Lúc biết được tin hắn được thả ra, đã là hạ tuần tháng Sáu. Khi ấy, kỳ thi đại học đã kết thúc, tầng bốn của ký túc xá nữ sinh gần như đã dọn sạch, cỏ trong sân trường đang xanh um, suốt ngày vang vọng khúc hát ưu thương chia tay bạn bè.
Do gia đình nạn nhân mất mạng có hậu thuẫn không buông tha, vụ án của hắn cũng phải xoay sở không ít. Trong đó, A Nam cũng đã giúp đỡ khá nhiều. Dù sao thì ông vẫn là một người tốt bụng, có nói không thèm lo không thèm lo bao nhiêu đi nữa, cuối cùng chuyện gì lo được cũng vẫn đều lo hết thảy. Tin tức là do ông nói cho tôi biết trên bàn ăn nhân dịp cuối tuần. Bàn tay đang múc canh của tôi ngưng lại giữa không trung, mỉm cười nói với ông: “Tốt quá.”
Cảm tạ trời đất, hòn đá đè lên tim bao ngày qua cuối cùng cũng lăn xuống.
“Nếu không phải là thấy họ không cha không mẹ—–“ A Nam nói đến đây, tôi đã ngắt lời ông, “Con biết rồi ạ, cám ơn ba. Ba yên tâm đi, con nhất định sẽ giữ lời hứa của mình.”
Tôi đâm ra ngoan ngoãn như vậy, trái lại A Nam không biết phải nên nói gì, đành gắp cho tôi một miếng sườn, sau đó đổi đề tài: “Bà nói gần đây chả có chuyện gì, muốn lên ở với chúng ta một quãng thời gian.”
“Tốt lắm ạ.” Tôi nói.
“Bọn con chắc phải thi cuối học kỳ ha?” Ông nói, “Ôn bài ra sao rồi?”
“Tốt lắm ạ.”
Tha thứ cho vốn từ vựng nghèo nàn của tôi, vào giờ phút này, trong đầu tôi chỉ trỗi lên mỗi câu đó. Khó khăn lắm mới ăn xong bữa cơm tối, tôi về đến phòng mình, ngã xuống giường, dùng gối úp lên mặt, hít thở sâu thật sâu.
Hắn không sao rồi, đúng là tốt lắm.
Tôi gọi điện thoại cho Hạ Hoa, muốn chỉa sẻ cùng với chị tâm tình vui mừng này, nhưng số của chị đã ngưng hoạt động. Tôi chỉ đành gửi cho Vương Du Duyệt một tin nhắn, kêu cô ta mau truyền lại tin vui cho Vu An Đoá. Tin tức vừa gửi đi xong, nhà ngoài bỗng vang lên tiếng chuông cửa, nhưng kỳ lạ là đợi cả nửa buổi, vẫn không thấy ai đi mở cửa. Chuông cửa không ngừng không nghỉ vang lên một hồi lâu, tôi đành phải bò dậy ra ngoài mở cửa. Nghe trong buồng tắm truyền ra tiếng nước chảy, thì ra là A Nam đang tắm, hèn chi không nghe thấy.
Tôi đến bên cửa, nhìn qua mắt mèo thì trông thấy một cô gái lạ mặt, tay ôm một gói đồ rất bự, đang còn nhón chân ngó vào trong đây. Tôi đẩy cửa ra, cô ta giật mình, lùi ra sau một bước, nhìn nhìn số nhà, hỏi: “Ở đây là nhà của Trương A Nam à?”
“Dạ vâng.” Tôi nói.
“Em là ai?” Cô ta tò mò đánh giá tôi.
“Dạ là con gái của ông ấy.”
“À, chào cháu!” Cô gái kia nói một cách rất niềm nở, “Trời nóng lên rồi, cô mang từ nhà đến một số đồ mát giúp giải nhiệt, đem tới đây cho anh ấy.”
Tôi không biết có nên chủ động nhận giùm cho ông hay không, nhanh trí nói: “Ông ấy không có nhà, hay là, lần sau cô lại ghé, nhớ gọi báo trong điện thoại cho ông ấy trước.”
“Được thôi.” Cô gái đang định đi, lại xoay người đánh giá tôi, hỏi một cách tò mò, “Cháu bao lớn rồi?”
“Bà thím này, lẽ nào thím không biết, đi hỏi tuổi tác của một người phụ nữ là một chuyện rất bất lịch sự sao?” Tôi nói xong, sập cửa cái rầm lại. Một hồi lâu sau, bên ngoài mới truyền đến tiếng bước chân đi xuống cầu thang của cô ta. Thật ra khoảnh khắc tôi đóng cửa lại, tôi hơi hối hận, sống chung với ông đã nhiều năm nay, tôi hình như vẫn chưa học được cách cư xử ôn hoà với mọi người, mà lại đi thừa kế sự khắc khe sắc bén của bà ấy, sửa cũng sửa không xong cái tật xấu này.
Ngay lúc đó ông đã tắm xong bước ra, tôi nói với ông: “Mới rồi có một cô ghé, nói muốn tặng quà cho ba. Nhưng mà con không nhận.”
“Tốt lắm.” Ông nói.
Học từ tôi thật là lẹ.
Tôi liếc ông một cái, hỏi: “Cô đó là ai vậy, đang theo đuổi ba à?”
Ông chối đây đẩy: “Ba còn chưa thấy người, nào biết đó là ai!”
“Con cảm thấy cô ta rất bất lịch sự, hỏi lung tung, con đã nói con là con gái của ba, cô ta còn không tin!”
Ông cười ha ha nói: “Người không tin đâu phải chỉ có mình cô ta, kệ cô ta đi.”
Tôi đảo mắt tỏ ý nhàm chán với ông, đi vào trong buồng vệ sinh. Lúc tôi rửa tay, phát hiện di động của ông để ở trên bệ của bồn rửa mặt, nhất định là mới rồi quên lấy ra theo, đang khi tôi cầm lên giùm ông thì có một tin nhắn được gửi tới. Di động của ông dùng là chiếc Dopod, tin nhắn mà được gửi tới là hiển thị thẳng trên màn ảnh.
Là một mẩu tin nhắn õng ẹo chảy nước:
Anh Nam, tối mai nấu lẩu đợi anh, anh không tới là em cứ nhịn đói.
Tôi đặt di động vào lại chỗ cũ.
Nhất định là cái mụ vừa rồi! Điều này khiến cho lòng tôi có chút không vui. Theo tôi thấy, người đàn bà khiến cho A Nam rung động, không chỉ có thể làm lẩu, có thể tặng quà, mà còn phải nhất định đẹp hơn Lâm Quả Quả mới được.
Tối hôm sau tôi quan sát ông thật kỹ, ông không hề ra khỏi cửa, điều này khiến cho tôi thở phào một hơi.
Nhưng mà mấy ngày tiếp theo, vận đào hoa của ông hình như phất lên, không ít phụ nữ đều có chút tình ý với ông. Ngoài cái mụ tìm tới cửa, còn có một bà chủ của một công ty nào đó, hở chút lại lái xe tới siêu thị tìm ông để “bàn việc làm ăn” gì gì đó. Bà tôi sau khi biết xong liền không khép miệng lại được, còn tranh thủ lúc ông không có nhà lén hỏi tôi: “Mã Trác, con muốn một người mẹ như thế nào, trẻ trung, xinh đẹp, hay là tháo vát?”
Cứ như ông ấy là hoàng đế, có ngàn vạn phi tần đứng sau lưng để ông tuỳ tiện lựa chọn.
Nhưng mà nói đi cũng phải nói lại, đơn chiếc đã nhiều năm như thế, cũng nên tới phiên ông được phong quang một chút rồi. Chỉ là kết quả sau cùng giống như một câu đố đầy bí ẩn khiến cho tôi hiếu kỳ, khiến cho tôi mang khát vọng được mò tới tận đáy. Đoán tới đoán lui, cũng không biết rốt cuộc sẽ là một người phụ nữ như thế nào mới nắm bắt được trái tim của ông, càng không biết người phụ nữ đó có đủ sức mạnh để cùng đấu một trận PK vòng chung kết với Lâm Quả Quả đã ra đi từ nhiều năm trước không.
Tôi không ngừng những suy đoán của mình được, mãi cho đến khi kỳ thi cuối học kỳ cuốn tới như hồng thuỷ như mãnh thú, hoàn toàn triệt để nhấn chìm hết những thứ lẻ tẻ vớ vẩn này trong đám bài tập ôn thi.
Có lẽ là do tâm trạng khá, kỳ thi đó, phát huy của tôi cũng khá, đứng đầu lớp, xếp thứ ba trong toàn khối, 8 điểm cao hơn tổng số điểm của Tiêu Triết.
Hôm thầy Sướng công bố điểm, sau khi Tiêu Triết giả bộ làm ra vẻ đập đầu vào tường xong, nói với tôi:
“Cảm ơn cậu, Mã Trác, cậu càng khiến cho tớ có thêm một tầng can đảm và tự tin nữa!”
Đúng lúc này Vương Du Duyệt chạy qua lớp chúng tôi tìm tôi. Tôi ra ngoài, cô ta rất vui sướng nói với tôi: “An Đoá đi khám bệnh ở Nam Kinh đã về, bác sĩ nói cậu ấy không có vấn đề! Cậu ấy muốn mời cậu nghỉ hè này tới nhà cậu ấy ăn.”
“Cảm ơn.” Tôi nói, “Cô ấy định thế nào?”
“Thi cuối học kỳ chưa thi, cậu ấy muốn ở lại lớp, nhưng mà bố của cậu ấy muốn đổi trường cho cậu ấy.” Vương Du Duyệt nói, “Có lẽ sau kỳ nghỉ hè, cậu ấy sẽ đi Nam Kinh học.”
“Vậy à?” Tôi nói, “Cô ấy không sao là tốt rồi.”
“Cậu ấy nói muốn quên đi hết thảy, bắt đầu lại từ đầu.” Vương Du Duyệt nói, “Cậu ấy còn kêu tớ nói cho cậu biết, lời hứa của cậu ấy là thật, cậu ấy sẽ cắt đứt hết tất cả với hắn để cậu yên tâm.”
Lẽ nào tất cả trong quá khứ, nếu thật sự muốn quên thì nhất định có thể quên sao, tôi cảm thấy không thể nào. Trái lại là, chuyện càng muốn quên, ta sẽ càng nhớ rõ —-đây là điều nhất định.
Ngày đầu của kỳ nghỉ, cuối cùng tôi vẫn từ chối lời mời của Vu An Đoá. Thật ra không phải là tôi coi cô ấy như người ngoài, mà bởi vì tôi rất sợ sau khi tới nhà của cô ấy, sẽ nhìn thấy người tôi không muốn gặp.
Điều tôi đã hứa với A Nam, tôi không muốn có lỗi với ông.
Hôm đó A Nam lái xe tới lấy đồ giùm tôi, vài phút ngắn ngủi lái xe từ trường về đến nhà, di động của ông đã reng cả đống lần, ông cứ ấn nút cúp không nhận, sau đó thì dứt khoát tắt luôn máy. Nhưng âm nhạc trong xe của ông, thế mà đã đổi từ giọng ca ngọt ngào của Đặng Lệ Quân qua âm thanh u buồn của nam ca sĩ, đang hát một bài tôi chưa từng nghe qua:
Đến tột cùng anh nên thuộc về phù du của thế giới cảm tình nào
ngoài em ra, còn gì khác nữa?
Giọng hát u buồn đến vắt được ra nước, hoàn toàn không phải là thứ âm điệu ông ưa chuộng trước đây.
Tôi hỏi ông: “Ai hát vậy ạ?”
Ông nhất định đang có tâm sự, nghĩ cả nửa ngày mới trả lời tôi: “Không biết nữa.”
Tới dưới lầu, tôi tự mình xách đồ lên cầu thang. Ông đậu xe xong rượt theo, xách va li cho tôi, nói lấp liếm: “Có một người khách phiền chết được, tối nay ba phải ra ngoài.”
Hai câu nói này, tôi không biết có quan hệ logic như thế nào.
Ăn xong bữa cơm tối, bà tôi đi bộ vòng quanh tiểu khu cho mát. Tôi đợi một mình ở nhà, chợt nghĩ đến việc tra bài hát ông nghe trên baidu một phen, thì ra là bài “Phù Du” của ca sĩ Đài Loan, Trai Tần, tôi đeo tai nghe vào nghe đi nghe lại, còn nảy sinh ảo giác, cảm thấy như ông đang hát đi hát lại lại cho Lâm Quả Quả nghe —– một người như ông, muốn nói lời tạm biệt với quá khứ, bắt đầu một đoạn tình cảm mới, dù sao đi nữa cũng không dễ dàng cho lắm.
Những ngày đó ông trở nên cực kỳ bận rộn, ban ngày cơ bản là không có ở nhà, đêm đến cũng về rất muộn, đôi khi còn cả đêm không về. Có một đêm ông còn uống say, là một người bạn của ông phải đưa về nhà. Ông thực sự đã say mèm, cứ nôn suốt, làm nhà cửa bê bối không còn ra dạng gì nữa. Bà phải vô trong bếp làm canh giải rượu cho ông, tôi lấy khăn tay ấm đưa cho ông, ông nắm lấy tay tôi, gọi tôi “Quả Quả.”
Ông nói: “Quả Quả, sao em lại không ở lại với anh? Vì sao hả em?”
Tôi vứt khăn xuống đất, chạy về căn phòng nhỏ của mình.
Hôm sau, ông ngủ mãi đến tận giữa trưa, lúc tôi đang phơi tấm khăn trải bàn trà đã bị ông làm bẩn tối hôm trước trên ban công, ông bước đến bên cửa của ban công, gãi gãi đầu, mang chút ái ngại nói với tôi, “Xin lỗi con, đêm qua ba gặp vài người bạn đã lâu chưa gặp, sểnh ra một chút đã uống quá chén, gây phiền phức cho con và bà rồi.”
“Sau này ba ít uống đi một chút,” Tôi nói, “Không tốt cho sức khoẻ.”
“Đúng vậy.” Ông hỏi một cách bất an, “À này, lúc ba say, không nói gì tầm bậy chứ hả?”
“Dạ không.” Tôi đáp.
Ông cười, “Hôm nay không ra khỏi cửa nữa, muốn ăn gì để ba đi mua, về làm cơm cho con và bà ăn.
“Sao cũng được ba.” Tôi nói.
Ông nhìn tôi, bộ dạng như muốn nói lại thôi, cuối cùng cũng chẳng nói gì cả, quay đầu bỏ đi.
Buổi trưa tôi ngủ một giấc tỉnh lại, lúc ra ngoài vào buồng tắm rửa tay, nghe thấy trong nhà bếp vọng ra tiếng bà và A Nam đang cãi vã. Bà nói: “Con muốn bán thì bán cái ở trên thành phố, cái ở dưới huyện con đừng hòng dụ được mẹ. Còn không thì mẹ sẽ không tha cho con đâu.”
Ông khuyên bảo bà: “Mẹ à, mẹ cũng nên được nghỉ ngơi rồi. Con bán xong cái chợ, tiện cho mẹ ngày ngày đánh mạt chược không cần phải nhọc sức nữa, không phải rất tốt sao?”
Bà nói: “Mẹ không cần nghỉ ngơi, mẹ cũng không sợ phải nhọc sức.”
“Đây không phải là con đang cần tiền sao, đợi lúc có tiền rồi, chúng ta mua về lại.”
“Anh đang dỗ bà già sao hả!” Bà tôi nói, “Tôi còn chưa già đến lẫn lộn. Lúc động đất quyên góp hết những 50 vạn, tôi đã nói gì với anh, anh quên rồi à?!”
“Được rồi được rồi, đừng la nữa mà, mẹ đừng để Mã Trác nghe thấy.” Ông ép giọng xuống thật thấp, nói “Để con nghĩ cách khác cũng được.”
Ông đã quyên góp những 50 vạn, thế mà ông chưa từng nhắc đến trước mặt tôi.
Rồi ông lại muốn bán cái siêu thị ở dưới huỵện đi, rốt cuộc là vì sao?
Bất kể là lý do gì của ông, trái lại đã chọc giận bà tôi, nhân lúc A Nam ra ngoài chợ mua rau, bà đã dứt khoát thu xếp hết đồ của mình quay về dưới huyện, tôi ngăn cách nào cũng không ngăn nổi.
Lúc ông về nhà, trông thấy bà đã đi rồi, dường như cũng không còn lòng dạ nào để làm cơm, ngồi ở sô pha ngây người.
Tôi pha cho ông một ly trà, hỏi ông: “Ba muốn bán cái siêu thị dưới huyện hả ba?”
Ông ngạc nhiên hỏi tôi: “Bà nói cho con biết sao?”
“Tại sao vậy?” Tôi hỏi ông, “Đó chính là 10 năm mồ hôi nước mắt của ba cơ mà.”
“Tiền chỉ là vật ngoài thân, con quên lời dạy của mẹ con rồi sao? Ông nói với tôi một cách nghiêm túc, nói xong có lẽ sợ những lời này làm tôi bị tổn thương, vội vàng bồ sung thêm một câu, “Xin lỗi con, hôm nay tâm trạng của ba không được tốt lắm.”
Tôi cười cười với ông, xách rau củ ông mua về vào trong bếp chia ra, rửa sạch. Một lúc lâu sau, ông theo tôi vào bếp, dùng một giọng điệu không mấy tin tưởng hỏi tôi: “Có biết làm không đó?”
“Con đang thử nè.” Tôi nói.
“Hay cứ để ba đi.” Ông vén tay áo lên, đuổi tôi ra khỏi bếp.
Nhưng chiều hôm đó, chúng tôi không hề ăn cơm chung với nhau ở nhà, ông vừa mới nấu cơm xong, nhận được một cú điện thoại, liền vội vàng chạy ra khỏi cửa. Tôi rượt theo ra ngoài, nhắc ông buổi tối ngàn vạn lần đừng uống quá chén. Ông hiền hoà đáp lời tôi: “Nhất định.”
Sau khi ông đi, trong nhà trở nên vắng lạnh lạ thường. Tôi vặn âm lượng của TV lên tối đa, một mình ngồi thưởng thức món thịt xào nước mắm của ông. Chẳng biết sao, cảm thấy hôm ấy ông bỏ ớt vào món đó đặc biệt nhiều vô cùng, làm cho tôi bị cay đến nỗi suýt chảy nước mắt. Tôi lấy một tờ giấy lau miệng, che mắt mình lại, tim lại vô duyên vô cớ mà đập như điên, lập tức mất hết khẩu vị.
Tôi hoàn toàn không phải là một người sợ cô đơn, cho nên lúc đó tôi cứ mãi không hiểu, rốt cuộc thứ tôi sợ là cái gì.
bài hát “Phủ Du” của Trai Tần
Trong gió, cứ dừng bước mà bất động
Để tiếng cười tan vào trong hoang vu
Khi mặt trời thôi rơi trên dải đất mơ hồ
phải chăng hiện tại bắt đầu bước ra khỏi nỗi đau âm thầm của quá khứ.
Trong gió, cứ dừng bước mà bất động
để mình tan vào trong hoang vu
Nào phải anh cố chấp muốn dừng chân giữa nơi em lui tới
không thể nhìn thấu được trò đùa ẩn nấp trong số phận – vì sao
đến tột cùng anh nên thuộc về phù du của thế giới cảm tình nào
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]