Tương truyền trong mộ cổ cất giấu rất nhiều báu vật, có nhiều "vật vô danh", là những báu vật kỳ bí từ xưa không được ghi chép cũng chẳng biết lai lịch, vốn không nên xuất hiện trong nhân gian, một khi đã lạc vào dân gian, để cho phàm phu tục tử thấy được, sao có thể không nảy sinh lòng tham? Mặc dù không nhất định đầu cơ trục lợi, cũng là muốn nhân cơ hội này mà làm nên danh tiếng. Có thể thấy được hai chữ "Danh Lợi" này thực hại người không nhẹ.
Gương cổ thanh đồng tôi vớt được từ hải nhãn Nam Dương, chính là "Chu thiên quái kính" thế gian hiếm gặp, những tưởng giáo sư Trần sẽ đem gương cổ nộp cho nhà nước lưu trữ, chẳng ngờ cuối cùng lại bị lão giáo sư Tôn "tấm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi" lừa mất, nếu không phải tôi nhặt được cuốn sổ ghi chép công việc của lão ở viện bảo tàng, giờ chắc vẫn để lão che mắt.
Bây giờ ba đứa tôi, Shirley Dương và Tuyền Béo cầm cuốn sổ ghi chép tới cửa hưng sư vấn tội, giáo sư Tôn bị tôi nắm thóp, cứ năn nỉ chúng tôi đừng đem việc lão "bí mật nghiên cứu văn vật tại nhà" tố giác ra ngoài, đây không phải chuyện đùa, lão đã đắc tội không ít người, chẳng may bị lãnh đạo cấp trên hay đồng nghiệp nào đó biết được, chắc chắn sẽ mang tội nghiêm trọng thân bại danh liệt.
Mặc dù tôi điên tiết lão giấu riêng tấm gương cổ thanh đồng, nhưng cũng không nỡ bóc trần hại lão bẽ mặt, biết có chừng mực, bèn nói với giáo sư Tôn: "Ông đã biết hối lỗi, giờ chỉ cần nói cho chúng tôi biết phải làm thế nào, chúng tôi có chủ trương bỏ qua chuyện cũ, sau này sẽ coi như không biết chuyện này."
Tôi và Tuyền béo nói ra điều kiện. Trước tiên bắt giáo sư Tôn viết cam kết, bây giờ mặc dù cái trò "Qua cầu rút ván" không còn thịnh hành, nhưng ít nhiều gì thì giấy tờ chứng minh vẫn là cần thiết, nhỡ đâu lão già này mai kia lật lọng, thì lôi giấy trắng mực đen kèm dấu tay này ra là có thể giao lão cho cơ quan chức năng xử lý, nội dung hoàn toàn theo ý tôi, tôi đọc đến đâu lão viết đến đó, mang tiếng là "Cam kết", phải nói là "Khẩu cung" mới đúng.
Sau này còn phải mang cổ kính cổ phù Châu về Hợp Phố, đưa hết cho giáo sư Trần, nói thế nào đi nữa, những báu vật này cũng không đến lượt giáo sư Tôn, nhưng chuyện đó phải để sau, bây giờ chung tôi phải mượn những vật này dùng tạm đã, phải để cho giáo sư Tôn đưa chúng tôi đi kiếm "Đan đỉnh thiên thư" trong "Mộ cổ thôn Địa Tiên".
Vị địa tiên thời minh tinh thông yêu thuật "Quan sơn chỉ mê" kia mặc dù giấu kín phần mộ của mình, nhưng vẫn theo cổ pháp "vấn" của dân trộm mộ. Sử dụng hải khí ngưng tụ không tan trong Thanh đồng quái kính, lại có vài phần cơ hội chiêm nghiệm ra động tĩnh phong thủy của "thôn Địa Tiên", sau đó đám "Mô Kim Hiệu Úy" chúng tôi liền có thể vào đổ đấu, lấy thi đan nghìn năm về, còn chuyện trong "Mộ cổ thôn Địa Tiên" có "Thi đan" không được chép lại trong sử sách, tạm thời cũng không thể biết chắc được, nhưng nếu ta đã biết được manh mối này, để cứu được tính mạng Đa Linh thì không thể làm như không thấy.
Giáo sư Tôn nghe đến yêu cầu này, cứ lắc đầu quầy quậy, nói việc này so với lên trời còn khó hơn, "nến mỡ người, gương cổ thanh đồng" hôm nay đều có ở đây cả, cây nến mỡ người kia được chúng tôi vớt từ hải nhãn về, có điều cũng không phải thực sự là nến làm từ mỡ người, mà lấy mỡ hắc lân giao nhân của Nam Hải chế thành, có thể sáng mãi không tàn, gió thổi không tắt, đến giờ vẫn còn có thể dùng được.
Quẻ phù thanh đồng cũng có một rồng một cá, hai mảnh phù cổ có thể diễn ra nửa quẻ, nhưng cũng không biết hai mảnh này có huyền cơ gì, không giải được ẩn ý không có mắt trên mảnh phù, căn bản không biết dùng làm sao, mà quan trọng nhất là không có thời gian, gương cổ bảo tồn không được bao lâu.
Shirley Dương từ lúc đến nhà giáo sư Tôn, vẫn chưa lên tiếng, nghe vậy thấy kỳ quái, nhịn không được bèn hỏi: "Sao lại nói như vậy? Sao lại bảo gương cổ không còn nhiều thời gian?"
Tôi cũng vỗ vỗ vai giáo sư Tôn, cảnh cáo lão: "Đừng có tưởng ông là Ông Chín, bọn chúng tôi đây đối với khảo cổ học cũng không phải gà mờ, ông mà còn ăn nói lung tung, đừng trách bọn tôi không chừa cho Ông Chín chút mặt mũi."
Giáo sư Tôn đáp: "Cái gì mà Ông với cả Chín, thế mà cũng nói được, trước đây tôi từng bị kích thích, nghe những lời này ngực đã khó chịu rồi, hơn nữa chuyện tới nước này, tôi còn gạt các anh làm gì? Các anh tự xem đi, mặt gương cổ thanh đồng này dùng Quy Khư Long Hỏa chế tạo, không giữ được bao lâu đâu." - Vừa nói vừa giơ mặt gương ra cho chúng tôi xem.
Xi ở mặt trái tấm gương đều đã bị hủy đi, cổ văn sặc sỡ hiện ra trước mắt, tôi, Shirley Dương và Tuyền Béo vẫn canh cánh trong lòng, nghĩ chiếc gương này là "Tần Vương Chiếu Cốt Kính", thấy mặt sau gương, bèn tránh đi theo bản năng không để gương chiếu vào mình, nhiễm phải âm hối thi khí của Nam Hải cương thi.
Nhưng xem ra mặt sau tấm gương cũng không có dị trạng gì, mới nhớ ra đây là Thanh đồng quái kính, không liên quan gì đến "Tần vương chiếu cốt kính" trấn thi ngàn năm, tiến tới nhìn kỹ, mới hiểu được ý tứ của giáo sư Tôn.
Thì ra điểm đặc biệt nhất của gương cổ Quy Khư, chính là được luyện từ ngọn lửa âm hỏa thuần chất, hải khí trong hải nhãn Nam Hải mịt mùng dày đặc, vạn năm không tiêu tan, có thể làm nên sắc đồng như phỉ thúy, nhưng tấm gương này lưu lạc thế gian mấy nghìn năm, trước khi chìm vào đáy biển nó rơi vào tay một "nhà sưu tầm", nói đúng hơn là một kẻ "buôn lậu đồ cổ", căn bản không biết làm sao để lưu giữ món đồ cổ quý hiếm này, có lẽ là lo hải khí trong gương đồng tan hết, mới đi lấy xi che kín mặt sau tấm gương, không ngờ lại chữa lợn lành thành lợn què, xi với thanh đồng sinh ra phản ứng hóa học, mặt sau gương đồng cơ hồ bị ăn mòn hết cả, bây giờ sinh khí của tấm gương cổ chỉ còn lại lơ thơ như tơ nhện. Sắc đồng đều đã thay đổi, ước chừng chẳng bao lâu nữa, quái kính sẽ mất đi hết đồng tính, trở thành một món đồ thanh đồng tầm thường.
Tôi biết giáo sư Tôn không nói dối, có điều thấy những dự tính của việc tìm kiếm "Mộ cổ Địa Tiên" thất bại, không khỏi có chút thất vọng, đang muốn hỏi lại xem có cách nào khác hay không, thì Tuyền Béo lại nói: "Sáng dậy sớm đến giờ, mới ăn có hai cái bánh ránh, qua giờ cơm đến nơi rồi. Bao tử lên tiếng rồi. Tôn lão cửu khỏi phải nhiều lời, mau đưa tiền đây, chúng ta khởi binh đến Chính Dương Cư đánh chén cái đã."
Giáo sư Tôn nào dám không theo. Cũng may vừa mới ôm về một đống tiền lương tiền thưởng, lại còn có kiếm thêm tiền phụ cấp lên lớp, tất tật chưa động đến tí nào, đưa chúng tôi đến "Chính Dương Cư" nổi tiếng lẫy lừng, nhà hàng quốc doanh này chuyên nấu các món Mãn Hán, tôi với Tuyền Béo hâm mộ đã lâu, nghĩ thầm đây đều là giáo sư Tôn nợ chúng tôi cả, không ăn thì thôi, đã ăn thì tự nhiên không chút khách khí, nhưng vừa hỏi mới biết được. Thì ra muốn Mãn Hán đủ món thì phải đặt từ sớm, đành phải ăn mấy món Âu, bày ra đầy một bàn lớn.
Trên mặt giáo sư Tôn bày ra một nụ cười cứng ngắc, chẳng biết là lão xót tiền, hay là lo "bí mật bị bại lộ", nói chung là vẻ mặt lão vô cùng gượng gạo, lão rót cho Tuyền béo một chén đầy trước tiên, cười theo nói: "Mời.... Mời...."
Tuyền Béo hết sức hài lòng, nâng chén rượu lên "Ực" một cái uống hết rượu Mao Đài trong chén, toét miệng cười nói: "Giáo sư Tôn này, đừng tưởng ông là Ông Chín, biết nhiều chữ hơi ông Béo đây, nhưng ông Béo đây vừa nhìn đã biết ông là loại không biết uống rượu, thấy chưa? Tôi vừa uống kiểu hổ mẫn, kiến thức rộng thế có biết không? Mau mau rót đầy cho tôi, để ông Béo đây biểu diễn cho xem chiêu sở trường "thôn tính"."
Tôi phỏng chừng lúc này giáo sư Tôn bị Tuyền Béo "thôn tính" luôn cả tim rồi, nhưng lão bị người ta nắm thóp, biết làm gì hơn ngoài nén giận rót rượu gắp rau cho Tuyền Béo, tôi nhìn mà không khỏi buồn cười, thầm nghĩ thế này mới hả dạ chứ, đang định chọc lão một tí thì lại thấy Shirley Dương ở bên cạnh chau mày nhìn tôi, trong ánh mắt có ý hờn giận, rõ ràng cho là hành động của tôi và Tuyền Béo có phần quá đáng, lão giáo sư Tôn này dù không phải đức cao vọng trọng gì, nhưng dù sao cũng mang tiếng học giả, đã xin lỗi và chuộc tội rồi, sao còn đối xử với lão như vậy?
Tôi cũng mặc kệ, nghĩ thầm: "Thằng cha giáo sư Tôn này đáng ghét quá, nếu không hành cho lão mấy trận, sau này làm sao lão rút ra bài học được, không đánh cho lên bờ xuống ruộng là may cho lão rồi.", Shirley Dương cảm thấy ý tứ không nhường nhịn của tôi, không biết làm gì hơn đành cắm đầu ăn uống, không cười đùa với Tuyền Béo.
Bây giờ giáo sư Tôn mới rót cho Shirley Dương một chén rượu, than thở: "Nghĩ sai thì hỏng hết, tôi đúng là đã nghĩ sai mà hỏng hết rồi, xin cô Dương sau này trở về, ngàn vạn lần đừng nói với ông Trần chuyện này, bằng không đời này tôi chẳng còn mặt mũi nào gặp ông ấy nữa."
Shirley Dương an ủi lão: "Ngài yên tâm đi, tôi đã thề sẽ không hé răng nửa lời, cũng không để cho hai anh đây nói ra, chỉ cần ngài tận tay trao trả gương cổ cho giáo sư Trần là được."
Giáo sư Tôn cũng chỉ chờ những lời này của cô, như nhận được ân xá, vui vẻ nói: "Vậy thì được, vậy thì được rồi..."
Tôi ngồi bên cạnh nghe, ngẩng đầu liền thấy hai mắt giáo sư Tôn lóe lên, ngoài ánh sáng mừng rỡ khi thoát được kiếp nạn, còn ẩn chứa một tia thần sắc rất vi diệu, dù chỉ thoáng qua thôi, nhưng không tránh khỏi con mắt của tôi, lòng tôi chợt lóe, liền buông đũa xuống, nói chen vào: "Không được, gương cổ thanh đồng và sổ nghiên cứu Đại Minh Quan Sơn Thái Bảo, cùng với tờ giấy cam kết, cũng phải đưa tôi giữ trước, tôi phải nghiên cứu một phen xem còn cách nào khác để tìm đến mộ cổ Địa Tiên hay không, đây là chuyện liên quan đến mạng người, không giao cho người khác được."
Nụ cười trên mặt giáo sư Tôn cứng đờ, nhìn tôi một cái, rồi lại nhìn Shirley Dương, xem biểu hiện của lão, dường như đang hỏi: "Hai vị, một người bảo trả, một người bảo không trả, tóm lại ai ra quyết định đây?"
Tôi không thèm để ý đến giáo sư Tôn nữa, quay sang cạn một ly với Tuyền Béo, lai rai nói vài câu chuyện, Shirley Dương thấy vậy, không biết làm gì hơn đành phải nhún vai với giáo sư Tôn, nói một tiếng: "Sorry."
Giáo sư Tôn thế mới biết Shirey Dương thì ra cũng không quyết định được, bèn lại tới mời tôi rượu, năn nỉ nói: "Đồng chí Nhất ạ, anh vuốt mặt cũng phải nể mũi chứ, dạo trước ở Thiểm Tây, các anh tìm tôi hỏi han rất nhiều chuyện quan trọng, lúc ấy tôi biết gì nói nấy không giấu diếm gì, ít nhiều cũng coi như đã giúp đỡ các anh đôi chút, để tôi tự tay đưa trả gương đồng cho ông Trần đi thôi."
Tôi cũng rất là chân thành nói với giáo sư Tôn: "Ông Chín Tôn ạ, nếu không phải ông từng giúp đỡ tôi ở Thiểm Tây, thì giờ tuyệt đối không bỏ qua cho ông, ông giữ riêng món quốc bảo chúng tôi vớt về, có biết đấy là thứ phải đánh đổi bằng mạng người hay không? Việc này tôi có thể không truy cứu nữa, nhưng tôi không hay nói chơi, tôi thực sự có ý định dùng mấy thứ này đi Tứ Xuyên tìm mộ cổ thôn Địa Tiên, trước lúc ấy, dù thế nào đi nữa cũng không thể giao lại cho ông, có điều nếu ông không yên tâm, cũng có thể lựa chọn hợp tác cùng chúng tôi, chỉ cần ông đồng ý góp sức, giúp tôi tìm được vị trí viện bảo tàng mộ cổ này, các quẻ đồ chu thiên cất giấu bên trong, ông cứ việc cầm đi nghiên cứu, đến lúc đó danh tiếng trong giới học thuật ngoài ông ra còn ai vào đây."
Giáo sư Tôn nghe xong thì trầm mặc một lát, lấy chai rượu tu ừng ực mấy hớp, không lâu sau, bắt đầu chuếnh choáng, mắt đỏ tía tai, lão nhìn tôi chằm chằm rồi thấp giọng nói: "Hồ Bát Nhất, cái thằng nhãi nhà anh đang ép tôi dẫn các anh đi trộm mộ à!"
Tôi cười nói: "Ông Chín Tôn rốt cuộc cũng thông suốt rồi, có điều ngài không nhìn ra được à? Chúng tôi cũng toàn những người thành thật, chỉ muốn đi khảo sát thực địa một chút xem mộ cổ Địa Tiên trong truyền thuyết là thật hay giả, với lại ông vụng trộm nghiên cứu thủ đoạn trộm mộ dân gian, chẳng nhẽ không có ý nghĩ lệch lạc bao giờ ư?"
Giáo sư Tôn khổ sở đáp: "Thôn Địa Tiên do dân trộm mộ Quan Sơn Thái Bảo thời Minh lập nên, giấu ở sâu trong núi, tôi nghiên cứu bí thuật trộm mộ dân gian, động cơ cũng như các anh thôi, chỉ là muốn tìm được phương pháp chứng thực sự tồn tại của nó, chứ cũng không nghĩ tới việc đi trộm mộ."
Tôi đinh ninh "rượu vào lời ra", thừa dịp giáo sư Tôn uống nhiều rồi, tôi phải mau hỏi lão cho rõ ngọn ngành, bèn hỏi hắn những truyền thuyết "Quan Sơn Thái Bảo, mộ phần phong vương, thôn Địa Tiên, đan đỉnh dị khí, cơ quan mai phục" có tin được hay không?
Giáo sư Tôn nói, năm đó giặc cỏ càn quét Tứ Xuyên, hơn mười vạn người cũng không đào được nói lên, bây giờ căn bản không còn ai tin rằng "thôn Địa Tiên" tồn tại, tốn bao nhiêu công sức sưu tầm tư liệu, càng ngày càng nhiều chứng cớ chứng tỏ Tứ Xuyên quả thật có "mộ Địa Tiên", trong mộ chôn giấu rất nhiều quan tài minh khí các triều đại, nhưng việc này không được người ta ủng hộ, một vị nhân sĩ có máu mặt còn chỉ trích rằng... cái thuật dân gian này không thể tin được, là do "kiến thức hạn hẹp, mê tín, si tâm vọng tưởng" mà sinh ra những suy luận kỳ quái, đơn giản là ấu trĩ tưởng tượng đến những thứ không thể hình dung, ai tưởng thật người đó chắc chắn có bệnh tâm thần.
Chúng tôi thấy lời nói này đúng là mỉa mai, không ngờ giáo sư Tôn lại bị chụp mũ nặng nề như vậy, không khỏi cảm thấy ấm ức thay lão, trước giờ cái suy nghĩ "Không thấy bảo không có" là một loại tâm lý chung rất phổ biến, kiên trì bảo thủ những tư tưởng và lý luận khoa học cũ, tất nhiên sẽ thiếu dũng khí đối mặt với những sự vật hiện tượng mới lạ, trong lòng tôi nảy sinh đồng cảm, lại chuốc thêm cho lão vài chén, cuộc đời sao có thể như ý mình, ít ra còn có thể mượn rượu giải sầu.
Không ngờ giáo sư Tôn tửu lượng kém quá, vừa mới nhấp vài hớp rượu, lại đang có tâm trạng, thế mà say mụ mị cả người, Tuyền Béo đành phải nửa dìu nửa kéo lão, dẫn ra ngoài nôn mửa, tôi nhìn bóng lưng lão lảo đảo bước đi mà khẽ thở dài, nói với Shirley Dương: "Giáo sư Tôn là một kẻ có tài nhưng không gặp thời, hơn nửa đời này của lão có lẽ sống cũng khó chịu ức chế lắm..."
Shirley Dương chợt nhớ tới một chuyện, rót cho tôi một chén rượu hỏi: "Được rồi, sao các anh lại gọi giáo sư Tôn là "Ông Chín"? Ông ấy đứng hàng thứ chín sao?"
Tôi nói không phải, lão xếp thứ mấy tôi đâu có biết, thực ra "cửu gia" là một cách xưng hô hài hước, vì khoảng thời gian mười năm lao động văn hóa đầy biến động kia, chúng tôi gọi phần tử trí thức là "Lão chín thối", đây là gọi theo các giai cấp "quan, lại, sư, đạo(đạo sĩ),y(thầy thuốc),công(công nhân),săn(thợ săn),dân(nhân dân),nho(trí thức),cái(ăn xin)" mà thành, bởi trí thức đứng hàng thứ chín, hay bởi có vị vĩ nhân nào đó, đã từng đứng trước mọi người mà trích dẫn câu thoại "Ông Chín không thể đi!" trong vở "Dùng trí dọa hổ", ý tứ của người ta là không thể đánh đuổi phần tử trí thức, cho nên lúc đó cái kiểu nói "Ông Chín" này mới trở nên phổ biến, có điều những quan niệm ấy sớm đã bị thời đại đào thải, tôi với Tuyền Béo gọi giáo sư Tôn là "Ông Chính" chẳng qua cũng chỉ muốn trêu lão một chút mà thôi.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]