Dứt lời, mợ hai cười khẩy bỏ đi để lại mợ cả một mình trong căn phòng trống rỗng, nước mắt giàn giụa. Đây không phải lần đầu tiên mợ bị khinh rẻ, bởi bản thân mợ cũng ngày đêm khinh thường chính mình. Mợ vốn biết mợ ba không phải do bu mợ Trâm hại, nhưng mợ đã hèn nhát chọn im lặng.
Hôm đó mợ ba liều mình uống thuốc mê rồi nằm lăn ra vũng bùn, tính đổ vạ cho bu con mợ hai. Mợ khuyên mợ ấy mãi không được, còn bị mỉa mai bằng những lời lẽ xúc phạm nên bực bội trở về phòng. Khi quan tới xét loan tin xấu mợ tưởng mợ ba bắt đầu giở trò nên giả ngất tránh đi. Trộm nghĩ mợ hai mợ ba đấu nhau, mợ chẳng làm gì sai, chả có gì phải hổ thẹn. Mợ hai nếu bị giam một thời gian cũng tốt, biết đâu quan hệ của cậu hai và mợ sẽ được cải thiện?
Mợ thực sự chẳng ngờ thân thể ốm bệnh lâu ngày của mợ ba không chịu được thuốc liều nặng, từ giả bị người khác hại thành tự hại mình. Mợ phải năn nỉ mãi cậu mới đồng ý công khai nguyên nhân cái chết là do mợ ba bệnh nên đột quỵ. Mợ hai thoát nạn nhưng bị trầm mặc khiến cậu ngày đêm lo lắng, mợ ấy càng được nước ăn vạ, tỏ ra chán ghét cậu, thậm chí vừa nãy còn buồn bực bỏ đi. Vú Oanh mừng huýnh, mợ thì chả vui nổi. Vì những ngày qua chứng kiến cậu bên mợ hai, chăm chút bón mợ ấy từng miếng cháo thì mợ biết, cho dù mợ hai đi đâu, cậu cũng sẽ đi theo mà thôi.
Nhớ mùa hè năm ấy, sau rất nhiều lần bị em gái Minh Châu lợi dụng gương mặt giống mình để giả danh chơi khăm, mợ ức chế không nhịn nổi, quyết định liều mình trốn khỏi phủ, dùng cái tên Minh Châu đi gây loạn. Tình cờ gặp mợ Trâm, lần đầu tiên trong đời mợ thấy chiếc vòng đá đỏ đẹp đến mê hồn như vậy.
Ở trường thi võ ngày đó, nổi bật nhất không phải người ghi danh bảng vàng mà chính là chàng trai mặc kệ nắng trưa gay gắt, thân thể bất ổn vẫn kiên cường hết mình. Hai má mợ chợt nóng bừng, tim gan bủn rủn mỗi lần lén nhìn qua phía người ta. Nỗi nhớ thấp thỏm giày vò mợ từ ngày này qua ngày khác, để rồi tới lần hội ngộ ở ngôi trường sâu trong núi của thầy, mợ vỡ oà khi cậu chẳng đi cùng cô gái kia nữa.
Chỉ là, cậu không đem theo người, nhưng tim cậu thì đã ghim sâu hình bóng ấy. Còn mợ cứ như con thiêu thân lao vào biển lửa, cháy tới rụng rời lông cánh vẫn chẳng muốn quay đầu. Là thầy nhìn ra mợ thương cậu nên im lặng cho cha mợ tác oai tác quái. Mới đầu mợ khuyên cậu nên ưng thuận, bởi nếu không chỉ e thầy cùng cha mợ sẽ dồn cậu tới chỗ chết, mợ nhớ mãi khi ấy cậu khẳng định.
-"Tôi thà chết chứ không phản bội mợ nhà tôi."
Phản bội nghe sao nặng nề? Cậu có quyền rước thêm vợ mà, vì đâu cứ ương bướng như vậy? Thái độ kiên quyết của cậu khiến mợ phải tìm cách khác, đành tìm gặp cậu thương lượng chuyện rước dâu giả. Cho mợ một năm thôi, mợ tin có thể xoay chuyển được cậu. Mợ chẳng cần tranh giành, mợ chỉ muốn ngày ngày được trông thấy cậu, thi thoảng cùng cậu chuyện trò. Cậu giỏi xuất chúng, đặc biệt có cái nhìn thoáng hơn những người đàn ông mợ quen. Cậu không bao giờ khinh đàn bà chõ mồm vào chuyện đại sự, già trẻ gái trai bất kể ai có sáng kiến hay cậu đều tôn trọng.
Cậu thương mợ hai, mợ cố đối tốt với mợ ấy. Con người mợ với ai cũng có thể xởi lởi, trừ mợ hai, chuyện đó sao khó quá chừng? Bởi vì, mợ ghen tỵ. Mợ ngày ngày đè nén mình, cố gắng kết thân với con gái nhà bán bún, già hơn mợ, ích kỷ, nóng nảy và ngoa ngoắt. Dần dần mợ nhận ra con người mợ hai không hẳn toàn điểm xấu, mợ ấy tuy ăn to nói lớn nhưng thật thà chất phác, thân đàn bà nhưng khí phách lạ lùng, cái cách mợ hai thể hiện tình cảm với cậu, khó ai có thể bắt chước. Nói đúng hơn, con gái, khó ai mặt dày được đến thế!
Mợ vì cậu mà tổn thương người bạn thanh mai trúc mã. Cậu Nguyên từng đến tìm mợ, khuyên mợ buông bỏ, tuy nhiên mợ một mực không chịu. Mợ vừa từ chối cậu bữa trước, mấy bữa sau cậu liền bị lũ cuốn trôi. Mợ hận mợ đã dùng lời lẽ phũ phàng, mợ tiếc người tài, xót thương người bạn từ thuở niên thiếu, trong quãng thời gian mợ khốn khổ vật vã nhất, cậu hai luôn ở bên động viên mợ. Mợ tưởng trái tim cậu đã rung động nên cố ý để lộ những cử chỉ quan tâm của mình, sau này mợ mới hay, cậu hoá ra chỉ là thương hại.
Biết vậy mà mợ vẫn tham luyến, mợ giữ khư khư một chiếc vòng không thuộc về mình, giữ mãi chẳng dám đeo. Nhưng bảo trả lại, thì càng không nỡ. Cái địa điểm mợ chỉ cho cậu để tới chỗ Minh Châu chuộc lại vòng là bịa đặt, những lời dối trá nay bị mợ Trâm phát hiện, lòng mợ hổ thẹn chẳng dám bào chữa gì.
Mợ thẫn thờ sang thư phòng của cậu, mợ muốn là người đầu tiên báo cho cậu biết chuyện mợ hai bỏ đi, mợ chẳng thể làm cậu rung động, mợ chỉ mong cậu mang ơn mình. Thật bất ngờ khi mợ gặp bu Phúc ở đây, lần nào tới chơi bu cũng đi người không, quà quê chẳng bao giờ mang cho cậu, một câu hỏi thăm cũng không có, xểnh ra liền lăm le lượm đồ quý của cậu Lâm đem về cho cậu Hưng.
-"Có vẻ như cậu Hưng mới là con ruột của bu thì phải, còn cậu Lâm thì khác máu tanh lòng."
Mợ bâng quơ hỏi thử, bu giật thót tim chối đây đẩy. Trên tay bu đang cầm khối ngọc quý trị giá mấy chục ngàn quan tiền, là đồ thầy tặng cậu, thấy bu tính cất vào túi làm của riêng, mợ bực bội doạ dẫm.
-"Bu mà dám đem về tôi dám kêu lính tới giải bu ra trấn đường, tiện thể xét lại cái vụ năm xưa đi, xem cậu Lâm có đích thực là con của bu không?"
Thần thái đanh thép của mợ khiến bu toát mồ hôi hột, vừa sợ vừa bực, bu tức tối ném trả mợ khối ngọc. Khổ nỗi tay bu run quá, bu ném thế nào trúng ngay đầu mợ, máu chảy rì rì, mợ đột ngột ngã xuống. Bu lay mợ mãi không tỉnh, hoảng loạn chạy đi kêu lính có kẻ hại mợ cả. Lính theo bu xông tới thư phòng, lính hỏi ai hại mợ, trong lúc rối rắm không bịa được ai cả, lại thấy cậu hai vừa hay tới, bu liền khai bừa.
-"Là Trấn thủ, cậu mợ cãi nhau chuyện đẻ con nối dõi, rồi cậu đánh mợ vỡ đầu. Mau bắt cậu giải đi, phải phân xử nghiêm minh vào."
Ánh mắt cậu u uất nhìn bu, chẳng hiểu cậu là thứ tội nghiệt gì mà bu lại đối xử với cậu như vậy? Lẽ nào khi xưa bu nhặt cậu ở ngoài đống rác? Lính e ngại không dám tiến tới gần Võ Trạng Nguyên, cậu thở dài sai người tìm vú Oanh lo liệu cho mợ cả, đoạn tự mình nhận tội thay bu, đường hoàng để lính dẫn tới nhà lao chịu tội.
Trên đường đi lính của cậu buồn buồn tâm sự, mợ cả thân thế cao quý, chỉ e ít nhất cậu cũng bị nhốt một năm. Cậu khẽ cười trừ, cậu lại nợ mợ hai nữa rồi. Thôi thì cậu trả nốt cái chữ hiếu cho bu cậu, công nuôi dưỡng khi cậu còn nhỏ xíu, cả công sinh thành nếu có, sau chuyện này, cậu với bu thân ai nấy lo. Cậu mợ bây giờ không chỉ có nhau, gia đình họ còn sắp đón các con, người bà "tuyệt vời" như vậy, cậu thực sự chẳng dám để lũ trẻ nhà mình ở cùng.
Bà hai thấy tình hình ổn ổn liền thở phào nhẹ nhõm, ra sức vác đồ quý đem về quê. Tầm dăm bảy hôm sau bà gặp bà cả nhai trầu bỏm bẻm ngồi ở quán nước đầu đình, con Chín hình như mới qua chơi, gớm chẳng biết được bà cả cho bao nhiêu bạc mà lụp xụp bóp chân hầu bà, còn bà thì hớn hở vọng ra xỉa xói.
-"Ôi chao nghe đồn con trai nhà chị Phúc bị nhốt rồi hả? Đến khổ!"
-"Giời ơi nào có phải con trai em, là con trai chị đang bị giam đó chứ chị Yến."
Bà hai bao nhiêu năm bị đè nén, lại chắc mẩm vụ này cậu mọc cánh cũng chả thoát được nên tức nước vỡ bờ, bà cả nhíu mày đăm chiêu không hiểu ý gì? Dì Chín hốt hoảng lôi bà hai chạy một mạch ra đống rơm, thì thụt hỏi han.
-"Chị Phúc, cậu Lâm có sao không? Tội nghiệp cậu quá, mà chị phát hiện ra cậu Lâm không phải con chị từ hồi nào hử?"
-"Hồi nào? Ngay từ đầu đã biết rồi, hồi mới lọt lòng tôi tráo mà, thằng Hưng mới là con tôi, còn thằng Lâm nó có tội nó phải chịu, dì lo làm gì mắc mệt ra."
Bà vênh mặt tỏ vẻ đắc thắng, dì Chín há hốc ngã phịch xuống đất. Năm xưa cả hai bà chửa to tướng nhưng vẫn ham lên núi thiêng hái lá lộc cầu may, đi được nửa đường thì trời bất chợt đổ mưa lớn, bà hai vô tình trượt chân ngã lên người bà cả, bà cả điên máu vả bà hai suýt sái quai hàm. Phú ông bận việc ở nhà nên hai bà choảng nhau ác chiến lắm, tình cờ thế nào cùng lên cơn đau đẻ. Tụi người làm cuống cuồng chạy về gọi bà đỡ, chỉ còn mỗi dì Chín ở hang đá trên núi trông nom các bà, dì nào có biết, tụi nhỏ lại thọt ra dễ dàng như vậy.
Bà cả sinh đôi hai cậu cu tí khoẻ mạnh đáng yêu, một cậu có vết bớt hình rồng, một cậu có bớt hình rắn. Bà hai thì số khổ, cô hĩm ngừng thở ngay khi vừa ra khỏi bụng mẹ không lâu. Hai bà mệt quá nên xỉu mất, chỉ có dì ngồi khóc tu tu, thương đứa nhỏ xấu số chẳng kịp đón ánh bình minh của ngày mới, thương bà hai bị bà cả gây sự nên sinh non, thương cho số phận bà sau này ngộ như không có con thì còn khốn khổ đến mức nào? Bởi thấy bất bình cho kẻ yếu nên sau khi chôn cất bé gái phía sau hang đá, dì đã đánh liều bồng một bé trai đem sang chỗ bà hai, coi như do bà sinh ra. Nào ngờ, chính bản thân bà hai cũng không vừa, tỉnh táo rồi thấy bà cả vẫn hôn mê liền đem tráo con, có điều, bà chẳng biết dù tráo cả trăm hay cả vạn lần thì tụi nó vẫn do bà cả đẻ ra thôi.
Nghe xong đầu đuôi câu chuyện mặt bà hai trắng bệch không huyết sắc. Những tưởng cậu Hưng và cậu Lâm có nhiều nét hao hao giống nhau là do cùng cha, thì ra hai cậu còn cùng mẹ nữa. Có chăng chỉ khác phần dáng vóc, một cậu cao to bệ vệ vì vất vả bươn chải từ nhỏ, còn một cậu sướng từ trong kén nên người bụ bẫm trắng trẻo.
Còn nhớ năm ấy bà từng thắc mắc dì Chín sao lúc mới sinh báo con gái cơ mà, dì gạt đi kêu bà nghe nhầm. Bà còn nghe bà cả bảo rằng bà thấy bà đau hai lần, dì lại lấp liếm do cậu quý tử nhà bà phúc lớn, mãi chẳng chịu ra. Mấy cái lời nói dối hoang đường đến vậy mà lại có thể khiến hai bà đẻ tin sái cổ, lỗi phải chăng do các bà cả đời mải kèn cựa nhau, chẳng để tâm tới những chuyện khác?
Hoá ra xưa nay bà chăm chút, bà lo lắng, bà mong nhớ con người. Bà từ bỏ vinh hoa phú quý dưới trấn Đoài vì muốn ở gần cậu Hưng, trong khi đó đứa con gái bé bỏng của bà nằm lạnh lẽo trên núi bà lại chưa từng thắp cho nó một nén nhang. Ngần ấy năm bà com cóp vun vén cho ai? Bà gắng gượng nhẫn nhịn để làm gì khi cuối cùng mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Cha bà phạm trọng tội, tới khi mất người thân không được cúng khấn nhiều trong lòng bà đã thấy khó chịu lắm rồi, nay con gái bà dứt ruột đẻ ra, cứ nghĩ tới việc chưa từng làm cho con được cái lễ tử tế khiến bà đau xé gan xé ruột.
Dì Chín nức nở xin lỗi bà. Xin lỗi, giờ có ích chi? Khi mà đứa nhỏ của bà đã bị vùi lấp thật sâu dưới đống đất đá kia, bao nhiêu năm chẳng ai nhớ tới nó? Khi mà bà của bây giờ, để con ở lại thì thương con nơi rừng núi hiểm trở, đưa con về thì sợ con chẳng quen với nơi mới, sợ con đầu thai rồi vì mẹ mà bị xáo trộn. Mỗi ngày bà cứ hết lên núi lại xuống núi, lúc khóc lúc cười, lâu dần bà thành lẩn thẩn, nghe đồn trong tay có gì bà ăn nấy, cơm hay đất còn chẳng phân biệt được.
Bà hai quẫn bức suốt ngày lảm nhảm linh tinh gọi con, chuyện lan ra khắp thôn khắp xóm, ngoài quán nước vối của bà Lan người ta bàn tán xôn xao hết cả lên, chỉ mình bà cả ở trong buồng khóc sưng mắt. Bà đánh cậu Lâm bao nhiêu lần bà đâu nhớ nổi, bà còn xát muối cho thật xót nữa, mưa gió sấm chớp bà ép cậu xúc lúa ngoài sân, chưa kể đêm đêm bà cầu nguyện cho cậu chết sớm đỡ chật đất. Hỡi ôi sự đời trớ trêu, thằng nhỏ là do bà mang nặng đẻ đau, hỡi ôi, bà ghê rợn chính con người mình. Thân làm mẹ nhưng bà lại thuê người sát hại con ruột, có ác mộng nào kinh hoàng hơn thế?
Giữa đêm hôm thanh vắng, nhân lúc phú ông ngủ say, bà lén gói đồ đạc dắt ngựa trốn khỏi thôn. Bà đi rất lâu, hỏi thăm rất nhiều người mới tới được nơi cậu hai bị nhốt, việc cuối cùng bà có thể bù đắp là nhận tội thay. Thật may mắn lúc lính thả cậu ra bà được nom thấy con một chút.
-"Bu đoán bu Phúc mới là người hại mợ Thuỳ, xưa kia nhiều lần bu bắt nạt bu cậu nên giờ bu hối lỗi bu chịu tội thay. Miếng ngọc này khá lớn, bu cho mấy đứa nhỏ nhà cậu, mợ sinh mấy đứa thì cậu chia thành ngần ấy miếng nhỏ, ngọc quý lắm đấy, cậu nhận nhé!"
Bà thì thầm vào tai cậu, bà thèm lắm được nghe tiếng cậu gọi bu một cách tử tế, bu của cậu, bu đẻ ra cậu chứ không phải bu Yến nhà cậu Hưng, nhưng bà lo cậu áy náy, thương cậu phải bận tâm cái chữ hiếu nên cố gắng kìm nén. Cậu phần vì tưởng bà muốn xoá bỏ hận thù với bu Phúc để sống cho thanh thản, phần vì sốt ruột mợ bụng mang dạ chửa nên không nghi ngờ gì cả, vội vã nhận ngọc bà đưa chạy qua phủ lấy ngựa tức tốc khởi hành về gia trang.
Mấy đêm trước có người lén vào nhà lao báo tin cho cậu thầy già đã đưa mợ về đó rồi. Gặp được bu Trinh nghe chừng mợ vui ghê lắm, chẳng biết mợ đã hết ghét cậu chưa? Khoảnh khắc gặp lại mợ, cậu thấy tim mình đập rộn ràng tưởng như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, còn mợ thì cuống quít nhận lỗi.
-"Tôi biết chuyện rồi cậu hai ơi, tôi biết mợ Thuỳ không hề có chửa như vú Oanh nói nhảm, bu tôi cũng còn sống nhăn răng luôn, bu cười với tôi suốt ngày à, thi thoảng còn mắng tôi nghe sướng hết cả lỗ tai. Tôi thấy ăn năn ghê lắm, vì tôi ngu xuẩn không tin cậu lại cứ đi gây sự vô lý. Tôi xin lỗi cậu nhiều vô cùng, tôi nhớ cậu kiệt quệ mà lão thầy canh gác rõ chặt, mấy lần tôi trốn đi tìm cậu toàn bị bắt tại trận thôi."
Không vì con thì mợ đã sống chết với lão, mợ ấm ức méc chồng. Vẫn cái kiểu mè nheo ỉ ổi, vẫn cái giọng nói nũng nịu ấy, bu hay chê mợ đành hanh, còn cậu, chỉ cần nghe người ta nỉ non liền thấy tâm mình an ổn. Cậu đưa mợ vào gian riêng, đặt mợ lên ghế rồi quỳ xuống bên cạnh, đan mười ngón tay của mình xen kẽ với mười ngón tay của mợ, trầm tư giãi bày.
-"Tôi để mợ đợi tôi hoài, là tôi sai. Mợ vì tôi phải chịu nhiều tủi nhục, tôi sai nốt. Nhưng mợ có thể nào đừng hối hận vì trót lấy tôi được không? Không phải là không còn gì như mợ nói, đến cuối cùng, dù mất hết mợ vẫn còn tôi. Còn tôi, dẫu cho vinh hoa phú quý, tiền tài danh vọng, vợ lớn vợ nhỏ mà không có mợ, thì thực sự tôi cũng không còn gì."
Mợ cảm động rớt nước mắt, mếu máo đáp mợ không bao giờ hối hận. Nom cậu gầy rộc lòng mợ xót lắm, mợ bầu đi đứng nặng nề cơ mà mợ nhất định không cho đứa con gái nào bén mảng tới gần cậu cả, chuẩn bị nước ấm, thay đồ, tắm gội đều do mợ đích thân hầu cậu. Lúc mợ đứng lau tóc cho cậu, mợ thấy cậu đột ngột kéo áo mợ, âu yếm hôn miết lên bụng mợ.
-"Cậu hai xấu nha!"
Cậu chữa cháy rằng cậu thăm con, tại cái điệu hống hách đáng ghét của mợ nên mãi tới đêm khuya cậu cũng không thèm tình cảm hơn với mợ chút nào. Cậu chỉ chuyện trò với tụi nhỏ hại mợ bứt rứt muốn điên. Mợ lại sai rồi, sai lắm luôn ý, mợ phụng phịu oán trách.
-"Thầy nó đến tài, thăm con mà chả chịu thăm bu!"
Cậu tủm tỉm véo má trêu mợ, mợ tức mình cầm ngón tay cậu ra sức cắn, nhưng cậu chẳng bực mình, vì cậu đã cúi xuống nhá lại môi mợ từ lúc nào. Nụ hôn của cậu sâu lắng da diết như cái cách cậu vẫn thương yêu mợ, mợ say sưa mơn trớn quanh cánh môi kia, thi thoảng lại đưa lưỡi qua ghẹo cậu.
Tay cậu cẩn thận đỡ đầu mợ, cù cù gáy mợ rồi trả đũa giật tung dây yếm nhỏ, men theo mép áo chạm tới nơi xuân sắc rực rỡ. Nụ hoa ấy nhuộm một màu hồng phấn ngọt ngào, yêu kiều lấp mình bên mảnh lụa mềm mại, người ta nói đàn bà càng lớn càng kém tươi, nhưng mợ của cậu, so với ngày đầu tiên cậu mợ gần gũi thì còn ngọt ngào và đằm thắm hơn gấp vạn lần. Những khiêu khích dồn dập khiến mợ tim mợ bồi hồi khôn nguôi, những nụ hôn ráo riết dây dưa quanh đoá sen ướt át như mồi lửa bùng cháy mãnh liệt thiêu đốt từng tấc trong mợ. Nếu có thể, kiếp này mợ chẳng muốn san sẻ cậu cho bất cứ ai, để trả giá cho cái mong muốn ích kỉ đó, dù phận hèn hay lều tranh mợ cũng chấp nhận.
-"Kiếp này cậu là của riêng tôi nhé!"
Mợ giở thói trẻ con nài nỉ, cậu ôm mợ dậy, cùng mợ đan xen từng nhịp tim, từng hơi thở, cùng mợ trải qua những xúc cảm đẹp đẽ nhất. Khi mợ thấy cơ thể mình nhẹ bẫng như đám mây nhỏ trôi dạt phía chân trời xa xa, mợ nghe giọng cậu ấm áp bên tai.
-"Kiếp sau tôi cũng là của riêng mợ."
Mợ ngượng hai má hây hây đỏ, lí nhí nũng nịu mợ chết trong hũ mật mất thôi. Cậu gục đầu lên vai mợ, để lại một dấu hôn thật sâu rồi ngỏ lời.
-"Có chết cũng chôn chung với tôi nhé!"
Mợ gật đầu lia lịa, híp mắt cười ngọt. Chỉ trong mấy ngày đồ đạc của cậu đã được chuyển về gia trang, thư từ quan cũng viết sẵn gửi thầy, cậu nghĩ thầy sẽ có cách an bài thoả đáng nhất. Thầy hay tin tìm bu Trinh gây chiến.
-"Bà xem, do bà, tất cả là do bà chiều con gái sinh hư. Có khác nào hồ ly tinh mê hoặc quan lớn bỏ bê việc dân việc nước?"
Bu bận đóng gói áo quần về quê nên chả thèm nghe, ở đây lâu cũng sốt ruột thằng cu Trí cái Dung, bữa trước mới về xíu đã đi liền, tại thương Trâm đang mang bầu. Giờ có cậu hai thì bu yên tâm rồi.
-"Bà điếc hả? Đừng có giả điếc làm ngơ! Loại đàn bà độc ác chia rẽ cha con nhà người ta hơn hai chục năm trời."
Thầy lủng bủng, bu Trinh giật mình quay sang nhìn người đối diện, lão biết từ bao giờ? Vì đâu mà biết? Lão già chết tiệt lão còn to mồm đổ lỗi cho người khác được hả? Cái ngữ lão đem nhốt giọ lợn cho trôi sông vẫn chưa hết tội đâu, cứ nhìn cái mặt lại thấy ngứa mắt, phát bực mà. Bu khinh khỉnh quay lưng, cứ thế bước đi chẳng thèm từ biệt. Ngặt nỗi cái chân bu chạy chẳng nhanh bằng cái thứ võ công khỉ mốc của lão. Lão chặn trước xe ngựa của bu, bu điên máu muốn xông ra chửi nhau tới bến, ai dè chưa kịp mở lời đã nghe lão lí nhí.
-"Năm xưa...là...là tôi sai."
Thấy bu Trinh hiền hiền đi rồi, thầy rầu rĩ thổ lộ.
-"Tôi thèm...thèm nghe nó kêu tiếng thầy quá!"
-"Thì nó vẫn kêu ông bằng thầy đó thôi, yêu sách cái gì?"
Thầy mắng bu không hiểu chuyện, bu mắng thầy vẽ chuyện. Miệng bu trách chứ lòng bu mềm nhũn, nhớ hôm bu bị áp giải gặp bão nên đoàn xe trượt bánh lao xuống vực, không có lão cứu thì chắc giờ bu ngồi ăn chuối rồi. Thầy đỡ bu lên xe ngựa, nịnh bu ở lại thêm vài hôm, đoạn đưa bu đi dạo quanh trấn. Giữa thầy và bu hôm đó đã trao đổi thương lượng những gì, hoá giải được bao nhiêu hận thù năm xưa thì ngay cả con gái họ cũng không biết, chỉ biết cậu mợ xuống dưới chợ mua dưa lê về nom thấy thầy râu cắt sạch sẽ, tóc nhuộm đen nhánh đang ngồi băm bèo dưới sự chỉ đạo của bu mà sửng sốt rơi phịch cả rổ dưa.
Thầy ở lì gia trang luôn, thầy rất hay hỏi, đến bao giờ? Còn bu rất hay đáp, để xem cái thái độ ông thế nào? Kẻ hầu người hạ tuy chả hiểu mô tê gì nhưng nghe riết thành quen, riêng mợ Trâm rình lúc thầy đi vắng, mợ kéo bu lại hỏi han.
-"Thầy phải lòng bu hử? Bị bu bỏ bùa cho chết mê chết mệt rồi chứ gì? Xong chắc xin bao giờ bu cho cưới chứ gì, con biết thừa."
-"Cha bố nhà chị, nghĩ đi đâu thế? Đầu óc toàn than củi đen sì sì à. Mà bu nghe thầy kể trên triều đấu đá phe họ Nguyễn thua, Thái phó bị cách chức. Cụ thể như nào bu chả nhớ rõ, có điều mợ Thuỳ hình như tự ti về gia thế nên buông bỏ rồi, mợ chưa thuận ý lấy chồng mới nhưng gửi lời chúc phúc tụi bay, cơ mà lúc cậu hai biết vụ cậu là con bà cả cậu có buồn lắm không?"
-"Con chẳng rõ bu ạ, tại cậu đâu có như con bô bô ra đâu. Nghe đồn quan trên đang có lệnh những ai muốn giảm án cho người thân thì có thể dùng tiền chuộc, con đọc thư mợ Chi thấy kêu phú ông bán sạch sản nghiệp cho một người ẩn danh để cứu bu Yến, phú ông nặng tình bu nhỉ? Chỉ là, có chuyện bí mật bu nha, tiền vàng của cậu có bao nhiêu con đều biết, mỗi tội bữa trước xuống nhà kho thấy trống trơn luôn rồi, bu đoán ra không bu?"
Bu Trinh trầm tư gật đầu. Theo sự mách nước của bu, thầy đi ba ngày trời đem về cái thánh chỉ, nội dung đại loại là nếu cậu hai muốn nhận lại chức Trấn thủ thì từ nay cậu không được nạp thêm vợ. Cậu có vẻ không quan tâm cho lắm, vì dù sao cậu cũng không tính nạp thêm, nhưng mợ nghe sướng như vớ được vàng. Giờ cậu chắc chắn chứ nhỡ đâu sau này mợ già mợ xấu cậu hối hận thì sao? Cứ có cái lệnh bên trên cho nó chắc, mợ hí hửng chạy tới chỗ cậu gợi chuyện.
-"Bao giờ về trấn nhỉ?"
-"Không về nữa."
Cậu lạnh lùng đáp, nhưng vẫn đưa tay phủi phủi cái váy dính đầy hoa cỏ may của mợ rồi lại tiếp tục đóng nôi cho mấy đứa nhỏ. Mợ hồ hởi phân tích bữa đó đến giờ cậu chỉ loanh quanh ở nhà, ngẫm kể cũng phí một thời trai trẻ. Cậu làm ngơ lôi trong túi bức thư mợ viết ra hỏi tội, cái bức thư có vài chữ nhưng từng khiến cậu uất nghẹn.
-"Mợ kêu mợ bỏ tôi!"
-"Eo ơi cái con điên nào bốc đồng chữ nghĩa nét này nét kia loạn xạ hết lên thế? Có con dở nó mới đòi bỏ chứ tôi còn lâu nhé, lấy được chồng to cao vạm vỡ giỏi giang chả phúc tám đời ra, lại lời mấy mụn con giống chồng y như đúc, ai dại gì đâu."
Mợ xoen xoét cái mồm, cậu vẫn chưa nguôi ngoai, xị mặt chất vấn.
-"Con giống tôi y như đúc, vậy mợ thương tụi tôi y như nhau hả?"
-"Nào có, thương thầy nó nhứt quả đất chứ, con đã có thầy nó thương rồi mà."
Cậu cố nén cười quay sang xoa eo mợ, đang chửa bự tổ chảng nên cậu tha cho chẳng bấu nữa, bù lại cậu rất hay thơm mợ, rúc đầu vào cổ mợ hít hà, quanh quẩn bên mợ sớm tối như con nít, mợ thì đâu già dặn hơn mấy, toe toét suốt ngày.
-"Cậu hai nhấc tôi lên để tôi hái quả xoài xanh kia kìa, nom ngon quá!"
Mợ được chồng nhấc bổng lên, hái được xoài nhưng cắn có một miếng xong lại chán, mè nheo bắt chồng bồng đi hái khế nho cam bưởi. Ăn xong tay bẩn chùi luôn vào áo cậu bị bu Trinh mắng xơi xơi, cậu thì vẫn cười hiền. Mợ bùi ngùi ôm cậu thỏ thẻ hỏi, sao cậu hai chăm chút tôi ghê vậy? Cậu đưa mợ ra giếng rửa tay, ghé tai mợ thổ lộ.
-"Tại tôi muốn cùng mợ già đi!"
Mợ nghẹn ngào không nói lên lời, tựa đầu mình vào ngực cậu mà ứa nước mắt. Mợ cũng vậy, kể cả khi cậu hai đầu bạc trắng, răng long ra móm mém mợ vẫn muốn được ở bên cậu. Những hôm sau mợ vẫn kiên trì khuyên nhủ cậu xem xét chuyện làm quan, mợ nịnh nọt tỉ tê giở đủ thủ đoạn rốt cuộc cũng đạt mục đích. Mợ mang bầu tháng thứ bảy thì cậu mợ cùng lên đường trở về trấn. Biệt phủ cũ cậu cho ngăn thành nhiều lô mở quán trọ, đồng thời có khu cho người nghèo đến ở mỗi khi họ vào trấn kiện cáo. Còn cậu mợ ở biệt phủ nhỏ nhắn hơn, trong nhà kẻ hầu người hạ cũng vừa đủ chứ không đông đúc như xưa.
Dân nhớ Trấn thủ, đứng xếp thành hai hàng ngang chào đón cậu mợ từ xa xa lắm. Cậu vẫn uy phong lẫy lưng như ngày nào, còn mợ, giờ họ mới nom rõ mợ hai của Trấn thủ, à mà nay là mợ cả chứ nhỉ? Mợ đẹp phúc hậu quá, nom mợ khệ nệ xuống kiệu ai cũng xuýt xoa khen ngợi, thầm cầu nguyện cho mợ mẹ tròn con vuông.
Trấn thủ đã về, xứ Đoài lại sống trong những ngày thật yên bình, thi thoảng cứ tới dịp lễ hội họ thường tổ chức ăn uống linh đình, tiếng trống, tiếng chày rộn rã cả phương trời. Người lớn trải chiếu ngồi thành vòng tròn tâm sự nọ kia, trẻ nhỏ cười khanh khách chạy dọc chạy ngang, ới nhau truyền tai câu chuyện dân gian.
Ngày xửa ngày xưa,
Xưa xưa lắm rồi...
Nghe đồn ở xứ Đoài nọ, có ông Trấn thủ từng đỗ Võ Trạng Nguyên, uy dũng bốn phương không sợ trời không sợ đất không sợ giặc, nhưng lại sợ vợ. Quan lớn chi mà ra đường nhát không dám dòm gái, phủ rộng thênh thang không dám rước bà hai, ngày ngày đội vợ lên đầu mà sống. Một bữa nọ, khi quan đang họp ngoài trấn đường với các quan huyện, có tên lính chạy tới la trời la đất.
-"Bẩm...bẩm quan lớn...bẩm các quan nhỏ...mợ lớn đẻ rồi quan ơi...cậu cả...cậu hai...cậu ba đều ra rồi...nhưng vẫn chưa xong quan ạ...vẫn còn nữa...nãy giờ mợ la quá chừng...mợ kêu giờ Hợi mà chưa thấy quan vác mặt về thì đợi mợ đẻ xong mợ xách rơm tới đốt tươm cái trấn đường."
Mấy ông quan huyện hồ hởi tay bắt mặt mừng, riêng quan lớn mắt mũi đỏ hoe, tay chân run lẩy bẩy, hoảng hốt phóng ngựa như bay hồi phủ. Người dân nghe tin động trời liền ráo riết chạy theo, già trẻ gái trai chen lấn xô đẩy ngã chổng vó mà vẫn nhìn nhau cười khà khà. Hạnh phúc, đôi khi chỉ là được nghe tiếng khóc chào đời của con trẻ! Chỉ đơn giản vậy thôi!
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]