"Người lần trước bảo ngươi điều tra thế nào rồi?" Khôi phục cảm xúc, Chương Đôn liền nghĩ tới chủ ý lần trước Chương Đình đề nghị, nếu thật không còn cách nào khác chỉ có thể làm thế thôi.
Chương Đình sửng sốt một lát mới phản ứng lại, nhớ ra người phụ thân hỏi là ai. Nghĩ đến thiếu niên kia, trong mắt xẹt qua một tia tiếc nuối, "Bẩm phụ thân, đã điều tra chi tiết về Tô Bác Nghệ."
"Hắn tên là Tô Bác Nghệ?"
"Vâng, khoa thi Đình vừa rồi bệ hạ chấm cho hắn đỗ Thám Hoa. Người thiếu niên kia thật sự không tồi, chỉ đáng tiếc hắn lại là tôn tử của Tô Kính Chi, không có duyên Chương gia ta rồi."
Nghĩ đến biểu hiện hiểu biết của người nọ trước đại điện, Chương Đình không thể không bội phục. Trong thời gian ngắn mà có thể nghĩ ra một vế đối tuyệt diệu như vậy, chứng tỏ là người vừa có văn thơ uyên bác, lại vừa rất nhanh trí. Hơn nữa, đối diện với bệ hạ mà rất bình tĩnh, dùng vế đối hài hước để đáp lại, càng không ngờ chỉ là một thiếu niên chưa qua nhược quán.
"Đợi một chút!" Chương Đôn đột nhiên lên tiếng, trong đôi mắt đục ngầu hiện lên tia sáng, vươn tay ra hiệu Chương Đình ngừng nói, "... Ngươi nói Tô Bác Nghệ đó là tôn tử của Tô Kính Chi? Là Tô Kính Chi nào?"
Chương Đình nghĩ là phụ thân đã quên chuyện của Tô Kính Chi, nên mới nhắc lại, "Vâng, Tô Bác Nghệ là con trai thứ ba của Tô Minh Kiệt, con trai thứ của Tô Kính Chi. Tô Kính Chi chính là người hơn 30 năm trước ở trong triều tranh đoạt với phụ thân, chính là Tô Kính Chi người ở Biện Kinh. Tô Kính Chi sau khi từ quan còn có hai nhi tử làm quan trong triều, chức vụ cũng bình thường. Nhiều năm như vậy mà chức vụ cũng không thay đổi gì."
"Thật sự là Tô Kính Chi?" Ánh mắt Chương Đôn sáng rực lên, hỏi lại.
Chương Đình không hiểu thái độ đó của phụ thân là có ý gì, bị tia sáng trong mắt lão làm cho bất ngờ, sững sờ đáp lại, "Vâng, là Tô Kính Chi!"
"Ha... Ha ha..." Chương Đôn không nén được mà cười to thành tiếng, quét trôi cả tâm trạng bực bội lúc nãy, chòm râu bạc không ngừng run rẩy. "Thật đúng là, 'Sơn cùng thủy phụ nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn (1).' Lão gia hỏa Tô Kính Chi này quả thật đã dạy được một tôn tử rất tốt!"
(1) Xuất phát từ bài thơ "Dạo Chơi Sơn Tây Thôn" của Lục Du, một thi nhân thời Nam Tống. Bài thơ được viết năm 1167 (năm Càn Đạo thứ ba triều đại Tống Hiếu Tông),trong hoàn cảnh sau khi Lục Du bị gian thần hãm hại, bị bãi chức cho về làm Thông phán, rồi vì muốn "chống Kim phục quốc" nên bị kết tội cho về quê ở ẩn. Dù biết thế sự trong triều đều bị thao túng bởi những kẻ thiển cận, vụ lợi nhưng thi nhân vẫn chưa hề mất niềm tin. Bài thơ thể hiện tâm tư của Lục Du, muốn đi chu du khắp Đại Tống, mơ ước được một lần nữa lại nhìn thấy đất nước lãnh thổ toàn vẹn, người dân có thể tự do du ngoạn từ bắc đến nam. Đây là một bài thơ trữ tình. Câu Sơn trọng phục nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn vừa chỉ cảnh sắc núi sông, vừa chứa hàm ý triết lý sâu xa. Đọc lên trôi chảy huyến lệ (tươi đẹp),sáng sủa thanh thoát, tựa như có thể nhìn được khung cảnh non xanh nước biếc trong mắt thi nhân. Có sơn tuyền cuồn cuộn chảy, cỏ cây um tìm, đường núi uốn lượn. Đang ở mê võng đột nhiên lại nhìn thấy cây liễu (Liễu ám),và mấy gian nhà tranh, ẩn hiện giữa chốn hoa cỏ hoang vu, tựa như khai sáng. Trong câu thơ còn thể hiện sự hưng phấn, tâm trạng mong đợi và hi vọng.
–> Chương Đôn nhắc đến câu thơ này với hàm ý rằng, tình huống nhà họ Chương đang bị rơi vào bế tắc thì đột nhiên lại có nhân tố Tô Bác Nghệ, khiến lão như người trong câu thơ, đi lạc trong rừng đột nhiên nhìn thấy 'liễu ám' nhà tranh, đột nhiên mà được khai sáng.
Toàn bài: Mạc tiếu nông gia tịch tửu hồn, phong niên lưu khách túc kê đồn.
Sơn trọng thủy phục nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn. Tiêu cổ truy tùy xuân xã cận, y quan giản phác cổ phong tồn. Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt, trụ trượng vô thì dạ khấu môn.
Tạm dịch: Chớ cười rượu đế của nhà nông, mùa được khách sang đãi lợn gà
Trùng điệp núi sông ngờ không lối, liễu rậm hoa thưa lại có làng. Trống tiêu giục giã xuân gần đến, trang phục giản đơn tục vẫn còn. Nếu được vui nhàn mà hưởng nguyệt, đương đêm chống gậy đến đầu thôn.
"Phụ thân, ngài đây là..." Chương Đình không biết Chương Đôn là có ý gì, nhưng vẫn cảm nhận được nan đề mấy ngày nay của Chương gia có lẽ sắp giải quyết được rồi.
Chương Đôn thu tiếng cười, nghiêm túc dặn dò.
"Đình nhi, từ hôm nay trở đi ngươi đem chuyện ân oán hơn 30 năm trước của vi phụ và Tô Kính Chi đến các trà lâu tửu quán trong kinh thành tung ra, thêm thắt càng nhiều càng tốt, nhất định phải truyền đến tai cái vị trên kia cho ta." Chương Đôn hướng ngón tay chỉ chỉ lên trời, "Trong lời đồn có thể chèn thêm địa vị của hai nhi tử Tô Kính Chi. Dĩ nhiên, quan trọng nhất là phải đêm quan hệ của Tô Kính Chi và vị tân khoa Thám Hoa này lôi ra hết, điểm này ngươi phải nhớ kĩ!"
Chương Đình cảm thấy bản thân ngày càng mờ mịt, không biết phụ thân đang muốn làm gì. Để người ta biết về chức quan của hai nhi tử Tô Kính Chi, đây không phải là tạo thêm phiền toái cho Chương gia sao? Huống hồ bệ hạ đang muốn đối phó với Chương gia, thêm Tô gia nữa khác nào càng tạo thêm lợi thế cho bệ hạ, như vậy chẳng phải là tự đào hố chôn mình ư?
"Vâng, hài nhi sẽ thu xếp thỏa đáng!"
Chương Đôn có được câu trả lời thuyết phục, vừa ý gật đầu, sau cùng lại nói, "Nhớ kỹ, phải đem cái đuôi lau sạch sẽ, đừng để người khác điều tra được Chương gia có nhúng tay vào!"
"Hài nhi nhất định sẽ chú ý!"
Chương Đình tuy rằng không hiểu ý đồ của phụ thân, nhưng cũng hiểu rằng khi Chương Đôn đang trong tâm trạng rất tốt thì nhất định phải nghe theo. Phụ thân bảo y làm như vậy hẳn là có lý do, y chỉ cần thực hiện là được, quản nhiều như vậy làm gì!
Chương Đình đi rồi, Chương Đôn suy nghĩ một lát, liền đi đến trước thư trác (2),viết một phong thư, sau đó gọi hạ nhân vào rồi bảo gửi ra ngoài.
(2) Thư trác: bàn học.
Không quá ba ngày, các trà lâu lớn nhỏ trong thành Lâm An đều nổi lên nghị luận về tân khoa Thám Hoa lang. Nghe nói hắn là Văn Khúc Tinh trên trời hạ phạm, còn nói hắn không chỉ tài trí hơn người, mà bộ dạng còn tuấn dật phi phàm. Rốt cuộc không biết Thám hoa lang này là người phương nào, liền một cú lộn ngược dòng mà đem tổ tông mười tám đời của vị Thám Hoa này đào lên hết. Không thể không nói đến, tổ phụ của vị Thám Hoa này là nhân vật mà ai cũng biết, cho dù quan viên Lâm An không biết nhưng phàm những ai lớn tuổi từ Biện Kinh chuyển tới đây đều sẽ biết.
Nói đến Tô Kính Chi thì thế nào cũng phải nhắc đến một chút ân oán giữa ông và Tể tướng Chương Đôn ngày đó. Ngàn vạn từ không thể nói hết. Hai người cùng làm quan trong triều, từ lúc Chương Đôn vẫn còn chưa phải là Tể tướng thì cả hai luôn là đối thủ của nhau. Hơn nữa, có một giai đoạn ồn ào nhất, mà có thể nói đến chết cũng chưa hết, theo như các đồng liêu của họ kể lại, trong hai người, chỉ cần một người đưa ra quan điểm gì đó, người còn lại nhất định sẽ tìm ra một đống lý do để bác bỏ, rồi đến khi hạ triều thì hai người một câu cũng không chịu nói với đối phương.
Tô Kính Chi sở dĩ được mọi người biết đến không chỉ vì ân oán với Chương Tể tướng, mà còn vì có liên quan với thân thế của ông. Lại nói tiếp, thân thế của Tô Kính Chi so với Chương Đôn là hoàn toàn tương phản. Tô Kính Chi vốn không phải họ Tô mà là họ Từ. Từ gia trước đó cũng không phải ở Biện Kinh mà là ở Kinh Đông, phía tây của Từ Châu. Tô Kính Chi là trưởng tử trong nhà, song phụ thân ông lại là một người không đáng tin cậy, đã thích một ca cơ, còn rước về nhà làm vợ bé.
Từ đó về sau, đối với chính thất phu nhân luôn không thể hòa hợp. Hiển nhiên, trưởng tử Tô Kính Chi do chính thất phu nhân sinh ra này cũng bị xem là có cũng như không. Mẫu tử Tô Kính Chi ở trong phủ ngày càng thảm thương, cuối cùng chỉ có thể dùng trang sức của mẫu thân Tô Kính Chi để bán lấy tiền mới nuôi ông trưởng thành. Cũng may, Tô Kính Chi từ nhỏ đã trí tuệ, trong điều kiện gian khổ như thế mà vẫn có thể học tập thành tài.
Ông đã lén lút đi tham gia đồng thí, rồi thi Hương, sau đó đỗ Cử nhân. Lúc bấy giờ phụ thân Tô Kính Chi mới nhớ mình còn có một người con trai như vậy. Mấy người con thứ của y lại không có quá nhiều thiên phú với việc đọc sách. Huống hồ, trước kia người trong tộc đối với chuyện của Tô Kính Chi cũng mắt nhắm mắt mở mà lờ đi, vì nếu lúc đó giúp cho Tô Kính Chi cũng chẳng được lợi ích gì. Bây giờ thấy Tô Kính Chi đậu Cử nhân, nghĩ đến tương lai đèn sách của Tô Kính Chi, tự nhiên mấy giác quan trí nhớ của bọn họ tốt lên hẳn, không còn muốn để phụ thân Tô Kính Chi tùy ý hồ đồ nữa. Chỉ đáng tiếc, lúc đó Tô Kính Chi đã trưởng thành, cũng đã hiểu biết hơn, không phải làm một chút ơn huệ nho nhỏ là có thể mua chuộc được ông.
Vì để tiết kiệm tiền cho Tô Kính Chi sau này mua sách, mẫu thân của Tô Kính Chi sinh bệnh cũng không chịu đi tìm thầy thuốc. Cái ngày mà Tô Kính Chi tham dự thi Hương, Tô mẫu ở nhà bị bệnh nặng, không người chăm sóc, cứ thế mà qua đời. Đợi đến khi Tô Kính Chi thi Hương trở về mới phát hiện ra thi thể, lúc đó cũng đã thối rữa đến bốc mùi.
Tô Kính Chi ôm thi thể hôi thối ấy khóc suốt một ngày một đêm, trong lòng đầy oán hận, thầm lập lời thề, một ngày nào đó nhất định phải để cho người của Từ phủ trả giá toàn bộ. Tô Kính Chi cố gắng nhẫn nhịn, đối với người của gia tộc, bên ngoài không tỏ ra căm ghét gì cả, đối với phụ thân cũng rất kính cẩn.
Mãi cho đến khi Tô Kính Chi làm đến chức Lại bộ Thượng thư (3) nhất phẩm, khiến Từ thị trở thành gia tộc lớn nhất, ông mới đem chuyện của phụ thân cáo trạng lên công đường, còn thu thập chứng cứ phạm tội lớn nhỏ của người trong Từ thị, đem toàn bộ bọn người của Từ thị đang làm quan trong triều hạ bệ hết. Lúc bấy giờ, chuyện này đã làm chấn động cả triều đình lẫn trong dân gian. Không chỉ có thế, Tô Kính Chi còn từ bỏ gia tộc ở Từ Châu, đổi sang họ mẹ là họ 'Tô'.
(3) Lại bộ Thượng thư: Thượng thư là quan đứng đầu một bộ, tương đương với Bộ trưởng hiện nay. Lại bộ gần với Bộ nội vụ bây giờ, làm nhiệm vụ phong quan, xét tước, bãi truất hay bổ sung vào bộ máy quan lại.
Tam cương ngũ thường từ xưa đến này đều là "Phụ vi tử cương (4)." Hành động lần này của Tô Kính Chi được xem là khiêu chiến với lễ giáo. Hơn nữa, vì bản thân ông chức vụ lại cao, đối thủ cũng nhiều, nên rất nhiều người lợi dụng việc này để công kích ông. Triều đình vì chuyện này mà bị ảnh hưởng không nhỏ, nháo nhào cả lên. Cuối cùng hoàng đế cũng ân chuẩn để ông đổi sang họ mẹ, cũng xử lý đám người của Từ thị. Nhưng Tô Kính Chi cũng vì vậy mà từ quan. Về phần hai huynh đệ Tô Minh Kiệt, bởi vì hành động nghịch thiên của Tô Kính Chi nên hoàng đế cũng không dám quá trọng dụng bọn họ, chỉ cấp cho cái chức quan nửa vời mà thôi.
(4) Phụ vi tử cương: Cấp bậc lễ nghĩa của thời phong kiến, xuất phát từ tam cương ngũ thường. Ý là cha rồi mới đến con. Con làm điều bất hiếu với cha là đại nghịch bất đạo.
Có thể nói, nếu không vì Tô Kính Chi làm ầm ĩ việc này, lúc đó trong triều Tô Kính Chi và Chương Đôn ai làm Tể tướng còn chưa biết được!
Cũng vì nguyên nhân này mà Tô Kính Chi chưa từng nạp thiếp. Ông từ nhỏ đã phải chịu đủ đau khổ do thiếp thất mang lại, thế nên kiên quyết không để hài tử của mình gặp chuyện tương tự. Chỉ đáng tiếc, nhi tử của ông lại không kiên trì được như ông, có điều cũng may là không quá phận, đối với vợ cả vẫn tôn trọng, chỉ là toàn bộ sủng ái đều nhường cho thiếp thất cả.
Hiện giờ Thám Hoa lang như thế mà lại chính là tôn tử của Tô Kính Chi, như vậy không khiến mọi người ngạc nhiên sao được?
Tất cả mọi người đều đoán rằng, chỉ cần có Chương Tể tướng ở đây, tiền đồ của Thám Hoa lang này thế là xong. Ai chẳng biết Tô Kính Chi và phụ thân của Tể tướng trước đây là tử địch, cho dù được làm quan, chỉ cần Tể tướng sắp xếp mấy việc nhỏ ngáng chân, tiền đồ của hắn như vậy là toi rồi.
Gần đây Lâm Dịch cảm thấy rất buồn bực, chỉ cần hắn bước ra khỏi cửa, những người trước đây từng đối với hắn nào là hâm mộ, nào là ghen tị, nào là thù ghét giờ đều tỏ ra thông cảm khi nhìn hắn, khiến hắn cảm thấy rất không thoải mái.
Còn một việc nữa là hắn gặp lại người quen cũ ở Thạch Cổ Học viện – Dương Tri Vũ. Từ khi biết Dương Tri Vũ từng có ý với hắn, Lâm Dịch chỉ cần nhìn y sẽ thấy được sự lúng túng. Tuy rằng hiện tại Dương Tri Vũ đã thành thân và có con rồi, nhưng chỉ cần chạm mặt vẫn cảm thấy y có chút không được tự nhiên, đó là chưa kể cứ vô tình nhìn có thể thấy được trong mắt y còn chút tình ý, điều này càng khiến Lâm Dịch cảm thấy không dễ chịu khi đối diện với y.
Từ khi lời đồn kia truyền ra ngoài, Dương Tri Vũ rất thường xuyên tìm đến, an ủi hắn, còn luôn tỏ ra là huynh đệ tốt. Chỉ là Lâm Dịch rất muốn nói với y, kỳ thật sự việc này cũng không ảnh hưởng gì đến hắn cả, chỉ có cái việc bị y mỗi ngày tìm đến, rồi còn khuyên bảo gì đó mới khiến Lâm Dịch cảm thấy bị quấy nhiễu thôi. Nhưng mà những lời này dù thế nào cũng không thể nói ra miệng, nếu không lỡ sau này có gặp lại cũng không tốt lắm.
Nghe qua lời đồn, Lâm Dịch giờ mới hiểu được vì sao lúc trước ở Biện Kinh, khi muốn tìm hiểu nguyên nhân Tô lão thái gia từ quan, đám hạ nhân đều tỏ ra câm như hến. Dù sao đi nữa, ở thời đại này, hành động của Tô lão thái gia cũng bị xem là đại bất hiếu, thế nên mọi người sẽ kiêng kị khi nhắc tới.
Lâm Dịch bên này không hề bị lời đồn làm ảnh hưởng, bên kia Tô phu nhận lại vì lời đồn mà căm hận Chương gia. Còn nói gì mà trước đây có vài vị phu nhân vốn có ý kết thân với Tô phủ, nhưng vì những lời nói đó mà ngay cả đại môn của Tô phủ cũng không dám bước vào, người khác tổ chức gia yến cũng không... gửi thiếp mời cho bà, nhân duyên của tiểu nhi tử thế là vuột mất, không chỉ có thế, đường làm quan của con còn có thể bị ảnh hưởng. Điều này khiến Tô phu nhân hận đến nghiến răng nghiến lợi, nhưng không làm gì được, cả ngày chỉ luôn miệng lầm bầm, thậm chí còn nói luôn cả đại sư Linh Ẩn Tự, bảo là tiền cúng dường nhiều như vậy sao mà một quẻ xăm cũng không linh nghiệm gì cả.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]