Ánh hừng đông nhàn nhạt yếu ớt phủ lên mái ngói lưu ly giăng kín tầng tuyết trắng dày đặc sau một đêm lạnh. Chỉ vài khắc sau tuyết dần tan bớt, để lộ ra màu ngói xanh trong trẻo.
Một màn sương mỏng nhẹ buốt giá ôm trọn lấy đế đô hùng vĩ. Không khí buổi sớm thật tĩnh lặng mà cũng rất yên bình.
Ở biệt viện rộng lớn phía Đông Bắc hẵng còn yên ắng, chỉ lác đác một, hai gia nhân qua lại quét dọn.
Trong thư phòng mọi thứ được bố trí ngay ngắn, giấy mực bút lông đều có đủ cả, nhìn qua chẳng có gì khác biệt so với thư phòng của một vị thiếu gia vọng tộc khác.
Ở góc phòng có đặt một chiếc đàn Không Hầu* cỡ lớn phỏng theo hình đầu chim phượng hoàng. Trên đàn được bố trí hai hàng dây, mỗi hàng ba mươi sáu dây, mỗi dây đều có con nhạn đỡ trên hộp đàn.
*Hình minh họa cuối chương.
Trong căn phòng được bố trí không mấy đặc biệt này lại xuất hiện một chiếc đàn Không Hầu chạm khắc hoa văn Tây Vực quả là điểm nổi bật.
Ở chính giữa gian phòng, nam nhân mặc áo cổ đứng, thắt đai lưng bằng da quanh eo. Mái tóc đen dài tùy tiện thắt đuôi lại một ít, còn lại thì buông xoã.
Hắn ngồi khoanh chân trên một tấm thảm dệt thổ cẩm, trên đùi kê một cây đàn tỳ bà màu sẫm, ở giữa mặt đàn là hoạ tiết trang trí hình ảnh Phi thiên* áo quần phiêu dật thoát tục đang chao lượn.
*Phi thiên thường được gọi là thần thiên nhạc, họ biết ca hát, nhan sắc động lòng người, đem lại may mắn và hạnh phúc cho nhân gian. Hình tượng Phi thiên thường được thấy ở các bức bích hoạ Đôn Hoàng.
Tay trái hắn đặt trên cần đàn, tay phải khẽ lướt nhẹ qua từng sợi dây. Dáng người hơi nghiêng về một bên, gương mặt chậm rãi cúi xuống, đôi mắt nâu trong trẻo nhắm lại, dung mạo tú lệ dưới ánh mai nhạt xuyên qua từ khe cửa càng thêm phần lay động.
Ngón tay thon dài gân guốc đầy sẹo thanh thoát lướt trên từng dây đàn, ngón gảy, ngón nhấn, ngón vuốt đều thành thục điêu luyện vô cùng.
Âm sắc tỳ bà thiên biến vạn hoá dưới những ngón tay linh hoạt mà nhạy bén ấy, lúc cao trào dồn dập, mạnh mẽ thì tựa như tiếng binh khí giao nhau, tiếng vó ngựa chạy như bay trên chiến trường, tiếng hô hào đánh giết khí thế ngút trời của tướng sĩ, sau đó lại tinh tế chuyển sang âm sắc tỉ tê, như có ai thủ thỉ tâm tình. Tư thế gảy đàn của hắn cũng phiêu theo từng âm vang.
Một khúc Thập diện mai phục* hào hùng bi tráng.
*Một trong thập đại danh khúc của Trung Hoa.
Nam nhân ấy như hoà làm một với khúc nhạc, đôi mắt nhắm nghiền lại cảm nhận từng thanh âm. Cầm khí phát ra đầy nội lực, tiếng đàn lướt như gió mà sắc như kiếm xuyên thấu tâm can. Như hiện ra trước mắt là một chiến trường ác liệt hàng vạn binh mã, là gươm đao sắc bén trảm quân địch, là tiếng sấm rền vang, là xác thịt chồng chất, là nàng Ngu Cơ cách sông đau buồn ngâm khúc Sở ca.
Âm sắc tỳ bà réo rắt liên hồi, nam nhân cau nhẹ đôi mày kiếm, ngón tay ghì chặt trên dây dần rỉ máu.
.
.
.
Dây đàn đứt.
.
.
.
Tiếng nhạc lập tức dừng lại.
Không gian thoáng chốc im bặt.
Nhiếp Tĩnh buông đàn sang một bên, tay chống lên tấm thảm, mồ hôi lạnh lăn trên sống mũi thẳng tắp. Nhịp thở của hắn nhanh hơn bình thường đến độ chính hắn cũng có thể nghe được tiếng tim đập.
Ngoài phòng chiếu lên thân ảnh của một thị nữ, nàng ta cất giọng nhỏ nhẹ:
"Thưa Công tử, Nhiếp lão gia đến ạ".
Lúc này hắn mới bừng tỉnh, đôi mắt chầm chậm mở ra hiện rõ sự mệt mỏi. Trấn tĩnh lại hồi lâu, hắn bê cây đàn lên đặt về chỗ cũng, chỉnh trang lại y phục. Đoạt cất giọng.
"Ta biết rồi".
Dứt lời hắn tiếng lại mở cửa, lớp sương mỏng đã tan từ khi nào. Nhiếp Hoàng đứng trước tiền viện, tay chắp sau lưng, mắt phượng đen sâu hơi híp lại, từ phong thái đến khí chất đều rất mực nghiêm nghị đĩnh đạc.
Nhiếp Tĩnh thầm thở dài, hắn miễn cưỡng mà hành lễ: "Phụ thân cất công đến đây không biết là vì chuyện gì?".
Ông phất tay đi thẳng vào trong thư phòng, dáng điệu thong dong bình thản nhìn ngắm xung quanh.
"Phụ thân, người đi đừng chắc cũng mệt rồi, ngồi xuống nghỉ ngơi trước đi ạ". Hắn vừa nói vừa xuôi tay về phía bằng ỷ cạnh đó, giọng điệu không mấy thoải mái cho lắm.
Nhiếp Hoằng gật gù, ông chậm rãi hất vạt áo rồi ngồi xuống, ấy vậy mà hai chiếc đàn không hầu và tỳ bà đã lọt vào tầm mắt của ông.
Nhiếp lão gia không mở lời, ông chỉ nhìn ngắm những vật dụng bày trí trong phòng rồi lại nhìn bộ y phục trên người Nhiếp Tĩnh.
Hắn lại không biết phụ thân mình đang nghĩ gì sao? Nhiếp lão gia xưa nay vốn khinh ghét người Hồ, nay lại có một nhi tử sống trên đất Trung Nguyên mà ăn ở chẳng khác gì Hồ nhân như vậy, thực sự có hơi chướng mắt.
"Gần đây ngươi vẫn khoẻ chứ? Biệt viện này ở phía Đông Bắc, khí hậu mùa đông có lạnh hơn đôi chút, nếu cảm thấy không thích nghi được thì ta có thể nói với gia nhân sắp xếp cho ngươi một biệt viện khác".
Nhiếp Tĩnh tròn mắt, khoé môi hơi giật giật, ông có thật là phụ thân hắn hay không? Từ năm hắn mười lăm tuổi, giữa hai phụ tử đã luôn có một rào cản lớn, chung sống trong một nhà nhưng chẳng ai nói với ai câu nào, thậm chí người ngoài không biết nhìn vào sẽ chẳng ai nghĩ họ là cha con cả. Nay bỗng dưng lại mở lời hỏi thăm như vậy khiến Nhiếp Tĩnh có chút nghi hoặc.
Hắn trả lời cho có lệ: "Phụ thân nghĩ nhiều rồi, nhi tử vẫn khoẻ ạ".
Nói rồi hắn ngồi xuống phía đối diện, giơ tay ra hiệu cho thị nữ. Nàng ta nhanh nhẹ châm một chum trà cho lão gia, cũng kính dâng lên.
Nhiếp Hoằng chỉ nhận lấy chứ không uống, ông xoa xoa mi tâm rồi nói: "Ngươi định ở lại Vĩnh Yên đến bao giờ?".
"Có lẽ là đến tháng ba".
"...Ở lại lâu vậy chắc ngươi cũng có kế hoạch nhỉ?".
Hắn rủ mắt, đầu ngón tay gõ gõ nhẹ lên tay vịn ghế.
"Vâng, chuyến đi vừa rồi cũng thu hoạch được không ít sản vật thiên nhiên như thảo dược, nhu cầu của người dân trong thành cũng cao. Con dự định sẽ cùng mấy huynh đệ trong đội buôn phân ra để bán lại".
Nhiếp Hoằng nhấm một hớp trà ấm, ông hơn nghiêng người về phía Nhiếp Tĩnh, sắc mặt và ngữ khí bỗng chốc trở nên âm hiểm:
"Công việc buôn đi bán lại như vậy ngươi không cảm thấy rất bấp bênh sao?".
Hắn cười lạnh: "Người cảm thấy bấp bênh? Câu này người đã nói từ năm năm trước rồi".
Bầu không khí thoáng chốc chùng xuống, thị nữ bên ngoài cũng không dám nhúc nhích dù chỉ một chút.
"Buôn bán có thể cho ngươi lợi nhuận lớn trong trước mắt. Nhưng ngươi chắc hẳn phải rõ hơn ai hết, dấn thân vào con đường này luôn có một thanh đao treo trên đầu, chưa kể cả đời này chỉ nhận lại sự khinh miệt của người đời, cái tiếng 'con buôn' sẽ theo ngươi mãi".
Ông tiếp lời: "Cho nên, bỏ đi, ở lại kinh thành ngươi sẽ có một vị trí tốt trong triều, bây giờ bắt đầu lại vẫn chưa muộn".
Nực cười! Đây là chuyện nực cười nhận ngày hôm nay hắn nghe. Phụ thân hắn đang muốn gì đây? Tại sao phải cất công đến chỗ hắn để nói những lời này mà bản thân ông đã biết rõ câu trả lời?
Nhiếp Tĩnh bật cười, hắn khẽ cau mày.
"Phụ thân à, người đến đây chỉ để nói những lời này thôi sao? Đúng, nhi tử có thể bị lời gièm pha khinh miệt, có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Nhưng, mạng này là của nhi tử, đâu phải của người? Cứ cho là ta ham vật chất mà gạt bỏ tôn nghiêm đi, suy cho cùng cái người quan tâm ở đây không phải là ta. Mà là danh tiếng của Nhiếp thị".
"Ngươi...!".
Ông đập bàn, mắt phượng hẹp dài như lưỡi kiếm sắc bén mang đầy sát khí. Tướng mạo đoan chính mà lạnh lẽo như băng ấy càng thêm nặng mấy phần phẫn uất.
Hắn cười lạnh: "Chỉ trách nhi tử mang họ Nhiếp".
Chát!
"Nghịch tử!!".
...
Rèm lụa buông xuống chia cách gian phòng rộng, Nhiếp Tư Mặc ngồi thẳng lưng trên bàn, tầm mắt hướng xuống, thỉnh thoảng lại thấy tay nàng lật giở trang sách.
Bóng hình thị nữ phản chiếu lên rèm lụa rồi dần tiến lại nàng. Bước chân nàng ta hết sức nặng nề, lại như có chút run rẩy.
Nàng chau mày gặng hỏi, giọng vẫn bình tĩnh: "Xảy ra chuyện gì?".
"Dạ...thứ nữ của Bình Tây Hầu được chọn đi hoà thân...đã thắt cổ tự vẫn sáng sớm nay".
Nhiếp Tư Mặc như chết lặng, tin tức ấy như sét đánh ngang tai, sống lưng nàng chợt lạnh đi. Nét mặt không chút thay đổi.
Không cần nói cũng biết vì sao nàng ấy lại tự vẫn. Thà rằng kết liễu cuộc đời ngay bây giờ còn hơn là gả đi một nơi xa xôi, cách Vĩnh Yên trăm vạn dặm, sống một cuộc đời nhục nhã cô độc đến già, không thể trở lại cố hương, không thể gặp lại phụ mẫu. Đau khổ như vậy, chi bằng kết thúc luôn cho rồi.
Nhưng nếu cái chết có thể chấm dứt tất cả thì Nhiếp Tư Mặc đã chẳng còn ngồi đây rồi. Chết có lẽ sẽ giải thoát cho bản thân, nhưng người ở lại thì sao đây?
Nếu nàng cũng chết để chấm dứt đau đớn, vậy mẫu thân nàng, nhị ca, Uyển Nhi, những người ở lại sẽ nghĩ gì. Họ có thể đau thương, có thể oán trách, có thể chẳng một chút mảy may động lòng. Chung quy lại cũng là lựa chọn.
Có trách thì trách các nàng là phận nữ nhi hay trách lòng người thâm hiểm vô tình?
Nàng rủ mắt, chẳng biết là đang thương tiếc, đang oán giận hay chỉ đang trống rỗng.
Nàng đang tự hỏi liệu Hoàng đế sẽ nghĩ gì đây, liệu ngài có tiếc thương không, có dằn vặt không, hay...đối với ngài nữ nhân cũng chỉ là quân cờ, người này không còn thì tìm người khác thay thế?
Đối với Nhiếp Tư Mặc mà nói, một vị quân vương bản lĩnh sẽ luôn là người lý trí đến đáng sợ.
Nhìn lại lịch sử nghìn năm nay việc anh em ruột thịt lợi dụng, tàn sát lẫn nhau để tranh giành vương quyền là điều không hiếm gặp, nói gì đến một nữ nhân không cùng dòng máu.
Nhưng nàng cũng chẳng phải kẻ bảo thủ mà không hiểu được những việc ấy đều là vì đại cục cả thôi. Hoặc là Trung Nguyên đại loạn lầm than, hoặc là có được bình yên lâu dài chỉ bằng vài nữ nhân.
Đặt mình vào vị trí thiên tử, Nhiếp Tư Mặc cũng sẽ làm điều tương tự Thánh thượng.
Nếu bắt nàng lựa chọn giữa thiên hạ và mỹ nhân thì nàng sẽ chẳng nghĩ nhiều mà chọn thiên hạ. Bởi trong thiên hạ có con dân bách tính. Liệu có quá tàn nhẫn không?
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]