🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Thấy đồ thổ nghi, Đại Ngọc nhớ quê cũ

Nghe việc bí mật, Phượng Thư hỏi người hầu

Sau khi chị Ba tự sát, bà già Vưu cùng chị Hai, Giả Trân, Giả Liễn đều hết sức thương khóc, liền sai người khâm liệm đưa ra ngoài thành chôn cất. Liễu Tương Liên thấy chị Ba đã mất rồi, ngẩn ngơ thương tiếc, lại bị đạo nhân nói mát mấy câu, phá tan cõi mê, bèn cắt tóc theo vị đạo nhân điên rồ vùn vụt đi mất, không biết về đâu.

Tiết phu nhân thấy Tương Liên định lấy chị Ba, trong bụng rất mừng. Đương lúc cao hứng, định mua cho hắn một cái nhà, sắm sửa đồ đạc, chọn ngày đón dâu, để báo đền công ơn đã cứu con mình. Bỗng bọn người hầu trong nhà xôn xao nói: "Chị Ba đã tự sát rồi". Bọn hầu gái nghe thấy, về nói cho Tiết phu nhân biết. Tiết phu nhân không hiểu tại sao, trong bụng rất buồn. Đương lúc ngờ vực, thấy Bảo Thoa ở trong vườn về, Tiết phu nhân liền hỏi:

- Con ơi, con có nghe thấy gì không? Cô em gái thứ ba của chị Trân không phải đã gả cho em nuôi của anh con là Liễu Tương Liên rồi hay sao? Thế mà không biết vì sao nó lại tự vẫn! Còn Liễu Tương Liên thì đi đằng nào mất rồi. Thực là kỳ quặc không ai ngờ đến!

Bảo Thoa nghe nói, không hề để ý đến, nói:

- Câu tục ngữ nói rất đúng: "Trên trời có mây gió bất ngờ, người đời có họa phúc trong phút chốc". Đó là định mệnh kiếp trước của họ. Hôm nọ vì Tương Liên cứu anh con, mẹ định thu xếp công việc hộ anh ấy, nhưng nay người chết đã chết rồi, người đi đã đi rồi. Theo ý con thì cứ mặc họ. Mẹ cũng không cần phải vì họ mà thương cảm nữa. Từ khi anh con ở Giang Nam về, đã vài mươi ngày rồi, hàng hóa buôn về chắc cũng đã bán gần hết. Những người làm công cùng đi với anh con, đi lại vất vả mấy tháng nay, mẹ nên bàn với anh con mời một bữa để tạ Ơn người ta mới phải. Đừng để họ bảo mình là vô tình.

Mẹ con đương bàn với nhau thì Tiết Bàn ở ngoài đi vào, còn ngấn nước mắt, vừa đến cửa đã vỗ tay nói với mẹ:

- Mẹ có biết việc em Liễu và chị Ba không?

- Ta vừa mới nghe thấy, đương nói chuyện với em con.

- Mẹ có nghe nói Tương Liên theo một người đạo sĩ đi tu không?

- Việc này lại càng lạ! Có nhẽ nào Tương Liên là một người trẻ tuổi thông minh như thế, lại đâm ra hồ đồ theo đạo sĩ đi tủ Ta nghĩ anh em con thân với nhau như thế, hắn lại không có cha mẹ, anh em, một mình ở đây, con nên đi các nơi tìm hắn mới phải. Theo đạo sĩ thì chưa thể đi xa được, chỉ quanh quẩn ở trong chùa miếu nào gần đây thôi.

- Con cũng nghĩ thế, vừa nghe tin ấy, con mang theo mấy người hầu đi khắp nơi tìm hắn. Nhưng chẳng thấy bóng vía đâu cả. Hỏi khắp mọi người, cũng không ai trông thấy.

- Con đi tìm không thấy, thế là đã hết lòng với bè bạn rồi. Biết đâu hắn đi tu như thế không phải là điều tốt. Còn con cũng nên sắp đặt việc buôn bán, lo liệu sớm việc cưới vợ của con. Nhà ta vẫn hiếm người, tục ngữ đã nói: "Thấp chân chạy trước", để tránh khỏi khi đến việc phải hấp tấp, được cái nọ hỏng cái kia, làm cho người ta chê cười. Hơn nữa, em con vừa nói, con về nhà đã hơn nửa tháng, chắc hàng hóa cũng bán hết rồi, nên bày bữa tiệc thết mấy người cùng đi, để yên ủi họ mớiphải. Người ta đi với con hàng hai, ba ngàn dặm, vất vả bốn, năm tháng ròng, trên đường lại chịu thay cho con biết bao sự sợ hãi nặng nề.

- Mẹ nói phải đấy! Em con nghĩ thế thật chu đáo quá. Con cũng đã nghĩ như vậy. Chỉ vì mấy hôm nay phải giao hàng đi các nơi, đầu óc cứ rối cả lên. Lại bận về việc Tương Liên, rút cuộc tốn công mất sức chẳng đi đến đâu, thành ra quên mất cả việc chính. Không thì ngày mai hoặc ngày kia con sẽ viết thiếp mời họ.

- Tùy con định liệu đấy.

Nói chưa dứt lời, đứa hầu nhỏ ở ngoài vào trình:

- Ông tổng quản họ Trương sai người đưa hai hòm đồ đến nói là đồ của cậu mua riêng, không ghi vào sổ hàng. Đáng lẽ đưa lại sớm, nhưng vì các hòm hàng đè lên trên, chưa lấy được. Ngày hôm qua hàng chuyển đi hết, nên hôm nay mới đưa lại.

Nói xong thấy hai người hầu khênh vào hai cái hòm gỗ tọ Tiết Bàn vừa trông thấy nói:

- Úi chà! Ta sao lại lẩn thẩn đến thế. Ngay những thứ đặc biệt mua để biếu mẹ và em, ta cũng quên phải để cho người làm công mang đến.

Bảo Thoa nói:

- Anh khéo nói nhỉ! Đó là thứ đặc biệt, mới bỏ quên đến hai mươi ngày. Nếu không phải là thứ đặc biệt, có lẽ anh bỏ đến cuối năm mới mang về đấy. Em thấy anh chẳng để ý đến việc gì cả.

Tiết Bàn cười nói:

- Có lẽ khi đi đường bị sợ bạt vía, nên bây giờ anh vẫn chưa hoàn hồn.

Cả nhà nghe vậy cười một lúc, rồi bảo a hoàn nhỏ:

- Ra nói với bọn người hầu, đồ vật để lại đấy, bảo họ cứ về đi thôi.

Tiết phu nhân và Bảo Thoa hỏi:

- Trong có những gì mà buộc chặt thế?

Tiết Bàn gọi hai người hầu vào, cởi dây, bỏ những ván ghép, mở khóa ra, một hòm đựng đầy lụa là gấm vóc và các đồ dùng hàng ngoại quốc. Tiết Bàn nói:

- Còn cái hòm kia là mua cho em đấy.

Nói rồi tự ra mở lấy.

Tiết phu nhân và Bảo Thoa đến xem, thấy những thứ như bút, mực, giấy, nghiên, giấy hoa tiên đủ các màu, túi thơm, quạt, hạt châu đeo quạt, phấn sáp, ngoài ra còn có cả người múa rối, cái để chơi tửu lệnh, mua từ núi Hổ Khẩu về, những người tí hon nhào lộn, đèn cát, những con hát bằng đất đựng vào trong cái hộp lụa xanh; lại có cái tượng của Tiết Bàn bằng đất nặn ở trên núi Hổ Khâu, trông không khác hắn một tí nào. Bảo Thoa không để ý đến những thứ khác, cứ nhìn cái tượng của Tiết Bàn, lại nhìn đến anh, không sao nhịn cười được. Rồi bảo Oanh Nhi dẫn mấy bà già đến khiêng hòm đồ vật vào trong vườn, lại nói chuyện với mẹ và anh một lúc rồi mới đi. Tiết phu nhân lấy những đồ ở trong hòm ra, chia từng phần một rồi bảo Đồng Hỷ đem biếu bên Giả mẫu và Vương phu nhân.

Bảo Thoa về đến phòng, đem đồ chơi ra xem một lượt, trừ thứ nào để dùng, còn thì sai Oanh Nhi cùng bà già chia biếu các nơi; có chỗ biếu bút, mực, giấy, nghiên; có chỗ biếu túi thơm, quạt, ngọc đeo quạt; có chỗ biếu phấn sáp, dầu bôi đầu, có chỗ biếu đồ chơi. Chỉ riêng Đại Ngọc là đưa đồ biếu hơn người khác, lại nhiều gấp đôi.

Các chị em nhận đồ biếu, thưởng tiền cho người đem đến và nói: "Sẽ đến cảm ơn". Chỉ có Đại Ngọc trông thấy những đồ vật ở quê mình, đâm ra cảm động xót xa, nghĩ đến cha mẹ mất cả, không có anh em phải ở nhờ nhà họ hàng, thì làm gì còn có người đem những đồ thổ sản đến cho mình? Càng nghĩ, Đại Ngọc càng thương tâm.

Tử Quyên biết rõ tâm sự Đại Ngọc, nhưng cũng không dám nói thẳng ra, chỉ đứng bên cạnh khuyên:

- Cô vốn là người nhiều bệnh, mấy lâu uống thuốc; vài ngày nay xem ra đã đỡ hơn trước. Người hơi khá đấy nhưng chưa được khỏe hẳn. Hôm nay cô Bảo đem cho cô những thứ này, đủ biết ngày thường cô ấy rất quý trọng cô, cô nên vui vẻ là phải, sao lại đâm ra buồn rầu? Như thế chả hóa ra cô Bảo đem đồ vật biếu cô lại làm cho cô phiền não hay sao? Lỡ đến tai cô Bảo, lại đâm ra khó coi. Hơn nữa thấy cô ốm luôn, cụ đã tìm hết cách, mời thầy chạy thuốc, chỉ cốt cho cô khỏi bệnh. Nay mới hơi đỡ, cô lại cứ khóc lóc thế này, chả hóa ra tự mình hủy hoại thân mình, làm cụ cứ buồn thêm hay sao? Bệnh cô là do ngày thường lo nghĩ quá nhiều, tổn thương đến khí huyết. Cô là tấm thân ngàn vàng, không nên tự mình coi nhẹ thân mình!

Tử Quyên đương khuyên giải thì đứa hầu nhỏ đứng ở ngoài sân nói: "Cậu Bảo đến đấy". Tử Quyên vội nói:

- Mời cậu vào.

Bảo Ngọc đi vào buồng, Đại Ngọc mời ngồi. Bảo Ngọc thấy trên mặt Đại Ngọc có ngấn nước mắt, liền hỏi:

- Em ơi, lại có ai trêu tức em đấy?

Đại Ngọc gượng cười nói: "Ai tức gì đâu?"

Tử Quyên đứng bên cạnh ngoảnh vào cái bàn sau giường dẩu môi. Bảo Ngọc biết ý, nhìn vào đó, thấy chất nhiều thứ, biết ngay là những thứ của Bảo Thoa đưa đến, liền cười nói:

- Những thứ này ở đâu đưa đến? Em định mở hàng tạp hóa chắc.

Đại Ngọc không trả lời. Tử Quyên cười nói:

- Cậu còn nhắc đến làm gì nữa! Vì cô Bảo đem cho các thứ ấy, cô tôi trông thấy, đâm ra thương tâm. Tôi đương khuyên can, may cậu lại đến, nhờ cậu khuyên giúp.

Bảo Ngọc đã biết rõ Đại Ngọc vì duyên cớ ấy, nhưng không dám gợi ra, chỉ cười nói:

- Tôi biết cô của các chị chẳng phải thế đâu. Chắc là lại cô Bảo đem cho quà ít quá, nên mới tức giận buồn rầu. Em ơi em cứ yên tâm, sang năm anh sẽ cho người đi Giang Nam chở về cho em hàng thuyền để em khỏi phải nước mắt ngắn nước mắt dài.

Đại Ngọc nghe những câu ấy, biết là Bảo Ngọc có ý làm khuây cho mình, nên cũng không chối mà cũng không nhận, chỉ nói:

- Em dù thơ dại đến đâu cũng không đến nỗi vì một ít đồ vật đưa đến, đâm ra tức giận. Em có phải là đứa trẻ con lên ba đâu, anh đừng coi người nhỏ nhen quá. Em có duyên cớ riêng của em, anh biết sao được?

Nói xong, nước mắt lại chảy xuống ròng ròng.

Bảo Ngọc đến trước giường, ngồi cạnh Đại Ngọc, cầm từng thứ đồ chơi, mân mê kỹ, cố ý hỏi: "Cái này là cái gì? Tên là gì? Cái kia làm bằng gì mà đẹp thế? Cái này là cái gì, dùng để làm gì? Cái này có thể bày ở trước mặt được. Cái kia có thể bày ở trên bàn đẹp như đồ cổ đấy". Bảo Ngọc cứ nói những câu vu vơ để xí xóa cho xong chuyện.

Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc như thế, trong bụng không đành, liền nói:

- Anh đừng ở đây quấy rầy nữa, chúng ta cùng đi sang nhà chị Bảo thôi.

Bảo Ngọc cũng muốn để Đại Ngọc đi chơi cho đỡ buồn, liền nói:

- Chị Bảo cho chúng ta những thứ này, chúng ta cũng nên đến cảm ơn.

- Chỗ chị em nhà, không cần phải cảm ơn. Có anh Tiết Bàn mới về, tất nhiên cũng kể lại chuyện cổ tích ở Giang Nam cho chị Bảo nghe. Em sang đó nghe cũng như là về thăm quê vậy.

Nói xong, Đại Ngọc mắt lại đỏ hoe.

Bảo Ngọc đã đứng chờ. Đại Ngọc đành phải cùng đi sang bên Bảo Thoa.

Tiết Bàn nghe lời mẹ, viết thiếp và bày tiệc rượu mời bốn người làm công đến, chẳng qua chỉ những câu chuyện sổ sách buôn bán. Một lúc vào tiệc, Tiết Bàn mời rượu từng người. Tiết phu nhân lại sai người ra chào mời. Mọi người uống rượu nói chuyện. Trong họ có người nói:

- Tiệc rượu hôm nay thiếu mất hai người bạn tốt.

Mọi người đều hỏi: "Là ai thế?" Người kia nói:

- Còn có ai nữa! Tức là cậu hai Liễn bên phủ Giả và em kết nghĩa của cậu nhà là cậu hai Liễu.

Quả nhiên mọi người đều nhớ đến, mới hỏi Tiết Bàn:

- Sao không mời cậu hai Liễn và cậu hai Liễu đến?

Tiết Bàn cau mày thở dài nói:

- Cậu hai Liễn trước đây hai hôm lại đi châu Bình An rồi. Còn cậu hai Liễu thì không nên nhắc đến nữa, quả thực là một việc lạ trên đời. Bây giờ không còn là "cậu hai Liễu" nữa mà đã đi làm thầy tu Liễu ở đâu rồi.

Mọi người đều lấy làm lạ, hỏi:

- Nói thế là thế nào?

Tiết Bàn kể lại đầu đuôi việc Liễu Tương Liên. Mọi người nghe xong càng lấy làm lạ, nói:

- Thảo nào hôm nọ chúng tôi ở trong phố, hình như cũng nghe thấy người ta xôn xao đồn: "Có một vị đạo sĩ chỉ nói qua loa mấy câu đã đem được một người đi tu rồi". Họ còn nói: "Có một cơn gió thổi cuốn đi, nhưng không biết là ai". Chúng tôi đương bận bán hàng, có thì giờ đâu mà đi hỏi việc ấy! Đến nay cũng còn nửa tin nửa ngờ. Biết đâu lại là cậu Liễu! Nếu biết là cậu ấy thì chúng tôi phải ra khuyên can mới phải. Mặc dù như thế nào cũng không cho cậu ấy đi.

Trong đó lại có người nói:

- Chắc không phải đâu.

Mọi người lại hỏi:

- Thế là thế nào?

Người kia nói:

- Xem cậu Liễu là người linh lợi, chưa chắc đã thật đi theo đạo sĩ. Cậu ấy biết võ lại có sức khỏe, hoặc thấy rõ đạo sĩ kia có yêu thuật mà cố ý đi theo, để ngấm ngầm trừ diệt hắn cũng chưa biết chừng.

Tiết Bàn nói:

- Như thế cũng được, ở trên đời này những kẻ giở lối yêu quái đi lừa phỉnh người, thế nào mà chẳng có người trị cho chúng một mẻ.

Mọi người nói:

- Có lẽ nào cậu biết chuyện lại không đi tìm cậu ấy?

Tiết Bàn nói:

- Trong thành ngoài thành, chỗ nào tôi chẳng đến tìm. Nói ra các anh đừng cười, vì không tìm thấy nó, tôi đã phải khóc một trận đấy!

Nói xong thở vắn than dài, nét mặt ủ rũ, không vui vẻ như mọi ngày.

Bọn làm công thấy quang cảnh thế, không tiện ngồi lâu, ăn uống qua loa rồi ra về.

Bảo Ngọc cùng Đại Ngọc đến nhà Bảo Thoa. Bảo Ngọc nói:

- Anh Cả vất vả mới mang được ít đồ về, chị nên để mà dùng, lại còn đem cho chúng tôi.

Bảo Thoa cười nói:

- Không phải đồ gì quý hóa, chẳng qua là những thứ thổ nghi từ xa đem về, để mọi người được trông thấy chút của lạ thôi.

Đại Ngọc nói:

- Những thứ này, khi em còn bé không để ý đến, bây giờ trông thấy, thực là những đồ vật mới lạ.

Bảo Thoa cười nói:

- Chắc em cũng biết tục ngữ có câu: "Vật ra khỏi quê hương trở thành quý giá", chứ thực ra cũng chúng đáng gì?

Bảo Ngọc nghe vậy đúng vào tâm sự vừa rồi của Đại Ngọc, liền nói lảng ra chuyện khác:

- Sang năm anh Cả có đi nữa, nhờ mua thêm cho chúng tôi một ít.

Đại Ngọc lườm Bảo Ngọc một cái, nói:

- Anh cần thì cứ nói, đừng có kéo cả người khác vào. Chị Ơi chị xem đấy, anh Bảo đến đây không phải là để cảm ơn chị, mà lại cốt để đặt trước đồ vật sang năm đấy.

Bảo Thoa và Bảo Ngọc đều cười.

Ba người nói chuyện phiếm một lúc, lại nhắc đến bệnh của Đại Ngọc, Bảo Thoa khuyên:

- Nếu em thấy người không được khoan khoái, nên cố gắng ra ngoài đi đi lại lại cho khuây khỏa, đừng có ngồi ru rú ở nhà. Mấy hôm trước tôi thấy người uể oải, khắp mình nóng ran, cũng muốn nằm. Nhưng vì khí trời không tốt, sợ sinh bệnh, nên mới tìm việc ra làm cho khuây. Hai hôm nay mới thấy dễ chịu đấy.

Đại Ngọc nói:

- Chị nói rất đúng. Em cũng nghĩ thế.

Ngồi nói chuyện một lúc. Bảo Ngọc lại đưa Đại Ngọc về quán Tiêu Tương.

Dì Triệu thấy Bảo Thoa đem cho Giả Hoàn một ít đồ vật, rất mừng, nghĩ bụng: "Không trách người ta đều nói con Bảo tốt, biết ăn ở, cư xử rộng rãi. Giờ xem ra thì quả là đúng! Anh nó mang về có được bao nhiêu đồ đạc, thế mà nó đem cho từng nhà, không sót nơi nào. Nó cũng không tỏ ra khinh ai trọng ai. Ngay đến mình, thời vận hẩm hiu, nó cũng nghĩ đến. Nếu là con Lâm thì bao giờ thèm nhìn đến và cho gì mẹ con mình nữa?" Vừa nghĩ dì Triệu vừa cầm đồ vật xem đi xem lại một lúc. Chợt nghĩ đến Bảo Thoa là cháu Vương phu nhân, sao mình không đến kiếm cách chiều chuộng lấy lòng bà ấy? Rồi dì Triệu rón rén mang những đồ vật ấy đến phòng Vương phu nhân, đứng bên cạnh cười nói:

- Đây là đồ chơi của cô Bảo đem cho thằng Hoàn. Khen cho cô ấy còn trẻ tuổi đã nghĩ được chu đáo như thế, thực là cô gái con nhà đại gia, bụng dạ đứng đắn, rộng rãi. Như thế ai là không quý mến! Chẳng trách cụ và bà lúc nào cũng khen, cũng thương yêu cô ấy. Tôi không dám tự tiện nhận, nên mang cả đến đây để bà xem, chắc bà cũng vui lòng.

Vương phu nhân nghe nói, đã biết ngay ý định của dì Triệu. Lại thấy dì ấy nói những câu không đâu, nên chỉ trả lời qua loa:

- Thôi dì cứ mang về cho thằng Hoàn nó chơi.

Dì Triệu lúc đầu hí hửng lắm. Khi nghe xong bẽ mặt, tức lộn cả ruột, nhưng không dám nói, đành chịu ngượng nghịu đi ra. Về đến buồng, cất những đồ chơi vào một chỗ, làu nhàu nói một mình: "Những thứ này thì đáng gì!" Rồi ngồi thừ ra một lúc.

Oanh Nhi dẫn bà già đi biếu đồ vật xong trở về trình Bảo Thoa, kể lại những câu người ta cảm ơn và được số tiền thưởng. Sau đó bà già đi ra. Oanh Nhi đến gần Bảo Thoa khẽ nói:

- Vừa rồi cháu sang nhà mợ Liễn, thấy mợ ấy có vẻ giận dữ. Khi biếu đồ vật xong, cháu khẽ hỏi con Hồng. Nó nói: "Mợ Hai vừa ở nhà cụ về không vui như mọi hôm, rồi gọi Bình Nhi đến, không biết hai người thì thào với nhau những chuyện gì. Xem quang cảnh ấy, chắc là có việc gì quan trọng đây." Cô có biết bên cụ có việc gì không?

Bảo Thoa nghe nói, cũng thấy bực, không biết Phượng Thư có việc gì mà giận dỗi thế, liền nói:

- Đèn nhà ai nhà ấy rạng, chúng ta biết làm sao được. Cô đi pha trà mà uống.

Oanh Nhi đi ra.

Bảo Ngọc đưa Đại Ngọc về rồi, trong bụng nghĩ tình cảnh Đại Ngọc mồ côi khổ sở, cũng sinh ra thương cảm, định về kể lại cho Tập Nhân nghe.

Khi tới nhà, chỉ thấy có Xạ Nguyệt và Thu Văn. Bảo Ngọc hỏi:

- Chị Tập Nhân đi đâu rồi?

Xạ Nguyệt nói:

- Cũng chỉ ở quanh mấy nhà này thôi, mới vắng mặt một tý mà cậu đã nháo lên!

- Không phải là tôi sợ mất chị ấy. Vì tôi vừa mới sang bên cô Lâm, thấy cô ấy buồn rầu, hỏi ra là vì cô Bảo cho mấy thứ đồ chơi. Trông thấy những thứ ở quê hương mình, cô ấy đâm ra buồn tủi. Tôi muốn bảo chị Tập Nhân sang khuyên giải cô ấy một tý.

Đương nói thì Tình Văn vào hỏi Bảo Ngọc:

- Cậu về rồi à? Cậu bảo đi khuyên giải ai?

Bảo Ngọc kể lại một lượt những câu vừa rồi.

Tình Văn nói:

- Chị Tập Nhân vừa mới đi ra. Thấy chị ấy nói muốn đến nhà mợ Liễn, có thể rồi cũng sang nhà cô Lâm đấy.

Bảo Ngọc im lặng không nói gì. Thu Văn mang nước đến, Bảo Ngọc súc miệng rồi đưa cho a hoàn nhỏ, trong bụng băn khoăn, luôn tiện nằm ngả xuống giường.

Tập Nhân thấy Bảo Ngọc đi vắng, tự mình thu xếp công việc chợt nghĩ đến Phượng Thư còn ốm, mấy hôm nay chưa sang thăm. Giả Liễn lại đi vắng, chính là lúc được nói chuyện thoải mái. Tập Nhân liền bảo Tình Văn:

- Chị phải trông nhà cẩn thận, đừng bỏ đi đâu, nhỡ cậu Hai về lại không gọi được ai.

- Úi chà! Trong nhà này chỉ một mình chị nghĩ đến cậu ấy còn chúng tôi thì chỉ chơi dài, ăn hại thôi.

Tập Nhân cười không trả lời rồi đi ngaỵ Vừa đến bên cầu Thấm Phương, bấy giờ là cuối hạ sang thu, hoa sen trong ao bông tàn bông nở, xanh đỏ chen nhau. Tập Nhân theo bờ ao đi ngắm cảnh một lượt, ngẩng đầu lên thấy dưới giàn nho bên kia có người cầm chổi đang vụt cái gì ở đấy. Đến nơi hóa ra già Chúc.

Già Chúc trông thấy Tập Nhân, liền cười hì hì đến đón hỏi:

- Sao hôm nay cô lại được rỗi đi chơi thế?

- Tôi định đến thăm mợ Liễn. Bà ở đây làm gì thế?

- Tôi đương đuổi ong đây. Năm nay những ngày tiết "Tam phục" 1 ít mưa, hoa quả bị sâu ăn lỗ chỗ, đã rụng mất nhiều. Cô chưa biết, giống ong ngựa này đáng ghét lấm. Nó chỉ châm độ vài ba quả, nước trong quả chảy ra lây sang quả khác, thế là cả chùm thối hết. Cô ơi, cô thử xem, chúng ta chỉ nói vài câu chuyện mà không đuổi là rụng mất khối quả rồi.

- Dù là đuổi luôn tay cũng không đuổi được hết đâu. Bà cứ bảo anh mãi biện làm nhiều túi vải thưa, mỗi chùm bọc một cái vừa thông gió, vừa không bị hư hỏng.

Già Chúc nói:

- Cô nói phải đấy. Năm nay tôi mới coi vườn, khôn ngoan đâu mà biết dùng cách ấy.

Rồi lại cười nói:

- Các quả năm nay tuy bị hư hỏng một ít, nhưng rất ngon. Cô không tin, tôi ngắt một quả cô nếm thử xem.

Tập Nhân nghiêm nghị nói:

- Làm thế sao được, không những quả chưa chín ăn không ngon, dù có chín chăng nữa, chưa dâng quả mới lên bề trên, chúng tôi lại ăn trước à. Bà hầu hạ Ở trong phủ này đã lâu, chẳng lẽ lại không hiểu cái khuôn phép ấy hay sao?

- Cô nói rất phải. Thấy cô vui vẻ nên tôi mới dám nói thế, thành ra phạm vào khuôn phép. Tôi thực già rồi lẩm cẩm quá!

- Cũng chẳng can gì, chỉ có điều các bà là người có tuổi, đừng làm đầu têu là được rồi.

Tập Nhân nói xong, đi thẳng ra cửa vườn, sang bên Phượng Thự Vừa vào đến sân, đã nghe Phượng Thư nói:

- Trời ơi! Lương tâm ơi? Ta dãi dầu ở nhà này mãi đến thành giặc mất!

Tập Nhân nghe nói, đoán chắc là có chuyện gì, quay ra cũng dở, đi vào cũng không đang, liền bước nặng chân, đứng ngoài cửa sổ hỏi:

- Chị Bình có ở nhà không?

Bình Nhi vội chạy ra đón. Tập Nhân hỏi:

- Mợ Hai cũng ở nhà đấy chứ? Mợ đã khá chưa?

Nói xong đi vào.

Phượng Thư giả cách nằm ngả ở trên giường. Thấy Tập Nhân vào, liền cười đứng dậy nói:

- Tôi đã hơi đỡ rồi, cảm ơn chị nhớ đến. Sao mấy ngày hôm nay không thấy chị sang chơi?

- Mợ không được khỏe, nhẽ ra ngày nào tôi cũng đến thăm mới phải. Nhưng chỉ e mợ trong người không khoan khoái, cần phải yên tĩnh nghỉ ngơi, tôi đến sợ lại làm phiền mợ.

- Làm gì mà phiền. Có điều trong nhà chú Bảo nhiều người đấy, nhưng cũng chỉ nhờ một mình chị trông nom thôi. Chú ấy không thể nào rời chị ra được. Tôi thường nghe Bình Nhi nói, khi vắng mặt, chị vẫn nhớ đến, thường vẫn hỏi thăm tôi luôn. Thế là chị hết lòng với tôi rồi.

Nói xong, bảo Bình Nhi đem cái ghế để bên cạnh giường, mời Tập Nhân ngồi. Phong Nhi đem nước đến. Tập Nhân khép nép nói:

- Em cứ để mặc chị.

Đương nói chuyện phiếm thì một a hoàn nhỏ ở gian nhà phía ngoài đến, nói khẽ với Bình Nhi:

- Vượng Nhi đến đấy, đương chờ ở ngoài cửa thứ hai.

Lại nghe Bình Nhi khẽ nói:

- Biết rồi. Bảo nó đi ra, chốc nữa hãy đến, đừng đứng chờ ở cửa nữa.

Tập Nhân biết họ có việc, nói mấy câu rồi đứng dậy định về, Phượng Thư nói:

- Khi rỗi đến đây nói chuyện, để tôi được khuây khỏa. - Rồi bảo: - Bình Nhi tiễn chị ấy về.

Bình Nhi vâng lời tiễn ra. Lúc ấy có hai ba a hoàn nhỏ ở đó đều khép nép im lặng chực hầu. Tập Nhân không biết có việc gì, đi về ngay.

Bình Nhi tiễn Tập Nhân đi rồi, vào trình:

- Vượng Nhi vừa mới đến, vì Tập Nhân ở đây, nên tôi bảo nó chờ ở ngoài kia. Bây giờ có gọi ngay nó vào không, hay còn phải chờ? Xin mợ cho biết.

Phượng Thư nói:

- Gọi nó vào!

Bình Nhi bảo a hoàn nhỏ truyền gọi Lai Vượng vào.

Phượng Thư hỏi Bình Nhi:

- Làm thế nào mà chị nghe được?

- Việc này trước hết là do một con hầu nhỏ nói. Nó bảo khi nó đi ra cửa thứ hai, nghe thấy hai đứa hầu trai ở ngoài nói: "Mợ Hai mới đẹp hơn mợ Hai cũ, tính nết lại tốt". Không biết Vượng Nhi hay là ai quát mắng hai đứa ấy: "Mợ mới mợ cũ cái gì? Không câm ngay đi à? Để cho trong nhà biết, thì người ta cắt lưỡi mày đi đấy!"

Bình Nhi đương nói thì một đứa hầu nhỏ vào trình:

- Vượng Nhi đương đứng chờ ở ngoài.

Phượng Thư cười nhạt:

- Bảo nó vào đây!

Đứa hầu nhỏ đi ra nói:

- Mợ gọi đấy.

Lai Vượng vội vâng lời đi vào, chào xong, chắp tay đứng chực ở cửa ngoài.

Phượng Thư nói:

- Mày vào đây. Ta hỏi mày một câu chuyện.

Lai Vượng mới đi vào đứng hầu bên cạnh cửa phía trong.

Phượng Thư hỏi:

- Cậu mày bao gái ở ngoài, mày có biết không.

- Cháu hằng ngày vẫn chầu chực ở cửa thứ hai, làm sao biết được việc của cậu cháu ở bên ngoài.

Phượng Thư cười nhạt:

- Cố nhiên là mày không biết. Nếu mày biết thì làm sao mà ngăn lời người ta?

Lai Vượng nghe nói thế, biết là câu chuyện vừa rồi đã bị lộ, có giấu cũng không nổi, liền quỳ xuống nói:

- Đó là thằng Hưng và thằng Hỷ ở ngoài kia nói bậy, cháu có mắng chúng nó mấy câu, còn thực tình ra sao, cháu không biết gì cả, nên không dám trình bày. Xin mợ cứ hỏi thằng Hưng, vì nó thường theo cậu cháu đi ra ngoài.

Phượng Thư nghe xong, quát to một tiếng:

- Chúng bây là một bầy khốn nạn, không có lương tâm, cùng một phường với nhau cả, tưởng ta không biết gì đấy! Hãy đi gọi ngay thằng Hưng khốn nạn đến đây! Mày cũng không được đi đâu. Ta hỏi nó rõ ràng đã, rồi sẽ hỏi đến mày. Giỏi thật! Giỏi thật! Thế mới là tên tay sai đắc lực của ta!

Lai Vượng đành luôn mồm vâng dạ, gục đầu mấy cái rồi lui ra đi gọi thằng Hưng.

Thằng Hưng đương chơi với đám trẻ con ở buồng quản lý, nghe nói mợ Hai gọi, sợ giật nẩy người, không ngờ việc ấy đã lộ. Liền theo Lai Vượng đi vào.

Lai Vượng vào thưa:

- Thằng Hưng đã đến.

Phượng Thư quát to:

- Bảo nó vào.

Thằng Hưng nghe thấy tiếng quát đã cuống, đành đánh bạo đi vào.

Phượng Thư trông thấy hỏi:

- Thằng ranh này giỏi nhỉ! Việc mày với cậu mày làm những việc hay đấy! Thế nào mày cứ nói thực ra.

Thằng Hưng nghe giọng nói, lại nhìn nét mặt Phượng Thư và bộ dạng những đứa hầu hai bên, sợ rủn người ra, bất giác quỳ xuống lạy lia lịa.

Phượng Thư nói:

- Ta biết việc này không dính dáng gì đến mày, chỉ vì mày không trình ta trước là có lỗi ở chỗ đó thôi. Mày cứ nói thực, ta sẽ tha cho; nếu sai một câu thì hãy sờ lên gáy xem mày có mấy cái đầu?

Thằng Hưng run lẩy bẩy dập đầu nói:

- Mợ hỏi việc gì mà bảo cháu và cậu cháu làm bậy?

Phượng Thư nghe nói, tức lộn tuột lên, quát:

- Tát vào mồm nó.

Lai Vượng định chạy lại tát. Phượng Thư mắng:

- Thằng khốn nạn này! Ta bảo nó phải tát nó, chứ cần mày tát nó à? Lát nữa thằng nào tự tát lấy thằng ấy cũng chưa muộn đâu!

Tháng Hưng giơ cả hai tay lên tự tát vào mặt mình mười mấy cái.

Phượng Thư quát bảo:

- Cho dậy!

Rồi hỏi:

- Việc cậu Hai mày ở bên ngoài lấy mợ mới mợ cũ thế nào, mày không biết à?

Thằng Hưng nghe nói đến chuyện ấy, lại càng hoảng, liền bỏ mũ xuống, dập đầu chan chát ở dưới thềm gạch, nói:

- Xin mợ sinh phúc cho cháu! Cháu không dám nói dối một câu nào nữa.

Phượng Thư bảo:

- Nói mau!

Thằng Hưng lom khom bò dậy nói:

- Việc này lúc đầu cháu cũng không biết. Có một hôm, khi đưa đám cụ bên phủ Đông, vì Du Lộc đến miếu xin lĩnh tiền, cậu Trân bảo cậu Hai cùng anh Dung về phủ thu xếp. Trên đường đi, hai chú cháu nhắc đến chuyện hai cô em gái mợ Trân. Cậu Hai nhà khen đẹp, anh Dung liền dỗ dành và nói sẽ làm mối dì Hai cho cậu Hai con.

Phượng Thư nghe vậy quát to:

- Hừ! Thằng khốn kiếp này! Nó là dì nào nhà mày đấy?

- Cháu đáng chết! - Thằng Hưng ngẩng lên nhìn, không dám nói gì nữa.

- Thế là hết rồi à? Sao không nói nữa đi?

- Mợ có tha tội cho cháu mới dám nói nữa!

- Con mẹ mày! Lại còn tha với chả tha cái gì! Biết điều mày nói ngay ra.

- Cậu Hai nghe vậy mừng lắm. Về sau cháu cũng không biết sao lại thành sự thực.

Phượng Thư khẽ cười nhạt:

- Đó là lẽ tất nhiên! Mày biết thế nào được? Nếu mày biết câu chuyện sẽ còn rắc rối nữa đấy. Được rồi nói nốt đi.

- Sau rồi anh Dung mua nhà cho cậu Hai.

- Nhà ở đâu?

- Ở ngay sau phủ.

- Ồ! - Phượng Thư ngoảnh lại nhìn Bình Nhi nói: - Thế ra chúng mình như người chết cả ấy! Chị nghe đấy!

Bình Nhi cũng không dám nói câu gì. Thằng Hưng lại thưa:

- Không biết cậu Trân đưa cho nhà họ Trương bao nhiêu tiền, mà họ không đòi hỏi gì.

Phượng Thư nói:

- Việc này tại sao lại kéo cả họ Trương, họ Lý vào đây nữa?

- Mợ không biết, mợ Hai này... - Vừa nói đến đấy, thằng Hưng lại tự tát vào mồm, làm Phượng Thư phì cười, a hoàn hai bên cũng mím môi cười.

Thằng Hưng nghĩ một lúc nói:

- Người em gái kia của mợ Trân.

Phượng Thư nói tiếp:

- Thế nào? Nói nhanh lên.

- Khi còn bé, người em gái của mợ Trân đã hứa gả cho người họ Trương, tên là Trương Hoa gì đó. Bây giờ hắn nghèo đói không có cơm ăn, nên cậu Trân cho hắn ít tiền, bắt phải thoái hôn.

Phượng Thư nghe đến đấy, gật đầu, quay lại nhìn vào bọn a hoàn nói:

- Các cô đã nghe thấy chưa? Thế mà thằng khốn nạn này lúc đầu lại nói không biết gì cả.

- Sau cậu Hai sai người sửa sang lại nhà rồi cưới về.

- Cưới ở đâu về?

- Cưới ở nhà bà mẹ chị ta về.

- Giỏi đấy! Thế không có ai đưa dâu à?

- Có anh Dung, còn mấy a hoàn và bà già, ngoài ra không có ai nữa!

- Mợ Cả mày không đến à?

- Hai hôm sau mợ Cả mới mang đồ mừng đến.

Phượng Thư cười gằn, quay lại bảo Bình Nhi:

- Chẳng trách mấy hôm đó cậu Hai khen mợ Cả luôn mồm!

Rồi quay lại hỏi thằng Hưng:

- Đưa nào hầu ở đấy? Chắc là mày rồi.

Thằng Hưng vội vàng gục đầu không nói gì.

- Mấy bận trước cậu mày nói sang giúp việc bên phủ Đông, chắc là giúp việc ấy phải không?

- Cũng có lúc cậu sang giúp việc, cũng có lúc đến nhà mới.

- Ai ở với nó?

- Có người mẹ và người em gái. Nhưng hôm trước người em gái đã đâm cổ chết.

- Tại làm sao?

Thằng Hưng liền đem việc Liễu Tương Liên kể hết một lượt, Phượng Thư nói:

- Cái chị chàng ấy còn có phúc đấy, khỏi phải mang cái tiếng là con người khốn nạn! Vậy còn việc gì nữa không?

- Còn việc khác thì cháu không biết. Những câu cháu vừa nói đều thực cả. Nếu sai câu nào, mợ tra ra, xin cứ đánh chết, cháu cũng không dám oán.

Phượng Thư cúi đầu một lúc, lại trỏ thằng Hưng nói:

- Thằng ranh con này! Tội mày đáng chết! Việc này mày giấu thế nào được tao. Mày định giấu tao để lấy lòng ông cậu mày và cũng để cho mợ mới thương mày! Nếu tao không nghĩ đến mày vừa rồi có ý sợ hãi, không dám nói dối, thì tao đã đánh gãy chân mày rồi.

Nói xong, quát: "Cút đi!"

Thằng Hưng cúi đầu lom khom đứng dậy, ra đến ngoài cửa, chưa dám đi ngaỵ Phượng Thư bảo:

- Lại đây, ta còn dặn câu này.

Thằng Hưng vội chắp tay đứng nghe. Phượng Thư nói:

- Mày vội cái gì? Có lẽ mợ của mày đương đợi cho mày cái gì đấy.

Thằng Hưng cũng không dám ngẩng đầu lên. Phượng Thư nói:

- Từ nay ta không cho mày sang bên ấy! Ta gọi lúc nào mày phải đến hầu lúc ấy. Nếu chậm một bước, mày coi chừng đấy.

Thằng Hưng vâng dạ đi ra cửa. Phượng Thư lại gọi, thằng Hưng vội quay lại. Phượng Thư nói:

- Mày định ra mau để mách cậu mày phải không?

- Cháu không dám!

- Nếu mày ra ngoài hở ra một tiếng gì thì liệu xác đấy.

Thằng Hưng vội vàng vâng lời rồi mới đi ra. Phượng Thư lại gọi:

- Lai Vượng đâu?

Lại Vượng chạy đến ngaỵ Phương Thư trừng mắt nhìn một lúc rồi mới nói:

- Giỏi! Lai Vượng!… Giỏi thật! Cút đi! Ở ngoài có ai hé ra một tiếng là tội ở mày cả.

Lai Vượng vâng lời, thong thả đi ra. Phượng Thư liền gọi pha nước. Bọn a hoàn nhỏ biết ý, đều đi ra cả.

Bấy giờ Phượng Thư mới bảo Bình Nhi:

- Chị đã nghe thấy rồi chứ? Thế mới thật giỏi.

Bình Nhi không dám nói câu gì, đành cứ phải cười. Phượng Thư càng nghĩ càng tức, nằm đờ ở trên giường, chợt cau mày một cái, bụng nghĩ ra một kế,liền gọi Bình Nhị Bình Nhi chạy đến, Phượng Thư nói:

- Ta nghĩ việc ấy nên làm thế này mới phải, chứ không cần chờ cậu Hai về.

1      Theo âm lịch, sau tiết hạ chí mười ngày là "sơ phục", mười ngày nữa là "trung phục", đến mười ngày cuối là "mạt phục".
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.