Lan Bình nghênh đón vài vị khách đặc biệt, họ là sứ giả của hai vị vương gia Tố Gia Lạc và vương gia Sát Sa Khắc của Nam Đồng.
Hai vị vương gia này là hai người chú của Phổ Tô Bình Sa.
Sứ giả truyền đạt thư tín, vương gia hi vọng có thể thực hiện hiệp ước hòa bình với triều Kỳ, nội ứng ngoại hợp, lật đổ sự thống trị của Phổ Tô Bình Sa.
Hành vi của Phổ Tô Bình Sa cực kỳ ngang ngược.
Sứ giả nói với bọn ta, cái kẻ giáo chủ thần giáo kia vốn là một sủng phi của phụ thân Phổ Tô Bình Sa, ả ta là người của triều Kỳ. Tướng mạo của nữ nhân này rất xinh đẹp, dựa vào khuôn mặt đó, ả đã khiến cho phụ thân của Phổ Tô Bình Sa mê như điếu đổ.
Càng khó tin hơn là Phổ Tô Bình Sa cũng gục ngã dưới gấu váy thạch lựu của ả.
Tuy Nam Đồng không có những phép tắc nghiêm ngặt như triều Kỳ, việc nữ tử tái giá là chuyện thường tình nhưng cũng không có chuyện cho phép mẹ kế gả cho con riêng của chồng. Việc hai cha con cùng ăn nằm chung với một người phụ nữ sẽ bị người ta cười chê.
Người phụ nữ này biết chút ít về thuật bói toán, cho nên đã quyết định sáng lập thần giáo, ngày ngày ả đều giả thần giả quỷ nhưng cũng lôi kéo được rất nhiều người tin tưởng cung phụng mình.
Phổ Tô Bình Sa còn phong ả làm Đại Quốc Sư nên giáo chúng của thần giáo ngày một nhiều.
Phổ Tô Bình Sa không ngó ngàng đến phi tử trong hậu cung, mỗi ngày đều ở chung với người phụ nữ này.
Tên khi sống ở Nam Đồng của người phụ nữ này là Đát Lệ Lan, không ai biết cái tên hồi còn ở triều Kỳ của ả ta.
Sau khi phát hiện Phổ Tô Bình Sa càng ngày càng sa đọa, hai vị vương gia hết lời khuyên giải.
Chẳng ngờ, Phổ Tô Bình Sa ấy thế mà nổi sát tâm (= có ý định giết người) với hai vị vương gia.
Hai vị vương gia chỉ có thể im lặng giữ mình, không dám đề xuất bất cứ kiến nghị nào với đứa cháu này nữa.
Bọn họ phát hiện sự ảnh hưởng của Đát Lệ Lan với Phổ Tô Bình Sa càng ngày càng lớn, bắt đầu nhúng tay điều tra quá khứ của ả ta.
Nhưng thân thế của Đát Lệ Lan rất thần bí, không tra rõ được ả rốt cuộc là người vùng nào của Đại Kỳ.
Có điều, gần đây, tai mắt được hai vị vương gia cài cắm trong cung truyền tin tức tới, nói dạo này Đát Lệ Lan luôn luôn ưu sầu đắn đo, dường như ả muốn đón một người từ Đại Kỳ đến đó.
Nhưng thời gian chậm chễ đã lâu, người này mãi chưa bước vào địa giới của Nam Đồng.
Vì lẽ đó, cả ngày lẫn đêm, Đát Lệ Lan đều lấy nước mắt rửa mặt.
Phổ Tô Bình Sa vô cùng tức giận cùng đau lòng.
Hắn không ngừng an ủi Đát Lệ Lan, có một lần, trong lúc sốt sắng, hắn đã gọi ả là Minh Trân ở ngay trước mặt của người đưa tin.
Sắc mặt Đát Lệ Lan thoáng cái biến đổi, Phổ Tô Bình Sa ân hận vì bản thân đã lỡ lời.
Hắn uy hiếp tất cả những người có mặt lúc đó, nếu kẻ nào dám truyền ra ngoài sẽ bị hắn rút lưỡi.
Chắc hẳn "Minh Trân" (明珍) chính là tên của ả lúc ở Đại Kỳ, không biết liệu có đúng là hai chữ Hán này hay không.*
(*Trong tiếng Bông, tồn tại nhiều chữ hán đồng âm nhưng chữ viết khác nhau.)
Không rõ vì nguyên cớ gì mà nữ tử này phải giữ cái tên ở triều Kỳ của mình kín như bưng.
Do đó mới phái sứ giả đến đây trước để hỏi thăm công chúa Linh Lung, Minh Trân ở triều Kỳ có hàm nghĩa gì đặc biệt ư?
Còn nữa, tuy rằng dung quang của Đát Lệ Lan tuyệt mỹ nhưng chân lại bị què.
Ta đọc đến đây, không khỏi hít ngược một hơi khí lạnh.
Có lẽ không phải là Minh Trân (明珍) mà là Minh Chân (明真).*
(*Cả hai chữ đều phát âm là /míngzhēn/ giống nhau.)
Là danh hiệu của vị công chúa đã đi làm nữ đạo sĩ kia.
Công chúa Vĩnh Thái là cô cô của bọn ta, công chúa Minh Chân đương nhiên cũng vậy.
Bởi vì thân thể trời sinh khiếm khuyết, bà ấy không chịu gả đi, một lòng muốn tu đạo, tự nguyện làm đạo sĩ để cầu phúc cho đất nước.
Không phải bà ấy vẫn luôn chuyên tâm tu hành sao?
Ta vội vã gửi thư cấp tốc đến Khúc Oai cho Tam ca.
Cũng may, Lan Bình cách Khúc Oai không xa, thư nhanh chóng được đưa tới tay Tam ca.
Chuyện này có liên quan đến cơ mật của hoàng gia, có lẽ Tam ca chỉ có thể đem sự tình bẩm báo rõ ràng cho phụ hoàng, cho phép huynh ấy đi điều tra chân tướng.
Quân đội của Phổ Tô Bình Sa đã tập kết khá đầy đủ, hắn muốn tự mình ngự giá thân chinh.
Hắn hô vang khẩu hiệu "San bằng Đại Kỳ, giành lại Kỳ đô*".
(*Kỳ đô = kinh đô của Đại Kỳ)
To mồm gớm nhỉ.
Vấn đề ở chỗ, hắn là quân chủ của Nam Đồng, sao có thể nói là "giành lại" được?
Bên phía triều Kỳ đã chuẩn bị tương đối đầy đủ, khỏi phải nói, trận chiến lần này, Tần Dược Phong đánh rất hay.
Lan Bình cũng điều một phần binh mã do ta và Quyên Nhi cô cô dẫn đầu.
Bọn ta đã nhận được tình báo từ trước, Phổ Tô Bình Sa sẽ dẫn đầu đội quân tinh nhuệ trung thành nhất của hắn tiến công, hắn ta cần có một trận thắng để chứng minh năng lực của bản thân trên phương diện quân sự.
Bọn ta sẽ dốc hết toàn lực đánh một trận ra trò.
Vương gia Tố Gia Lạc và vương gia Sát Sa Khắc sẽ lựa thời cơ để phát động chính biến trong thủ đô của Nam Đồng, đề cử người khác xưng vương, đồng thời phá hủy tế đàn của thần giáo, bắt sống Đát Lệ Lan.
Tất cả mọi sự tiến hành thuận lợi.
Ở trên chiến trường, Phổ Tô Bình Sa đã chịu nhiều tổn thất, đội quân thân tín của hắn thương vong vô số.
Sĩ khí chiến đấu của binh lính Nam Đồng càng thêm sa sút.
Khi đối diện với thất bại, Phổ Tô Bình Sa luôn nổi cơn tam bành nhưng dần dần, hắn phát hiện ra chỗ bất ổn, nhiều tướng lĩnh căn bản không hề muốn chiến đấu.
Thân là vua một nước, hắn cảm thấy uy nghiêm của bản thân bị mạo phạm, hắn phẫn nộ muốn giết người.
Nhưng mỗi lần hắn nổi cơn tam bành, đều có một đám người chạy đến can gián, khuyên hắn không thể trận tiền sát tướng* được.
(*trận tiền sát tướng: trước trận chiến giết tướng quân)
Hắn chỉ có thể ký thác hi vọng vào đội quân thân tín của mình, mong rằng họ sẽ giành được một trận thắng lớn.
Có điều, chuyện này là điều không thể nào xảy ra.
Trong trận chiến này, ta và Quyên Nhi cô cô tung hoành ngang dọc, giết địch thuận tay vô cùng, xông pha như cá gặp nước.
Quyên Nhi cô cô nói bà ấy đã dùng đến cả phần sức mạnh của mẫu phi luôn rồi.
Ánh mắt Tần Dược Phong nhìn ta rất phức tạp.
Ta không hề giáng làm quận chúa gả cho hắn, vẫn thực hiện được ước mơ được tung hoành nơi sa trường.
Địa hình của vùng đất phương nam phức tạp, không phù hợp để sử dụng kỵ binh.
Khi tác chiến bộ binh, dáng người cao tám thước của ta chiếm ưu thế đặc biệt.
Không ít người Nam Đồng đã nghe nói đến danh hiệu Công Chúa Dạ Xoa của ta, trong lòng bọn họ đều nảy sinh nỗi khiếp sợ với ta.
Khi trông thấy dáng vẻ ta vung múa rìu lớn Tuyên Hoa, rất nhiều kẻ vắt chân lên cổ chạy trối chết.
Thực ra ta không lợi hại đến vậy nhưng cũng không ngăn nổi nỗi sợ vô hình trong lòng bọn chúng khi nghe những lời đồn thổi về quỷ thần kia.
Ta liên tiếp chém ngã hai người, liền có kẻ nói ta một hơi giết chết hai mươi tên.
Cuối cùng lời đồn càng truyền càng vô lý, đến độ chỉ cần ta hét to một câu "Ta chính là Công Chúa Dạ Xoa" thì lập tức có kẻ quỳ xuống xin hàng.
Hồi còn nhỏ, ông ngoại nói với ta, chỉ cần trận đánh đầu tiên dùng hết sức lực, thể hiện sự dũng mãnh vô song của bản thân, vậy về sau, mỗi trận đánh qua đi, bên địch sẽ tự động tăng thêm công trạng cho con, chỉ cần con đứng ở đó thôi, cũng sẽ có kẻ tự động đầu hàng.
Bây giờ, ta hoàn toàn hiểu thấu lời dạy bảo của ông ngoại.
Ta không lợi hại đến vậy nhưng kẻ địch có thể khiến ta trở lên vô cùng xuất sắc.
Không biết kẻ nào đã đồn thổi, nói cái gì mà: "Công Chúa Dạ Xoa đã thề sẽ bổ nát óc của Phổ Tô Bình Sa".
Phổ Tô Bình Sa bắt đầu chiến thuật tránh né ta.
Sĩ khí của hắn bị mài nhẵn rồi.
Đúng lúc này, Nam Đồng truyền đến tin phát sinh chính biến.
Phổ Tô Bình Sa hoàn toàn không còn tâm tư chiến đấu nữa, hắn vội vã rút quân, ngựa không ngừng vó* trở về.
(*ngựa không ngừng/dừng vó: không kịp nghỉ ngơi)
Chỉ trong một đêm, quân đội của Nam Đồng lui về như thủy triều rút.
Triều Kỳ dùng cái giá rất nhỏ, giành được thắng lợi.
Trên đường rút về đô thành, các tướng lĩnh dưới trướng của Phổ Tô Bình Sa đã phát động binh biến, trực tiếp giết chết hắn.
Trước lúc chết, hắn vẫn còn lầm bầm rằng mình không hoàn thành được nguyện vọng của Đát Lệ Lan, không thể giành được Kỳ đô.
Đát Lệ Lan cũng chết rồi, bị hai vị vương gia phái người siết cổ đến chết trong một gian phòng hoang vắng.
Hai kẻ này bị hạ táng gấp gáp qua loa.
Thần giáo kia sụp đổ như đất lở đá tan, chim bay thú tán.
Bên kia, mật thư của triều đình được gửi đến tay Tam ca.
Bức mật thư này là do người mà phụ hoàng phái đi điều tra về công chúa Minh Chân, gửi cho Tam Ca.
Đát Lệ Lan quả thực chính là công chúa Minh Chân.
Ban đầu, công chúa Minh Chân đến cung Ngọc Thanh xuất gia, cách kinh thành không xa.
Nhưng sau này, bà ấy bảo muốn triệt để lánh đời khổ tu, từng vân du khắp nơi, tìm chốn ẩn cư.
Sau này, bà ấy nhìn chúng một chốn sơn lâm ở quận Mãnh Tiên, quan phủ vùng ấy đã xây dựng đạo quan ở nơi đó.
Do nằm ở vùng hoang vu hẻo lánh, lại thêm thân phận đặc thù của bà ấy, cho nên cũng chẳng có ai đến quấy rầy việc "tu hành" của bà ấy, ai ngờ đâu, bà ấy đã sớm bị thay xà đổi cột* rồi.
(*thay xà đổi cột: là một thành ngữ Trung Quốc, là kế thứ 25 trong 36 kế, ý chỉ việc âm thầm giở thủ đoạn, ngấm ngầm thay đổi bản chất, nội dung của sự vật, sự việc nhằm mục đích lừa dối, che mắt.)
Hai thị nữ theo hầu công chúa Minh Chân lúc xuất gia vẫn luôn giở trò gian dối lọc lừa. Mỗi lần triều đình phái người đến hỏi thăm, hai kẻ này hết nói công chúa đang bế quan, lại đến đeo khăn che mặt để đóng giả lừa gạt, nhiều khi chỉ nghe thấy tiếng chứ chẳng thấy người đâu, thực ra tất cả do hai kẻ này thay phiên nhau đóng giả mà thôi.
Người được phái đi thăm hỏi công chúa đã xuất gia chẳng phải là người nắm chức vụ trọng yếu, người đến cũng chỉ hỏi thăm qua quýt lấy lệ, làm gì quan tâm đến thật giả.
Mỗi năm, tiền hương hỏa nhang đèn triều đình gửi cho công chúa Minh Chân và tiền hiếu kính của quan phủ vùng ấy dâng lên đều bị hai ả thị nữ này tiêu pha phung phí.
Quan phủ cũng phái sĩ binh canh phòng bảo vệ đạo quán nhưng việc quản lý giám sát lỏng lẻo, rất dễ bị mua chuộc bằng tiền hối lộ.
Cho nên, thực ra, chuyện rốt cuộc công chúa Minh Chân có ở bên trong đạo quán hay không, cũng chẳng có ai thèm quan tâm.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]