🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Khen nhiều chê ít, tránh để lời nói làm hại đến thân
Lời khen chính là một biểu hiện từ nội tâm, khẳng định sự tốt đẹp của sự vật. Lời khen có thể giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn và có mối quan hệ tốt đẹp hơn với mọi người. Ai cũng thích được khen, do đó, bất kể là trong cuộc sống hay trong công việc, chúng ta nhất định phải học cách khen người khác. Bởi lời khen sẽ khiến bạn vui vẻ, lời khen có thể kéo gần khoảng cách giữa người với người.
Lời khen giống như nước hoa
Lời khen có thể khiến con người vui vẻ; ngôn ngữ của lời khen cũng giống như nước hoa, có thể khiến mọi người dễ dàng tiếp nhận. Sử dụng lời khen cần phải có kĩ năng, không chỉ cần sự chân thành mà còn cần có phương pháp đúng. Điều này yêu cầu chúng ta phải nắm vững các cách và kĩ năng khen, một lời khen khi nói ra phải khiến người nghe vui vẻ.
Khen đúng cách để tạo thiện cảm
Tố chất của con người có cao có thấp, do tuổi tác, tính cách khác nhau nên tố chất cũng không giống nhau. Một lời khen độc đáo, nổi bật sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với những lời khen thông thường.
Đối với người già, chúng ta có thể khen nhiều về những thành tích họ đã đạt được. Đối với người trẻ, chúng ta nên sử dụng ngữ khí mạnh để khen khả năng sáng tạo, đồng thời lấy một vài ví dụ để chứng minh cho điều đó. Đối với thương nhân, có thể khen người đó có đầu óc linh hoạt, giỏi kinh doanh. Đối với các quan chức có địa vị, có thể khen họ chí công vô tư, sáng suốt trong mọi việc. Đối với các phần tử tri thức, nên khen họ có kiến thức sâu rộng, uyên bác… Đương nhiên, tất cả những lời khen này phải phù hợp với tình hình thực tế, không nên khen quá lời, dễ gây ra sự phản cảm. Đối với những người có trình độ văn hóa không cao hoặc trong tình huống xã giao thông thường, lời khen nên súc tích, rõ ràng, đơn giản. Còn đối với những người có trình độ cao hoặc trong các tình huống trang trọng, lời khen phải có tính trọng tâm, trau chuốt.
Cũng có thể nói, khi khen ai đó, phải hiểu rõ về đối tượng khen, sử dụng ngôn ngữ đúng mực, không nên khen quá lời để tránh gây mất cảm tình với đối phương. Lời khen đúng mực sẽ có thể khiến người đối diện cảm thấy thoải mái như khi tận hưởng mùi hương nước hoa dễ chịu.
Khen đúng và khen thật lòng
Mặc dù ai cũng thích được khen, nhưng không phải lời khen nào cũng khiến mọi người vui. Chỉ những lời khen xuất phát từ tấm lòng, đúng thực tế mới có thể gây được thiện cảm. Ngược lại, nếu lời khen không chân tình, vô căn cứ thì người được
khen sẽ đánh giá không tốt về người khen, thậm chí còn cảm thấy người khen quá lẻo mép và sống không thật lòng.
Một vị Giám đốc nọ, trong buổi liên hoan công ty, do nhảy múa quá hào hứng nên cuối cùng không thể hát thành lời nữa. Ông xua tay và nói: “Không được rồi, hết sức rồi”. Không ngờ một nhân viên cấp dưới của ông lại nói: “Ngài hát hay lắm, cứ như một ca sĩ chuyên nghiệp vậy”. Vị Giám đốc nghe thấy vậy không những không tỏ ra vui vẻ mà còn nhìn anh ta với ánh mắt rất lạ, sau đó ông lạnh lùng đáp: “Tôi biết mình thế nào mà”. Người nhân viên cấp dưới tỏ ra vô cùng bối rối.
Do đó, khen người khác nhất định phải thật lòng, phải dùng chính tấm lòng của mình để cảm nhận ưu điểm của người đối diện và đưa ra lời khen. Nếu khen không thật lòng, lời khen nhất thời có thể khiến người đối diện vui, nhưng về lâu dài, nó có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa hai bên.
Lời khen chân thành không những khiến người được khen cảm thấy vui vẻ trong lòng, mà còn có thể giúp bạn thường xuyên phát hiện ra ưu điểm của người khác, luôn có thái độ tích cực, lạc quan với cuộc sống.
Khen ngợi để giúp người khác tiến bộ
Thực tế, trong cuộc sống và trong công việc, người cần được khen ngợi nhất không phải là những người đã sớm thành công danh, mà là những người luôn cảm thấy tự ti về bản thân mình do chưa đạt được thành tích nào đáng kể. Bình thường họ rất ít được nghe một lời khen, nếu nhận được lời khen thật lòng, họ sẽ có được tinh thần lạc quan, vững vàng. Chính vì thế, lời khen có hiệu quả nhất chính là lời khen có tác dụng giúp người được khen xóa bỏ cảm giác tự ti và tiến bộ.
Một đứa trẻ mồ côi đang theo học tại một trường tiểu học, do không có ai chăm sóc nên mỗi ngày cậu bé đều đến trường trong bộ dạng nhếch nhác, bài tập về nhà thì không hoàn thành đúng hạn, thành tích học cũng kém nhất lớp, cả giáo viên và các bạn đều nhìn cậu với ánh mắt lạnh nhạt.
Khi đứa bé học đến lớp 6 thì một cô giáo trẻ làm giáo viên chủ nhiệm. Ngày đầu tiên khi lên lớp, cô giáo điểm danh và gọi đến tên học sinh này, gọi mãi nhưng cậu không thưa. Cả lớp đều cho rằng cô giáo nhất định sẽ trách mắng cậu học sinh mồ côi, nhưng cô lại nói với vẻ rất thân thiện: “Em đã rất chăm chỉ trong giờ vệ sinh quét dọn buổi sáng, điều này đáng để mọi người học tập. Chúng ta hãy cùng cổ vũ bạn được không?”
Lời khen của cô giáo khiến cậu học sinh mồ côi rất vui, sau đó cậu đã thực sự có một sự thay đổi lớn. Cũng từ đó, cậu không chỉ chăm làm vệ sinh mà còn tự tin, cố gắng học tập nâng cao thành tích của mình.
Một lời khen đã làm thay đổi cuộc đời một con người. Lời khen không chỉ khiến người đối diện vui vẻ mà còn giúp họ củng cố sự tự tin, tạo động lực thay đổi để có được thành công.
Nên đưa ra lời khen cụ thể, tránh nói chung chung, sáo rỗng
Khi chúng ta khen ngợi người khác, nhất định phải nhấn mạnh vào một điểm nào
đó, tránh nói chung chung, ngôn ngữ phải cụ thể, khen ngợi đối phương về những ưu điểm mà chưa ai phát hiện ra, như vậy mới khiến người được khen cảm thấy người nói có thành ý, khen thật lòng.
Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta thường nghe thấy những lời khen như thế này: “Anh đúng là một người tốt”, “Chị viết bài này rất hay”… Vậy tốt ở điều gì? Hay đến mức độ nào, tại sao lại hay? Những lời khen như vậy nghe rất sáo rỗng, người khác sẽ cho rằng bạn khen lấy lệ, khách sáo.
Vì thế, khi khen ngợi ai đó phải chân thành, có thiện ý, khen ngợi những ưu điểm mà họ chưa phát hiện ra. Ví dụ, một cô gái xinh là thực tế đã được công nhận, bạn phải phát hiện cô ấy có một chiếc răng khểnh rất đáng yêu và khen cô ấy, như vậy chắc chắn cô gái đó sẽ rất vui.
Hãy cố gắng phát hiện ưu điểm của đối phương và đừng bỏ lỡ dịp dành tặng họ những lời khen, làm như vậy sẽ khiến họ cảm động. Bởi điều đó chứng tỏ bạn quan tâm tới đối phương, luôn theo sát và biết được thành tích của họ, người đó cũng sẽ có thể cảm nhận được tấm lòng, sự thân thiết và niềm tin từ bạn, khoảng cách giữa hai bên sẽ ngày càng được rút ngắn. Do đó, khi chúng ta khen ngợi người khác, nhất định phải tránh nói những lời chung chung không rõ ý.
Nên tránh việc sử dụng những lời khen như sau:
(1) Công thức hóa lời khen
Những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội rất dễ mắc phải lỗi này, bản thân không có nhiều kinh nghiệm giao tiếp, khi vừa gặp mặt ai đó đã sử dụng những lời khen “công thức” như: Nghe danh đã lâu, trăm nghe không bằng một thấy, làm ăn thịnh vượng… Những lời khen công thức hóa này sẽ để lại ấn tượng mờ nhạt, khiến người khác cảm thấy bạn thiếu thành ý, thậm chí còn có suy nghĩ cho rằng bạn không đáng để kết giao.
Một thanh niên tới nhà bạn mình chơi, khi gặp anh trai của bạn, để thể hiện sự thân thiết, anh ta đã nói: “Chào anh, em rất vui được gặp anh, nghe danh anh đã lâu nhưng đúng là trăm nghe không bằng một thấy”. Thật không ngờ đối phương đỏ bừng mặt. Thì ra, người anh trai đó vừa bị tạm giam 15 ngày do gây rối trật tự và mới được thả.
Cậu thanh niên không hiểu chuyện đã dùng cụm từ “nghe danh anh đã lâu” để tỏ ý ngưỡng mộ đối phương, nhưng không ngờ lại chạm vào “nỗi đau khổ” của người đó.
(2) Nói như vẹt
Một số người khi công khai khen ngợi ai đó, bản thân không biết phải khen như thế nào, chỉ biết bắt chước theo lời khen của người khác, những người như vậy không bao giờ được mọi người coi trọng.
Thời Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử Trung Hoa, có một lần Chu Ôn và một số thuộc hạ của ông đi dạo dưới vườn cây, Chu Ôn có nói một câu: “Cây liễu to quá!” Để lấy lòng Chu Ôn, các thuộc hạ cũng hùa theo: “Câu liễu to quá!” Chu Ôn thấy vậy rất buồn cười, lại nói: “Cây liễu to quá, có thể làm đầu xe”. Trên thực tế, gỗ liễu không thể dùng làm đầu xe được, thế nhưng một vài thuộc hạ vẫn tỏ ý tán thành: “Có thể làm đầu xe”. Chu Ôn đã nhìn rõ bản chất của những người nói như vẹt đó, ông nói to: “Gỗ liễu không thể làm đầu xe! Ta nghe nói, thời Tần có chuyện lấy la làm ngựa, thật không ngờ các ngươi lại là loại người như vậy”. Cuối cùng những người nói “Có thể làm đầu xe” đều bị bắt và bị xử tội chết.
Trong tình huống có sự góp mặt của đông người, nếu tất cả mọi người đều dùng cùng một cách nói để khen ngợi ai đó sẽ khiến cho người đó cảm thấy bối rối. Càng là người khen cuối cùng thì càng dễ bị mất cảm tình.
(3) Chỉ biết khen điểm mạnh của người khác
Khi chúng ta khen ai đó, trước tiên phải phát hiện ra điểm mạnh của đối phương, sau đó dành tặng họ lời khen. Thời gian trôi qua, người được khen nghe nhiều đã thấy nhàm nên cũng không còn cảm thấy vui khi được khen nữa.
Khen lấy lệ hay khen quá lời chỉ khiến cho người được khen cảm thấy mất cảm tình. Do mục đích trực tiếp của lời khen là khiến cho người được khen vui vẻ, do đó, từ ngữ khen ngợi nhất định phải hợp lí và có ý mới mẻ.
Sức lay động của những điều ẩn sau lời khen
Trong giao tiếp xã hội, dành tặng lời khen cho mọi người là cách để tăng cường mối quan hệ thân thiết, cũng là một kĩ năng quan trọng. “Tặng người bông hoa hồng, bàn tay còn lại mùi hương”. Vì thế, chúng ta phải học cách khen, tuy nhiên, lời khen không thể nói bừa, không tùy tiện và không nói quá, cần phải có kĩ năng sử dụng lời khen. Thực tế, những điều ẩn sau lời khen thực sự có thể làm lay động lòng người.
Carnegie đã nói: “Cho dù là đối với những tiến bộ rất nhỏ, cũng nên bày tỏ sự hài lòng một cách chân thành, hãy dành tặng lời khen”.
Trên thế giới này, rất nhiều người thích nghe lời hay ý đẹp, cho dù là những người biết mình tài cao, chỉ cần nghe thấy lời khen niềm vui biểu lộ ra mặt, trong lòng cũng rất vui vẻ, thoải mái. Thế nhưng, lời khen của bạn nhất định phải khéo léo, hợp lí mới có thể khiến đối phương vui vẻ tiếp nhận. Lời khen không hợp lí sẽ để lại hậu quả.
Một nhà văn nọ nhận được lời mời tới tham dự hoạt động của một hiệu sách. Để lấy lòng nhà văn, ông chủ hiệu sách đã thay toàn bộ sách trên các giá bằng sách của nhà văn đó.
Sau khi nhà văn đi vào hiệu sách, nhìn thấy chỗ nào cũng là sách của mình, ông ngạc nhiên hỏi: “Lẽ nào ở đây chỉ bán sách của tôi?”
Ông chủ đáp: “Các sách khác chúng tôi bán hết rồi”.
Nhà văn nghe thấy vậy không vui, sau đó ông viện lí do để rời khỏi hiệu sách.
Lời khen thiện ý cũng giống như một món quà giá trị, khiến người nhận vui vẻ, còn nếu không nó sẽ gây tổn hại tình cảm cũng như lợi ích của cả hai bên.
Sự kì diệu và sức hút của lời khen là vô giá. Khi khen ngợi một ai đó, những cách khen khác nhau cũng sẽ tạo ra những hiệu quả khác nhau. Thứ đáng quý nhất chính là những điều ẩn sau lời khen. Như trợ lí Budde của Roosevelt đã nói: “Âm thầm thừa nhận ưu điểm của một người tốt hơn là khen trước mặt người đó”.
Thiết nghĩ, nếu như có ai đó nói với bạn, một người nào đó sau lưng bạn đã khen như thế này, như thế kia, thì bạn sẽ rất vui phải không?
Na sắp phải tham gia kì thi sát hạch chuyên ngành kế toán, nhưng cô không tìm thấy cuốn sách chuyên ngành đâu cả, cô đến hỏi phó tổng để xem ông có cuốn sách
đó không. Sau một hồi tìm kiếm, phó tổng nói: “Tôi không có, cô hãy hỏi Tổng Giám đốc Trương. Ông ấy thích đọc sách, kiến thức sâu rộng, có thể sẽ có quyển sách đó”. Na liền tới mượn sách Tổng Giám đốc Trương. Ông Trương nói: “Chuyên ngành của tôi là triết học, ai nói cho cô biết là tôi có sách chuyên ngành kế toán?” Tiểu Na bèn nói lại lời của phó tổng, tổng Giám đốc Trương nghe xong rất vui, từ đó càng thân thiết với phó tổng hơn.
Khi người được khen nghe lời khen qua người thứ ba, hiệu quả đương nhiên rất tốt đẹp. Khi đó, người được khen đương nhiên cho rằng đó là lời khen thật lòng và vui vẻ tiếp nhận.
Có thể nói, vô tình truyền đạt lời khen qua người thứ ba, không chỉ khiến người được khen cảm thấy vui vẻ, mà đó cũng đồng thời là cách gắn kết mối quan hệ tốt đẹp với người đó.
Tóm lại, trong cuộc sống và trong công việc, sau khi phê bình ai đó, đừng quên dành tặng một lời khen cho những ưu điểm của họ, bất cứ ai cũng muốn được khen, được tôn trọng và không thích bị phê bình. Tất cả mọi người đều hi vọng được đồng nghiệp, cấp trên và mọi người xung quanh công nhận, khen ngợi, do đó hãy học cách khen người khác, cho dù là sau khi đã phê bình người đó. Khen ngợi hay phê bình đều là một cách động viên, cho dù là người lớn hay trẻ nhỏ, chẳng ai lại không cảm động trước một lời khen thật lòng.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.