🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Tôi thấy thần sắc Minh Thúc thoắt trở nên kỳ dị, xem chừng không phải vờ vịt, bèn châm cho một điếu thuốc, khuyên lão chớ nên căng thẳng, cứ kể hết sự việc ở Nam Hải ra xem sao. Đang lúc như vậy thì Răng Vàng làm một bát mì bưng lên cho lão. Mùi thơm từ xa xộc vào tận mũi tôi và Tuyền béo. Bọn tôi đều biết thằng cha Răng Vàng này không chỉ khéo tay, mà còn rất hiểu đạo mỹ thực, ăn gì uống gì đều hết sức coi trọng, nhưng không ngờ một bát mì mà hắn cũng nấu ra hấp dẫn như vậy được.

Trong nhà tôi chỉ còn hai quả trứng gà với mấy cọng hành hẹ, sắc trời đã tối, ra phố chắc chẳng mua được gì, Răng Vàng phải sang bên thím Lưu hàng xóm vay tạm ít mì sợi, nấu vội cho Minh Thúc bát mì trứng. Chỉ nghe hắn ta bảo: “Các anh em ạ, chúng ta đều là người có thân phận cả, tuy bảo là chỉ ăn cho qua bữa, nhưng dù ăn qua bữa cũng không thể tùy tiện, lại có cả vị khách như bác Minh đây, càng không thể bừa bãi úi xùi được.”

Minh Thúc đã đói ngấu, vừa trông thấy có thức ăn bưng lên liền chẳng nói năng gì được nữa. Tôi thấy vậy cũng hết cách, đành tự nhủ thôi có gì đợi lão ta ăn xong rồi nói chuyện vậy. Răng Vàng đặt bát mì nóng hổi bốc hơi nghi ngút trước mặt Minh Thúc, nước dùng nổi mấy cọng hành xanh, trên đám sợi mì có hai cái lòng đỏ trứng gà, giảng giải: “Bát mì này tên gọi thanh nhã lắm đấy, trứng gà màu vàng, hành lá màu xanh, thế nên có thể gọi là ‘hai cái oanh vàng kêu liễu biếc’[7], sợi mì bên dưới lại càng không phải tầm thường, ăn một miếng không cắn đứt ấy là ‘ngân tu đảo quải’, cắn đứt rồi thì chính là ‘tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây’[8], bác đừng để ý nguyên liệu đơn giản, trứng bị vỡ mất với lại hành hẹ cũng không tươi cho lắm, hay là hay ở cái ý cảnh ấy. Từ xưa đến nay có bao nhiêu văn nhân mặc khách vào nhà hàng lớn, đều không gọi món gì khác mà chỉ gọi đúng món này, thật chẳng vì cái gì khác, mà chính là vì hai cái lòng đỏ trứng gà này đấy. Để làm gì chứ? Chẳng phải chính là để học theo cái sự phong nhã đó hay sao?”

Tôi và Tuyền béo trợn ngược cả mắt lên, Răng Vàng quả không hổ là tay gian thương mồm mép tép nhảy, mớ đồ đồng nát qua miệng hắn cũng biến thành báu vật khảm vàng nạm ngọc. Tuyền béo nói với cả bọn: “Tôi thấy chúng ta sang Mỹ đến nơi rồi, còn đổ đấu mò minh khí làm quái gì nữa, có tài này của anh Răng Vàng đây, cùng nhau hợp tác mở nhà hàng có phải phát tài to không, không chừng đến tổng thống Mỹ cũng lết mông chạy đến phố người Hoa để ăn hai cái lòng đỏ trứng gà này của ông anh ấy chứ. Đừng nói tổng thống Mỹ chưa được xơi, đến con sâu ăn trong bụng tôi cũng bị ông anh khua ngóc cả đầu dậy rồi đây này, trong nồi còn không, cho tôi một bát...”

Trong nồi mì đã bị khoắng sạch, còn lại độc nửa nồi nước suông, Răng Vàng rót ra ba bát nữa, bốn người húp xì xà xì xụp. Minh Thúc ăn xong còn thè lưỡi liếm sạch bóng đáy bát, rồi đột nhiên nói: “Bát mì của chú Răng Vàng ngon quá, dư vị đậm đà, ăn no vẫn thòm thèm... nhưng tôi thấy hai quả trứng gà tròn tròn này, lại sực nhớ đến viên châu chúng ta tìm được ở núi Côn Luân, gọi là cái gì ấy nhỉ?” Tôi thầm nhủ, chuyện Mộc Trần châu đã là quá khứ rồi, giờ nhắc lại phỏng có ý nghĩa gì? Chẳng lẽ liên quan đến vực xoáy San Hô? Nghĩ đoạn, tôi bèn nói với Minh Thúc: “Mộc Trần châu phải không? Thời xa xưa ở Đại Lục gọi nó là mật Phượng hoàng, là bí mật không truyền ra ngoài của hoàng gia, đến cả cuốn cổ thư kinh điển như Kinh Dịch cũng tuyệt nhiên không hề nhắc một chữ ‘phượng’ nào. Tôi nghĩ e không phải thời kỳ Kinh Dịch xuất hiện Trung Quốc vẫn chưa phát minh ra chữ ‘phượng’, mà bởi tất cả những bí mật liên quan đến mật Phượng hoàng, chỉ giai cấp thống trị mới được quyền tiếp xúc. Kỳ thực, viên châu đó chẳng thể khiến người ta trường sinh bất tử được, chỉ là một hiểu lầm của người xưa thôi.”

Minh Thúc nói: “Phải phải, chính là cái viên châu gì gì đó, loại như thế, thực ra ở Nam Hải có đầy. Hồi tôi còn trẻ, mới đầu theo một ông cậu đi chạy tàu, ở Nam Dương đang có đánh nhau, làm ăn khó khăn khỏi phải nói. Có một năm, chúng tôi vận chuyển mấy thứ gạo muối, không ngờ đang lênh đênh trên biển thì gặp phải cá nuốt thuyền.”

Tôi và Tuyền béo hồi nhỏ sống ở Phúc Kiến khá lâu, từng loáng thoáng nghe ngư dân kể chuyện ở ngoài biển xa có cá lớn nuốt thuyền, nhưng chung quy lại vẫn không biết chuyện này tường tận ra sao, bèn bảo Minh Thúc nói cho kỹ hơn. Hỏi ra mới biết, thì ra “cá nuốt thuyền” không phải là để đặc chỉ một loại cá nào, phàm khi gặp thứ cá khổng lồ dưới đáy biển, có thể nhấn chìm thuyền bè, ngư dân không biết tên, đều gọi chúng bằng hai chữ “nuốt thuyền”, có một số người từng gặp phải tai nạn đường biển cũng dùng từ này để hình dung cảnh ngộ của mình trên biển, đúng như trong sách xưa có nhắc: “Trên bờ có hổ cản đường, dưới nước có cá nuốt thuyền.”

Lần ấy, Minh Thúc đúng là gặp phải cá lớn thật, con cá to đến mức chẳng có cách nào hình dung nổi, không thể dùng cân lạng hay thước mét mà chúng ta hay nói để đo đếm cho được. Cá lớn cỡ ấy chỉ có ở vùng biển sâu ngoài khơi xa. Qua cửa Phật Đường ở Hồng Kông, đã là vùng biển sâu nước xiết, Minh Thúc và ông cậu buôn lậu trên biển, ngoài gạo muối ra, trong khoang tàu còn chồng chất hàng cấm. Lần đó tàu vừa mới ra khỏi vùng biển cửa Phật Đường liền gặp luôn chuyện phiền phức.

Đêm hôm đó, trăng sáng như gương, mặt biển trải rộng bao la, gió lặng sóng yên, tàu chạy êm như ru. Đột nhiên, đám thủy thủ phát hiện một cơn sóng khổng lồ cuộn từ đáy biển lên, những người có kinh nghiệm bảo đây là “dõng” chứ không phải sóng, trên biển phải có gió trước rồi mới sinh ra sóng, còn dõng thì không có gió cũng trồi lên, là do nước biển tự bập bềnh xao động mà hình thành.

Những “cơn sóng” như thế mỗi lúc một dày, dưới làn nước biển lộ ra một ngọn núi lớn, chầm chậm chắn ngang trước mũi tàu. Người trên tàu cứ tưởng xảy ra kỳ quan gì đó, nhốn nháo chạy hết lên boong, các thủy thủ đều qua lại vùng biển này nhiều lần nhưng cũng chưa bao giờ chứng kiến dưới biển có quả núi nhô lên, giữa biển cả mênh mông sao lại đột nhiên xuất hiện một quả núi trơ trọi cơ chứ?

Cả bọn đang nghi thần nghi quỷ lầm bầm suy đoán, lại thấy mặt biển dưới ánh trăng biến hóa, chốc lát đã trồi lên thêm mấy quả núi khác. Ông cậu của Minh Thúc nhanh chóng nhận ra chuyện chẳng lành, đó chẳng phải sóng siếc gì, mà rõ ràng là xuất hiện một đàn cá lớn. Đêm nay trăng sáng gió lặng, nhất định là lũ cá dưới đáy biển nổi lên dạo chơi, thứ lồ lộ ra trên mặt biển kia nào phải núi đá hải đảo quái gì, toàn là vây lưng của lũ cá cả. Ông cậu vội nhắc cả bọn ngàn vạn lần chớ lớn tiếng hò hét, mau đưa tàu tránh xa chỗ này, kẻo làm kinh động bọn cá, chúng nó quẫy cho một chặp thì con tàu toi mất.

Lệnh của thuyền trưởng còn chưa kịp truyền xuống, nước biển đã sôi sục cuộn trào, lũ cá nổi lên mặt biển cứ nhắm con tàu lao bổ tới, gặp phải tình huống này thì chỉ còn cách nhanh chóng quay tàu bỏ chạy tháo mạng, khổ nỗi tốc độ con tàu này không đủ nhanh, đã mấy lần bị sóng lớn cuộn lên đánh cho suýt lật nhào. Để giữ mạng sống, thuyền trưởng đành ra lệnh những gì có thể vứt được đều vứt hết, giảm tải cho con tàu dễ tăng tốc.

Cuối cùng đã vứt hết cả hàng hóa, lại ném thêm mười mấy người sống trên tàu xuống nước, con tàu mới may mắn thoát nạn, trở về được cửa Phật Đường. Hàng hóa trên tàu mất sạch, Minh Thúc và ông cậu phải bán cả gia sản đi bồi thường, suýt bị chủ nợ ép phải nhảy xuống biển. Bọn họ chỉ mong mau chóng gỡ gạc lại tổn thất, đành phải mạo hiểm một phen, đến vùng vực xoáy San Hô kia đi mò ngọc.

Dưới đáy vùng biển vực xoáy San Hô là một khu rừng san hô khổng lồ, tương truyền có hải nhãn sâu không đáy, những vùng biển xung quanh đều tiếp giáp với đại dương, sóng to gió lớn, nguy hiểm khó lường, cũng được coi là một trong các nghĩa địa thuyền đắm lớn trên thế giới. Trong rừng san hô có rất nhiều trai lớn ngậm ngọc, mỗi khi trăng tròn, hàng trăm hàng nghìn con trai già dưới biển mở miệng hấp nạp tinh khí của mặt trăng. Có những hạt trân châu đã được hình thành cả trăm năm, hội tụ linh khí trong trời đất, lại mượn thêm ánh lửa của âm hỏa dưới đáy sâu, cả mặt biển lúc ấy rờ rỡ sáng ngời lên dưới ánh trăng và ánh sáng hắt ra từ những viên minh châu.

Vì vùng vực xoáy San Hô giáp với vùng biển sâu, rất nhiều loài cá dữ bị những viên minh châu thu hút đến rồi quanh quẩn mãi ở đó không rời đi. Để tự bảo vệ mình, lũ trai không dễ gì mở miệng hoàn toàn, vì vậy cả một năm, kỳ cảnh minh châu dưới biển hắt ánh trăng chiếu sáng chẳng qua chỉ hiện lên trong vài cái chớp mắt, và đều vào những đêm trăng tròn vằng vặc.

Ngư dân đến vực xoáy San Hô mò ngọc trai có thể giàu lên cực nhanh, nhưng xác suất gặp nguy hiểm cực kỳ lớn, nếu không đến bước cùng đường tuyệt lộ, chẳng ai chịu mạo hiểm với tính mạng của mình như thế cả. Dù có đến vực xoáy San Hô bắt trai mò ngọc, bọn họ cũng chỉ dám hoạt động ở vùng ngoại vi, không ai dám đến gần hải nhãn. Một là vì từ xưa đã có truyền thuyết đồn rằng nơi ấy có ma nước kéo người xuống đáy biển, hai là đáy biển bạt ngàn đá ngầm, thuyền bè đi vào ắt va phải, bất cẩn một chút sẽ thành hiện vật trưng bày trong nghĩa địa tàu bè dưới đáy vực xoáy San Hô ngay. Ngoài như vậy ra, còn có rất nhiều nguyên nhân thần bí chẳng thể nào nói rõ, rối ren phức tạp vô cùng, cả nghìn năm nay vẫn chưa có kết luận chính xác.

Mò ngọc kỳ thực không khác đổ đấu nhiều lắm, cũng là một trong bảy mươi hai ngành nghề truyền thống. Có điều, ở trên biển tuyệt đối không thể nhắc đến chữ “đổ” và các chữ khác tương tự, cũng không thể gọi châu ngọc là “châu”, mà phải trại đi thành “trứng”, vì bao đời nay vẫn tương truyền, những vong linh chết vì đi mò ngọc hay tai nạn trên biển cũng bị tinh khí của những viên minh châu dưới trăng kia thu hút, hễ nghe người sống nhắc đến chữ “châu” là sẽ hiện ra đòi mạng.

Từ xa xưa, những người đi mò ngọc ở vùng vực xoáy San Hô đều tự xưng là “người trứng”, đi làm việc thì gọi là đi “nhặt trứng”, vì vậy Minh Thúc ăn bát mì trứng, nhớ ngay đến chuyện này. Hồi ấy, phương pháp mò ngọc của họ là lấy dây thừng buộc vào thắt lưng, xách theo một cái giỏ tre đựng đầy đá, và một túi da lợn để đổi hơi rồi trầm mình xuống biển, tìm cách dụ cho bọn trai mở miệng, chui cả người hoặc thọc tay vào nhặt viên ngọc ra. Nếu con trai nhỏ thì bỏ luôn vào giỏ tre, lắc dây thừng để người trên thuyền biết mà kéo lên. Những người nhặt trứng trình độ kém cỏi hoặc không may mắn, bị trai kẹp chết hay bất hạnh gặp phải lũ ác ngư nhiều không kể xiết, dây thừng mà đứt thì hầu hết đều không biết đã đi đâu, chỉ còn lại một vệt máu nổi lên trên mặt biển, thi cốt cũng không thể mang về.

Đám người đi mò ngọc ấy, mười người thì có đến tám chín nhận kết cục bi thảm phải chôn thây dưới đáy biển, nếu may mắn không chết mà mang được minh châu về, ắt sẽ phát tài chỉ trong một đêm. Nhưng lòng tham của con người vĩnh viễn không bao giờ thỏa mãn, mò được một viên rồi lại muốn mò viên thứ hai, đi rồi chưa chắc đã sống mà trở về được.

Nói nghề này không dễ, bởi mức nguy hiểm cực kỳ cao, đã vướng vào rồi phải trông chờ rất nhiều ở vận may, căn bản chẳng ai dám đi sâu vào vùng vực xoáy San Hô ấy, chỉ quanh quẩn mò ngọc ở ngoài rìa. Mà có như vậy đi chăng nữa, đám người khổ mệnh ấy cũng vẫn phải cầu Long vương đoái thương mà ban cho vài tiếng đồng hồ thời tiết đẹp, bằng không thì chưa kịp lặn xuống mò minh châu, thuyền đã lật trước rồi.

Chỉ những con sói biển già[9], giàu kinh nghiệm lại quen thuộc vùng biển này mới biết được tuyến đường dong thuyền đến đây. Ông cậu của Minh Thúc hồi trước cũng từng làm dân mò ngọc, sau khi đền hết tiền vốn ở cửa Phật Đường, đành trở lại nghề cũ, chẳng ngờ lần này vừa xuống nước đã bị cá dữ ăn thịt, bốn người cùng đi chẳng ai sống sót trở về. Hồi đó Minh Thúc hẵng còn rất trẻ, sự việc này gây ra cho lão một cú sốc khá trầm trọng, đến giờ vẫn còn hằn sâu trong ký ức như vừa mới xảy ra hôm trước.

Hiện giờ ngọc trai ở rìa vực xoáy San Hô đã bị người ta mò vớt gần cạn sạch, nhưng cũng không ai dám mạo hiểm tiến sát vào khu vực hải nhãn, bởi ai cũng vì mưu sinh, chẳng ai muốn chết cả. Chính vì vậy mà số ngọc trai ở sâu bên trong vực xoáy San Hô đến giờ vẫn chưa ai động tới, chẳng rõ đã tích lũy mấy trăm mấy nghìn năm, tuyệt đối là một kho báu vô tận. Có điều, chớ nghĩ rằng giờ đây khoa học kỹ thuật tiến bộ, trang bị khí tài đều không còn lạc hậu như hồi xưa mà tưởng bở, tiến vào vùng biển địa hình phức tạp ấy mò báu vật vẫn chưa phải là chuyện khả thi lắm đâu.

Nghe Minh Thúc kể xong, tôi và Tuyền béo, Răng Vàng mồm miệng đều khô khốc, chẳng rõ tại nước mì mặn quá hay do thấy tiền thì nổi lòng tham nữa. Ngoài cảm giác ngứa ngáy chân tay muốn động thủ ra, tính hiếu kỳ trong máu cũng được dịp trỗi dậy, Tuyền béo kích động thốt lên: “Cả đống minh châu như thế mà không lấy về được thì phí của. Đi mò được đem về, mới gọi là thế thiên hành đạo, cứ bỏ mặc đó thì đúng là đại nghịch bất đạo. Tuy việc này khá mạo hiểm, nhưng không vào hang cọp sao bắt được cọp con. Lần này mà thành công chẳng phải anh em ta coi như đỡ cả hai chục năm phấn đấu còn gì. Có điều, làm chuyện này chắc chi phí cũng không nhỏ, thôi để ngày mai bảo giáo sư Trần cấp vốn, anh em ta ra biển mò ngọc vậy, vừa khéo có thể học tập tấm gương Lôi Phong, tiện thể giúp ông ấy vớt cái Tần Vương Chiếu Cốt kính kia lên. Vụ làm ăn này mới gọi là tuyệt đỉnh chứ, danh chính ngôn thuận mà lại nửa công nửa tư.”

Răng Vàng cũng nói: “Anh béo nói phải lắm, phàm chuyện gì cũng phải có tiền tài mới bắt tay vào được, cũng như triều đình không có lương thảo, thử hỏi làm sao mộ binh đây? Sang bên Mỹ làm ăn kiểu gì cũng không thể thiếu tiền được, nhưng với thực lực kinh tế của anh em ra bây giờ, quả có phần lực bất tòng tâm, nay vớ được cơ hội tốt thế này, sao không thử nghiên cứu xem có thực thi được không?”

Tôi thầm nhủ, nếu Minh Thúc rành rẽ tình hình hải nhãn ở Nam Hải thì quá tốt rồi, có điều, lão già này nào phải ngọn đèn cạn dầu, nếu lão có cách thâm nhập sâu vào vực xoáy San Hô mò ngọc thì đâu đến lượt chúng tôi biết chứ. Hải nhãn kỳ thực là một cái động sâu không đáy, bao nhiêu nước biển ngày đêm liên tục đổ vào cũng không đầy. Tuy tôi chưa từng thấy bao giờ, nhưng cứ theo tin đồn trong dân gian mà suy đoán, thì nơi này rất giống động quỷ không đáy ở thành cổ Tinh Tuyệt, thật khó tưởng tượng nổi nơi đó rốt cuộc ẩn chứa bí mật động trời gì nữa đây? Vùng biển thần bí khó lường ấy tuyệt đối không dễ dàng mà đến được, vạn nhất có gì sơ sót, chỉ sợ có đường vào mà lại tuyệt đường ra thôi.

Tôi tự biết rõ, dù là công hay tư, sớm muộn cũng phải đi vực xoáy San Hô này một chuyến, bèn nói với cả bọn: “Người là anh hùng tiền là lá gan, có thú vui thấp kém không phải là cái tội, anh em ta là kẻ làm ăn, kẻ làm ăn đều cầu lợi, hễ có lợi thì chẳng có lý gì mà không đi cả, có điều tôi thấy chuyện không chắc ăn thì tốt nhất cũng chớ nên đụng vào. Hai người với Tuyền béo cậu cứ bình tĩnh đã, đợi tôi đi tìm Shirley Dương bàn chuyện, ông tổ nhà cô ta là Ban Sơn đạo nhân, cũng có một thời gian dài làm ăn ở mạn duyên hải Triết Giang, sở trường dị thuật Ban Sơn Trấn Hải độc môn, nếu có kỳ thuật này hỗ trợ, chúng ta đi Nam Hải mò ngọc cũng dễ như lấy đồ trong túi hay lật tay đóng cửa vậy thôi, không phải tốn chút sức lực nào hết.”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.