Chương trước
Chương sau
Kể từ ngày ấy, tôi bỗng thấy những tiết học trên lớp dài lê thê, những môn tôi yêu thích như ngữ văn, tiếng anh cũng chán kinh khủng khiếp. Tôi cứ mong mãi những ngày được ngồi trên xe buýt ra học tuyển, mong mãi giây phút cậu ấy và tôi ngồi cạnh nhau dưới trạm xe buýt không người, dù rằng điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải tụng như tụng kinh những bài học của tuyển.

Rõ là môn của Đức khó hơn, thế mà lúc nào Đức cũng phải giúp tôi tất bật chuẩn bị câu trả lời lịch sử. Dần dần, chuyến xe buýt Uông Bí 129 ấy lúc nào cũng xuất hiện cảnh tôi ngồi lầm rầm đọc bài, còn Đức phân tích ý chính trong những câu hỏi tư duy.

- "Hiện tượng brexit" là gì vậy?

Tôi hỏi, cuống cuồng nhìn vào đống bài tập chất đống không thèm làm trước, Đức suy tư hai giây rồi trả lời:

- Việc Vương quốc Anh rời Liên Minh Châu Âu đó, Lam có muốn tớ phân tích một chút không?

Tôi gật đầu, Đức lại bắt đầu vừa ghi vào nháp vừa nói bằng miệng vì biết chắc chắn tôi sẽ quên. Minh Đức sống kỷ luật hơn tôi rất nhiều, cậu ấy luôn chuẩn bị bài từ trước hoặc hoàn thành luôn trong lớp học, sau đó lại từ từ sắp xếp lại đống công việc của tôi trong khi tôi luống cuống chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Duy chỉ có một lần tôi thấy Đức cũng cắm cúi vào sách vở khi đang ngồi trên xe. Hỏi thì cậu ấy bảo hôm trước bị cảm nên chưua tiếp cận kĩ kiến thức, tôi nhìn vào những con số trong sách rồi lại hổ thẹn quay đi, cái ký hiệu Đức viết tôi còn không hiểu nó là viết tắt của cái gì chứ nói gì đến giúp mới chẳng đỡ.

Lúc đó tôi biết hóa ra Đức cũng có những lúc bị chùn bước và mệt mỏi, chỉ là cậu ấy giữ ở bên trong chứ không làm ầm ĩ lên như tôi. Đi cùng cậu ấy cứ như đi cạnh quyển từ điển vậy, hỏi gi gỉ gì gì cái gì cậu ấy cũng biết.

Về lớp tuyển, chẳng cần nghĩ cũng biết môn của tôi không thể nào nặng nề bằng Đức, vậy mà lúc nào tôi cũng bắt Đức phải chờ vì cứ cắn bút nghĩ vẩn vơ, đến khi hết giờ mới cuống cuồng ghi chép. Vậy mà cậu ấy chẳng bao giờ lên tiếng trách khi tôi là ngời cuối cùng rời khỏi lớp tuyển, mỗi khi nhìn thấy Đức chăm chú đọc một quyển sách nào đó hoặc để ánh mắt suy tư lang thang trên bầu trời mà kiên nhẫn chờ đợi, tôi lại thấy lòng mình xao xuyến hơn một chút.

Duy chỉ có một lần tôi phải chờ đợi và vào một ngày gần cuối tuần, tôi bước ra và ngạc nhiên đôi chút vì không thấy Đức đứng ở nơi cậu thường xuất hiện. Ngó nghiêng một hồi, tôi mò lên tầng ba và thấy cậu ấy ở trong lớp, thảo luận rôm rả với thầy giáo, tay không ngừng vẽ gì đó trên bảng, ánh mắt thi thoảng lại liếc nhìn đồng hồ.

Tôi có thể nhìn ra chút mất kiên nhẫn trong đôi mắt Đức, nhưng cậu vẫn thảo luận với giáo viên đến khi hiểu bài thì thôi. Tôi nhìn đống tài liệu bừa phứa trên bàn và bỗng chốc nhận ra áp lực trên vai cậu ấy còn nặng hơn tôi gấp nghìn lần.

Đức uể oải bước ra, nhì thấy tôi, mọi vẻ mệt mỏi đều biến mắt, thay thế là nụ cười rạng rỡ. Ánh nắng hắt ngược lên dáng người cao ráo của Đức, như thật lại như mơ.

Một vài ngày dư giả thời gian hơn chút đỉnh tôi đều làm bạn với cái ghế trên xe, nói thẳng ra là ngủ. Tôi chẳng có chút thắc mắc nào tại sao tôi có thể ngủ ngon lành như thế dưới cái nắng chói chang khi xe buýt không có rèm. Cho đến khoảnh khắc tôi thấy bức ảnh trên tay Trang.

Hôm đó nhóm Kiều Trang không thể ngồi trên xe khách như thường ngày vì người lái xe gặp sự cố, mấy đứa nó rồng rắn lên mây kéo nhau lên xe buýt. Vậy là chuyến xe vắng tanh bỗng nhiên vì thế mà ồn ào suốt cả đường đi. Từ thi rap với bác tài xế đến mở karaoke hát hò ầm ĩ. Thật ra không phải mọi người vô ý thức mà chuyến xe lúc ấy đã chẳng còn một ai, bác tài lại dễ tính quá mức. Vì đêm hôm trước tôi oằn mình chuẩn bị cho bài kiểm duyệt chất lượng mà cả người mỏi nhừ, chẳng còn tâm trí nào hòa vào cuộc vui trên xe nữa.

- Ngày trước học tuyển của trường tớ cúp học vô tư, cùng lắm là nghe cô Yến mắng mấy câu. Giờ không học là bị phê bình trước học sinh của cả thành phố, chẳng quen chút nào cả.

Tôi lầm bầm vài câu trong lúc vươn vai rồi lăn ra ngủ lúc nào không hay, vậy là buổi tối trên nhóm chat, mọi người gửi vào một bức ảnh và thảo luận rôm rả.

Trong bức ảnh đó, tôi nằm tựa đầu vào vai Đức, còn cậu ấy dùng tay che đi những tia nắng đang chiếu xuống mắt tôi.

"Tao thề là cả xái xe buýt lúc đó như sắp nổ tung đến nơi ấy, trông tình không thể chịu được."

"Cẩn thận đôi bạn trẻ đang yêu nhau nhưng giấu đó, cái tính nhút nhát rụt rè đó của bạn Lam nhà mình thì dám lắm."

Tôi kiên quyết phủ nhận, vì sự vui vẻ kỳ lạ chẳng hiểu từ đâu ập đến mà mất ngủ cả đêm hôm đó.

Một lần nằm ườn ra bàn vì đã nhờ được Đức tìm tài liệu hộ, tôi nghe nhóm Trang kể đội tuyển vật lý đang nâng cao tiến độ học để kiểm duyệt chất lượng. Bảo Yến bên tuyển lý liền gật đầu xác nhận:

- Đã học nhiều lại còn không cố định nữa, mấy tuần vừa rồi bọn tao toàn học buổi tối thôi.

Tôi thảng thốt:

- Nhưng Đặng Đức vẫn đi cùng tao lúc buổi chiều mà?

Yến nhún vai:

- Chắc là nó đến làm gì đó, chứ dạo này bọn tao có học giờ giống con người nữa đâu.

Tôi bước ra nhận đống sách chuyên sâu trên tay Đức, ánh mắt dừng lại nơi vầng trán cậu lấm tấm mồ hôi, trong lòng ngổn ngang trăm mối.

Vậy là tôi bắt đầu để ý về những thứ nhỏ nhặt nhất, cách Đức lúc nào cũng nhìn theo tôi ngay cả khi xe chưa đến trạm, cách cậu ấy chăm chút từng li từng tí giúp tôi làm bài tập, cách cậu ấy vén gọn tóc tôi lên rồi cười cười, cách cậu đặt nhẹ trên vai tôi khi tôi bước xuống. Cậu ấy vẫn chào tôi, vẫn chúc tôi học vui vẻ rồi đi lên hướng tầng mình. Tôi ngồi trong phòng gần một tiếng, kiến thức cứ nhét vào lại rơi ra, tôi đứng dậy xin phép cô ra ngoài. Hành lang im phăng phắc, tôi bước từng chút lên tầng ba, dừng lại trước tấm biển xanh ghi "đội tuyển vật lý".

Trong phòng chỉ có một mình Đức. Cậu ấy đứng trên bục giảng ghi chép không ngừng, bàn tay di chuyển trong không trung để tính toán gì đó, thi thoảng lại vò đầu và xóa đi. Tôi đứng như trời trồng, thấy cổ họng mình có gì đó nghèn nghẹn. Tan học, tôi chạy ra ngoài ngay lập tức, cậu ấy vẫn đứng ở đó, cũng vẫn dáng vẻ suy tư đó, ánh mắt hướng về phòng học của tôi.

Tôi ngây người nhìn cậu, câu hỏi đã đặt ra từ lâu lại được lặp lại. Vì sao cậu ấy lại tốt với tôi như thế?

Nếu chỉ là tình bạn, nếu những ánh nhìn vài nụ cười đó chỉ dành cho một người bạn thì tôi thật sự thắc mắc đối với "người yêu" còn đến mức nào.

*

Giữa tháng mười hai, không khí của Tết dương lịch đang ngày càng đến gần. Chúng tôi bắt đầu bước vào chuỗi ngày kiểm tra triền miên để hoàn thành chương trình học kì I. Thêm vào đó, đội tuyển cấp tỉnh cũng đang tăng cường kiểm tra để chọn lọc những người học giỏi. Nhiều công việc cần phải làm khiến tôi lúc nào cũng quay cuồng trong mớ bòng bong dày đặc, giấc ngủ trở thành thứ gì đó quá đỗi xa vời.

Tôi luôn ngưỡng mộ Đức ở khoản biết sắp xếp thời gian và nghỉ ngơi hợp lý, trừ sự vụ chuẩn bị cho câu lạc bộ lần trước thì cậu ấy lúc nào cũng bình tĩnh trước kỳ thi. Lần này cũng vậy, trái ngược với vẻ mệt mỏi của tôi thì Đức vẫn thản nhiên giúp tôi phân tích bài hình học không gian dài loằng ngoằng và gạch những câu hỏi không cần thiết trong những môn xã hội.

Vì điểm giữ kỳ không quá hài lòng mà tôi chuẩn bị rất kĩ cho đợt thi cuối kỳ này, thế nhưng bất trắc vẫn xảy đến.

Phần thi ngữ văn 90 phút, tôi đã ngoáy đến gãy cả tay cho bài nghị luận văn học. Phần vì chủ đề này khá dễ, phần vì ngữ văn là ưu điểm của tôi, tôi muốn điểm môn này phải cao nhất có thể.

"Chỉ còn mười phút, các bạn khẩn trương hoàn thành bài thi và kiểm tra lại thông tin."

Tôi càng viết nhanh hơn vì tính toán thời gian có chút sai lệch. Cô Điệp từ từ đi quanh các dãy, tiếng dày cao gót kêu cộp cộp. Khi đi quanh dãy tôi, tôi có cảm giác cô dừng lại ở bàn tôi ngồi khá lâu so với cần thiết.

Bàn tay tôi chững lại bởi tiếng gõ thước xuống bàn.

- Cô yêu cầu em dừng bút.

Tôi ngước lên, cô Điệp đang nhìn tôi đầy nghiêm trọng, trên tay cô là một thứ gì đó. Tôi nheo mắt, là tờ phao.

Tại sao nó lại ở đây, tại sao cô lại nhặt nó và gõ vào bàn tôi? Cô đang nghi ngờ tôi ư?

- Cô đã phổ biến quy chế thi từ đầu giờ rồi, không bàn cãi nhé.

- Thưa cô em không...

- Số báo danh 101038 Dương Huỳnh Nguyệt Lam, em bị đánh dấu bài rồi.

Mắt tôi mờ đi, miệng mấp máy không nói thành lời. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, tôi chẳng kịp hiểu chuyện gì đã diễn ra trong những tiếng xì xào bàn tán, tờ biên bản phút chốc đã ở ngay trước mặt tôi.

- Thưa cô tờ phao đó không phải của em ạ.

Tôi cố gắng giải thích, nhưng vô vọng.

- Ai trong trường hợp của em mà chẳng nói như vậy. Cô đã nói phải kiểm tra kĩ các ngóc ngách để chắc chắn không có rác rồi mà, coi như đây là một bài học.

Tôi tưởng như mặt đất dưới chân vừa nứt toác.

Mọi cố gắng của tôi, những đêm không ngủ của tôi, vỡ tan như bong bóng xà phòng.

Tại sao ông trời cứ phải làm khó tôi như vậy? Tôi nhìn trân trân vào tờ biên bản, mọi suy nghĩ đều trở nên hỗn loạn, hoang mang quá đỗi.

- Thưa cô...

Phía sau tôi, một bạn nữ đột nhiên đứng lên. Tôi quay xuống, hình như bạn ấy tên là Xuân An. An rụt rè nhìn cô, ánh mắt như có chút gì đó sợ hãi hướng về một nơi. Tôi nhìn theo, phát hiện ra Hương Lam ngồi cạnh tôi cũng đang nhìn An, ánh mắt như đang cảnh cáo một điều gì đó.

- Em có chuyện gì? - Cô Điệp hỏi.

- Thưa cô... em thấy... bạn bên cạnh đã ném tờ phao sang chỗ của Nguyệt Lam ạ.

Cả người tôi cứng đờ, phòng thi cũng vì thế mà chìm trong xôn xao. Cô gõ thước xuống bàn để vãn hồi trật tự, sau đó yêu cầu Hương Lam đứng dậy.

- Những gì bạn nói có thật không?

Tôi thấy Hương Lam liếc nhìn cả hai chúng tôi.

- Nhỡ bạn ấy bịa thì sao, bạn ấy có bằng chứng em đã làm thế không ạ?

- Mình không bịa. - Xuân An đáp.

Cô Điệp cười:

- Vậy bạn có bằng chứng là bạn ấy nói dối không?

Không khí rơi vào trầm tư hồi lâu. Cuối cùng vẫn không thể giải quyết nên cô đành thông báo tôi và Hương Lam sẽ làm lại bài vào một ngày khác. Tôi quay sang nhìn Lam, ánh mắt cậu ta nhuốm đầy sự căm phẫn rất dễ phát hiện.

- Sao thế?

Tôi choàng tỉnh khỏi dòng suy nghĩ miên man, phát hiện ra mình đã đứng ở hành lang từ lúc nào. Minh Đức nhìn tôi đầy hoài nghi:

- Hôm nay cậu chẳng tập trung gì cả.

Nói rồi, Đức lấy tay mình áp lên trán tôi, cậu cúi người xuống khám khám xét xét xét.

- Hơi nóng đấy, hay hôm nay không kiểm tra đáp án nữa nhé.

Tôi lắc đầu:

- Chữa nốt đi, đến đâu rồi nhỉ?

- Thấy chưa, cậu còn không biết là mình làm đến đâu rồi.

Đức gập sách lại, khuân hết đống tài liệu của tôi vào người để tôi không đọc được nữa. Cậu kể cho tôi mấy câu chuyện linh tinh, trống trường điểm mới lóc cóc chạy lên tầng, đi thi mà cứ như đi chơi vậy.

Ngay từ đầu tôi đã biết Hương Lam không có ý tốt khi tiếp cận tôi, chẳng ngờ cậu ta lại làm đến mức vậy. Tôi thở dài, những bài thi tiếp theo làm không tốt do những cảm xúc xao nhãng.

Không biết có thứ gì gọi là "hội chứng chản nản nửa mùa" hay không?

Từ khi hiểu chuyện, tôi bỗng rơi vào tình trạng đó nhiều đến lạ. Một ngày hệt như mọi ngày, tôi ngủ dậy và cảm giác như cả tỉnh Quảng Ninh vừa quỵt tiền tôi, tôi chẳng có tinh thần làm điều gì cả, lúc nào cũng chỉ muốn nằm ườn lăn lóc trên giường hoặc vùi mình vào sách truyện, hai ba ngày qua đi, những tâm trạng ấy cũng hết. Nhưng tôi không thể bỏ mặc tất cả hay coi như không biết trong khoảng thời gian thi cử này được, và cảm xúc ấy đến, tôi vẫn phải làm tất cả mọi thứ trong chán nản, không có hiệu quả.

Đội tuyển tỉnh đang bước vào giai đoạn tăng tốc và luyện đề thật nhiều để rèn kĩ năng. Tôi phải nạp vào đầu rất nhiều kiến thức mới mỗi ngày, tôi mất cân bằng trong việc phân bổ thời gian, lúc nào cũng trong tình trạng không muốn làm gì cả nhưng vẫn phải gượng dậy vì công việc chất đống, việc học không có hiệu quả và uống quá nhiều cà phê khiến trí nhớ dài hạn của tôi bị ảnh hưởng không ít.

Trong một lúc nôn mửa bất chợt, tôi bỗng nhận ra những cả xúc tiêu cực của mình trước kia lại quay về rồi.

Nó quay về cùng mẹ của tôi.

Người mẹ mà ba năm nay, số lần tôi gặp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lần này bà về lâu hơn, bà không về để lấy tiền hay thu xếp hành lý như mọi hôm. Bác Minh nói, mẹ đã bắt đầu chuyển từ công việc trung truyển hàng hóa trên cảng thành giúp những chủ tàu trốn thuế, kho hàng lâu nay vẫn trót lọt bị cảnh sát và an ninh hải quan lần ra, mẹ tôi liền bị trục xuất về nước 3 tháng.

Chúng tôi vẫn không nói với nhau câu nào.

À không, có một lần. Tôi vô tình làm vỡ cốc, bà bước qua, buông một câu chưng hửng:

- Đứa con gái vô tích sự, chẳng hiểu sao ngày xưa thằng bố mày có thể dùng tên của tao để làm tên đệm cho mày.

Cuối cùng tôi cũng vỡ lẽ, vì sao mẹ chưa bao giờ gọi tôi là Nguyệt Lam.

Tôi cuộn chặt tay, thủy tinh găm vào da đau rát. Từng giọt máu lặng lẽ chảy xuống, như nước mắt của tôi.

Trên lớp tuyển, cô Thu phải nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần rằng tôi đang không tập trung vào bài giảng, trên xe buýt, tôi lầm bầm đọc lại bài, được ba câu, bốn câu và tắt ngấm. Tôi thở dài, né tránh ánh mắt Đức.

- Tớ quên mất rồi.

Tôi thật sự chẳng nhớ gì cả.

Trong suốt những ngày đó, Đức thôi làm phiền tôi. Cậu vẫn đi cạnh tôi nhưng chẳng nói gì. Đôi lúc, tôi phát hiện ra dù bao lâu trôi qua khi tôi nhì sang, ánh mắt cậu vẫn đang hướng về tôi.

Ngày 17 tháng 12, chúng tôi làm một bài khảo sát chất lượng để loại ra ba người và chốt đội tuyển chính thức. Trước đó, cô Thu dành cả một tiếng để khái quát lại kiến thức và trò chuyện thân mật. Rằng tuy sẽ có những người phải rời đi, nhưng được chọn vào vòng cấp tỉnh đã là một thành công đáng tự hào.

Tôi lót dạ chút bánh Nabati Đức mua, chưa được một miếng đã đau quặn bụng nên đành thôi.

Với một cái bụng trống rỗng, tôi nuốt hai viên Paradol mà không uống thêm nước.

Lấy giấy, phát đề, đọc đề, tôi làm tất cả như một cái máy. Được mười phút, bên ngoài bắt đầu đổ mưa tầm tã, trời đất cũng tối sầm lại.

Trong những mớ tạp nham hỗn độn ấy, tôi chợt nghĩ đến những cố gắng của mình trong suốt mấy tháng qua, những đêm không ngủ và biết bao lần ngồi khóc. Đến phút thứ ba mươi, cuối cùng tôi cũng thuyết phục được mình đặt bút xuống giấy thi.

Tiếng chuông hết giờ vang lên, tôi theo mọi người nộp bài và xin phép được ngồi lại lớp.

Màn mưa ngoài kia ngày càng nặng nề hơn. Tôi nhìn ra ngoài sân dày đặc những lớp đất bị bay tung lên, những chiếc ô đầy màu sắc, những người bất chấp ôm đầu chạy về, những thanh âm hỗn loạn dần thưa thớt. Một tiếng, hai tiếng, rồi ba tiếng. Không biết qua bao lâu, tôi mới gượng dậy và bước đi. Phía trên, đồng hồ đã chỉ qua con số 7. Tôi nhìn bên ngoài, cũng đã muộn lắm rồi. Có lẽ vẫn có lớp học tối nên bác bảo vệ chưa đi kiểm tra.

Ngay khi tôi vừa bước xuống hành lang, trời lại trút mưa lần nữa, ồ ạt và nặng nề.

Tôi cứ thế đi thẳng ra ngoài, đôi giày dính đất bẩn nhem, vướng vào một thứ gì đó mà tuột ra. Bước đến cổng trường, tôi thở dài cúi xuống buộc lại. Đột nhiên, trên đỉnh đầu tôi không còn cảm giác gì nữa, tôi ngước mắt lên, sững sờ đến mức chẳng phản ứng được gì.

Đã bao lâu trôi qua rồi, Đức vẫn còn ở đây.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.