🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Thỉnh thoảng tôi dẫn Trà Long vào rừng hái sim. Tôi len lỏi giữa những bụi sim hoa tím. Tôi len lỏi giữa những kỷ niệm.
Trà Long đi bên cạnh tôi, hồn nhiên, sung sướng. Mỗi lần tìm thấy một trái sim chín mọng đang ranh mãnh giấu mình sau cành lá lòa xòa, nó reo lên hớn hở.
Tôi hái cho Trà Long đầy cả hai túi sim. Nó vừa đi vừa ăn, thoáng chốc đã hết. Tôi lại phải hái cho nó đầy hai túi khác. Có lúc, thừa dịp tôi quay mặt đi, Trà Long lén hái hoa cài lên mái tóc rồi kêu:
- Chú Ngạn!
Tôi giật mình ngoảnh lại và sững sờ khi thấy Trà Long giống hệt Hà Lan xưa.
Trà Long nghịch ngợm hỏi:
- Chú thấy cháu có đẹp không?
Tôi mỉm cười:
- Đẹp lắm!
Nó lại nghiêng đầu hỏi:
- Cháu có giống bà tiên không?
Ý nó muốn nhắc đến những câu chuyện cổ tôi thường kể cho nó nghe, những câu chuyện tôi học được của bà tôi. Tôi nhìn nó, bâng khuâng:
- Cháu không giống bà tiên. Nhưng cháu giống hệt mẹ cháu hồi nhỏ.
Trà Long chớp mắt:
- Sao chú cứ nhắc đến mẹ cháu hoài ?
Câu hỏi ngây thơ của Trà Long khiến tôi bối rối. Tôi chưa biết trả lời sao, nó lại hỏi:
- Hồi nhỏ chú có dắt mẹ cháu vào rừng chơi không?
- Có ! - Tôi vội vã gật đầu.
- Chú có hái sim cho mẹ cháu không?
Tôi cắn môi:
- Có. Cả chú và mẹ cháu cùng hái.
Nó bỗng hỏi:
- Ai hái nhiều hơn?
Tôi ấp úng:
- Tất nhiên là... mẹ cháu.
Trà Long nheo nheo mắt:
- Chú nói dối!
Tôi chỉ biết cười trừ:
- Thật ra thì...chú quên rồi!
Trà Long ngó tôi, vẻ nghi ngờ:
- Chú không quên. Cháu biết chú nhớ. Chú nhớ nhiều chuyện.
Rồi bỗng dưng nó lại gần, nắm lấy tay tôi:
- Chú nói cho cháu nghe đi!
Tôi hoang mang:
- Nói chuyện gì ?
Trà Long ngước nhìn tôi:
- Chuyện về mẹ cháu ấy ! Ba cháu đâu ?
Tôi nuốt nước bọt và thấy bóng mình in sững giữa hoàng hôn buốt tím. Tôi đứng lâu thật lâu, tim thót lại. Trà Long lại lắc lắc tay tôi:
- Chú nói đi! Ba cháu là ai ?
Tôi chép miệng:
- Tại sao cháu không hỏi bà ngoại ?
- Cháu hỏi rồi.
- Bà ngoại cháu bảo sao ?
- Bà ngoại bảo ba cháu chết rồi. Có đúng vậy không chú ?
Tôi tránh ánh mắt của Trà Long. Tôi nhìn về phía chân trời xa nơi những cụm mây đang bốc cháy, khẽ thở dài:
- Ừ, ba cháu chết rồi.
Trà Long vẫn nhìn sững tôi:
- Chú nói thật không?
- Thật mà.
- Cháu không tin! - Trà Long vùng kêu lên - Người chết là phải có bàn thờ. Nhà cháu đâu có bàn thờ.
Trà Long làm tôi khó xử quá chừng. Tôi chưa kịp nghĩ ra cách đối phó, nó đã hỏi dồn:
- Chú nói thật đi ! Ba cháu đâu ?
Tôi vẫn cứ đứng trơ như phỗng, ruột rối tơ vò. Tôi chìm vào suy tưởng, lâu thật lâu, Trà Long vẫn im lìm bên cạnh, thấp thỏm chờ đợi. Quanh tôi, thời gian vẫn lầm lũi trôi qua và buổi chiều đang lướt đi xào xạc, cánh áo mỏng của nó khẽ chạm vào vai tôi hờ hững. Trong một thoáng, tôi bỗng bàng hoàng hiểu rằng nếu tôi không cất tiếng, tôi sẽ đời đời câm nín và hai chú cháu sẽ hóa đá trong mỗi phút giây thinh lặng nặng nề. Tôi khẽ rùng mình và đặt tay lên bờ vai bé bỏng của Trà Long, giọng xa vắng:
- Thôi, cháu đừng hỏi làm gì ! Lớn lên cháu sẽ hiểu tất cả !
Trà Long vùng vằng:
- Nhưng bây giờ cháu đã lớn rồi! Cháu học lớp năm!
Tôi mỉm cười và nhìn nó bằng ánh mắt âu yếm:
- Cháu chưa lớn đâu! Lớp năm hãy còn bé lắm!
Trà Long lập tức buông tay tôi ra, giọng giận dỗi:
- Chú nhất định không nói phải không?
Tôi cười khổ sở:
- Chú đã nói rồi. Cháu hãy hiểu cho chú...
Không đợi tôi nói hết câu, Trà Long bỏ chạy ra ngoài bìa rừng. Nó vừa phóng thoăn thoắt trên các mô đất nhấp nhô vừa ngoái cổ lại nói:
- Chú không nói, cháu không thèm chơi với chú nữa đâu! Cháu về nhà đây!
Tôi hốt hoảng chạy theo:
- Trà Long, đứng lại! Chờ chú với!
Nó vẫn cắm cổ chạy, vạt tóc thấp thoảng sau các bụi lá xanh. Tôi đuổi phía sau, miệng kêu ơi ới:
- Trà Long! Lại đây chú chở về !
Trà Long vẫn không thèm ngoái lại. Nó bướng bỉnh hệt như mẹnó xưa. Hồi đó, Hà Lan hờn giận, tôi phải năn nỉ cả ngày trời, khổ ơi là khổ.
Đang chạy, thình lình Trà Long vướng phải một gốc cây cụt, ngã lộn nhào. Tôi điếng người, nhảy bổ lại vội vàng đỡ nó dậy và lo lắng hỏi:
- Cháu có đau lắm không, Trà Long?
Trà Long không trả lời. Mà nó gục đầy vào cánh tay tôi, rấm rức. Tiếng khóc nó xuyên qua ngực tôi.
*****
Thỉnh thoảng, Hà Lan vần về làng thăm con. Mỗi lần về, nó ở quanh quẩn trong nhà, chẳng đi đâu. Tôi đến chơi, nằm đu đưa trên võng, bồi hồi ngắm hai mẹ con xúm xít bên nhau. Hà Lan hỏi con đủ chuyện, Trà Long trả lời chẳng đâu vào đâu. Nó có vẻ kém hào hứng. Nó không thích loanh quanh trong nhà. Nó muốn mẹ dẫn đi chơi nhưng Hà Lan lại không hưởng ứng.
Trà Long không hài lòng mẹ, nó một mực kỳ kèo:
- Mẹ và chú Ngạn dẫn con vào rừng Sim chơi đi!
Hà Lan thở dài liếc tôi. Tôi hiểu, Hà Lan giờ đã khác. Tôi chẳng mong đợi gì. Lòng nó bây giờ như chiếc lá khoai, tình tôi mưa xuống, nghìn giọt rơi nghìn giọt chảy ra ngoài. Nó sợ vào rừng Sim. Nó sợ kỷ niệm bủa vây. Trà Long giục nó hoài, nó nhìn tôi cầu cứu.
Tôi nhỏm dậy, bảo Trà Long:
- Cháu muốn vào rừng chơi, chú sẽ dẫn cháu đi! Mẹ cháu mới ở thành phố về còn mệt để cho mẹ cháu nghỉ !
Trà Long ngúng nguẩy:
- Cháu không chịu đâu! Cháu muối đi chơi với cả hai người kìa! - Rồi nó nhe răng cười - Cháu đi giữa, mẹ một bên, chú Ngạn một bên!
Trước đòi hỏi quá quắt của Trà Long, tôi chẳng biết nói sao, bèn tìm cách lẻn ra khỏi nhà. Đi một quãng xa, tôi còn nghe tiếng Trà Long gọi với theo:
- Chú Ngạn! Chú trốn cháu phải không? Cháu không thèm chơi với chú nữa đâu!
Tôi cắn chặt môi, bỏ đi luôn.
*****
Trà Long lên lớp sáu, ra trường huyện. Ngày rời làng, nó khóc như mưa bấc, nước mắt nó muốn trôi cả chợ Đo Đo. Nếu không có tôi đưa nó ra phố huyện, đi nửa đường dám nó thổn thức quay về ngồi trước thềm nhà khóc tiếp.
Ngày vào lớp một, Trà Long gan lì, đi từ nhà đến trường không rơi một giọt nước mắt, sao hôm nay rời làng, lòng nó lắm mưa bay. Hay nó giống như tôi, nó giống như ông ngoại nó, khúc ruột liền với tình yêu quê xứ, mỗi bước ra đi là mỗi bước bận lòng.
Ra đến huyện, đôi mắt Trà Long còn đỏ hoe. Tôi đưa nó đến nhà ông chú chạy xe đò, nơi trước đây Hà Lan từng ở. Sắp xếp nơi ăn chốn ở cho nó xong xuôi, tôi quay xe về làng.
Nhưng Trà Long không cho tôi về. Nó níu tay tôi, khẩn khoản:
- Chú ở chơi với cháu thêm một ngày nữa đi!
Tôi nhìn nó, thấy tội tội. Lần đầu tiên ra phố huyện, lạ cảnh lạ người, chắc nó buồn lắm. Tôi gật đầu:
- Ừ, chú ở lại, mai về. Bây giờ chú chở cháu đi chơi một vòng nghen!
Trà Long mừng lắm. Nó nhảy tót lên yên sau, ôm chặt lấy hông tôi, mặt mày hớn hở:
- Chú chở cháu đi mấy vòng cũng được!
Tôi chở Trà Long ngang qua trường huyện. Trường vẫn như xưa. Những dãy lớp đóng cửa im ỉm chờ ngày nhập học. Sân cỏ mênh mông, uá vàng vì nắng hè và hàng dương liễu vẫn thướt tha dọc hàng rào cát trắng.
- Trường cháu đây nè ! - Tôi nói.
- Ôi, trường đẹp quá hả chú ? - Trà Long kêu lên - Hồi nhỏ chú và mẹ cháu cũng học ở đây phải không?
- Ừ ! - Tôi gật đầu và chỉ tay về phía hàng rào - Hồi đó mẹ cháu hay ngồi chơi ở dưới gốc cây dương liễu này.
Nói xong, tôi giật mình. Tôi sợ Trà Long lại bảo: "Chú sao cứ nhắc đến mẹ cháu hoài!". Nhưng Trà Long vẫn ngồi im sau lưng tôi. Chắc nó đang tò mò ngắm nghía ngôi trường mới của mình.
Tôi ghé thăm bà Năm Tự. Thấy tôi, bà nhận ra ngay:
- Ồ, Ngạn đấy hả ? Lâu ghê mới gặp cháu! - Giọng bà mừng rỡ, rồi không kịp để tôi nói gì, bà vồn vã hỏi tiếp - Sao, cháu đã vợ con gì chưa ?
Tôi mỉm cười, lắc đầu:
- Dạ chưa.
Bà Năm Tự quay sang Trà Long:
- Vậy chứ đứa bé nào đây ?
- Dạ, đây là con gái Hà Lan.
- Phải Hà Lan là con bé hồi trước vẫn thường tới đây học chung với cháu ? - Bà Năm Tự nắm tay Trà Long lại gần, xuýt xoa - Chà, con gái lớn quá hén!
Tôi nhìn quanh nhà, ngập ngừng hỏi:
- Anh Nhân đâu rồi, bà ?
- Nó đi câu ngoài sông Ngang. Nó buồn đời, suốt ngày ngồi bên bờ sông.
Anh Nhân là con trai bà Năm Tự. Anh đi lính tận Ban Mê Thuột, đánh nhau què giò, bị cưa một chân, thành thương phế binh giải ngũ về nhà. Ngày anh về, bà Năm Tự đốt nhang cảm ơn trờ phật: "May mà nó không chết bờ chết bụi, cụt một chân đã là phúc, còn dẫn xác về nhà với mẹ". Nhưng từ ngày đó, anh Nhân đổi tính. Anh lầm lì, chẳng nói chuyện với ai, ngày nào cũng xách cần câu ra đi từ sáng sớm, tối mịt mới về. Bà Năm Tự buồn lại hoàn buồn. Khoái đi câu, ở làng tôi có thầy Cải khác anh Nhân. Thầy Cải đi câu vì niềm vui, anh Nhân đi câu vì nỗi buồn.
Sau một hồi trò chuyện, bà Năm Tự kêu tôi vàTrà long ở lại ăn cơm. Tôi một mực từ chối. Tôi không sợ món canh rau dền, tôi chỉ sợ ngồi chơi lâu, bà Năm Tự buộc miệng hỏi thăm về ba của Trà Long thì khốn.
Tôi chào bà Năm Tự, chở Trà Long về nhà. Tối đó, tôi ngủ lại nhà ông chú nó. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi đạp xe lặng lẽ về làng. Khi tôi đi, Trà Long còn ngủ.
*****
Từ ngày Trà Long ra phố huyện, cuộc sống tôi trở nên quạnh quẽ. Tôi ngồi trên lớp dạy học trò, nhìn đứa bé nào cũng nhớ tới Trà Long. Những buổi chiều càng trống trải, dài lê thê. Hai mẹ con đi xuyên qua trái tim tôi, mỗi người về mỗi ngã, tôi ở lại làng chiều chiều đếm lá bàng rơi.
Đến nhà Trà Long, tôi chỉ biết leo lên võng nằm đọc sách. Đọc sách chán, chẳng biết làm gì, tôi lại ôm đàn ngồi gảy tích tịch tình tang dưới giàn hoa thên lý, nghe xưa cũng vọng về như mộng mị:
Tôi nằm trong cỏ ngó ra
Bóng ai thấp thoáng như là sương rơi
Tưởng người trong mộng về chơi
Nào hay lãng đãng một trời mưa giăng.
Mưa giăng kín hồn tôi từ dạo ấy, tiếng đàn rung lên còn nghe ẩm ướt, lạnh muôn trùng, dẫu từ hồi về làng đến nay, tôi ít đụng tới cây đàn. Tôi treo đàn lên vách, chôn buồn thương xuống đáy lòng, tình yêu của tôi dồn vào việc chăm sóc và dạy dỗ Trà Long, hiện thân bé bỏng của người thương muôn thưở. Bây giờ, Trà Long ra đi, lòng tôi bỗng dưng hiu quạnh. Nhìn tới nhìn lui, chỉ còn cây đàn bụi giăng lớp lớp ở lại cùng tôi, người bạn đường đã theo tôi suốt cuộc tình buồn.
Cứ vậy, ngày nào cũng như ngày nào, đọc sách chán tôi đem đàn ra gảy. Đàn chán, tôi đi lang thang trong làng, đến thăm các thầy cô và bạn bè cũ. Bạn bè năm xưa chẳng còn ai, mỗi đứa trôi dạt một phương trời, cũng có lúc tình hoài hương níu đôi người về lại nhưng cố xứ nghèo nàn chẳng giữ được ai lâu. Thầy cô thì tuổi tác chất chồng, áo cơm nặng gánh, chẳng mấy người lưu được nét xuân xưa. Thầy Cải trước đã hư một mắt, con mắt kia nay mây cũng kéo lòa, đành chia tay suối Lá. Bây giờ thầy ngồi nhà mò mẫm đan giỏ vừa kiếm miếng ăn vừa vui ngày tháng xế. Cô Thung hết than khát nước đến than tức ngực, nghi mình ho lao nên cũng đã giã từ bảng đen phấn trắng, bỏ lại đám học trò nheo nhóc nhớ thương cô.
Trường thiếu người phải mời thầy Phu ra dạy. Hôm nhận được tin, thầy xúc động rơm rớm nước mắt. Được dạy dỗ bọn trẻ con là hạnh phúc của thầy. Hạnh phúc đó đã tan thành mây khói khi trường tiểu học làng tôi mở thêm lớp một. Bây giờ hạnh phúc đột ngột trở về, thầy Phu thay đổi hẳn. Nét khắc khổ trên mặt thầy biến mất. Hôm gặp nhau trên trường, thầy bắt tay tôi thật chặt, đôi mắt long lanh sau cặp kính lão. Tôi mừng cho thầy. Tôi còn mừng hơn nữa khi thầy khoe:
- Thằng Hòa đã về rồi, Ngạn ơi!
- Về luôn hả thầy ?
- Ừ, lần này nó về luôn!
Thầy Phu đáp bằng một giọng phấn chấn. Trong hai đứa con của thầy, chị Hạnh biệt tích giang hồ. Chi*. ở đâu tít mãi phương Nam, lấy chồng, sinh con, lâu nay không thấy ghé về. Thằng Hòa cũng bỏ xứ đi làm ăn. Gặp hết thất bại này đến thất bại khác, nó than bất phùng thời và phẫn chí khăn gói về làng trồng cây ăn trái. Thầy Phu kể với tôi như vậy. Và kết luận:
- Có nó bên cạnh cũng đỡ buồn!
Tôi nhìn thầy, chia xẻ. Cuộc đời đỡ buồn, còn mong mỏi nào hơn! Buồn thầy đã đỡ. Còn buồn tôi, biết đến bao giờ ?
*****
Chiều thứ bảy nào, Trà Long cũng đạp xe về làng, hệt như tôi và Hà Lan xưa. Hai năm đầu, thỉnh thoảng tôi phóng xe ra huyện đón nó về. Gọi là đón, thực ra hai chú cháu mỗi người một chiếc. Tôi lững thững đạp xe bên cạnh Trà Long qua những nẻo đường xưa, cứ ngỡ mình đang trôi trong kỷ niệm. Tự nhiên tôi nhớ đến những câu thơ Xuân Diệu:
Thuyền qua mà nước cũng trôi
Lại thêm mây trắng trên trời cũng bay
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này
Cuộc đời đã thực sự đổi thay. Có những đổi thay sâu sắc, những đổi thay mang màu sắc số phận mà thoạt nhìn không dễ nhận ra. Buổi chiều thứ bảy này với buổi chiều thứ bảy mười bảy năm về trước có vẻ như một sự lặp lại đầy bí ẩn. Vẫn những tia nắng nhấp nháy nằm phơi mình trên các mái nhà và các ngọn lá hai bên đường, không đậm hơn, không nhạt đi, vẫn những ngọn gió đến từ phía sau lũy tre xa, thổi ngang mặt đường làm bốc lên những đám bụi mờ, vẫn những con cánh quýt bay ra từ đám lá keo tây, kêu vù vù rồi lại chui vào những nách lá khuất, và trên con đường nứt nẻ, dài đặc, vẫn hai người đạp xe bên nhau từ phố huyện về làng. Tôi vẫn tôi, dẫu tôi chẳng tôi xưa. Chỉ có Hà Lan biền biệt, để lại con mình thay chỗ lối đi quen. Buổi chiều chỉ khác đi một chi tiết mà khác biết bao nhiêu.
Rõ ràng Trà Long không phải là Hà Lan. Nhưng đến khi nó lên lớp chín, tôi lại không thể quả quyết về điều đó. Khi trở thành cô gái, Trà Long giống mẹ như hai giọt nước. Mỗi lần nó nhìn tôi, đôi mắt nó có khác nào mắt biếc năm xưa. Điều đó khiến tôi bối rối lạ lùng và bất giác tôi đâm ra sợ hãi. Tôi càng kinh hoàng hơn khi nhận ra mỗi khi đạp xe bên cạnh Trà Long, nghe nó ríu rít trò chuyện và thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt long lanh của nó, tôi quên bẵng tôi là một gã đàn ông ba mươi mốt tuổi chồng chất trên vai. Tôi ngỡ tôi là cậu học trò lớp chín đang cùng Trà Long rong ruổi những ngày xanh. Tôi vào rừng Sim lúi húi tìm bông dủ dẻ cho Trà Long. Tôi lại làm con khỉ trèo cây, hí hửng leo lên cây trâm năm nào hái cho nó từng chùm trái tím thẫm. Có phải tôi đang bơi ngược dòng thời gian để tìm lại những rung động đầu đời trong suốt như pha lê của gần hai mươi năm về trước, để đôi lúc ngẩn ngơ nhìn Trà Long, lòng bồi hồi mộng mị : "Hà Lan, có phải em đã về ?".
*****
Từ khi phát hiện tâm trạng bất thường của mình, tôi không ra phố huyện đón Trà Long nữa. Nó tự về, với bạn bè, như trước đây vẫn thế. Chỉ những lần ra thành phố thăm Hà Lan, tôi mới đưa nó đi.
Trà Long bây giờ đã lớn. Nó biết nhiều chuyện. Một hôm, đột nhiên nó bảo tôi:
- Cháu biết ba cháu là ai rồi! Ba cháu không chết!
Tôi giật mình:
- Ai bảo cháu vậy ?
Trà Long vẫn điềm tĩnh:
- Bà ngoại bảo.
Tôi ngồi im, không nói gì.
Trà Long lại nói:
- Cháu không ghét ba cháu. Nhưng cháu không tôn trọng ông ấy.
Tôi hỏi, sau một thoáng ngập ngừng:
- Cháu đã gặp ba cháu chưa ?
Trà Long lắc đầu:
- Chưa. Cháu cũng không có ý định đó. Vả lại, ba cháu đã chuyển vào miền Nam, đem cả vợ con theo. Mẹ cháu bảo vậy.
Tôi ngạc nhiên trước thái độ bình tĩnh và lời lẽ chững chạc của Trà Long. Nó không yếu đuối như Hà Lan. Nó cương nghị hơn. Bất giác tôi nghĩ đến cây bàng già giữa chợ Đo Đo, cây bàng đã đứng vững qua nghìn cơn gió dữ. Trà Long cũng vậy. Nó sinh ra ở thành phố nhưng nó là đứa con kiêu hãnh của cái làng nghèo nằm dưới chân núi Phượng. Làng gan góc, làng sinh những đứa con gan góc. Chị Quyên hấp thụ sức mạnh thể chất. Còn Trà Long thừa hưởng sức mạnh tinh thần.
Trà Long lên tiếng, cắt đứt những nghĩ ngợi miên man trong đầu tôi:
- Sao lâu nay chú không ra huyện đón cháu về ?
Câu hỏi bất ngờ của Trà Long khiến tôi lúng túng. Tôi đưa mắt nhìn đi chỗ khác, tặc lưỡi đáp:
- Chú bận.
Trà Long bán tín bán nghi:
- Thật không?
Tôi gật đầu:
- Thật mà. Chú bận. Bây giờ tuần nào chú cũng bận.
Trà Long nheo nheo mắt:
- Thứ bảy này chú bận không?
Tôi giật thót. Chắc nó lại kêu tôi đạp xe ra huyện đón nó. Tôi không trả lời ngay mà ngập ngừng hỏi lại:
- Chi vậy ?
- Chú dẫn cháu đi thăm mẹ cháu. Lâu rồi cháu không ra thành phố.
Tôi thở phào:
- Ừ, chú sẽ dẫn cháu đi.
Trà Long liếc tôi, mỉm cười láu lỉnh:
- Rủ chú đi thăm mẹ cháu là chú đi liền, còn kêu đi đón cháu lúc nào chú cũng bảo bận!
Câu nói đùa của Trà Long khiến tôi bất giác đỏ mặt. Tôi ngượng ngùng đưa mắt nhìn theo những cánh bướm đang chập chờn trên giàn hoa thiên lý. Những cánh bướm lúc nào cũng vô tư.
*****
Tôi và Trà Long ra thành phố gặp lúc Trà Lan đang có khách. Khách là một người đàn ông trạc tuổi tôi nhưng phong thái lịch sự, chải chuốt hơn nhiều. Sự xuất hiện bất ngờ của hai chú cháu khiến Hà Lan vô cùng bối rối và tôi đọc được điều đó trên vẻ mặt khác thường cũng như trong thái độ lúng túng của nó.
Thoạt đầu Hà Lan không định giới thiệu hai bên với nhau nhưng khách bỗng hỏi:
- Ai vậy, Hà Lan? Bà con của em hả ?
Khách hỏi, giọng chủ nhà. Tôi không ngạc nhiên nhưng cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, tôi vẫn đứng im.
Hà Lan chỉ khách:
- Đây là anh Linh.
Rồi Hà Lan quay sang tôi và Trà Long:
- Còn đây là Ngạn và... Trà Long, ở quê ra.
Hà Lan giới thiệu cộc lốc, không ai biết ai là ai. Khách không hỏi nữa, chỉ đưa mắt nhìn tôi và Trà Long, vẻ dò xét. Còn Trà Long thì đứng ngẩn ra giữa nhà, ngơ ngác nhìn hết người này đến người khác. Tôi không mất nhiều thời gian để hiểu ra tình thế khó xử của Hà Lan. Tôi nắm tay Trà Long, nói:
- Hai chú cháu tôi phải ra phố mua một ít đồ đạc, lát nữa ghé lại!
Và không đợi Hà Lan có ý kiến, tôi khẽ gật đầu chào Linh rồi cùng Trà Long quay ra.
Thái độ lạ lùng của Hà Lan có lẽ khiến Trà Long thắc mắc. Nhưng nó không hỏi. Cũng có thể nó đã đoán ra mọi chuyện. Hai chú cháu lặng lẽ đi bên nhau suốt buổi chiều. Tôi không ghé cô Thịnh, không ghé chị Nhường. Tôi dẫn Trà Long lang thang qua các ngả phố và ghé vào các cửa hàng đứng ngắm nghía hàng giờ những chùm hoa lộng lẫy bằng vải, những con thú nhồi bông và những thỏi son đứng xếp hàng đằng sau các tủ kính.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn bắt gặp ánh mắt của Trà Long nhìn trộm tôi, nhưng tôi phớt lờ. Cháu xót xa chú chăng, Trà Long? - Tôi nghe tiếng nói của mình vang lên trong đầu - Vâng, chú đã chờ đợi mẹ cháu, chờ đợi từ rất lâu trước khi cháu ra đời. Bao giờ chú cũng chờ đợi. Nhưng nếu như mẹ cháu tìm thấy hạnh phúc với một người nào khác không phải là chú, thì đó cũng là nỗi mong mỏi buồn bã của chú. Chú chỉ mong sao cuộc đời mẹ cháu tránh xa những nỗi bất hạnh. Nỗi bất hạnh, nếu không thể tránh, chỉ nên rơi xuống một người.
Trà Long có nghe thấy những ý nghĩ của tôi không mà mặt nó buồn lắm vậy. Nó cứ nắm chặt lấy tay tôi như sợ tôi tan biến đi giữa mịt mờ sầu muộn.
Mãi đến khi phố đà lên đèn, hai chú cháu mới quay về đường cũ.
*****
Linh đến, rồi đi, như một giấc mộng thoáng qua. Hà Lan vẫn ngồi lại bên đời hiu quạnh. Tôi biết được điều đó không lâu. Chính Hà Lan kể. Lần này, nó không khóc, nhưng giọng nó buồn hiu. Nguyên nhân tan vỡ chính là... Trà Long. Khi quen Linh, Hà Lan không nói gì về Trà Long. Hà Lan không cố ý giấu, nó chỉ định nói khi có dịp thuận tiện.
Nhưng Hà Lan chưa kịp nói, Linh đã biết. Hai mẹ con giống nhau như tạc, sau lần gặp hôm nào, Linh ngờ ngợ, hỏi ngay. Hà Lan đành thú thật. Thế là chia tay, gọn gàng, dứt khoát. Cuộc chia tay trong tình yêu sao mà lạnh lùng, đơn giản như một phép trừ. Tôi ngồi nghe, buồn thương hờn giận, chẳng thốt được một lời. Giọng Hà Lan hiu hắt:
- Một người vợ có con riêng. Linh không chấp nhận chuyện đó.
Tự nhiên, tôi tức run người. Và tôi kêu lên, giọng phát khùng:
- Linh là người như vậy, tôi chẳng hiểu Hà Lan yêu anh ta ở điểm nào!
Nói xong, tôi nhận ra tôi đang mất bình tĩnh. Tôi nhận ra tôi vừa nói một câu tồi tệ. Tôi vội vàng nhắm mắt cho lòng dịu lại, và khẽ thì thầm:
- Hà Lan cho tôi xin lỗi. Tôi điên rồi.
Tôi nghe tiếng Hà Lan văng vẳng bên tai:
- Ngạn có lỗi gì đâu! Thật ra, Hà Lan quen Linh chỉ vì... chỉ vì...
Chỉ vì sao mà Hà Lan cứ ấp a ấp úng, tôi tự hỏi và mở mắt ra:
- Nếu Hà Lan thấy không tiện nói thì thôi!
Hà Lan tặt lưỡi, nó tránh không nhìn tôi:
- Hà Lan quen Linh chỉ vì Linh có những nét rất giống... Dũng.
Tôi như từ trên mây xuống đất. Lời giải thích của Hà Lan khiến tôi thẫn thờ. Hóa ra là vậy. Gần hai mươi năm qua, em vẫn là cô bé quàng khăn đỏ ngày nào, ngây thơ và ngốc nghếch. Dũng đã dẫm qua đời em bằng đôi giày đầy gai nhọn, trái tim em rớm máu, sao lòng em còn giăng mắc sợi tơ xưa. Để bây giờ Linh ghé lại đời em ngắn ngủi, tình yêu em hụt hẫng đến bao giờ.
Tôi giã từ Hà Lan, ra về không bước nổi. Tội nghiệp em. Tội nghiệp tôi. Tôi và em như sao Sâm sao Thương, bầu trời kín mà quay hoài chẳng gặp, đã ngoài tuổi ba mươi mà nỗi cô đơn cứ tỏa sáng một mình.
Tôi lại ôm đàn ngồi dưới giàn thiên lý xưa, nghe lòng mình rạn vỡ:
Anh ôm trái tim Trương Chi
Chờ tan trong nước mắt
Đi tìm em qua những chợ búa và xóm làng
Qua những chiều tắt nắng
Dấu chân anh trong cỏ
Còn đọng đầy mưa xuân
Tiếng hát tôi gửi buồn thương cho gió. Ánh trăng xanh run trên sáu dây đàn:
Dẫu rằng khi anh yêu em
Em giấu anh đi yêu kẻ khác
Những người đàn ông không ngừng làm khổ em
Vì những điều bé mọn
Trà Long, đêm nay cháu về làng, cháu ngồi cạnh chú. Bản tình ca u hoài chú hát, cháu có hiểu gì không mà mặt cháu ngẩn ngơ ? Trà Long ngồi dầm mình trong ánh trăng, đôi mắt đẹp long lanh như hai vì sao biếc, có đôi khi tôi tưởng chính Hà Lan về ngồi nghe tôi dạo nhạc Cung Tiến của tôi xưa. Và tôi thấy trái tim mình như nén lại:
Lo âu và vất vả
Anh đi tìm em
Anh đi tìm cô bé quàng khăn đỏ ngày xưa
Sợ rằng năm nay em đã lớn
Đàn sói nhiều hơn xưa
Trái tim em thì bé bỏng
Biết chiều nay em có kịp về nhà
Mà không bật khóc
Em có khóc không, đêm nay có một người đang hát ? Giấc ngủ em cách chỗ tôi ngồi hàng trăm cây số, biết đâu trong cơn mơ đêm nay em đang lần theo tiếng hát dọ dẫm trở về làng, ngồi lặng lẽ trước hiên nhà tuổi nhỏ, nghe tiếng tơ xưa mà tưởng tiếc xuân thì. Tôi làm người tình lỡ, chẳng có gì trao em, ngoài lòng tôi lửa ấm:
Anh biết lấy gì chở che cho em
Ngoài tình yêu lẻ loi
Cháy lặng thầm trong ngực
Như bếp lửa mùa đông
Để những khi thất vọng lúc yêu ai
Em có chỗ để tạt về sưởi ấm
Tình tôi bếp lửa, em mấy bận nương nhờ. Bờ vai tôi em khóc vùi mấy bận, cho tôi nghe thác đổ trong lòng. Qua cơn quẫn bách, em lại lìa xa tôi. Tôi chẳng giận em, chỉ lo em đời đời sa sẩy. Tôi mong cuộc đời em toàn lá biếc hoa hồng:
Anh biết lấy gì làm dịu nỗi đau trong lòng em
Ngoài những bài thơ nhỏ đầy nắng và cỏ hoa
Đêm đêm anh thức viết
Để mong xua được mùa đông
Ra khỏi trái tim em
Cùng với những âu lo và phiền muộn
Để mai đây trên con đường dài dẫu nhiều trắc trở
Em chỉ gặp toàn niềm vui
Và những chàng trai thật thà và tốt bụng
Yêu em
Chỉ cần bằng một nửa anh thôi...
Có phải đây là bản tình ca cuối cùng tôi viết cho Hà Lan không mà sao khi tôi hát xong sợi đàn bỗng đứt, mười đầu ngón tay tôi buốt tựa kim châm.
Tôi đưa tay lên ôm đầu và ngạc nhiên thấy mồ hôi ra ướt từng chân tóc, mặc dầu ngoài trời đã lạnh lắm sương khuya.
Trà Long đứng đằng sau lưng tôi tự hồi nào. Khi tôi buông đàn, nó khẽ đặt tay lên vai tôi bồi hồi không nói. Lâu thật lâu, nó mới hỏi, ngậm ngùi:
- Có phải chú hát về mẹ cháu ?
Câu hỏi kề bên mà nghe như ảo ảnh, như có như không. Tôi đáp và nghe tiếng lòng mình từ xa xăm vọng lại:
- Bản nhạc nào chú cũng hát về mẹ cháu.
Lúc đó, trăng tan.
*****
Mẹ tôi càng ngày càng buồn phiền. Thấy tôi chẳng tưởng gì đến chuyện vợ con, mẹ nhắc nhở năm lần bảy lượt, tôi vẫn trơ trơ. Lúc trước, hồi tôi mới về làng dạy học, mẹ mừng lắm. Mẹ vui khi tôi ở cạnh mẹ. Bây giờ mẹ lại muốn tôi ra thành phố. Mẹ than vãn: "Con gái Đo Đo chưa kịp lớn đã rời làng đi biệt, thằng Ngạn dại dột quay về đây, chắc lủi thủi suốt đời!". Thấy mẹ lo âu, ca cẩm, tôi thương mẹ, cũng muốn lập gia đình. Nhưng mối tình đau khiến tôi mệt mỏi, tuổi mới ngoài ba mươi mà lòng đã then cài.
Mẹ tôi lo. Nhưng có người còn lo cho tôi hơn mẹ. Đó là mẹ Hà Lan. Bà chẳng hề nhắc nhở tôi chuyện vợ con nhưng ánh mắt xót xa của bà mỗi lần nhìn tôi đã nói lên tất cả, những muộn phiền pha lẫn buồn thương. Bà đã nhận ra tình cảm sâu nặng của tôi đối với Hà Lan ngay từ khi chúng tôi còn nhỏ, dẫu bấy giờ tôi và Hà Lan chỉ là đôi bạn thơ ngây. Và hơn hai mươi năm qua, không hề bước chân ra khỏi làng, bằng nỗi mong ngóng và lo âu khôn nguôi của người mẹ, bà vẫn âm thầm theo dõi cuộc hành trình của hai số phận không may. Hà Lan cuộc đời dang dở, bà bạc nửa đầu. Đời tôi dang dở vì Hà Lan, tóc bà trắng hết phần còn lại. Tuổi già chưa kịp chạm tay, bà đã sầu héo vội vàng. Thấy bà thương tôi mà tôi ứa nước mắt.
Có phải vì thấy thời gian cứ lầm lũi trôi mà tình tôi rong rêu níu giữ nên hôm Hà Lan về làng mới đây, bà đã nói chuyện với Hà Lan suốt một đêm đèn chong bên vách liếp. Lúc chập tối, tôi tình cờ bước vào và ngạc nhiên thấy hai mẹ con lập tức nín thinh. Mẹ Hà Lan lặng lè đưa tay vặn bấc ngọn đèn dầu. Còn Hà Lan giật mình ngó ra và tôi bàng hoàng khi nhìn thấy những giọt lệ long lanh trên mắt nó. Đôi mắt Hà Lan đêm nay sao u uẩn lạ lùng. Lần đầu tiên đôi mắt đó nhìn tôi thăm thẳm, dạt dào, như chứa cả một trời tâm sự. Tôi như bị điện giật, tim thót lại và ấp úng cáo lui.
Ra khỏi nhà, chân tôi còn lảo đảo. Mặt mày nóng ran, lòng tôi bỗng chốc sóng cồn. Hà Lan, tại sao em nhìn tôi xốn xang như muốn nói điều gì ? Có phải ánh trăng xưa gọi em về lại, con đường làng năm nào hai đứa cùng đi ? Hay em lo tôi thương hoài ngàn năm, lấy em chẳng đặng, tôi chẳng lấy ai, lòng trơ như đá núi ? Tôi bồi hồi suốt đêm không ngủ được, cứ trằn trọc trên giường chờ sáng mai ra.
Sáng mai ra, Hà Lan về thành phố. Tôi thấp thỏm đến chơi, mẹ Hà Lan chẳng thấy nói gì. Suốt ngày hôm đó tôi ở chơi bên bà, bà vẫn lặng thinh. Mặt bà rầu rầu, đôi khi tôi liếc thấy.
Thái độ của mẹ Hà Lan làm tôi thêm thắc mắc và hồi hộp. Chuyện đêm qua hẳn là trọng đại, ánh mắt Hà Lan cứ ám ảnh tôi hoài. Đến tối, không chịu đựng nổi cảm giác nặng nề trong ngực, tôi nín thở hỏi:
- Bác ơi, chuyện gì...
Đang nói, tôi cảm thấy lúng túng và im bặt. Tôi thấy câu hỏi của tôi kỳ cục làm sao. Nhưng mẹ Hà Lan đã đọc được trong mắt tôi những gì tôi muốn nói. Bà dịu dàng nhìn tôi, giọng trầm buồn:
- Mọi việc đã xong, cháu ạ.
Tôi ngớ người ra, không hiểu mẹ Hà Lan định nói gì. Câu trả lời của bà sao mà mờ mịt.
- Xong chuyện gì kia bác? - Tôi rụt rè hỏi.
Mẹ Hà Lan không nhìn tôi nữa. Bà nhìn ngọn đèn, nói như nói với ánh lửa hắt hiu:
- Bác thương cháu. Bác thương Hà Lan. Đời đứa nào cũng khổ, bác muốn hai đứa sống với nhau. Đêm qua bác đã nói chuyện với Hà Lan.
Tôi nghe lồng ngực mình như sắp vỡ tung. Tôi phải cắn chặt môi, không dám thở mạnh. Tôi phải cắn chặt môi, không dám thở mạnh. Tiếng mẹ Hà Lan vẫn đều đều, càng về cuối càng nhẹ như gió thoảng:
- Hà Lan cũng muốn lập gia đình, nó đã lớn tuổi rồi. Nhưng nó nhất định... không lấy cháu. Cháu đã đối xử với nó quá tốt. Nó bảo vậy.
Trong chốc lát, tôi như lịm người đi. Có phải bên trời, ai mới vừa thổi tắt một vì sao biếc?
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.