Chương trước Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19
Chương sau
Trà mi một đóa Đêm đen đã chứng kiến bao nhiêu nỗi thảm sầu, nhưng trống canh từ phía lầu Nam đã dồn dập báo rằng một ngày mới sắp đến. Kiệu hoa đã được khiêng đến trước cửa ngoài. Nhạc rước dâu đã bắt đầu trỗi dậy, báo hiệu giờ ly biệt. Kẻ ở người đi ai cũng cảm thấy đau lòng. Giọt nước mắt rơi như thấm cả vào lòng đá, sợi tơ lòng kéo ra như làm nát ruột cả con tằm. Ngày biệt ly lại là ngày mây kéo tối sầm cả trời đất. Ngọn cỏ thì dầu dầu héo hắt, cành cây thì đẫm ướt giọt sương. Người ta rước Kiều về ở tạm nơi một quán trọ, và để nàng ở một mình trong ấy, bốn bề phong tỏa. Chưa bao giờ từng lâm vào tình trạng như thế, Thúy Kiều vừa thẹn thùng vừa bỡ ngỡ. Nàng cảm thấy xót xa khi xét lại lòng mình. Nàng than thở: 'Thân thế của mình như vầy mà lại rơi vào tay một người quá ư phàm tục. Vậy là công phu giữ nắng gìn mưa lâu nay vì chàng cũng trở thành uổng phí. Nếu biết rằng thân phận sẽ ra thế này thì chi bằng trước đây ta đã dâng đóa hoa đào phong nhị cho người tình chung. Ai là kẻ đã ngăn đón ngọn gió mùa xuân? Ai đã làm cho kẻ đi người ở đều đau lòng xót dạ? Dù trong tương lai chúng mình còn có cơ hội gặp gỡ lại thì anh ơi, thân em còn có ra gì nữa? Đã sinh ra kiếp long đong thì làm sao mà làm chủ được thân phận má hồng của mình?' Trên mặt bàn có sẵn một con dao. Kiều đưa tay với lấy, gói lại trong một chiếc khăn và dấu vào trong tay áo. Nàng tự nhủ: ' Nếu sau này lỡ nước có đến chân, tai họa hiểm nhục dồn tới, thì ta đã có con dao này mà kết liễu cuộc đời mình.' Đêm càng lúc càng về khuya. Một mình trong phòng the, Thúy Kiều có lúc như say, có lúc như tỉnh. Nàng không biết rằng anh chàng Mã Giám Sinh ấy vốn là một gã phong tình quen thói ăn chơi trác táng. Ăn chơi quá mức và gặp phải thời rủi ro, Mã liền quyết định tìm kiếm cách sinh sống ngay trong giới hoa nguyệt. Trong giới lầu xanh anh ta lại gặp một người tên là Tú Bà. Mụ ta trước cũng là kỹ nữ, bây giờ tuổi già không còn duyên sắc. Tú Bà và Mã Giám Sinh, một bên mạt cưa giả làm bột cám, một bên mướp đắng giả làm dưa leo, cả hai đều là phường buôn hương bán phấn. Họ chung vốn mở một ngôi hàng, làm ăn lâu năm đã có kinh nghiệm. Họ đi khắp nơi thôn quê và phố chợ kiếm và dụ dỗ những cô gái nghèo còn trẻ đem về, nói là để nuôi làm con ở nhưng kỳ thực là để dạy nghề ăn chơi. Rủi may âu cũng là số trời, Kiều đã bị lọt vào cái ổ ấy. Một thiếu nữ xinh đẹp mơn mởn tợ một cành hoa như Kiều mà lại bị giao bán vào chiếc thuyền của một kẻ lái buôn. Nàng đã rơi vào lưới của Tú Bà và Mã Giám Sinh: sính nghi thì chỉ được trả có 450 lạng, và lễ rước dâu thì tổ chức cấp tốc. Mã Giám Sinh cảm thấy mừng thầm trong bụng. Gã thấy rằng cây cờ đang nằm trong tay gã. Càng ngắm nhìn vẻ đẹp ngọc ngà của Kiều thì gã càng thấy lòng mình say đắm. Sắc của nàng đáng được gọi là sắc nước, hương của nàng đáng được gọi là hương trời. Nụ cười tươi thắm của nàng ta có thể gọi là nụ cười đáng giá ngàn vàng, điều ấy thật không ngoa. Rước Kiều về tới lầu xanh thì trong giới vương tôn quý khách ai cũng sẽ tranh nhau để được chiếm đoạt nàng trước nhất. Ít nhất cũng phải trả 300 lạng vàng mới có quyền bẻ hoa, như vậy là ngay lần đầu Tú và Mã đã lấy lại được vốn. Còn sau đó là cứ tiếp tục có lời dài dài. Nhưng trong giờ phút này đây khi món ngon đã được đưa kề tới miệng, Mã Giám Sinh rất muốn chiếm đoạt xác thân của Kiều. Nhưng gã lại sợ là nếu làm như thế thì lại đánh mất vốn liếng của nhà chứa: 'Khi Kiều đã mất trinh thì còn ai chịu trả giá cao để được có cái thú bẻ hoa?' Nhưng gã lại suy nghĩ thêm: 'Đào tiên đã nằm trong tay kẻ phàm tục mà mình không biết lợi dụng thời cơ thì thật là uổng quá. Trên đời có biết bao kẻ được xem là biết chơi hoa thật sự? Có bao kẻ chơi hoa biết được cái quý cái đẹp của hoa? Thôi ta cứ liều mạng đi. Sau khi chiếm được Kiều ta sẽ tìm những phương thức giả tạo để đánh lừa người tới sau, để cho họ có cảm tưởng họ là người đầu được động tới nó. Những chất như nước vỏ lựu và máu mào gà có thể sử dụng để đánh lừa những kẻ dại dột, và biết đâu họ cũng có thể trả giá mà ta đưa ra. Nếu lỡ mà mụ Tú kia biết được thì ta chỉ cần quỳ một buổi xin tha tội, thế nào mụ ta cũng sẽ tha thứ. Với lại ở đây đường xá xa xôi, nếu ta không hành xử như một chú rể thật sự thì người ta sẽ có thể nghi ngờ rằng đây không phải thật sự là một đám cưới'. Nghĩ như thế, Mã Giám Sinh thực hành ngay. Thương tiếc thay cho một đóa trà mi mơn mởn: con ong bây giờ đã biết cả đường đi lẫn lối về. Mã Giám Sinh là một kẻ vũ phu, không biết thương gì đến ngọc, không biết tiếc gì đến hương, vì vậy Kiều đã phải trải qua một cơn nặng nề mưa gió. Sau giấc mộng kinh hoàng ấy của một đêm xuân, Kiều nằm trơ một mình dưới những ngọn đuốc tân hôn, vì Mã Giám Sinh đã bỏ đi ra ngoài ngay sau đó. Kiều khóc như mưa, một phần vì căm giận, một phần vì buồn tủi cho thân phận mình. ' Thật là một kẻ thuộc giòng giống tanh hôi. Thế là hết, còn đâu nữa là thân thế và danh dự của một khách má hồng. Có còn chi nữa để mà mong mà đợi? Đời một người con gái đến đây là chấm dứt.' Một xe trong cõi hồng trần Căm giận và tủi hờn vì thân phận, Kiều lấy dao ra tính kết liễu cuộc đời mình. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nàng biết là làm như thế có hại. 'Mình chết thì được rồi, nhưng còn cha mẹ thì sao? Nếu sau khi mình chết mà họ sinh sự kiện cáo thì có phải là mình sẽ làm lụy cho đấng song thân hay không. Chết trước hay chết sau cũng là một lần chết mà thôi, chi bằng ta hãy đánh liều đợi xem tình thế ra sao đã.' Còn đang suy nghĩ đắn đo thì tiếng gà gáy sáng đã sôi lên bên phía mái tường. Trong sương sớm tiếng còi đã vọng lên lầu mai: Mã Giám Sinh ra lệnh phải khởi hành lập tức. Đau lòng thay giờ phút tiễn biệt. Vó câu khấp khểnh, bánh xe ghập ghềnh. Đi được mười dặm, đoàn xe dừng lại ở một quán trường đình. Ông bà Vương đã đi theo được tới đây, có cả người nhà gánh theo tiệc tiễn hành. Chủ và khách bày tiệc ăn uống thù tạc với nhau bên ngoài. Bên trong chỉ có hai mẹ con Kiều. Nước mắt tầm tã, nàng kể hết nỗi lòng với mẹ: 'Con rất lấy làm hổ thẹn mẹ ơi. Sinh ra làm phận thơ đào, lâm vào tai nạn này, biết kiếp nào mới đền trả được ơn nghĩa mẹ cha? Duyện phận con lại lỡ làng, nước trong đã bị bùn đen quấy lên vẩn đục. Một tấm lòng chung thủy con không bao giờ dám quên, xin nhờ mẹ cha nhắn lại với chàng Kim Trọng. Trong mấy ngày qua, con để tâm quan sát và có linh tính là con đã bị rơi vào bẫy của một bọn bợm già. Mã Giám Sinh là một người không có tư cách đàng hoàng. Anh ta có khi nào có mặt ở nhà đâu, và mỗi khi cần phải đi vào thì hai mắt lấm lét, và mỗi khi đi ra thì hai chân vội vàng. Cách xưng hô ăn nói của thầy tớ họ cũng rất hàm hồ và có khi cộc lốc. Có khi anh ấy gọi bà tú là mợ, có khi thì gọi là mụ. Bọn đứa ở thì có khi gọi con là dì, có khi lại gọi là chị, có vẻ khinh xuất, thiếu hẳn lễ độ. Anh chàng này không có tư cách của một con người thanh lịch quý phái. Ngắm cho kỹ thì như là một người lái buôn. Chết con mất rồi, mẹ ơi. Thân phận con rồi đây nếu sống thì sống nhờ đất khách, và khi chết thì sẽ bị chôn ở quê người, hy vọng gì có ngày trở lại cố hương.' Nghe con nói như thế, bà Vương cảm thấy nỗi oan ức chất chứa đầy trái tim, bà những muốn ngửa mặt lên trời mà kêu cho thấu. Hai mẹ con còn chưa nói được với nhau bao nhiêu lời tâm sự thì bên ngoài người ta ra lệnh khởi hành. Trái tim trĩu nặng niềm thương xót đối với con gái, ông Vương đứng bên yên ngựa của Mã Giám Sinh hết lời năn nỉ: 'Em nó thân phận liễu yếu đào tơ, vì phận rủi của gia đình mà phải buộc lòng bước đi làm thân lẽ mọn. Từ đây nó sẽ phải trải qua cảnh nắng mưa thui thủi một mình bên chân trời góc biển, xa cách gia đình thân thuộc. Rất mong người quân tử đóng được vai trò của cây tùng cao có bóng mát, che chở được cho phận gái như một giây leo có thể leo lên được ngàn tầm mà không bị tuyết sương làm cho héo úa.' Mã Giám Sinh thưa lại: 'Cuộc nhân duyên này đã được định trước một cách mầu nhiệm, cho nên hai đứa chúng con mới được sợi dây đỏ buộc lại với nhau. Mai sau nếu con có ăn ở tệ bạc với Kiều, thì gương nhật nguyệt cũng như dao quỷ thần vẫn còn đó: con sẽ bị trừng phạt, xin nhạc gia đừng lo.' Mã vừa nói dứt lời thì như gió giục, mưa vần, chiếc xe của Kiều đã lăn bánh chạy và chẳng mấy chốc đã bị cuốn đi và mất hút trong cõi bụi hồng. (Tóm lược) Tú Bà và Mã Giám Sinh mua Kiều từ Bắc Kinh đem về Lâm Tri, chứ không phải đem về Lâm Thanh. Đi một tháng trời mới đến. Kiều khám phá ra rằng chỗ người ta mang Kiều tới là một chốn lầu xanh. Sau khi biết được Mã Giám Sinh đã phá trinh Kiều, Tú Bà giận quá la mắng và rút roi sắp sửa đánh Kiều. Kiều rút dao ra tự tử. Vết thương quá nặng, Kiều nằm thiêm thiếp. Trong khi hôn mê, Kiều nằm mơ thấy Đạm Tiên. Đạm Tiên nói: 'Chị không trốn được nợ đoạn trường đâu, chị phải sống cho hết kiếp này đã. Em sẽ đợi rước chị dưới sông Tiền Đường sau khi chị đã trả hết nghiệp.' Thấy Kiều có thể chết, Tú Bà sợ quá vội tìm thầy cứu chữa và khuyên Kiều nên tịnh dưỡng cho mau lành. Bà hứa là sẽ không ép Kiều tiếp khách và sẽ tìm cơ hội gả Kiều cho người tử tế. Kiều bình phục thì có một chàng tên Sở Khanh, giả làm kẻ hào hiệp tổ chức cho Kiều đi trốn. Kiều không ngờ đây là mưu của Tú Bà. Trên đường đi trốn, Sở Khanh bỏ Kiều giữa rừng. Tú Bà rượt theo bắt Kiều về, hung hăng đánh phạt. Kiều đau quá phải hứa chấp nhận tiếp khách thì Tú Bà mới tha cho. Thúy Kiều nói: 'Cái tính ưa trinh bạch của con, từ nay xin chừa.' Tú Bà bèn dạy cho Kiều cách hành nghŠ thanh lâu. M¶t th©i gian sau Çó có chàng Thúc Kÿ Tâm, từ Vô Tích ở Triết Giang theo cha về Lâm Tri mở ngôi hàng buôn bán. Thúc còn là sinh viên, có vợ tên là Hoạn Thư, con quan thượng thư bộ Lại. Thúc mê Kiều, bỏ tiền chuộc Kiều ra sống chung. Cha của Thúc biết được, buộc Thúc trả Kiều về thanh lâu. Thúc không chịu. Giận quá cha Thúc đưa Thúc ra tòa. Quan phủ ra lệnh cho Kiều trở về lầu xanh. Kiều thưa rằng nàng sẵn sàng chịu hình phạt hơn là phải bị bắt buộc phải trở về thanh lâu. Quan cho gông Kiều lại. Thúc Sinh khóc. Quan hỏi, và biết được Kiều cũng là người biết điều và lại có tài văn chương. Quan ra đề tài cái gông cho Kiều vịnh. Quan khen thơ hay và khuyên thân phụ Thúc Sinh nên chấp nhận Kiều là con dâu cho yên nhà yên cửa. Sống được với Thúc Sinh một năm, Kiều tính chuyện lâu dài, khuyên Thúc về Vô Tích nói hết sự thực với người vợ cả để mọi sự êm xuôi và để nàng được chính thức chấp nhận là vợ lẽ của Thúc. Thúc về thăm, nhưng không chịu nói. Ai ngờ Hoạn Thư đã biết cả. Hoạn tổ chức sai hai tên côn đồ là Ưng và Khuyển đi đường hải đạo về Lâm Tri bắt cóc Kiều đưa về Vô Tích làm con hầu cho mẹ là phu nhân của quan thượng thư. Kiều bị đánh bầm tím người vì khi được tra hỏi nàng đã thật thà nói hết tất cả những gì đã xảy ra. Nhờ bà quản gia hiền lành chăm sóc, nàng mới khỏi chết sau trận đòn đó. Kiều được ghép vào giới con ở, mặc áo xanh và được đặt tên là Hoa Nô. Những chuyện trên xảy ra trong khi Thúc Sinh còn trên đường về Lâm Tri. Thúc về tới thì được cha báo tin là nhà đã cháy và Kiều đã chết. Bọn côn đồ trước khi bắt cóc Kiều đã liệng một thây người vô chủ bên sông vào nhà và đốt nhà sau khi bỏ đi. Ai cũng tưởng là Kiều đã chết cháy. Gia đình Thúc đã tổ chức đám tang cho Kiều. Vài tuần sau, Hoạn Thư xin mẹ cho Kiều về nhà mình giúp việc. Từ Lâm Tri về Thúc Sinh vào nhà thì Hoạn Thư sai Kiều ra lạy chào với tư cách một con ở. Hai bên được đặt vào cái thế không thể nhận nhau và chào hỏi nhau. Hoạn Thư hành hạ Thúy Kiều và Thúc Sinh bằng cách bắt hai người phải đóng vai trò con ở và chủ nhà trong một thời gian khá lâu. Hành hạ hai người như thế để bõ những cơn ganh tức đau ngầm đã gánh chịu xưa nay
Chương trước Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19
Chương sau