Nhà tôi ba đời theo nghề bốc thuốc, đến đời bố tôi lấy mẹ thì là bác sĩ khoa ngoại. Một người là Phó giáo sư giảng dạy tại học viện y học, một người là bác sĩ ngày đêm túc trực bệnh viện trong những ca phẫu thuật không hồi kết. Có thể xem như tôi sinh ra trong một gia đình gia giáo có điều kiện song không rõ do xung đột về y học cổ truyền - y học hiện đại hay công việc bận rộn, tính cách không phù hợp mà năm tôi bảy tuổi, bố mẹ ly hôn.
Mẹ tôi - người phụ nữ dành cả đời cho khoa học, với bà gần như nghiên cứu y học mới là điều quan trọng nhất. Ít lâu sau khi ly hôn, bà rời Việt Nam qua Nga sinh sống, giảng dạy và làm việc. Bà không đi thêm bước nữa nhưng cũng hiếm khi về thăm tôi. Đều đặn mỗi năm một lần, trước sinh nhật một tuần mẹ tôi sẽ bay về Việt Nam và ở lại trong sáu ngày. Đó cũng là dịp duy nhất trong năm tôi và mẹ trò chuyện với nhau. Những ngày còn lại nếu tôi nhớ mẹ ư? Đơn giản thôi, số nghiên cứu khoa học hay sách đề tên bà đủ cho tôi đọc đến mức có thể quên đi chính mình nữa là nỗi buồn tầm phào trẻ con kia.
Cũng từ năm bảy tuổi những ngày không có ai trông nom chăm sóc, bố đưa theo tôi lên giảng đường. Thường thì tôi có một bài toán rất khó bố giao mà giải cả ngày chẳng xong, hoặc một thế trận cờ vua đi kiểu gì cũng bại. Những thứ đó dần già chẳng đủ sức giữ chân tôi. Tôi theo lên những lớp bố dạy, yên tĩnh ngồi một góc cuối phòng học. Gần như tất cả các trang giáo án, các bài thuốc, các nội dung giảng dạy của bố tôi đều thuộc không sót một chữ. Nếu chán quá tôi sẽ bỏ qua lớp khác, lại bắt đầu vòng lặp "lắng nghe" - "thuộc làu" - "tìm lớp khác". Các giảng viên trong trường không ai không biết mặt tôi nhưng cũng chẳng ai buồn đuổi. Một phần vì quen biết bố, một phần vì tôi khá yên tĩnh mà so ra, so với một con ong con muỗi trong lớp có lẽ cũng chẳng chênh lệch nhiều.
Bà nội mở một tiệm thuốc đông y lớn trong thành phố, đã truyền tới thời thứ ba. Tiệm thuốc theo gia đình từ suốt những ngày chống Pháp, chống Mỹ rồi đến lúc hoà bình lập lại, nức tiếng xa gần. Bà tôi là một người hồn hậu, người xa tới bốc thuốc thì khen ngợi, người ở gần bệnh liệt giường thì bà tới tận nơi, ai nấy nể trọng giữ lễ. Ngày bé tôi không có búp bê quần áo sặc sỡ, bố mẹ chỉ mua sách đủ loại. Những ngày nhàm chán tôi lẻn xuống tiệm thuốc của bà, len lén trộm kỷ tử, đại táo hay cam thảo ăn một mình. Cũng có khi giả vờ gõ cộc cộc vào từng ô thuốc, thử đoán xem là gì phía bên trong. Tôi đương nhiên biết thừa, chỉ có điều tưởng tượng ra có thêm một người không biết để chơi cùng thì sẽ vui hơn. Lớn thêm chút nữa tôi học được chút kỹ thuật bắt mạch. Khi chân bà yếu tôi cũng được phép đi theo, cùng bà tới thăm những bệnh nhân ốm nặng. Trong mắt mọi người tôi là đứa trẻ thông minh hiểu chuyện, tương lai nhất định kế nghiệp gia đình, chữa bệnh cứu người, hành y tích đức.
Vốn dĩ tôi cũng nghĩ vậy.
Năm tôi mười bảy tuổi, bố tôi gặp scandal(1) tình ái với sinh viên của mình. Điều quan trọng là cô gái kia chỉ hơn tôi đúng một tuổi. Khoảnh khắc nhận được tin ấy bầu trời trong mắt đứa trẻ mười bảy tuổi là tôi vỡ vụn. Tượng đài người cha vĩ đại trong bấy lâu nay nứt toác ra rồi đổ sụp xuống, phủ lên vạn vật xung quanh tôi một màu xám mịt mờ. Tôi xé giấy đăng ký dự thi vào Y học cổ truyền, lựa chọn một trường bất kỳ khối ngành Kinh tế. Cũng năm đấy tôi trở thành á khoa đầu vào Ngoại thương. Tôi hoàn thành chương trình học trong ba năm thay vì bốn năm tiêu chuẩn. Tôi dành hết thời gian trên trường, không về nhà, không gặp bố. Tất cả những tín chỉ có thể đăng ký tôi đều đăng ký hết, kể cả mùa hè, kể cả học vượt. Tôi trốn tránh mọi thứ mà thực lòng kể cả không trốn tránh, bố hay mẹ cũng chẳng bao giờ tìm đến tôi. Tôi hoàn toàn tự lập.
Năm hai mươi ba tuổi, tôi đã chiến đấu với trầm cảm được năm năm. Một trong những lý do tôi thường xuyên ngất xỉu có thể tới từ tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc an thần trong thời gian dài. Không một ai trong gia đình hay biết chuyện tôi đã đăng ký hiến toàn bộ tạng, kể cả tóc, chẳng mảy may buồn giữ lại bất kể thứ gì cho riêng mình. Điều duy nhất giữ tôi lại với cuộc sống là mỗi giây mỗi phút đều cố gắng để mình có thể sống hạnh phúc bên bà nội. Nhìn bà nội hiền từ mỉm cười, nhìn bà mỗi tối đều chờ tôi ở cửa về ăn cơm. Rồi cuối cùng bà cũng đi mất. Cái đêm tôi bị rơi vào khoảng thời gian vô định này, đêm mà tôi bước từ trong quán bar ra, vốn dĩ tôi đã chọn một bộ quần áo thật đẹp, cẩn thận ra salon làm tóc, tôi muốn mình ra đi với tư thế xinh đẹp nhất, rạng rỡ nhất, vậy mà mọi chuyện cuối cùng lại thành ra dở khóc dở cười như bây giờ.
Người ta mong chờ gì ở một kẻ trầm cảm chứ?
Phải chăng là kẻ ủ dột, lầm lũi, khóc than và nấp nơi góc phòng suốt cả một ngày?
Tôi không nghĩ như vậy.
Mỗi ngày đối với tôi đều là một thử thách. Tôi không có mục đích to lớn gì cho cuộc đời. Tôi cảm thấy rằng mình sống trên cuộc đời này, đến và dạo chơi quanh một vòng, tận hưởng tất cả những gì xinh đẹp nhất. Nếu một ngày chẳng còn điều gì tuyệt vời níu tôi ở lại nữa thì tôi sẽ rời đi, vậy thôi.
Tôi bốc đồng và không e sợ, cũng chẳng mấy thiết tha cuộc sống của mình. Nếu phải chết, ừ thì cách ra đi bằng cách cứu sống một người khác thế này cũng được tính là ngầu đét so với dự tính ban đầu.
Nhưng đời không bao giờ như tưởng tượng...
***
"Đam! Đam!"
Tôi nghe tiếng gọi liền he hé một mắt ra nhìn. Ánh dịu nhẹ chen vào giữa hai hàng mi, làm rõ dần gương mặt anh tuấn trước mắt. Một người đàn ông điển trai với vết sẹo chém dài trên má trái, là Đô chỉ huy sứ Lịch Vũ. Tôi khẽ cử động, toàn thân lần nữa lại dấy lên cảm giác quay cuồng, khó thở. Trong người như xuất hiện dòng điện chạy dọc sống lưng, kéo theo cơn đau từ gan bàn chân lên đến tận não. Tôi không nhịn được liền "a" lên một tiếng. Lịch Vũ cẩn trọng quan sát, phát hiện tôi có ý muốn ngồi dậy liền đỡ tôi, dùng giọng trầm trầm, bảo:
"Không cần vội, từ từ, từ từ."
Tôi tựa lưng vào thành giường, thở hắt ra. Cả miệng khô khốc đến mức chẳng thể nói lời nào. Vừa lúc Bạch Vỹ đi từ ngoài tới, thấy Lịch Vũ đang đỡ tôi y chạy lại gần, mau miệng:
"Đô chỉ huy sứ, để tôi."
Bạch Vỹ là người hầu cận bên cạnh chúa thượng, còn chưa đợi tôi nói lời nào đã biết lấy một bát nước cẩn thận bón từng muỗng. Bảo sao Vỹ được trọng dụng, thân tín suốt bao nhiêu năm trời.
Thấy mọi người lo lắng cho mình tôi chỉ biết gắng gượng ngôig thẳng dậy, cười trừ:
"Tôi khoẻ mà. La Đạc thế nào rồi?"
"Còn dám hỏi cho La Đạc. Anh ta bây giờ ít nhất còn khoẻ hơn ngươi!"
Xác định được nỗi băn khoăn duy nhất của mình được giải toả, tôi thở phào thành tiếng. Đến lúc này tôi mới phát giác điều bất thường! Lều này là lều của tôi, ở hướng chính đông, dựa theo góc độ nắng hắt vào thì rất có thể... đã qua ngày mới rồi?
Tôi thất kinh nhìn xuống bên dưới, may thay y phục trên người vẫn còn nguyên. Nhưng cho dù là vậy đi chăng nữa thì ai dám đảm bảo việc tôi là nữ chưa bị lật tẩy chứ? Tôi tự trấn an mình, giả vờ rất tự nhiên hỏi Bạch Vỹ:
"Sau khi tôi ngất đi mọi chuyện là thế nào vậy?"
"Ngươi hút độc xong thì ngã vật ra, chân tay dạng như hình chữ "Đại" (2). Sau đó quân y đã cho thuốc uống, ngươi ngủ liền hai ngày rưỡi rồi."
Bạch Vỹ xếp xếp chăn phía sau thành một nơi êm ả cho tôi dựa vào. Nếu tôi còn an toàn nằm ở đây vả lại chẳng ai đả động gì thì hẳn là thiên cơ chưa lộ. Thấy tình trạng tôi khá khẩm hơn, Lịch Vũ đứng dậy ra hiệu cho Vỹ chăm sóc tôi rồi toan rời đi. Thấy tôi len lén nhìn về phía lều lớn với vẻ mặt sợ sệt, y an ủi:
"Vẫn lo lắng việc đắc tội với chúa thượng sao?"
Thà đừng nhắc đến chứ một khi nói ra tôi lại càng sợ hãi, chỉ biết mím môi gật đầu.
"Chúa thượng không nói rõ ngươi phạm tội gì, chỉ bảo tính tình cần rèn giũa lại. Dù gì cũng lấy công chuộc tội, tha cho ngươi một mạng."
Năm từ "tha cho ngươi một mạng" khiến hai khoé miệng đang trề xuống của tôi dần dần kéo lên rồi đổi thành một nụ cười tươi rạng rỡ. Dù trăm hoa đua nở lúc này cũng chẳng sánh bằng niềm hạnh phúc lớn lao kia. Tôi đã bảo rồi, người tốt như tôi làm gì có chuyện kết cục không có hậu chứ?
Tôi còn chưa kịp đắc ý được mấy hồi, dường như không thể chịu đựng nổi bộ dạng toe toe toét toét kia nữa, Lịch Vũ tiếp lời:
"Duy chỉ có điều chúa thượng thấy ngươi rảnh rỗi quá nên sinh chuyện, bảo sau khi khỏi bệnh thì phạt giữ ngựa hai tháng!"
Tôi không tin vào tai mình, "Hả" một tiếng rõ to, cằm tưởng như rớt xuống tận đầu gối.
"Đô chỉ huy sứ, khoan đã, tại sao Đam phải đi chăn ngựa?" - Dù biết rõ câu trả lời nhưng tôi vẫn ỉ ôi van vỉ. Chăn ngựa ư? Đời thuở nhà ai đã làm thư đồng cực khổ lắm rồi nay bỗng dưng bị giáng xuống thành chăn ngựa?
"Đắc tội với chúa thượng mà ngươi vẫn còn cái mạng đi chăn ngựa, còn chưa cảm tạ trời đất hay sao?" - Bạch Vỹ xéo sắc đắp lời, ấn cả tô nước vào miệng tôi.
Tôi nào dám trái thánh ý, chỉ là lần đầu tiên bị phạt ở thời phong kiến nên khó tránh cảm thấy bất công. Nếu lúc này còn cứ mặc cho nước chảy bèo trôi thì chỉ e sẽ ngày một bị đàn áp. Dùng vẻ ngoài lương thiện nhất có thể cùng đôi mắt ầng ậng nước, tôi hỏi Lịch Vũ:
"Chuyện làm sai Đam tình nguyện chịu phạt, chỉ là không biết có thể vẫn hầu hạ người như thư đồng được không?"
Lịch Vũ dừng một lúc nghĩ ngợi rồi gật đầu:
"Vất vả cho ngươi."
Nhìn như thế nào thì cũng là một người hầu tận trung với chủ, chăm chỉ tháo vát, không quản nặng nhọc sẵn sàng một lúc gánh hai việc. Còn lâu nhé! Tôi thừa biết rằng nếu trở thành kẻ chăn ngựa thì cả đời này đừng mong có ngày ngóc đầu lên. Thà rằng trước mắt cứ chịu phạt, vất vả một chút biết đâu sau này có ngày trở mình? Làm thư đồng của Lịch Vũ đồ ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn. Chưa kể y trong doanh trại này cũng coi như đức cao vọng trọng, nương nhờ y chỉ có lợi chứ không có hại. Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, khổ trước sướng sau thế mới giàu!
***
Ba ngày sau tôi khỏi hẳn, chuyển xuống đi chăn ngựa. Công việc chân tay cũng giúp bộ não vốn nhỏ bé của tôi được thảnh thơi phần nào. Trăm hay không bằng tay quen, qua mươi mười lăm ngày tôi đã sắp thành một tay chăn ngựa thứ thiệt. Ở chuồng ngựa người cai quản chính là chú Túc và đôi ba người nữa phụ việc vặt linh tinh, đôi khi thêm cả lính tráng phạm tội thì đều ở đây phục dịch. Dù ở nơi tiền tuyến song chưa động binh đao, trên dưới toàn trại chỉ hăng say luyện tập chờ thời cơ tác chiến nên công việc của tôi cũng chẳng có gì đáng kể. Cho ngựa ăn, tắm cho ngựa, dọn chuồng, cắt móng... Đại để là thấy gì làm nấy nhưng được cái tôi dáng nhỏ con lại vừa ốm dậy, cũng coi như có công cứu người, bên trên là "ô dù" cự phách mang tên Lịch Vũ nên cũng chỉ được giao mấy việc đơn giản ít tốn sức.
Những lúc rảnh rỗi thì tôi mê nhất là cắt bờm ngựa. Theo tiêu chuẩn thì phía trước cắt trên mắt, phía sau cắt ngắn còn độ ba phân là vừa đẹp nhưng như thế chẳng phải nhàm chán lắm sao? Làm gì có người "thợ cắt tóc" nào lại tự bó buộc khuôn khổ của cái đẹp chứ? Thế là tôi bắt đầu vận dụng khiếu thẩm mỹ của mình lên mấy con ngựa. Con nào lông dài tôi sẽ mạnh dạn để hai mái, con nào lông lệch thì triển khai theo tỉ lệ 7:3 hoặc mái chéo, nếu chẳng may hụt tay thì tôi sẽ nhanh trí sửa thành đầu cắt moi vô cùng phóng khoáng. Nếu có ai khác nhìn vào chắc cũng không hề biết việc xấu tôi làm, cùng lắm chắc chỉ nghĩ là một kẻ vụng về nhưng nhiệt huyết mà thôi.
Ngoài việc cắt bờm tôi còn kiêm cắt cỏ. Ban ngày ngựa được thả ngoài bãi nhưng đang là lúc mùa đông, tuyết lại vừa tan hơn nữa đây còn là ngựa chiến, bất kể lúc nào tấn công trại Phù Lan thì ngựa chiến cũng phải ở trong thể trạng tốt nhất. Vì vậy vừa chăn ngựa tôi vừa phải dành thêm thời gian đi tìm cắt cỏ mang về. Lựa chọn số một là cỏ tương, bằng không thì có gì cắt nấy. Vốn chỉ biết học hành sách vở lại không phải con nhà nông, qua gần chục ngày tôi mới thành thục cách dùng cuốc và liềm. Dù trầy xước chút ít nhưng còn đủ mười ngón tay xem ra đã là thành công mỹ mãn.
Ban ngày phụ việc ở trại, ban đêm tôi lại tới hầu Lịch Vũ đọc sách, dọn dẹp giặt giũ, mài mực giúp y. Mực viết thời đại này là mực Tàu, được đông đặc thành những thỏi mực, khi cần mực để viết thì bôi một chút nước lên đầu thỏi rồi chà đều tay trên nghiên mài. Thường thì Lịch Vũ đọc sách hay luyện chữ trong khoảng một canh giờ còn tôi có hai lựa chọn: hoặc là vừa mài mực vừa ngáp, hoặc ôm chân bàn ngủ luôn chừng nào Lịch Vũ cần gì sẽ gọi tôi sai bảo. Được cái dù vất vả nhưng tôi ít phải gặp gỡ giao lưu với ai, bình an mà sống, đúng là cuộc đời trong mơ.
Chớp mắt đã mấy tháng trôi qua, Phù Lan bước sang mùa xuân, thời tiết ấm áp hơn hẳn. Như thường lệ tôi đứng cạnh Lịch Vũ mài mực, thi thoảng cắt bớt bấc nến cho đỡ cháy khét. Dưới ánh sáng vàng ươm như mật ngọt, Lịch Vũ chăm chú viết, nét mặt ôn hoà. Từ góc này không nhìn thấy vết sẹo lớn trên má trái mà chỉ có sống mũi cao thẳng tắp, Lịch Vũ trở nên đặc biệt hiền lành trầm tĩnh. Tôi nhìn ra xa xăm, bắt đầu hồi tưởng lại đêm đầu tiên tới trại, nhìn Lịch Vũ bây giờ rồi lại ghép với hình ảnh y một đao cắt đầu người không hề chớp mắt, bất giác toàn thân nổi da gà.
"Đam, về lều đi. Hôm nay muộn rồi." - Lịch Vũ thổi nhẹ tờ giấy cho mau khô, không ngẩng lên mà chỉ nhẹ nhàng bảo tôi.
"Dạ..." - Tôi ngơ ngác đặt thỏi mực xuống. "Bẩm Đô chỉ huy sứ, hôm nay mới được nửa canh giờ."
Lịch Vũ đặt tờ giấy lên bàn, phẩy tay:
"Mang vào đây cho ta một chậu nước ấm."
Tôi lui ra, lấy thau đồng rồi đổ nước sôi vào, cẩn thận pha thêm nước lạnh, nhúng thử tay kiểm tra, nhiệt độ ấm hoàn hảo mới đặt thêm một khăn khô bên cạnh rồi mang vào lều. Lịch Vũ đi xuống, tôi nhanh nhảu:
"Để Đam giặt khăn cho người."
Lịch Vũ đi thẳng về phía này, ấn cả hai tay tôi vào chậu nước. Tôi hơi bất ngờ đến nỗi suýt bổ ngửa ra sau nhưng biết Lịch Vũ không có ác ý nên răm rắp nghe theo, ngồi xuống bên cạnh. Y bảo tôi ngâm tay hồi lâu trong nước ấm, cuối cùng đưa cái khăn khô cho tôi thấm tay vào, hỏi:
"Công việc ở chuồng ngựa vất vả lắm sao?"
Lúc này tôi mới hiểu ý. Hoá ra trong lúc mài mực Lịch Vũ đã thấy tay tôi chỗ nào cũng trầy xước rớm máu nên mới bảo đi lấy nước ấm ngâm tay. Tôi cười toe toét đáp lại:
"Dạ bẩm không vất vả. Đam đã quen việc rồi ạ."
Lịch Vũ làm ngơ, đi vòng lên phía bàn lấy một chai thuốc bột màu trắng đục rồi đi lại phía tôi, giọng trầm trầm:
"Chắc gia cảnh nhà ngươi cũng không tệ?"
Tôi gật đầu:
"Cũng xem như là có của ăn của để."
"Có bao nhiêu anh chị em?"
"Chỉ có mình Đam ạ."
Lịch Vũ vừa đổ một ít thuốc, chấm chấm lên bàn tay cho tôi vừa ân cần hỏi:
"Ngươi đến từ nơi nào của Đại Cồ Việt? Giọng nói của ngươi rất khác."
Tôi chần chừ hồi lâu, không biết trả lời sao cho phải. Nghĩ ngợi một lúc tôi nhỏ giọng đáp:
"Đam là người của Đại Cồ Việt, đã, sẽ và luôn là con dân Đại Cồ Việt. Giọng nói lạ có lẽ là phương ngữ, nơi Đam sống cách rất xa nơi này mà thôi."
"Rất xa là bao xa?" - Lịch Vũ bôi thuốc lên những vết thương hở và cả những vết thương vừa lành của tôi, dùng giọng đều đều hỏi.
Tôi phì cười:
"Xa đến độ người sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng ra."
Nét mặt Lịch Vũ giãn ra, y đùa:
"Đại Cồ Việt này làm gì có nơi nào mà ta chưa từng đặt chân đến?"
Hiếm khi thấy Lịch Vũ vui vẻ như vậy, tôi buột miệng:
"Xa chứ. Đam đến từ Đại Cồ Việt của một nghìn năm sau."
Lịch Vũ bị bất ngờ, ban đầu chỉ tròn mắt nhìn tôi rồi cuối cùng phá lên cười thành tiếng. Thấy phản ứng của y cộng thêm cũng biết mình vừa trả lời rất ngớ ngẩn, tôi cũng ha hả cười theo một cách mất kiểm soát. Tự mình nói ra còn chẳng dám tin huống hồ người khác. Nhưng bát nước hắt đi rồi cũng không lấy lại được, tôi nhanh trí mượn nước đẩy thuyền, hỏi:
"Haha...ha.. Vậy thì bây giờ thế này, người nói Đam nghe tên của chúa thượng, Đam sẽ kể cho người chuyện của tương lai."
"Muộn rồi, về ngủ đi." - Lịch Vũ đậy nắp lọ thuốc, đứng lên toan quay đi. Tôi biết rõ nếu vụt mất cơ hội này thì chỉ e khó có ngày biết được mình đang sống ở thời vua nào bèn quả quyết:
"Không! Xin người hãy tin Đam. Chuyện này sẽ là bí mật Đam mang xuống dưới mồ. Chỉ người và Đam biết, người thử nghe một lần xem sao?"
Lịch Vũ cười mỉm:
"Nói tên chúa thượng là phạm huý, vậy nếu ngươi chẳng có tin gì cho ta thì sao?"
"Chỉ e rằng sau khi biết tên chúa thượng còn có nhiều chuyện hơn để người đe doạ Đam."
Vẻ mặt Lịch Vũ đầy hoài nghi nhưng cuối cùng y vẫn ngồi xuống, tiến gần sát với tôi, gằn từng tiếng bằng giọng rất nhỏ:
"Vậy thì ta nói cho ngươi biết, chúa thượng(3) họ Lê, tên Long Đĩnh!"
Vốn dĩ tôi còn đang vui mừng vì cuối cùng cũng biết mình đang sống ở thời kỳ nào nhưng ba từ "Lê Long Đĩnh" đã khiến cho nụ cười trở nên méo xệch rồi tắt hẳn.
Lê Long Đĩnh...
Lê Long Đĩnh chẳng phải là vị vua tàn ác nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử với tích róc mía trên đầu sư, là người sẽ chấm dứt triều đại Tiền Lê đấy sao? Triều đại Tiền Lê là hơn một nghìn năm trước. Tin nổi không? Trời ơi, là một nghìn năm!
"Vậy hoá ra..." - tôi quay người sững sờ nhìn Lịch Vũ, môi run lắp bắp - "Lý Công Uẩn đang ở đâu?"
Lịch Vũ chau mày, mặt biến sắc:
"Ngươi biết Điện tiền quân?"
Đại Việt Sử ký Toàn Thư chép:
"Ngoạ Triều Hoàng Đế: Tên huý là Long Đĩnh, lại có tên là Chí Trung, con thứ năm của Đại Hành, ở ngôi 4 năm, thọ 24 tuổi (986-1009) băng ở tẩm điện. Vua làm việc càn dỡ giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng tàn bạo, muốn không mất nước sao được?"
...
"Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: "Nó không quen chịu chết". Vua cả cười. Phàm đánh trận, bắt được quân địch vua cho áp giải đến bờ sông. Lúc nước thủy triều rút xuống thì sai làm cái chuồng dưới nước, rồi đuổi tù binh vào trong chuồng. Khi nước thủy triều dâng lên, tù binh ngộp hơi thì hả miệng ra rồi uống nước mà chết. Lại bắt [tù nhân] treo lên cây cao rồi sai người ở dưới chặt cây. Có khi vua đi chơi ở sông Chi Ninh, sông có nhiều thuồng luồng, bèn trói người ở một bên ghe, rồi cho ghe qua lại ở giữa dòng nước, khiến cho thuồng luồng nó sát hại đi. Còn phàm những con vật (nuôi để cúng tế) đem cung cấp cho nhà bếp, trước tiên phải sai người khiên vào để tự tay vua đâm chết đã, rồi sau mới giao cho người nấu bếp. Lại khi, nhà vua đặt mía trên đầu bậc tu hành là đức Tăng thống Quách Mão mà róc, rồi giả vờ sút tay dao phập vào đầu Quách Mão chảy máu ra, vua cười rầm lên. Hoặc đêm đến vua sai làm thịt mèo để cho các tước vương xơi. Ăn xong vua đem đầu mèo bày ra, các tước vương đều mửa thốc mửa tháo. Mỗi khi đến buổi chầu thì sai những tên hề ra nói leo lẻo luôn mồm để làm khỏa lấp lời những ai bẩm bạch về việc gì. Lại thấy kẻ giữ cung làm món chả thì đến cùng người tranh nhau mà ăn..."
Chú thích:
(1) scandal: vụ bê bối.
(2) Đại: (大) to, lớn.
(3) chúa thượng: (主上) vua, thiên tử.
Chú thích từ tác giả: Đây là cách gọi thời Đinh - Tiền Lê dựa trên sử liệu Toàn thư ghi chép lại. Có thể thấy rõ ở thời kỳ này vua được gọi là "chúa thượng".
Đại Việt sử ký toàn thư chép:
Canh Thìn, [Thái Bình] năm thứ 11 [980],
"Bấy giờ, Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cư Lạng làm đại tướng quân. Khi [triều đình] đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, [10a] nói với mọi người rằng: " Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn". Quân sĩ nghe vậy đều hô "vạn tuế".
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]