Chương trước
Chương sau
Vân Đài sơn, theo Sơn Hải kinh thì cách 400 năm về trước là một hòn đảo ở ngoài Đông Hải, có tên là Xương Ngô và cũng có kẻ gọi là Uất Châu.

Trải qua bao nhiêu năm tháng sóng vỗ cát bồi, tang điền biến đổi, đảo này đã nối liền với lục địa.

Vân Đài sơn có một hình thái đặc biệt là mặt trước cũng như mặt sau, có hai dãy núi kéo dài, cao chót vót, chu vi ngót trăm dặm, cảnh sắc thâm u nhưng hùng tráng vô cùng.

Ngọn núi phía trước cao ngất trời xanh, tức là Thanh Phong sơn, đỉnh cao vòi vọi, ngọn khuất trong mây, quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có sương mù che phủ.

Tứ thời Xuân Hạ Thu Đông, mây biển lờ mờ hòa lẫn với khí núi âm u, núi này lúc nào cũng đượm một màu sắc thiêng liêng thần bí.

Giữa hai dãy núi cao, đứng sừng sững như hai tấm bình phong thiên nhiên, có một con đồi bằng phẳng cao lưng chừng sườn núi, chạy thoát ra tận xa xăm.

Trên đồi này có một tòa cổ am thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, ngói xanh rêu phủ, tường vàng cỏ loang, chiên sớm chuông chiều, khói hương không bao giờ ngát.

Trừ những ngày rằm và mồng một tòa cổ am có nhiều thiện nam tín nữ ra vào tấp nập hành hương chiêm bái, ngoài ra, những ngày thường đóng cửa ít kẻ lai vãng.

Theo lời tương truyền, thi am này do một vị phu nhân, sau khi chồng chết, đã xuất tiền xây cất để thờ Phật bà. Phía sau am vị phu nhân ấy có lập một mảnh vườn và một căn nhà nho nhỏ, quanh năm ăn chay niệm Phật, sống một cuộc đời ẩn dật không màng tới việc đời.

Hôm ấy là một ngày mùa đông tháng chạp. Vân Đài sơn ở trên biển Đông, vắng người qua lại, gió bấc lạnh thổi từng hồi ào ạt.

Đêm xuống, trời tối dần, khắp nơi mưa tuyết bay phơi phới phủ trắng vạn vật, trên khắp các nẻo đường bông tuyết đóng nhiều lớp đã dày hơn mấy tấc.

Tuyết lạnh, mây quang, nửa vầng trăng bạc đã lên dần, tỏa ánh sáng mơ màng soi khắp núi rừng lồ lộ như tranh vẽ. Vạn vật hiện ra một màu trắng xóa, cả một dải non sông, long lanh như ánh bạc, rực rỡ nhưng mơ hồ huyền bí!

Lúc ấy đã sắp qua canh hai. Từ dưới chân núi phía Đại Bi am bỗng nhiên có ba bóng người đạp tuyết nhẹ nhàng lướt đi như ảo ảnh, vun vút như cánh chim đêm trên sườn đồi bay đến.

Ba người ấy quả là những cao thủ võ lâm, khinh công tột bực. Thân hình họ là là trên nền tuyết trắng không để lại một dấu vết chi. So với thủ pháp “Đạp Tuyết Vô Ngân” mà khách giang hồ thường ca ngợi, bản lĩnh họ có lẽ còn vượt cao hơn một bậc là khác.

Ba bóng người đến chân núi thì dừng lại.

Dưới ánh trăng đêm, ba cái bóng đen in nằm dài trên tuyết trắng trông rõ ràng như bức tranh vẽ.

Khi họ đứng lại hiện ra dưới trăng là một người đàn bà đã đứng tuổi, theo sau là một cặp nam nữ thiếu niên tuyệt đẹp.

Người đàn bà tóc đã hoa râm, y phục đơn giản bằng vải gai, tuổi quá bốn mươi, nét mặt hiền từ nhưng đôi mắt sáng quắc như sao băng, chứng tỏ nội ngoại thần công thâm hậu.

Người thanh niên mình mặc áo xanh, lưng đeo kiếm dài, mặt ngọc môi son, mày kiếm, mũi cao, thanh tao nhưng hùng dũng. Thiếu nữ mặc áo chẽn màu đỏ đậm, quần đen gọn gàng, trên vai cài ngang một thanh bảo kiếm, mặt trái xoan, má hồng mắt bồ câu đen láy, càng nhìn lâu càng đẹp đẽ mặn mà!

Vừa dừng chân đứng lại nhìn đôi thiếu niên nam nữ nói se sẽ :

- Vệ hiền điệt! Đã gần đến nơi rồi! Đằng kia là Tổng đàn của họ, chúng mình cản thận dè dặt hơn để khỏi lộ hình tích, bất lợi đấy nhé. Hãy tiến thêm một đoạn nữa xem sao.

Thiếu nữ gật đầu khẽ đáp :

- Má yên tâm, chúng con đã hiểu và xin hết sức cẩn thận.

Nghe hai tiếng “chúng con” thốt ra từ miệng thiếu nữ, người đàn bà đứng tuổi bỗng nhếch mép nở một nụ cười thông cảm, rồi tỏ ý hài lòng, nói :

- Được, chúng ta đi thôi! Hãy nhớ cẩn thận!

Ba người này, không cần giới thiệu chắc độc giả cũng đoán biết là ba nhân vật chính trong cuốn sách này, Vệ Thiên Tường cùng mẹ con Thôi thị, Lăng Vân Phụng.

Cả ba chuẩn bị phóng đi, đột nhiên Vệ Thiên Tường khoát tay nói nhỏ :

- Đại thẩm, hãy nhìn kia kìa! Hình như có người đang từ dưới núi đi lên!

Vừa nói dứt lời, cả ba cùng phóng vào mé rừng vô cùng mau lẹ, nấp sau một bóng cây cổ thụ không một tiếng động, đưa mắt nhìn thẳng về phía trước.

Trên nền tuyết của cánh đồng trắng xoá, một bóng người đang từ đằng xa bay tới như một mũi tên, nhanh không thể tả!

Thân pháp người này kỳ diệu phi thường. Chỉ trong chớp mắt đã tiến đến gần khu rừng rồi tiếp tục bước đi mãi.

Gió núi thổi từng cơn lạnh lùng, lá cây rung xào xạc. Ba người nấp gọn sau bóng cây nín thở nhìn theo. Bóng kia cứ điềm nhiên bay đi không hề hay biết. Từ trong bóng tối nhìn ra, cả ba thấy rất rõ ràng.

Bóng này là một cụ già mặt vuông tai lớn, hai má phúng phính hồng hào, tinh thần quắc thước.

Ông mặc áo dài rộng, tay cầm gậy đầu rồng, bỗng dừng chân đứng lại, phóng dõi luồng nhãn quang sáng rực, quan sát một chặp rồi lại phi thân lao vút lên ngọn đồi.

Lăng Vân Phụng chờ cho ông lão đi xa rồi khe khẽ nói :

- Má ơi, cứ nhìn thân pháp ông già này lướt nhẹ trên tuyết như một bóng ma, không gây tiếng động, không lưu một mảy may dấu vết nào, quả nhiên là một tay võ công tuyệt đỉnh, không hiểu có phải là nhân vật của Thiên Diện giáo hay không?

Thôi thị lặng thinh chỉ lắc đầu, một chặp sau khẽ bảo :

- Không phải đâu! Vị này là Thái Nhạc lão nhân đấy! Lạ nhỉ chẳng hiểu có chuyện gì ông ấy lại lên Vân Đài sơn đêm nay?

- Thái Nhạc lão nhân!

Vệ Thiên Tường sửng sốt, buột miệng lặp lại bốn tiếng ấy, trong lòng vô cùng xúc động!

Chàng định cất tiếng hỏi thì Thôi thị đã vội vàng bảo :

- Vân Phụng con, chớ hỏi nhiều, và đừng nói chuyện nữa. Chúng ta hãy theo sát ông ấy xem thế nào cho biết.

Thế là ba người lặng lẽ theo sau.

Thái Nhạc lão nhân là Chưởng môn nhân của phái Thái Sơn. Đã mấy chục năm nay lão nhân chỉ nương bóng lâm tuyền với cuộc sống ẩn dật không lê chân vào chốn giang hồ.

Không phải như các môn phái thu nhận nhiều môn đệ, phô trương thanh thế rầm rộ, Thái Nhạc lão nhân chỉ có một người học trò duy nhất. Tuy nhiên trên võ lâm, uy danh của ông không hề sút kém bất cứ một môn phái nào.

Vì trình độ võ công của Thái Nhạc lão nhân đã liệt vào hàng siêu quần bạt chúng cho nên ba người len lén theo sau, lúc nào cũng giữ một khoảng cách khá xa để khỏi bị phát giác.

Suốt quãng đường lên núi không xảy ra điều gì khác lạ! Thật là một sự kiện ngoài ý nghĩ mọi người.

Trừ tiếng gió thổi qua những đám tuyết bám trên cành cây rơi lác đác tan trên đất phát ra tiếng lào xào, ngoài ra tứ bề lặng ngắt như tờ, cảnh vật im lìm một cách huyền bí!

Thật không ai có thể tin rằng nơi đây là Tổng đàn của một tổ chức thần bí ghê gớm nhất là Thiên Diện giáo hiện đang ra mặt trên giang hồ và đã từng áp đảo hầu hết những tay cao thủ lợi hại bậc nhất của hai phe Hắc Bạch.

Cảnh tượng càng vắng lặng, khiến lòng người càng e ngại lo âu, chưa rõ sắp có sự việc gì xảy ra.

Lên đến đỉnh núi là một vùng phẳng bằng, rộng chừng hai chục mẫu, xung quanh tùng bách mọc chen nhau, sừng sững chọc trời.

Trước mặt, ngay chính giữa có một tấm bia đá đứng thẳng tắp mặt phẳng lì, có khắc bốn chữ :

“Từ Hằng Phổ Độ”

Hai bên có hai chiếc cột đá lớn, đứng sang sảng cao chót vót, mỗi bên khắc một câu đối :

“Phật Pháp Vô Biên”

“Quảng Đại Linh Cảm!”

Vượt qua tấm bia có một khoảng đất trống khá rộng. Giữa khoảng đất có đặt một lư hương vĩ đại bằng đá trắng., từ bên trong khói trầm tỏa ra nghi ngút, mùi thơm ngào ngạt, khiến lòng ngườibỗng có một cảm giác lâng lâng hầu như thoát tục.

Đi thêm chập nữa là cổng sơn môn của Đại Bi am.

Thái Nhạc lão nhân lẳng lặng vượt qua chiếc cổng rồi rẽ về bên cạnh Đại Bi am.

Thôi thị và hai người vẫn giữ khoảng cách xa xa, rồi kéo cả vào rừng, nhờ bóng cây che khuất, rồi lặng lẽ tiếp tục đi theo, cách chừng bốn năm trượng.

Nhờ trình độ khinh công tuyệt kỹ, bước đi không gây một tiếng động, ai nấy vận công ghim hơi thở cho nên Thái Nhạc lão nhân vẫn làm dữ bước đi không mảy may hay biết.

Một chập sau vòng ra phía sau am. Nơi đây là một vườn cây um tùm, cỏ cây thạnh mậu.

Thái Nhạc lão nhân đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi đề chân khí tung mình vọt thẳng lên cao là là rơi xuống giữa khu vườn bên trong.

Thôi thị, Vệ Thiên Tường và Lăng Vân Phụng không dám chậm trễ, lặng lẽ tiến những chỗ nhiều tàng cây che phủ nương bóng đêm che mình, phi thân như mấy luồng khói lạt vọt nhảy lên đầu tường, đưa mắt nhìn kỹ.

Đó là một khu vườn rộng trên mười mẫu, trông toàn một giống cây anh đào.

Chỉ trừ mấy chiếc nhà tịch xá nho nhỏ, lác đác bên cạnh các khóm anh đào, không còn một thứ gì khác nữa.

Vân Đài sơn là nơi nhiều anh đào nhất, mà khu vườn này có lẽ là trung tâm của anh đào.

Phía sau vườn, bên tay mặt là ngọn núi Thanh Phong sừng sững, tường đá, thẳng tấp, cao vút tận lưng trời, cảnh sắc vừa hùng vĩ vừa hiểm trở.

Trời đã sang đông, bao nhiêu cây anh đào đã trụi lá, chỉ còn trơ trọi những cành cây khô, hạt tuyết bám trắng xóa như bông.

Xuyên qua những dãy anh đào, con đường nhỏ màu đất sét vàng chạy quanh co khúc khuỷu như bầy rắn, thỉnh thoảng có nhiều đoạn bị tuyết phủ lấp mất lối đi.

Trong tịnh xá lẻ loi ánh đèn dầu không một bóng người, chẳng một tiếng động, hình như giờ này ai ai cũng say sưa trong giấc ngủ ngon lành.

Khắp một khu vườn hoa anh đào mênh mông, cành xương hoa tuyết, chỉ nghe tiếng gió lùa xào xạc, ngoài ra chẳng có gì nữa hết. Chặp chặp một cơn gió mạnh thổi lên, làm những hoa tuyết rơi lộp độp, cảnh tuy hoang vu nhương đượm một cái gì thanh tao thơ mộng.

Đêm càng khuya khu vườn càng vẳng lặng, một sự vẳng lặng lạnh lùng hầu như cõi chết.

Thái Nhạc lão nhân tay phải chống gậy đầu rồng, đứng yên trên lối đi nho nhỏ, đưa mắt lặng nhìn bốn phía, bỗng nhiên gật đầu mấy cái rồi vuốt râu mỉm cười tựa hồ như mới tìm ra một điều gì lý thú.

Ông không theo lối đường mòn bằng đất vàng, rảo bước đi lại cạnh một cây anh đào lớn.

Cử chỉ khác thường này khiến ba người ngạc nhiên không ít. Từ trên đầu tường thấy ông ta thoát bên tả rồi thoạt bên hữu, đi vòng quanh gốc cây mấy lượt, từ lối bước, cách đi bao hàm một qui luật bí ẩn khác thường, chứ không phải sự ngẫu nhiên.

Lăng Vân Phụng nhìn thấy trong lòng lấy làm quái dị, khẽ tiến đến gần bên Thôi thị se sẽ hỏi :

- Tại sao ông ta lại hành động như vậy? Cứ như lối đi nước bước, hình như có dụng ý gì phòng bị sự bày trí cơ quan bí mật nơi đây, phải không má?

Câu hỏi tò mò của Lăng Vân Phượng khiến Vệ Thiên Tường chợt tỉnh và hiểu ra ngay.

Chàng sực nhớ lại trước kia, khi nhận lời thái cô của Thạch Cảm Đang Sầm Phong, đã cùng Nam Cung Uyển vượt ngàn trùng lên tận Bàn Thạch Linh trên dãy núi Thái Sơn. Khi gần đến thảo trang cả hai bị nguy khốn suýt lạc đường do sự bài trí của những khóm cây trong vườn thuốc, đi hoài không đến cổng. Sau hỏi lại tên tiểu đồng thì mới rõ ra là một kỳ môn trận của Thái Nhạc lão quân bố trí, phòng kẻ địch xâm nhập bất ngờ.

Phải chăng khu vườn anh đào này cũng bố trí theo kỳ môn trận như vậy? Nếu không phải thế, tại sao Thái Nhạc lão nhân không chịu đi đường thẳng lại đột nhiên chạy vòng quanh theo các gốc đào?

Một tia sáng vừa lóe ra, chàng trầm giọng, dùng truyền âm nói :

- Đại thẩm cứ theo lối bố trí của khu vườn đào này, nhất định có kỳ môn trận đồ, ngũ hành xung khắc, biến hóa vô cùng, chúng ta cần phải mau mau theo đúng dấu chân của Thái Nhạc lão nhân may ra mới có cơ hội vượt qua nỗi phen này.

Thôi thị cũng gật đầu công nhận là đúng và nói thêm :

- Phải chúng mình bây giờ hết sức thận trọng mới được! Nếu chỉ bước sai một bước nhất định sẽ đi lạc và mang họa vào thân ngay đó nhé. Ta đã để ý lối bước của ông. Các con mau mau theo ta mà đi, mau lên!

Vừa nói dứt câu thì Thái Nhạc lão nhân đã đi xa trên mười trượng, hình bóng ông thoăn thoắt biến dần trong rừng cây.

Thôi thị không để chậm trễ, nói xong lập tức tung người nhảy vọt tới, đặt chân xuống vườn bước theo thoăn thoắt.

Lăng Vân Phụng và Vệ Thiên Tường cũng bám sát theo. Cứ mỗi bước đi đều đạt đúng dấu chân người trước chẳng sai một mảy may nào.

Thái Nhạc lão nhân đối với khu vườn anh đào, hình như quá đỗi quen thuộc, mọi đường lối hình như đã nhớ nằm lòng, hai chân bước dồn không chút nào ngập ngừng e ngại, và hình như cũng không phải tra xét nữa.

Nhờ vậy mà mỗi khi ông vượt qua một nơi nào, ba người đi sau cũng lặng lẽ đi theo vô sự, không gặp một trở ngại nào hết.

Nhưng một chặp sau, Thôi thị để ý thấy Thái Nhạc lão nhân không đi về phía tịnh xá mà rẽ sang bên phải, đi sâu vào rừng cây, tiến ngay về vách đá dựng đứng phía sau.

Sự chuyển hướng lộ trình này đã khiến cho ba người hoang mang do dự không ít.

Mục đích cả ba đến Vân Đài sơn kỳ này là để tra cứu cho ra kẻ nào mười ba năm trước kia đã chủ mưu đứng ra triệu tập bè đảng vây đánh Võ lâm Minh chủ Vệ đại hiệp! Muốn đạt được mục đích ấy tất nhiên phải đi về phía tịnh xá, chứ ra ngoài vách đá để làm chi?

Hướng đi của Thái Nhạc lão nhân không phải là mục tiêu của ba người, nhưng hình thái và lối bố trí trong khu vực này cả ba hoàn toàn mù tịt! Đi về hướng vách đá là vô ích, còn tiến về phía tịnh xá thì khác nào dấn thân vào hiểm địa đầy cạm bẫy giết người.

Nãy giờ sở dĩ vượt qua bao nhiêu khoảng đường vô hại là nhờ dần theo từng bước một của Thái Nhạc lão nhân, bây giờ dù muốn dù không cũng không thể xa rời ông ta được nữa.

Ngay sau khi để chân bước vào khu vườn, ba người đã thừa hiểu rằng chỉ cần xê dịch đi một bước nhỏ lập tức trời đất tối đen, vạn vật xoay vần không thể nào nhận định ra phương hướng hay đường đi nữa.

Thời may nhờ sự dè dặt trước, cả ba vừa đi vừa săn sóc lẫn nhau, nếu không sẽ mang tai họa ngay tức khắc.

Cho nên, nếu bây giờ không theo Thái Nhạc lão nhân, tất nhiên sẽ không còn một đường đi an toàn khác nữa.

Cũng do lẽ ấy mà ba người vẫn tiếp tục chạy theo không dám chậm trễ.

Thái Nhạc lão nhân vừa vượt ra khỏi khu vườn anh đào, đi được vài bước bỗng nhiên dừng chân và quay đầu lại.

Bọn Thôi thị ba người gặp lúc bất ngờ, hoảng hốt, muốn chạy đi nơi khác thì không dám, muốn nằm sát xuống đất ẩn thân thì không còn kịp nữa, đành đứng yên như trời trồng không cục cựa.

Thái Nhạc lão nhân hình như không để ý tới, đưa tay vuốt chòm râu dài, ngước mặt nhìn trời cười khà khà, hơi lắc đầu rồi lẩm bẩm :

- Không ngờ bọn bàn môn tả đạo như Thiên Diện giáo lại có người tinh thông cái tuyệt học chân truyền về độn giáp kỳ môn trận. Hà.. hà... trừ lão phu ra dám chắc trên gầm trời này không một người thứ hai nào hiểu nổi sự kỳ diệu biến hóa tinh vi của tòa “Lục Hợp Vi Trần trận” này.

Thôi thị đưa mắt nhìn theo Thái Nhạc lão nhân xăm xúi bước đi nữa, phía ngoài rừng có một khu đất trống trơ trọi không một góc cây mọc nếu cả ba người cùng hấp tấp bước ra e khó bề che giấu được. Cho nên bà dùng truyền âm căn dặn Vệ Thiên Tường và Lăng Vân Phụng phải kiên nhẫn chờ đợi đừng nên nóng nảy mà vong động.

Bước khỏi khu rừng, lão nhân hình như cũng cảm thấy ngỡ ngàng do dự một chút vừa bước đi chừng vài trượng bỗng dừng chân lại, đứng đối diện với vách tường trầm ngâm suy tính.

Bức thành đá sừng sững ngay trước mặt. Suốt một diện tích bao la, cao trên trăm trượng, phẳng lì, bóng nhoáng như gương nhìn không thấy một mảy may dấu vết!

Thái Nhạc lão nhân đứng lặng thinh quan sát hồi lâu rồi cau mày cuối đầu suy ngẫm. Vì sự nóng nảy thúc đẩy, ông rảo bước tiến tới cạnh vách đá đưa tay gõ thử. Cứ gõ một chập rồi kê tai lắng nghe.

Ngón tay ông cung lại chỉ khẽ chạm nhẹ trên mặt đá nhưng tiếng vang lên bồm bộp dòn tan, đủ biết nội ngoại thần công của ông đã đến mức thâm hậu phi thường.

Thái Nhạc lão nhân vừa gõ vừa tìm kiếm, dùng thuật “Thiên Thị Địa Thính” vừa quan sát vừa nghe ngóng khắp nơi để tìm kiếm một cái gì qua tiếng động phát ra từ vách đá.

Vệ Thiên Tường chú ý theo dõi từ cử chỉ nhỏ, dần dần cảm thấy sốt ruột.

Ngay lúc đó, Thái Nhạc lão nhân bỗng dừng ngưng lại, đứng đối diện sát vào vách đá, hai tay để trước ngực, ưỡn người ra phía trước, yên lăng.

Làn gió thoảng qua! Tóc trắng, râu trắng theo gió phất phơ cùng tà áo rộng thùng thình tung bay phần phật.

Ba người chưa rõ ông muốn làm gì, chỉ thấy thân hình dần dần sát vào vách đá như muốn dát khít vào đó.

Vệ Thiên Tường nắm tay Lăng Vân Phụng nấp sau tàng cây, trố mắt nhìn nhưng vẫn chưa hiểu, chàng nhô thêm đầu ra để xem cho rõ hơn.

Một chập sau cả hai bỗng nhiên há mồm trợn mắt vì kinh ngạc.

Thì ra Thái Nhạc lão nhân đã gắn sát thân hình liền vào vách đá, hai tay để trước ngực cũng dần dần in hẳn vào vách đá.

Thật không ngờ.

Mọi người dụi mắt, không tin vào nhãn quang mình nữa.

Cả vách đá sừng sững phẳng lỳ như gương, bị thân hình lão nhân dán vào như in vào tấm băng giá.

Nội lực mỗi lúc càng tăng, khiến vách đá lõm sâu vào như một miếng đậu hũ. Đầu mặt, ngực bụng, cả chân tay từ trên xuống dưới xuyên dần qua đá xoi lõm vào trong.

Một chặp sau cả người ông ta lọt hẳn vào vách tựa hồ như một con dấu đồng nung nóng áp vào một tảng băng.

Trên mặt đá hiện lên hình ảnh một con người đứng thẳng, in sâu mãi vào trong.

Vệ Thiên Tường và Lăng Vân Phụng kinh ngạc và hoảng sợ, chẳng hiểu ông đã áp dụng công lực gì ghê gớm đến nỗi xoi thủng vách đá xuyên qua, không gây một tiếng động nào!

Nếu không phải tận mắt mình được chứng kiến, chắc hẳn không bao giờ hai người có thể tin được một việc làm như thế!

Thôi thị nghiêm sắc mặt nói nhỏ :

- Trời, không ngờ đâu Thái Nhạc lão nhân có được một công phu kỳ khu đặc biệt, đáng sợ nhường ấy! Có lẽ vì không tìm ra được lối đi, ông không tiếc tiêu hao chân nguyên, dùng công phu “Mộc Thạch Độn” độc môn tuyệt kỹ của phái Thái Sơn, xoáy lủng vách đá chui qua. Có lẽ nhờ những tiếng gõ vừa rồi, ông đã phân biệt được trên mặt tường nơi nào dày, mỏng! Cứ như tình này, tất nhiên phía bên kia tường đá phải có một cái gì bí mật quan trọng mà mình phải khám phá cho kỳ được. Vệ hiền điệt! Chúng ta cùng theo vào xem thử cho biết!

Vệ Thiên Tường chỉ biết gật đầu vâng dạ.

Chàng quay đầu nhìn lại phía ấy thì thấy hình bóng Thái Nhạc lão nhân đã biến đi đâu mất, không còn nữa.

Trên mặt tường đá phẳng lỳ, còn lưu lại một lỗ hổng tun hút bằng đúng thân hình ông ta. Đứng xa thấy đen sì sì, nhìn qua chưa phân biệt trong ấy có những gì nữa.

Thôi thị khẽ nhắc :

- Các con mau theo ta.

Thế rồi Thôi thị, Lăng Vân Phụng và Vệ Thiên Tường cả ba người kẻ trước người sau đều theo lỗ hổng ấy chui qua vách đá.

Thì ra vách đá này là một cái cổng đá đóng kín. Thái Nhạc lão nhân không tìm được cách mở nên phải dùng thuật đục đá xuyên vào.

Cổng đá này dày trên hai thước.

Ba người đi dược hơn mười bước thì gặp một đường thang bằng những bậc đá xoay hình tròn ốc từ trên đi xuống.

Thái Nhạc lão nhân đã biến đâu mất không thấy hình bóng.

Trong hang tối mò mò đến nỗi đưa bàn tay không nhìn thấy năm ngón.

Thôi thị và Vệ Thiên Tường nhờ công lực hùng hậu nhãn quang kỳ diệu nên vẫn nhìn thấy được mọi việc trước mắt.

Tội nghiệp cho Lăng Vân Phụng, chẳng thấy gì hết, lại không dám bật lửa soi đường. Vì đi chậm sợ lạc nhau, nàng chỉ biết nắm chặt tay Vệ Thiên Tường, vịn vào vách đá, chàng đâu theo đó!

Ba người dò mãi đi sâu vào trong một hồi lâu, ước chừng ba chục trượng, vừa hết những bậc thang đá thì đến một hang đá khác khá rộng.

Hang kín bịt bùng không có một tí gió tạc vào cho nên mọi người cảm thấy âm khí nặng nề khó thở.

Thôi thị tính thầm trong bụng, cứ theo lộ trình này thì cả ba đã lọt vào giữa lòng núi đá, bốn bề vắng lặng chẳng có bóng người, không có một tiếng động, cả đến Thái Nhạc cũng biến đâu mất, chẳng lẽ ông đã đi về hướng nào khác rồi? Trong lòng bà đã sinh ra ngờ vực, định dừng lại để tìm kiếm.

Bỗng Vệ Thiên Tường đến gần sẽ bảo :

- Đại Thẩm, hình như có từng cơn âm hàn lạnh lẽo thoảng từ trước mặt thổi vào. Hay là phía ấy có ngõ đi ra vào chăng? Hãy dò đến xem thử.

Thôi thị gật đầu đồng ý.

Ba người lẹ làng lao mình về phía trước. Đi mãi một hồi lâu đến cuối đường, gặp một tường đá chắn ngang.

Ngay trên tường đá đã hiện ra một lỗ hổng khắc hình người giống y như phía ngoài vách trước.

Té ra Thái Nhạc lão nhân lại dùng tuyệt kỹ bổn môn khoét đá chui qua nữa.

Từng cơn gió lạnh buốt tận xương từ trong lỗ hổng thổi qua ào ào.

Cả ba đang bàng hoàng nhìn ngơ ngác, bỗng nghe văng vẳng có tiếng người từ bên trong đưa ra :

- Các người là ai mà có thể theo được lão phu? Nếu ta đoán không nhầm thì chắc hẳn là những cao thủ có bản lãnh tuyệt vời mới dám hành động mạo hiểm như vậy.

Lời nói ấy chính là của Thái Nhạc lão nhân khi vừa phát giác ra ba người.

Thôi thị vội vàng lễ phép nói :

- Xin lão tiền bối chớ hiểu lầm, tiện thiếp là Thôi thị vốn là Tuyết Sơn thần ni môn hạ.

Tiếng của Thái Nhạc lão nhân lại vọng ra rõ ràng :

- À, nếu là cao đệ của Tuyết Sơn thần ni xin cứ bước vào.

Thôi thị cảm ơn vâng dạ rồi nắm tay Vệ Thiên Tường và Lăng Vân Phụng cùng chui vào lỗ hổng.

Vừa bước qua khỏi vách tường đá đã cảm thấy một hơi lạnh âm u nặng nề xâm nhập vào người như vừa đi vào một lò giá băng.

Bên trong còn là một con đường hầm lớn khá dài, hai bên hình như có nhiều phòng nhưng chằng có tiếng người.

Cách cửa một đoạn, Thái Nhạc lão nhân đang lẳng lặng ngồi vận công điều tức.

Lăng Vân Phụng lạnh quá, toàn thân run bắn lên, hai hàm răng đập vào nhau từng hồi lộp bộp.

Vừa nghe mẫu thân cùng Thái Nhạc lão nhân nói chuyện, nàng đoán biết trong nhà đá giữa lòng núi nầy không có kẻ địch nên yên lòng lấy đồ bật lửa trong túi ra đánh nháng ra một chút rồi lại tắt đi.

Một chập sau Thái Nhạc lão nhân từ từ đứng dậy cất tiếng nói :

- Lão hủ đã hai lần vận khí mài thủng vách đá, chân lực hao tổn khá nhiều nên phải vận công điều tức, xin phu nhân chớ cười.

Thôi thị cung kính chắp tay nói :

- Huyền công “Mộc Thạch Độn” của lão tiền bối quả trên đời nầy có một không hai, bọn người của tiện thiếp cũng nhờ công khó của tiền bối mới vào được chốn này, ơn ấy đâu dám quên.

Vệ Thiên Tường tiến tới mấy bước, từ từ lấy ra cái gói nhỏ của Thạch Cảm Đang Sầm Phong ký thác, cung kính trao ra và nói :

- Vãn bối tên Vi Hành Thiên, tháng trước nhân dịp ghé Dương Châu thời may được gặp môn hạ của lão tiền bối là Thạch Cảm Đang Sầm huynh. Lúc đó vừa gặp dịp thọ tuần của Giang Bắc đại hiệp Diêm Bắc Thần, Sầm huynh có cùng vãn bối đến tham dự. Không ngờ Diêm Lão lại lòng dạ nham hiểm, tán tận lương tâm, bỏ thuốc độc vào rượu giết hại bao nhiêu thực khách về dự.

Trong giờ phút lâm chung, Sầm huynh có nhờ vãn bối đem gói vật nhỏ nầy đích thân đến giao lại tận tay lão tiền bối.

Vãn bối có lên tận núi Thái Sơn nhưng rủi gặp lại lão tiền bối đã hạ sơn nên đành giữ mãi bên mình đến nay. Thật không ngờ đêm nay hân hạnh được gặp tiền bối nên xin kính dâng hoàn theo lời dặn của Sầm huynh.

Thái Nhạc lão quân đưa tay tiếp lấy, gật đầu cười nói :

- Tốt lắm! Vị thiếu hiệp nhận sự ký thác của bạn, hết lòng trung thành với phận sự, chẳng nại công phu vượt đường xa tìm đến thảo trang, lão hủ vô cùng cảm kích. Trường hợp sư đệ bị mất tích và tiểu đồ ngộ hai, lão hủ cũng đã được biết rồi. Mục đích cuộc hành trình của lão hủ đêm nay cũng không ngoài vấn đề nầy.

Thôi thị vừa nghe nói giật mình vội vàng hỏi ngay :

- Cứ như khẩu khí của lão tiền bối chả lẽ Khai Bi Thủ Đồng đại hiệp cũng bị mất tích rồi sao?

Thái Nhạc lão nhân thở dài nói :

- Đó là một tin buồn nhưng mà là sự thật! Kẻ mất tích không cứ gì một mình Đồng sư đệ mà còn bao nhiêu cao thủ khác nữa. Cứ theo lời đồn của thiên hạ gần đây, cả Hắc Bạch đạo hữu của phái Không Động và Giang Bắc, Diêm Bái Thần đều mất tích một cách ly kỳ như thế ấy.

Vệ Thiên Tường từng nghe chính miệng Độc Tẩu Đường Viêm Thường cho biết trong số người vây đánh phụ thân mình trước kia có cả Nga My Linh Phi và Không Động Hắc Thạch nữa. Bây giờ được biết Hắc Thạch đao nhân cũng bị mất tích trong một trường hợp tương tợ nên trong lòng chàng chẳng khỏi ngạc nhiên, buột miệng “ủa” lên một tiếng.

Thái Nhạc lão quân long cặp mắt sáng rực đầy nét căm hờn rít lên :

- Mất tích, ha ha... chưa hẳn là mất tích đâu. Bọn họ có thể đang bị giam cầm nơi đây chứ không còn đâu nữa.

Đang nói, bỗng nhiên lão nhân im ngay. Hình như vừa có một tiếng động là lạ đâu đây.

Thái Nhạc lão quân đưa mắt nhìn mọi người tỏ ý báo động rồi khẽ bảo :

- Bên ngoài có kẻ đang đi đến. Tốt hơn là các vị hãy tạm lánh mặt để xem thử kẻ ấy là ai.

Vừa nói xong, thân hình ông đã như cái bóng, thoáng một cái tiến về phía bên phải rồi biến mất.

Xem tiếp hồi 46 Đêm lạnh vào thăm Địa ngục
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.