🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Khi lão Phó kể đến đây, anh ta đã phải cầm chiếc gạt tàn cỡ nhỏ đem ra ngoài đổ đi mấy lần, bao thuốc đã sắp hết. Lão Phó lại châm điếu nữa, rồi nói: “Thực ra, những chuyện này đều do cha tôi kể cho mẹ tôi biết; khi cha tôi đi thì tôi vẫn còn bé chưa hiểu gì, ông dặn mẹ tôi sau này phải cho tôi biết chuyện. Các chuyện phía trên, tôi cho rằng cũng bình thường thôi, nhưng những chuyện sau đây, một phần là do mẹ tôi kể lại, ngoài ra là từ bức thư mà cha tôi để lại. Tất nhiên tôi phải thanh minh trước rằng tôi không biết những nội dung trong đó là thật hay không. Riêng tôi thì tôi không tin.”

Ông già Phó (tức cụ nội của lão Phó) buôn bán dược liệu ở thị trấn được hai năm, vào ngày tết Đoan Ngọ[1] của năm thứ ba, ông ở nhà trông coi cửa hàng, đến tối chuẩn bị đóng cửa, thì ông thầy thuốc nói rằng ông đưa một người họ hàng xa của ông già Phó đến chơi. Ông già Phó nhìn người ấy, và nói mình không nhận ra là ai. Người ấy lập tức ngắt lời và bảo ông thầy thuốc cứ về đi. Sau đó người ấy ngồi xuống và đưa ra một tờ đơn thuốc cho ông già Phó, nói là mình muốn mua thuốc. Ông già Phó cầm đơn thuốc lên xem, không hiểu là gì. Tuy đã kinh doanh dược liệu hai năm nhưng ông mù chữ vẫn là mù chữ. Ông chỉ có thể nghe tên các vị thuốc và đưa ra đúng vị thuốc ấy; khi có khách hàng cầm đơn thuốc đến, ông đều phải nhờ một nhân viên vốn làm nghề dạy học đọc hộ, sau đó ông bốc thuốc, hoặc phải mời ông thầy thuốc đã kê đơn đến cửa hàng mà lấy thuốc.

[1] Mồng 5 tháng 5 âm lịch.

Và đang định đóng cửa hàng, nên ông già Phó nói rằng lúc này bốc thuốc không kịp, người nhân viên biết chữ thì đã ra về. Vị khách này bèn nói mình cần gấp, và còn cười ông già Phó chê tiền không thiết bán hàng hay sao? Nhìn nét cười này, ông già Phó sửng sốt, rồi ông nhận ra: người này là anh chàng khoác túi bị mình đâm chết cuối cùng trong vụ cướp năm xưa. Khuôn mặt anh ta dường như không thay đổi, lẽ ra, sau mấy năm trời thì phải khác đi mới đúng. Ngày ấy chính ông đâm chết anh ta, nên ông nhớ rất rõ.

Ông già Phó nghệt ra như người chết rồi, mồ hôi toát ra ướt hết lưng, nghĩ bụng “thế là hết, chắc là hắn biến ra ma trở về báo thù”, ông bèn co cẳng chạy ra ngoài. Người ấy liền đuổi theo và ra sức gọi, nhưng ông già Phó đã không nghe thấy gì hết. Cho đến lúc đã rất tối, ông nghĩ bụng cả nhà vẫn còn đó, nếu mình bỏ đi thì chẳng ra sao, trở về thì cũng rất sợ, ông bèn rủ một người quen ở thị trấn về cùng, người này vốn làm nghề lên đồng trừ tà trừ ma; nhưng ông không nói rõ lý do, sợ ông ta biết mình từng can tội giết người. Về đến nhà thì người kia đã đi nhưng để lại cái đơn thuốc và cả tiền nữa, dặn lại rằng ngày mai sẽ đến để lấy thuốc.

Ông già Phó ngồi phịch xuống ghế, bắt đầu suy nghĩ xem nên xử trí ra sao. Ông lại nghĩ, hay là mình nhớ nhầm? Trên đời này thiếu gì người trông hao hao nhau, gã kia thì đã chết rồi, người khách này đến cửa hàng vào lúc trời chưa tối, nếu là ma thật thì đâu có thể xuất hiện giữa ban ngày? Ông cầm tờ đơn thuốc lên nhìn, rồi đưa cho “ông bạn trừ tà ma” xem xem có nhận ra những chữ viết trong đó không. Ông thầy trừ tà ma nhìn mãi hồi lâu cũng không sao đọc nổi, nhưng ông ta lại bị thu hút bởi những thứ in phía sau tờ đơn thuốc. Ông ta nói rằng phía sau vẽ những bùa chú. Ông già Phó hỏi là bùa gì, ông ta đáp đó là bùa trừ ma quỷ, chắc chắn là thế, vì ngày trước đi giang hồ cùng với sư phụ, ông đã nhìn thấy sách của sư phụ vẽ rất nhiều bùa chú tương tự. Ông thầy trừ tà ma này chỉ là hạng mù mờ dở ông dở thằng không thạo cái gì, chỉ chuyên lòe bịp thiên hạ, tuy nhiên, về bùa chú thì ông ta có nhớ. Bùa chú in trên sách khác với bùa chú mà ông hay vẽ cho khách hàng, hoặc ngược chiều với các thứ bùa chú thường thấy.

Ông già Phó càng nghĩ càng thấy không ổn, ngay đêm hôm đó ông gọi cả nhà thu xếp chuẩn bị để đi. Nào ngờ bà già Phó quyết không chịu đi, nói rằng cả đời di chuyển thế này thì bao giờ mới yên? Lần này bà nhất định ở lại. Ông già bí quá, đành thấp thỏm ở lại qua đêm. Sáng hôm sau người nhân viên đến, ông bảo người ấy đọc xem tờ đơn thuốc viết những gì; nếu người khách kia không phải là ma, thì nhận thuốc rồi sẽ đi. Người nhân viên bèn đọc và cho biết đó là tên bốn vị thuốc bắc: khổ đậu thảo, tử náo sa, dương trịch trục và hồng nương trùng.

Kể đến đây, lão Phó nói: “Cậu đã biết tại sao tôi đuổi theo đến đây rồi chứ? Nhưng đó mới chỉ là một nguyên nhân trong đó. Cụ nội tôi không thấy người khách đáng ngờ kia quay lại lấy thuốc, nên cụ sợ sau này sẽ có chuyện gì đó, bèn cất giữ tờ đơn thuốc thật kỹ. Nhưng các cậu cũng biết rồi: là tờ giấy thì bền làm sao được, cho nên cụ nội tôi nhờ người vẽ lại các thứ trông tựa bùa chú, cứ sau vài năm lại vẽ lại để tiếp tục bảo quản, cứ thế nó tồn tại cho đến ngày nay.

Khi ông nội tôi lên mười tuổi thì cụ nội tôi bỗng bỏ nhà ra đi, đi đâu không rõ. Chỉ biết, trước khi đi, cụ nói rằng đi tìm người nào đó, và dặn dò ông nội tôi hãy giữ gìn cuốn sách chu đáo, nguyên vẹn; nếu ông nội tôi về già sắp chết mà vẫn chưa thấy tin tức về cụ, thì ông nội tôi phải giao cuốn sách cho thế hệ sau bảo quản. Thực tế là, khi cha tôi lên mười tuổi thì ông nội tôi cũng để lại những lời như thế, sau đó bỏ nhà ra đi. Những năm gần đây, cha tôi cũng bỏ đi, đi đâu thì không rõ...”

Kể đến đây, lão Phó nhìn tôi và Mông Nhân, rồi lắc đầu nói: “Tôi thật sự không biết cuốn sách ấy viết những gì, nhiều năm qua tôi đã photo một số đoạn rồi nhờ người cầm đi hỏi các vị học giả nhưng họ đều không thể kết luận điều gì, nó gần như vô nghĩa. Vì chữ viết trong đó rất hỗn loạn, chữ thuộc về mấy thời đại. Chỉ có các vị sưu tầm đồ cổ nói rằng cuốn sách đó rất đáng giá, ít ra đáng vài trăm ngàn hoặc một triệu nhân dân tệ, nhưng cha tôi đã dặn lại rằng đáng cả chục triệu cũng phải giữ lại, cấm không được bán. Cha tôi đã đi ngần ấy năm trời không có tin tức gì, còn tôi thì quá ư mệt mỏi, tôi rất muốn bán quách đi cho xong, chứ để lại thì cũng vô ích, cha tôi sẽ không bao giờ trở về.”

Lão Phó nói xong, tôi bật đèn pin để soi cho rõ, rồi cùng Mông Nhân lật giở cuốn sách thử nhìn một lượt. Mông Nhân giỏi hơn tôi chút ít, anh ta đọc hiểu đại khái chương một, nói về những cơ quan chức năng của cơ thể người; các chỗ khác viết về gì thì chịu, nhưng có thể sơ bộ nhận ra rằng chương một cũng viết rất chắp vá lộn xộn.

Trước khi đi ngủ, lão Phó nói: “Tôi đoán rằng hình như hiện nay Dương Sạn cũng liên quan gì đó đến chuyện này, hoặc ông già kia phải biết một số chuyện gì đó; hai cậu cũng thấy rồi đấy, ông già ấy hoặc là dở hơi hoặc là một tên lừa đảo, ông ta có quá nhiều sơ hở lộ liễu. Còn về Dương Sạn, tôi cứ cảm thấy... cái đầu anh ta đúng là có vấn đề, trông rất thật chứ không phải là giả vờ. Lúc tôi và anh ta cùng lên núi, khi nhìn thấy ông già thì anh ta xúc động rất mạnh rồi bước ra. Tôi định hỏi anh ta, nhưng thấy cả hai đều nói năng linh tinh, nên không thể khái thác được điều gì, tôi đành giả vờ rồ dại như họ vậy. Tôi thấy mình không ứng phó nổi bọn họ, và cũng không có ai đáng tin cậy, nên tôi mới gọi hai cậu đến đây.”

Ba chúng tôi bàn bạc một lúc, nhất trí rằng để ngày mai xem xem Dương Sạn và ông già kia làm trò khỉ gì đã, rồi tính sau; nếu có thể, sẽ trói gô Dương Sạn lại để hỏi, nếu ông già kia không phải nhà tu hành tôn giáo gì thì sẽ báo cảnh sát.

Sáng tinh mơ hôm sau, Dương Sạn đã chạy đến đánh thức chúng tôi, nói là buổi tu tập sáng sớm sắp bắt đầu, chúng tôi đành mắt nhắm mắt mở đi theo anh ta đến bên ngoài miếu. Dương Sạn chỉ những giọt sương bám trên bãi cỏ, nói đó là tiên lộ, bảo chúng tôi uống, coi như ăn sáng. Sau đó anh ta bắt đầu liếm láp rất say sưa, sương trên những ngọn cỏ xung quanh chúng tôi nhanh chóng bị anh ta liếm sạch... Trông bộ dạng Dương Sạn, tôi thầm nghĩ: chết thật, thằng cha này thật sự hết thuốc chữa rồi!

Ba chúng tôi cũng sà xuống bãi cỏ giả vờ liếm láp, sau đó giả bộ rất thỏa mãn, mỉm cười rất tươi nhìn Dương Sạn. Anh ta dường như cũng rất vui mừng, hỏi rằng: “Chắc các cậu không còn cảm giác đói nữa, và tinh thần cũng phấn chấn hơn hôm qua, phải không?”

Ba chúng tôi đều gật đầu nói: đã thấy rất dễ chịu, tinh thần sảng khoái không gì sánh bằng. Thực ra chúng tôi nghĩ bụng: đồ khốn nhà ngươi, nếu có cơ hội, sẽ tẩn cho ngươi một trận nên thân, sẽ ném ngươi xuống núi, để ngươi được đằng vân[2]!

[2] Cưỡi mây

Tiếp đó, Dương Sạn bắt đầu hướng dẫn chúng tôi đọc kinh thư. Điều này khiến tôi nhớ lại hồi học tiểu học và cấp II tập học thuộc lòng lúc sáng sớm. Nhưng trông vẻ mặt Dương Sạn “thành tâm” một cách rất ngô nghê, chúng tôi dẫu muốn nổi nóng cũng không làm nổi. Mình chẳng nên chấp kẻ ngớ ngẩn, và cũng vì lão Phó nữa, nên chúng tôi phải nén lại.

Khi Dương Sạn bắt đầu đọc câu thứ nhất thì ba chúng tôi thật sự đờ ra: quái dị thật, chỉ là Tam Tự Kinh[3] mà gọi là kinh thư ư? Sau một lát, Mông Nhân cũng sắp hóa rồ, và bắt đầu nhẩm “3,1415926...” Cứ thế, chúng tôi à ơi một hồi lâu. Tiếp theo, Dương Sạn bảo chúng tôi tọa tu. Tọa tu tức là tu tâm. Tu thân và tu tâm đều quan trọng như nhau. Lúc tu tâm thì phải để cho đầu óc mình bước vào cảnh giới minh tưởng gì đó... tu đến một giai đoạn nhất định thì có thể nhìn thấy thiên môn, nhưng chưa tiến vào.

[3] Một tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc, hình thức: văn vần, mỗi câu chỉ có “ba chữ”, rất nổi tiếng. Học trò tiểu học Trung Quốc đều được học trong chương trình ngữ văn, coi như nhập môn về cổ văn. (Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn...)

Minh tưởng à? Lát nữa ta sẽ ném ngươi xuống núi để ngươi đến thẳng minh giới[4] cho gọn!

[4] Minh tưởng: gạt bỏ mọi ý nghĩ, tựa như vô thức; Minh giới: chỉ âm phủ.

Thế rồi ba chúng tôi ngồi ở phía sau Dương Sạn, bắt đầu minh tưởng... Lão Phó cúi xem di động, Mông Nhân thì nghe MP3, còn tôi thì nhìn lên mái ngói đếm xem có bao nhiêu cái mạng nhện. Lúc này tôi chợt nhớ đến bài hát “Thằng khờ”, nó rất hợp để cho ba chúng tôi hát.

Minh tưởng được một hồi, thì nhân vật tối qua xách đèn bão (đệ tử của đường môn Thục Nam mà bậc tiền bối là Bộ Kinh Vân!) lò dò đến (để cho tiện, từ đây tôi gọi người này là Đèn Bão). Đèn Bão bước đến, nói: “A di đà Phật! Đại tiên mời các vị! Các vị hãy đi theo tôi.”

Hừ! Ngươi tu đạo, mà lại niệm A di đà Phật[5]? Lúc này Mông Nhân lại tha hồ phát huy, anh ta nói với Đèn Bão: “Tôi muốn hỏi điều này: tôi vốn là môn đồ của Giê-su, nếu tôi gia nhập môn phái của các vị e rằng bề trên sẽ không tha thứ cho tôi; ít ra ông ấy sẽ đến xử lý môn phái chúng ta. Mong đại tiên sẽ cứu giúp.”

[5] Người tu đạo, khác với tu hành Phật giáo; không thể tùy tiện pha trộn.

Đèn Bão lắc đầu nói: “Phái Giê-su, không đáng ngại. Pháp lực của ông ta chỉ bằng một nửa của đại tiên. Các vị theo tôi!” Tôi nhận ra hai mép Dương Sạn cứ giật giật, hình như định cười nhưng cố nén lại và chửi thầm gã khốn kiếp này đầu óc có vấn đề.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.