Sáng hôm sau Long Đĩnh gần như đã cắt được hẳn các cơn sốt cao, người chỉ còn hâm hấp nóng nhưng vẫn còn mê man chưa tỉnh. Lúc Giáo thụ vén bức rèm châu bước vào tôi đang ngồi bệt dưới đất, mắt mũi lờ đờ. Dù gì tôi cũng đã thức cả đêm canh giấc cho vị chúa thượng kia. Trần Uy chẩn mạch, hồi lâu sau ông mới rời đi, ra hiệu cho tôi ra phía gian ngoài.
Tôi chỉnh trang lại tóc tai quần áo, đứng bên nghe Giáo thụ hỏi han về tình hình sáng nay của Long Đĩnh. Việc xong Trần Uy bảo tôi ngồi xuống bên cạnh, nói đoạn hỏi:
"Trò có biết tại sao tối qua tình hình chúa thượng lại đột nhiên đổi khác, nghiêm trọng hơn không?"
Tôi thành thật lắc đầu. Trần Uy kéo tay trái tôi, đặt lên bàn:
"Bình thường trò xem mạch thế nào?"
"Dạ bẩm Giáo thụ, thanh niên trai tráng mạch đi có lực người già mạch đập yếu, phụ nữ thì mạch yếu hơn nam giới. Người cao lớn thì mạch dài hơn, người thấp mạch ngắn. Người gầy mạch hơi phù, người béo mạch hơi trầm.(1)"
"Còn gì nữa không?" - Trần Uy vuốt bộ râu dài trắng bạc, nhìn tôi chờ đợi.
Tôi chỉ biết mím môi lắc đầu. Quả thật kiến thức hạn hẹp của tôi không biết nhiều đến thế. Những điều học mót được từ thời hiện đại không đủ dùng ở nơi một mét vuông ba người ốm như thế này.
"Khi trò xem mạch hãy nhớ rằng, mạch không chỉ có quan hệ mật thiết với tuổi tác, giới tính, thể chất và tình trạng mà còn cả thời tiết, khí hậu. Mùa xuân mạch hơi huyền, mùa hạ mạch hơi hồng, mùa thu mạch hơi phù, mùa đông mạch hơi trầm. Lúc trò đến trại Phù Lan là cuối đông, nay trời đã ấm áp hơn, thêm vào thể trạng mỗi người lại khác nhau. Trò phải để ý những thay đổi nhỏ khi chẩn mạch để điều chỉnh phương thuốc từng người sao cho phù hợp."
Tôi đứng yên, chắp tay trước ngực lĩnh hội kiến thức vừa được chỉ dạy. Cũng may tôi có một người thầy thông tuệ như Trần Uy, chẳng những tinh thông y thuật mà còn là người dám nghĩ dám làm, bằng không tối qua Long Đĩnh chỉ e đã không qua khỏi.
***
Tôi lúi húi dưới bếp cả một buổi cuối cùng cũng nấu xong nồi cháo, còn cố tình nghiền thật nhỏ hạt gạo, ninh nhừ và hơi loãng để Long Đĩnh dù vừa ốm dậy cũng không bị khó nuốt. Chừng nào dâng cháo lên sẽ đập thêm vào một lòng đỏ trứng gà. Vitamin A đặc biệt tốt cho người mắc sởi, phòng biến chứng mù loà xảy ra. Dù vậy ở thời xa xôi này tôi chỉ tìm được nguồn sẵn có duy nhất là trứng gà, những thứ khác có lẽ mất đôi chút thời gian. Nhân lúc đi qua phía Tây phủ tôi còn hái thêm mấy quả quýt trong vườn, đã cuối vụ song vẫn sum suê vàng óng. Quýt này vắt lấy nước, dù không có vitamin A nhưng được cái ngon, cho Long Đĩnh uống tạm cũng được.
Lệnh ban xuống từ đêm qua, mọi tin tức đều bị phong toả. Đầu tiên là đám Thái y bị giam lỏng rồi kế đến là tất thảy người hầu kẻ hạ, đại để là không một ai được phép bước chân ra khỏi phủ Khai Minh Vương. Bên ngoài quân lính vẫn vây chặt bất kể ngày đêm, mà tôi đồ rằng chuyện Long Đĩnh đổ bệnh không được truyền ra tới đấy. Trong này hầu cận Long Đĩnh ngoài tôi và Trần Uy cũng chỉ có thêm Bạch Vỹ. Một là hạn chế tối đa việc để lộ tin tức ra ngoài, hai là không để lây lan bệnh dịch.
Lúc tôi trở vào Bạch Vỹ đang cởi áo lau người cho Long Đĩnh. Tôi quay lưng toan bỏ đi ngay nhưng Bạch Vỹ đã gọi lại phụ giúp y một tay. Thôi được rồi, giúp thì giúp, tôi thì sợ gì mấy cái chuyện này chứ? Dù nói vậy nhưng tim tôi vẫn đập liên hồi, tay chân lóng ngóng.
Bạch Vỹ cởi lớp áo ngoài, vòm ngực rắn chắc cùng những hình xăm rồng rất lớn trên người Long Đĩnh hiện ra. Bạch Vỹ giữ cho vị chúa thượng kia nằm ngay còn tôi thì nhúng khăn vào nước ấm rồi cẩn thận lau từng chút một. Dưới ánh nắng xuân nhàn nhạt tôi nhìn rõ những vết sẹo lớn nhỏ khắp người Long Đĩnh.
"Chúa thượng... sao nhiều sẹo thế này?" - Tôi thảng thốt.
Bạch Vỹ chua xót:
"Người vì mong chứng tỏ mình với tiên đế mà tuổi vừa mới lớn đã bôn ba nơi sa trường. Ngươi xem vết sẹo này đi." - Bạch Vỹ trỏ một đường dài ngang hông Long Đĩnh - "Chúa thượng bị quân Man tập kích. Khi ấy ở doanh trại còn không kịp mặc giáp. May mà vẫn có thể hoá nguy thành an, xoay chuyển càn khôn(2)."
Tôi nhúng khăn vào nước ấm, lau hai cánh tay Long Đĩnh.
"Thế còn cái này?"
"Chó sói cắn ở doanh trại Ma Hoàng năm mười lăm tuổi."
"Còn cái này?"
"Do luyện đao năm mười tuổi."
Tôi quệt ngang mũi:
"Ngươi đúng là thân tín của chúa thượng nhỉ? Vết thương nào của người cũng hay."
"Không hẳn." - Bạch Vỹ nhún vai, trỏ lên đuôi chân mày của Long Đĩnh có một vết thâm rất mờ, gần như không nhìn ra nổi. - "Cái này ta không biết. Đêm nọ chúa thượng về bỗng dưng bị sưng."
Tôi gật đầu cho có lệ nhưng con quỷ tò mò trong lòng lại trỗi dậy thôi thúc tôi phải hỏi. Tôi sấn sổ lại chỗ Bạch Vỹ, hỏi:
"Đêm nọ là đêm nào?"
"Thì người bảo đi dạo bên ngoài, khi về đã như vậy rồi. Để ta xem nào..." - Bạch Vỹ ngần ngừ giây lát - "Nếu tính ra là đêm trước ngày ngươi tới doanh trại đấy!"
Khuôn mặt háo hức hóng chuyện của tôi trở nên cứng đờ kèm theo hai khoé miệng từ từ rủ xuống. Những phân cảnh về đêm xuyên không hiện về, rõ nét và sống động như thể chỉ vừa mới hôm qua. Tôi nhớ rõ hương thơm của những ly cocktail mình uống, nhớ luôn cả cảm giác quay cuồng khi say rượu và đương nhiên, tôi nhớ ra cả giây phút mình tháo giày cao gót và ném vào người đàn ông cưỡi ngựa nọ. Cái khăn đang cầm dở trên tay rơi bịch xuống theo một cách rất điện ảnh. Hai hàng mi của tôi run rẩy nhưng không dám khóc, quay thật chậm sang nhìn Long Đĩnh. Ngay giây phút đó một điều kinh hoàng nhất đã xảy ra: Long Đĩnh đã tỉnh từ khi nào, trên khuôn mặt điển trai lấm tấm những nốt ban đỏ. Y nhìn tôi, khoé môi cong lên như đang chế giễu. Tôi hoảng hồn lùi lại, nói đoạn quỳ rạp xuống bằng cả hai chân:
"Chúa thượng vạn tuế! Chúa thượng đã tỉnh."
Khỏi phải nói Bạch Vỹ mừng đến thế nào, Vỹ chạy tới bàn toan rót trà dâng lên. Đương nhiên cơ hội tốt để chạy trốn khỏi hiện trường tôi nào bỏ lỡ. Tôi vồ lấy ấm trà, khúm núm đi đến:
"Môi chúa thượng hơi khô hẳn người phải khát nước lắm."
Long Đĩnh cầm chén trà uống cạn nhưng mắt vẫn nhìn tôi trừng trừng. Nếu tôi quả thật là người đêm ấy ném giày trúng chúa thượng thì đừng hỏi vì sao từ ngày đến đây gặp đủ loại tai ương. Vẫn còn cái mạng mà quỳ hầu trước mặt Lê Long Đĩnh đã là tốt lắm rồi.
Tin Long Đĩnh tỉnh được Bạch Vỹ chạy đi báo ngay ra bên ngoài cho Lịch Vũ. Gần như chỉ trong giây lát sau đã nghe tiếng người đàn ông quen thuộc ngoài cửa. Bạch Vỹ nói lớn vào trong:
"Bẩm chúa thượng, Đô Chỉ Huy Sứ xin yết kiến."
"Cho vào!"
Lịch Vũ tiến tới nét mặt vô cùng căng thẳng. Tôi hầu cận bên Lịch Vũ dù chỉ có mấy tháng trời nhưng đủ hiểu không dưng mà chúa thượng chỉ vừa tỉnh y đã nhất nhất muốn vào gặp. Lịch Vũ chắp tay thi lễ:
"Bẩm chúa thượng, Tướng quân La Lân gửi mật thư sắp không giữ được cửa biển Thần Đầu, khẩn xin chi viện, bằng không giặc Cử Long sẽ sớm tràn qua nơi ấy."
Long Đĩnh chau mày, nét mặt vô cùng khó coi. Nếu tôi là y vừa ốm một trận thập tử nhất sinh mà tỉnh dậy lại nghe tin thua trận thì chắc ức tới ói ba chậu máu rồi ngất đi. Dĩ nhiên Long Đĩnh không như tôi, với phong thái của một vị đế vương, rất nhanh Long Đĩnh đã lấy lại được bình tĩnh, đoạn bảo:
"Nhà binh xưa nay kiêng việc ra trận mà đổi tướng song trước mắt tình hình nguy cấp. Lệnh Đô chỉ huy sứ mang hai lữ quân hành quân cấp tốc bất kể ngày đêm, đi tắt qua sông Tham(3) tới Ái Châu(4) chi viện cho Tuyên Uỷ Sứ La Lân."
Lịch Vũ cúi đầu tiếp chỉ. Tôi có hơi lấn cấn trong lòng. Chủ ở đâu tớ ở đấy nhưng hiện tại việc điều trị cho Long Đĩnh còn đang dang dở. Vậy là tôi phải xử trí như thế nào? Đi hay ở? Nhưng số phận không để tôi phải suy nghĩ quá lâu, lúc này một tiếng "Choang" rất lớn ở bên ngoài vọng đến như có thứ gì vừa rơi vỡ.
Tôi chạy vội ra xem thì thấy Bạch Vỹ đã nằm sõng soài trên mặt đất, tựa như không còn biết gì nữa. Tôi chạm vào tay Vỹ liền thấy người nóng ran, thân nhiệt rất cao. Còn chưa chẩn mạch tôi đã mơ hồ cảm nhận được điều bất ổn ở đây là gì. Chỉ kéo tay áo Bạch Vỹ lên đã thấy lấm tấm nốt đỏ, nếu nhìn thật kỹ trên khuôn mặt trắng trẻo xinh đẹp những nốt ban li ti cũng dần hiện lên. Ma chẩn, thêm một người nữa mắc ma chẩn!
Gần như ngay lập tức Lịch Vũ triệu vào một đám binh lính bịt mặt kín mít do La Đạc dẫn đầu điệu Bạch Vỹ đi. Tôi hít sâu vào một hơi, không dám lại gần Lịch Vũ mà chỉ đứng xa thỏ thẻ:
"Đô chỉ huy sứ, xin người hãy bảo trọng."
Vũ gật đầu không đáp, tôi nhìn theo cho đến khi y khuất bóng sau tán tùng xanh rậm dày.
***
Lịch Vũ nhận được lệnh liền tức tốc dẫn quân tiến về Thần Đầu bất kể ngày đêm. Bạch Vỹ ngã bệnh, người ở lại chăm sóc Long Đĩnh chỉ có thể là tôi hoặc Trần Uy. Đương nhiên vị chúa thượng này hoàn toàn có thể hạ chỉ triệu thêm người vào chăm sóc chắc chắn không kẻ nào dám bất tuân nhưng có vẻ Long Đĩnh còn mệt, cần tĩnh dưỡng thêm nên cũng không thấy y đả động gì. Nếu được thế thì cũng tốt, Giáo thụ tình nguyện tận trung với chúa thượng, bất chấp tuổi già sức yếu lại thêm nguy cơ lây bệnh chẳng hề nề hà. Tôi thì đã được tiêm phòng khi còn ở hiện đại, dù không chắc chắn nhưng cũng an tâm được mấy phần. Nếu thêm người thì việc chẳng ít đi là bao nhưng khả năng lây lan, bùng thành dịch lớn là điều chắc chắn. Thôi thì lỡ rồi, tôi chỉ cần cố gắng mấy ngày đến khi Bạch Vỹ khỏi bệnh là sẽ ổn cả thôi.
Nhưng lúc đó tôi không hề hay biết hầu hạ bậc đế vương khó hơn hầu hạ một Đô chỉ huy sứ trăm ngàn lần!
Sẩm tối ngày tiếp theo tôi chuẩn bị nước tắm cho Long Đĩnh. Tiết trời mùa xuân dù đã ấm áp hơn rất nhiều nhưng vẫn cần cẩn thận. Tôi đóng hết cửa sổ, đặt chậu tắm nơi kín gió, chuẩn bị tám phần nước ấm pha với hai phần nước lạnh. Trong quan niệm cũ bị sởi phải kiêng nước song khi sốt cao, mồ hôi nhễ nhại thì việc tắm táp, giữ vệ sinh cho lớp da mẩn đỏ là vô cùng cần thiết.
Kiểm tra nhiệt độ nước phù hợp, đốt hương trầm, lấy khăn khô, quần áo sạch tôi mới an tâm dìu Long Đĩnh tới tắm. Mải mê chuẩn bị kỹ càng nên đến khi nhận ra khắp căn phòng này chỉ có tôi và người đàn ông họ Lê kia tôi mới tá hoả. Trời ơi! Không! Trăm ngàn lần không! Tôi đang làm cái gì thế này?
Trong đầu tôi trăm vạn luồng suy nghĩ xẹt qua xẹt lại tựa như một ngàn con tuấn mã đang giẫm lên bộ não nhỏ bé. Ấy vậy mà tôi biểu hiện ra bên ngoài vô cùng ngu ngốc: chỉ há miệng nhìn Long Đĩnh lại nhìn bồn nước, rồi hết nhìn bồn nước lại nhìn sang Long Đĩnh.
Thấy tôi lúng túng, Long Đĩnh bảo:
"Ngươi làm sao? Không mau hầu trẫm tắm?"
Tôi có mười cái mạng cũng không dám hầu Long Đĩnh tắm!
"Thôi bỏ mẹ rồi" - Tôi thầm nghĩ. Tôi chỉ được cái mạnh miệng thôi chứ riêng về chuyện này thì tôi không dám thật. Mặt tôi đỏ dần, đỏ dần đến mức cảm thấy hai tai nóng ran. Chỉ nghĩ đến cảnh một phòng trống, hai người, một người cởi đồ thôi đã đủ khiến tôi đào mười tám tấc đất tự chôn mình xuống vì xấu hổ.
Sống ở Đại Cồ Việt binh đao máu chảy thì liêm sỉ của tôi sớm đã bị diều tha quạ mổ, tuy vậy nhưng nói đến chuyện ở trong phòng kín, tắm cho một người đàn ông là điều nằm ngoài sức tưởng tượng. Hầu cận Lịch Vũ bấy lâu tôi chưa từng phải làm loại công việc như này! Nghĩ đến đây từ mặt mũi đến hai tai tôi nóng phừng phừng, ho khan không ngừng.
Long Đĩnh nhìn tôi, trước khi y định nói thêm một câu khó nghe nào, tôi nhanh trí bảo:
"Chúa thượng! Đam quên mất còn thiếu một vị thuốc, người vào tắm trước Đam sẽ quay lại ngay!"
Không đợi Long Đĩnh đồng ý, tôi lao ra ngoài như một cơn gió, vờ vịt tìm thêm thuốc trong hộp gỗ của Trần Uy. Mãi đến khi nhìn qua bức trướng thấy Long Đĩnh đã an vị trong bồn nước tôi mới thong dong cầm mấy ngọn hương nhu khô và tía tô đi vào. Chợt bên ngoài có động, tiếng tri hô rất to. Long Đĩnh quay về phía tôi, quắc mắt:
"Có chuyện gì?"
"Dạ, để Đam đi nghe ngóng!"
Tôi vừa thò đầu ra bên ngoài thì thấy Thân quân cùng quân lính chạy rầm rập, nhà phía Nam đang có cháy lớn, khói bay mù mịt, lửa đỏ rực cả một góc trời. Tôi lẹ làng rụt đầu vào, đóng cửa rồi đi thật nhanh về phía Long Đĩnh, bô bô:
"Chúa thượng chúa thượng! Nhà phía Nam đang cháy lớn lắm ạ."
Nhưng điều kinh hãi hơn cả vụ hoả hoạn tôi vừa thấy đó chính là từ đâu có bốn người mặc áo đen lao tới, nhằm thẳng Long Đĩnh mà chém.
"Chúa thượng, cẩn thận!" - Tôi thét thất thanh.
Long Đĩnh kịp cúi xuống tránh một kiếm đang chém tới. Tiếng động từ phía tôi đã thành công thu hút sự chú ý của một tên khác. Biết chuyện chẳng lành tôi co giò chạy trối chết. Những tưởng mở cửa có thể gọi người tới giúp song khắp sân đâu đâu cũng thấy Thân quân giao tranh cực lực cùng đám người mặc đồ đen. Một Thân quân trúng tên ngã ngay trước mặt tôi, máu trào ra từ ngực rồi tắt thở. Tôi chẳng kịp suy nghĩ nhiều liền nhanh tay giành ngay cây kiếm từ người đã chết, đóng sầm cửa lại rồi trở vào trong, hét lớn:
"Hộ giá!"
Cả bốn kẻ cầm kiếm cùng lúc lao về phía Long Đĩnh. Bằng một động tác thành thục, y đã kéo tên cao to nhất lại, bẻ ngoặt tay hắn về phía sau. Tôi nghe rõ tiếng "rắc" "rắc" tựa xương khớp vừa vỡ ra. Tên áo đen gầm một tiếng lớn nhưng đã mau chóng bị thụi thêm một cú vào bụng, cuối cùng Long Đĩnh thẳng chân đá vào mạn đùi trái. Thích khách lảo đảo rồi bổ nhào vào bồn nước tắm. Nhưng chỉ trong một giây lơ là ba tên kia đã cùng lúc xông lên. Ngay lập tức Long Đĩnh bị dồn vào thế yếu. Dù kinh nghiệm thao trường dày dặn đến mấy nhưng Long Đĩnh chỉ mới tỉnh dậy từ hôn mê, thân thể còn yếu, huống hồ ba đánh một không chột cũng què. Chúng vây quanh rất chặt, tiếng gươm đao va vào nhau chát chúa. Tôi đứng im phía xa tay cầm kiếm mà run cầm cập. Tôi không có khả năng chống cự nhưng cũng rất rõ ràng đám người đấy chẳng buồn đoái hoài đến tôi. Mục tiêu duy nhất của chúng là vị chúa thượng kia. Long Đĩnh tránh không kịp bị một đao chém ngay giữa lưng, máu tứa ra loang đỏ thẫm. Tôi biết lúc này mình cũng không còn lựa chọn nào khác nữa, chỉ giơ kiếm lên phòng thủ rồi gắng chạy thật nhanh về phía chúa thượng.
Rất rõ ràng, nơi đó là cửa tử.
Nhưng cũng rất rõ ràng, nếu có thể cứu Long Đĩnh ít nhất Đại Cồ Việt sẽ có một cửa sinh.
Trước cả khi mơ ước hão huyền kia của tôi trở thành sự thật thì cả ba tên đấy đã dồn được Long Đĩnh vào góc tường, giơ đao lên chuẩn bị kết thúc mọi chuyện. Lưỡi đao sáng quắc ánh lên nhưng rồi tắt lịm, từ phía xa nghe những tiếng tên bay vun vút, những tiếng tên găm vào da thịt "phụp" "phụp" liên hồi. Không rõ từ hướng nào mũi tên bay vào liên tục. Cả ba tên thích khách người cắm đấy tên như nhím, lảo đảo rồi ngã xuống thây chất chồng lên nhau. Nhóm cung nỗ quân(5) La Đạc, Lê Sương, Trần Chất chạy vào, quỳ rạp xuống:
"Bầy tôi chậm trễ, chúa thượng tha mạng."
Tôi nhanh chân chạy lại đỡ Long Đĩnh đang bị thương lên. Long Đĩnh đứng thẳng, dùng mũi kiếm trên tay tôi vạch khăn che mặt cùng y phục của một tên gần nhất.
"Quân Man?" - Ngữ khí của Long ĐĨnh hơi cao hơn đôi chút.
Man? Tôi nhìn thây người vừa bị vạch mặt, rõ ràng trông y không giống những người Đại Cồ Việt mà tôi gặp lắm. Cả khuôn mặt lẫn cách ăn vận đều hơi kỳ lạ. Trong lúc chúng tôi đang bận quan sát bên này thì tên ban nãy bị bẻ tay ném vào bồn nước tắm đã tỉnh dậy từ bao giờ. Hắn đứng dậy, dốc sức cầm kiếm rồi lao đến chỗ Long Đĩnh. Phản xạ tự nhiên nhất của tôi là lao tới chắn phía trước, xô Long Đĩnh nằm ngã nhào xuống đất. Nếu là trong phim, nhất định tôi sẽ chịu thay Long Đĩnh một nhát kiếm, vì thế mà y đem lòng cảm kích, rơi nước mắt vì tôi. Tôi sẽ uỷ mị trong vòng tay quân tử, thì thầm: "Xin đừng quên ta", nhắm mắt rồi khi tỉnh dậy đã quay trở về hiện tại.
Không!
Một trăm lần không!
Tên thích khách ngu ngốc cầm kiếm lao đến nhưng lảo đảo, tự vướng vào chân mình rồi ngã xuống. Long Đĩnh đang yên đang lành bị tôi xô nằm sóng soài trên đất cũng quay lại gầm gừ, mặt chỉ như muốn cắt cổ tôi ngay tại chỗ.
Cuộc đời này âu cũng là bể khổ...
Chú thích:
(1) Dựa theo "Mạch học tổng hợp" - Hoàng Duy Tân.
(2) càn khôn: chỉ thế cục, đại cục
(3) Tham: tên sông, chưa rõ ở đâu (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục)
(4) Ái Châu: tức Thanh Hoá ngày nay.
(5) cung nỗ quân: binh lính chuyên sử dụng cung hoặc nỏ.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]