Chương trước
Chương sau
“ Pray for our little secret …” (Cầu nguyện cho bí mật nhỏ của chúng ta…)

Những cậu bé choai choai năm nào của cái xóm con con nay đã lớn, đều trở thành những thiếu niên mười bốn, mười lăm tuổi, chuẩn bị bước vào một trong những kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời.

Trong những năm tháng cấp một cấp hai, ba đứa nhỏ vẫn luôn dính nhau như hình với bóng, cùng ăn cùng chơi và cùng học với nhau. Đôi khi có cãi vã đôi câu nhưng lại làm hòa ngay ngày hôm sau.

Gia đình Hoài An ngày càng khá giả hơn, mặc dù ba hay đi làm xa, nửa năm mới về một lần nhưng cuộc sống của ba mẹ con không còn quá tối tăm như lúc trước. Chiếc xe đạp ngày nào cũng đổi sang xe số để tiện cho việc đi làm. Dường như theo thời gian, mọi thứ ngày càng tốt đẹp hơn.

Năm mười bốn tuổi, mùa hạ vẫn luôn nằm trong bàn tay cậu.

“An! Uy! Nhanh lên nào! Nhanh lên nào!”

Người thúc giục là một thiếu niên mười bốn, mười lăm tuổi, có mái tóc nhuộm xám khói nổi bật. Trên người mặc chiếc áo thun màu đỏ, ống tay được vén lên để lộ cánh tay màu rám nắng khỏe mạnh, chiếc quần ngắn đến đầu gối màu trắng được trang trí thêm dây xích phần thắt lưng, trông rất thời thượng.

Theo sau cậu chàng còn có hai thiếu niên đang đi song song với nhau.

Người cao hơn dường như chỉ thích những màu sắc cơ bản. Hắn mặc một chiếc áo sơ mi ngắn tay nghiêm chỉnh màu trắng, bên dưới là chiếc quần ngắn màu đen, đi một đôi giày cùng màu với áo. Nhưng điều khiến người khác không rời mắt được không chỉ là gu ăn mặc phối màu vừa đơn giản lại nổi bật mà đặc biệt hơn là khuôn mặt. Thiếu niên đó có một chiếc đồng điếu nơi khóe miệng bên trái, càng hiện rõ hơn khi mỉm cười. Đôi mắt đào hoa ngậm nước cong lên, bất kỳ ai nhìn vào cũng đều bị hút hồn. Vậy mà lúc này, đôi mắt có đó lại dịu dàng nhìn sang thiếu niên bên cạnh.

“Đi chậm thôi Vĩ, đường nhiều đá một hồi ngã chổng vó giờ.”

Thiếu niên lớn tiếng nhắc nhở đi bên cạnh, thấp hơn hắn một cái đầu,. Cậu bé nhút nhát năm nào nay đã trở nên tự tin, chững chạc hơn, có điều ánh mắt vẫn giống lúc nhỏ, trong veo và đầy mơ mộng.

Ba người đều cầm theo những vật dụng để câu cá, trên vai mỗi người vác theo một cần câu dài tự chế bằng gỗ.

Lúc này thiếu niên áo trắng là Chí Uy quay sang hỏi nhỏ người bên cạnh: “Có mệt không?”

Hoài An lắc đầu nhưng cần câu cá trên vai lung lay muốn đổ.

“Đưa đây.”

Cánh tay có cơ trắng bóc đưa ra cầm lấy chiếc cần câu. Cái màu trắng đó đập vào mắt cậu còn chói hơn cả cái đầu xám của của thiếu niên đi đằng trước, ẩn bên trong là những đường gân màu xanh rắn rỏi.

Cậu liếc mắt đi chỗ khác, bàn tay đang giữ cần câu cũng buông ra.

Thiếu niên có mái tóc xám đi đằng trước quay đầu lại bắt gặp trọn cảnh này, cái mồm quen nẻo cà khịa: “Đấy tao bảo rồi không nghe, ra ngoài vận động đi, suốt ngày ôm giấy với màu vẽ thì sao mà khỏe mạnh được. Đến cả cái cần câu cũng không vác được.”

Cẩn thận.

Trước khi cậu định nhắc nhở thì cả người nó đã đập mạnh vào cái cây to đằng trước khiến cái cây rung lên xào xạc, lá cây rơi lả tả xuống dưới.

“Đm”

Thiếu niên tóc xám văng lên một câu chửi tục.

“Đã nhắc rồi.”

Hai thiếu niên đằng sau lướt qua, tiếp tục tiến lên phía trước.

“Ê đợi tao với.”

Khôi Vĩ bị đập đến choáng váng mất một lúc, khi ngẩng đầu lên thì hai người đã đi được một đoạn đường ngắn.

“Nhanh lên đi, hồ ở trước mặt rồi.”

Mặc dù là buổi trưa, mặt trời chiếu đến đỉnh đầu nhưng vì đang ở trong rừng nên không khí khá mát mẻ.

Để mà nói vì sao ba thiếu niên này lại chạy lên núi câu cá thì phải bắt đầu từ việc chúng nó nhận được lịch học hè kín mít. Để chuẩn bị cho kỳ thi lên cấp ba sắp đến, đứa nào đứa nấy cũng đều bị nhà nhét đi học hè khắp nơi. May mắn sao, việc ôn tập chỉ mới bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên nên thời gian vẫn khá rảnh rỗi, vì thế ba đứa bàn bạc với nhau hè này sẽ đi chơi trước rồi mới về đâm đầu vào bài vở sau, nói nôm na là sướng trước khổ sau.

Chọn đi chọn lại chúng nó quyết định đi câu cá, vừa giải trí lại có đồ ăn.

Mặc dù quanh xóm có ao hồ, nhưng Khôi Vĩ lại chê gần không thích, đối với nó đã đi chơi thì phải đi xa. Lại lựa đi lựa lại, cuối cùng rủ cả đám lên ngọn núi cách nhà khá xa để câu. Đi đến đó thì tụi nó phải đi bằng xe đạp, đường núi gồ ghề, nhiều đá nên xe đã được gửi ở quán nước dưới chân núi rồi ba đứa đi bộ lên.

Hoài An không tập võ hay vận động như hai đứa bạn của mình, leo núi một lúc đã thấm mệt. Mồ hôi rơi đầy đầu, ướt đẫm phần áo phía sau lưng nhưng cậu không hó hé câu nào, vẫn cố gắng hít thở để theo sau hai đứa bạn.

Trấn nhỏ yên bình nằm gần biển, dân du lịch đổ xuống đây chủ yếu để du lịch biển hay các khu làng khách sạn vùng ven eo biển, còn mấy ngọn núi hay ao hồ thì ít người ưa thích. Vì thế núi đồi ở đây vẫn còn khá thô sơ.

Hoài An rất thích những phong cảnh đồi núi còn nguyên vẹn, chưa qua bàn tay khai phá của con người. Cả đoạn đường vừa đi vừa ngắm cảnh không biết mệt là gì, đầu óc bắt đầu mơ màng, bỗng hối hận lúc trước không chịu mang theo sổ giấy để ký họa. Cứ tấm tắc tiếc mãi cả đoạn đường, nước hồ xanh rì ẩn sau tán lá rậm rạp đã hiện lên ngay trước mắt.

“Đã quá đi.”

Khôi Vĩ như mũi tên lao nhanh về phía trước, lúc đến gần thì đi chậm lại và dừng hẳn ngay cạnh hồ. Nó cúi người xuống vốc nước mát lên rửa mặt.

“Ngồi nghỉ một lát đi.” Chí Uy nói thầm vào tai cậu rồi vượt lên trước tìm chỗ đặt cần câu.

Hoài An nhìn hai người đang nói chuyện với nhau phía trước vừa ngồi xuống tảng đá sạch cách đó không xa để nghỉ mệt. Hôm nay cậu mặc áo thun màu đen nên dù mồ hôi ướt đẫm phía sau lưng cũng khó thấy. Động thực vật ở đây rất tươi tốt và tràn đầy linh khí, mặt hồ yên ả trong xanh, hiện lên những tia sáng khi mặt trời chiếu vào.

Một buổi trưa thật yên ả.

Cậu thầm nghĩ.

Nhìn trời nhìn đất nhìn mây một lúc thì ánh mắt cậu lại dừng trên tấm lưng rắn rỏi được bọc trong chiếc áo sơ mi trắng của thiếu niên trước mắt lúc nào không hay.

Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó mà cậu bé năm nào đã trở thành thiếu niên dịu dàng.

Sự dịu dàng đó khiến mọi người mê đắm.

“Nhìn gì đấy.”

Giọng nói thiếu niên ở thời kỳ vỡ giọng nên hơi khàn, nhưng nhịp độ nói chuyện vẫn khiến người khác nhận ra đây là một người có tính cách ôn hòa.

Hoài An như sực tỉnh từ trong mộng, ngơ ngác nhận ra mình đang nhìn chằm chằm vào Chí Uy và bị chính chủ bắt gặp.

“Không, không có, nhìn linh tinh thôi.”

“Tâm hồn nghệ sĩ của nó lúc nào chả ở trên trời, có gì đâu mà lạ.” Khôi Vĩ phía bên kia nói với lại, nó đang cúi đầu mở hộp mồi mà mình đào được hôm qua.

Hoài An không tiếp lời như bình thường, vì lúc này cậu đang ngượng chín mặt trước ánh mắt của Chí Uy. Nhưng có vẻ hắn cũng không muốn đào sâu vào vấn đề này, nhìn cậu một lúc rồi quay đầu đi.

Hoài An không biết nên giải thích thế nào, ngồi im như tượng mất một lúc, ánh mắt không dám đặt lên người Chí Uy một lần nào nữa. Cậu cảm thấy cảm xúc của bản thân ngày càng lạ, không nói rõ được khác chỗ nào. Nhưng có một điều chắc chắn rằng ánh mắt của cậu luôn tìm kiếm bóng hình của thiếu niên mặc áo sơ mi phía trước.

Từ lúc nào vậy nhỉ?

Hoài An tự hỏi rất nhiều, nhưng mãi vẫn không có câu trả lời.

Bên tai vang lên tiếng lá cây xào xạc và tiếng té nước của Khôi Vĩ. Cậu hoàn hồn, đứng lên đi xung quanh nhặt nhạnh những cành cây khô bị rụng xuống và vài cục đá to quanh sông rồi xếp chúng lại, tạo thành một cái bếp tạm.

“Ây chết.”

Khôi Vĩ quay sang nhìn cậu chuẩn bị mà sực nhớ ra gì đó, nó hét lên: “Tao quên mang theo mấy cái cây để xiên cá rồi.”

Cậu bày vẻ mặt “thất vọng” nhìn Khôi Vĩ: “Đầu mày thì nhớ được gì nữa.”

Trước khi chiến tranh nổ súng, Chí Uy đã kịp ngăn lại.

Hắn nói: “An tẻ mấy cành cây ra đi, lát dùng nó xiên cá cũng được.”

Hoài An gật đầu, quay sang lườm Khôi Vĩ một cái, nó cũng đáp trả bằng cái trợn mắt đầy hung bạo, rồi hai đứa quay sang chỗ khác làm chuyện của mình.

Lực tay cậu không mạnh nhưng được cái tỉ mỉ của dân cầm bút vẽ. Bẻ vài đường đã cho ra một khúc cây nhỏ, gọn mà vẫn chắc chắn. Lúc Hoài An cầm thành quả đi lại gần sông, dự định rửa qua cho sạch cát thì bị Chí Uy ngăn lại, hắn chìa tay ra phía sau, ý muốn nói đưa đây.

Hoài An vẫn còn dư âm chuyện vừa rồi, lỗ tai lùng bùng không nghe thấy hắn nói gì, theo thói quen tránh né mà từ chối: “Không cần đâu, tớ tự rửa được.”

Nhưng hắn không đồng ý: “Nước ở đây sâu lắm, trượt chân ngã xuống thì sao.”

Khôi Vĩ cũng quay sang hùa: “Đúng rồi, đưa cho Uy đi, lỡ đâu mày lại mơ mơ màng màng đang rửa lại chúi xuống nữa thì tao với nó cứu kiểu gì.”

Gì mà mơ mơ màng màng?

Hoài An biết đầu óc bản thân hay ở trên mây nhưng làm gì đến nỗi như hai đứa đó nói. Nhưng rồi cậu vẫn đưa hết cành cây của mình cho Chí Uy, nhìn hắn đi ra chỗ khác, cách nơi cắm cần cây khá xa, ngồi xuống rửa bên hồ.

Khôi Vĩ thì đứng bỏ một tay vào túi quần, mắt nhìn mặt nước đang êm đềm bỗng động đậy.

“Ấy ấy.”

Bỗng nó la lên khi nhìn thấy một trong ba cần câu động đậy. Phản xạ của Khôi Vĩ rất nhanh, lập tức đi lại gần giật mạnh cần câu lên, một con cá cắn câu bị ném lên mặt đất.

Không đợi bạn mình nói, Hoài An vội vàng ngồi xuống chụp lấy con cá cho vào xô trước khi nó giãy lên chui lại xuống nước.

“To phết.” Khôi Vĩ lại tiếp tục buộc mồi vào dây câu, vừa trầm trồ trước con cá rô to.

Đúng lúc Chí Uy cũng cầm đồ trở lại, thấy bụi bẩn còn dính trên người cậu, bèn đi lại phủi xuống.

Khi bàn tay đó chuẩn bị xoa lên mặt mình Hoài An lập tức né: “Được rồi, tớ đi rửa mặt một lát, không cần lau nữa đâu.”

Người đối diện vẫn cố chấp phủi vài cái trên vai cậu mới thả đi: “Nhúng tay vào nước rồi lau lên mặt thôi, đừng học Vĩ vốc nước lên, ướt áo lại nguy hiểm.”

Khôi Vĩ liếc sang hai đứa bạn mình, mắt lại đảo một vòng lớn quay trở lại mặt hồ yên ả, âm thầm bĩu môi.

Nước hồ trong vắt mà rất nhiều cá, không cần chờ đến nửa ngày mà cái xô nhỏ mang theo đã đầy rồi.

Hai tay Hoài An xách chiếc xô nhỏ đi lại gần đốm lửa mà Chí Uy vừa nhóm.

Vừa đặt đồ xuống, cậu liền quay sang hối Khôi Vĩ thu dọn đồ qua đây ngồi. Khôi Vĩ làm ra dấu “ok” với hai người, rồi rút ba cái cần câu lên để gọn cách đó không xa.

“Đấy, đi lên đây câu đúng là đáng giá mà. Sao mà tao thông minh quá ta.”

Hoài An nghe nó tự thổi phồng bản thân đến nở cả mũi mà chỉ biết trợn mắt. Đôi khi cậu tự hỏi vì sao có thể chịu đựng được một người bạn bị bệnh ảo tưởng sức mạnh suốt thời gian qua.

Trong ánh lửa đang nổ tanh tách, ba thiếu niên ngồi xung quanh trò chuyện, đợi chờ cá chín.

Hoài An mở đầu chủ đề: “Sắp vào học rồi, cái đầu bạc của mày chừng nào nhuộm lại?”

“Bạc cái đầu mày, này là xám khói.” Khôi Vĩ phản bác.

“Ờ, vẫn là bạc thôi.”

“Hừ!” Khôi Vĩ vuốt tóc, cằn nhằn thằng bạn mình học vẽ nhưng không biết phân biệt màu sắc, tốn tiền ăn học. Mắng chửi một hồi nó mới chịu trả lời câu hỏi.

“Trước ngày đi học một ngày thì tao nhuộm lại là được chứ gì.”

Hoài An gật đầu: “Mày nhuộm nhiều tóc xơ luôn rồi kìa.”

“Xơ thì tao cắt đi, cho mọc lại.”

Lúc này, Chí Uy xen vào: “Nhuộm vậy ba má không nói gì hả Vĩ?”

“Nói gì? Nói được gì tao?” Khuôn mặt Khôi Vĩ tỏ vẻ bất cần, rồi nó luồn tay ra túi sau, rút ra bao thuốc lá, cúi đầu châm lửa hút trước ánh mắt bàng hoàng của Hoài An.

“Mày còn hút thuốc? Mày hút từ bao giờ thế?”

Khôi Vĩ ngẩng đầu nhìn cậu thách thức: “Sao nào?”

“Được rồi.” Chí Uy đặt tay lên vai cậu, rồi quay sang nói: “Hút cái này ảnh hưởng đến sức khỏe, mày còn nhỏ, đừng nên học linh tinh mấy cái này.”

Có vẻ cảm thấy phiền khi bị hai đứa bạn mình lên án, nó mệt mỏi trả lời: “Biết rồi, biết rồi. Tao chỉ thử một điếu thôi, vứt ngay đây.”

“Vứt cả bao!” Hoài An xen vào.

“Rồi rồi, nhưng ở đây không có thùng rác, tao cất vào túi, lát về vứt là được.”

Hoài An làm ra vẻ mặt: tao sẽ coi chừng mày để nhìn nó.

Thấy khuôn mặt hai đứa bạn căng thẳng, Khôi Vĩ đành đổi chủ đề: “Này, bọn mày định đăng ký vào trường nào?”

Hoài An: “Tao chưa biết nữa, nhưng nhà tao muốn tao học trường gần nhà.”

Trường cấp ba ở trong trấn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nằm rải rác từ vùng ngoại ô đi vào, bao gồm cả những cơ sở giáo dục thường xuyên và trường tư. Nhưng để nói về trường công mà ở gần nhà bọn họ thì chỉ có một cái. Điểm trường đó năm ngoái lấy không cao cũng không thấp, học lực trung bình khá vẫn vô được bình thường. Mấy năm nay bài vở của Hoài An luôn nằm ở mức khá giỏi, nên vô trường đó đối với cậu cũng không khó.

“Nhà tao thì muốn tao vô trường khác. Trường đó xa nhà, lại còn lấy điểm cao.” Khôi Vĩ khó chịu, nhưng nó không nói thêm mà quay sang hỏi Chí Uy: “Còn Uy thì sao?”

“Tao vô chuyên.”

Câu trả lời này không nằm ngoài dự đoán của Hoài An, vì học lực của Chí Uy cao như thế mà. Vấn đề là không biết Chí Uy sẽ đi chuyên gì. Hoài An nhớ lại những năm tháng trước, mỗi lần thi xong cậu đều mượn bảng điểm của Chí Uy để kiểm tra, môn nào cũng cao như môn nào, không thấy chênh lệch gì nhiều. Có thể nói hắn là một trong những học sinh hiếm hoi học giỏi mà đều các môn như vậy. Hoài An - một học sinh học lệch nghiêm trọng đôi khi cảm thấy xấu hổ khi chơi chung với hắn.

“Trường chuyên khu mình nằm tút vùng ngoại ô lận, tính ra đi từ đây đến đó cũng mất ba mươi phút. Rồi mày tính chạy nước rút mỗi sáng à.”

Đang định hùa theo Khôi Vĩ, thì Chí Uy đã kèm thêm câu sau khiến tim cậu hẫng đi một nhịp.

“Không, chuyên ở thành phố S.”

Vừa dứt lời, Chí Uy quay sang nhìn cậu, như muốn thu hết biểu cảm của người bên cạnh vào đáy mắt.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.