Chương trước
Chương sau
Khi Viên Tiểu Tu nghe đến câu “phản chiếu trên mặt hồ, chỉ có một dải đê dài, một chấm Hồ Tâm Đình, với một chiếc thuyền của ta, cùng một vài người trên thuyền vậy thôi”, thì không khỏi trố mắt kinh ngạc. Con mắt tả cảnh lại có thể bao quát được đến mức như vậy, đạt tới cảnh giới hiếm gặp, giống như Nhị huynh của ông ta là Trung lang Văn Trung Diệc, vỗ tay khen:
- Lóng lánh băng tuyết, thấu suốt không gian, bài văn này tuyệt diệu!

Trương Đại mặt mày hớn hở, bài văn mà Giới Tử ngâm đọc này, từng câu từng chữ đều đi vào lòng người, đều là những lời mà y đang muốn viết, nhưng nhất thời không viết ra được, được Giới Tử nói ra một cách êm ru, như con suối đầu được khơi mở, tuôn chảy về xuôi, hết sức trôi chảy.

Năm nay Trương Đại mới mười tám tuổi, quả thực không thể viết ra nổi chuyện theo đuổi hồi ức phồn hoa, hân hoan bi thương như cuốn “Đào am mộng ức”, cho nên Trương Nguyên quyết đoán viết thay.

Đàm Nguyên Xuân không khỏi ngượng ngùng, bài “tam du Tây Hồ ký” của ông ta rõ là có phần rườm rà, không cách gì sánh được với bài “Hồ Tâm đình ngắm tuyết” linh diệu kỳ ảo kia, nhất thời tỏ ra chán nản. Ông ta đến Kim Lăng hồi giữa tháng sáu, có nghe Vương Vi nói về Trương Nguyên, Vương Vi thì không nói thẳng là Trương Nguyên coi nhẹ thi phái Cảnh Lăng, chuyện này là do sau này Uông Nhữ Khiêm hé lộ ra, khiến ông ta giận luôn Vương Vi. Đàm Nguyên Xuân đương nhiên là tin lời bạn thân, còn viết thư đi trách mắng Vương Vi, nói là không nên qua lại với Trương Nguyên. Đêm nay gặp nhau trên hồ, Đàm Nguyên Xuân có ý bộc lộ tài học để làm bẽ mặt Trương Nguyên, không ngờ mình mới là người bị bẽ mặt, mà lại còn ở trước mặt Viên Tiểu Tu nữa, nên càng thêm xấu hổ bội phần.

Trương Nguyên và đại huynh Trương Đại đưa mắt nhìn nhau, rồi cả hai đồng loạt đứng lên chắp tay thi lễ, Trương Nguyên nói:
- Trên hồ gió lạnh, không thể ngồi lâu, Viên tiên sinh, Đàm tiên sinh, xin cáo biệt.
Nói đoạn hai huynh đệ quay người đi ra khỏi Hồ Tâm đình, Mục Chân Chân, Lai Phúc, Vũ Lăng, Năng Trụ vội vàng thu dọn đồ theo sau, cùng lên thuyền.

Lúc trước Trương Đại, Trương Nguyên không để ý nhìn, giờ mới thấy có một chiếc thuyền nhỏ đậu ở mé bên đảo, đầu thuyền có khắc hai chữ “Phàn Phù” lớn.

Trương Đại nói:
- Đây là thuyền của Viên Tiểu Tu, Viên Tiểu Tu thích du sơn ngoạn thủy, nên mua chiếc thuyền gỗ ở Kinh Châu, đặt tên là Phàn Phù, chở theo lương khô, thư họa, đi khắp các vùng Trường Giang, quả thực là một người thanh nhã. Đáng ra đêm nay có thể nói chuyện đàng hoàng, nhưng lại bị Đàm Nguyên Xuân phá rối, cũng may Giới Tử văn hay áp chế được ông ta, bằng không thì thật là mất hứng quá rồi.

Thuyền nhỏ phá vỡ sự lạnh lẽo trên hồ, nhắm thẳng hướng đê Bạch Công, rồi cập bến Đoan Kiều. Một đoàn người lên bờ, Trương Nguyên nhìn chiếc cầu tàu phủ đầy tuyết, nói:
- Ngày trước cũng chính nơi này, Vương Tu Vi sai Tiết Đồng tới hỏi muốn đi nhờ thuyền tới Tây Linh Kiều. Mới chớp mắt đó mà đã nửa năm rồi, thời gian đi vùn vụt, khiến người ta chẳng thể níu giữ được.

Trương Đại cười, nói:
- Giới Tử nhớ nữ lang đó ư?

Trương Nguyên cười cười:
- Nơi này lúc này, trong tình cảnh này, thì phải nhớ thôi.

Trương Đại cất cao giọng ngâm:
- Vách đá dựng đứng vách đá tỏa mùi hương lạ, màn đêm phủ xuống khiến người đi đường bước vội; Nếu chẳng phải ở vị trí cao ngàn trượng, sao tránh khỏi cửa châu son phấn muộn màng. Lúc trước khi Vương Vi ở Sơn Âm, đêm trăng uống rượu, ngâm “Chiêu Ẩn thi” để tưởng nhớ Đới Quỳ, bèn bơi thuyền nhỏ đi đến Diệm Khê trong đêm để thăm, đến nhà rồi, tới cửa lại quay về, có người hỏi nguyên do tại sao, Vương Vi chỉ nói “cao hứng thì đến, hết hứng thì về, hà tất phải gặp”. Quả là cao trí hơn người, khiến người ta ngưỡng mộ, Giới Tử, nếu đệ nhớ cô nương Vương Tu Vi đó, thì ngại gì không đạp tuyết đêm mà đến sống Tần Hoài…

Trương Nguyên không đợi Trương Đại nói hết, bật cười ha hả, nói:
- Đi cả ngày đêm, thì mười ngày sau có thể đến Kim Lăng, dạo quanh một vòng quanh U Lan quán, đến cửa rồi về phải không?

Trương Đại cũng cười, nói:
- Cũng không cần phải học hết theo Vương Vi, có thể đến cửa rồi vào.

Trương Nguyên nói:
- Sự phong nhã hơn người thường thiếu sót tính kiên nhẫn và nhẫn nại, mặc dù có duyên dáng yêu kiều, khí khái xuất thần, nhưng cũng không tránh khỏi có lúc lỗ mãng, cuộc sống thực tế không thể hoàn toàn nghệ thuật hóa được.

Trương Đại cười nói:
- Giới Tử nói cũng đúng, nếu như Đới Quỳ không phải sống ở Diệm Khê, có thể đến ngay trong đêm, mà phải đi tàu xe vất vả chừng mười ngày nửa tháng, thì nhất định Vương Vi sẽ không nhẫn nại được đến mức đến thăm Đới mà không gặp Đới.

Từ cầu tàu đến cửa sông đào cách nhau bốn năm dặm đường, sáu người bọn Trương Nguyên đi thành một hàng, nương theo ánh trăng và sắc tuyết, đạp tuyết mà đi, trên đường không gặp ai khác. Về đến thuyền buồm trắng Ngũ Minh Ngõa thì đã là sau canh ba, những người khác đều đã chìm sâu vào giấc mộng cả rồi, chỉ có Hoàng Tôn Tố là vẫn còn chưa ngủ, đang ngồi bên lò lửa đọc “Đại thừa khởi tín luận”. Đây là cuốn sách về phật giáo mà y mượn lại của Tiêu thái sử. Hoàng Tôn Tố đọc rất nhiều sách.

Trương Nguyên ngửi thấy có mùi thơm thơm, hít hít mũi, cười nói:
- Chân Trường huynh, đêm tuyết nướng khoai đọc sách, thật là hăng hái nhỉ.

Hoàng Tôn Tố cười lớn, dùng que cời khều mấy củ khoai vừa chín tới từ trong đám tro than ra, nói:
- Mời hai vị nếm thử món ngon.

Chỉ có trẻ con mục đồng nơi thôn dã mới ăn khoai nướng, Trương Đại cảm thấy không sạch sẽ, nên lắc đầu không chịu ăn.

Trương Nguyên đưa tay nhặt lên một củ khoai to cỡ quả trứng gà, củ khoai nóng bỏng, được tung qua tung lại giữa hai tay Trương Nguyên, Trương Nguyên cười nói:
- Vừa hay được ấm tay.

Một lúc lâu sau củ khoai mới hết bỏng, lớp vỏ cháy xém chỉ cần bóc nhẹ liền rơi ra, thịt khoai trắng tựa bột tỏa ra mùi thơm nức mũi, cắn một miếng hết nửa củ, đầy miệng mềm dẻo ngầy ngậy.

Trương Đại thấy Trương Nguyên ăn có vẻ rất ngon lành vui vẻ, cũng bóc thử một củ ăn, bật thốt lên khen ăn khoai nướng giữa trời tuyết, thật là đúng kiểu.

Trương Đại khen củ khoai này nướng vừa chín tới, Hoàng Tôn Tố cười nói:
- Hôm nay Tông Tử mới được biết mùi vị thực sự của đồ ăn nhỉ.

Mục Chân Chân nấu nước nóng cho Trương Đại, Trương Nguyên ngâm chân, lúc nãy đi ngoài tuyết, dày ướt cả.

Ban đêm, Trương Nguyên không nhịn nổi, muốn vui vẻ cùng Mục Chân Chân, nhìn thiếu nữ Đọa dân phía dưới mình, Trương Nguyên không khỏi nghĩ đến món khoai nướng bóc vỏ, hương thơm tỏa ra bốn phía, mềm mại vừa miệng.


Sáng ngày hôm sau, ngoại trừ Trương Ngạc ra, những người còn lại là Trương Nguyên, Trương Đại, Nghê Nguyên Lộ, Hoàng Tôn Tố đều đi bái kiến Đề học Triết Giang Vương Biên. Trong kỳ thi hương sang năm ở Hàng Châu, quan đề học của tỉnh nhà cũng nằm trong số các quan giám khảo, cho nên việc tạo mối quan hệ tốt với Vương đề học là chuyện rất quan trọng. Vương đề học gặp bọn Trương Nguyên cũng rất vui, còn khuyên phải cố gắng hơn nữa.

Sau giờ Ngọ ngày hôm đó, thuyền buồm trắng rời khỏi Hàng Châu, đến sau giờ ngọ ngày mười ba tháng chạp thì đến Hội Kê. Thành Hội Kê cũng phủ đầy băng tuyết, Trương Nguyên và Kỳ Bưu Gia lên bờ ở bến cảng Đông Đại Trì, cả hai đều là con rể của nhà họ Thương ở Hội Kê, nên đi ngang qua đương nhiên phải ghé vào thăm hỏi. Trương Đại, Trương Ngạc đi cùng với Hoàng Tôn Tố, Nghê Nguyên Bưu về Sơn Âm.

Kỳ Bưu Giai thấy người hầu của Trương Nguyên gánh theo một gánh lễ vật, trên tay Vũ Lăng còn cầm theo một hộp quà nữa, bèn nói:
- Giới Tử huynh, tiểu đệ chưa chuẩn bị lễ vật gì cả, vậy phải làm thế nào bây giờ?

Trương Nguyên bèn nói:
- Vậy thì cứ coi như số lễ vật này là của hai ta cùng đem đến tặng.

Kỳ Bưu Giai quyết không chịu ké món hời của Trương Nguyên, ra lệnh cho người hầu mau chóng đi chuẩn bị lễ vật tám màu, y cũng không theo Trương Nguyên cùng vào Thương phủ, mà đứng bên ngoài tường đợi.

Trong hậu viện nhà họ Thương, chẳng thể phân biệt được đâu là mai hồng, mai trắng, vì cây nào cây nấy đều phủ trắng băng tuyết, mùi thơm nhẹ nhàng của hoa mai thoang thoảng trong những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt. Sau giờ ngọ, Thương Đạm Nhiên cùng nô tỳ Vân Cẩm đang chơi đá cầu trên tuyết ở hậu viện, Thương Đạm Nhiên không mặc áo lông dày, mà chỉ mặc áo vải bố đơn giản, bên dưới là váy dài bằng lụa Thanh Hoa, không chút son phấn, thanh lịch yểu điệu. Hai tay nàng khẽ túm váy, đôi chân khều, gắp, đỡ, đá, quả cầu bằng da tung lên tung xuống, bị thao túng bởi chân nàng như thể bị cột vào chân bằng một sợi dây vậy. Đột nhiên nàng bị trượt chân, bèn thuận đà ngồi bệt xuống tuyết, cười mãi không thôi, rồi chẳng đợi nô tỳ Vân Cẩm đến đỡ, nàng đã tự mình đứng dậy, không bị quấn chân mới tốt làm sao.

Tiểu tỳ Vân Cẩm đang mải phủi những bông tuyết dính trên váy cho Thương Đạm Nhiên, thì thấy vú già má Chu đi từ cửa hậu viện vào, gọi:
- Đại tiểu thư, đại tiểu thư, lại có một chiếc thuyền buồm trắng Ngũ Minh Ngõa đi qua rồi, không dừng lại.

Kể từ khi bước vào tháng chạp, Trương Đạm Nhiên cứ đếm những chiếc thuyền trở về, nghe vậy bèn cười toe toét, nói:
- Má Chu đừng chờ đợi ở đó nữa, trời lạnh rồi.

Các bà vú và nữ tỳ trong nhà họ Thương đều hiểu được tâm tư của đại tiểu thư, nên người nào người nấy cũng chịu khó dò la tin tức, thường xuyên báo lại với Đại tiểu thư.

Thương Đạm Nhiên bước đi về phía phòng khách, tiểu tỳ Vân Cẩm ôm cầu chạy theo sau, nói nhỏ với nàng:
- Hôm nay đã là mười ba rồi, sao Trương công tử vẫn chưa về.
Nói đoạn thấy trên váy của Đạm Nhiên tiểu thư vẫn còn dính tuyết, nên đưa tay ra phủi, tiểu thư bèn quay lại trừng mắt với nàng một cái.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.