🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Phủ Đô Chỉ Huy Sứ trước đây là phủ Thái sư.

Cha Lịch Vũ là Thái sư Hồng Hiến(1),tâm phúc bên cạnh tiên đế. Cha truyền con nối, dù là người Tống nhưng cả Lịch Vũ và cha đều hai đời phò tá vua Lê. Thái sư Hồng Hiến theo vua đi đánh giặc, bàn mưu tính kế, xử đoán việc nước.

Lúc Thái tử Long Thâu mất, Lê Hoàn có ý cho Long Đĩnh lên nối ngôi nhưng quần thần ngăn cản không thể bỏ trưởng lập thứ. Long Đĩnh được phong làm Khai Minh Vương, người được chọn nối ngôi là Long Việt tức vua Lê Trung Tông sau này.

Ít ai biết rằng Hồng Hiến đã liệu trước việc Lê Hoàn đông con trai, ai nấy đều là tướng lĩnh lại cao ngạo tự tôn, khó lòng mà chịu làm bề tôi của kẻ khác. Việc chần chừ lập thái tử muộn sau này ắt có phân tranh. Không biết đã nhìn ra tài năng hay sự tàn bạo của Long Đĩnh, Hồng Hiến trước lúc lâm chung dặn con trai lúc này mới chỉ giữ chức quan nhỏ nhoi phò tá Khai Minh Vương. Sự việc sau này quả như Hồng Hiến dự toán.

Thái tử Long Thâu mất, Long Việt được lập làm thái tử. Vua Lê Đại Hành băng, sau tám tháng nội chiến không ngừng, Long Việt lên ngôi nhưng bị sát hại chỉ sau ba ngày. Em trai ruột Long Việt là Khai Minh Vương lên thay, tôn hiệu Khai Thiên Ứng Vận Thánh Văn Thần Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng đế, tức Lê Long Đĩnh. Lúc này Lịch Vũ được phong làm Đô Chỉ Huy Sứ.

Lịch Vũ vốn được hứa hôn với con của một viên quan bên cánh hữu. Ứng Thiên năm thứ mười hai, mùa xuân, tháng Ba hôn lễ được tiến hành. Còn chưa kịp sắng sửa thì Lê Hoàn băng ở tẩm điện, quốc tang phát đi trên toàn Đại Cồ Việt. Quan tam phẩm trở lên để tang một trăm ngày. Liền ngay sau đó Lịch Vũ theo Long Đĩnh bắt đầu hơn tám tháng ròng chinh phạt các thân vương khác. Nàng dâu mới còn chưa kịp bước vào cửa thì đã mắc lao phổi mà chết, tiếp đó Long Việt tức vua Trung Tông cũng băng hà. Lịch Vũ vừa để tang cha xong lại để tang vua, phủ Đô Chỉ Huy Sứ không có nữ chủ nhân.

Lần này tôi trở về thân phận không khác gì, vẫn là thư đồng của Lịch Vũ. Nói đi cũng phải nói lại, Long Đĩnh từng đích thân ban cho tôi chức Ngự tiền Thái y, dù đã từ chối nhưng cũng không còn là một kẻ khố rách áo ôm như xưa nữa. Ở phủ Đô Chỉ Huy Sứ tôi có một phòng riêng, không phải ở chung với nô bộc trong nhà. Sáng chiều đều đến nhà Trần Uy học chữ học y, tối đến nếu Lịch Vũ gọi mới cần qua chuẩn bị giấy mực. Lịch Vũ chinh chiến liên miên, ít khi nào có tại phủ. Trong phủ nuôi cả thảy hơn hai chục người cũng chỉ để hầu hạ một chủ, về căn bản việc nhà không đến tay tôi.

"Anh Đam, nhanh cái chân lên! Đến muộn bây giờ!"

Tôi ló đầu ra ngoài, đám Lê Sương và Trần Chất đã đến. Hôm nay nhà La Đạc mở tiệc khao vọng. Ở chiến trường Đạc lập được công lớn mà còn có công cứu chúa thượng, hơn nữa còn là con trai độc nhất của La Lân nên được phong chức tước. Đám Lê Sương và Trần Chất đương nhiên cũng có phần. Leo lệ cũ ai được ban chức sắc đều phải khao vọng. Khao vọng dùng lễ trâu bò, rượu, trầu, cau, xôi, bánh đem ra đình lễ thần, rồi biếu làng, kế đó mở thêm tiệc mừng tại tư gia.

Lịch Vũ cũng được mời tới tiệc này nhưng tôi thừa biết với tính khí của y thì chẳng buồn ngó ngàng tới mấy dịp tiệc tùng hội hè này bao giờ, càng chẳng màng giao tiếp với ai. Chủ nhân là vậy chứ tôi thì hễ chỗ nào vui là tôi có mặt. Cẩn thận xin phép Lịch Vũ từ khi vừa nhận được thiệp, vừa nghe bạn gọi đã cầm quà rồi vội vàng chào Lịch Vũ đi ngay. Y đang đọc sách không để ý đến tôi lắm mà cũng chẳng ngước lên, chỉ nói đúng bốn từ "Không được uống rượu" rồi lại chuyên tâm nghiên cứu.

Tôi vâng vâng dạ dạ rồi chạy biến đi. Mang tiếng đến Hoa Lư đã mấy tháng trời nhưng nếu không phải đến nhà Giáo thụ học tập hay đến trại thương binh thì cũng là ở phủ dọn dẹp giúp Lịch Vũ. Mãi hôm nay tôi mới được thả ra ngoài cùng bạn bè, lại còn có tiền trong túi nên nhất định phải vui tới bến mới được!

***

Hoa Lư người như nêm, phố phường nhộn nhịp đông đúc. Chỗ này bán bánh dày, chỗ kia bán cháo, chỗ nọ bán nước quế, hồng mai. Vải vóc lụa là, thịt cá giấy mực đều được đủ cả trên phố. Nếu chỉ nhìn lướt qua thì thời điểm này của lịch sử người Đại Cồ Việt phục sức không khác người Tống là bao, khác biệt lớn nhất là ngoại trừ quý tộc, đa phần dân Đại Cồ Việt đều cắt tóc ngắn, đặc biệt là nam giới, người cạo trọc cũng nhiều vô số kể. Phụ nữ thì kiểu cách hơn một chút, có người búi chuy kế sau đầu, người đội "quan" ở trên đỉnh, phần đa đều trông rất gọn gàng mát mẻ. Không rõ do thời tiết nước ta vốn nóng bức hay do trong dân gian ưa tính tiện lợi thoải mái mà hoạ hoằn lắm mới thấy vài ba người cài tóc bằng trang sức bằng vàng, bạc hoặc trân châu. Phụ nữ phần đa đều sử dụng hoa tươi, màu sắc vừa tươi sáng lại có mùi thơm, rất hợp ý tôi. Tóc và trang phục đều tương đối đơn giản nhưng các phụ kiện như vòng cổ, vòng tay thì hầu như hai cũng đeo. Thấy tôi dán mắt vào một chiếc vòng thuỷ tinh, Trần Chất cười:

"Sao, muốn mua tặng cô nào à?"

Tôi phải dụi mắt mấy lần mới nhìn ra đó thực sự là thuỷ tinh nhưng không biết trả lời thế nào, Chất nói thêm:

"Đồ hiếm từ Chiêm Thành về, có mắt nhìn lắm đấy anh Đam!"

Tôi chỉ biết nhe răng cười. Hoá ra từ thời Tiền Lê đã có thuỷ tinh du nhập vào nước ta, hơn nữa còn được coi như vật quý hiếm. Nguồn gốc thuỷ tinh không bắt nguồn từ Đông Nam Á song theo lời Chất liên quan đến Chiêm Thành thì ít nhiều sẽ từ xung quanh lưu vực giao thương sông Mê Kông mà ra.

"Ô, có người nước ngoài à?" - Tôi trỏ một đám người cao lớn, tóc xoăn tít, da ngăm ngăm đang xì xồ nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ lạ. Trần Chất nghe nhưng trán nhăn tít lại, chắc vẫn chưa hiểu tôi nói gì. Tôi ngậm ngùi - "Ý tôi là mấy người kia không phải người Đại Cồ Việt phải không?"

"Người Chiêm Thành ." - Lê Sương xen vào.

"Sao người Chiêm lại ở đây?" - Dựa vào cách ăn mặc và điệu bộ tôi cho là họ sinh sống ở Đại Cồ Việt, giống người lao động hơn là thương nhân hay quan lại.

Lê Sương nhún vai:

"Chắc gia đinh nhà nào đó."

Tôi hơi sững sờ nhưng rồi hiểu ngay. Tiên đế có tiếng từng bình Chiêm, bắt về cơ số tù binh, những tù binh đấy sau này trở thành nô bộc ở Hoa Lư không có gì là lạ. Đi thêm một chốc nữa tôi còn thấy thêm nhiều người nước ngoài khác, không chỉ Chiêm mà còn có cả Tống, Đại Lý và cả người dân tộc.

Kỳ lạ hơn ở Hoa Lư không có đơn vị tiền tệ thống nhất. Cứ hễ là tiền có chữ trên mặt đều tiêu được cả, không kể là "nội tệ" hay "ngoại tệ". Về tỷ giá hối đoái(2) thì tôi chưa kịp tham khảo nhưng sơ sơ đã thấy mấy đồng thời Đường, Hán, Tống được dùng song song với cả tiền thời Đinh, tiền Lê.

Tôi và Trần Chất, Lê Sương vừa đi vừa vui vẻ nhìn cái này một chút, mua cái kia một tẹo. Lê Sương mang đến tiệc mừng một bao đựng mũi tên. Trần Chất đem tặng một hộp hà thủ ô để La Đạc chóng hết bạc tóc. Trong đám đó tôi là nghèo nhất. Dù rằng từ ngày về Lịch Vũ có phát cho tôi tiền lương, đã vậy y còn hào phóng thưởng thêm nhưng cũng chỉ coi như "phụ cấp chiến tranh". Nếu tôi muốn đủ tiền sống tự lập mua nhà mua đất hay khởi nghiệp buôn bán kinh doanh chỉ e đến tết con voi mới gom góp đủ tiền. May thay lúc tôi đến hỏi Giáo thụ có gì tốt nhưng giá cả phải chăng không thì người liền cho tôi năm con cá ngựa. Đúng là không ai hiểu trò bằng thầy, đồ tốt nhất là đồ không tốn tiền mua. La Đạc chinh chiến bao lâu như vậy cũng nên bồi bổ khí huyết một chút rồi.

Sau một hồi lạc vòng quanh phố, cuối cùng cả ba đã dẫn nhau đến được phủ Tuyên Uỷ Sứ. Người ra tận cửa đón chúng tôi là La Lân và phu nhân. Thấy tôi mẹ La Đạc vỗ vai "đét" một cái thành tiếng, cười rạng rỡ:

"Con trai nhà ai mà mặt hoa da phấn thế này?"

Tôi cười trừ, khoé miệng khẽ co rút. Hoá ra cái tính bộp chộp hồ hởi của La Đạc là từ mẹ mà ra. Tôi nhanh miệng chào phu nhân rồi gửi lại quà, hân hoan cùng nhóm Lê Sương tiến vào.

Rượu ơi thịt ơi, chị đến với các em rồi đây!

Bốn người gặp nhau như cá gặp nước, La Đạc giấu giấu diếm diếm mang một bình rượu nhỏ đến dúi vào tay tôi.

"Cái gì đây? Rượu à? Sao bé thế?" - Tôi hít hít.

La Đạc ngay lập tức bịt mồm tôi:

"Suỵt, khẽ chứ. Rượu kim cúc Thuý Sơn đấy."

Tôi là một kẻ quê mùa nên đương nhiên không hiểu, chỉ biết quay sang nhìn Lê Sương. Lê Sương tuổi chưa nhiều nhưng khuôn mặt thì già khú đế, đã thế còn hay làm bộ làm tịch, xoa cằm vuốt râu giải thích cho tôi:

"Là rượu ủ từ hoa cúc, nơi ủ loại rượu này ngon nhất chính là vùng Thuý Sơn."

Tôi "À" lên một tiếng thật to. Người cổ đại có vẻ thích ủ rượu từ các loại hoa nhỉ? Khéo léo mở nắp rượu, tôi cẩn thận rót cho mỗi người một ly không để rơi giọt nào. Rượu ngon mà để rớt xuống đất thì quả là đắc tội với trời xanh!

Đã lên bàn rượu thì tất cả là anh em. Áng chừng thời gian chưa kịp ăn hết một cái bánh chưng tôi đã kịp quen hết những người còn lại trong mâm. Cả đám chuyện trò rôm rả đủ thứ trên trời dưới bể. La Đạc thì đi bạn này chúc một tiếng, đi bàn kia cảm ơn một câu. Đại khái là trong suốt buổi tiệc hiếm khi nào thấy gia chủ ngồi yên một chỗ.

"Này, anh biết tin gì chưa?" - Trần Chất huých vai tôi.

"Biết... gì cơ?" - Tôi đã ngà ngà say, hai mắt mở không rõ líu ríu hỏi.

"Nhìn về phía bụi hồng kia đi, thấy người đàn ông to béo kia không?"

Tôi ngật ngưỡng lắc đầu thật mạnh mấy cái cho tỉnh, nhìn đông nhìn tây rồi cuối cùng cũng nhìn thấy người mà Trần Chất chỉ. Là một người đã ngoài tứ tuần, có vẻ có chức có quyền.

"À... thấy rồi, nhưng mà làm sao?"

"Người đấy và tướng quân La Lân chuẩn bị..."

Trần Chất còn chưa hết câu thì ngoài cửa đã xôn xao tiếng người. Bên trong ai nấy nghiêng ngó một hồi rồi cũng thi nhau quỳ rạp xuống. Trần Chất kéo tay tôi thật mạnh.

"Quỳ xuống mau, là chúa thượng!"

Nghe thấy Long Đĩnh đến tôi sợ mất mật, lảo đảo quỳ xuống cùng đám Trần Chất kia. Chúng tôi ngồi tuốt bên dưới, về căn bản thì từ góc này Long Đĩnh khó mà thấy chúng tôi. Sau khi chúa thượng an vị ai lại vào việc nấy, tiếp tục chè chén no say. Tôi liếc nhìn lên trên thấy Bạch Vỹ đi theo hầu cũng đang nhìn tôi, tôi cười cười giơ chén rượu lên phía trước. Bạch Vỹ gật đầu cười lại.

Đương giữa buổi tiệc thì La Lân đi trước mặt bái lạy Long Đĩnh rồi vui vẻ gõ lên chén rượu của mình ba cái, thu hút sự chú ý của mọi người, trịnh trọng lên tiếng:

"Nhân có hồng ân tựa trời bể, chúa thượng ghé phủ hôm nay, tiểu thần mạo muội khẩn xin long ân."

"Cứ nói." - Long Đĩnh phẩy tay.

La Lân trịnh trọng thi lễ, nói đoạn chắp tay:

"Cầu chúa thượng đứng ra làm chủ hôn cho con trai thần."

Tôi vừa nghe xong câu nói chén rượu vừa uống vào cũng dội ngược trở lại, hơi cay xộc lên tận khoang mũi.

Cái gì cơ? La Đạc... sẽ kết hôn ư?

Người đàn ông to béo lúc nãy Trần Chất chỉ cho tôi tiến đến đứng bên cạnh La Lân, La Lân tiếp lời:

"Ngày Quý Hợi tháng sau sẽ cử hành hôn lễ với con gái ngài Chưởng thư ký(3) Hoàng Thành Nhã đây."

Hai bên vui vẻ tay bắt mặt mừng còn tai tôi thì lùng bùng "đùng, đùng, đùng" mấy tiếng như trời vang sấm rền.

Trong sự hò dô chúc mừng của mọi người tôi quay sang nhìn La Đạc. La Đạc không để ý đến tôi, y chỉ nhìn về một hướng duy nhất. Ánh mắt thâm tình, tay cuộn thành nắm chặt, ly rượu mừng chạm môi cũng thôi không uống nữa.

La Đạc nhìn Bạch Vỹ, Bạch Vỹ rớm lệ, quay đi.

Tôi uống một ngụm rượu lớn, chỉ biết thở dài.

Nhớ lại buổi tối hôm đấy khi đi dạo cùng Lịch Vũ, hai người đàn ông tôi bắt gặp đang tay trong tay chính là La Đạc và Bạch Vỹ!

______

Chú thích:

(1) Thái sư Hồng Hiến (có bản chép là Hồng Du).

Hiến là người Bắc [tức Trung Quốc], thông hiểu kinh sử, thường theo các cuộc chinh phạt làm quân sư, cùng là khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước, có công lớn, vua tin dùng như tâm phúc." (Đại Việt sử ký toàn thư)

(2) tỷ giá hối đoái: là tỷ giá của một đồng tiền quốc gia này được quy đổi cho một đồng tiền của quốc gia khác.

(3) Chưởng thư ký: chức quan nắm giữ biểu tấu, giữ việc văn từ.

Sách "Sử học bị khảo" viết: "Quan chế đời Tống phủ, châu quan chức giám mục có Chưởng thư ký. Nhà Lê theo đấy."
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.