Sáng sớm, mặt trời lên đánh tan mây mù, trời quang mây tạnh, bầu trời xanh ngắt không một gợn mây. Tia nắng chiếu lên tường viện màu trắng. Gió thu hiu hiu, thổi bay vài giọt sương vẫn còn vương trên cành lá, vài giọt đậu xuống người đám học sinh đang đứng chờ dưới tán cây, chuẩn bị bước vào kì kiểm tra nhập học của thư viện. Học trưởng Trần Quỳ dẫn vài bạn học dán danh sách lên bảng, bước chân lên bậc thang cao nhất, xua tay ra hiệu cho những người đang nôn nóng chờ đợi giữ trật tự, cất cao giọng nói: "Mời các vị tới lấy thẻ dự thi của mình rồi dựa vào thẻ dự thi này để tìm được lều có số của mình trong trường thi, giờ Thìn bắt đầu tính giờ, muộn nhất là đến buổi trưa phải nộp bài." Trước trường thi người đông như kiến, mấy trăm học sinh trẻ tuổi người mặc quần áo mới tinh vây xung quanh Trần Quỳ. Thông báo dán trên bức tường đá xanh cũng bị đám người bâu lại kín mít, người phía trước khẽ đọc thông tin trên đó cho người bên cạnh nghe, người phía sau kiễng chân ngó vào nhìn. Mấy học sinh thấp bé nghe không rõ Trần Quỳ nói gì, vô cùng bực bội, muốn chen vào trong nhưng chen vào lại bị người khác đẩy ra, tức giận khẽ chửi mắng mấy câu. Đứng phía sau đám người chen chúc, Phó Vân Khải nghển cổ xem danh sách thi trên bảng, quay đầu lại thì thầm với Phó Vân anh, chặc lưỡi: "Làm y như thi thật luôn." hắn từng đưa mấy người anh họ trong tộc đi thi huyện thí, lúc ấy trước trường thi cũng không khác lắm so với cảnh tượng lúc này ở Giang Thành thư viện. Tuy nhiên huyện thí dù sao vẫn có nhiều quy định nghiêm ngặt hơn so với kì thi nhập học, giờ Mẹo một khắc đã bắt đầu vào bàn, đa phần học sinh sẽ đến sớm trước giờ thi. Quan phủ phái binh sĩ đóng trước cửa trường thi, kiểm tra thật cẩn thận giỏ đựng giấy bút và quần áo của thí sinh, có năm tra xét rất kỹ, thí sinh gần như phải cởi hết quần áo giữa đường. Giang Thành thư viện không làm kỹ càng đến thế, mười mấy thiếu niên tầm mười lăm mười sáu tuổi, người mặc đạo bào màu nguyệt bạch ngồi trước bàn kiểm tra, kiểm tra giỏ đựng đồ đạc tùy thân của thí sinh ra rồi chỉ dẫn cho bọn họ vào lều thi, không kiểm tra quần áo trên người họ. Phó Vân anh nhận thấy họ đối xử với thí sinh rất ôn hòa, tự nhiên bị người nhà thí sinh nào túm lấy hỏi cái này cái nọ cũng không nóng giận, mặt vẫn tươi cười nhẹ nhàng trả lời. Những thiếu niên đó là học sinh của thư viện, đã có thể viết được bài văn giải đề hoàn chỉnh, về cơ bản đã có thể tham gia huyện thí, phủ thí, viện thí, có khi trong đó có mấy người đã là tú tài. Ngoài ra còn có một nhóm học sinh nữa nhỏ tuổi hơn, đó là học sinh vào thư viện học từ lúc học vỡ lòng, bắt đầu từ Tứ thư Ngũ kinh học lên. Hôm nay là ngày thi nhập học, học sinh lớn của thư viện được cử đến giữ trật tự, đám học trò nhỏ thấy đông người nên đến chơi nhưng cũng nhất định đòi giúp đỡ liền được phân cho việc hướng dẫn cho thí sinh, dẫn bọn họ vào lều thi đánh số của mình sao cho đúng. "Mấy năm gần đây thư viện mới bắt đầu áp dụng hình thức này, trước kia có nhiều thí sinh thi kì thi định kì hằng tháng được hạng nhất nhưng tới khi thi tú tài lại không sao thi đỗ, các thầy hỏi ra mới biết người nọ vừa đến trường thi đã tim đập chân run, ngồi trong lều thi run rẩy không viết nổi chữ nào." Trần Quỳ lách qua đám học sinh đông đúc, đi tới trước mặt Phó Vân Khải và Phó Vân anh, mỉm cười giải thích với họ, "Sau này các kì thi của thư viện đều tổ chức theo kiểu này, có thẻ dự thi mới được vào trường thi, dùng lều thi cách biệt, sau khi vào trường thi không có việc gì gấp không được đi ra, cho tới khi nộp bài mới được ra khỏi lều. Luyện nhiều lần cũng can đảm hơn, đến lúc đi thật ít nhiều gì cũng đã quen hơn người khác." Triệu sư gia hôm nay chủ trì lễ hiến tế ở văn miếu với sơn trưởng Khương Bá Xuân, ông ta nhờ Trần Quỳ giúp đỡ Phó Vân anh. Trần Quỳ làm xong việc của mình mới tìm được thẻ dự thi của Phó Vân Khải và Phó Vân anh, đưa cho hai người, "Giữ cho cẩn thận, có cái này mới được vào bàn, lúc nộp bài thi phải trả lại thẻ cho mấy học huynh (học sinh hơn tuổi) đứng ở cửa." Trần Quỳ dáng người cao nên dễ dàng nhìn thấy tấm bản đồ dán trên bảng, xác định vị trí lều thi của hai người rồi chỉ về bên tay trái, "Hai người đi gặp đội bên trái kia đi." Hai người thưa vâng, cảm tạ hắn rồi xoay người bước về hướng thềm đá, đứng sau đám người đang xếp hàng rồng rắn. Thư đồng và gã sai vặt cầm theo một giỏ đồ tùy thân đi sau hai người. Vương Đại Lang sợ Phó Vân anh đói bụng, trong giỏ đặt một hộp đồ lớn toàn đồ ăn, đồ mặn thì có bánh nướng nhân thịt, ngọt thì có bánh hoa quế bột củ sen, nhưng sợ không đủ, thấy trong một ngõ nhỏ gần thư viện có bày mười mấy sạp bán hàng rong, có bánh bao rau, có bánh chưng, có hoành thánh, có bánh quẩy chiên, có cả hoa quế ngó sen và vịt muối, hấp háy mũi hít hít mấy cái rồi hỏi Phó Vân anh, "Thiếu gia, hay mua vịt bát bảo nhé? Cái đó ăn chắc bụng." Phó Vân anh chưa trả lời, chiếc quạt trong tay Phó Vân Khải đã gõ thẳng lên đầu Vương Đại Lang, cười mắng: "Ai đi thi còn ăn vịt bát bảo bao giờ? Ăn xong tay toàn dầu mỡ, làm sao cầm bút được?" Vương Đại Lang gãi đầu, hỏi tiếp: "Lều thi không có nước nóng, trời lạnh thế này, thiếu gia sức khỏe không tốt không được ăn lạnh uống lạnh, nếu muốn uống trà thì làm thế nào bây giờ?" Thằng nhóc này còn nhỏ, tính trẻ con, không biết làm thư đồng cho thiếu gia thì phải làm những gì, chỉ biết nghe cha mẹ dặn, nhất định không được để thiếu gia đói bụng, không được để thiếu gia lạnh, đặc biệt là nếu có ai bắt nạt thiếu gia thì nó phải là đứa đầu tiên nhảy tới trước mặt thiếu gia chắn đòn. Phó Vân Khải há miệng nhưng không biết phải nói gì, liếc nhìn hắn một cái, "Ngươi câm miệng! Nghe người dong dài ta đến ong cả đầu." Lần này hắn đi thi không có áp lực, thoải mái nhìn quanh tò mò hỏi, "Dương thiếu gia sao không thấy đến nhỉ?" Rồi hắn hừ một tiếng, "hắn cứ thích quấn lấy muội suốt, chẳng phải sáng sớm nay hắn đã tới nhà chờ muội cùng tới thư viện sao?" Giọng điệu giận dỗi của Phó Vân Khải đã thành công thu hút sự chú ý của Phó Vân anh, nàng khẽ trả lời, "Dương thiếu gia không cần thi." Năm nay số suất phụ khóa sinh không cố định. Trong mấy trăm học sinh tới dự thi, ba mươi người là chính khóa sinh, thứ hạng từ ba mươi mốt đến tám mươi là phụ khóa sinh, những người nộp tiền, đi cửa sau cũng tính là phụ khóa sinh, bởi vì có thể có nhiều người như thế nên thường thì tổng số học sinh được nhận mỗi năm không nhất định phải là một trăm người, thường là sẽ cao hơn. Sau đó sau mỗi lần kiểm tra giữa tháng, vài học sinh sẽ bị loại ra. Dương Bình Trung không thể nào trở thành học sinh bị loại giữa chừng, nên ngay cả kì thi nhập học cũng không tới. "Ặc!" Phó Vân Khải ưỡn ngực, mắt lộ ra vẻ khinh thường, "Hóa ra là suất nộp tiền." Phó Vân anh lườm hắn một cái, còn nói thế nữa, huynh thì không phải chắc! ... Đám người đi trước đi rất chậm, mãi rồi cũng đến lượt Phó Vân anh, nàng đi tới trước bàn đăng ký, đợi các học sinh ở đó kiểm tra giỏ đồ dùng của mình. Vừa lúc này một cũng tới lượt một nhóm thí sinh khác, một người cầm theo chiếc giỏ tới cạnh nàng chờ kiểm tra. Qua khóe mắt, nàng liếc thấy người bên cạnh có vẻ quen quen, quay đầu nhìn sang, hóa ra là người quen thật. Tô Đồng cảm nhận được ánh mắt của nàng, miệng hơi cong lên, mỉm cười với nàng, "Vân ca nhi." Phó Vân anh gật đầu chào hỏi, "Ngũ biểu huynh." Tô Đồng sẽ không vạch trần thân phận của nàng, hại người hại cả mình, hắn có quan hệ phức tạp với Phó gia, nếu không cẩn thận có khi lưỡng bại câu thương (cả hai bên đều thua, gặp tổn thương lớn). Hơn nữa, hắn chắc chắn không muốn tự nhiên lại đắc tội với Phó Vân Chương hay Phó tứ lão gia, còn cả lão già trẻ con Triệu sư gia nữa. Quan trọng hơn, Tô Đồng cần tiền, hắn không thể cứ dựa vào tiền của Phó tam lão gia mà sống như thế được, hắn cần phải nhanh chóng thoát khỏi Phó gia. Trước đó, hắn phải thật cẩn thận, không nhúng tay vào chuyện không liên quan đến mình, không nhúng mũi vào chuyện của người khác. Hai người đều hiểu trong lòng mà không ai nói ra, không nhìn nhau nữa. Lúc này, ở bàn thứ nhất bên trái, học sinh đang kiểm tra đồ đạc bỗng nhiên nhíu mày. Chủ nhân của chiếc giỏ này là một thiếu niên tầm mười ba mười bốn tuổi, thấy học sinh kia khựng lại, khuôn mặt hắn lập tức đỏ bừng, gân xanh trên trán nổi lên, lạnh lùng lên giọng: "Làm sao? Các ngươi không phải đã nói bút mực và nghiên mực có thể tự chuẩn bị sao?" Giọng nói của hắn hơi nặng, có vẻ không quen nói giọng Hồ Quảng. Học sinh kiểm tra hơi chần chừ nhưng vẫn không cho thiếu niên đi vào, đứng lên tới cạnh Trần Quỳ, thì thầm bàn bạc với Trần Quỳ mấy câu. Những thí sinh xung quanh đa phần tuổi còn nhỏ, đúng vào cái tuổi hiếu kỳ, thích nghịch ngợm, gây sự, thấy thế lại càng hứng thú, miệng ghé tai thì thào. "Có phải hắn định gian lận không?" "Nhìn kìa, chắc là bị phát hiện! Đáng đời! Đường lớn không đi, lại giở thủ đoạn hèn kém, xem về sau hắn còn dám học hành thi cử gì hay không!" Mặt thiếu niên càng lúc càng đỏ, nhìn xung quanh một lượt, ánh mắt lạnh như băng. Học sinh kia vẫn còn đang nói chuyện gì đó với Trần Quỳ, đám thí sinh đang xếp hàng giờ đã nhận định rằng thiếu niên ban nãy nhất định là gian lận, cố tình cao giọng châm biếm hắn. Mặt thiếu niên tái mét, nắm tay siết chặt kêu lách cách. Bàn kiểm tra Phó Vân anh đang đứng ở gần Trần Quỳ nhất nên đại khái có thể nghe rõ nội dung câu chuyện hai người đang nói, học sinh kia ngăn thiếu niên lại căn bản cũng không phải do trong giỏ của hắn giấu đồ vật gì không nên mang mà là hắn không có gì cả, chỉ có giấy bút và nghiên mực, chiếc bút kia đã mòn vẹt, không biết có thể dùng tới khi thi xong hay không. Đồ ăn thức uống và đồ giữ ấm cũng không có. Quần áo trên người hắn trông thì đẹp đẽ chỉnh tề, nhưng chân lại đi một đôi giày rơm cũ mòn cả đế. Thiếu niên là người phủ Trường Sa, xét về dòng tộc, đáng lẽ ra không đến mức nghèo khó đến thế, học sinh sợ người này mạo danh đi thi nên mới tìm Trần Quỳ xác nhận lại thân phận của hắn. đang nhộn nhạo, một thiếu niên mặc áo gấm, tướng mạo đường đường bước tới cạnh thiếu niên tới từ phủ Trường Sa kia, chắp tay chào hỏi, đôi mày nhíu lại, "Dù sao cũng chỉ là kì thi nhập học, về sau các thầy chủ giảng còn phải gặp mặt hỏi chuyện, có học vấn thật hay chỉ là hạng vớ vẩn, các thầy hỏi mấy câu đã lộ ra rồi. Là người đọc sách với nhau, ai lại có thể có những thứ suy nghĩ xấu xa như thế chứ?" hắn nhìn thì như thể đang giải vây giúp thiếu niên phủ Trường Sa nhưng thực ra là đang cố ý châm chọc thiếu niên nọ. Chu Đại Lang vừa dứt lời, xung quanh đã ồ lên tiếng bàn tán. Mấy người thẳng tính còn chỉ thẳng vào mặt thiếu niên nọ, nói hắn làm vậy là làm nhục sách vở, còn không mau thu dọn đồ đạc mà đi cho mau, đừng để nhiều người nhận ra thì mất mặt. Trong mắt thiếu niên loang loáng nước mắt, mặt mày hằm hằm tức giận. Phó Vân anh hơn nhíu mày, đưa mắt nhìn Trần Quỳ ở cạnh đó, "Trần học trưởng, sao vậy ạ?" Trần Quỳ đang mải nói chuyện với học sinh kiểm tra về chuyện thiếu niên nọ rốt cuộc có phải là mạo danh đi thi hay không nên không chú ý tới đám thí sinh xếp hàng bên này, nghe thấy câu hỏi của Phó Vân anh mới ngừng câu chuyện, đi tới nói: "Chuyện nhỏ thôi, các ngươi vào đi." Giọng địa phương đặc biệt như thế, thiếu niên kia gần như không thể là người mạo danh. Thấy học sinh kiểm tra đã cho đi, thiếu niên kia lại càng tức giận, giật mạnh chiếc giỏ của mình rồi quay về những người vừa chỉ trỏ vừa rồi nhổ mạnh một búng nước bọt rồi nghênh ngang đi vào. Mọi người vội vàng trốn tránh, người lui về phía sau miệng lắp bắp, "Như thế thật là... Như thế thật là..." Khóe miệng Phó Vân anh nhếch lên, thiếu niên này dám nhổ nước bọt vào Chu Đại Lang trước mặt mọi người, Phó Vân Khải và Phó Vân Thái sẽ thích hắn lắm đây. Chu gia và Phó gia chẳng là kẻ thù truyền kiếp còn gì, thực ra cũng phải phải huyết hải thâm thù gì cả nhưng mà nhìn nhau đã thấy ngứa mắt, gặp nhau là muốn đánh một trận. ... Vào trường thi, tìm tới lều thi của của mình theo chỉ dẫn trên thẻ dự thi, Phó Vân anh đặt chiếc giỏ của mình xuống. Nhìn xung quanh, nàng phát hiện ra thiếu niên có giọng địa phương kì lạ khi nãy ở lều đối diện với mình, chỉ cách đường đi ở giữa. Nàng mở chiếc giỏ đi thi mà Vương Đại Lang đã chuẩn bị cho nàng ra, trong đó có mấy bộ giấy bút dự phòng, nàng lấy một bộ, đưa cho một học trò nhỏ đang đi kiểm tra, nhờ người nọ đưa sang phía đối diện. Cậu học trò nhỏ mặt mày nghiêm túc, kiểm tra thật cẩn thận rồi mới đưa sang cho thiếu niên, "Nè, Phó tiểu tướng công phía đối diện cho huynh mượn dùng." Thiếu niên nhíu mày, "Ta có quen biết hắn đâu!" Cậu học trò nhỏ liếc nhìn chiếc giỏ trống huếch trống hoác của hắn, nói: "Huynh cứ nhận đi, thư viện chúng ta không cung cấp giấy bút đâu, nhỡ đâu huynh viết được một nửa lại phải đi mượn người khác thì sao." Thiếu niên im lặng. Cậu học trò nhỏ cứ đặt giấy bút bên góc bàn rồi đi ra. ... Giờ Thìn, Trần Quỳ gõ chuông báo hiệu thời gian làm bài thi bắt đầu, các lều thi dần an tĩnh, chỉ còn tiếng bút lông quét trên giấy và tiếng lật giấy sột soạt. Phó Vân anh mở đề thi, nhanh chóng xem một lượt. Thiếp kinh chiếm phần lớn nội dung, nhiều câu hỏi là đưa ra một câu bất kỳ trong Tứ thư, yêu cầu viết tiếp đoạn tiếp theo. Có nhiều câu là đưa ra câu ở giữa, yêu cầu chép lại phần trước và phần sau. Có câu lắt léo hơn một chút, chỉ đưa gợi ý, yêu cầu chép lại một đoạn hoàn chỉnh. Tóm lại, chỉ cần thuộc làu Tứ thư thì cơ bản không có vấn đề gì. Ngoài ra còn có tạp văn, sách luận, thí nhiếp thi nhưng dễ hơn huyện thí, chỉ cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu để biểu đạt ý tứ của mình một cách rõ ràng rành mạch là được. Phán, chiếu, cáo, tấu trạng, chương biểu lại càng đơn giản, cứ đúng theo công thức mà làm. Cuối cùng có vài câu hỏi về thiên văn, địa lý, số học, nông nghiệp do chủ giảng ở thư viện tự đặt ra, thí sinh có thể chọn một câu trong số đó để trả lời, cũng có thể trả lời toàn bộ, thiếu một câu cũng không có vấn đề gì. Đây là dạng đề thi tự chọn được thêm vào. Phó Vân anh nhìn xuống phần đề thi cuối cùng, hơi sửng sốt. Đức bất cô, tất hữu lân. Vậy là lại còn có một câu là văn giải đề. Học trò nhỏ tuổi trong thư viện mới vừa bắt đầu học Ngũ kinh, chưa thể chế nghệ (viết văn giải đề). Đương nhiên đa số học sinh đến thi hôm nay lại càng không thể viết ra được một bài văn giải đề hoàn chỉnh. ... Đề tự chọn thí sinh có thể làm, cũng có thể không làm, thư viện chỉ thêm một đề văn để thử trình độ bọn họ mà thôi nhưng lại sao lại chọn đúng câu này? ... Đề bài của văn giải đề nhất định phải là một câu lấy từ Tứ thư Ngũ kinh. Trong Tứ thư Ngũ kinh, bốn cuốn Tứ thư cộng lại vào khoảng hơn năm vạn chữ, Ngũ Kinh dài hơn, "Chu Dịch" hơn hai vạn bốn nghìn chữ, "Thượng Thư" hơn hai vạn năm nghìn chữ, mỗi kì thi thí sinh phải làm một đề. Nghĩ một chút mà xem, trong những cuốn sách này, loại bỏ những nội dung không thể xuất hiện trong đề thi thì còn lại bao nhiêu đề? Khắp các vùng trong cả nước, ba năm có hai lần thi đồng sinh, ba năm có một lần thi hương và một lần thi hội ở kinh sư, tính toán một cách sơ lược thì số lượng đề được ra là tầm năm nghìn đề, triều đại này đã qua hai trăm năm, vậy tổng cộng đã có bao nhiêu đề? Tứ thư ngũ kinh nội dung có hạn, những câu có thể dùng để ra đề đã bị học quan các vùng xào xáo không biết bao nhiêu lần, thậm chí đến thi hương cũng sẽ có thể xuất hiện hiện tượng đề thi bị lặp lại. Có nhiều người nhìn thấy lỗ hổng này, những người giàu có muốn trục lợi chi tiền mời những nhà nho nổi tiếng nghĩ đề, đoán đề, rồi làm văn để con cháu nhà mình học thuộc lòng. Tới khi vào trường thi, có khi trúng đề đến tám phần, như thế không cần học hành vất vả vẫn có thể dễ dàng thi đỗ, đạt được công danh. Cách làm như vậy gọi là đạo văn giải đề, nhưng càng ngày càng nhiều người đỗ theo cách đó, kẻ sĩ trong thiên hạ càng tích cực bắt chước, tình hình càng ngày càng nghiêm trọng, triều đình đã ban lệnh cấm nhưng không ăn thua gì. Số người thi đỗ ở mỗi kì thi ít ỏi vô cùng, cứ một kẻ hèn hạ nhờ vào học thuộc bài văn mà thi đỗ, lại có một học sinh chăm chỉ cần cù bất hạnh thi trượt. Để đảm bảo công bằng, công chính cho các kỳ thi, quan chủ khảo phải vắt óc suy nghĩ, lật xới từng câu trong Tứ thư Ngũ kinh tìm được đề thi mới, thậm chí không theo quy tắc cũ, lấy hai câu không liên quan gì đến nhau, gộp lại, lấy làm đề thi để đối phó với nạn đoán đề. Mỗi sĩ tử đi thi, sau khi thuộc làu Tứ thư ngũ kinh, sẽ bắt đầu luyện làm văn, cũng tự đoán đề, sau đó không ngừng tôi luyện. một đề cũng có thể sử dụng các góc độ khác nhau để phá đề, viết ra mấy chục thậm chí cả trăm bài văn. Cứ như thế, từ khi bắt đầu có khoa cử, giám khảo và thí sinh liên tục đấu trí đấu dũng. Giám khảo thì vắt óc suy nghĩ đề thi, học sinh thì vận sức bình sinh đoán đề, giải đề. "Đức bất cô, tất hữu lân" xuất phát từ "Luận Ngữ", những đề thi được đoán và giải sẵn trên phố thường rất ít khi có đề này. Bởi vì đây là một đề thi hội đích thực. Do cũng mới thi gần đây nên trong vòng mười năm không thể lặp lại, đề thi hương ở Giang Nam, Bắc Trực Lệ và mấy lần thi hội sắp tới nhất định sẽ không xuất hiện đề này. ... Phó Vân anh có ấn tượng sâu sắc với câu này... Đây là đề thi gốc của kỳ thi hội năm Đồng An thứ hai mươi. Sau kỳ thi hội, triều đình công bố bài văn của quan chủ khảo và những sĩ tử thi đỗ, nàng cũng đã sưu tầm mấy bài. không biết đây là trùng hợp hay có gì khác... Nàng ngẩn ra một lúc, thất thần. ... Tiếng loạt soạt của lá cây trong đình viện bị gió thu thổi bay và tiếng bước chân của những học trò nhỏ đã làm Phó Vân anh bừng tỉnh. Nàng định thần, nghĩ luận điểm phá đề, cầm bút viết. Mục tiêu của việc làm văn là để tuyển chọn quan lại cho triều đình, do đó người làm văn cần trình bày quan điểm của bản thân về đạo trị quốc, giải thích về luân lý của xã hội, từ đó thể hiện tài hoa khát vọng của bản thân. Khi nàng học làm văn đã tự đặt mình vào vị trí của nam giới để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, đứng từ góc nhìn của nam giới đọc đề, hiểu đề rồi phá đề, sử dụng giọng điệu của thánh nhân, liên hệ với tình hình chính sự đương thời để trình bày và phát huy quan điểm, sử dụng ngôn từ tinh tế, ý nghĩa sâu xa, lập luận sắc bén. Lập luận thế nào thì cũng chỉ hướng vào những tư tưởng trung quân ái quốc (trung với vua, yêu nước) và kính thiên trung quân hiếu thân (kính trọng trời cao, trung thành với vua, có hiếu với cha mẹ) mà thôi. Biết giới hạn là ở đâu thì mới có thể hoàn thành bài văn theo đúng những nguyên tắc đã đặt ra, đồng thời phải mở rộng, phát huy phong cách của bản thân. Nàng nhanh chóng hoàn thành bản nháp, kiểm tra lại mấy lần rồi chép lại vào bài thi. ... Lều thi trong thư viện được dựng ở sâu trong đình viện, gió từ bốn phương tám hướng thổi lại, lạnh tới mức các thí sinh đều run lên cầm cập. Phó Vân anh sợ lạnh, thấy mình đã hoàn thành toàn bộ bài thi liền đứng dậy nộp bài. Học trò nhỏ thấy "y" cũng còn nhỏ, đánh giá hành động này của “y” là sự ngạo mạn của tuổi thiếu niên, mỉm cười đồng cảm đưa "y" ra khỏi lều. ... Bên ngoài trường thi người đông như kín, người nhà và tôi tớ của các thí sinh đứng tràn ra trước cửa, kiễng chân lên cũng không nhìn được vào trong, thấy có người ra liền đổ xô ra đón, phát hiện không phải người mình đang chờ lại phất tay áo, trở về chỗ tiếp tục đợi. Khi Phó Vân anh bước qua ngạch cửa, đám người dường như khựng lại một chút, sau đó xung quanh vang lên tiếng cười mỉa mai. "Ôi chao, nhỏ như vậy..." "Chỉ được cái xinh xắn..." "Chắc là không trả lời được nên xấu hổ mới ra sớm đây mà..." ... Những tiếng bàn tán mang theo tiếng cười nhạo đập vào tai Phó Vân anh, nàng mặt không đổi sắc, đi tới bàn điều hành trả lại thẻ dự thi. Học sinh thu thẻ đọc tên trên thẻ rồi lại quay qua nhìn nàng, mãi tới khi nàng đi xa vẫn nhìn theo. Phó Vân Khải còn chưa ra. Vương Đại Lang cầm ấm trà nóng ra đón Phó Vân anh, nước trà nhanh chóng được bưng lên cho nàng, "Thiếu gia, nô tài vừa mới đun đấy!" Sạp bán hoành thánh trong ngõ nhỏ vẫn chưa dọn hàng ra về, vẫn còn mấy người đang lấy tiền ra gọi hoành thánh. Ở bàn bên cạnh, mấy người khác đang ngồi ăn mì. Vương Đại Lang mượn bếp của nhà bán hoàn thánh này để đun trà. "Vịt bát bảo đây, nô tài vừa mua xong, thiếu gia ăn luôn cũng được." hắn bưng chiếc hộp đựng vịt bát bảo lên. Phó Vân anh lắc đầu, uống một ngụm trà. ... Lúc Phó Vân Khải ra khỏi trường thi thì đã tầm giờ Tỵ. "Huynh thấy mình làm bài không tệ, những nội dung trong đó huynh vừa ôn tập xong, thuộc hết!" hắn cười tươi hơn hớn, nhét chiếc giỏ đi thi vào lòng gã sai vặt đang đứng phía sau, vừa vung tay vung chân vừa nói. "Đề văn cuối cùng huynh cũng viết rồi hả?" Phó Vân anh hỏi. Mặt hắn cứng đờ, thở dài: "Đề này tiên sinh dạy rồi, ta làm theo lời tiên sinh dạy, viết phần phá đề, không biết có được hay không." Hai người vừa đi vừa bàn tán về đề thi nhập học. Trước cửa một bóng người bỗng xuất hiện. Học trưởng Trần Quỳ vội vàng đi tới, nhìn khắp xung quanh tìm kiếm, thấy hai anh em thì rảo bước tiến về phía họ, "Triệu chủ giảng tìm hai người." ... Triệu sư gia hôm nay chủ trì buổi hiến tế ở văn miếu nên ăn mặc chỉnh tề, hiện đang đứng bên tường vẫy tay với Phó Vân anh, "Diêu học đài bị bệnh, hôm nay không tới, ta thay mặt sơn trưởng tới thăm. Nghe Trọng Văn nói ngươi đã gặp Diêu học đài rồi hả?" Phó Vân anh gật gật đầu. Gặp thì gặp rồi nhưng chắc Diêu Văn Đạt không nhớ nàng, tuy rằng ngày hôm đó ông ta đã khen nàng vài câu. Giờ nghĩ lại thì lúc ấy ông ta cũng chỉ định cố chọc tức Phó Vân Chương mới nói thế thôi. "Được rồi, ngươi đi với ta. Mấy người Trần Quỳ cũng đi." Diêu Văn Đạt tính khí dữ dằn, từ sơn trưởng Khương Bá Xuân tới các vị chủ giảng, phó giảng trong thư viện đều từng bị ông ta chửi mắng té tát. Vài vị tiên sinh lén suy đoán, Diêu học đài ngày thường đã hơi tí là nổi giận đùng đùng, đến lúc bị bệnh thì càng khó tính, đi thăm bệnh quá bằng đi nghe mắng, thế là phái mấy học sinh trẻ tuổi mang lễ vật tới nhà thăm bệnh. Diêu học đài quý trọng nhân tài, hẳn là không đến mức mắng chửi cả mấy tiểu quan nhân mới mười mấy tuổi đâu nhỉ? Bỗng Triệu sư gia ở bên cạnh lại tỏ vẻ bản thân ông ta quen biết Diêu học đài, tình nguyện dẫn học sinh đi Diêu gia thăm bệnh, sơn trưởng biết thừa ông ta đang thừa dịp làm bậy, định cự tuyệt nhưng lại nghĩ có lẽ có thể nhân cơ hội này kéo lại quan hệ giữa hai ông lão cứng đầu này nên lại đồng ý. Đoàn người tập trung trước cổng thư viện rồi lên xe la đi Diêu gia. Dẫn đầu đám học sinh đương nhiên là học trưởng Trần Quỳ. Triệu Kỳ vừa nộp bài thi xong cũng đi cùng. Trần Quỳ biết được Phó Vân anh đã gặp Diêu học đài, suy tư một chút rồi quay đầu lại đưa mắt ra hiệu cho mấy học sinh vẫn có quan hệ tốt với mình. Triệu Kỳ lúc này vẫn không biết nói gì với mấy người Trần Quỳ, đi tới cạnh Phó Vân anh, mỉm cười khẽ nói chuyện phiếm với nàng, "Ta xưa nay vẫn ngưỡng mộ nhân phẩm của Diêu học đài nên mới xin tam gia gia cho ta tới thăm cùng." Phó Vân anh mỉm cười không đáp. Trong mấy người, chỉ có Phó Vân Khải là ngơ ngác nhất. trên đường đến Diêu gia, hắn đi sát Phó Vân anh, đề phòng các học sinh khác, đặc biệt là Triệu Kỳ, tới gần nàng. Cho tới tận khi xe la dừng lại trước ngõ nhỏ dẫn vào Diêu gia, hắn mới biết mục đích chuyến đi này. Trần Quỳ gõ cửa. Lão bộc Diêu gia tiến lên mở cửa, nhìn quanh một lượt, ngó gã sai vặt đang tay xách nách mang cơ man nào là lễ vật rồi mới nhận ra người tới là ai, "Triệu đại quan nhân tới chơi ạ." Ngữ khí không mấy thân thiện. Diêu Văn Đạt và Triệu sư gia không hợp, thường xuyên viết văn chửi bới lẫn nhau. ... Lão bộc dẫn đoàn người vào trong, "Lão gia đang tiếp khách, mời các vị tướng công ngồi chờ một lát. Tòa nhà Diêu gia nhỏ hẹp, ít phòng. Cửa phòng Diêu Văn Đạt đang mở rộng, trong phòng bày biện đơn giản, không đặt bình phong, đứng ở cửa là có thể nhìn thấy hết quang cảnh trong phòng. Khi đoàn người đi qua hành lang đã thấy Diêu Văn Đạt ốm yếu đang nửa nằm nửa ngồi dựa vào thành giường, mặt hướng ra ngoài, đầu tóc chưa chải, tóc bạc che hết nửa khuôn mặt, thần sắc uể oải. Người đối diện ông ta quay mặt vào trong, đưa lưng về phía cửa, ngồi trên ghế nói chuyện với ông ta. Tuy là đang ngồi nhưng sống lưng thẳng tắp, dáng người đoan chính, tạo cho người ta một cảm giám trầm tĩnh uy nghiêm. Thanh âm tuy chỉ có thể nghe thấy loáng thoáng nhưng có vẻ như là một người trẻ tuổi. Bên cạnh còn có một người đàn ông trung niên vẻ mặt phúc hậu đang chắp tay, cung kính nói chuyện với người trẻ tuổi. Diêu Văn Đạt uể oải nhưng vẫn lớn tiếng nói chuyện, đang nói bỗng nhiên kích động, tay quơ về phía trước, ngón tay gầy đét suýt nữa chọc vào mắt người trẻ tuổi. Người đàn ông trung niên vội vàng đỡ lấy ông ta. Diêu Văn Đạt nằm lại về gối, trong cổ họng phát ra tiềng cười khàn. Lão bộc đứng ở cửa nhìn một lát, thở dài, dẫn Triệu sư gia và đoàn học sinh vào chính đường dùng trà. "Tam gia gia! Đại ca ca!" Trong phòng, hai người trẻ tuổi, một nam một nữ, đang ngồi nói chuyện bỗng đứng dậy, "Sao tam gia gia và đại ca ca tại tới đây?" Đó là Triệu Thúc Uyển và một người anh họ khác của nàng ta. "Ai đưa mấy đứa tới thế?" Triệu sư gia hỏi. Triệu Thúc Uyển nhìn thấy đám học sinh của Giang Thành thư viện bước vào cũng không có vẻ sợ hãi thẹn thùng gì, thoải mái trả lời: "Vừa rồi chúng con tới chỗ đường cô cô chơi, biểu huynh đưa chúng con sang đây. Biểu huynh nghe nói Diêu đại nhân đang nói chuyện với ai đó nên không cho chúng con qua gặp, bảo chúng con ngồi đây chờ." Đường cô cô mà nàng ta nói đến là người Triệu sư gia đã vài lần đề cập tới, Triệu Thiện, biểu huynh thì là tri phủ phủ Võ Xương Phạm Duy Bình. "Thảo nào vừa rồi ta thấy người ngồi trong phòng quen quen." Triệu sư gia nhấp ngụm trà, bảo mấy người Trần Quỳ ngồi xuống. Trong phòng có một tiểu nương tử diễm lệ, mấy người Trần Quỳ không dám ngẩng đầu lên, ngồi cũng không dám ngồi, liên tục chối từ, tìm cớ chạy ra khỏi chính đường, đi ra tận hành lang mới dám thở ra một hơi. Triệu Kỳ không đi ra, bảo Triệu Thúc Uyển, "Muội đó! không biết tránh một chút hay sao." Triệu Thúc Uyển hừ một tiếng: "Tránh làm gì? rõ ràng là muội đến trước, tại sao cứ gặp đám đàn ông con trai các người là muội phải trốn với tránh?” Hai anh em họ tranh cãi một hồi, ánh mắt Triệu Thúc Uyển bỗng dừng lại ở người đang yên lặng dùng trà bên cạnh Triệu sư gia là Phó Vân anh, "Còn không biết phải xưng hô với Phó gia thiếu gia thế nào?" Triệu Kỳ ngạc nhiên, miệng mấp máy không nói nên lời. không đợi Phó Vân anh trả lời, Phó Vân Khải đã nhảy vào cướp lời: "Em trai ta là học sinh của tam gia gia của tiểu thư, tiểu thư thấy nên xưng hô thế nào đây? Hay gọi là ngũ thúc đi." Phó Vân anh liếc Phó Vân Khải một cái, hắn lập tức im bặt. Triệu Thúc Uyển lườm Phó Vân Khải, thầm trách hắn lắm miệng. Triệu sư gia đang cúi đầu dùng trà bỗng phụt cười, nước trà bắn ra, chảy xuống theo chòm râu, "Ha ha, ngũ thúc!" ... Lát sau, lão bộc quay lại bưng thêm trà và trái cây mời mọi người. "Để các vị phải chờ lâu, mong các vị thứ lỗi." Mọi người đều biết Diêu Văn Đạt làm quan thanh liêm, nhà cửa xác xơ, nghèo khổ, trong nhà chỉ có hai người hầu hạ, giờ Diêu Văn Đạt đau ốm nên tiếp khách không chu toàn cũng là chuyện bình thường, vội đứng dậy đáp lễ. Ở phòng bên cạnh, tiếng gào thét tức giận của Diêu Văn Đạt xuyên qua bức vách đập vào tai mọi người. Mấy người Trần Quỳ ngại ngùng, đứng bên hành lang khe khẽ nói chuyện. Triệu sư gia vẫn tỉnh bơ, dù có nghe thấy tiếng Diêu Văn Đạt ho sằng sặc đến mức nghẹt thở ở bên kia vách tường, ông ta vẫn không nhíu mày, tập trung uống trà. Tầm nửa canh giờ sau, lão bộc mới qua mời bọn họ sang phòng bên cạnh. Triệu sư gia bảo mấy người Phó Vân anh ở lại, một mình đi gặp Diêu Văn Đạt trước. Lát sau, lão bộc mời bọn họ cùng sang bên đó. Phó Vân anh đặt ly trà xuống, chờ Triệu Kỳ, Triệu Thúc Uyển và mấy người Trần Quỳ ra tới trước hành lang mới đi theo sau. Phó Vân Khải không biết chuyện gì đang xảy ra, bám sát bên người nàng. Mới đi được vài bước, Trần Quỳ ở phía trước đã nhìn thấy một người trẻ tuổi đứng trên cầu đá xa xa đối diện bọn họ, sửng sốt sững người, dừng bước. ... "Sao thế?" Phó Vân Khải kiễng chân nghển cổ, nín thở, ngó về phía trước. Phó Vân anh đang đi cuối cùng hơi nhíu mày, nhìn theo ánh mắt hắn, bỗng dưng ngẩn ra. Dưới bóng cây, một thanh niên mặc đạo bào màu xanh đá đứng trên cầu đá, nhìn ngắm cá bơi dưới áo, phong nhã tuấn tú, thân cao dong dỏng, ánh mắt trầm tĩnh như thể vực sâu biển lớn, gió thu thổi qua tán lá khẽ lay động ống tay áo hắn. hắn vẫn đứng yên, mặc kệ tay áo đung đưa theo gió, thần sắc thanh lãnh bình lặng, có vẻ như không vui cũng không buồn. Như thể đột nhiên bị quăng tới đầu sóng ngọn gió, Phó Vân anh đột nhiên ngơ ngẩn, tay chân lạnh toát, cái lạnh thấm vào tận xương. Trước mắt nàng, cảnh vật như tĩnh lại, gió thu thổi bay lá trong viện, tiếng loạt soạt đập vào tai nàng. Giờ khắc này, mọi giác quan của nàng trở nên vô cùng nhạy bén, nàng thậm chí còn có thể nghe thấy tiếng máu chảy trong cơ thể mình. Gió thổi qua, trong viện lạnh lẽo. Nàng bỗng nhiên đứng lại như thế khiến Triệu Kỳ đi phía trước cũng ngoảnh lại nhìn nàng. Tim đập thình thịch, nàng khẽ nhìn xuống, lông mi che lại sự kinh ngạc trong mắt. Nàng gần như bước về phía trước một cách đờ đẫn. Mấy học sinh trẻ tuổi đằng trước đang bàn tán sôi nổi, suy đoán thân phận của thanh niên. hắn chính là người trẻ tuổi vừa rồi ngồi trước giường bệnh nói chuyện với Diêu Văn Đạt. Có người nói hắn là người nhà của Diêu Văn Đạt, có người nói hắn có thể là học sinh. Nhưng nhìn khí độ hình như không giống lắm, học sinh nào có khí độ bình tĩnh thận trọng như thế, cũng không uy nghiêm như thế. Phó Vân anh thì nhận ra hắn. Nhoáng một cái đã mấy năm không gặp, hắn chẳng thay đổi gì. Người chồng kiếp trước của nàng. Người được dân chúng ca tụng, Thôi thị lang. Nàng khẽ khép mắt lại. Lúc mở ra, đôi mắt đã không còn một tia gợn sóng. Phía trước vọng lại tiếng hít vào của Triệu Thúc Uyển, nàng ta nhìn Thôi Nam Hiên đứng dưới bóng cây, si mê nói: "Hình ảnh này có khác nào trong tranh. Người kia là ai mà tuấn tú đến thế!" Triệu Kỳ nhếch miệng cười nhạo, nhìn xung quanh rồi khẽ cảnh cáo nàng ta: "Đó chính là Thôi thám hoa, đại công thần phò tá Hoàng thượng đăng cơ, thủ đoạn tàn nhẫn, thiết diện vô tình, đến hoàng thân quốc thích cũng dám buộc tội, là học trò tâm đắc nhất của cô phụ nhà chúng ta, Thẩm các lão. Muội nghiêm chỉnh chút đi, nếu không đến cha muội cũng chẳng bảo vệ nổi muội đâu!" Mắt Triệu Thúc Uyển như dính chặt vào người Thôi Nam Hiên, "Người ta đẹp, muội khen người ta mấy câu thì làm sao? Chẳng lẽ còn phải nói dối là người ta xấu xí à?” Triệu Kỳ thở dài, không trả lời nàng ta. Lúc này lão bộc Diêu gia mới khom người nói: "Vị này là một người bạn ở Kinh Sư của lão gia chúng ta, họ Thôi, là Thám hoa năm Đồng An thứ hai mươi, hôm nay tới đây thăm lão gia." Lời này như một cơn sóng đánh mạnh vào đám học sinh, nhiều người không kìm được còn thốt ra tiếng kêu kinh ngạc. Cùng với việc thi hành chính sách mới, danh tiếng của Thôi thị lang đã lẫy lừng khắp thiên hạ, trong số họ có nhiều người đã từng nghe tới Thôi Thám hoa, còn từng bắt chước văn phong của Thôi Thám hoa, hâm mộ đã lâu, không ngờ hôm nay lại có cơ hội nhìn thấy người thật. Đám học sinh ủn đẩy lẫn nhau, muốn tới chào hỏi Thôi Nam Hiên nhưng lại sợ mình lỗ mãng làm hắn không vui. Có người tinh ý khẽ hỏi: "Thôi đại nhân không phải làm quan ở kinh sư ư? Tại sao lại tới Võ Xương?" Đình viện vừa rồi còn ríu rít tiếng học sinh bỗng lắng lại mấy phần, chỉ có người thanh niên trên cầu đá từ đầu đến cuối vẫn không thay đổi vẫn không thay đổi, yên tĩnh như cũ, thời gian dường như cũng vì ái mộ vẻ ngoài của hắn mà ngừng lại. Nghe được tiếng nói chuyện của đám học sinh, hắn ngẩng đầu lên, đôi mắt sáng tựa sao trời. Mọi người bị ánh mắt của hắn làm cho sững sờ ngây ngẩn. Phó Vân anh vô thức tránh ánh mắt hắn. Ngụy Tuyển Liêm khi xưa vẫn luôn yêu thích phong độ và cốt cách của Thôi Nam Hiên, từng mượn thơ Sơn Đào ca ngợi Kê Khang để miêu tả hắn, bảo hắn "Nham nham nhược cô tùng chi độc lập, nguy nga nhược Ngọc Sơn chi tương băng" [1] [1] Hai câu Sơn Đào dùng để miêu tả vẻ ngoài của Kê Khang, bình thường thì cao thẳng sừng sững như tùng bách, tới khi say sắp ngã cũng không mất vẻ phong nhã, như băng trên Ngọc Sơn đổ xuống. Sơn Đào và Kê Khang đều là nhà thơ thời Tây Tấn, giai đoạn này nam giới rất chú trọng vẻ bề ngoài nên làm hẳn thơ để ca ngợi vẻ ngoài của nhau.... Phong tư tuấn tú, nổi bật giữa bao người. Chẳng phải không có lý do mà lần đầu gặp hắn, tiên đế đã thấy hắn như thể người trời, khen hắn tài năng ngất trời, ngay giữa buổi tiệc phong quan cho hắn, trái hẳn lẽ thường. hắn không cần làm gì khác biệt, chỉ cần đứng đó thôi đã làm lu mờ tất cả những tiến sĩ cùng thi năm đó. Phó Vân anh từng cảm thấy Phó Vân Chương rất giống Thôi Nam Hiên, khí khái quạnh quẽ giống nhau, từ nhỏ tảo tuệ giống nhau, gia thế, hoàn cảnh khi còn bé cũng tương tự. Sau này, nàng nhận ra hai người thực ra chẳng giống nhau gì hết. Phó Vân Chương nhìn có vẻ lãnh đạm nhưng lại dịu dàng, tình cảm, tiếp xúc nhiều có thể cảm nhận được sự ấm áp nơi y. Còn Thôi Nam Hiên ôn tồn lễ độ, nói năng thong thả ung dung, đối diện với Diêu Văn Đạt, người vẫn luôn soi mói, cố gắng làm hắn khó xử vẫn luôn ôn hòa ưu nhã lại thực ra là người lạnh lẽo vô tình, lý trí sắt đá, dù người khác có lấy dao vạch tim mình ra cho hắn xem hắn cũng sẽ không cảm động. Nàng còn nhớ đêm thành thân ấy, tân phòng lạnh lẽo. Thôi gia khi ấy đã xuống dốc, lúc hắn lên kinh không mang theo nhiều tiền, tiệc cưới cũng rất đơn giản, sau khi người tới chúc mừng ra về, hỉ nương nói mấy câu cát tường xong thì ra ngoài, cửa phòng đóng lại, chỉ còn hai vợ chồng trẻ ngồi đối diện nhau, nến đỏ lay động. Tim nàng đập thình thịch, lòng bàn tay ướt đẫm, nhẹ nhàng ngước lên nhìn hắn một cái. Trong một vùng đỏ thẫm, hắn mặc quần áo kết hôn màu xanh thẫm, mặt mày như tranh vẽ, vừa uống rượu nên hai má cũng đỏ lên. hắn đẹp thật đấy! Người đẹp như vậy, chắc hẳn sẽ là một người chồng tốt phải không? Nàng đắm chìm trong suy nghĩ của bản thân, tim đập càng lúc càng nhanh. hắn cũng nhìn nàng chăm chú, nét mặt vẫn bình tĩnh, hoàn toàn không giống một tân lang mới cưới được kiều thê, khóe môi hình như hơi cong lên nhưng hình như lại không phải. Môi hắn vốn đầy đặn, khi không cười khóe miệng cũng hơi cong lên rồi. Cho tới hôm nay, Phó Vân anh cũng không biết được rốt cuộc khi ấy hắn có cười hay không Nàng chỉ còn nhớ rõ đôi mắt trong sáng của hắn, dưới ánh nến dường như có ánh nước lay động. Nàng cúi đầu. Lời tác giả: Thi hội là thi toàn quốc nên ít khi xảy ra trường hợp lặp lại đề thi. Thi đồng sinh và thi hương thì khác, cả nước có nhiều vùng như thế, mấy năm thi một lần, phạm vi ra đề rộng, còn phải bỏ bớt một phần nội dung trong sách không thích hợp đưa vào làm đề thi. Vậy nên mỗi lần là mấy trăm đề. Những người dựa vào việc đoán đề và học thuộc lòng thực ra không ít. Thậm chí vào năm Vạn Lịch triều Minh còn có người học thuộc bài văn mà đỗ tiến sĩ, viết từ đầu đến cuối không khác một chữ. ... Đội ngũ giám kháo cũng không biết phải làm sao, nhiều giám khảo phải lấy bừa trong sách hai câu không liên quan ghép lại thành đề, ép các thí sinh phải động não, không chỉ là phải tìm được sự liên quan giữa hai câu này mà còn phải viết được một bài văn hùng hồn dõng dạc, khó hơn cả thời hiện đại thi đại học phải suy đoán xem tác giả suy nghĩ những gì. Editor: Chương dài đằng đẵng nhưng tại chương này với chương sau mình thích nên cố làm nhanh. nói thật là lúc chuyển ngữ đoạn miêu tả anh trai phượng hoàng đã hốt hoảng vì bao nhiêu từ miêu tả vẻ đẹp đập hết vào anh rồi, đến đoạn tác giả miêu tả Thôi Nam Hiên thì cảm thấy người này không phải là người, tả chóng hết cả mặt. Chương này quá dài, nhiều phân đoạn, chẳng biết nhận xét ra sao, đoạn đầu đoạn giữa thấy dễ thương, nhiều nhân vật dễ thương, đặc biệt là mấy ông già siêu dễ thương. Đến cuối chỉ thấy thương anh tỷ nhi của kiếp trước, văn tác giả viết không có gì bi thương, chỉ có mấy câu nhưng nghe vẫn đau lòng, thực ra nàng đã từng rất hy vọng vào cuộc hôn nhân đó...
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]