Cũng không rõ cậu Hai đã nói gì với bà Hai mà sáng của ngày hôm sau, bà Hai đã cho gọi Ba Yến tới, còn có cả Hai Hạnh, một lòng muốn hòa giải thù hận giữa hai người.
Chỉ là, nói là hoà giải nhưng bà Hai còn kêu cả mẹ của Hai Hạnh tới để gây áp đảo tinh thần Ba Yến. Bọn họ là muốn giải hòa trong sự trịch thượng, đến cả xin lỗi cũng chỉ muốn làm qua loa cho có, chứ thật sự không thành tâm muốn xin lỗi cô.
Bà Hiểu, mẹ của Hai Hạnh, bà ta nhìn Ba Yến không đến nửa con mắt, lời nói thì nghe có vẻ hiểu chuyện lắm, nhưng thái độ xem thường thấy rõ.
– Bé Hạnh cũng đã bị cậu Hai phạt rồi, con nhỏ hối hận lắm, sợ tới mức ngã bệnh luôn. Thôi thì chuyện cũ bỏ qua, dù sao thì người cũng không có gì, cô Ba rộng lượng mà bỏ qua cho con gái tôi một lần, sau này cả hai sẽ là chị em tốt của nhau.
Ba Yến ngồi trên xe lăn, cô ngạo nghễ ngồi thẳng lưng, nhìn mẹ con Hai Hạnh người diễn người múa, trông vui mắt vui tai phải biết. Buồn cười thật, con gái bà ta hại người tàn nhẫn tới mức này mà bà ta bảo là sau này còn có thể làm chị em tốt của nhau. Ăn nói ngang ngược như vậy, bảo sao con gái độc ác không giống ai.
Hướng mắt về phía mẹ con Hai Hạnh, Ba Yến không tỏ rõ vui buồn, cô chỉ nhàn nhạt đáp trả.
– Tôi không dám làm chị em tốt với cô Hạnh, tâm địa cô Hạnh “hiền lương nhân hậu” quá, người nhỏ nhen như tôi không dám chơi chung đâu. Nói nào ngay, bà muốn tôi bỏ qua cho con gái bà cũng được, chuyện này dễ, không có khó. Thôi thì vầy đi, ai sao tôi vậy, cô Hạnh làm gì với tôi, cô Hạnh cứ nhận lại y như vậy là được…
Hai Hạnh nhíu mày nhìn Ba Yến, cô ta như vừa nghĩ ra được chuyện gì đó, liền trầm giọng hỏi lại.
– Ý của cô là thế nào, cô nói rõ ra đi Ba Yến?
Ba Yến nở nụ cười bí hiểm, cô không trả lời, chỉ ra hiệu cho A Ti đem đồ lên.
A Ti gật đầu nhận lệnh, cậu nhóc vội vàng lấy ở trong hộp ra một đôi giày vải, trên lớp đế giày của giày vải có một lớp thủy tinh li ti vỡ vụn… y hệt như đôi giày mà hôm lễ Đạo Trần Ba Yến đã mang…
Thái độ ung dung, nụ cười trong sáng, Ba Yến trầm tĩnh nghiêm túc cất giọng.
– Cô Hạnh đã làm gì với tôi, tôi chỉ đơn giản là làm lại y vậy với cô Hạnh. Cô Hạnh chỉ cần mang giày vào và đứng trong 5 phút, sau 5 phút, tôi coi như bỏ qua cho cô. Quá hời rồi nhé, tôi phải vừa đứng vừa đi hơn nửa giờ đồng hồ, đây cô Hạnh chỉ cần 5 phút thôi… nhất cô rồi!
Ba người Hai Hạnh, bà Hiểu và cả bà Hai đều mở tròn mắt mà nhìn vào đôi giày chằm chằm. Phản ứng nhanh lẹ nhất là bà Hiểu, bà ta cự tuyệt không đồng ý để con gái mang vào đôi giày “đau đớn” kia…
– Không được! Cô Ba đây là ép người quá đáng rồi, cô Ba muốn xin lỗi thì được, chứ cô Ba bắt con gái tôi làm thế này… tôi không đồng ý.
Bà Hai cũng góp lời thêm vào.
– Cô Ba… cô Ba coi như hỷ xả đi, chẳng lẽ ai làm ác với mình thì mình cũng làm ác lại y vậy hay sao hả cô Ba? Thôi, cô Ba nghe lời tôi, tôi sẽ bắt Hai Hạnh xin lỗi và chịu phạt, không để cô Ba thiệt thòi đâu.
Ba Yến không đủ kiên nhẫn để lịch sự với mấy loại người này, cô thừa biết cái thói ép người của bọn họ, vậy nên cái gì cô cũng đã chuẩn bị sẵn từ trước. Từ lúc nghe tin bà Hiểu tới đây, cô đã lường trước được là bà ta sẽ cùng hợp sức với bà Hai mà chèn ép cô. Cũng may là cô đã nhanh trí gọi cho bác Kỳ Hà cầu cứu, bác Hà sẽ để vợ bác ấy tới đây giúp cô, khéo bây giờ bác gái cũng sắp tới rồi cũng nên. Việc bây giờ cô cần làm là phải câu thêm thời gian để chờ bác gái tới, sẵn tiện “chửi lộn” với bà Hiểu này một chút cũng được.
Hướng mắt nhìn về phía bà Hai, Ba Yến nhỏ nhẹ, lựa lời từ chối thật khéo léo.
– Con biết bà Hai là người liêm minh, bà chắc chắn là không để cho con thiệt thòi. Nhưng mà con người con rất ngại nhờ vả người khác, với lại chuyện này con thấy giải quyết cũng đơn giản, không cần bà Hai phải nhọc công nhọc sức đứng ra giải quyết giúp con đâu mà. Chuyện này con đã quyết như vậy, cũng chỉ đơn giản là cô Hạnh đây đi vào đôi giày đó thì được. Con cũng không có ác, cô Hạnh ra tay với con mười phần, con chỉ bắt cô Hạnh trả lại có ba phần mà thôi.
Ba Yến nói như vậy, bà Hai nhất thời không biết phải nói gì, bởi cô nói quá đúng, có sai cái gì đâu…
Thấy bà Hai đột nhiên im lặng, bà Hiểu sợ bà Hai sẽ nghe lời Ba Yến, bà ta vội vàng xối xả bảo vệ con gái.
– Cô Ba đừng nói như vậy, tôi không đồng ý để bé Hạnh đi vào đôi giày đó. Tôi biết con gái tôi sai, nhưng mà con tôi tôi xót, làm sao tôi có thể chịu được khi nhìn thấy con tôi chịu đau đớn. Tại vì cô Ba đâu có mẹ… cô Ba làm sao hiểu được người mẹ bảo vệ con gái mình như thế nào?
Ba Yến có chút kích động khi nghe bà Hiểu nhắc tới mẹ của cô, cô nhìn chằm chằm vào bà Hiểu, nhìn bằng ánh mắt thù địch gắt gao, ánh mắt như muốn g-i-ế-t người. Bà ta nói cô không có mẹ… đúng rồi… cô không có mẹ…
Nở nụ cười lạnh lẽo, thần sắc không có một chút nào là dịu dàng thân thiện như vừa rồi, âm giọng đột nhiên trầm xuống, trầm đến kỳ quái.
– Bà nói đúng, tôi không có mẹ, vậy nên tôi đâu có biết sự hy sinh cao cả của người mẹ là gì. Sẵn dịp bà đã nói như vậy, hay là… bà thay con gái bà mang đôi giày này vào đi. Con dại cái chịu đòn, bà mang vào được thì tôi bỏ qua cho con của bà. Còn nếu bà không mang, vậy thì con gái bà phải mang, đừng có nhiều lời, nghe ngứa tai lắm!
Bà Hiểu chưng hửng khi nghe Ba Yến nói như vậy, bà ta nhìn chằm chằm vào đôi giày, vô thức da gà da vịt nổi dựng lại, loáng thoáng còn thấy ê ẩm cả lòng bàn chân. Trên đế giày là lớp thủy tinh li ti, mà thủy tinh đâm vào chân thì đau “hỗn” lắm, không đùa được đâu!
Ba Yến gài chiêu này, bà Hiểu biết chắc là bà bị đưa vào tròng rồi, nhưng bà không muốn mang đôi giày đó, và bà cũng không muốn con gái bà phải xuống nước chịu tội. Con gái cưng của bà dù sao cũng chỉ hại một đứa con gái không nhà không cửa, việc gì mẹ con bà phải chịu xuống nước mà nhận tội?
Nghĩ như vậy, bà Hiểu như tiếp thêm sự ngông cuồng, bà đứng ra, hiên ngang đáp trả Ba Yến.
– Cô Ba muốn xin lỗi thì tôi đồng ý, còn nếu cô Ba muốn ỷ thế ép người thì tôi không phục. Nhà cô Ba ở xứ Gò này cũng chẳng còn cái gì đâu, chỉ còn cái nhà thờ thôi, cô Ba đừng ép bọn tôi phải đụng chạm đến người đã khuất. Lão Phú nghe nói sống không được tốt nhỉ, hay cô Ba muốn lão sống… tệ hơn? Bữa nay cô Ba mà ép buộc mẹ con tôi tới cùng, vậy thì cô Ba đừng trách sao… ác giả ác báo?
Ba Yến nghe mà sôi cả máu, cái mỏ này của bà Hiểu chỉ có nước tới vả vào vài cái thì bà ta mới bớt hỗn lại được. Hết nói tới mẹ cô thì chuyển sang đem cha cô ra uy hiếp… mẹ nó… muốn c-h-ế-t đây mà!
Chỉ là trong lúc Ba Yến sửa soạn để “chiến” với bà Hiểu một trận sống chết thì ở phía cửa, một giọng nói hùng hồn của phụ nữ vang lên. Mà người vừa bước vào này cũng không phải là ai xa lạ, bà ấy chính là bà Phấn, vợ của ông Kỳ Hà, người được mệnh danh là “nữ hoàng mồm miệng” của xứ Gò… chửi lộn chưa bao giờ biết thua ai… bách chiến bách thắng!
– Ác giả ác báo là mẹ con bà mới đúng! Bữa nay tôi mà không tới thăm cháu gái tôi thì chắc là tôi đâu có biết bà Hiểu đây cạy quyền ức hiếp cháu gái tôi tới như vậy. Trời đất! Kiểu này tôi phải gọi lão Hà nhà tôi tới để phân xử mới được, chứ để như vậy thì tội nghiệp Thanh Yến… bị mẹ con bà nhai tươi nuốt sống lúc nào không biết luôn.
Bà Phấn vừa nói vừa đi vào trong, bà đi tới trước mặt Ba Yến nháy mắt cười một cái thay cho lời chào hỏi. Ấn tượng lần thứ hai của bà về Thanh Yến là quá xinh đẹp, lúc không son phấn trang phục vẫn đẹp tới nao nức lòng. Trong tức thì bà đã có quyết định mới, người xinh đẹp trong sáng hiểu chuyện như Thanh Yến đây thì không nên bước xuống bùn, phần chửi nhau với mẹ con bà Hiểu thì cứ để bà lo, bà tự tin tràn trề.
Bà Hai nhìn thấy bà Phấn đột nhiên xuất hiện, lòng bà lộp bộp vài tiếng, cũng thầm nhận định phen này mẹ con Hai Hạnh thua chắc rồi. Bởi không cần nói tới cái tính “hung dữ” của bà Phấn, chỉ cần nói tới thân phận là vợ của Kỳ Hà thì cũng đủ ăn đứt cả mẹ con bà Hiểu. Lão Kỳ Hà nổi tiếng sợ vợ, ai mà đụng đến vợ lão, lão đấm cho rơi hết cả răng, ở xứ Gò này bị đấm cũng mấy người rồi, có ai mà không sợ đâu chứ!
– Ôi chị Phấn! Chị tới sao không báo, để tôi kêu người mời trà mời nước… lâu dữ lắm mới thấy chị ghé chơi… mời ngồi mời ngồi!
Thái độ niềm nở của bà Hai khiến cho bà Phấn được nước lấn tới, trước ánh nhìn lo lắng của bà Hiểu, bà Phấn chỉ thẳng mặt bà Hiểu mà tuyên bố.
– Đợi mẹ con bọn họ, một trong hai người chịu mang vào đôi giày này rồi tôi mới ngồi. Bữa nay mà mẹ con bà Hiểu không trả lại công bằng cho cháu của tôi thì đừng trách sao tôi lôi chuyện xấu này ra bố cáo khắp làng trên xóm dưới. Tôi mà không quậy cho tanh bành ra thì tôi đi bằng đầu. Ỷ quyền ức hiếp con bé Yến à, còn hâm he muốn chơi xấu chú Phú nhà tôi… bà gan quá bà Hiểu ha? Nhà bà khó khăn lắm mới trèo được tới đây, cũng từng nhờ vả ông nhà tôi… bây giờ lại muốn leo lên đầu lên cổ tôi ngồi rồi đấy à?
Ba Yến ngồi trên xe lăn, cô kích động tới mức muốn vỗ vào đùi đen đét vài cái. Quá xá đã rồi bác gái ơi, quậy nữa đi, quậy đục nước cho con!
Bà Hiểu tức giận thì ít nhưng sợ hãi thì nhiều, bà sợ là sợ bà Phấn sẽ đem chuyện này của Hai Hạnh rêu rao khắp xứ Gò thì hỏng hết thanh danh nhà bà. Tới lúc đó đừng nói là Hai Hạnh, đến cả vợ chồng bà cũng bị vạ lây theo. Tức thật, ở đâu tự dưng xuất hiện con mụ Phấn này đè ép bà, bây giờ muốn êm chuyện thì chỉ có thể nghe theo lời mụ ta mà thôi…
Nghĩ nghĩ, bà Hiểu liền cắn môi bước lên trước một bước, bà đã quyết định rồi, bà sẽ mang vào đôi giày vải này, bà sẽ nhận phạt thay con gái…
Chỉ là có người đã hành động nhanh hơn bà Hiểu, cô ta vội vàng bước đến chỗ để đôi giày vải, sau đó đặt đôi giày xuống đất, tự thân xỏ chân mình vào đôi giày đầy vụn thủy tinh nhọn. Gương mặt xinh đẹp thiếu sức sống bắt đầu nhăn nhó lên, răng cắn chặt vào môi, mắt đỏ au, nước mắt bắt đầu chảy dài xuống vì đau đớn…
Hai Hạnh là sợ mẹ mình sẽ mang vào đôi giày đau đớn kia, vậy nên cô ta đã mang vào trước, anh dũng hiên ngang hy sinh vì chữ hiếu…
Ôi ôi! Nhìn kìa… nhìn một mẹ một con ôm nhau khóc lóc mà thấy thương ghê chưa?
Nhưng cái này gọi là gì nhỉ? Gọi là ác giả ác báo, là tự làm tự chịu, là nghiệp quật toàn thân, là xứng đáng cho sự ác độc mà cô ta đã gây ra cho cô… Đùa, bớt khóc lại đi chứ, diễn cũng sâu quá, trông lố bịch chướng mắt thật! Nước mắt ngắn nước mắt dài, Hai Hạnh khóc đến trời long đất lở, bà Hiểu phải ôm con gái dỗ dành. Vừa dỗ dành vừa luôn miệng thúc giục thầy thuốc nhanh tay thăm khám rồi thoa thuốc cho con gái bà ta.
– Ác ôn! Cái chiêu này mà cũng nghĩ ra được… con Ba Yến đó ác quá!
Bà Hiểu mắng người thì giỏi, thế nhưng bà ta quên mất cái trò “giày thủy tinh” này là của ai bày ra. Nói ác thì Ba Yến đâu có ác, cô chỉ là ăn miếng trả miếng, người ác thực thụ là Hai Hạnh mới đúng, lòng dạ thâm hiểm âm ngoan vô cùng!
Thầy thuốc khám xong, thầy kê thuốc thoa và thuốc uống cho Hai Hạnh. Lúc thầy thuốc chuẩn bị rời đi, Hai Hạnh đột nhiên yếu ớt hỏi.
– Sao thầy Lệ không tới mà chú tới? Chú là học trò của thầy Lệ hay sao?
Thầy thuốc vừa khám cho Hai Hạnh là học trò của thầy Lệ, vì thầy Lệ không muốn tới cho nên mới bảo người này đến thay. Bây giờ nghe Hai Hạnh hỏi, người này không thể có sao nói vậy, liền nói đỡ cho thầy của mình.
– Thầy tôi bận đi khám cho bệnh nhân ở xa không về kịp, lúc bà Hai cho người tới thì chỉ có mình tôi ở hiệu thuốc, tôi vừa nghe tin là tức tốc chạy tới đây liền.
Hai Hạnh nghe xong cũng không hỏi thêm gì, cô ta chỉ gật đầu, sau đó để cho thầy thuốc này rời đi.
Đợi thầy thuốc đi ra ngoài, bà Hiểu vừa xuýt xoa chân con gái, bà vừa tò mò hỏi.
– Cái con quỷ Ba Yến này… ác ôn thiệt chứ! Gặp thêm mụ Phấn nữa, một giuộc ác độc như nhau! À mà vừa rồi con hỏi thầy thuốc đó chi vậy? Chú kia hình như là học trò của thầy Lệ thì phải?
Môi Hai Hạnh trắng nhợt, quầng mắt thâm đen, không một chút sức sống. Cô ta khẽ gật đầu, giọng nói nhỏ xíu tựa như muốn đứt hơi.
– Thầy Lệ không phải là bận đâu, mà ông ta là không muốn tới khám cho con. Hiệu thuốc chỗ thầy Lệ còn mấy người giỏi nữa, nhưng lại để cho một người học trò đến khám. Mẹ thấy bất công không? Mẹ về nói lại với cha… con làm như vậy cũng vì mọi người thôi, cha đừng có trách con lòng dạ thâm độc, đi ngược lại với lối sống cao thượng của dòng họ. Bởi thiên hạ này từ lâu đã chẳng còn muốn coi nhà mình ra gì rồi!
Bà Hiểu nghe con gái nói mà thấy xót xa trong lòng, bà cũng biết là con gái đã phải chịu khổ, chịu oan ức rất nhiều. Nhưng biết làm sao được, nhà chồng bà luôn tự đề cao mình là dòng dõi “thư hương thế gia”, sống theo lối sống cao ngạo thanh cao của bậc nho sĩ. Trong khi đó thiên hạ hiện giờ đã đổi khác, người ta trọng tiền tài quyền lực, ai còn trọng một dòng dõi chỉ có tiếng chứ không có miếng?
Họa hoằn lắm bà mới chịu đưa con gái cưng của bà tới đây để “ở dâu” cho nhà họ Trần. Cốt lõi là mong con gái của bà có thể lọt vào mắt xanh của bà Hai và cậu Hai mà trở thành Mợ Hai trong tương lai. Có như vậy, dòng dõi bên nhà chồng bà mới có thể đi lên, mới còn cơ hội để tiếp tục trụ vững…
Bà Hiểu nước mắt lưng tròng, bà thút thít tâm sự nhỏ to với con gái.
– Mẹ biết, mẹ sẽ về nói lại với cha của con… mà cha của con… không biết là ông ấy có chịu hiểu cho nỗi khổ của con hay không. Cả ông ấy và dòng họ ông ấy đều luôn nghĩ là nhà họ Trần rất coi trọng bọn họ, coi trọng con. Nếu lần này con bị đưa về thật… mẹ thật sự không biết là cha con có thể chịu đựng được hay không nữa…
Hai Hạnh cũng khổ tâm trong lòng, cô ta nói trong uất nghẹn.
– Chẳng ai coi trọng mình đâu, gia cảnh nhà mình thế nào, ai mà không nhìn thấy. Bà Hai cũng không thương con như mẹ thấy đâu, chẳng qua là bà ấy cần một đứa con dâu biết nghe lời, biết đứng về phía bà ấy trong mọi hoàn cảnh nên con mới được chọn. Hiện tại bây giờ Ba Yến lấn lướt con, cậu Hai có ý muốn cưới ả ta, ả ta còn được vợ chồng Kỳ Hà chống lưng… Nếu con mà không ra tay mạnh như vụ giày vải thì không biết là con còn có thể trụ được bao lâu ở đây nữa. Con đã cố tính toán mọi thứ đâu vào đấy cả rồi, cuối cùng vẫn thất bại… Nếu cha mà còn trách con… con đi c-h-ế-t luôn cho cha vừa lòng!
Bà Hiểu sợ hãi ôm chặt lấy con gái mà dỗ dành, hai mẹ con ôm lấy nhau mà khóc như nhà có tang, khóc đến thê lương thắt ruột…
Hai Hạnh vừa khóc, vừa phẫn uất nỉ non.
– Con rõ ràng là người tới trước, nếu con thua dưới tay Út Nhung… con sẽ không tức. Còn đằng này, ở đâu một Ba Yến chạy tới tranh giành với con, còn lấn lướt mọi hào quang của con, chiếm luôn tình yêu thương của cậu Hai, mà vốn dĩ tình yêu thương đó phải thuộc về con mới đúng. Con ghét ả, con hận ả… nếu con không ngồi lên được cái ghế Mợ Hai này thì ả cũng đừng hòng… đừng hòng!
Hai Hạnh là người có tâm cơ rất nặng, cô ta mang theo sự hy vọng về một cuộc sống vinh sủng đầy ắp mà tới nhà họ Trần này. Nếu so giữa cô ta và Út Nhung thì phần thắng nằm chắc trong lòng bàn tay cô ta, cô ta cho rằng trước sau gì thì cô ta cũng sẽ trở thành Mợ Hai mà thôi. Vậy cho nên khi xuất hiện một Ba Yến quá mức vượt trội, cô ta liền cảm thấy là do chính Ba Yến đã cướp mất đi hào quang của cô ta…
Nói trắng ra thì dù cho Ba Yến có đột nhiên xuất hiện thật… nhưng Ba Yến cũng không cướp đi cái gì của Hai Hạnh. Bởi rõ ràng Hai Hạnh chỉ là đang “ở dâu”, chưa có một thân phận gì chính thức. Bà Hai chỉ là thích cô ta rồi muốn nâng đỡ cô ta, chứ bà ấy cũng chưa dám hứa hẹn gì, vẫn chờ sự quyết định ở phía cậu Hai. Hai Hạnh cũng biết rõ chuyện này nhưng khi xung đột xảy ra, lợi ích của bản thân bị uy hiếp, cô ta liền bắt đầu đổ lỗi cho người khác, mà chưa từng chịu suy nghĩ nguyên nhân vì sao bản thân mình lại trở nên thua kém. Vậy nên mới nói, ác tâm của Hai Hạnh là do Hai Hạnh muốn như vậy, không phải do hoàn cảnh, cũng chẳng phải do Ba Yến đã ép cô ta đến mức khiến cô ta phải trở nên độc ác…
Người ác cũng giống như người say vậy, họ sẽ chẳng bao giờ chịu nhận là mình ác. Hoặc nếu có nhận thì họ cũng sẽ đổ lỗi do hoàn cảnh, do môi trường sống khiến họ phải ác. Bản chất con người không ác, có ác là do họ lựa chọn, một sự lựa chọn thiếu đạo đức làm người!
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]