Chương trước
Chương sau
Hôm nay trời mưa, mưa tầm tã.

Tôi cầm con dao nhọn trên tay, bất giác nhìn khẩu súng dùng để tự vệ của cảnh sát, cười mỉa mai. Đối với hắn, một nhát dao là đủ! Đúng, chỉ như vậy!

Tôi lái chiếc xe màu trắng bạc lao nhanh trên đường. Ở đây là nông thôn vắng người, con đường tỉnh lộ mới hoàn thành chưa được bao lâu, vẫn ít người qua lại. Về chiều, mưa ngớt dần, chỉ còn thưa thớt giăng trên những rặng cây hai bên đường. Qua kính trước xe có thể nhìn thấy bóng người đàn ông cầm chiếc ô trên tay, anh ta và cô gái tay trong tay hạnh phúc. Tôi bỗng dưng ngưỡng mộ họ, tôi cũng chỉ cần như vậy mà thôi.

Tôi lấy lại tinh thần, lắc lắc đầu, vẫn tiếp tục lái xe.

Nhà hắn ở một cánh đồng rộng, nhưng thời điểm này đồng lúa vốn vắng người. Hắn là một chủ tịch xã đã về hưu, trước đây từng tham nhũng nhưng vì không có đủ chứng cứ nên vẫn ung dung sống nhởn nhơ như vậy. Khi đó thấy hắn cười nhìn chúng tôi, bước ra khỏi cửa toà án, tôi chỉ biết ôm hận trong lòng. Nhưng tôi hôm nay, tuyệt không như vậy!

Tôi gọi cửa nhà hắn:

“Có ai ở nhà không?”

Vài phút sau, một người phụ nữ ngoài năm mươi bước ra, mở cánh cửa sắt.

“Cậu là ai vậy? Tôi chưa từng gặp qua.”

Tôi nở nụ cười nhìn bà ta:

“Nghe nói ông Sơn muốn bán đất, cháu đến xem xem giá cả như thế nào.” - Giọng tôi chỉ nhàn nhạt.

Bà ta ngay lập tức mời tôi vào nhà, gọi với lên tầng hai:

“Ông Sơn, nhà có khách!”

“Ừ!” – Ông ta cũng vọng xuống dưới.

Chưa đến hai phút sau, ông ta bước đến chỗ tôi, cười:

“Cậu đến có việc gì à?”

“Cháu đến xem đất ạ, mảnh đất mặt đường cạnh cây lim.”

Ông ta vui mừng:

“Bà đi pha cho tôi ấm trà!”

Bà ta bước vào trong phòng bếp.

Tôi giả vờ ngắm nghía bức tranh chữ thập treo trên tường, đứng lên xem. Ông ta nhìn tôi, cười hỏi:

“Chắc cậu ưng miếng đất đó lắm nhỉ? Tôi mất bao nhiêu công sức mới mua được đó. Giờ cũng già rồi, bán đi dưỡng lão.”

Tôi quay lưng, cười lạnh. Cái gọi là công sức của ông ta, chính là lấy đất công của nhân dân rồi nhờ các mối quan hệ để làm sổ nhà đất.

Ông ta vẫn cười, nhưng tôi, khi quay người lại thì không cười nữa.

Con dao sắc cắt động mạch ở cổ ông ta. Ông ta đã không còn cái vẻ mặt tươi cười đó nữa, cũng không nói được câu nào. Một lúc sau tắc thở, mất nhiều máu mà chết.

Còn bà vợ kia? Hừ, lúc nào cũng cậy có tiền, có quyền trong cái xã bé nhỏ. Tôi từng nghe một người ở đây kể:

“Bà ta khi đi qua chúng tôi mặt lúc nào không vênh lên? Tôi nhìn thật sự rất ức, nhưng người ta có tiền, tôi làm gì được đây? Khi cảnh sát bắt ông Sơn về thẩm vấn, chúng tôi còn muốn biểu tình ở Uỷ ban xã để thể hiện ý chí lòng dân thật sự ghê tởm ông ta, nhưng bà ta cười bỡn cợt: Tôi có tiền, các người không có bằng chứng xác thực thì làm được cái gì?” - Giọng cô ấy nghe rất ấm ức.

“Cuối cùng thì kẻ có tiền vẫn hơn, chúng tôi làm được gì đâu? Cảnh sát không biết cũng trốn đi đâu mất rồi!” – Cô ấy nói tiếp.

Khi đó tôi chỉ biết lặng người, chào cô ấy rồi quay người bỏ đi. Nhưng hôm nay, tôi muốn xem bà ta vênh váo được bao lâu?

Bà ta vừa bước ra khỏi cửa bếp, động mạch cảnh chung cũng bị cắt đứt. Bà ta nhìn tôi, khó hiểu. Hừ… Bà cứ nhìn đi, tôi sẽ không bao giờ thấy hối hận khi giết chết hai người! – Tôi tự nói với chính mình.

Hai người đó chết, tôi rút chiếc khăn lụa trong túi quần ra, suy nghĩ một chút vẫn nhét lại vào trong túi. Tôi vào bếp, lấy mấy tờ khăn giấy lau hết tất cả dấu vân tay trên bàn, trên cánh cửa sắt ngoài cổng. Tôi vốn không ngu, đương nhiên đi giày ngoại cỡ, nếu tìm được dấu giày cũng chỉ là vô vọng, bởi luật pháp cũng chỉ là những điều khoản trên giấy tờ, không biết đi tìm giá trị đích thực của nó.

Tôi nhìn chúng, cảm giác trong lòng không hề nhẹ bớt, mà có chút gì đó mơ hồ tựa nhưăn năn. Đó, là lần đầu tiên tôi giết người, giết người một cách đúng nghĩa. Không phải một, mà là hai mạng người!

Tôi bỗng dưng thấy mình thật buồn cười. Vì cái gì thấy ăn năn chứ? Hắn và bà ta đáng chết, không phải sao? Hai kẻ chà đạp lên mồ hôi nước mắt của nông dân xã mình, khinh khỉnh mà nhìn người ta nghèo hơn mình, dùng tiền cùng các mối quan hệ mà mua quan mua chức, che dấu tội lỗi của mình.

Tôi bước lên xe, cầm con dao bỏ vào thùng rác nhỏ trên đó, lái xe nhanh chóng rời đi.

Đường không một bóng người, mưa vẫn cứ rơi, lại nặng hạt hơn khi nãy. Nông thôn, không có camera ghi hình, ngay cả người qua đường còn không để ý đến chiếc xe này, huống chi hứng thú nhìn xem tôi là ai. Cảnh sát muốn nhận dạng hung thủ chỉ với dấu vết của bánh xe thì gần như không thể. Việt Nam, chưa hiện đại, tân tiến đến như vậy! Cũng chính vì thế cảnh sát mới phải ngậm đắng nuốt cay như thế.

Xe không phải của tôi, sau khi lau tất cả dấu vết trên xe và rửa sạch con dao, tôi trả lại nơi tôi đã lấy nó đi.

Về đến nhà, cảm giác trống vắng lại bao quanh tôi. Tôi uống rượu, chất lỏng ấy cay nồng sộc thẳng vào mũi, bất giác nhìn di ảnh vợ tôi - một nữ cảnh sát anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ, nhưng cuối cùng toà phán thả nghi phạm. Đáng cười thật!

Tôi dốc thẳng chai rượu vào miệng, đây là rượu mạnh, nó ở trong dạ dày như thiêu đốt chính tôi. Tôi ngà ngà say, nằm trên chiếc ghế sô-pha ngủ thiếp đi.

Vẫn tối đất, tôi mơ màng nhìn thấy Thanh - vợ tôi. Cô mặc một bộ cảnh phục, đứng trước gương ngắm mình. Ngày đầu tiên được khoác nó lên người, cảm giác ấy đối với Thanh chắc rất tuyệt. Đáng tự hào biết bao nhiêu, nhưng cũng đáng mỉa mai không kém! Nhưng tôi biết trong lòng cô ấy chưa bao giờ tồn tại ánh mắt tối tăm, ngay cả khi chết.

Ngày ấy nắng nhạt, trong một vụ bắt cóc trẻ em, cô ấy có chút nông nổi mà một mình lên xe tên tội phạm. Cô ấy muốn truy ra “hang ổ” của bọn chúng.

“Báo cáo cảnh sát trưởng, địa điểm là… Pằng…” – Qua máy bộ đàm, tôi nghe rõ tiếng súng ấy.

Tiếng súng dập tắt hy vọng đời tôi, hy vọng về tình yêu, về mái ấm gia đình hạnh phúc,…

Nhưng tiếng súng không làm tàn phai ý chí kiên cường của Thanh:

“Cây xăng… Đội Cấn… Hà Nội…”

Câu nói cuối cùng của cô ấy vẫn chỉ vì nhiệm vụ. Cảnh sát trưởng lập tức mang người đến đó, vì chỉ cách đó tầm 3 km nên vẫn kịp bắt chúng.

Thanh ra đi, đi mãi mãi… Cô ấy sẽ không thể quay về bên cạnh tôi…

Tôi nhìn xác cô ấy bị vứt xuống lòng đường, đôi mắt không nhắm lại mà như ánh mắt chờ mong một thứ gì đó. Là hy vọng ư? Hy vọng? Đáng sao?

Lực lượng khá đông, nhưng khi bắt được bọn chúng thì không thấy những đứa bé đó đâu, chỉ còn lại ba tên chuẩn bị lên xe nhưng bị vài đồng nghiệp bắn vào chân.

***

“Không đủ chứng cứ, nghi phạm vô tội, phóng thích ngay tại chỗ.”

Cảnh sát trưởng nhìn chúng tôi, cười đến cay đắng. Tôi cũng cười. Nhưng kể từ giây phút ấy, tôi mất hết hy vọng. Tôi từ bỏ chức vụ của mình, cười nói với cảnh sát trưởng:

“Tôi muốn đưa Thanh về quê nhà để cô ấy nhìn thấy sắc bình minh mỗi sáng.”

Khi ấy, Thanh mới 27 tuổi!

Thanh thích nhìn bình minh, cô ấy từng nói:

“Bình minh tượng trưng cho chính nghĩa, cho ánh mặt trời soi tỏ trái tim, làm cho em có cảm giác yên tâm hơn, tự tin hơn vào chính mình, yêu cuộc sống hơn, yêu anh hơn.”

Thanh đi rồi, đi thật rồi, mãi mãi…

***

Tôi đã tỉnh ngủ, đứng trước tấm gương, nhưng hình bóng cô không còn nữa.

“Thanh, anh không muốn em cũng nhuốm bẩn, vì anh biết em không thích sự ô uế hiện giờ của anh. Kể từ giờ phút này, anh không dám động vào di vật của em bởi bàn tay anh đã nhuốm máu. Thanh, anh không biết sau này anh có hối hận hay không, nhưng lúc này anh không hề hối hận. Anh nhất định tìm ra kẻ bắn chết em, tặng hắn một phát súng cũng như hắn từng “tặng” em.”

Tôi lấy cuốn nhật ký riêng của chính mình, ghi lại những dòng này. Bởi tôi biết tôi không xứng đáng ngẩng cao đầu mà nói với Thanh “anh yêu em”, vì tội ác của tôi không thể chối bỏ được. Tôi chỉ muốn cho người đọc được những dòng này đừng như tôi, đã nhơ nhớp dưới bùn đen, có lên được bờ, tắm sạch sẽ thì hơi thở vẫn dính mùi tanh của bùn, không thể khá hơn được.

Tôi chọn con đường này, có lẽ ngu ngốc, có lẽ đớn đau, khổ sở, nhưng chỉ cần người hại Thanh chết, tôi sẽ không hối hận. Tôi nhất định phải giết hắn!

Ngoài cửa, mưa vẫn rơi lặng lẽ, trên cành ổi đọng những giọt nước mưa hơi vàng đục. Tôi ra hành lang, đưa tay ra để những hạt mưa nhẹ rơi lên tay mình. Bàn tay từng cầm súng, bàn tay từng nắm tay Thanh, không còn nữa…

Bàn tay tôi giờ chỉ còn là da, thịt và xương, không phải bàn tay biết nâng niu, trân trọng người khác, là bàn tay giết những kẻ tôi nghĩ nên giết, bàn tay cầm súng để phạm tội chứ không phải bắt tội phạm, bàn tay cầm dao không phải nấu thức ăn cho Thanh mà cầm dao để giết người,…

Chỉ nguyên bàn tay ấy, hay là cả cơ thể này đây?
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.