Tiếng còi xe kêu inh ỏi, cuối cùng những trận mưa dai dẳng của mùa hạ cũng đã kết thúc. Kéo về đầu thu là cơn gió dịu nhẹ cuốn theo lá bàng bay vào căn phòng ấm áp, luồn lách qua chiếc chuông gió nhỏ tạo thành một loạt âm thanh vui tai khe khẽ.
- Sắp lấy chồng đến nơi rồi mà còn ngủ gật trên bàn ăn thế hả?
Đâu đó tiếng dầu rán kêu tanh tách, hương thơm của trứng chiên ngâm mắm lẫn với khói trắng của nồi cơm vừa được mở, làn khói mờ mờ theo đó bay ra ngoài, làm mặt tôi có cảm giác nong nóng.
- Tại bác lừa cháu! Mới 6 giờ mà bác bảo 7 rưỡi, làm cháu sợ đến nỗi chạy vấp chân giường, nhìn ra cửa còn thấy mặt trời chưa lên.
Tôi ngồi bó gối trên ghế, mắt lim dim nhìn bác Minh xới cơm ra bát, miệng bác không ngừng mắng mỏ nhưng lại cười tươi. Tôi dụi mắt, bên tai thấp thoáng tiếng nhân viên quán phở hải sản chào gọi khách.
- Bác chưa gọi lúc 5 giờ là may đấy! Bác không để mày đi muộn liên tục như hồi cấp hai đâu.
Bác tránh miếng trứng tôi gắp vào bát của bác, rồi lại đẩy đĩa rau gần tôi hơn. Vị chua của quất trong canh rau muống tràn vào khoang miệng, tôi giả vờ hờn dỗi xị mặt:
- Cháu đâu có thiếu kỷ luật đến mức đó, chẳng qua là vì cháu đọc truyện đến hơn bốn...
Đang nói, tôi bỗng im bặt, mắt len lén nhìn bác Minh đang chăm chú "đánh nhau" với đống rau muống rối tung khó gỡ, thầm mong bác không nghe thấy tôi vừa lỡ miệng khai ra mình đã thức khuya hơn quy định.
- Sao tự dưng im thế? - Bác Minh dùng tay tách luôn mớ rau ra. - Cháu vừa nhắc đến ông Bốn ở đầu ngõ à?
- Vâng đúng rồi! - Tôi reo lên. - Hôm nọ cháu đi qua, thấy ông Bốn bị bà Năm cầm dao bầu đuổi khắp xóm.
Cháu xin lỗi ông Bốn vì đã bịa chuyện, tôi thầm nhủ.
Bữa cơm gia đình kết thúc bằng cái gõ đầu của bác Minh vì tôi làm đổ bát mắm ra bàn, tôi cười hì hì buộc lại tóc rồi chạy ra tủ để giày, xác định không có con cóc nào làm tổ bên trong mới xỏ chân vào, còn không quên tặng cho bác Minh một nụ hôn gió đang luôn miệng cằn nhằn trong bếp.
Chỉ trong một khung trời cũng có thể nhìn thấy cả trăm hành động đan xen. Tiếng quăng lưới của ngư dân đánh bắt gần bờ, tiếng thảo luận rôm rả về kết quả xổ số ngày hôm qua. Tôi nhảy chân sáo qua vũng nước đen ngòm dưới chân, hơi nheo mắt để tránh đi những tia nắng chói chang, chẳng mấy chốc đã đến cổng trường. Băng qua con đường đông đúc, tôi theo mọi người hướng đến nơi đội thanh niên xung kích đang kiểm tra, tay lần tìm chiếc thẻ học sinh cất trong cặp.
Không có.
Nỗi lo lắng mơ hồ bất chợt ập đến, tôi vội tháo cặp lục tìm bên trong lẫn bên ngoài đều không thấy. Vô lý, từ hôm qua đến giờ tôi đều để nó ở trong cặp vì ngày khai giảng không dùng đến, nếu như làm rơi thì có thể là vào lúc nào được?
Quả bóng bay! Phải rồi, lúc đó tôi đã nhảy lên để với quả bóng bay. Nhưng trước khi suy nghĩ thẻ học sinh đã rơi ở đâu, tôi còn phải đối phó với đội trực ban đã...
- Bạn kia, bạn quay lại, thẻ học sinh của bạn đâu?
- À... - Tôi chầm chậm quay đầu, hai tay bấu chặt vạt áo, mắt láo liên tìm lý do giải thích hợp lý. - Mình làm rơi ở gần đây nên đang đi tìm.
Bạn trực ban nhìn tôi chán nản, tôi nhắm tịt mắt, thầm trách đáng lẽ ra nên kiểm tra lại khi ở nhà. Tưởng rằng tôi sẽ làm tụt điểm thi đua của lớp ngay buổi đầu tiên, một trong hai bạn trực ban đột nhiên reo lên như nhớ ra điều gì đó:
- Bạn có phải Ng... gì nhỉ? Nguyệt Lam, đúng không?
- À, ừ. - Tôi ngắc ngứ trong cổ họng, tôi đã làm gì để bị nhớ tên vậy nhỉ?
Bạn còn lại nhìn tôi hồi lâu rồi gõ bút xuống quyển sổ trên tay:
- Ban nãy có một bạn nam đến trình báo nhặt được thẻ học sinh của bạn. Chúng mình bảo bạn ấy nộp lên phòng phát thanh, bạn lên đó để nhận lại nhé.
Tôi thở phào, cảm giác như tôi vừa dùng hết may mắn trong tháng này vậy. Tôi băng qua biển người đang ríu rít cười đùa, hình bóng cứ kéo dài trên men gạch màu đỏ đất rồi lại bị che đi bởi những cây bàng già. Ngày đăng ký thi tuyển sinh ở trường, tôi đã chú ý đến tòa nhà này đầu tiên bởi vẻ lặng lẽ nó tả, khắp các vách tường đều in hằn dấu vết của thời gian.
- À, em là Dương Huỳnh Nguyệt Lam lớp cô Mai phải không?
Tôi thở dốc, cố điều chỉnh lại giọng nói:
- Vâng ạ.
- Lần sau em chú ý hơn một chút nhé, trường mình quy định chặt chẽ thẻ học sinh lắm.
Chị trực phòng mở quyển sách đã nhàu nát, lật giở vài trang rồi lại quay nó về phía tôi:
- Em ký đi.
Tôi cúi xuống nhìn bảng gửi đồ thất lạc, ngòi bút vừa đặt vào nơi để ký tên, tầm mắt tôi vô tình chạm vào hàng người gửi, nhìn thấy bốn chữ "Đặng Trần Minh Đức", trái tim như bị hẫng mất một nhịp. Là cậu ấy đã nhặt được thẻ tên của tôi, có lẽ là từ ngày hôm qua, vào khoảnh khắc chúng tôi gặp nhau. Đức và tôi đã chạm mặt rất nhiều lần, tại sao cậu ấy không trả thẻ tên cho tôi vào lúc đó?
Đôi chân bước lên bậc thang cuối cùng dẫn đến tầng ba tôi hít một hơi thật sâu rồi vào lớp, cố gắng không gây sự chú ý. Bên cạnh chỗ của tôi là Minh Nam đang ngồi chễm chệ, nhìn thấy tôi liền buông lời cợt nhả:
- Gà Trăng* đến rồi à?
*Tên gọi của Lam ở nhà là "Chíp" - tiếng kêu của gà. "Nguyệt" cũng mang nghĩa là Trăng.
Đôi khi tôi có cảm giác Nam như có thù với Hán Việt vậy. Thậm chí tôi từng chứng kiến Nam và Hải Đăng lao vào đập nhau đến chảy máu miệng chỉ vì Nam cứ khăng khăng gọi Đăng là "đèn biển".
- Mày ngộ à? Mới sáng ngày ra.
Tôi mệt mỏi đập cặp xuống bàn, không bao lâu đã nghe tiếng trống trường vội vã vang lên khắp ngóc ngách các lớp học, Kiều Trang chạy xồng xộc vào lớp rồi lao về chỗ, vì Trang ở bên trên tôi nên với một lực mạnh, vệt bút của tôi lăn từ đầu trang đến cuối trang. Trang sung sướng nhìn "tác phẩm" của mình trên vở tôi, cười cười:
- Tao vừa trốn Xung kích, tình cờ nghe được hình như hôm nay chọn học sinh vào đội tuyển đấy.
Hà Vi vẫn chăm chăm vào sách toán trước mặt, trả lời qua loa:
- Lớp mình chắc chọn có cho có thôi, chủ yếu là bên A5 kìa.
- Nói mới nhớ. - Vi nhìn tôi chăm chú. - Sao Lam lại học A1 thế, điểm mày cao nhất nhì luôn mà?
Tôi bỗng thấy bối rối đến mức bất giác cắn chặt môi dưới, nặn ra một nụ cười méo mó:
- Tao không thích môi trường ở lớp chọn lắm, với lại lớp mình có mọi người ở lớp cũ, lại thoải mái hơn nhiều.
Đúng như những gì Trang nói, cô Mai bước vào lớp với một tập danh sách dày, bắt đầu giảng giải về lợi ích khi tham gia đội tuyển cho nhà trường. Khác với cấp hai, thay vì thi thẳng vào vòng tỉnh, chúng tôi sẽ phải vượt qua vòng thành phố, từ đó chọn những thành viên ưu tú cho đội tuyển chính thức.
Nhưng cũng đúng so với những gì Vi nói, A1 không quá chú trọng việc này, phần lớn các bạn đều ngồi im và tỏ ra không mấy hào hứng.
- Nguyệt Lam định thi sử nữa không? Mày thi ba năm liên tục rồi còn gì. - Trang đột nhiên quay xuống hỏi tôi.
Vi ngạc nhiên:
- Ba năm liên tục thi sử á? Vậy là từ lớp bảy luôn?
- Đúng rồi. - Trang nói. - Lúc đấy Lam là học sinh nhỏ tuổi nhất của thành phố luôn.
Hà Vi cảm thán, con bé liên tục nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ. Tôi cười trừ:
- Tao không giỏi đến mức đó đâu, cả ba lần thi tao chưa được nhất lần nào cả.
Nam im lặng từ đầu đến cuối lúc này lại nắm chặt cổ tay tôi dưới gầm bàn, tôi hơi giật mình muốn rụt lại, nhưng khi thấy ánh mắt khác lạ của Nam, tôi đành thôi. Những tưởng chuyện đội tuyển cứ thế kết thúc thì cô Mai lại ngồi trầm ngâm hồi lâu, rồi không biết ý tưởng ở đâu ra, cô đứng phắt dậy đập bàn:
- Được rồi, nếu các bạn không ai đăng ký học thì cô quyết định. Tất cả lớp sẽ bắt buộc phải học đội tuyển, môn học bất kỳ do các bạn tự bốc thăm, không bàn cãi!
Không cần phải nói, không khí lớp tôi sau đó nhốn nháo thế nào. Một nửa thấy hào hứng, một nửa lại có vẻ lo sợ, cũng không ít người ý kiến nhưng cô không hề dao động. Cô Mai lớp tôi dạy môn Toán, hình như chính vì vậy nên có vẻ số giấy môn toán trong thùng nhiều hơn hẳn. Đối với một lớp hướng xã hội như 10A1, thi học kỳ Toán đã là cả một vấn đề chứ đừng nói đến thi học sinh giỏi.
Bỗng dưng có tâm trạng hơn hẳn, tôi liền lôi túi bánh gấu ra ăn, miệng vừa nhồm nhoàm nhai vừa cười ặc ặc trên nỗi đau của những con chuột bạch bốc đầu tiên, đứa nào cũng kêu trời kêu đất. Được vài phút thì Thùy Linh đột nhiên xuống đập bàn tôi cái rầm:
- Mày đổi môn cho tao đi, không cần biết mày vào môn gì, tao thà chết chứ không thi Sử đâu.
Tôi nhoẻn miệng cười, dập tan hi vọng của Linh:
- Tao cũng thế.
- ...
- Số 19.
Tôi bình tĩnh đi lên, lúc lướt qua Trang, con bé nhìn tôi như đang mong tôi bốc vào mấy môn tôi dốt vậy. Số là nó vừa bốc đúng môn tủ, hiển nhiên là cười tít mắt trên nỗi bất hạnh của những người xung quanh. Tôi nhắm mắt lấy đại một mẩu giấy trong đống cô vừa bốc lên, từ từ mở, đập vào mắt là nỗi đau tột cùng:
- Dương Huỳnh Nguyệt Lam, Lịch sử.
Cô Mai đọc to, ngay tức khắc là tiếng cười như yêu quái của Trang và Linh. Nếu ánh mắt có thể giết được người, hẳn tôi vừa thành sát nhân hàng loạt.
Tôi tất nhiên không chấp nhận số phận dễ dàng như vậy:
- Cô lừa em bốc phải môn này đúng không?
Thế mà tôi không ngờ cô Mai lại chột dạ thật, cô chỉ nói thầm nhưng vẫn đủ để tôi nghe thấy:
- Giấu kĩ thế mà vẫn lộ à?
- Cô ơi!
Cô chẳng thèm quan tâm học trò cưng đang đứng tuyệt vọng giữa lớp mà đuổi tôi về chỗ, Thùy Linh liền ngó xuống hóng hớt:
- Năm gì mà xui tận mạng thế không biết?
- Xui thật đấy.
Nam giả vờ ra giọng đồng cảm, khinh khỉnh nhìn tôi. Tôi không thèm liếc nó, đáp gọn:
- Tại ngồi cùng bàn với mày nên tao xui đấy.
Tôi chán nản nằm bò ra bàn, không còn hứng quan tâm đến những người xung quanh sống chết ra sao, đương nhiên lớp không chỉ vì tôi vào môn không thích mà dừng bốc được. Bên tai tiếp tục toàn tiếng hú hét, tiếng cười của chúng nó lạ đến nỗi tôi đang ỉu xìu cũng phải cười theo. Nam có vẻ còn đen hơn tôi. Thằng bé vừa khằng khặc đập liên tục vào người tôi như hít phải bóng cười thì bốc trúng môn Văn, ủ mưu xin cô đổi môn mà cô nhất quyết không cho.
Tôi có an ủi nó không? Tất nhiên là không, tôi còn cười to hơn lúc nó cười tôi.
Trong lúc tôi vẫn đang ôm bụng cười vào mặt Nam, Trang bắt đầu lân la xuống bàn tôi, ra giọng Bồ Tát hạ trần:
- Thôi đừng buồn, nếu nghĩ thoáng ra thì học Sử để biết thêm quá khứ hào hùng của dân tộc cũng không tệ đâu bạn!
Tôi chẳng buồn đáp, con bé thấy không trêu được tôi liền chuyển mục tiêu sang Minh Nam đang đau khổ ngồi cạnh:
- Cả mày nữa, tao thấy Văn cũng t...
- Cút được chưa?
Tình hình có vẻ căng thẳng, tôi còn chưa kịp can thiệp thì thằng Việt trên bục giảng đột nhiên hét đến long trời lở đất:
- EM KHÔNG ÔN HÓA ĐƯỢC ĐÂU CÔ ƠI!
Cô Mai chống nạnh, ngước lên nhìn thẳng trời đánh cao hơn mét tám:
- Vì sao lại không được, tôi xem điểm tổng kết của cậu hơn chín phẩy cơ mà?
Cả lớp tôi thấy thế cũng nhao nhao thêm vào:
- Đúng rồi cô ơi, cho bạn Việt thi hóa đi!
Sau một hồi tranh luận cô sống em chết, cuối cùng thì Việt vẫn phải ôn Hóa. Lúc nó về chỗ ngồi tự kỷ, tôi có ngó lên hóng hớt sao điểm phẩy nó cao thế mà không thèm đi thi thì Khánh Việt chỉ đáp lại lạnh tanh:
- Giấu nghề con khỉ. Thế sao mày thi Sử ba năm rồi không theo tiếp đi, ý kiến làm gì?
- Mày cáu với tao cô cũng không đổi môn cho mày đâu.
- ...
Rốt cuộc là lớp tôi chẳng mấy ai may mắn như Kiều Trang, Vi còn quay xuống bàn tôi thì thầm:
- Tao bắt đầu thấy nghi ngờ luật nhân quả chưa nhìn ra sự tàn ác của nó rồi đấy.
Giờ ra về, tôi còn mải nghĩ ngợi vẩn vơ nên thu dọn đồ đạc chậm nhất, cô Mai đợi tôi đi ra đến cửa rồi lại đặt lên tay tôi tập danh sách dày bịch:
- Lam xuống phòng hội đồng nộp giúp cô nhé!
- Lam Lam Lam, sao lúc cộng điểm không thấy cô gọi Lam ạ? - Tôi đùa.
Bóng dáng học sinh ngày càng thưa thớt, tôi bước từng bước chậm rãi trên sân trường, ánh mắt thấp thoáng tà áo dài bay bay vụt qua rồi lại biến mất. Dừng ở trước cửa phòng hội đồng, tôi giật mình lùi lại, ngẩn ngơ nhìn người trước mặt. Minh Đức đang loay hoay với tập giấy trên bàn, tập trung đến mức không nhận ra có người đang tới.
Có gì mà phải xấu hổ, tôi tự mắng mình, hạ quyết tâm rồi chậm chạp bước vào, mồ hôi bỗng chốc rịn đầy lòng bàn tay. Tôi cứ thế tiến gần Đức, đầu óc như sắp nổ tung tìm từ ngữ thích hợp để cảm ơn chuyện ban sáng, đến lúc tôi đặt tập danh sách xuống bên cạnh, cậu ấy mới phát hiện ra sự tồn tại của một người khác trong phòng.
- A...
- T... tớ xin lỗi. - Tôi vội vã quay đi, vờ như đang sắp xếp tập giấy trên tay.
Thế nhưng trong một tích tắc, tôi đã kịp nhìn những con chữ trên tờ giấy của cậu ấy, hệt như một nhát búa gõ mạnh vào đầu tôi.
Họ và tên: Đặng Trần Minh Đức
Bên dưới là một hàng chữ "vật lý" bị gạch đi, được cậu ấy thay bằng môn học khác:
Môn học dự thi đợt 1: Lịch sử
Lịch sử...
Rõ là Đức đã xong việc từ lâu nhưng cậu ấy vẫn đứng nguyên chỗ cũ, đến khi tôi lúng túng ra ngoài Đức mới rời đi và đóng cửa. Tôi biết chỉ là chút ảo tưởng của chính mình, nhưng không hiểu sao tôi cứ có cảm giác đến tận khi tôi bước chân đến cổng trường, Đức vẫn đang nhìn tôi chăm chú.
Trên đường trở về nhà, tôi vô tình bắt gặp một chùm bong bóng sặc sỡ bay theo cơn gió, một đàn chim bồ câu đang kiếm mồi đập cánh bay tán loạn. Tôi dùng tay che đi những tia nắng chói chang xuyên qua cành lá, đôi chân giẫm lên chùm hoa bằng lăng giập nát rơi rụng.
Và tôi bỗng bâng khuâng tự hỏi, rằng trong sự gặp gỡ tình cờ và vô vàn những ánh mắt không lời ấy, liệu Đức có chút nào ôm trong mình nỗi xao xuyến lạ lùng giống như tôi hay không.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]