Buổi sáng hôm sau, Nguyên Huân không thấy Hân Bảo Thư, chàng hỏi người chủ thuyền, y trả lời là đêm hôm qua, lúc đầu giờ Tý, Bảo Thư đã lên bờ, rồi không thấy trở về. Nguyên Huân cũng không tìm thấy hành trang của nàng, chỉ có lá thư để lại. Đọc xong lá thư, lòng chàng đầy thương cảm và buồn bã, biết là Bảo Thư quyết ý ra đi, có tìm kiếm ũng không được, vả lại đất trời mênh mông biết nàng về u! Chàng trả tiền cho người chủ thuyền, thờ thẫn lên bờ. Nguyên Huân nhẩm tính đoạn đường xa còn lại, từ Hán Khẩu đến Yên Kinh, đường còn mấy ngàn dặm, phải xuyên qua Hồ Nam, Sơn Đông, rồi Hà Bắc. Yên Kinh thuộc phủ Khai Phong, tỉnh Hà Bắc. Chàng vào quán ăn dùng điểm tâm, rồi nhờ người chủ quán mua giúp một con ngựa với đầy đủ yên cương. Đó là một con ngựa quí, mình nhỏ, thuộc loại ngựa Vân Nam, giống ngựa này nhỏ nhắn nhưng sức chịu đựng hết sức dẻo dai, bền bỉ, tuy không đẹp bằng ngựa Á Rập nhưng nó chịu được mọi thời tiết, hơn hẳn cả loài ngựa Mông Cổ, dù loại này có chân to, lông dày, ức nở, gồm có hai loại: Loa mã và Công mã. Chàng mang theo một số lương khô, để đề phòng những nơi không có quán trọ. Ngày đi đêm nghỉ; có những đêm trăng sáng, gặp chốn thanh u, chàng thúc ngựa đi luôn cả đêm, hoặc nghỉ chân, ngủ lại bên một sườn núi, một cánh rừng. Nguyên Huân cố quên hết mọi điều, dốc tâm luyện công, không lúc nào ngơi nghỉ, vì chàng biết rằng kẻ thù đang đợi chàng phía trước. Bởi vậy, tuy chỉ mới xa quê hương chưa đầy bốn năm, mà công lực chàng đã tinh tiến bằng người khổ luyện trên mười năm. Nhẩm tính ngày lên đường, từ Hán Khẩu, chàng đoán chừng mình đang ở giữa ranh giới thuộc tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam, hoặc giả có thể đã đang trong địa phận của tỉnh Hồ Nam. Chàng cứ nhắm hướng chính Bắc mà đi. Một hôm, Nguyên Huân gặp một rặng núi cao ngăn cách, ngựa không thể nào vượt qua được qua được, sườn núi dựng đứng, nhưng toàn cảnh hết sức u nhã. Còn đang phân vân không biết tính sao, ánh mắt chàng thốt nhiên mừng rỡ và thúc ngựa chạy về phía trước. Dưới gốc cây đại thụ, một người tiều phu dựa lưng ngồi nghỉ, Nguyên Huân xuống ngựa lễ phép hỏi thăm. Người tiều phu đã già nhưng thân thể còn cường tráng, nhìn chàng như thầm quan sát, một lúc rồi nói : - Tráng sĩ đi lầm đường rồi, không có lối nào đi qua rặng núi này cả, phải bọc lên hướng Tây khoảng tám mươi dặm, sẽ gặp một con đường vượt đèo mới qua được dãy Nam Sơn này, hoặc giả đi về hướng Đông hơn một trăm dặm sẽ gặp một nhánh sông chảy hướng Bắc Nam, cứ dọc theo triền sông mà đi, nhưng địa thế hiểm trở lắm! Nguyên Huân hỏi : - Lão trượng, không còn đường nào khác nữa sao? Lão tiều nhìn ngọn núi ngất trời, vách đá dựng đứng, nói : - Lão chưa thấy có ai có khả năng vượt qua được núi này bằng ngựa cả, lão cả đời kiếm củi quanh quẩn nơi này mà chưa phát giác được một con đường xuyên sơn nào khác, chỉ nghe đồn trong dân gian có một hang động xuyên qua lòng núi, nhưng đến giờ không ai tìm ra! Bỗng chàng để ý đến tiếng động “uồm uồm” vang đến từ phía chân núi, nên hỏi : - Thưa lão trượng tiếng động ấy vì đâu mà có vậy? Lưng chừng vách đá, khoảng một trăm trượng, xuất phát ngọn thác chẳng biết từ đâu chui ra, lượng nước lớn lắm! - Lão trượng, thanh âm có vẻ khác lạ lắm! - Lão cũng thấy như vậy, nhưng chẳng ai biết vì sao cả. Thác chảy ngầm trong lòng núi và trổ ra, thiên nhiên kỳ diệu lắm, chẳng ai biết được! - Thưa nếu vậy, trên đỉnh Nam Sơn này hẳn nhiên phải có một hồ nước, rồi chảy ngầm vào một hang động, và thoát ra thành thác nước này? - Thì chắc là vậy! Nguyên Huân vẫn tiếp tục : - Nhưng nước ở đâu chảy vào hồ ấy mới được chứ? - Miền này, mưa trên đỉnh núi quanh năm, nước quanh đỉnh núi tích tụ lại cũng nên! Nguyên Huân trầm ngâm không nói gì. Lão tiều phu khom người quảy gánh củi lên vai, nói : - Đã trưa rồi, lão phải về thôi. Lối ba dặm ở hướng Đông nam có một sơn thôn, lão họ Hạng. Thôi, chào tráng sĩ! Nguyên Huân đứng dậy chào từ biệt. Và cũng vì lời của lão tiều, chàng tò mò dắt ngựa đi dưới những tàn cây lớn lần tìm đến ngọn thác. Khu sơn lâm này là một khu rừng thuần khiết, không có loại cây tạp nhỏ; càng đi sâu vào chân núi, quang cảnh của rừng càng u nhàn. Chàng gặp một dòng suối chảy ngang chặn lối đi. Suối không sâu lắm, nước trong như ngọc, chảy lặng lờ qua từng gộp đá, những phiến đá bị bào nhẵn bởi dòng nước xua theo thời gian, từng đàn cá nhỏ đủ màu nô đùa trong lòng nước mát. Hai bên bờ cát mịn, vàng óng ánh. Ánh nắng xuyên qua các tàn cây của hàng đại thụ cao ngất hai bên bờ suối, bóng nắng lung linh, phản chiếu màu cát vàng dưới lòng suối, con suối như biến thành một giải nước vàng lấp lánh.. Dưới những bóng cây, cỏ non mơn mởn, Nguyên Huân thả cương, con Hoa Tâm khôn ngoan, như hiểu được ý chủ, thong thả nhẩn nha gặm cỏ bên suối. Nước mát quyến rũ chàng, Nguyên Huân thả người tắm trong dòng hoàng ngọc tuyền. Chàng đi dọc theo dòng suối, cẩn thận mang theo thanh Bạch Hạc và hành trang, con ngựa lững thững sau lưng chủ. Từ ngày con Hoa Tâm thuộc về chàng, những ngày đầu còn nhớ chủ cũ, biếng ăn, nhưng dần dần, bởi cảm nhận được sự chăm sóc đầy thương yêu của Nguyên Huân, lòng cảm mến giữa người và vật vì thế phát sinh. Nguyên Huân ngước nhìn lên dòng thác, thác nước cuồn cuộn đổ ầm ầm vang vọng cả khu rừng, dải lụa bạc khổng lồ đổ xuống vỡ tan thành bọt nước trắng xóa. Đứng sững người nhìn ngọn thác, và trong tiếng động bất tuyệt do nước vỡ gây ra, Nguyên Huân lắng nghe thấy một âm thanh khác uồm uồm bất tận. Đột nhiên chàng nhận ra dưới chân mình một vật lạ, lấp lửng dưới lớp cát, chàng cuối xuống mò lên, và trên tay chàng là một thanh Truy thủ, không biết chôn dưới lớp cát vàng từ khi nào, mà lớp rêu phong và cát ẩm hằn dấu trên chuôi đao, chuôi được làm bằng loại sừng trắng, không phải ngà voi, không phải gạc hươu nai mà bằng một loại sừng lạ. Cầm lấy chuôi đao, Nguyên Huân cảm nhận một hơi ấm tỏa ra. Sừng Tây ngưu chăng? Chẳng lẽ một loại sừng Tê giác, một loại thuốc cực quý, lại có màu trắng hồng đẹp như thế? Đuôi thanh Trủy thủ chạm trổ một con chim ưng xòe cánh. Lưỡi đao bằng loại thép xanh biếc, tỏa hơi lạnh. Chàng không biết nó được vùi lấp bao lâu dưới cát, mà khi sợi tóc được đặt ngang, sợi tóc bị hơi thổi của chàng ép vào lưỡi đao, đứt lìa. Nguyên Huân mừng rỡ nâng niu thanh trủy thủ quý giá. Tiếc thay không có võ đao, mà lưỡi đao lại sắc như nước. Có đám trúc mọc trên bờ, chàng chặt một đoạn, ốp lại làm vỏ đao. Thanh Trủy thủ quí báu kia nằm im trong chiếc vỏ đao tầm thường. Bây giờ chàng mới ngạc nhiên tự hỏi, thanh đao quý ấy, tại sao thất lạc nơi này, và xuất xứ của nó không thể từ một nhân vật tầm thường được! Chàng ngước mặt trông lên, đỉnh Nam Sơn chìm trong mây, dựng đứng đến chóng mặt. Quả thực, không ai có thể lên đến đỉnh núi bằng con đường vách núi sừng sững như tường thành này. Chàng lên bờ lấy lương khô ra ăn. Đám hoa bên bờ suối tỏa hương thơm ngào ngạt, buổi trưa yên tĩnh. Tiếng động ì ầm triền miên của thác nước tạo cho chàng một cảm giác sâu lắng bình yên kỳ lạ, nhưng trong nó tiếng “uồm nồm” kia vẫn cứ làm cho chàng thắc mắc. Mặt trời vừa đứng bóng. Trên những đóa hoa rực rỡ sắc màu, từng đàn ong bay lượn hút mật ngọt. Chẳng biết chúng tự nơi nào, nhưng mỗi con ong rời đài hoa bay đi, chúng bay lên và mất hút trên vách núi cao vòi vọi. Chắc đâu đó trên hốc đá tình cờ trên kia, là những ổ ong với những dòng mật ngọt. Chàng cũng chẳng biết được, loài ong có thể bay cao được bao nhiêu bằng đôi cánh mỏng manh ấy, và có làm tổ của chúng trên vách núi cao không?! Nguyên Huân thốt nhiên nhớ đến lời lão tiều phu, và truyền ngôn về một hang động. Vách núi dựng đứng, dưới chân là những tảng đá khổng lồ, hang động nằm nơi nao, sau những đống loạn thạch? Chàng đột nhiên quay nhìn dải lụa sinh động màu bạc kia, và thần trí chàng chú mục vào đó. Phía sau thành nước kia là gì, có gì phía sau đó? Nhưng, với cả một khối nước khổng lồ tư trên cao hàng trăm trượng đổ xuống, ai có thể chịu được sức nặng ghê gớm ấy mà chui qua?! Nguyên Huân mím môi đứng dậy, rút thanh Bạch Hạc, chàng quyết tâm thực hiện cái ý nghĩ đã manh nha và đã quyện chặt trong đầu, nhất định phải khám phá, sau lưng của cái thác nước hùng vĩ này, phải chăng là cửa vào của một hang động?! Nguyên Huân vung mạnh thanh trường kiếm, kiếm khí tỏa nhanh theo bóng người xoay tròn, mạnh như một con trết; một vùng khí quang tròn như chiếc tán phủ quanh trên đầu Nguyên Huân hét lớn, vận Thiên Cân Trụy giữ mình đứng vững trên phiến đá trơn nhẵn, xử Hỏa Vân công đến độ chót, kình lực theo thế quay nhanh, vung mạnh thanh kiếm chém chếch thẳng vào thành nước. Trong một thoáng, khi đường kiếm vạch trên dãy nước tách ra, Nguyên Huân đã nhìn thấy với tích tắc thời gian như mơ hồ này, một cửa động trước khi chàng bị sức nước hất tung ngược ra phía trước. Như được tiếp sức mạnh, như quên hết thời gian, mười, mười lăm, rồi ba mươi, năm mươi lần, Nguyên Huân tiếp tục, và không nản, công phá dải nước. Cho đến lúc tay chân rũ liệt và bóng chiều đã phủ xuống, chàng đành bỏ cuộc, lên bờ ăn qua loa chút lương khô, ngồi vận công lấy lại nguyên khí đã mất. Đêm nay trăng rằm vằng vặc, đã mười lăm ngày kể từ hôm Bảo Thư bỏ đi, chàng đã đến nơi này. Sáng hôm sau, qua đêm nghỉ ngơi, khí lực hồi phục, chàng tiếp tục công phá thành tư nước. Và, ngày qua ngày kiên trì. Cho đến một hôm, Nguyên Huân nhận ra nội lực của chàng tăng tiến, sung mãn hơn rất nhiều: sức chuyển lực của Hỏa Vân công vào đường kiếm chém vạch lên dải nước, áp lực trì trọng của sức nước lên tay kiếm như có phần giảm xuống, và dải nước rẻ ra như lâu hơn, những lúc ấy, chàng đã nhìn ra hang động với ánh sáng của mặt trời buổi sáng lọt qua màn nước lung linh, chiếu vào. Ngày qua ngày, sự kiên trì và quyết chí mãnh liệt đã cho Nguyên Huân một thành quả, thanh kiếm đã đánh hắt tung dải nước, không một giọt nước nào lọt qua đường kiếm chặn. Một buổi sáng tinh sương, thi triển công phu, với từng bước thận trọng, chàng đi qua dải thác. Từ đường kiếm đầu tiên đã hai mùa trăng đi qua, thanh kiếm đã trở thành như không còn có trong tay chàng. Nguyên Huân có biết đâu rằng giờ đây nội lực của chàng đã lên đến hàng thượng thừa. Cũng vì thanh Trủy thủ và sự tò mò, chàng vô tình có được thành quả ấy. Nguyên Huân quay trở ra. Chàng gọi con Hoa Tâm và đi về chốn sơn thôn của lão tiều phu họ Hạng. Chàng gởi ngựa và biếu lão một lạng vàng, hẹn đến ngày chàng quay trở lại. Tự nhiên có được số vàng ấy, lão tiều mừng rỡ và không hề thắc mắc hỏi han. Số vàng trong túi gấm của Thiên Quang, không kể ngọc quý, có đến hai trăm lượng, chàng đã chia cho mỗi người một ít để chi dụng dọc đường: Khô Nỗ Viết, Thành Sử Nghiệp và Bảo Thư. Trong năm viên ngọc Hổ Phách, chàng chọn lấy một viên đẹp nhất có vân như mây tỏa, đeo vào cổ cho Bảo Thư, và với số vàng còn lại, chàng dùng nó trong thời gian bôn tẩu giang hồ thi hành trách nhiệm. Nguyên Huân trở lại thác nước, vượt qua thành nước dày, vào hang. Ánh sáng từ ngoài, qua màn nước, lung linh trên vách động. Vách động phẳng lì, trơn nhan như bị bào mòn. Ánh sáng chiếu vào rất sâu trong động do sự phản chiếu trên vách đá màu trắng. Nguyên Huân có cảm tưởng đường đi mỗi lúc một cao, đi lần trong bóng tối một đoạn rất dài, nhờ thị lực tinh tường nên không mấy khó khăn. Chàng không biết thời gian qua bao lâu, đột nhiên bắt gặp một hơi gió nhẹ thoang thoảng mùi hương của hoa, và ánh sáng mỗi lúc một rõ dần, cuối cùng, chàng đã đứng trước cửa hang ở rất cao trên dãy Nam Sơn. Nguyên Huân bàng hoàng nhắm mắt lại một lúc lâu, trước mắt chàng mở ra một mặt hồ rộng, nước trong vắt, có những dòng suối từ nhiều hướng đổ vào trên những độ cao khác nhau. Một rùng hoa ven hồ với những tàn cây cao. Đứng từ trên nhìn xuống mặt hồ như một tấm gương lớn, và xa kia, có những mái nhà thoáng ẩn hiện trong làn sương la đà. Một thôn trang trong Sơ Trung? Một cảnh bồng lai mà chàng tìm thấy? Không khí thoáng đảng và ngọt ngào. Từ nơi chàng đang đứng, những mái nhà ngói đỏ điểm giữa khung cảnh bao la xanh tươi như một bức tranh, cảnh tượng như chỉ có trong bức họa của những họa sĩ tài danh.. Nguyên Huân vạch đám dương xỉ và những bông hoa lạ đủ màu rực rỡ vươn cao, chàng lần mò đi xuôi xuống con đường nhỏ trước mặt ẩn dưới những tán cây cao, hoa nở rực rõ. Một không gian im vắng và thanh khiết, chàng như vừa thoát khỏi cảnh hồng trần nhiễu nhương, những đau khổ chất chồng để lạc vào chốn tiên cảnh tĩnh mịch nhưng xôn xao hoa lá và hương thơm. Một ngôi nhà như kiểu Thủy tạ trên mặt hồ, những cây cầu cong soi bóng trên những dòng suối róc rách. Con đường dẫn chàng vào khu nhà, bây giờ khuất sau hàng cây trước mặt. Nguyên Huân bỗng giật mình, một đám mây đen như muốn che kín mặt hồ, đang vần vũ tiến lại phía chàng cực mau. Chàng đã nhận ra đó là một bầy ong khổng lồ trước khi chúng xòa xuống tấn công chàng. Nguyên Huân kinh hãi vũ lộng thanh Bạch Hạc, kết thành một luồng bạch quang bao bọc thân thể, những con ong đầu tiên chạm vào bạch quang kiếm rơi lả tả, nhưng hết lớp này đến lớp khác lao vào không dứt, ba bầy ong khổng lồ khác từ ba hướng vù vù kéo đến, chàng nhận ra loài ong vò vẽ, một loài ong độc. Lớp ong vây quanh chàng, chết rụng xuống hàng hàng lớp lớp một con đã lọt qua luồng kiếm ảnh, vai chàng nhói buốt, rồi vết thứ hai, vết thứ ba, trên cổ, trên lưng. Nguyên Huân biết rằng chàng sẽ bại trận. Không một ai có thể chống chọi được hầy ong hàng triệu con như thế này. Chàng không còn đường thoát thân ngoại trừ lao xuống hồ. Chàng lặn xuống và mở mắt nhìn lên làn nước trong vắt, cả một đám mây vẫn vần vũ trên mặt hồ. Nguyên Huân vận Quy Tức công, nhưng Quy Tức công cũng chẳng giúp cho chàng được lâu dài, chàng phái nổi lên mặt nước để hít thở với thanh kiếm trong tay như tàn che. Hai, ba, rồi năm lần trồi lên, nước hồ lạnh buốt, thân thể chàng bị nọc độc của ong làm cho rời rá, đầu chàng đã bị thêm hai, ba vết chích nữa; lần thứ tám chàng nghe mơ hồ có tiếng sáo, hay một âm thanh gì tương tự, và bầy ong, như có luồng bão lốc, tỏa ra bốn phía. Chàng vừa đến phía bên kia hồ, trườn lên, và ngất lịm. Đến khi tỉnh lại, không biết đã qua bao lâu, chàng thấy mình mẩy ê ẩm, đau nhức, hai tai ù, và trong đầu như có tiếng sóng vỗ. Chàng cố gượng ngồi dậy, căn nhà vắng lặng, ngoài trời đã khuya, cả không gian im vắng, ngọn đèn lồng treo trên xà ngang tỏa ánh sáng vàng vọt. Nguyên Huân liếc nhìn căn phòng, ghế bàn và đồ đạc giản dị, trang nhã. Chàng dần nhớ lại, từ lúc lọt vào khu vực tình cờ này, hồ nước rộng, bầy ong, và bây giờ là vết đau nhức trên thân thể... Nguyên Huân nhắm mắt luyện công khu trục nọc độc của ong trong người, đồng thời lấy lại nguyên khí đã mất. Trên Bách Hội huyệt, một làn sương nhẹ bao phú, trong phút chốc chàng trôi vào cõi tịnh không. Khi chàng mở mắt, một lão nhân chống gậy trúc đã đứng trước mặt chàng nhìn chàng đăm đăm, đôi mắt sáng quắc dưới hàng lông mày trắng xóa. Lão nhân râu tóc trắng như cước, mặc chiếc áo thụng màu vàng có hoa văn, phong thái như một tiên ông. Thấy chàng mở mắt nhìn, ông lên tiếng : - Tiểu tử, ngươi khá lắm, sống sót được như thế quả là hiếm có, lão tử đã tạm thời khu trục nọc độc cho ngươi, cho ngươi ngủ một giấc dài để bồi dưỡng nguyên khí, bây giờ ngươi đã vận công, tống hết độc khí rồi đấy! Nguyên Huân thấy sức khỏe đã trở lại bình thường, vội đứng lên, vòng tay cúi đầu chào. - Thôi ngươi đừng thủ lễ, trời gần sáng rồi, ngươi đã ngủsuốt buổi chiều và tròn một đêm. Ta cứ nghĩ ngươi không sống được, nọc ong cực độc, mà ngươi còn sống, lại hồi tỉnh sớm hơn là ta tướng, nghĩ cũng lạ lùng, công lực ngươi cũng khá lắm! Ngươi đang nghĩ xem ta là ai có phải không? Đừng cố công vô ích, ngươi không đoán được đâu! Lão nhân này là tiên hay thánh mà thấu suốt ý nghĩ của chàng? - Lão tiền bối thứ lỗi, vãn bối.. - Thôi được, ngươi ngồi xuống đây nghe ta nói! Nói xong lão nhân bước đến ngồi xuống trên một có ghế mây, Nguyên Huân bước theo ngồi xuống ghế đối diện qua mặt án thư hẹp được ghép lại rất mỹ thuật bằng những thân mây lên nước màu đỏ sẫm. - Bây giờ ngươi nghe ta hỏi: làm sao ngươi có thanh trủy thủ này? - Vãn bối tình cờ lượm được ở dòng suối trước thác nước. - Vậy là ngươi đã chui qua thác nước mà vô đây?! - Đúng vậy! - Tên ngươi là gì? - Vãn bối họ Trần, tên Nguyên Huân! - Bây giờ ngươi rót nước mà uống, rồi nghe ta nói: “Thanh trủy thủ đó là của Tổ tiên ta, nó có một cặp. Ngày xưa Trường Xuân Tử Khưu Xử Cơ đã tặng cho hai nhà Dương, Quách làm lễ vật giao ước. Tổ phụ ta một thanh, Quách đại hiệp giữ một, cách đây đã gần hai trăm năm. Đến đời thân phụ ta là Thần Điêu Hiệp Lữ mới khắc thêm con chim ưng xòe cánh này, chữ Quách trên cán đao vẫn còn đọc được. Thanh truy thủ này bị thất lạc đã trên 140 năm, trước khi ta ra đời, nghĩa là ta đã tròn 140 tuổi. Từ thân phụ ta được gọi là Điêu, rồi từ đó kế tiếp tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Ta là Long Điêu, con trai ta là Ly Cát, cháu ta là Qui Loan. Con trai ta đã qua đời, y chỉ có một người con gái cũng đã sáu mươi rồi. Cháu gái ta không lấy chồng, họ Dương ta chưa đủ bốn đời đã tuyệt tự, không có người nối dõi tông đường là tội trạng nhất đối với tổ tông”. Nét mặt hồng hào của lão nhân buồn hẳn đi. Một lúc sau như nhớ lại quá khứ xa xăm, ông tiếp : - “Nơi này đã dựng lên từ một trăm bốn mươi năm về trước, và không ai tự ý đến đây khi ta không mời mà còn sống sót trở về. Đó là quy luật của nhà ta từ khi về ở Tuyệt Tình đàm này. Ta cứu ngươi vì ngươi đã có thể chiến đấu với bầy ong canh giữ nơi này một cách kiên cường, và vì nhất là dòng họ Dương ta đã tuyệt. Đến khi ta phát giác ra ngươi mang trong mình thanh Trủy thủ của Tổ tiên ta, ta càng tin rằng do anh linh của tổ tiên dẫn dắt ngươi về đây để nhận lấy chữ Phượng làm truyền nhân đời thứ năm của nhà họ Dương này. Trần Nguyên Huân! Nếu ngươi bằng lòng điều kiện ấy, ngươi sẽ được ta truyền lại toàn bộ võ công và thanh kiếm Độc Cô năm xưa, và ngươi sẽ được tự do tung hoành thiên hạ! Ta không bắt ngươi thay đổi họ tên, mà chỉ muốn ngươi mang thêm hai chữ như một biệt danh của ngươi: Phượng Thánh! Còn không, ngươi phải chết, dù rằng ta rất quý mến ngươi. Cháu gái ta cũng đã nhận ra thanh Bạch Hạc của người họ Trần mà cháu ta đã từng quen biết năm xưa, y là người trong Bát đại danh gia, nhưng quy luật của nhà ta, không thể vì tình cảm quen biết mà sửa đổi được!” Nguyên Huân ngồi im lặng, một lúc sau chàng nói : - Hài tử không phải vì cái chết mà vâng mệnh, nhưng chỉ có một điều còn nặng nợ hai vai, nên làm sao có thể lưu lại? - Tốt lắm, ngươi chẳng cần lưu lại nơi này lâu ngày đâu. Khi ngươi lạy bàn thờ Tổ tiên họ Dương, ngươi sẽ là Thiếu đàm chủ của Tuyệt Tình đàm; ngươi đi, về là quyền của ngươi. Vậy thì ngươi theo ta! Trời vừa hửng sáng, tiếng còi vừa rúc lên, đã nghe tiếng trống, chiêng rộn rã, và từ bốn phía, những gia nhân mặc áovàng lũ lượt kéo nhau đến ngôi nhà Từ đường của nhà họ Dương. Ba chiếc kiệu, mỗi chiếc tám người khiêng, đến trước gian nhà nhỏ. Lão nhân ra hiệu cho Nguyên Huân ngồi lên chiếc thứ ba, trên chiếc kiệu thứ hai đã có sẵn người ngồi lên đó là Qui Loan cô cô, bà mặc chiếc áo vàng như những gia nhân của Tuyệt Tình đàm. Một người nô bộc mang đến trước mặt Nguyên Huân chiếc áo hoa văn màu vàng, cung kính quỳ dâng lên, chàng hiểu ý mặc vào. Ba chiếc kiệu dừng lại trước Từ đường. Thảm hoa trải từngoài cửa Từ đường dẫn vào trong. Ngôi Từ đường rộng lớn, các cột đều chạm trổ sưu son thếp vàng lộng lẫy. Chính vị là bàn thờ, che vải đỏ, thêu hình chim Thần ưng và bao quanh là tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng. Chiếc màn được vén lên, qua hương đèn khói nhang nghi ngút, những bài được lồng trong khung dát ngọc, thấp thoáng bóng hình... Lão nhân kính cẩn đứng chính giữa, Qui Loan cô cô đứng phía sau, sau cùng là Nguyên Huân. Tiếng chiêng trống đổ liên hồi, lễ tế tửu bắt đầu, bốn thiếu nữ mặc áo vàng thêu kim tuyến xanh dâng rượu phụ tế. Qua ba tuần rượu, lão nhân quỳ xuống chiếc gối nhồi lông điểu thử màu vàng óng tay nâng thanh trủy thủ ngang mày, giọng run run cảm động : - Hôm nay, trước anh linh Tiên tổ, bất hiếu tôn, tử Dương Long Điêu dâng trình báu vật của Dương gia, đã thất lạc từ một trăm bốn mươi năm trước. Do anh linh Tiên tổ dung rủi đã thu hồi được, và trước tôn quang tổ tiên, Hài tử xin dâng trình con cháu đời thứ năm là Phượng Thánh, do thần ý của Tổ tiên soi sáng đã dung nạp! Nói xong lão nhân Long Điêu phục lạy tám lạy, để thanh truy thủ lên chiếc giá khảm ngọc trước bàn thờ đã bốn đời bỏ trống. Chiêng trống lừng vang. Có tiếng hô vang của người phụ lễ : - Tử tôn đời thứ năm hành đại lễ! Lão nhân Long Điêu lui ra, Nguyên Huân quỳ xuống nhận ba nén nhang từ tay người phụ tế, mắt nhìn thẳng lên bài vị, chàng chấp tay tuyên đọc : - Hài tôn là Trần Nguyên Huân, vốn người Đại Việt, vì nợ nước hai vai làm trọng, đã bôn tẩu sang Trung Nguyên, được kỳ duyên mà tới chốn này, và được anh linh tiên tổ Dương gia thu nhận, chọn làm truyền nhân đời thứ năm là Phượng Thánh. Trước mặt linh vị, Hài tử xin thề giữ gìn đạo đức, bảo trọng danh dự và trách nhiệm, giữ gìn nếp thơm của Trần, Dương hai họ. Con cái giữ họ Dương đời đời chẳng đổi. Nói xong chàng lạy tám lạy. Đứng lên, Nguyên Huân tiến lại ghế ngồi của Dương lão nhân, quì lạy ba lạy, hô lớn : - Hài tôn tham kiến Thái tổ phụ lão nhân gia! Khuôn mặt Dương Long Điêu rạng rỡ : - Con hãy đứng dậy! Nguyên Huân đến trước mặt Qui Loan toan quì lạy, Qui Loan đỡ lên : - Hài nhi tham kiến Cô cô! Qui Loan dịu dàng âu yếm nói : - Ta với gia gia con giao tình rất đậm, đã cùng thân phụ con kết nghĩa huynh muội, thật là trời xanh dung rủi cho có ngày hôm nay! Nói xong lệ chan hòa, cảm động nói tiếp : - Khi vừa nhìn thấy con, con giống Trần huynh của ta như đúc vả lại Bạch Hạc kiếm làm sao ta quên được, nên ta nhận ra ngay. Trên hai mươi năm chia cách! Nói xong, bà lấy vạt áo lau nước mắt. Dương lão nhân nói lớn : - Phượng Thánh con, ta tiết lộ cho con điều này. Tổ tiên họ Dương ta xưa kia vốn người Giao Chỉ, nay là Đại Việt. Tô Định cai trị đất Giao Chỉ bạo ngược dưới thời Hán Quang Võ, tổ tiên ta bị bắt giải về Trường An ngày Mã Viện xâm chiếm, từ đó, gần hai ngàn năm vẫn còn nhớ gốc xưa. Trong gia phả nhà họ Dương ta còn ghi rõ. Nay con cũng người Đại Việt sau hai ngàn năm mà tới, thật quả có trời xanh!
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]