hài lòng, bà hơi cau mày, trầm giọng:
- Chỉ giỏi bênh cho cha con. Nhà này được mỗi em con là hiểu chuyện, biết mẹ thích tương Đình Đỗ, vào kinh mệt nhọc còn không quên mua cho mẹ. Lần này vào cung rồi, con phải nhớ bù đắp cho nó có biết không?
Vừa may Đan Thanh còn nhớ mang mấy lọ tương vào cung, chiếm được hảo cảm giúp tôi. Hai người họ người một câu ta một câu, nhân vật chính trong câu chuyện của họ là tôi cũng không thể xen vào được.
Hoá ra sức mạnh tình thân chính là dùng vào việc này, tôi cứ nghĩ thâm cung ghê gớm lắm, người sông ta chết đấu đá không ngừng, vào cung sẽ có một đám phụ nữ điêu ngoa khiêu khích. Không lường trước được như có người lót sẵn đường, rơi vào một cái chăn ấm áp, có chị gái có cô ruột chiếu cố, trong cung quanh đi quẩn lại cũng toàn thân thích với nhau.
Đợi thái hậu đi rồi, chị Trinh mới lại ngồi lên sập gỗ, vén tay áo tôi để lộ ra chiếc vòng cẩm thạch trắng. Chị ta khẽ vuốt ve, nước mắt rơi lã chã:
- Thì ra em vẫn chưa chết, mấy năm nay em đã ở đâu, tại sao không trở về?
Tôi cuống quít ngồi dậy, quỳ trên sập, cúi đầu thưa:
- Em không dám giấu chị, em chỉ là con nuôi của cha mẹ, được Tuệ Trung Thượng sĩ ban cho cái tên này. Em chỉ là kẻ mất trí lưu lạc tới đây, cũng không hiểu tại sao mình lại bị hiểu lầm thành em chị.
Chị Trinh gật đầu, xem như đã hiểu, lại hỏi:
- Em vào phủ lâu chưa, tại sao cha không phái người nói cho ta biết?
- Bẩm chị, em vào phủ cũng được một năm rồi, em không biết tới em chị, cũng không cố ý dựa vào chị ấy để vào đây tranh với chị. Trong phủ cũng không biết tại sao quan gia lại biết đến sự có mặt của em.
Chị Trinh nhìn tôi khóc một hồi mới nhỏ giọng than thở:
- Em giống Tĩnh lắm, bảo sao cha mẹ lại chú ý em. Còn việc quan gia tại sao biết đến em thì thú thật chị cũng không rõ. Thôi nếu như vậy thì chị cũng sẽ coi em như em gái ruột của chị mà đối đãi.
Tôi nghĩ trên đời này, nếu như tôi đã mang cái tên Tĩnh thì chắc chỉ mỗi Quốc Tảng là không xem tôi là Tĩnh mà thôi.
Chị Trinh nắm lấy tay tôi, sờ lên mái tóc tôi như một người chị hiền từ dạy dỗ em gái mình.
- Quan gia có lẽ nhớ nhung em Tĩnh lắm mới làm ra chuyện làm lỡ dỡ em như thế này, nếu như em mất trí, cũng có khả năng em là Tĩnh mà ơn trên ban xuống cho chúng ta. Đã vậy em cố gắng hầu quan gia thay cho Tĩnh, quan gia rất tốt, sẽ không bạc đãi em đâu.
Nghe đến đây, tôi tuy vẫn còn chưa gọi là thông tỏ mọi bề nhưng cũng bất chợt thở dài thườn thượt. Có điều việc tôi nhập cung hôm nay, cũng chẳng biết là do quan gia còn nhớ tình xưa, hay lại là do người đã muốn tìm vui duyên mới, người ở cung Quan Triều đó khi gặp tôi không biết sẽ có thái độ nhất quyết như khi anh ta ban hôn hay không?
Tôi vì chuyện này mà suy nghĩ rất nhiều, suốt một thời gian dài kể từ khi gặp hoàng hậu cũng cáo bệnh không tiếp khách. Hoàng hậu nuông chiều tôi không trách cứ, nhưng ngay cả vị quan gia chưa từng gặp mặt kia cũng dường như bận rộn đến mức bỏ quên một phu nhân mới vào cung là tôi.
Ngày thứ hai sau khi gặp thái hậu, người cùng Thượng hoàng đều trở về hành cung Thiên Trường ở Tức Mặc. Bình thường cả hai vị đều ngự tại nơi này, chỉ khi có việc quan trọng mới trở về cùng quan gia chăm lo sự vụ. Hoàng hậu lại tiếp tục cuộc sống thanh tu của mình, nhưng bởi vì cung Thuý Hoa của hoàng hậu nằm sát bên, nên cứ cách vài ba bữa lại bị tôi sang làm phiền toái.
Nói chung trong cung quá mức yên ắng, cả cung phi của hoàng thượng cũng tối giản đến mức không ngờ. Tôi không có gì phải phiền lo, cuộc sống chỉ như một câu: Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự!
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]