Đến ngày giỗ mẹ, Trọng Tín đi mua một bó hồng nhung lên chùa thăm bà.
Như mọi phụ nữ khác, mẹ yêu hoa hồng, mong muốn được người mình yêu tặng cho hoa hồng. Một mong muốn xem chừng đơn giản nhưng cả đời mẹ chưa hề được.
“… Ta đã tìm thăm những nấm mồ
Vô tình chôn giữa trái tim thơ
Vô tình ôm ấp bao di tích
Của những tình thương bị hững hờ…”
(Ngẩn ngơ- Xuân Diệu)
Băng qua đại điện, đến cua rẽ qua khu vực thờ linh vị những người đã khuất, Trọng Tín khựng người vì nghe giọng nói ông Lãm vọng ra:
- Thắp nhang xong rồi, con ra ngoài này nói chuyện với bác một chút đi Hà.
- Dạ.
Vãn Hà theo chân ông Lãm ra ngoài hành lang, phóng tầm mắt ra xa.
Trọng Tín nép sát vách tường, không tin được là ba chịu đến thăm mẹ. Tín lúng túng không biết mình có nên xuất hiện phút giây này không? Mừng mừng tủi tủi là tâm trạng anh lúc này. Khóe mắt cũng cay xè
Con người ta thật lạ: vui, buồn đều có thể khóc. Nước mắt làm niềm vui thêm lắng đọng. Nước mắt làm dịu đi nỗi buồn. Mọi oán hờn về người cha có vẻ chợt vơi đi ít nhiều.
Ông Lãm hỏi:
- Sao con biết nơi này vậy Hà?
- Dạ ba con nói.
- Ba con?
Hà nói như giải thích:
- Bác hay kêu ba con theo dõi anh Tín nên ba con biết.
Ông Lãm vuốt nhẹ thành lang cang:
- Nếu không có con, bác chưa nghĩ tới chuyện đi thăm má thằng Tín đâu. Bác rất tệ phải không?
- Dạ… do tâm ý bác, con nghĩ vậy – Vãn Hà cười cười – con chỉ là mời bác đi đúng thời điểm thôi.
- Tâm ý? Ý xuất phát từ tâm?
Vãn Hà lại cười cười không nói.
Ông Lãm quay lại nhìn bài vị của má Trọng Tín, thở hắt ra, nói một câu cảm khái:
- Mình cúng hoa cúc trắng không biết bà ấy có thích không con? Thật ra bác không biết gì về bà ấy hết, chư đừng nói tới sở thích cá nhân.
Nhìn làn khói len lỏi giữa đám cúc trắng bay lên, Vãn Hà trả lời:
- Thật ra thì... bác chưa bao giờ tặng gì cho bà ấy cả.
Mắt Vãn Hà long lanh. Cô nói bằng tâm trạng của một đứa con gái lãng mạn, đa sầu đa cảm và chưa vấp phải mùi đời:
- Bác đã tặng cho bác gái một tình yêu, một người con đáng tự hào.
Ông Lãm vuốt ngược mái tóc hoa râm:
- Một tình yêu ư?
Vãn Hà cười bẽn lẽn. Với cô, tình yêu là cái gì đó thật thiêng liêng, huyền dịu, đẹp đẽ vô cùng:
- Yêu và được yêu là hạnh phúc ai cũng mơ tới. Nhưng không phải tất cả đều có may mắn đó. Do vậy, dù chỉ là đơn phương, bác gái đã dốc hết lòng mình, không tiếc nuối, không ân hận.
Ông Lãm nheo nheo đuôi mắt đầy dấu vết thời gian:
- Bác nghĩ mình là nổi bất hạnh. Nếu không gặp bác, cuộc sống bà ây biết đâu chừng khá hơn.
Vãn Hà lắc đầu, nhẹ nhàng phản bác:
- Mọi chuyện đã an bài. Có điều con biết bác gái rất trân trọng mối tình này. Bác gái cám ơn bác cho bác ấy biết thế nào là tình yêu, cho bác ấy một cái gì đó để hy vọng, để chờ, để đợi.
Ông Lãm rúng động tận đáy lòng:
- Và cuối cùng, bác không thực hiện được tâm nguyện bà ấy.
Vãn Hà im lặng suy nghĩ đôi chút:
- Khi đem lòng yêu một ai, mình chỉ mong làm những điều tốt đẹp cho người đó. Chỉ cần người đó hạnh phúc là mình hạnh phúc. Không cần biết trong cái hạnh phúc kia có sự hiện diện của mình hay không.
Không chủ ý, Trọng Tín bóp chặt bó hoa. Nói vậy, anh phải coi lại khái niệm tình yêu rồi. Theo khái niệm của Vãn Hà, anh chỉ yêu bản thân anh, không hề yêu Mỹ Liên. Anh tìm mọi cách giữ Mỹ Liên bên cạnh, dù biết không hề được yêu, dù biết Liên chỉ hạnh phúc khi bên cạnh Đức Hiển.
Về khía cạnh này, cha con anh hoàn toàn giống nhau. Khai thác triệt để điểm yếu người khác hòng kiểm soát, chi phối họ.
Liệu rằng anh có yêu Mỹ Liên đến mức không thể sống thiếu cô như anh nghĩ?
Trọng Tín cười khẩy, tự anh có ngay câu trả lời. Trên đời này làm gì có chuyện một người thiếu một người sẽ chết. Cái mà dày vò họ đến chết, hoặc đi tìm cái chết chính là bản thân họ. Họ không vượt qua được bản ngã yếu đuối của mình. Như mẹ anh vậy. Mẹ tự suy nghĩ, tự dằn vặt mình. Còn như anh, anh không yếu đuối như mẹ. Thay vì để tâm trí buồn phiền, đau đớn, anh dồn tâm ý nghĩ cách đạt được những gì mình muốn, không phải hữu ích hơn?
Tự gõ vào đầu, Trọng Tín cười nhạt. Con bé Vãn Hà đủ sức khiến anh hoang mang ư? Toàn những lời vớ vẩn.
Ông Lãm dịu dàng nhìn Vãn Hà:
- Con lãng mạn quá đó con gái. Thứ tình yêu con vừa đề cập chỉ tồn tại trong sách vở, phim ảnh thôi.
Vãn Hà di dí mấy ngón chân trên nền gạch:
- Con không biết nữa. Nhưng con tin trên đời vẫn có những tình yêu như thế. Và bác gái là một điển hình sinh động phải không bác?
Ông Lãm phì cười xoa mạnh mái tóc Vãn Hà. Ông với vợ ông là do hai bên gia đình thuận ý, sắp xếp cho hai người đến với nhau. Cứ thế mà sống đến bây giờ. Cả hai đem những chuẩn mực trong cuộc sống mà đối đãi nhau. Lâu ngày cảm thấy rất gắn bó. Nhưng hỏi có phải là tình yêu như Vãn Hà quan niệm không thì ông chào thua.
Như bị lây sự mơ mộng, lãng mạn của Vãn Hà, ông Lãm chợt trân trọng lắm tình cảm của mẹ Trọng Tín dành cho ông, có thêm phần ấm áp, ngọt ngào, kiêu hãnh nữa:
- Phải chi bác có một đứa con gái ngoan như con. Phải chi con lớn hơn vài chục tuổi... cuộc nói chuyện này đáng lý nên diễn ra sớm hơn. – Ông Lãm hơi nghẹn giọng – Bác đã có thể làm cái gì đó lúc cuối đời mẹ thằng Tín.
Ông Lãm tự dày vò ghê gớm. Sao ông không sớm nhận ra tình cảm mẹ Trọng Tín là cả tấm chân tình? Ông đã không mảy may xúc động, thậm chí coi thường, giễu cợt, không thèm lưu tâm.
Thế mới biết định kiến xã hội ảnh hưởng mạnh mẽ tới mức nào. Có mấy người sống vượt qua nó được? Có mấy người tôn trọng người khác vì bản chất tốt đẹp nơi họ, không vì địa vị xã hội, trình độ học vấn, của cải, quyền lực? Có mấy người biết trân trọng khối tình chân thật nơi những con người bình dị nhất, những người bị coi là thấp kém trong xã hội?
Ngực trái ông Lãm quặn thắt. Ông lặng đi vì những mới mẻ ông vừa trải nghiệm. Ông đâm ra thiếu hẳn tự tin:
- Hà này, con nghĩ thằng Tín có tha lỗi cho bác không?
Vẻ đường bệ, tôn nghiêm của một quý ông thường ngày bay vụt mất, chỉ còn lại người cha đang buồn rầu, khốn khổ vì sự buồn giận của con trai.
Vãn Hà đặt bàn tay mình úp lên mu bàn tay ông Lảm, giữ yên:
- Có chứ bác. Hai người là cha con mà.
Ông Lãm hơi chúc đầu xuống, Những sợi tóc hoa râm lòa xòa xuống trán:
- Bác rất bạc với mẹ nó.
Vãn Hà trấn an:
- Những chuyện liên quan đến tình cảm khó lý giải hoặc phân định đúng sai. Dù sao đi nữa, bác gái và anh Tín vẫn luôn yêu quý bác.
- Con nghĩ như vậy?
Vãn hà xác nhận:
- Dạ.
Ông Lãm cười cười:
- Người ta vẫn có thể vừa yêu vừa hận một người con gái ạ.
Vãn Hà ngó xuống mũi giày, thầm công nhận lời ông Lãm nói là đúng.
Ông Lãm trìu mến:
- Bác đã làm khó con rồi.
Vãn Hà ngượng nghịu lắc đầu. Ông Lãm trầm ngâm:
- Ba con tới gặp con bé Mỹ Liên được một tháng chưa Hà?
Vãn Hà không rõ ý ông Lãm mấy. Cô thành thật trả lời:
- Dạ gần hai tháng rồi bác.
Ông Lãm xao trán:
- Ừ, nó vẫn chưa chịu về thăm bác.
Vãn Hà đỡ lời:
- Anh Tín đang công tác ở đảo Phú Quốc mà bác. Đến ngày giỗ bác gái anh ấy còn không về được nữa là.
Ông nhắc:
- À, bác quên mất. Hồi nãy con có gửi cúng vườn thêm cho trụ trì để cầu siêu cho má thằng Tín chưa?
- Dạ có. Thầy còn nói anh Tín cũng hay cúng vườn cho chùa lắm.
Điện thọai ông Lãm có tín hiệu. Ông mở máy ậm ừ vài câu rồi ngắt máy.
Trầm ngâm một lúc ông Lãm ngó sang Vãn Hà. Thấy ông im lặng con bé cũng im lặng theo. “Nó biết cách tôn trọng khoảng riêng của người khác”. Hơi khép đôi mắt, ông Lãm đánh giá.
Không giấu nụ cười mỉa mai, ông nói:
- Con bé Mỹ Liên nó vừa gọi cho bác.
Vãn Hà lịch sự:
- Dạ.
- Nó cám ơn bác và mời bác đi dự tiệc khai trương công ty của thằn Đức Hiển với nó. Nó nghĩ sao mà mở lời thế nhỉ? Trơ trẽn hết sức.
Vãn Hà lựa lời:
- Con nghĩ chị Liên suy nghĩ nhiều lắm mới quyết định. Chị ấy biết bác sẽ không tới. nhưng vẫn mời... như là một cách tỏ ý hàm ơn và thông báo cho bác biết chị ấy đã giữ đúng thỏa thuận với bác.
Nét mặt ông Lãm vẫn hậm hực không thôi. Vãn Hà không dám nói thêm.
Ông Lãm chắc lưỡi:
- Nhờ có con nhắc nhở, cũng còn may, tách được nó ra khỏi thằng Tín.
- Chỉ là một trắc nghiệm - Vãn Hà chớp mắt giấu cảm xúc - Con mong chị ấy từ chối bác hơn. Anh Tín hẳn đau lòng kinh khủng.
- Thà một lần đau. Bác không muốn con trai mình phải trải qua chuyện như thế. Nó mù quáng quá.
Vãn Hà đăm chiêu không nói. Lý trí bảo cô không sai. Nhưng con tim trách móc cô thậm tệ. Cô đã khiến Trọng Tín mất đi người anh yêu.
Ông Lãm thì dù trong lòng phơi phới khi tách được Mỹ Liên ra khỏi Trọng Tín nhưng ông vẫn không nhìn được Mỹ Liên bằng con mắt khá hơn. Vì sự mù quáng của thằng con, ông mất một số tiền không nhỏ, nói không tiếc không đúng được. Để suy nghĩ ra được cái giá đó, với ông cũng không đơn giản gì. Phải cân, đo, đong, đếm làm sao cho vừa, làm sao cái giá không hờ quá, chỉ vừa đủ để Mỹ Liên đồng ý rời xa Trọng Tín thôi. Tiền cho hạng người đó, một xu ông cũng thấy tiếc. Cái nào cũng có cái giá của nó. Đã lựa chọn thì phải chấp nhận:
- Con bé ghê gớm thật. Không mảy may yêu nhưng vẫn lợi dụng thằng Tín cung phụng cho mình. Không cần quan tâm thằng Tín phải làm việc cực khổ như thế nào, bị tổn thương ra sao, tình cảm cha con người ta tồi tệ. Đồ tham lam, xấu xa.
Cách đó không xa, Trọng Tín đưa tay vuốt mặt. Dốc hết lòng yêu một người thì bị coi là mù quáng? Tín cười không thành tiếng. Những định nghĩa, chuẩn mực, quan niệm sống trong xã hội đôi lúc không hiểu nổi.
Vãn Hà cắn nhẹ môi. Mỹ Liên không hẳn là người tốt. Nhưng cô ấy cũng không ghê gớm như ông Lãm nói đâu. Liên vẫn còn cái tình nên biết dừng lại, “biết đủ”. Nếu cô ấy tinh quái, tham lam hơn, Trọng Tín còn mất nhiều hơn nữa. Gia đình ông Lãm còn điêu đứng dài dài.
Ông Lãm hiểu phần nào tâm trạng Vãn Hà:
- Con không có gì phải ngại hết. Từ nay cha con bác không còn vì con bé đó bất hòa nữa. Thằng Tín có thể tìn được hạnh phúc khác. – Ông Lãm cười khẩy – Ngay cả con bé đó cũng được hưởng hạnh phúc mà, được sống bên cạnh người nó yêu.
- Quên nữa, để bác dẫn con đi mua vài bộ đồ mới nha Hà.
Vãn Hà từ chối:
- Dạ thôi bác. Bác Cầm mua cho con nhiều rồi bác.
Ông Lãm gạt phăng:
- Đó là phần của bà ấy. Giờ bác muốn mua cho con, con cứ nhận.
Vãn Hà thụ động:
- Dạ.
- Từ lâu, bác đã coi con là con cháu trong nhà.
Vãn Hà mủi lòng cay cay mắt. Ông Lãm thân mật dắt tay cô đi xuống cầu thang. Có một đứa con ngoan như vầy, còn đòi hỏi gì hơn? Ông không hiểu sao trong gia đình ấy, ngọai trừ ông Khiêm ra, không ai thương con bé hết. Con bé phải làm tất cả con việc nhà, hứng chịu sự trút giận từ mọi người. Đồ đạc gì ông bà sắm sửa cho con bé, đều bị chị em nó lấy xài thỏai mái. Không giải thích được. Chắc đã đến lúc ông phải tin: mỗi con người đều có một phần số.
Về phần Trọng Tín, anh ngồi luôn xuống sàn, không biết từ lúc nào. Bó hoa hồng bị xoắn lại thảm hại. Dựa vào đâu, họ lại cho mình cái quyền đó. Nhảy xộc vào cuộc sống riêng tư của anh, xới tung mọi thứ. Họ bảo cái gì tốt cho anh là tốt ư? Ở đâu có cách cư xử thô thiển thế kia?
Một người cha chỉ nhớ tới anh khi con ông ấy bị phát bệnh tâm thần. Một con nhóc... Trọng Tín nhăn mặt không nghĩ tiếp nổi.
Thiên đàng? Địa ngục? Lấy tiêu chí gì phân định? Người ngòai nhìn vào thấy đó là một địa ngục. Nhưng người trong cuộc không thấy vậy, thấy đó là thiên đàng thì sao?
Trọng Tín ôm đầu. Rất vô lý khi đem suy nghĩ của mình áp đặt cho người khác. Họ đâu biết anh cam tâm tình nguyện làm tất cả. Mỹ Liên không thể lợi dụng, lừa dối anh nếu anh không muốn.
Căn nhà anh được ấm áp hẳn lên kể từ khi có Mỹ Liên. Cho anh biết cái cảm giác có người chờ đợi mình quay về nhà sau những bon chen, tất bật ngoài xã hội. Ở bên cạnh cô, những mặc cảm, tự ti đeo bám anh suốt quá trình trưởng thành ngủ quên một lát.
Mỹ Liên cần anh che chở, bảo bọc. Anh đủ sức làm chuyện đó bằng đôi tay, khối óc của mình, không cần nhờ cậy, nương tựa vào ai hết. Anh là người hùng trong mắt Mỹ Liên. Không có anh, cô chẳng thể nào xoay sở, thu xếp được cuộc sống của mình. Họ hoàn toàn không hiểu. Không hiểu gì hết.
Tìm hạnh phúc mới? Trọng Tín cười khan. Mắt anh rực lên những tia sáng là lạ. Ừ, anh nên có hạnh phúc mới ngay đi. Không thể phụ lòng bao nhiêu người đã dốc tâm vì anh, phải không?
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]