Chương trước
Chương sau
Trác Mộc Cường Ba không đi nghỉ ngơi như lạt ma Á La nói, mà vội vàng mang những thông tin này tới nói với giáo sư Phương Tân. Về những chuyện liên quan tới Tạng ngao mà Lạt ma Á La đề cập, giáo sư cũng cảm thấy hết sức khó tin. Đem sói tuyết cao nguyên gắn với cho ngao Tây Tạng, đây thực là một khía cạnh hoàn toàn mới mà trước đây bọn họ chưa từng nghĩ đến bao giờ.
Lúc nói đến sói thống lĩnh, Trác Mộc Cường Ba thử hỏi ý kiến giáo sư Phương Tân: "Tạng ngao sống chung với bầy sói, thầy giáo, thầy cảm thấy có khả năng này hay không?"
Giáo sư Phương Tân gật đầu: "Về mặt lý luận thì có thể được. Phải biết rằng, sói sống quần thể kiểu gia tộc, không giống với những loài khác, chúng có tập tục tiếp nhận những con sói lưu lãng từ nơi khác đến. Các loài động vật họ chó đều sở hữu cơ quan phát và tiếp nhận tín hiệu gần giống nhau, điểm này rất quan trọng đối với chuyện xác nhận thân phận và giao lưu. Hơn nữa dựa trên kết quả nghiên cứu của tôi, đại đa số động vật họ chó đều có ngôn ngữ cơ thể cực kỳ giống nhau, chẳng hạn hướng trỏ của cái đuôi, ánh mắt, khóe miệng, cách phát âm, lăn lộn…cũng giống như những động tác ra hiệu bằng tay thường dùng của con người mà cả thế giới đều hiểu vậy. Yếu tố tương đồng này chính là nền tảng vững chắc để chúng tiến thêm một bước trong khả năng giao lưu giữa các cá thể. Không biết cậu đã xem qua một cuốn tiểu thuyết tên là Tiếng gọi nơi hoang dã chưa. Cuốn sách đó viết về một con chó được con người thuần dưỡng, đã trải qua rất nhiều sự kiện trong xã hội loài người, cuối cùng quay trở về với đàn sói, và trở thành sói đầu đàn. Bỏ qua không nói đến ý nghĩa xã hội của câu chuyện, trong tác phẩm tác giả miêu tả tương đối sinh động quá trình một con chó săn đã trở thành sói đầu đàn. Do vậy, mặc dù nói chó săn gần với sói hơn chó ngao Tây Tạng, nhưng chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng Tạng ngao sống chung với bầy sói được. Sở dĩ chúng ta chưa từng nhìn tháy bao giờ là vì ngày nay cả sói lẫn Tạng ngao hoang dã đều còn lại quá ít. Nhưng kiến giải về sói thống lĩnh trời sinh thì hình như hơi quá khoa trương, tôi sẽ giữ thái độ hoài nghi. Phân tích từ những điều lạt ma Á La nói, tôi khẳng định là vẫn còn nội tình gì đó ở đây."
Trác Mộc Cường Ba nói: "Lạt ma Á La kể, ông ấy biết được những thông tin này từ một vị tiền bối…" Kế đó, gã thuật lại các điều tra nghiên cứu mà vị tiền bối lạt ma Á La nhắc đến đã thực hiện. Mới kể được một nửa, đã nghe giáo sư Phương Tân ngắt lời nói: "Vị tiền bối mà lạt ma Á La nói ấy, có phải là một vị họ Trại, người dân tộc Tạng hay không?"
"Ồ." Trác Mộc Cường Ba ngớ người ra giây lát, gật đầu.
"Thầy giáo cũng biết người này?"
"Ừm." giáo sư Phương Tân nói, "hồi tối học đại học, thầy giáo của tôi từng nhắc đến con người này. Ông ấy nói, thời kỳ trước giải phóng, vị họ Trại này chính là người yêu thích nghiên cứu Tạng ngao cuồng nhiệt nhất, nếu không có người đó, thầy giáo của tôi thậm chí còn không biết trên thế giới này còn có loài chó ngao Tây Tạng ấy nữa, chính là vị tiền bối ấy đã thay đổi phương hướng cũng như đề tài nghiên cứu của thầy giáo dạy tôi đó."
Nói tới đây, giáo sư Phương Tân ngưng lại một chút, cơ hồ đang hồi tưởng lại chuyện quá khứ. Trác Mộc Cường Ba hỏi thêm một câu: "Thầy giáo, thầy của thầy trước đó nghiên cứu đề tài gì vậy?"
Giáo sư Phương Tân tiện miệng đáp luôn: "Nhân giống gấu trúc nhân tạo." Ông định thần lại, ngước mắt nhìn Trác Mộc Cường Ba mỉm cười, rồi nói tiếp: "Vào thời ấy thì đây là hạng mục nghiên cứu khoa học trọng điểm. Có điều vị Trại tiên sinh kia, thực ra không thể noi là một học giả được, ông ấy chỉ chuyên chú vào Tạng ngao mà thôi, vì vậy thầy giáo của tôi mới gọi ông ta là người yêu thích chó ngao Tây Tạng."
"Vậy thầy giáo của thầy nhất định là biết rất nhiều chuyện về vị Trại tiên sinh ấy rồi? Ông ấy tên là gì? Là người vùng nào ở Tây Tạng? Giờ còn có thể tìm được ông ấy nữa không…" Trác Mộc Cường Ba hỏi liền một hơi dài.
Giáo sư Phương Tân lắc đầu nói: "Không, không, thực ra thầy giáo của tôi hết sức ngẫu nhiên có gặp mặt ông ấy một lần, sau này bọn họ đều chỉ thư từ qua lại. Thầy giáo của tôi luôn gọi ông ấy là Trại tiên sinh, tôi cũng không biết ông ta tên là gì nữa, chỉ nhớ thầy giáo tôi từng rói rằng, Trại tiên sinh có thân phận hết sức đặc biệt, đó là một chức nghiệp liên quan đến động vật, nghe nói đó cũng là một chức nghiệp cực kỳ đặc biệt ở Tây Tạng, gọi là gì thì tôi cũng quên mất rồi." Giáo sư Phương Tân đẩy gọng kính lên sống mũi, đoạn nói tiếp "tóm lại là, thầy giáo tôi đánh giá Trại tiên sinh đó rất cao, nói rằng thời kỳ trước và đầu giải phóng, ông ấy là người am hiểu nhất về chó ngao Tây Tạng, hơn nữa con người này còn tinh thông nhiều thứ ngôn ngữ, có học thức rất sâu rộng, vậy nên đến giờ tôi vẫn còn chút ấn tượng về ông ấy. Nhưng vị Trại tiên sinh này trước nay chưa từng xuất hiện trên bất xứ báo, tạp chí hay ấn phẩm học thuật nào, có lẽ ông ấy là người độc lai độc vãng, điều này chắc có liên quan đến chức nghiệp thần bí kia của ông ấy cũng nên."
Vốn tưởng rằng giáo sư Phương Tân biết nhiều hơn, Trác Mộc Cường Ba không khỏi có chút thất vọng. Giáo sư Phương Tân thấy vậy, mỉm cười nói: "Được rồi, thu hoạch của chúng ta hôm nay cũng đủ rồi, những đầu mối này thoạt nhìn thì có vẻ không ra đâu vào đâu, nhưng lại là một phương hướng hoàn toàn mới mẻ, thêm một chút thời gian nữa, nhất định chúng ta sẽ có bước đột phá lớn. Giờ đã muộn lắm rồi, lạt ma Á La nói đúng đấy, ngày mai có lẽ sẽ rất nguy hiểm, chúng ta cần phải chuẩn bị cho tốt, giờ chưa phải thời cơ thích đáng để thảo luận những vấn đề này đâu. Trở về nghỉ ngơi trước đã, OK?"
Trác Mộc Cường Ba trầm ngâm giây lát rồi nặng nề gật đầu bước đi.
Gió đêm u uất, tường đá im lìm dưới bầu trời sao lồng lộng, một cánh chim ưng lướt về phía vầng trăng non. Lữ Cánh Nam bước ra hậu viện khu nhà, nói với bóng đen đứng phía trước: "Á La đại nhân."
Bóng đen quay đầu lại, điềm đạm nói: "Ừm, con biết không, thôn Công Bố này là hậu duệ của Ngoại Kim Cương viện ở Phương Nam của chúng ta, Cánh cửa sinh mệnh chính là Thánh đàn của giáo ta."
Lữ Cánh Nam khẽ kêu lên: " Á, điều…điều này thì con không hề nghĩ đến, chỉ cảm thấy có chút quen thuộc thôi."
Lạt ma Á La nói: "Lần này có thể liên hệ được với họ đúng là thu hoạch bất ngờ, đã xa cách cả nghìn năm rồi, bọn họ vẫn kiên trì với sứ mệnh của mình. Nếu không phải nhìn thấy những thứ bên trong Thánh đàn, ta cũng không ngờ bọn họ lại chính là hậu duệ của Ngoại Kim Cương viện đâu."
Lữ Cánh Nam nhìn theo bóng chim ưng đã biến thành một chấm đen trên nền trời, nói: "Báo với Trưởng lão hội rồi ạ?"
Lạt ma Á La gật đầu: "Ừm, chuyện ở đây vẫn phải để Trưởng lão hội cân nhắc đưa ra quyết định, ta không thể làm chủ được."
Lữ Cánh Nam nói: "Vậy, còn thân phận Thánh sứ đại nhân của Cường Ba thiếu gia…"
Lạt ma Á La đáp: "Chuyện này thì ta cũng không biết. Thân phận Thánh sứ là gì, Thánh sứ phụ trách sứ mệnh gì, bọn họ đều không hé môi nửa lời. Bọn họ cũng tuân thủ theo quy tắc giống như chúng ta, chỉ trung thành với lời thề, chứ không trung thành với bất cứ người nào, tuyệt đối không nói chuyện này với người ngoài đâu, cho dù là người cùng giáo phái cũng không thể. Có điều theo ta thì trải quan một nghìn năm, phương pháp xác nhận thân phậ Thánh sứ của họ e là đã có vấn đề. Nói thế nào thì Merkin cũng không thể là Thánh sứ mới ohải, hắn là người ngoại quốc cơ mà."
Lữ Cánh Nam trầm ngâm: "Liệu có khả năng không phải Merkin, mà một người nào đó trong đám lính đánh thuê của hắn?"
Lạt ma Á La lắc đầu: "Không, ta đã xác nhận lại rồi, chính là Merkin. Hơn nữa, con cũng biết đấy, Thánh sứ không chỉ có mình Merkin và Cường Ba thiếu gia,còn có những Thánh sứ khác nữa…"
Lữ Cánh Nam ngạc nhiên thốt lên: "Đây…rốt cuộc là chuyện thế nào vậy? Thánh sứ này rốt cuộc là để làm gì? Con nghe cách nói của Đa Cát, hình như Thánh sứ có quan hệ trực tiếp với Bạc Ba La thần miếu thì phải?"
Lạt ma Á La gật đầu: "Ừm, Thánh sứ hình như là người có thể đi thẳng đến Bạc ba La thần miếu, hoặc là người có thể nảy sinh một mối liên hệ gì đó với Bạc Ba La thần miếu, còn những người khác thì đều không có tư cách này. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, cho dù không có thôn Công Bố xác nhận thân phận Thánh sứ của Cường Ba thiếu gia, thì chẳng phải là chúng ta cũng nghĩ như vậy hay sao, trong cơ thể của Cường Ba thiếu gia, chẳng phải đang chảy dòng máu cao quý thần thánh đó hay sao?" Ông hướng ánh mắt nhìn lên bầu trời đêm xa thẳm, một chút ưu tư thấp thoáng hiện lên vầng trán, thầm nhủ: "Nhưng mà sức khỏe của Cường Ba thiếu gia cũng khiến người ta thật hết sức lo lắng, lần sơ suất này…thật không biết phải ăn nói với Trưởng lão hội thế nào…"
Lữ Cánh Nam dường như đã nhìn thấu tâm tư của lạt ma Á La, liền truy vấn: "Á la đại nhân, con muốn biết, sức khỏe của Cường Ba thiếu gia, rốt cuộc…"
Lạt ma Á La lắc đầu nói: "Còn nhớ chuyện ta từng nhắc nhở con không, chớ nên đánh giá thấp người bộ tộc Qua Ba, chớ nên coi thường vu thuật của người Tạng cổ. Lần này, Cường Ba thiếu gia chính là trúng phải cổ độc Đại Thanh Liên, ba vị trưởng lão đó đã chứng thực rồi."
Lữ Cánh Nam vội nói: "Cũng có nghĩa là lúc ấy ngâm trong nước sạch chỉ giải trừ được đau đớn bên ngoài, chứ không thể trừ tận gốc cổ độc?"
Lạt ma Á La gật đầu xác nhận. Lữ Cánh Nam lolắng nói: "Vậy thì sẽ ra sao?"
Lạt ma Á La lắc đầu: "Không nói được, ba vị trưởng lão chỉ khẳng định trong khoảng thời gian tới đây sẽ không xuất hiện bất cứ vấn đề gì, lâu nhất cũng không quá hai ba năm, sau đó thì không rõ, ta còn phải thỉnh giáo Trưởng lão hội, xem các vị đại nhân ở đó có cách gì không. Phải rồi, chuyện này ngàn vạn lần không được để Cường Ba thiếu gia biết, trừ phi là chúng ta đã tìm được phương cách giải quyết."
Lữ Cánh Nam không nói gì.
Lạt ma Á La đột nhiên gằn giọng: "Ở đây có quá nhiều chuyện cần chúng ta phải làm rõ đầu mối, một nghìn năm chờ đợi mòn mỏi có lẽ chính là vì ngày hôm nay đây! Con nhất định phải nhớ rõ thân phận và sứ mệnh của mình, trên danh nghĩa con là chỉ huy của đội ngũ này, chúng ta không cho phép con phạm bất cứ sai lầm nào, đặc biệt là đối với Cường Ba thiếu gia, con hiểu chưa?"
Lữ Cánh Nam cúi gằm mặt: "Con hiểu rồi."
Lạt ma Á La thấp giọng xuống: "Đúng rồi, còn hai chuyện nữa con cần phải biết, con còn nhớ bài ca Đa Cát đã đọc thuộc lòng đó không?"
Lữ Cánh Nam đáp: "Con nhớ"
Lạt ma Á La nói: "Đó chính là Tụng ca, ta đã xác nhận được ở chỗ ba vị trưởng lão. Thôn Công Bố hiện giờ chỉ còn lại mười một phần Tụng, tất cả đều tách rời độc lập, ngay cả trước kia, họ cũng có chừng không quá ba mươi phần Tụng đâu, nhưng những điều họ nắm giữ hẳn phải có một phần rất lớn có giá trị then chốt. Ta cũng đã báo thông tin này cho Trưởng lão hội, hy vọng họ có thể tìm ra nguồn gốc và xuất xứ bài Tụng ca này, nếu có các kinh văn liên quan nữa, nói không chừng đây sẽ là một đầu mối vô cùng đắc dụng đó."
Lữ Cánh Nam thắc mắc: "Con không hiểu, dựa theo nội dung đã dịch ra được của Cổ Cách kim thư thì bấy giờ cổ nhân đã cố ý phân tán các đầu mối, tại sao lại để những người trong thôn Công Bố này ở lại nơi đây? Lại còn bảo vệ đầu mối quan trọng tới nhường này nữa?"
"Đó chính là đáp án mà cả nghìn năm nay chúng ta vẫn đang tìm kiếm đấy." Lạt ma Á La ngẩng đầu lên nhìn bầu trời đêm, trầm mặc hồi lâu, rồi mới đổi giọng nói "Phải rồi, lần trước ta có nhắc đến mười ba người muốn đến địa cung Ahezt trộm mộ, theo tin tức Trưởng lão hội gửi đến, bước đầu phỏng đoán rằng đó chính là 13 Kỵ sĩ Bàn Tròn, nếu Merkin và người áo xám đó…"
"Kỵ sĩ Bàn Tròn?" Lữ Cánh Nam lặp lại danh từ xa lạ ấy.
"Ừm" Lạt ma Á La nói: "13 Kỵ sĩ Bàn Tròn, là tổ chức trỗi dậy nhanh nhất, thực lực mạnh nhất, nguồn gốc thần bí nhất trong rất nhiều cơ quan, tổ chức tìm kiếm Bạc Ba La thần miếu khoảng một hai chục năm gần đây, đồng thời cũng là đối thủ đáng sợ nhất trong các kẻ địch mà Thánh giáo ta từng phải đụng đầu. Trước đây, trong các cuộc chiến giành giật đầu mối đề tìm kiếm Thánh miếu, bọn chúng là thế lực hung hăng càn quấy nhất, không chỉ đối địch với Thánh giáo chúng ta, mà còn không bỏ qua cho bất cứ tổ chức nào muốn dính dáng đến Thánh miếu. Nhưng mấy năm gần đây, đột nhiên tổ chức này ẩn hình giấu tích, tin đồn thì có đủ loại, đoán chừng là do chúng tổn thất nặng nề trong địa cung của ngườu Maya, không thể nào gượng dậy được nữa."
Lữ Cánh Nam nghi hoặc nói: "Tại sao con không hề biết chuyện này nhỉ?"
Lạt ma Á La nói: "Lúc con tiếp xúc với trận chiến đưa Thánh miếu trở về, tổ chức này đã biến mất được một thời gian rồi, mà kẻ địch của chúng ta thì nhiều lắm, tất cả những kẻ nào đã biến mất thì đều không cần nghĩ đến nữa. Con có biết không, số mười ba này ở phương Tây là biểu trưng cho địa ngục, 13 Kỵ sĩ Bàn Tròn chính là nói đến những kỵ sĩ sa đọa trốn địa ngục. Mới đầu chúng ta cũng chỉ biết có một nhóm người tự xưng là 13 Kỵ sĩ Bàn Tròn, chuyên đi trộm các lăng mộ thuộc hàng quốc bảo của các nước trên thế giới, không ngờ bọn chúng đúng là có mười ba người thật."
Lữ Cánh Nam trầm ngâm suy tư, 13 Kỵ sĩ Bàn Tròn, những kỵ sĩ sa đọa trốn địa ngục, cái tên này mang đến cho cô dự cảm hết sức bất thường.
Sáng sớm ngày hôm sau, tất cả bị tiếng cánh quạt của máy bay trực thăng đánh thức, đổi xong hành trang, cả đoàn lại vội vã lên đường. Đa Cát là người có thể ra khỏi thôn Công Bố, lại có khả năng tìm được Cánh cửa địa ngục, đồng thời được Trác Mộc Cường Ba và lạt ma Á La cùng ra sức tiến cử, anh chàng đắc ý dương dương ngồi lên máy bay trực thăng. Nhưng ánh mắt cô nàng giáo quan kia thì trông như vẻ bất cứ lúc nào cũng có thể giơ chân đạp văng tên tiểu tử lùn một mẩu cuồng vọng tự đại này xuống khỏi máy bay. Sau khi trực thăng cất cánh, mọi người mới trông thấy một cái bóng đỏ rực ở tít đằng xa chạy theo máy bay một quãng dài nhưng cuối cùng vẫn không thể đuổi kịp. Các thành viên trong đội trên máy bay đều cười thầm trong bụng, tên nhãi Đa Cát này giả bộ không để ý, vậy mà khóe mắt lại cứ liếc về phía sau.
Bay về phía Tây được nửa tiếng đồng hồ là đến Cánh cửa Địa ngục mà Đa Cát nói đến. Xuống máy bay, xung quanh núi non vây bọc cây cối rậm rạp thâm u, vách đá hun hút, bên dưới là dòng Nhã Lỗ Tạng Bố thét gào gầm rú, nước chảy rất xiết, thế tựa như ngàn vạn thớt ngựa cùng tung vó lao đi. Chỉ thấy có một bình đài khá thông thoáng, xa xa núi non nhấp nhô, trùng trùng điệp điệp, kéo dài liên miên không dứt. Gần đó là vực sâu, xung quan toàn vách núi, một dòng sông cuồn cuộn chảy không ngừng, thung sâu u tĩnh, nếu có thêm một gian nhà cỏ thì tưởng chừng như nơi đây chính là lựa chọn tuyệt vời cho bậc ẩn sĩ chốn thâm sơn.
Dòng sông như một đường lạch trời rạch phá núi xanh; sông dài tuôn chảy, tựa một con rắn bạc hay một dải lụa trắng quấn quanh khối ngọc bích. Mấy ngọn thác dạng bậc thang lao thẳng xuống từ chín tầng trời cao, bắn tóe ra những quầng hơi nước mịt mùng, lại như hoa bay tơi tả trong đêm tuyết, sương mù vẩn vít mờ mờ, tiếng vang vẳng tới mây xanh, tựa rồng ngâm hổ hú, như chim kêu vượn hót. Hơi ẩm bốc lên, ập vào mát rượi, thêm nữa lại có mặt trời rực rỡ, ánh lên giữa thác nước những quầng sáng bảy màu, từng cây cầu vồng bắc qua dải nước biêc giữa những ngọn linh sơn. Đếm dần từ dưới lên trên, tổng cộng có năm đạo cầu vồng, ánh sáng mê ly huyền ảo, hòa cùng ảo ảnh do hơi nước mù mịt tạo ra, cảnh tượng tựa hồ như chốn tiên cảnh vậy. Ở tầng mây bay thác đổ trên cùng, cầu vồng khúc khủyu, không ngờ lại đã hình thành một vòng ánh sáng lấp lánh, hệt như Phật quang, khiến người ta sinh niềm kính ngưỡng từ tận đáy tim, dấy lên cảm xúc bồi hồi rung động.
Mọi người đều không kìm nén nổi cảm giác xúc động sâu sắc, lạt ma Á La thậm chí còn nước mắt lưng tròng. Quang cảnh này, là biết bao nhiêu bậc tu sĩ hồng hóa(1) mà thành, phải mất mấy ngàn năm mới có được. Nhạc Dương, Trương Lập thì bừng bừng phẫn nộ, cảnh tượng nhường này mà lại bị gọi là Cánh cửa Địa ngục, thế thì chẳng phải là ảnh hưởng đến cả phong cảnh tuyệt trần nơi đây hay không!
Trương Lập đưa mắt quan sát bốn phía xung quan, không tin tưởng hỏi lại: "Đa Cát, chỗ này đúng là Cánh cửa địa ngục đấy chứ? Có giống đâu." Đa Cát gật đầu chắc như đinh đóng cột. Nhưng nơi đây đến cả một chút dấu vết nhân tạo cũng không hề có, hoàn toàn là cảnh sắc tự nhiên, xung quan chỉ có núi, có nước, có cây, đừng nói là cửa, mà đến cả một thứ giống cái cửa cũng chẳng có luôn. Theo như Đa Cát nói, nơi này không hề có một ký hiệu nhân tạo nào, phải hoàn toàn dựa vào ký ức về hình thể núi non cây cối xung quan thì mới có một nơi thế này ở đây. Nói như vậy đúng là có cảm giác hết sức bí mật thật, một nơi mãi mãi chỉ tồn tại trong ký ức của mấy con người, thế nhưng ở đây một là không có cửa, hai là không có lối thông, hỏi Đa Cát thì anh ta cũng chẳng biết gì, chỉ biết nơi này chính là Cánh cửa Địa ngục trong truyền thuyết mà thôi.
Nhạc Dương hỏi: "Cánh cửa Địa ngục đã mở, các dũng sĩ phải xuất phát lên đường. Cửa mở ở chỗ nào thế?" Anh chàng chỉ xuống dòng sông cuộn chảy ầm ầm hàng trăm mét bên dưới nói, "Chẳng lẽ bảo chúng ta phải đi dọc theo sông Nhã Lỗ Tạng Bố này chắc?" Hai mắt Đa Cát sáng bừng lên nói: "À, chuyện này cũng rất có khả năng đấy. Không biết cẳng chân này của Thánh mẫu rốt cuộc là đuổi đến tận đâu nữa." Nhạc Dương nghe vậy liền cốc mạnh vào đầu Đa Cát một cú.
Lữ Cánh Nam vẫy tay nói: "Đi thôi, xem ra ở đây chẳng có đầu mối gì hết. Đa Cát, anh ở đây tự quay về hay là để chúng tôi phái người đưa anh về?"
Đa Cát trợn tròn mắt lên nói: "Tôi…tôi đi Tượng Hùng với mọi người."
Lữ Cánh Nam tỏ ra khinh miệt: "Anh đi làm gì? Nơi chúng tôi sắp đi đây vô cùng nguy hiểm, đội ngũ này đều là những người đã trải qua huấn luyện đặc biệt cả rồi, chúng tôi không thể lo cho sự an toàn của anh được, mà anh lại còn làm chậm tiến độ tiến lên của chúng tôi nữa."
Gương mặt Đa Cát đỏ bừng lên, trong thôn còn chưa có người nào dám nói với anh ta những lời ấy, anh chàng uất ức kêu lên: "Tôi, tôi là thợ săn giỏi nhất trong thôn Công Bố, tôi sẽ không làm liên lụy mọi người đâu! Hơn nữa…hơn nữa còn có thể giúp mọi người rất nhiều nữa!"
Lữ Cánh Nam nhìn Đa Cát như thể nhìn một chú bé, mỉm cười nói: "Anh có thể giúp chúng tôi làm gì chứ?"
Đa Cát nói: "Tôi…tôi…có thể dẫn mọi người tìm đến lối vào Đảo Huyền Không tự." Lữ Cánh Nam lắc đầu: "Chúng tôi có bản đồ rồi"
Đa Cát nói: "Tôi, tôi biết các cơ quan bẫy rập mà người xưa đã bố trí, tôi có thế phá giải chúng nữa." Lữ Cánh Nam vẫn lắc đầu: "Về mặt này thì chúng tôi đều là chuyên gia, không cần anh giúp đỡ."
Đa Cát nói: "Tôi, tôi còn biết rất nhiều chuyện liên quan đến Thánh địa, toàn là những chuyện chỉ có Trưởng lão thôn Công Bố chúng tôi chúng tôi mới biết thôi."
Lữ Cánh Nam liếc mắt nhìn Đa Cát, đến khi trán chàng lùn túa mồ hôi ra, cô mới nói: "Thế này đi, để chứng minh anh không phải là cục nợ gây liên lụy cho chúng tôi, hãy chọn bất cứ người nào trong những người ở đây, nếu anh thắng được, tôi sẽ cho anh đi cùng."
Nhìn anh chàng Đa Cát cao chưa đến mét rưỡi, Trác Mộc Cường Ba thầm lắc đầu, đoạn ngoảnh sang nhìn Đường Mẫn, thẩm nhủ: "Nếu chọn Mẫn Mẫn thì may ra còn có cơ hội giành chiến thắng."
Nhưng sự tự tôn và kiêu ngạo của Đa Cát không cho phép anh ta lựa chọn một đối thủ nữ giới. ngoại trừ Thánh sứ Trác Mộc Cường ba, Đa Cát quét ánh mắt qua người từng đội viên đã được huấn luyện đặc biệt, chỉ tay vào Ba Tang nói: "Vậy thì chọn anh Ba Tang đi!"
Giải nghĩa: Hồng hóa: Theo thư tịch của Phật giáo Tây Tạng ghi chép, hồng hóa là hiện tượng cao tăng đắc đạo khi viên tịch thân thể không ngừng thu nhỏ lại trong nháy mắt hoặc vài ngày, cuối cùng tan biến, hóa thành đạo cầu vồng. Tương truyền, những tu sĩ phái Ninh Mã cổ tu luyện đến mức đại viên mãn thì sẽ hồng hóa
Cùng thời điểm ấy, trong đại sảnh của thôn Công Bố, vị trưởng lão có vầng trán rộng lên tiếng hỏi: "Đi rồi à?" Na Thâm gật đầu: "Vâng, bọn họ ngồi lên con chim sắt, bay đi rồi."
Trưởng lão nghe xong gật đầu vẫy tay ra hiệu cho na Thâm có thể lui đi, đồng thời ngỏanh sang nhìn vị trưởng lão mi dài, tựa hồ như đang hỏi ý. Trưởng lão mi dài nói: "Vị Thánh sứ đầu tiên đã đi rồi, vị Thánh sứ thứ hai cũng đi rồi, vòng Luân hồi đã khởi động, những người còn sót lại trên mảnh đất này cũng phải theo vết chân của các vị tiền bối, đi tìm nơi Thánh địa ấy. Chung quy thì vẫn là số mệnh, chung quy thì vẫn là số mệnh!"
Vị trưởng lão mũi sư tử hỏi: "Vậy còn vị Thánh sứ thứ ba? Vị thánh sứ đại nhân thứ ba có còn đến chỗ chúng ta nữa hay không? "
Trưởng lão mi dài lắc đầu: "Không có nữa đâu. Vị Thánh sứ đầu tiên đã mang chìa khóa đi, vị Thánh sứ thứ hai đã mang Hồng thạch đi, Cánh cửa sinh mệnh đã đóng lại, không còn thứ mà các vị Thánh sứ cần nữa rồi, vị Thánh sứ thứ ba sẽ không đến đâu. Có điều, lần này Nam phương Ngoại Kim Cương viện của chúng ta có thể bắt liên lạc được với Bắc phương Ngoại Kim Cương viên, thì cũng coi như không uổng công cay đăng khổ sở ở chốn không người này suốt một nghìn năm, rồi sẽ đến một ngày, Mạn Đà La sẽ trùng hiện lên ánh sáng chói ngời."
Vị trưởng lão trán rộng nói: "Tôi có linh cảm rất mãnh liệt, hai vị Thánh sứ lần này khác hẳn với những vị trước đây, bọn họ chắc chắn sẽ tìm được Thần miếu cuối cùng, đại thần Ma Hê Thủ La ở trên trời cao quan sát, nhất định sẽ phù hộ cho họ."
Trưởng lão mũi sư tử lo lắng nói: "Nhưng trong các ghi chép để lại, trong thần miếu cuối cùng ngoài giáo lý của chúng ta ra còn có lời nguyền đáng sợ đó nữa, nếu lỡ bất cẩn…hậu quả sẽ khó mà tưởng tượng nổi."
Vị trưởng lão trán rộng thấp giọng ngâm nga: "Một khi để máu tanh vấy bẩn bậc thang Thánh miếu, vô số tai ương sẽ ùn ùn kéo đến như tuyết lở, giáng xuống tất thảy mọi nơi. Tất cả thành thị đều sẽ biến thành nơi hoang phế không một bóng người, giống như sài lang an cư bên dưới Thánh đàn, lũ độc xà phơi nắng trên bậc cấp, lưới nhện bịt kín khung cửa, lòai hoa chết chóc nở khắp mặt đất mênh mông…" Không sai, trong sổ sách nghìn năm trước của thôn làng chúng ta có ghi lại như vậy, nhưng chúng ta phải tin rằng các Thánh sứ có đủ năng lực để giáng phục tất thảy mọi điều tà ác trên đời,:
Vị trưởng lạo mũi sư tử bất an thở dài: "Nhưng mà các vị Thánh sứ đại nhân đều đã quên đi thân phận của mình, vả lại còn cổ độc trên người vị Thánh sứ thứ hai nữa…Nhiều nhất chỉ còn sống được hai năm nữa thôi."
Vị trưởng lão mi dài nói: "Cát Tường Thiên Mẫu, Đại Cát Tường Thiên mẫu, Lục Độ Mẫu(1),các vị ấy đều sẽ chiếu cố lo lắng đến người gánh vác sứ mệnh, đây không phải chuyện mà chúng ta có thể lo lắng được."
Chú giải: Cát Tường Thiên Mẫu, Đại Cát Tường Thiên Mẫu còn gọi là Đại Cát Tường Thiên Nữ, Thiện nữ, là vị nữ thần hộ pháp trong Phật giáo Tây Tạng, thần bảo vệ cho thành Lhasa và Đạt Lai Lạt Ma, có ảnh hưởng rất sâu rộng trong Mật tông Tây Tạng.
Lục Độ Mẫu: Một trong hai mươi mốt hóa thân của Quan Thế m Bồ Tát.
Trong khe sâu không nhìn thấy ánh mặt trời dưới lòng đất…
"Hừm, làm được lắm, Lôi Ba." Merkin tán thưởng. Trừ một sợi bị bắn chệch, năm sợi thừng đã được bắn hết sức chuẩn xác từ bờ bên này sang vách đá đối diện, khoảng cách không gian hơn hai trăm mét đã được nối liền.
Hai mắt Lôi Ba nheo lại thành một khe hở hẹp, cười cười nói: "Ông chủ quá khen rồi."
Sau khi trải quan đợt huấn luyện quân sự của Merkin, quan hệ của cả đám người này và hắn đã không chỉ là giữa chủ thuê và người làm thuê nữa, mà hầu hết là những thành viên đã được huấn luyện đều nảy sinh thêm cảm giác kính sợ đối với Merkin, khiến bọn chúng không dám phản kháng hắn.
Merkin ngoảnh lại nhìn Tây Mễ, thấy tên này đang lạnh lùng quan sát, cặp mắt tam giác thoáng lộ một tia nhìn khiến người ta phải rùng mình ớn lạnh. Y hiểu rất rõ mục đích của Merkin, nhưng đối phương lại nắm trong tay quân bài chốt khiến y không thể nào mở miệng được.
Soares nói: "Để tôi qua xem trước thế nào, nói không chừng còn có cơ quan cạm bẫy." Nói đoạn, y đã bám dây thừng biến mất trong bóng tối mịt mùng.
Mười phút sau, không thấy hồi âm, bọn Merkin đứng bên bờ khe vực sốt ruột chờ đợi. Lại thêm mười phút nữa trôi qua, vẫn không có tín hiệu gì, Merkin không kìm được nữa, giật lấy bộ đàm nói: "Soares!Soares! Anh nghe thấy gì không? Có phải đã đến rồi chưa? Soares…"
Lát sau, một quả pháo sáng bắn vọt lên bầu không đen kịt, chứng tỏ Soares đã sang bờ bên kia an toàn, sau đó là tiếng rẹt rẹt khi Soares mở máy bộ đàm: "Mau qua đây mà xem, bọn người phương Đông này biết phép thuật…Trời đất ơi, anh không biết được đâu…hùng vĩ quá!"
Hết quả pháo sáng này lại đến quả pháo sáng khác từ từ bay lên, Merkin đang bám ở đoạn giữa sợi dây thừng biết đây là do Soares đang quan sát toàn bộ Đảo Huyền Không tự bắn lên. Y hơi ngẩng đầu, liền trông thấy một kiến trúc dạng Phật tháp cao khoảng chín tầng nhưng được xây lộn ngược. Cả tòa Phật tháp lộn ngược treo lơ lửng trên không trung, trông như núi Tiên trong Đạo giáo truyền thống của Trung Quốc vậy. Cảm giác đầu tiên hiện ra trong đầu Merkin là…không thể tin nổi, đây là ảo giác. Kiến trúc lớn như thế, sao có thể treo ngược trên không trung được!
Quả pháo sáng tiếp theo bắn lên, Merkin lại nhìn thấy rõ ràng, thì ra không chỉ có một tòa, mà là vô số những tòa tháp bảy tầng, mười hai tầng, lớn nhỏ lộn ngược tựa nh những ngọn núi úp ngược trôi lơ lửng giữa không trung, trong bóng tối thâm u kia lại còn có không biết bao nhiêu tòa tháp náu mình nữa. Nếu như nơi này không ẩn mình trong bóng tối, lại có thêm hạc tiên mây trôi, thì những thứ Tiên điện, hay Lăng Tiêu bảo các (1)
Merkin bám dây thừng bò đến chỗ Soares đứng, Soares đang ngẩng đầu nhìn trong tư thái hết sức xuất thần. Chỗ này là phẩn đỉnh của một ngôi Đảo Huyền Không tự, một dạng tế đàn hình bát giác rộng hơn trăm mét vuông, có lan can đá vây quanh, chính giữa sừng sững một tượng Phật cao ba mét, xung quan tượng Phật là tám vị bồ tát, hiền giả. Dây thừng có gắn móc câu của bọn y bắn từ bên kia sang đều găm bào những tượng đá này.
Đến bên mép lan can, cúi đầu ngó xuống, là vực sâu hun hút không nhìn thấy đáy. Vì tầng trên cùng này có diện tích lớn nhất, càng xuống dưới càng thu hẹp lại, thành ra dù đứng ở tầng nào nhìn xuống dưới đều chỉ thấy vực sâu tối tăm, khiến người ta không khỏi rùng mình kinh sợ.
Merkin đến cạnh Soares, cất tiếng hỏi: "Bọn họ làm thế nào vậy?"
Soares lại bắn một quả pháo sáng nữa lên, trỏ vào phần bệ của một ngôi Đảo Huyền Không tự, chỉ thấy trong bóng đêm có một cánh tay vươn ra, tựa như Thác Tháp Thiên Vương nâng tòa bảo tháp lộn ngược, chống đỡ cho ngôi chùa. Merkin lẩm bẩm: "Thế này…thế này thì trái lẽ thường quá rồi. Phần bệ nhỏ như vậy chống đỡ cả đỉnh tháp khổng lồ nhường này, không thể nào giữ được thăng bằng một cách chuẩn xác, mà cũng không thể chịu nổi trọng lực, một cánh tay bằng đá như vậy vươn ra không trung, làm sao mà đỡ được cả một vật thể khổng lồ như thế này chứ?"
Soares lắc đầu: "Không biết. Có điều, tòa tháp ngược này cũng do một cánh tay bằng đá chống đỡ, đây là tòa tháp lộn ngược gần bờ vực bên kia nhất, những tòa tháp khác đều ở phía sau nó, còn bên đầu kia khe vực thì còn cách tòa tháp này ít nhất cũng phải hơn trăm mét nữa. Nói cách khác, chiều rộng thực sự của khe vực này chắc chắn phải trên bốn trăm mét."
Lúc này, những người khác trong đội của bọn y cũng đã lần lượt sang đến bình đài bát giác. Merkin ra lệnh cho thủ hạ đốt ống cháy sáng, bình đài lập tức sáng bừng lên. Soares nói: "Phải tìm đường xuống dưới thôi, chúng ta phải từ mặt tháp lớn nhất này xuống đến tầng dưới đáy tháp, sau đó đi men theo cái rường đá khổng lồ mà sang bờ bên kia của khe vực, nhưng ở đây dường như không có đường nào đi được. Người Cổ Cách cổ đại làm sao ra vào được nhỉ? Có lẽ phải tìm lối ra trên thân mấy tượng Phật này thôi." Y bước đến trước mặt pho tượng Phật ở giữa, nhìn chằm chặp vào cái móc sắt bị oằn ra nằm trên mặt đất. Loại móc câu bắn ra bằng pháo từ lực này uy lực kinh người, cho dù đá hoa cương cũng có thể xuyên vào được sâu đến mấy mét, nhưng cái móc sắt này không ngờ lại bị oằn đi. Ánh mắt Soares dần dịch chuyển lên cao, cuối cùng cũng phát hiện ra một vết hằn rất nhạt trên thân pho tượng Phật, y gọi Merkin lại nói: "Anh nhìn xem, móc câu hợp kim sắt của chúng ta lại không ghim vào nổi tượng Phật này…tượng Phật này không ngờ là hợp kim đồng. Một pho tượng lớn thế này, toàn bộ đều đúc bằng hợp kim đồng cả đấy."
Merkin lấy ra thứ vũ khí dạng búa trông như cái cuốc chim leo núi, dùng sức đập mạnh vào pho tượng Phật lực phản chấn khiến cánh tay hắn tê rần rần, tượng Phật không phát ra tiếng động nào, Merkin tặc lưỡi nói: "Đặc ruột, khá lắm."
Soares tìm khắp một lượt trên thân tượng Phật đồng, phát hiện một cái chốt lẫy, bèn bảo tất cả lùi lại, sau đó chuyển động cơ quan, chỉ nghe tiếng "két két" vang lên, một phiến đá ở sát mép đài bát giác bật tung, để lộ ra dãy bậc thang đi xuống dưới. Một thành viên khác trong đội dùng máy đo kiểm tra xong báo cáo chất lượng không khí bên trong cho phép con người tiến vào.
Soares gật đầu: "Giờ có đường rồi, nhưng rốt cuộc là chúng ta phải đi tới đâu để tìm cái Pháp môn kia chứ hả?"
Merkin đáp: "Tên nhỏ con ấy không biết, trưởng lão trong làng cũng không biết, chúng ta chỉ còn cách cứ thẳng đường mà tiến, nến có lối rẽ thì tách ra tìm kiếm thôi."
Soares châm chích: "Anh là vị Thánh sứ có pháp tướng và huệ căn nhất, cánh cửa của Bạc Ba La chỉ có mình anh mở ra được mà thôi."
Merkin giận giữ đáp: "Tôi đã bảo đừng bao giờ nhắc lại lời của ba lão già điên ấy nữa!" Nói đoạn, y xoay người lại dặn dò đám thủ hạ, "Chắc là một tấm bản đồ khác cùng chất liệu với tấm bản đồ trước đây của chúng ta, chúng mày nhớ cả rồi chứ. Bây giờ chúng ta sẽ xuống dưới đó, nhớ cho kỹ, cứ hai mươi mét lại đốt một ống pháo sáng." Dứt lời, hắn quay lại bảo Soares, "Mở đường đi, cho chúng tôi xem thành quả của anh thế nào."
Soares gật đầu: "Không vấn đề." Y rút ra một cái hộp nhỏ, bên trong không ngờ lại có một con bồ câu trắng, nhưng phần đầu của con chim này đã bị người ta dùng thủ thuật gắn lên một cái máy nhỏ như hộp diêm. Soares thả con bồ câu trắng xuống phía trước lối vào, lấy ra một bộ điều khiển nhỏ như chiếc điện thoại di động, đèn xanh ở cái hộp diêm trên đầu con bồ câu sáng lóe lên, trên màn hình điện thoại di động của Soares liền xuất hiện hình ảnh, dưới sự điều khiển của y, con bồ câu đập cánh bay thẳng vào trong ngọn Phật tháp đảo ngược.
Tình hình bên trong được truyền ra một cách rõ nét trên màn hình điện thoại di động của Soares, chỉ thấy bên trong tòa Phật tháp này là một không gian chỉnh thể, không có phân tầng, cầu thang vòng quanh tường Phật tháp theo hình xoáy trôn ốc đi xuống dưới đến tận bệ tháp, chính giữa tòa tháp là một cột trụ lớn, xem ra chính cột trụ này chống đỡ cho cả tòa Phật tháp, vì sử dụng kỹ thuật dạ quang nên hình ảnh hiện lên màn hình toàn một màu xanh lét, không nhìn rõ được những nội dung khác. Soares nói: "có thể đi xuống, xem ra không có vấn đề gì hết, kỳ lạ thật, không ngờ lại là một tòa tháp rỗng, sao lại xây những công trình kiến trúc thế này nhỉ?"
Đoàn người đi theo hàng một tiến vào, bồ càu trắng bay trước mở đường, người đi đầu phụ trách đốt ống phát sáng. Những bậc thang xây trên vách tường tòa Phật tháp lộn ngược sử dụng công nghệ tương tự công nghệ sạn đạo (1),đục mắt trên tường đá vào, hoặc từ lúc xây tháp đã để lại hốc trống, rồi cắm vào các thanh xà đá, kế đó nghép ván gỗ này cũng không biết là dùng chất liệu gì mà cả ngàn năm rồi vẫn chưa mục nát, khi đi hết một vòng thang, có thể nhìn thấy các xà đá trên đỉnh đầu đều có rất nhiều hình khắc trang trí. Đó là hình tượng Phi Thiên Dạ Xoa và các lọai tiểu quỷ, như thể chúng đang ở trên đầu dõi theo quan sát người đi bên dưới. Trên vách tường còn vẽ vô số hình ảnh trong các câu chuyện Phật giáo, một phần đã bong tróc nham nhở, cả Merkin và Soares đều không thể đoán được hàm nghĩa của chúng. Một đoạn sạn đạo có lan can bằng gỗ, đi bên trên cảm giác rất an toàn, có điều trên lan can gỗ ấy còn có rất nhiều vòng sắt, có những vòng còn treo cả một sợi xích sắt gỉ đến không còn hình dạng gì nữa, khẽ chạm vào một cái là liền kêu lên "đinh đang đinh đang". Bên trên cột trụ lớn ở giữa đường như có rất nhiều thứ, nhưng hiềm nỗi khoảng cách quá xa, nên từ lúc xuống đến giờ vẫn không thể nhìn cho rõ được. Soares đoàn là hình khắc tượng Phật, còn Merkin thì cho rằng đấy là cơ quan bẫy rập gì đó.
Soares nhìn tòa tháp tro ngược hết sức phân vân, tại sao phải xây kiểu như thế? Hơn nữa lại còn rỗng ở bên trong. Nhưng cả người nghiên cứu rất sâu về Tây Tạng như Merkin cũng không biết gì về vấn đề này.
Mãi đến khi cả bọn đi được nửa đường thì mời nhìn rõ, bên trên cột trụ khổng lồ ở giữa ấy chi chít vết gỉ màu xanh lét, còn có những chỗ không bị gỉ lại ánh lên sắc tựa vàng kim. Soares kinh hãi thốt lên: "Là trụ đồng, hợp kim đồng có pha thêm kim loại khác nữa, cột trụ đường kính năm mét, cao hơn trăm mét này không ngờ lại là trụ bằng đồng! Chẳng trách nó có thể chống đỡ được cả tòa tháp lộn ngược, cái bọn người ấy, cái bọn người ấy, họ lấy đâu ra mà nhiều đồng thế nhỉ, trời ơi!"
Còn Merkin lại chú ý đến vô số vòng lớn trên thân trụ đồng, nhìn có vẻ như hợp kim sắt hoặc là kim koại gì đấy khác, nhiều vòng còn lủng lẳng thêm những sợi xích sắt gỉ hoen gì hoét ra, có vẻ giống hệt những vòng sắt xích sắt ở lan can gỗ bên cạnh bọn y. Merkin nuốt một ngụm nước bọt: "Tôi…tôi nghĩ…tôi nghĩ là tôi biết những tòa tháp ngược này dùng để làm gì rồi."
Soares hỏi ngay: "Dùng để làm gì?"
Merkin nói: "Có thấy những vòng sắt trên trụ đồng kia không? Chúng được bố trí thẳng hàng với những vòng sắt ở lan can bên này của chúng ta, sau đó gắn xích sắt vào. Một nghìn năm trước đây, trong tòa tháp lộn ngược này hẳn là phải có vô số sợi xích sắt như thế vắt ngang trên không>"
Soares hỏi: "Làm thế để làm gì?"
Merkin run giọng đáp: "Tu luyện."
Soares không hiểu bèn hỏi lại: "Tu luyện?"
Merkin gật đầu: "Tôi từng nghe nói Tây Tạng cổ đại có một tôn giáo đã biến mất. Đó không phải là Phật giáo đích truyền, cũng không thuần úy là Bản giáo cổ, mà là một thứ tôn giáo tiếp nạp Phật giáo Mật Tông, đồng thời cũng bao dung cả giáo lý Bản giáo cổ đại. Bọn họ đề ra khẩu hiệu "Phật bình đẳng với chúng sinh, ta tức là Phật". Cũng không rõ bắt đầu từ đời nào, các giáo đồ của tôn giáo này biết được một phương pháp rèn luyện thân thể đặc biệt. Bọn họ có thể tự do khống chế nhịp tim, hô hấp, sự bài tiết chất dịch, thậm chí là bất cứ cơ quan nào liên quan đế sự trao đổi chất trong cơ thể mình. Tôi tin rằng anh cũng từng nghe qua khá nhiều những chuyện như thế, chẳng hạn như vị đại sư Yoga nào đấy bị chôn dưới đất, chỉ dùng một cái ống để hít thở, hai tháng sau đào lên vẫn hoàn toàn khỏe mạnh; hay bậc kỳ nhân nào đó tự xưng cả đời không tiểu tiện lấy một lần; ngoài ra còn có rất nhiều tin bên lề tương tự như vậy nữa, thực ra đó chỉ là một số phương thức đặc thù đó mà thôi. Tôn giáo này chính là Mật tông mà trước đây tôi từng nhắc với anh! Giáo đồ của tôn giáo này tôi gọi là Mật giáo đồ! Đây vốn là một tôn giáo không biết ra đời vào thời điểm nào, cũng đã biến mất trong một giai đoạn nào đó của lịch sử, nhưng trong quá trình điều tra nghiên cứu, tôi lại phát hiện ra không phải tôn giáo này đã hoàn toàn tuyệt diệt, mà giáo đồ của nó đã như nước chảy lan nhập vào các tôn giáo khác ở Tây Tạng và các khu vực xung quan như Phật giao, Bản giáo, phải Yoga, Tạng Mật, Đường Mật, Ấn Mật, Nhật Bản Mật (1),đâu đâu cũng có người của bọn họ."
Soares nhìn cột trụ đồng khổng lồ hỏi: "Vậy những sợi xích sắt kia chính là để bọn họ dùng tu luyện à?"
Merkin đột nhiên kêu lên: "Tôi đúng là ngu thật! Bắt đầu từ huyết trì, bắt đầu từ lúc chúng ta nhìn thấy cái huyết trì ở Cánh cửa sinh mệnh tại Mặc Thoát, tôi đã phải nghĩ ra rồi mới đúng, từ đầu đến giờ chúng ta vẫn đang điều tra về cái tôn giáo đáng sợ không hiểu vì nguyên nhân gì mà đã đột nhiên biến mất trong lịch sử ấy. Những tượng Phật ở Cánh cửa sinh mệnh, những cơ quan bẫy rập và cả tượng Thiên thủ cơ quan Phật ở Cổ Cách kia nữa, tất cả đều là sản phẩm của tôn giáo đáng sợ đó. Nói như vậy, chắc chắn là có quan hệ trực tiếp với nhau. Không hiểu là sự kiện tôn giáo này đột nhiên biến mất trong lịch sử có liên quan gì với Bạc Ba La hay không nữa."
Soares lại hỏi: "Thế những sợi xích sắt này thì dùng để tu luyện gì vậy?"
Merkin lắc đầu: "Tôi cũng không rõ nữa, có đieùe những sợi xích này chắc chắn là để tu luyện một loại công pháp gần như là đi trên dây thép ấy. Lúc tìm hieủe tôi từng nghe nói rằng, trong Mật tông có rất nhiều loại phương pháp tu luyện cổ quái mà chúng ta không thể nào lý giải nổi, trong đó có một loại tu luyện là ăn uống ngủ hay bài tiết tất cả đều chỉ trên một sợi dây thép nhỏ như đầu ngón tay. Tương truyền người tu luyện phải ở trên dây thép mấy ngày liền, những sợi dây thông thường đều cách mặt đất cả hơn trăm mét hoặc bên dưới toàn là lưỡi đao nhọn, tóm lại hễ rơi xuống thì chỉ có một con đường chết." Merkin chỉ vào trụ đồng nói tiếp: "Anh nhìn mà xem, từ phần giữa này trở xuống không còn vòng sắt nữa, cách dưới bệ ít nhất cũng phải năm mươi mét, tự độ cao này rơi xuống chết là cái chắc."
Soares lẩm bẩm nói: "Đây là tôn giáo quái gì vậy, huấn luyện còn tàn khốc hơn chúng ta năm đó nữa."
Merkin nói: "Cứ vừa đi vừa xem thôi, không biết phía trước còn gì nữa đây."
Chú giải: Sạn đạo: Là đường xây bằng cầu treo hoặc ván gỗ xếp bên sườn núi đá, dùng để đi quan các vùng núi non hiểm trở
Tạng Mật, Đường Mật, Ấn Mật, Nhật Bản Mật: các nhánh của Phật giáo Đại Thừa tại Tây Tạng (hay còn gọi là Tạng truyền Phật giáo),nước Đại Đường (Trung Quốc cổ đại),Ấn độ và Nhật Bản.
5. TRUYỀN THUYẾT VỀ NÚI THẦN
Trực thăng bay qua dãy núi Cương Để Tư và núi Đường Cổ Lạp, đổi máy bay ở Lhasa rồi bay thẳng đến Cổ Cách. Theo yêu cầu của Lữ Cánh Nam, trên máy bay đã chuẩn bị mới chín bộ vũ khí trang bị hoàn chỉnh. Trên trực thăng, Đa Cát đã học cách sử dụng mũ chiếu sáng và đèn pha, cũng như các thao tác đơn giản như kết thừng…Nhưng anh chàng lùn rõ ràng là hứng thú với con chim sắt biết bay này hơn nhiều, ngồi trên trực thăng mà không lúc nào chịu yên. Anh ta đã không còn cảm giác mất tự nhiên lúc mới lên máy bay lần đầu tiên nữa, cứ hết nhìn cái nọ lại sờ cái kia, cũng có lúc những hành động kỳ quái của anh ta khiến cho mọi người bật cười, nhất là những lúc Đa Cát nhìn qua cửa ổ xuống bên dưới – đối với anh ta, đây nhất định là một chuyện không thể nào tin nổi.
Lúc trực thăng bay qua huyện Phổ Lan, Đa Cát đột nhiên chỉ ra ngoài cửa sổ kêu toáng lên: "Đó là núi gì thế? Đó là núi gì thế?"
Bên ngoài cửa sổ khoang máy bay, ở phía xa xa, giữa dải núi dài nhấp nhô, một ngọn núi tuyết hiện lên sừng sững, nổi bật trắng tóat một màu, tựa như ngọn kim tự tháp tạc bằng ngọc, toát lên một vẻ hoàn toàn khác biệt với những ngọn núi xung quanh, thánh khiết, tĩnh lặng, trang nghiêm. Ngọn núi khoan thai quan sát mỗi một con người đi qua nó, nói với ngàn vạn chúng sinh bằng phương thức duy chỉ nó mới có, và từ trăm vạn năm nay, nó vẫn tĩnh lặngdõi nhìn phong vân biến ảo, đẩu chuyển tinh dời như thế. Vầng dương chênh chếch chiếu trên những góc cạnh khắc tạc tinh xảp lại càng phủ lên tòa tạo vật của thế giới tự nhiên này một sắc màu hoa lệ tuyệt trần, dù cho cách xa bao nhiêu chăng nữa, người ta cũng vẫn cảm nhận được mê lực độc đáo toát lên từ ngọn núi.
Ngoài Đa Cát hay kêu toáng lên ra, những người còn lại trên máy bay chìm đắm vào tĩnh lặng. Mặc dù tín ngưỡng của mỗi người không giống nhau, nhưng ngắm nhìn ngọn núi phía xa đó. Trong lòng ai nấy đều dâng lên cùng một cảm xúc. Trước sự thần kỳ của tự nhiên vĩ đại, cơ hồ có một thứ sức mạnh khiến người ta vứt bỏ hết mọi dục niệm trong đầu, quên đi hết thảy công danh, linh hồn thoáng bỗng bình yên tĩnh lặng, phảng phất như được một lần rửa tội. trước sức mạnh thần thánh đó, cho dù chỉ một chút âm thanh, cũng sẽ phá hoại cả bầu trời không khí trong lành tinh khiết mà cao nhã ấy.
Giâi lát sau, thấy Đa Cát vẫn còn hỏi mãi, Nhạc Dương mới lên tiếng: "Đó là núi Cương Để Tư, trong làng các anh hẳn phải có truyền thuyết về nó chứ chỉ?"
" Núi Cương Để Tư?" Đa Cát gắng sức suy nghĩ, rồi lắc đầu, "Không có đâu, nhưng chắc chắn đấy là một ngọn núi thần, giống như núi Thiên Mâu ấy."
"Không phải chứ, núi Cương Để Tư nổi tiếng thế cơ mà, sao các anh ở đó lại không biết? Đỉnh Cương Nhân Ba Tề, hồ Mã bàng Ung Thác, anh chưa nghe qua bao giờ hả?"
Đa Cát lắc đầu: "Ngọn núi thần này, xem ra còn thanh khiết thiêng liêng hơn cả đỉnh Thiên Mâu nữa, có phải là núi thần không? Nhất định là núi thần đúng không?"
Nhạc Dương nói: "Không chỉ là núi thần thôi, mà còn là ngọn núi thần thánh nhất nữa đó."
"Được rồi." Lạt ma Á La lên tiếng dừng cuộc đối thoại của hai người lại, nói ngắn gọn với Đa Cát, "Đó chính là Cửu Trùng Vạn tự sơn!"
"A" Đa Cát lập tức tắc lời, khóe miệng run run, nước mắt đột nhiên trào ra từng giọt lớn lã chả tuôn rơi, ngây ngây ngẩn ngẩn lẩm bẩm mấy câu, "Đó…đó..chính là Cửu Trùng Vạn Tự sơn? Nơi ở của thần? Thật không vậy? Đại, đại pháp sư? Đa Cát tôi lại có thể nhìn thấy Cửu Trùng Vạn Tự sơn hay sao?" Đoạn anh ta liền hướng về phía núi thần mà dập đầu bái lạy.
"Cửu Trùng Vạn Tự sơn?" Nhạc Dương lục tìm trong ký ức một hồi, cuối cùng cũng nhớ ra đó là cách gọi đỉnh Cương Nhân Ba Tề của người Tượng Hùng. Ngọn núi thần này được vô số tôn giáo, phái hệ công nhận là núi thần đứng đầu trong các ngọn núi thần: trong Bản giáo, nó là trung tâm của thế giới, trong Phật giáo nó là trung tâm của vũ trụ, là nơi giải thoát của người sáng lập ra đạo Jaina(1),cũng là thiên đường của vị thần chí cao vô thượng trong Ấn độ giáo, Shiva. Đỉnh núi chính Cương Nhân Ba Tề chính là vương miện của quốc vương, quanh năm tuyết phủ lấp lánh, đi một vòng xung quanh nó có thể tẩy rửa hết sạch mọi tội nghiệt, đi mười vòng thì có thể miễn chịu nỗi khổ luân hồi chốn địa ngục A Tỳ, đi một trăm vòng thì thăng thiên thành Phật. Truyền thuyết và thần tích về ngọc núi này nhiều như sao trên trời, tin đồ của nó rải khắp mọi nơi trên thế giới. Trăm nhìn năm nay, vô số tín đồ đã đi vòng quanh sườn núi này, bất kể là nghịch chiều hay thuận chiều kim đồng hồ, bọn họ đều thông qua nghi thức quỳ bái và ngưỡng vọng núi thần để thu về sự an ủi nơi tâm hồn.
Ở phía Đông Nam ngọn núi thần thánh chính là hồ thần đứng đầu trong các hồ thần,hồ Mã bàng Ưng Thác, mỗi khi mây tan mù tạnh, ảnh phản chiếu của núi thần sẽ hiện lên trong hồ một cách thần kỳ, kết hợp bên nhau, núi ấy hồ ấy cũng được rất nhiều tín đồ thờ phụng, coi là một đôi vợ chồng. Tên của hồ thần luôn sánh vai bên cạnh núi thần, hồ Mã Bàng Ưng Thác chính là Tây Thiên Dao Trì trong Đại Đường Tây vực ký của Đường huyền Trang, cũng là nơi ở của Thiên Nga trong sử thi Ấn Độ. Thần hồ chi chủ (hồ chúa tể của các hồ thần) là cách gọi trong kinh Phật. Trong mắt các tín đồ, nước thánh trong hồ có thể rửa sạch ngũ độc, tham, sân, si, sãi, đố của con người, thanh tẩy mọi phiền não trong tâm, uống nước ở đây còn có thể trị bệnh, kéo dài tuổi thọ, còn người nào đến bái tế đi vòng quanh hồ một vòng, nhặt bất cứ thứ gì thuộc về cái hồ này thì đều là ân huệ của Quảng Tài long vương ban cho, ắt sẽ mang đến sự giàu có cả một đời.
Nhạc Dương vẫn còn đang hồi tưởng lại, thì Đa Cát đã thực hiện xong nghi thức bái dài chín cái, quay sang hỏi lạt ma Á La: "Vậy có phải giống như trong truyền thuyết, trên Cửu Trùng Vạn Tự sơn có hai biển lớn tượng trưng cho sinh mệnh và tử vong? Còn cả thụy thú canh giữ bốn phương vây quanh Vạn Tự sơn nữa?
"Hả" Người phát ra âm thanh ấy là Trác Mộc Cường Ba, thậm chí gã còn không tự chủ được mà nhổm đứng dậy, mắt trợn trừng trừng nhìn Đa Cát. Gã căn bản không thể ngờ rằng, thụy thú bảo vệ bốn phương lại xuất hiện một lần nữa, chẳng những thế lại còn liên hệ với cả núi Cương Để Tư. Lại còn cả biển lớn tượng trưng cho sinh mệnh và Cánh cửa Địa ngục mà người làng Đa Cát canh giữ. Bạn đang đọc truyện được copy tại Truyện FULL
Sau khi cơn chấn động qua đi, Trác Mộc Cường Ba phát hiện Đường mẫ đang nhéo nhéo tay mình, còn những người khác thì đều nhìn chằm chằm, mới nhận ra mình đã thất thố, bèn chầm chậm ngồi xuống. Lại nghe lạt ma Á La nói: "Đúng vậy, biển tạo sinh mệnh và biển kết thúc sinh mệnh đều vẫn ở trong núi thần, thụy thú canh giữ bốn phương cũng chưa từng rời đi một bước, chỉ có điều…tên của chúng đã không còn như nghìn năm trước nữa rồi."
"Đây rốt cuộc là chuyện gì thế? Sao chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến nhỉ?" Nhạc Dương thay Trác Mộc Cường Ba cướp lời lên tiếng hỏi.
Lạt ma Á La nói: "Hồ thần và một hồ khác đối xứng với nó trên núi Cương Để tư đều nổi tiếng cả, chắc mọi người đều biết chứ?"
Trác Mộc Cường Ba nói: "Có phải đại sư nói đến hồ thần Mã Bàng Ưng Thác và hổ quỷ Lạp Ngang Thác?"
Nhạc Dương cũng sực nhớ ra, cách hồ thần Mã Bàng Ưng Thác không xa, ước chừng một đường vạch, còn có một hồ nước được mệnh danh là hồ quỷ Nạp Ngang Thác. Có truyền thuyết nói hai hồ này vốn là một cặp vợ chồng, cũng có truyền thuyết nói hồ Nạp Ngang Thác như vầng nguyệt ở phương Tây, còn hồ thần Mã Bàng Ưng Thác là mặt trời ở phương Đông. Theo các chuyên gia khảo cứu, hai hồ này trước đây thông nhau, về sau bị tách rời do vận động địa chất, nhưng cũng từng có sông đào nối liền lại, về sau mực nước thay đổi nên lòng sông đào khô cạn, đến ngày nay có kẽ hai đáy hồ vẫn còn thông với nhau. Điều khiến người ta không thể tin được là nước trong hồ thần thì trong veo, mát ngọt, còn nước hồ quỷ lại chát xít đắng ngắt; hồ thần những khi trời trong thường phản chiếu phật quang trên đỉnh thần sơn, còn hồ quỷ thì quanh năm mây mù mờ mịt, mặt hồ vừa u ám vừa kỳ bí, tương truyền màu sắc nước hồ ấy cũng biến ảo bất định giữa ba màu xanh, đen, trắng. Ngày nay, người ta vẫn đi qua khoảng giữa hai hồ để tiến vào Phổ Lam.
"Mã Bàng Ưng Thác, Nạp Ngang Thác? Đây là tên gì vậy?" Đa Cát ngược lại tỏ ra hết sức mù mờ đối với những cái tên tưởng chừng ai cũng biết này.
Lạt ma Á La nói: "Đây chính là tên ngày nay của chúng đấy, nơi sinh mệnh sinh ra và nơi sinh mệnh kết thúc sớm đã bị người ta cho vào quên lãng rồi, ta nghĩ, sau này, có lẽ không còn ai nhớ đến nữa đâu."
Trác Mộc Cường Ba thắc mắc: "Đại sư, người có thể cho chúng tôi biết những cái tên này rốt cuộc là thế nào hay không? Tại sao tên mà Đa Cát nhắc đến lại khác xa tên mà chúng tôi biết đến thế?"
Lạt ma Á La nói: "Cường ba thiếu gia, chắc là cậu cũng biết núi thần Cương Nhân Ba Tề được vô số tôn giáo nhận là Thánh địa tối cao của tôn giáo mình. Cuộc tranh đấu giành giật quyền phát hiện và chủ quyền đối với núi thần chưa bao giờ gián đoạn trong lịch sử cả, mỗi giáo phải đều nói rằng núi thần Cương Nhân Ba Tề là Thánh địa duy nhất của họ, đồng thời mỗi giáo phái đều đặt cho núi thần những cái tên khác nhau, trong đó cũng bao gồm cả hồ thần và hồ quỷ. Trong cuộc tranh đấu ấy, kịch liệt và lợi hại nhất chính là Bản giáo nguyên thủy ở cao nguyên Tây Tạng và Tạng truyền Phật giáo, tên mà ngày nay chúng ta biết, chính là do người chiến thắng đặt ra, còn tên mà Đa Cát nhắc đến, có lẽ là tên cổ từ thời vương triều Tượng Hùng."
Giáo sư Phương Tân lúc này cũng lên tiếng: "Tôi hiểu rồi, tương truyền Mã Bàng Ưng Thác là tên do giáo đồ Phật giáo đặt sau khi chiến thắng giáo đồ Bản giáo, ý nghĩa là hồ Bất Bại, trong tư liệu cũng có nhắc đến chuyện này."
Lạt ma Á La đưa mắt nhìn giáo sư Phương Tân, rồi tiếp tục nói: "Mã Bàng Ưng Thác thực ra là tên có từ thời vương triều Thổ Phồn, nhưng không phải là tên do các giáo đồ Phật giáo chiến thắng Bản giáo đặt ra đâu, còn cái tên từ thời vương triều Tượng Hùng để lại thì chính xác là đã bị lịch sử nhấn chìm từ lâu lắm rồi. Trong lịch sử có một quãng thời gian rất dài, các giáo đồ Bản giáo đi ngược chiều kim đồng hồ vòng quanh núi thực ra để không cho phép người khác dùng bất cứ phương thức nào tiếp cận ngọn núi thần này. Cho đến ngày nay, núi thần mới mở rộng vòng tay rộng lớn của nó, tiếp nhận tín đồ với đủ loại tín ngưỡng khác nhau từ khắp nơi trên thế giới đến đây. Thực ra, trong giáo phái mà tôi tu hành, ý nghĩa của núi thần và hai cái hồ lớn này là: Cửu trùng Vạn Tự Sơn tượng trưng cho luân hồi liên miên không dứt, còn hồ thần tức là nơi sự sống sinh ra, hồ quỷ là nơi sự sống chấm dứt, vạn sự vạn vật trong đại thiên thế giới đều không ngừng luân hồ xoay chuyển giữa sống và chế. Nếu mọi người có chút hiểu biết về tôn giáo thì chắc sẽ biết ý nghĩa tượng trưng này bao hàm cả lý luận về Bản giáo lẫn lý luận luân hồ của Phật giáo, khi mà hai bên vẫn còn chưa phân cao thấp rõ rệt."
Ngoài miệng nói vậy nhưng trong lòng lạt ma Á La lại đang thầm gào thét: "Hồ Bất Bại, đó là cái tên vương triều Thổ Phồn đặt để kỷ niệm Đạo quân Ánh sáng! Quên rồi, thế nhân này đều quên hết cả rồi!"
"Ồ" Trương Lập nói, "biển nơi sự sống sinh ra, không phải rất giống với cách nói hiện đại hay sao?"
Giáo sư Phương Tân gật đầu: "Chúng ta không biết tư tưởng triết học của cổ nhân thế nào, nhưng ở Tây Tạng đúng là có rất nhiều cách nói cực kỳ ăn khớp với khoa học hiện đại ngày nay, chẳng hạn như nói người từ khỉ tiến hóa mà thành, dãy Himalaya từng là đại dương, sự sống bắt nguồn từ biển…"
Nhạc Dương đột nhiên nói: "Vậy thụy thú canh giữ bốn phương đó, liệu có phải chính là...
Lạt ma Á La gật đầu đáp: "Đỉnh Cương Nhân Ba Tề còn một tên khác, gọi là chúa tể của mọi dòng nước, là nơi bắt nguồn của bốn con sông thánh có tên lần lượt được đặt tên theo bồn loài động vật."
Trác Mộc Cường Ba thấp giọng nói: "Sông Sư Tuyền, sông Tượng Tuyền, sông Mã Tuyền, sông Khổng Tước…Đây…đây chính là thụy thú canh giữ bốn phương ư?"
Lạt ma Á La điềm tĩnh nói: "Không giống như mọi người nghĩ cho lắm, thực ra bốn cái tên này cũng như tên mã Bàng Ưng Thác vậy, đều là tên do người chiến thắng đặt ra, bọn họ giữ lại cách đặt tên trước đó, nhưng lại không biết ý nghĩa bên trong những cái tên ấy. Thời Vương triều Thổ Phồn trị vì, tên bốn dòng sông này dịch nghĩa nguyên bản phảo là từ miệng sư tử chảy ra", "từ miệng voi chảy ra…"Người ta không biết tại sao lại đặt tên như vậy, liền cho rằng những nơi ấy rất giống với mấy loài động vật này. Nếu có cơ hội đến tận nơi xem, mọi người sẽ thấy thực ra rất khó tìm ra mối liên hệ giữa tên gọi với các địa phương đó. Nếu dựa theo một số ghi chép còn sót lại của giáo phái chúng tôi, trong lịch sử từng xuất hiện cách đặt tên thế này, Nanh sói bảo vệ phương Tây Bắc, Vuốt đại bàng uy chấn phương Tây Nam, thân thể của voi lớn và Sừng bò Yak lần lượt ở phương Đông Bắc và Đông Nam. Hơn nữa, bốn cái tên này vốn cũng không phải để chỉ bốn mặt của đỉnh Cương Nhân Ba Tề, tượng trưng cho bốn loại sức mạnh và bốn nguyên tố lớn mà đời người phải có. Sói tượng trưng cho sức sống, voi tượng trưng cho thân thể, bò Yak tượng trưng cho sự phồn vinh, đại kim bằng tượng trưng cho linh hồn. Đồng thời, bốn loài động vật này cũng chính là tứ đại thụy thú bảo vệ bốn phương."
"Không giống lời kể của các vị trưởng lão thôn Công Bố lắm."Trác Mộc Cường Ba nói.
Lạt ma Á La đưa mắt nhìn Đa Cát hỏi: "Ở chỗ các cậu người ta nói như thế nào?"
Đa Cát nói: "Ừm, lẽ ra là tiếng gầm cuả sói tuyết cao nguyên, nanh vuốt của mãnh hổ, mắt của đại bàng, sừng của bò Yak mới đúng."
Lạt ma Á La gật đầu với Trác Mộc Cường Ba: "Có cách nói ấy, là do cùng với dòng thời gian thay đổi, thế giới trong lòng cổ nhân cũng nảy sinh biến đổi. Tứ phương thụy thú mà tôi nói có lẽ là của thời kỳ Phật giáo mới lên cao nguyên Thanh Tạng này, khi ấy vương triều Tượng Hùng sắp diệt vong nhưng cũng chưa hoàn toàn diệt vong. Người Tượng Hùng coi Cửu Trùng Vạn Tự sơn là trung tâm thế giới, thụy thú bảo vệ tứ phương của họ chính là sói, voi, đại bàng và bò Yak Tây Tạng. Còn bốn loài thú mà Đa Cát nói, đó là thụy thú của thời kỳ vương triều Thổ Phồn, lấy Lhasa làm trung tâm. Chiến ngao, mãnh hổ, đại bàng và bò Yak Tây Tạng chính là thụy thú bảo vệ cho bốn phương của nước Thổ Phồn. Có một điều chắc giáo sư Phươgn Tân cũng biết là mỗi quốc gia mỗi dân tộc đều có totem và tìn ngưỡng riêng của mình, khi chiến tranh khiến các vùng lãnh thổ thôn tính lẫn nhau, những văn hóa và tín ngưỡng đó cũng dung hợp lại, không có thứ gì là bất biến vĩnh viễn cả. Thực ra cả hai cách đặt tên này đều đã có bóng dáng của thần thú bảo vệ trong Phật giáo, chỉ có điều không giống tên của bốn con sông mà ngày nay mọi người đều biết rõ đấy thôi, tên ngày nay thì đã hoàn toàn là tên trong Phật giáo rồi. Tạm gác những tên khác sang một bên không nói, chỉ nói riêng tên sông Khổng tước thôi, trước khi Phật giáo thâm nhập vào cao nguyên Thanh Tạng, người Tượng Hùng tuyệt đối không bao giờ lấy Khổng Tước ra để đặt tên cho sông đâu."
Giáo sư Phương Tân thắc mắc: "Nhưng trong Phật giáo thì đại bàng cũng là một loài thụy thú mà, hà tất phải thay bằng tên Khổng Tước?"
Lạt ma Á La đáp lời: "Không sai. Thực ra ở thời kỳ đầu của vương triều Thổ Phồn, có lẽ vẫn đặt tên dòng sông đó là Đại Bàng, sở dĩ dùng Khổng Tước minh vương trong Phật giáo để thay thế đại bàng là bởi vì vương triều Thổ Phồn sau khi hoàn toàn chinh phục Tượng Hùng đã cố ý đổi tên dòng sông ấy. Đương nhiên, ở đây có một phần rất lớn là quan điểm cá nhân của tôi, chúng tôi vẫn chưa có chứng cứ trực tiếp, dù sao thì ngày nay những tư lieụe văn bản cổ xưa nhất cũng chỉ có thể truy ngược về những ghi chép ở Đôn Hoàng, hầu hết là tư liẹu từ sau khi vương triều Thổ Phồn thành lập, còn các tư liệu thời vương Triều Tượng Hùng thì đã biến mất hoàn toàn. Mà chúng ta muốn tìm Bạc Ba La thần miếu, có một phần rất lớn nội dung canà phải truy ngược về thời vương triều Tượng Hùng mới được. Đây là thách thức lớn nhất trong công tác thu thập tư liệu của chúng ta đấy."
"Đợi chút đã," Nhạc Dương nói, "Bạc Ba La thần miếu ấy biến mất trước khi vương triều Thổ phồn bị diệt vong cơ mà nhỉ, có liên quan gì đến vương triều Tượng Hùng đâu chứ."
Lạt ma Á La lắc đầu: "Nhưng cậu chớ có quên, mấu chốt để tìm kiếm Bạc ba La thần miếu là người bộ tộc Qua Ba, là Đạo quan Ánh sáng, muốn tìm hiểu về bọn họ buộc phải truy tìm về thời kỳ trước vương triều Tượng Hùng. Cũng như chuyến đi Cổ Cách lần này cả chúng ta vậy, có liên quan rất lớn tới vương triều Tượng Hùng, có thể nói là nối liền một mạch cũng không ngoa; huyện Phổ Lam này,chẳng phải cũng chính là nơi phát tích của Cổ cách vương đấy hay sao?"
Trác Mộc Cường Ba nói: "Đại sư, thụy thú canh giữ bốn phương này rốt cuộc là chỉ gì vậy? Chúng không chỉ là một thứ văn hóa và tín ngưỡng mà thôi đúng không?"
Lạt ma Á La nói: "Còn nhớ những gì tôi nói với cậu tối hôm qua không? Tứ đại thánh thú canh giữ bốn phương này tuyệt đối không đơn giản chỉ là một loại totem. Trên cao nguyên cổ đại, mỗi quốc gia đều có thụy thú của riêng mình, chúng không phải totem, mà là những vị thần bảo hộ thực sự tồn tại. Tôi đã bảo trở về tôi sẽ nói chuyện với cậu rồi mà."
Trong lúc mội người trò chuyện, trực thăng đã bay vào địa giới Trát Đạt. Thổ lâm tựa như ảo ảnh đập vào mắt những người ngồi trên máy bay, mặt đất biến thành sắc vàng, quái thú và thành trì xen lẫn vào nhau, con rồng khổng lồ đang cuộn tròn ngẩng đầu lên gầm rú, trong không trung phảng phất vang lên tiếng tù và đồng văng vẳng. Bay qua vùng đất hoang vu cằn cỗi này cảm giác tựa hổ đi xuyên lịch sử, trở về thời đại hồng hpang vậy. Mặt trồ lặn ở Trát Đạt tròn, to, đẹp một vẻ thê lương mà cổ phác, sắc tựa như màu đỏ vẽ trên giấy trắng tuyền. Gió buốt lạnh thổi qua, cuộn lên lớp cát từ ức vạn năm trước, lũ cỏ duy nhất có thể sinh tồn ở vùng đất này rạp cúi xuống, run rẩy rập rình theo cơn gió. Nơi này, nơi này chính là Cổ Cách đây rồi, nó cũng như tất cả những vương quốc đã bị lịch sử lãng quên khác, đã bị vùi lấp trong phong trần tuế nguyệt, lặng lẽ nằm giữa dãy Himalaya và đỉnh Cương Nhân Ba Tề, cung điện huy hoàng thuở nào đã hóa thành cát bụi, gió thổi cát bay, vô số truyền thuyết đẹp thê lương cũng bay trong gió cát, cảnh vật lướt qua, chuyện xưa tựa như mây như khói.
Đi đường cả một ngày trời, mặc dù không phải đi bộ, nhưng vẫn khiến mọi người cảm thấy hơi mệt mỏi uể oải, khi dòng sông Tượng Tuyền như một dải lụa bạc vắt qua mặt đất vàng sệt, cả đoàn người mới cảm thấy thư giãn phần nào. Mặt trời hoàng hôn hắt lên sông Tượng Tuyền ngoằn ngoèo uốn khúc một lớp màu vàng đỏ rực rỡ lấp lánh, lầu tháp và tượng điêu khắc phản chiếu dưới mặt sông đều trở nên lung linh sinh động. Giáo sư Phương Tân nhớ đến một bài thơ cổ, "Đại mạc cô yên trực, trường hà lạc nhật viên", cảnh vật trước mắt đại để chính là như vậy đấy, một sự hoang vụ đắm chìm trong dòng sông lịch sử. Mặc Thoát là ốc đảo cô độc trên cao nguyên, nơi ấy có thảm thực vật phong phú và những cây đạ thụ rợp tán; còn vùng đất Trát Đạt này lại là gò hoang của cao nguyên Thanh Tạng, chỉ có một thứ đất vàng trải dài ngút tầm mắt, có cát bay mù mịt khắp trời. Nhìn cảnh sắc ấy, trong lòng người bỗng dâng lên nỗi quạnh hiu cô tịch của các vị độc hành hiệp khách thời cổ, lãng đãng khắp trốn giang hồ, trời đất bao la rộng lớn, phía trước là số mệnh không thể đoán biết, không thể do bản thân mình quyết định, điều duy nhất có thể làm chỉ là nắm cho chắc thanh kiếm trong tay.
Nhìn xuống, những cánh rừng đất giống như thành trì, như quái thú trải ngút mắt dưới cửa khoang máy bay, mảnh đất cằn cỗi bạc màu hoang vu không cỏ cây hoa lá trong ánh tàn dương toát lên vẻ đẹp bi tráng lạ thường khiến mọi người cảm giác như đang theo bước chân vương tử A Lý tiến về phía Tây, lại càng có cảm giác hào hùng như Khoa Phụ đuổi mặt trời vậy. Người ta thường nói, đến A Lý mà không thấy thổ lâm coi như là chưa từng đến A Lý. Vùng thổ lâm cao thấp lô nhô này đã trở thành biểu tượng đặc biệt của vùng cao nguyên phía Tây, từ trên cao nhìn xuống, có chỗ giống như thành quách phương Tây, có chỗ lại giống điện đường phương Đông, long cung loạn các, lầu quỳnh tháp ngọc, tòa này nối liền tòa kia, liên miên không dứt; mở rộng tầm mắt ra xa dần, vệt đỏ hồng kéo dài dưới vầng tịch dương kia mỗi lúc một lan rộng, hòa lẫn vào vùng thổ lâm cao thấp nhấp nhô bên dưới, vừa giống như sa mạc mênh mông ào ạt, lại như mây đỏ chất chồng. Chăm chú nhìn thật lâu, sẽ sinh ra ảo giác không biết mình đang ở chỗ nào, không phải đang đứng trên mặt đất, mà cũng chẳng phải lơ lửng trên không, phảng phất như cảnh đẹp mơ hồ biến ảo kia đã bị kéo lại gần ngay trước mắt, muốn hòa nhập với thân ta thành một thể vậy.
Trong cảm nhận thẩm mỹ kỳ dị ấy, các đội viên vừa bay lên cao vừa tìm kiếm mục tiêu. Lữ Cánh Nam nói với mọi người, Nạp Nam Tháp là thần Rắn sáng tạo thế giới của Mật Tông, thổ lâm tuy lớn nhưng các chuyên gia khảo sát thực địa đã đánh dấu mấy chỗ tương tự nhau trên bản dodò, trong Đos những chỗ hình dáng giống rắn khổng lồ rất ít ỏi. Hơn nữa, dựa trên tư liệu mà Đa Cát và thôn Công Bố cung cấp, hình dáng đại thể của thổ lâm hình rắn đã được vẽ ra, điều bọn họ cần làm bây giờ chỉ là lần lượt nhận diện mà thôi.
Đa Cát chỉ ngón tay, trong rãnh sâu phía trước, một con rắn khổng lồ uốn khúc ngoằn ngoéo, đầu ngẩng ngực rộng, dương dương tự đắc, dòng sông Tượng Tuyền chảy bên dưới nó liền trở thành con sâu nhỏ hiên flành. Ở đầu bên kia của con rắn khổng lồ, bất ngờ hiện lên mờ mờ mấy nếp nhà. Lữ Cánh Nam và lạt ma Á La đưa mắt nhìn nhau, quả nhiên đúng như bọn họ nghĩ, ở nơi này, nhà nước đang tiến hành nghiên cứu khảo sát khoa học.
"Đến nơi rồi" Lữ Cánh Nam ra lệnh, trực thăng liên từ từ hạ xuống. Vừa xuống khỏi máy bay, Đa Cát đã phấn khích lộn nhào mấy vòng liền. trực thăng hạ cánh xuống phần đuôi của Nạp Nam Tháp. Nhìn từ dưới mặt đất, Nạp Nam Tháp về cơ bản là một quả núi đất khổng lồ, thổ lâm từ từ cao dần lên dọc theo một con dốc kéo dài, lỗ chỗ có đến trăm ngàn lỗ thủng, trông không khác gì một cái tổ ong bắp cày phóng to lên vô số lần cả. Nhưng rất rõ ràng, những hang động ấy tất cả đều là hang Phật; tượng Phật bên trong tắm ánh tà dương, tuy chỉ hiện lên lờ mờ nhưng vẫn nhìn rõ tư thái. Nhạc Dương ngẩng đầu lên nói: "Đây…đây là nơi nào thế?"
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.