Baldini nhìn theo gã lê bước qua cầu, sang bên hòn đảo, nhỏ thó, khom người, mang cái túi trên lưng như mang cái bướu, nhìn từ sau chẳng khác một ông già. Tới khúc ngoặt của con hẻm nơi toà án tối cao (Parlement) thì gã biến khỏi tầm mắt và ông nhẹ hẳn cả người.
Ông chưa bao giờ mến gã, chưa hề, và bây giờ thì ông có thể dứt khoát thú nhận được rồi. Suốt thời gian ông cho gã ở và moi móc gã, ông không thoải mái tí nào. Ông cảm thấy như một người chân thật lần đầu tiên làm một việc bị cấm đoán hay chơi gian một ván bài. Vẫn biết khả năng làm việc này bị phát giác nhỏ thôi mà triển vọng thành công thì vô cùng to lớn nhưng lòng bất an và lương tâm cắn rứt cũng lớn không kém. Quả thật suốt mấy năm ấy không ngày nào ông không bị đeo đuổi bởi một cái ý nghĩ không vui rằng rồi ông sẽ phải đền bù bằng cách nào đó cho sự giao du với gã. Ước gì được trôi chảy, ông không ngớt lo âu cầu khẩn, ước gì mình có thể gặt hái được sự thành công của việc mạo hiểm này mà không phải đền bù gì! Ước gì mình thành công! Điều tôi làm không đúng thật đấy nhưng Chúa sẽ nhắm mắt làm ngơ, chắc chắn Người sẽ làm ngơ! Trong đời tôi Người đã từng trừng phạt nặng nề nhiều lần mà chẳng vì lý do gì cả thì nếu lần này Người có thái độ làm hoà thì cũng đúng thôi. Tôi đã làm tội gì nào, nếu như quả đó là tội? Cùng lắm là tôi đã hơi vượt quá điều lệ của phường hội qua việc tôi lợi dụng cái năng khiếu tuyệt vời của một thằng thiếu kinh nghiệm và nhận năng lực của gã làm của tôi. Cùng lắm là tôi đã đi trệch một ít khỏi cái con đường mòn truyền thống đầy tư cách của ngành thủ công. Cùng lắm là hôm nay tôi đã làm cái mà tôi lên án ngày hôm qua. Thế đã là tội ác chưa? Có những kẻ bịp cả đời. Còn tôi chỉ mới gian dối vài ba năm nay thôi.
Cũng chỉ tại vì ngẫu nhiên mà cái cơ hội ngàn năm một thưở ấy đến với tôi đấy chứ? Cũng có thể không ngẫu nhiên đâu, có thể chính Chúa đã gởi cái tay phù thuỷ ấy đến nhà tôi để đền bù cho những ngày tôi bị Pélissier và lũ bạn gã hạ nhục. Có thể Chúa không hoàn toàn ưu ái tôi đâu mà chỉ trừng phạt Pélissier thôi! Có thể lắm chứ? Chúa làm cách nào trừng phạt được Pélissier nếu không nâng đỡ tôi? Như thế thì sự may mắn của tôi là phương tiện để Chúa thực hiện sự công bằng và tôi không những được phép mà còn phải nhận mà không cần phải xấu hổ hay hối hận tí nào…
Baldini vẫn thường nghĩ như thế trong những năm qua, sáng sáng khi ông xuống cửa tiệm qua cái cầu thang hẹp cũng như chiều chiều khi ông ôm cái két lên lầu đếm những đồng tiền vàng và bạc nặng trịch và đêm đêm khi ông nằm cạnh cái thân thể gầy đét ngáy vang của vợ, không thể nhắm mắt vì sự may mắn làm ông quá sợ.
Nhưng bây giờ rốt cuộc những ý nghĩ gở ấy qua rồi. Người khách lạ lùng đã đi khỏi và sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Còn sự giàu có ở lại và vững bền mãi mãi. Baldini đặt tay lên ngực, cảm thấy qua làn vải áo quyển sổ nơi trái tim. Sáu trăm công thức đã ghi trong ấy, phải nhiều thế hệ nhà chế nước hoa mới hòng thực hiện được. Nếu như hôm nay ông mất hết tất cả thì trong vòng một năm, chỉ với quyển sổ tuyệt vời này thôi ông sẽ lại giàu. Nói thật, ông còn đòi hỏi gì hơn.
Mặt trời buổi sáng phía trên đầu hồi các nhà đối diện chiếu ánh nắng vàng ấm lên mặt ông. Baldini vẫn nhìn về phía nam, hướng con đường dẫn đến toà án tối cao, cảm thấy thật dễ chịu khi không còn nhìn thấy Grenouille nữa và quyết định sẽ hành hương sang Notre-Dame ngày hôm ấy để cúng một đồng tiền vàng với lòng chan chứa biết ơn, sẽ thắp ba ngọn nến, quỳ xuống cám ơn Chúa đã ban cho ông thừa thãi may mắn và tránh cho ông không bị báo thù.
Nhưng trớ trêu sao lại có chuyện xảy đến giữa chừng. Ngay khi ông định đi sang nhà thờ vào lúc xế trưa thì có tin đồn ầm là Anh đã tuyên chiến với Pháp. Thật ra thì chẳng có gì đáng lo lắng cả. Nhưng đúng hôm ấy Baldini định gởi một chuyến hàng nước hoa sang London nên ông hoãn lại việc đi sang Notre-Dame để vào phố lấy thêm tin tức rồi đi tiếp đến xí nghiệp ở Faubourg Saint-Antoine, huỷ ngay việc gởi hàng sang London. Tối đến nằm trên giường ông nảy ra một sáng kiến thiên tài ngay trước khi đi vào giấc ngủ: nhân cuộc chiến tranh xảy ra để tranh giành thuộc địa ở các nước Tân thế giới, ông định sẽ tung ra một loại nước hoa có tên Prestige de Québec (Uy danh Québec),một mùi thơm quả cảm làm từ nhựa cây mà sự thành công của nó chắc chắn thừa bù đắp cho cái vụ bỏ buôn bán với Anh. Maitre Baldini ngả cái đầu già nua đần độn lên gối, nhẹ cả người với cái ý nghĩ ngọt lịm kia, thấy sức nặng của quyển sổ đè lên ngực dễ chịu hẳn, ông chìm trong giấc ngủ và không bao giờ dậy nữa.
Số là đêm hôm đó xảy ra một tai biến nhỏ mà sau đó ít lâu là lý do để có chiếu chỉ ra lệnh dần dần phá sập mọi nhà trên tất cả các cầu ở Paris: mạn tây của Pont au Change, giữa trụ cầu ba và bốn sụp mà không rõ nguyên nhân. Hai ngôi nhà đổ ụp xuống sông bất ngờ đến nỗi không thể cứu được ai cả. May mắn sao chỉ có hai người chết, Giuseppe Baldini và bà vợ ông, bà Teresa. Những người giúp việc, chẳng biết được phép hay không đều đi ra ngoài cả. Còn Chénier mãi hửng sáng mới chếnh choáng về nhà, đúng hơn phải nói là muốn về nhà vì ngôi nhà không còn ở đó nữa, liền bị suy nhược thần kinh. Ông đã tận tuỵ ba mươi năm ròng với hy vọng được Baldini chọn làm người thừa kế trong di chúc vì ông này không có con cái cũng không thân thích. Bây giờ bỗng nhiên cả gia sản biến mất; tất cả, nhà, cửa hàng, nguyên vật liệu, xưởng, ngay cả Baldini, thậm chí cả tờ di chúc biết đâu lại chẳng để cho ông cái xí nghiệp để làm của riêng!
Chẳng tìm thấy gì cả, xác không, tủ tiền không, quyển sổ với sáu trăm công thức cũng không. Cái duy nhất còn sót lại của Giuseppe Baldini, nhà chế nước hoa lớn nhất Châu Âu, là một mùi trộn lẫn xạ hương, quế, giấm, oải hương và hàng nghìn thứ khác tràn ngập sông Seine từ Paris tới tận Le Havre suốt mấy tuần liền.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]