Chương trước
Chương sau
Chúng tôi đang tán gẫu thì xe dừng bánh, ông lái buôn trà vội vàng nhắc chúng tôi xuống xe, bảo rằng muốn đi núi Già Long thì xuống xe chỗ này là gần nhất. Ba chúng tôi xuống xe cùng ông ta, ngoài ra còn có hai phụ nữ người địa phương nữa, một người trạc ngoài ba mươi tuổi, lưng cõng đứa con, người kia chừng mười sáu mười bảy, cả hai đều trùm khăn trên đầu, mặc váy thêu hoa. Trang phục của họ đều nền trắng, dân ở đây tôn sùng màu trắng, có lẽ cùng là người Bạch cả. Tuy nhiên, những người dân tộc thiểu số này cũng chẳng ăn mặc sặc sỡ suốt ngày như chúng ta tưởng tượng, nếu không phải lễ tết thì họ không ăn vận trang trọng, vả lại, vùng này có rất nhiều dân tộc, nhiều khi cũng không dễ gì phân biệt được.

Tôi vốn chẳng muốn đi cùng những người này, nhưng ông lái buôn trà nhiệt tình nói, đi ở vùng dân cư thưa thớt này nên có bạn đồng hành để chăm sóc hỗ trợ nhau, đây là tập tục của địa phương.

Công việc ngày trước của Shirley Dương phải thường xuyên giao tiếp với thổ dân châu Mỹ, cô nàng hiểu rằng, người từ xa đến tốt nhất là hãy tuân thủ tập quán địa phương, nếu không sẽ rất dễ xảy ra xung đột không cần thiết, và thế là chúng tôi đành đi cùng ba người họ.

Nơi đây toàn núi cao thung lũng sâu, vắng tanh không bóng người, rừng núi điệp trùng, rặt là đường núi gồ ghề, quanh co khúc khuỷu. Hóa ra từ chỗ xuống xe đến núi Già Long vẫn còn rất xa, giờ tôi mới thấy mừng thầm, may mà không tách ra khỏi mấy người địa phương này, nếu không thì thật khó mà tìm được đúng đường.

Đi bộ khoảng hơn hai giờ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được chân núi Già Long. Ở đây không có dân cư thôn bản gì hết, cho dù có một số công nhân khai thác đá thì đều ở một nơi khá xa, dưới núi này chỉ có một quán trọ dành cho các lái buôn trà nghỉ ngơi ăn uống. Hai phụ nữ dân tộc Bạch đồng hành với chúng tôi chính là chủ quán trọ Thái Vân này, vừa đi mua sắm trở về. Từ đây đi ra khỏi núi một chuyến thực không dễ gì, vì thế một lần đi họ mua về rất nhiều thứ, khoác đủ các túi to túi nhỏ, lại địu thêm đứa bé nữa. Tôi và Tuyền béo học tập Lôi Phong 1, vai đeo vài chục cân thiết bị nhưng vẫn xách giúp mấy túi gạo và ớt, khi đi đến nơi đều đau lưng mỏi chân, mình mẩy rã rời.

Cả quán trọ chỉ có sáu người chúng tôi, dân địa phương rất chân chất thật thà, ra khỏi nhà không cần khóa cửa, khách qua đường có thể vào tự nhiên, trong ang có nước, trong nồi có bánh và gạo cứ việc nấu nướng ăn no ngủ kỹ đến sáng mai dậy, trước khi đi, đặt tiền vào hũ gạo. Lệ đó đã trở thành một quy tắc ước định, chưa từng có ai ăn uống xong mà không trả tiền.

Chị phụ nữ người Bạch cõng đứa con nhỏ là chủ quán trọ Thái Vân - một góa phụ trẻ tuổi. Cô gái tầm mười sáu mười bảy kia là em chồng, người Hán, tên tục là Khổng Tước, có đôi mắt to, rất linh lợi đáng mến, cô mặc quần áo người dân tộc trông xinh hơn hẳn các cô gái địa phương. Ở chân núi Già Long này chỉ có nhà họ là nơi có thể dừng chân ăn ngủ. Cách nhà họ về phía Nam đi chừng một ngày đường là nơi trồng thứ trà hương gọi là Vụ đỉnh kim tuyến. Các lái buôn thường đến đó để thu mua lá trà, mỗi lần đi qua, đều phải vào quán trọ Thái Vân này nghỉ ngơi.

Bà chủ quán rất cảm kích vì được chúng tôi xách giúp hành lý, vừa bước vào nhà đã bảo Khổng Tước nhóm lửa thổi cơm mời. Lát sau Khổng Tước bưng trà ra, Tuyền béo đón lấy chén trà bưng lên ngửi, tấm tắc khen :" Thơm quá! Là trà gì vậy, cô em? Có phải trà Phổ Nhĩ đặc sản Vân Nam không?"

Khổng Tước trả lời :" Không phải ạ. Đây là trà hương Vụ đỉnh kim tuyến trồng ở núi này, pha bằng nước tuyết tan róc xuống, mỗi lá trà cứ như làm bằng vàng. Anh uống thử xem có ngon không?"

Tuyền béo nói :" Chưa uống và cũng chưa cần xem là ai pha đã biết ngay là trà ngon". Nói rồi cậu ta rút thuốc lá ra mời tôi và ông lái buôn trà. Chúng tôi vừa nhấp trà vừa hút thuốc, chờ bà chủ dọn cơm.

Trước mặt Khổng Tước, Tuyền béo cố phô diễn sự hiểu biết của mình, lại rút ra một bao Hồng Tháp Sơn, nói với ông lái buôn trà :" Ông bác biết không, hút thuốc cũng phải sành điệu, vừa nãy hút Vân Yên, bây giờ chuyển sang Hồng Tháp Sơn, là rất có ý nghĩa đấy. Như thế này, ở Bắc Kinh, thường nói là "Tháp sơn bất đảo vân thường tại" 2

Khổng Tước không hứng thú gì với cái lý luận thuốc lá ấy của Tuyền béo, nhưng rất tò mò về mấy chiếc vợt bắt côn trùng của chúng tôi, bèn hỏi Shirley Dương :" Mọi người đến núi Già Long bắt bướm phải không?"

Shirley Dương không muốn nói dối cô gái, đành để cho Tuyền béo đứng ra giải thích. Tôi lại lo Tuyền béo ba hoa quá trớn, lỡ lời thì lộ tẩy. Mấy cái công tác kích động quần chúng cách mạng kiểu này nên để người có tiềm chất làm chính ủy như tôi đảm đương thì hợp hơn.

Vậy là tôi bảo với Khổng Tước rằng ba chúng tôi đều từ thủ đô đến, công tác tại Viện Bảo tàng Tự nhiên,chuyên đi sưu tầm các loài bướm lạ quý hiếm trên thế giới. Lần này về đây để bắt bướm, sau đó chế thành các tiêu bản đưa về Bắc Kinh triển lãm, để những người nước ngoài đến thăm tổ quốc vĩ đại của chúng ta được mở rộng tầm mắt, cho họ biết bướm Vân Nam là thế nào. Việc này không chỉ để bù lấp những khiếm khuyết trong lĩnh vực nghiên cứu tiêu bản bướm của nước ta, mà còn có thể tăng thêm thu nhập cho nhà nước, nhằm sớm thực hiện mục tiêu bốn hiện đại hóa, sáng tạo nên những thành tựu rực rỡ trên con đường trường chinh mới của thời kỳ cải cách mở cửa ... Xét từ mọi góc độ, công tác của chúng tôi là sự nghiệp vĩ đại có lợi ngàn năm cho nước cho dân, là một công tác nghiên cứu khoa học mũi nhọn có tầm chiến lược rất cao, ý nghĩa hiện thực không kém gì chương trình đổ bộ lên mặt trăng của nhân loại.

Nào ngờ bài diễn thuyết không chỉ khiến cho Khổng Tước rất cảm động, mà ngay Tuyền béo và ông lái buôn trà cũng phải nghệt ra nghe. Ông lái buôn trà hỏi :" Thì ra mua vào bán ra vẫn chẳng đâu vào đâu... Anh Nhất này, ý tôi nói là bươm bướm mà có giá trị như thế kia à? Thế thì tôi chẳng đi buôn trà nữa, tôi theo các vị đi bắt bướm được không?"

Shirley Dương đeo kính râm ngồi bên, nghe tôi lòe Khổng Tước như thế,không nhịn được nữa bèn bật cười, trông điệu bộ cô nàng cũng thật là có nét như nữ đặc vụ Quốc dân Đảng, hình như cô nàng đang cười nhạo tôi và chờ xem tôi kết thúc ra sao cho êm đẹp.

Tôi thầm nghĩ thế này thì dở rồi, mình trót ba hoa quá trớn, bèn vội trả lời ông lái buôn trà :" Đã làm công tác cách mạng thì không phân biệt cao thấp sang hèn, mà chỉ là do cách mạng phân công khác nhau, buôn trà cũng thế, bắt bướm cũng vậy, đều là góp thêm những viên gạch viên ngói để xây dựng bốn hiện đại hóa, thiếu vắng ai cũng không được. Mỗi chúng ta đều là một chiếc đinh vít của chủ nghĩa xã hội, nếu ông anh bỏ nghề buôn trà để đi bắt bướm, thì nhân dân ta cũng không thể chỉ xem bướm mà không uống trà, đúng không? Thực ra người nước ngoài cũng rất khoái uống trà, văn hóa trà có nguồn gốc lâu đời, khắp thế giới đều có vô số người hâm mộ văn hóa trà, người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc là Hoàng Thân Sihanouk rất mê thưởng thức các loại danh trà. Cho nên, buôn trà cũng là một công tác rất quan trọng và rất có ý nghĩa ..."

Đúng lúc này chị dâu của Khổng Tước gọi cô vào giúp dọn cơm, tôi bèn thừa cơ ngừng bặt không nói nữa. Ăn quấy quá cho xong, tôi bước ra ngoài quán trọ giương ống nhòm quan sát địa thế núi Già Long. Đỉnh cao nhất của nó vươn thẳng xuyên mây, hai bên vách núi dựng đứng, nhấp nhô trải dài không biết đâu mới là tận cùng, cũng không thể nhận ra trên đỉnh núi là mây trắng hay là tuyết phủ. Mây mù ở đây dày đặc, có tầng có lớp hẳn hoi, từ sườn núi bắt đầu thấy lác đác sương mỏng và những làn khói xanh, càng lên cao mây càng dày, các đám mây bị núi ngăn chụm lại với nhau, toàn cảnh ngọn núi cao nhất của Già Long trông tựa như một dũng sĩ giáp xanh mũ trắng đứng sừng sững giữa cánh rừng bát ngát.

Dưới chân núi là cánh rừng mênh mông trải rộng, thác nước và cây cối trăm dáng nghìn vẻ, thực là một cảnh tượng thiên nhiên tuyệt đẹp. Núi non sông suối trong vùng về cơ bản là phù hợp với tấm bản đồ da người. Nằm sâu trong thung lũng ở phía sau núi rừng bạt ngàn này chính là mộ của Hiến vương mà chúng tôi cần tìm, trong mộ liệu có viên Mộc trần châu hay không thì chẳng ai chắc chắn cả.

Nghĩ đến cái trùng thuật 3 quái ác, lại còn cả đám dòi bọ lúc nhúc gặp phải trên đường kia, tôi không khỏi nảy sinh tâm lý sợ hãi đối với mộ Hiến Vương. Tuy nhiên đã đến đây rồi thì đành liều vậy, đã đến trước núi Già Long thì chỉ còn cách dẫn bước chứ không thể lùi, những chuyện tiếp theo đành cầu xin ngài tổ sư Mô Kim phù hộ.

Sáng sớm mai ông lái buôn sẽ lên đường đi thu mua lá trà, nên cơm xong đã vội tranh thủ vào gian trong đi ngủ cho sớm. Tuyền béo và Shirley Dương ăn cơm xong cũng ra ngoài đi dạo, chúng tôi cùng ngẩng nhìn quả núi lớn ở ngay trước mặt. Muốn đào mộ Hiến vương thì phải vượt núi Già Long cao chọc trời, vượt như thế nào là một câu hỏi quá khó, nhìn trái núi vút cao hiểm trở, ba chúng tôi đều nhăn mặt cau mày.

Ngày trước bọn lão mù phải tìm một người dân địa phương dẫn đường, trải bao gian nan hiểm trở mới vượt qua được núi tuyết, leo núi mà không có người dẫn đường là một việc hết sức nguy hiểm, nhưng vừa nãy chúng tôi hỏi bà chủ quán trọ, được trả lời rằng những người có thể dẫn đường vượt núi Già Long đều đã chết ráo cả rồi, bao năm nay có lời đồn đại rằng trên núi có ma nên chẳng còn ai dám lên đó nữa. Truyện "Ma Thổi Đèn " Truyện "Ma Thổi Đèn "

Chúng tôi đang bế tắc chợt nghe Khổng Tước nói :" Anh chị muốn sang thung lũng bên kia bắt bướm thì có một con đường ngầm dưới núi Già Long đấy, có thể thả bè xuôi theo dòng nước mà đi xuyên qua núi, chứ không cần vượt núi đâu. Nhưng ở bên đó từng có nhiều người bỏ mạng, ma quỷ thường hay hiện lên lắm".

Trên bản đồ da người đã chỉ dẫn có hai con đường để đi vào Trùng cốc, một là vượt qua hẻm hút gió trên núi Già Long, hai là đi theo sông Rắn vòng qua núi Già Long. Lối này phải đi xuyên qua khu rừng nguyên sinh đầy hiểm nguy rình rập nằm giữa sông Lan Thương và Nộ Giang, mặc dù khoảng cách đường chim bay trên bản đồ không xa lắm, nhưng ai đã từng vào rừng nguyên sinh cũng đều biết rằng hành trình thực tế sẽ dài gấp cả chục lần thậm chí hai chục lần so với dự kiến, mà trong ấy lại có cả đầm lầy nữa, chẳng khác nào một địa ngục màu xanh.

Cả hai tuyến đường đều rất khó đi, so ra thì con đường vượt qua núi Già Long cao hơn ba nghìn mét trên mực nước biển kia có tính khả thi hơn, nhưng mạo hiểm vượt núi mà không có người dẫn đường đâu phải chuyện đùa, nói không chừng xuất quân chưa đến đích thì toàn quân đã bị gục toi đời trên núi rồi.

Lúc này nghe Khổng Tước cho biết còn một con đường tắt khác nữa, chúng tôi liền vội vàng vặn hỏi cặn kẽ, song Khổng Tước cũng chỉ biết đại khái, nên chúng tôi đành đi tìm bà chủ quán trọ hỏi chuyện. Chị ta cho biết khu vực chân núi Già Long ( dân địa phương gọi là núi Ai Đằng, nghĩa là rồng không đuôi) có vô số hang động đan xen như mạng nhện, tương truyền là do dân chúng thời xưa đào ra, trước đây từng có thổ phỉ ẩn nấp để chống lại quan binh triều đình. Địa hình phức tạp ở núi này khiến quan binh cũng phải bó tay, chỉ còn cách dùng đá bịt kín các cửa hang, chôn sống luôn đám người phản loạn. Từ đó mỗi khi có lễ hội Vầy Biển (3),nếu áp tai vào vách núi Già Long ta có thể nghe thấy những tiếng hú gào kêu khóc tuyệt vọng trong hang núi.

Tất nhiên đây chỉ là một truyền thuyết dân gian của địa phương, còn chuyện hang động được xây dựng vào thời nào triều nào, do ai đào, đào để làm gì, đám thổ phỉ trong hang là hạng người nào, có phải là những người dân tộc thiểu số muốn chống lại sự áp bức bóc lột nên đã vùng lên phản kháng, hay rốt cuộc là gì, thì đến nay vẫn chưa có ai khẳng định rõ được.

Tuy nhiên, những năm gần đây có người khai thác đá phát hiện thấy một hang động, bên trong có dung nham, chính là một dòng sông chảy ngầm, xuyên qua núi rồi đổ vào sông Rắn bên kia núi Già Long, lòng sông khá sâu có thể thả bè đi xuôi dòng được, có con đường thủy này rồi khỏi phải lo lạc lối trong hệ thống sơn động chằng chịt giữa lòng núi. Vì địa hình khá bằng phẳng, nước chảy không xiết, lúc đi có thể thả bè xuôi theo dòng nước rất đỡ tốn sức, khi quay lại dẫu phải chèo chống cũng không mệt nhọc là mấy, tóm lại là tiện lợi hơn nhiều so với vượt núi.

Cuối cùng bà chủ quán nhắc chúng tôi rằng, đó là đường tắt rất thuận tiện, nhưng hai bên bờ sông có rất nhiều hài cốt đủ hình đủ vẻ kỳ quái, chẳng rõ là ai chết ở đó từ bao giờ, người nào yếu bóng vía chắc sẽ sợ phát ốm. Đã vài lần có người đi bè vượt các hang động sang đến bên kia, nhưng một là Trùng cốc bên đó chướng khí rất nặng, hai là vì bên đó tịnh không bóng người, sang đến nơi cũng chẳng có ý nghĩa gì, cho nên bấy lâu nay không có ai đi nữa. Nếu định đi đường tắt ấy cho gần thì phải rất cẩn thận.

Tôi nói với chị ta :" Điều này thì chẳng lo, chúng tôi sang Trùng cốc bên đó bắt bướm về làm tiêu bản là để phục vụ nhân dân, chúng tôi đều theo chủ nghĩa duy vật, sao lại sợ người đã chết? Đã biết có đường tắt lại không đi, thì là ngớ ngẩn à? Huống chi đã có người đi về suôn sẻ cả, chứng tỏ bên đó chẳng có ma quỷ gì, có lẽ chỉ là những ngôi mộ cổ của người thời xưa mà thôi".

Tôi nhớ ra khi nãy đứng ngoài cửa nhìn thấy tờ chứng nhận gia đình liệt sĩ, bèn hỏi chị chủ quán, thì ra anh trai của Khổng Tước là liệt sĩ hy sinh ngoài mặt trận. Lúc này tôi mới nhớ ra chiến sự ở vùng biên phía Nam đến nay vẫn chưa ngớt. Đi Vân Nam chuyến này nếu có dịp cũng nên đi thăm nghĩa trang của các chiến hữu, không thể chỉ vì ham phát tài mà quên cả gốc rễ được. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Tôi lại hỏi chị chủ quán xem ở gần đây có người dùng súng săn không, chúng tôi muốn thuê vài cái để phòng thân. Bà chủ liền bảo Khổng Tước vào nhà trong cầm ra một cây súng hơi "Kiếm Uy", là loại bắn đạn sắt, ngày trước anh trai Khổng Tước thường khoác súng này vào rừng bắn chim. Chị chủ quán rất tốt bụng, đồng ý cho chúng tôi mượn súng, cũng không cần tiền đặt cọc, chỉ cần khi về trả lại là được.

Tôi có phần thất vọng, những tưởng ít ra cũng kiếm được súng săn hai nòng chứ kiểu súng hơi này có khác gì đồ chơi, nhưng cầm lên nhìn kỹ, phát hiện ra súng khá tốt, được giữ gìn rất ổn, hơn nữa không phải loại súng nòng cỡ nhỏ bình thường, có thể bắn đạn sắt cỡ trung bình, xạ trình khá xa, thân súng cũng đủ nặng và chắc chắn, đừng nói là bắn chim đã, bắn chó sói cũng không vấn đề gì, nhược điểm duy nhất là chỉ có thể bắn phát một, sau mỗi lần bắn lại phải nạp đạn.

Lúc này có còn hơn không, hiện giờ quanh đây cũng chẳng kiếm được loại nào tốt hơn, tôi bèn ném cho Tuyền béo để cậu ta làm quen, cứ tạm thời để cậu ta sử dụng súng "Kiếm Uy" này vậy.

Tôi cảm ơn chủ quán, tối ấy ba chúng tôi nghỉ qua đêm ở ngay quán trọ Thái Vân. Tôi và Tuyền béo đều ngủ rất say, không nghĩ ngợi gì hết, gạt bỏ mọi nỗi vất vả gian lao trong ngày sang một bên. Đúng là "một giấc ngủ say, cả ngày khoan khoái", mãi đến khi mặt trời lên cao ba con sào, bị Shirley Dương véo tai gọi, chúng tôi mới hết sức miễn cưỡng bò dậy.

--------------------------------

1 Một anh bộ đội Trung Quốc ( trong thập kỷ 60-70) được coi là điển hình chí công vô tư, hết lòng vì mọi người.

2 Núi có tháp không bị đổ thì mây vẫn còn đó, ở đây có hàm ý chơi chữ.

3 Lễ hội truyền thống của người dân tộc Bạch ở Vân Nam, còn gọi là ngày lễ Vớt Xác, để tưởng niệm một vị anh hùng đã xuống biển diệt quái vật trừ hại cho dân. Hằng năm, vào ngày giỗ của ông, người Bạch đều xuống biển mô phỏng lại cảnh năm xưa đoàn thuyền vớt xác ông lên.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.