ÔNG OSBORNE XÓA TÊN CON TRONG QUYỂN THÁNH KINH Báo tin cho cô chị và cô em gái Osborne xong, Dobbin vội vã đến khu City để thực hiện phần nhiệm vụ còn lại, cũng là phần việc khó khăn nhất. Cứ nghĩ đến phải gặp mặt ông già Osborne, Dobbin cũng đã thấy ngài ngại; nhiều lần anh ta định cứ để hai chị em cô Osborne báo tin ấy cho cha họ, vì anh ta biết họ không thể giấu tín việc ấy được lâu. Nhưng Dobbin hứa với George sẽ kể lại tình hình khi ông Osborne biết tin con lấy vợ như thế nào. Vì vậy, anh ta tìm đến phố Thames, nơi đặt văn phòng của ông Osborne tại khu City, và đưa một tấm thiếp tỏ ý muốn được tiếp trong nửa giờ để nói về việc của con trai ông cụ là George. Người đưa thư trở về cho biết ông lão rất vui lòng, và muốn gặp mặt viên đại úy ngay lập tức; thế là Dobbin đến gặp mặt ông lão. Dobbin bước vào văn phòng của ông già, cảm thấy hình như mình là kẻ có tội, và yên trí giữa hai người sẽ xảy ra một cuộc thảo luận gay go. Dáng điệu âu sầu, vẻ mặt lo lắng, anh ta đi ngang qua gian phòng ngoài, nơi ông Chopper ngồi làm việc, thấy ông này ngồi bệ vệ sau bàn giấy, gật đầu chào có vẻ chế nhạo làm cho Dobbin càng mất tinh thần. Ông Chopper nháy mắt, gật đầu, giơ cái bút chì về phía cửa phòng làm việc của chủ, vui vẻ một cách đặc biệt nói: - Mời ông vào, cụ chủ trong ấy đấy. Ông Osborne cũng đứng dậy đón, giơ tay ra bắt rất thân mật: - Thế nào, con thân yêu, khỏe chứ? Thái độ vồ vập của ông già càng khiến cho tay “thuyết khách” của George cảm thấy mình có tội. Bàn tay anh ta đờ ra trong nắm tay của ông lão. Anh ta cảm thấy như chính mình ít nhiều đã gây ra mọi chuyện rắc rối. Chính anh ta đã đưa George trở lại với Amelia, chính vì anh ta đã tán thành, đã khuyến khích, đã gần như sắp đặt tất cả việc hôn nhân; bây giờ anh ta đã đến để kể lại cho ông Osborne nghe, thế mà ông già tươi tỉnh tiếp đãi như vậy, lại thân mật vỗ vai, anh ta mà gọi “Dobbin con thân yêu”. Chao ôi! Nghĩ mà có thể treo cổ lên tự vẫn ngay được. Ông Osborne hoàn toàn yên trí rằng Dobbin đến cốt báo tin George chịu đầu hàng rồi. Lúc nhận được tấm thiếp của Dobbin, ông Chopper và chủ đã trao đổi ngay về chuyện hai cha con xích mích với nhau; cả hai đều cho rằng George đã chịu khuất phục. Mấy hôm nay họ vẫn chờ đợi tin này. Ông Osborne bật mấy ngón tay chuối mắn kêu đánh tách một cái, xóc xóc mấy đồng ghi nê trong túi cho kêu sủng soảng, liếc nhìn người làm công của mình với vẻ mặt của kẻ thắng trận, nói: - Lạy Chúa, ông Chopper ạ, chúng ta sẽ tổ chức một đám cưới thật linh đình. Vừa thọc cả hai tay vào túi xóc xóc mấy đồng đồng tiền, vẻ mặt yên trí hể hả, ông Osborne ngồi trên ghế bành nhìn thẳng vào Dobbin đang tái mặt đi im lặng; ông già nghĩ thầm: - Là một đại úy trong quân đội mà thế này thì đần quá. Tại sao không học thằng George lấy ít cử chỉ lịch sự nhỉ? Cuối cùng Dobbin thu hết can đảm bắt đầu: - Thưa cụ, tôi đến báo cụ hay một tin, rất quan trọng. Sáng nay tôi có đến trại ngự lâm quân, và được tin chắc chắn rằng trung đoàn của chúng tôi sẽ được lệnh điều động ra ngoại quốc; nội trong tuần này sẽ sang Bỉ. Chắc cụ cũng thấy, trước khi lại được về nước, thế nào cũng phải tham chiến và cũng có thể nhiều người trong số chúng tôi gặp điều bất hạnh. Ông Osborne có vẻ trầm ngâm: - Thằng con...tôi chắc trung đoàn sẽ làm tròn nhiệm vụ, thưa ông. Dobbin tiếp: - Thưa cụ, bọn Pháp rất mạnh. Phải một thời gian khá lâu thì quân Nga và quân Áo mới đến tiếp viện được. Như vậy chúng ta phải đứng đầu sóng ngọn gió. Chắc chắn Boney sẽ gây cho ta rất nhiều khó khăn. Ông già cau mày: - Ông định nói gì vậy? Tôi tin rằng không một người Anh nào lại sợ bọn Pháp. - Tôi chỉ muốn cụ hiểu cho rằng, trước khi chúng tôi lên đường, xin cụ hãy nghĩ đến những sự nguy hiểm ghê gớm chắc chắn chúng tôi sẽ gặp phải...mà nếu có sự xích mích giữa cụ và anh George thì...thì...thưa cụ, mong cụ cũng vui lòng bỏ qua cho; được không ạ? Tôi nghĩ rằng, nếu sau này George gặp điều gì không may, chắc cụ chẳng bao giờ tự tha thứ cho mình vì lúc chia tay vẫn còn giận anh ấy. Mặt Dobbin đỏ tía lên; anh ta cảm thấy rõ ràng mình là thằng phản bội, bởi vì nếu không có anh ta chắc hẳn hai cha con nhà này không có chuyện gì phải xích mích với nhau. Tại sao không lùi cuộc hôn nhân của George lại? Việc gì phải hối hả thế. Anh ta cảm thấy George có thể xa cách người yêu của mình mà không đến nỗi chết vì đau khổ. Còn Amelia thì cũng rất có thể hàn gắn được vết thương lòng. Chính vì anh ta nên mới có chuyện cưới xin rồi sinh ra bao nhiêu chuyện rắc rối. Mà bởi đâu? Chỉ tại anh ta yêu cô thiếu nữ quá, không đành lòng nhìn cô ta đau khổ; hoặc có lẽ vì Dobbin không thể chịu nổi tình trạng lửng lơ nó giày vò mình, nên sẵn sàng chấm dứt nó cho xong chuyện...giống như khi có người chết, ta muốn chôn cất cho nhanh chóng, hoặc như ta biết chắc chắn phải xa cách một người thân yêu, thì chỉ khi đã chia tay nhau rồi, tâm trạng mới thư thái được. Ông Osborne dịu dàng nói: - William, ông là người rất tốt; và George không nên chia tay nhau mà vẫn còn xích mích. ông xem đấy, đối với nó, tôi đã làm mọi việc một người cha có thể làm. Tôi chắc rằng tôi đã cho nó nhiều gấp ba lần ông cụ nhà ta cho ông để tiêu. Tôi không khoác lác làm gì đâu. Vì nó, tôi đã vất vả, tôi đã phải phí biết bao tâm lực, tài trí; ông cứ hỏi Chopper, cứ hỏi ngay chính nó thì biết ông cứ hỏi cả khu City ở Luân-đôn này. Thật thế, tôi đã lo cho nó một đám mà bất cứ nhà quý tộc nào trong nước cũng phải thèm muốn…cả đời, tôi chỉ nhờ nó có một việc ấy...thế mà nó không nghe tôi. Vậy thì tôi có lỗi không? Tôi chỉ muốn điều hay cho nó, vì vậy tôi phải chịu vất vả như một tên tù khổ sai từ khi sinh ra nó đến giờ. Không ai có thể bảo tôi ích kỷ được. Cho phép nó trở về, tôi sẵn lòng quên hết và tha thứ. Còn chuyện cưới xin thì thôi, chưa nói đến vội. Nó sẽ làm lành với cô Swartz; và bao giờ nó trở về với cái lon đại tá sẽ lo việc thành hôn cũng không muộn. Nếu chỉ cần có tiền là được làm đại tá thì, lạy Chúa, yên trí lắm. Ông đã khuyên nó biết nghĩ lại, thật may mắn quá. Dobbin, tôi biết lắm, chính nhờ có ông mới được vậy. Lâu nay, ông vẫn giúp nó thoát nhiều rắc rối. Nó cứ trở về, tôi sẽ không nghiêm khắc. Hôm nay, cả hai anh em về khu phố Russell ăn cơm nhé. Vẫn ngôi nhà mọi khi, và vẫn đúng giờ thường lệ. Sẽ có thịt thú rừng, và sẽ không ai căn vặn nó điều gì hết. Thấy ông già ca ngợi và tỏ ý quá tin tưởng mình. Dobbin rất đau lòng. Càng nghe ông già nói, Dobbin càng cảm thấy mình có tội. Anh ta đáp: - Thưa cụ, có lẽ cụ đã hiểu; vâng, chắc chắn như vậy. George là người cao thượng quá, chắc không bao giờ chịu lấy vợ vì tiền. Nếu cụ đe dọa sẽ truất quyền thừa kế vì cưỡng lời cụ, e rằng anh ấy càng thêm gan góc Ông Osborne vẫn khôi hài, nói: - Thế nào? Chết chưa? Cái ông này. Muốn cho nó mỗi năm được hưởng tám nghìn hoặc một vạn đồng, mà ông gọi là dọa nó? Lạy Chúa, nếu cô Swartz ưng lấy tôi thì tôi xin ký ngay cả hai tay. Tôi không khó tính lắm về chuyện nước da sẫm hay nhạt. Ông già nhếch mép một cách tinh quái và cười khà khà. Vị “sứ giả” trịnh trọng đáp: - Thưa cụ, cụ quên mất rằng đại úy Osborne đã có nơi đính ước. Đột nhiên lại nghe nhắc đến chuyện này, ông Osborne vừa ngạc nhiên, vừa tức giận. - Đính ước nào? Ông định nói chuyện quái quỷ gì đấy? Ông không định nói rằng cái thằng con tôi ngu xuẩn đến mức cứ nhất định bám chặt lấy đứa con gái của tên lừa đảo, phá sản kia chứ? Ông có định đến đây cốt cho tôi biết rằng nó nhất định lấy con bé ấy làm vợ không? Lấy nó làm vợ, đẹp đẽ nhỉ! Con trai tôi, kẻ thừa kế của tôi mà lấy con gái một tên ăn mày từ cống rãnh chui lên. Nếu thật thế, thì nó hãy kiếm một cái chổi liệu mà đi quét đường sớm. Tôi nhớ ra rồi, mọi khi con bé vẫn lượn quanh con tôi mà liếc tình. Nhất định cái thằng bố lừa đảo nó xui nó “chài” con tôi đây. Dobbin ngắt lời: dường như anh cảm thấy hài lòng vì chính mình phát cáu: - Thưa cụ, ngày xưa, ông Sedley vẫn chơi thân với cụ. Đã có hồi cụ không gọi ông ấy là đồ lừa đảo, là đồ khốn, mà gọi bằng những danh từ khác đẹp đẽ hơn. Chính vì cụ mà có chuyện đính ước kia, cho nên George không có quyền chơi đùa, muốn lấy muốn bỏ tùy thích... Ông già Osborne quát lên: - Lấy với chả bỏ! Cái thằng con trai thượng lưu nhà tôi cũng nói với tôi y như thế đấy; cái hôm thứ ba cách đây nửa tháng, nó khệnh khạng vác mặt đến dọa dẫm bố đẻ ra nó về những chuyện quận đội nước Anh dự trận. Vậy ra chính ông, ông đại úy, chính ông xui nó nói thế. Xin đa tạ ông, ông đại úy ạ. Thế ra ông muốn dắt bọn ăn mày vào nhà tôi; cảm ơn cái trò vô tích sự của ông lắm lắm, ông đại úy ạ. Lấy con bé ấy... Hi hi? Việc gì tôi phải lấy nó nhỉ? Tôi cam đoan với ông rằng chẳng cần phải cưới xin gì thì con bé ấy vẫn cứ bám lấy nó cho mà xem. Dobbin đứng phắt dậy, giận dữ ra mặt: - Thưa cụ, tôi sẽ không để cho ai nói xấu cô ấy trước mặt tôi, nhất là người nói xấu lại là cụ. - Ông thách thức tôi đấy phải không? Được, để tôi kéo chuông gọi mang hai cây súng lục. Thằng George cử ông đến để chửi bố nó, có phải không? Ông Osborne vừa nói, vừa giơ tay kéo chuông. Dobbin, giọng run run nói: - Cụ Osborne, chính cụ đã sỉ nhục một con người tốt nhất đời này. Cụ nên tránh cho cô ấy điều đó vì cô ấy đã là vợ con trai cụ. Dobbin không nói gì thêm được nữa, bước ra ngoài. Ông Osborne ngồi phịch xuống ghế bành mắt mở trừng trừng nhìn theo. Nghe tiếng chuông, một nhân viên bước vào. Viên đại úy bước ra sân thì ông Chopper, người thư ký riêng, đầu để trần chạy theo. Ông ta túm lấy vạt áo Dobbin, hỏi: - Lạy Chúa tôi, có chuyện gì thế? Cụ chủ tôi đang như điên kia kìa. Ông George đã làm gì vậy? - Ông ấy cưới cô Sedley đã năm hôm nay rồi. Chính tôi đi phù rể, ông Chopper ạ; và ông nên ủng hộ người bạn của ông ta. Viên thư ký già lắc đầu: - Đại úy ơi, nếu quả thế thì thật là một tin buồn. Cụ chủ không bao giờ tha thứ cho ông ấy đâu. Dobbin yêu cầu ông Chopper thấy tình hình thế nào thì báo cho mình biết tại khách sạn, nơi anh ta vẫn trọ, đoạn buồn bã đi về hướng Tây, hết sức hoang mang về chuyện đã qua, cũng không biết rồi câu chuyện sẽ xoay ra sao. Tối hôm ấy khi cả gia đình ông Osborne ở khu phố Russell họp mặt lúc dùng bữa tối, mọi người thấy ông già vẫn ngồi chỗ cũ, nhưng sắc mặt có vẻ rầu rĩ; như mọi khi, thấy ông ta không vui mọi người cũng im lặng không dám nói năng gì. Hai cô con gái và Bullock cùng ngồi ăn yên trí rằng ông Osborne đã biết tin ấy rồi. Trước đôi mắt âu sầu của bố vợ, Bullock cũng thấy bối rối và cũng ngồi yên lặng; nhưng hôm ấy anh ta tỏ vẻ đặc biệt săn sóc đến cô Maria ngồi bên cạnh và cô chị ngồi mé đầu bàn chủ tọa bữa ăn. Bà Wirt thì ngồi trơ trọi một mình. Giữa bà và cô Jane có một chỗ để trống; những khi về nhà ăn cơm, George vẫn ngồi chỗ ấy. Mong con trai sẽ trở về, ông Osborne vẫn ra lệnh dọn phần ăn của anh ta. Suốt bữa ăn, không có chuyện gì xảy ra, chỉ có tiếng Frederick thủ thỉ tâm tình với người yêu, và tiếng bát đĩa chạm vào nhau kêu lanh canh. Bọn gia nhân rón rén ra vào để hầu ăn. Vẻ mặt bọn họ trông còn rầu rĩ hơn cả những người đi đưa đám ma. Ông Osborne lầm lỳ không nói không rằng, ngồi cắt khoanh thịt nai định dành riêng để mời Dobbin đến ăn tối. Nhưng hầu như ông ta cũng không đụng đến phần ăn của mình mặc dầu ông uống rất nhiều rượu; bác quản lý rất chăm chú rót thêm rượu vào cốc của chủ. Cuối cùng đúng lúc bữa ăn chấm dứt, ông Osborne đưa mắt nhìn khắp mọi người, rồi dừng lại trên chiếc đĩa của George. ông giơ tay trái chỉ vào chiếc đĩa. Hai cô con gái nhìn bố, không hiểu, hoặc đúng hơn, sợ không dám hiểu; bọn gia nhân cũng không biết chủ muốn gì. Sau cùng, ông thề độc một câu, đứng dậy nói: - Cất cái đĩa này đi. Đoạn ông đẩy chiếc ghế của mình ra đằng sau, bước về buồng riêng. Mé sau phòng ăn của ông Osborne là một gian buồng thường vẫn được mệnh danh là phòng làm việc. Phòng này dành riêng cho ông chủ gia đình. Sáng chủ nhật nào không muốn đi nhà thờ, ông Osborne thường vào ngồi một mình trong phòng này và, ngồi thoải mái trong tấm ghế bành bọc da đỏ, ông đọc báo. Trong phòng, kê hai cái tủ sách lồng kính, chứa toàn tác phẩm cổ điển đóng cẩn thận, gáy mạ vàng. Có những quyển “Niên giám”, những tập”Tuần báo của người thượng lưu”, những tập “Thuyết giáo” của Blairs, và những tác phẩm của Hume and Smollett. Suốt từ ngày mồng một đầu năm cho tới ngày 31 tháng chạp ông không hề lấy sách ra xem bao giờ, cũng không một ai trong nhà dám táo gan mó đến; thỉnh thoảng, những buổi tối chủ nhật không có khách đến chơi, ông Osborne mới lôi tập kinh thánh và cuốn kinh cầu nguyện nằm trong góc tủ cạnh cuốn “Danh bạ quý tộc” ra; ông rung chuông tập hợp tất cả mọi người trong phòng ăn và cất cái giọng oang oang the thé đọc một cách long trọng. Từ trẻ con đến bọn đầy tớ trong nhà, không ai bước vào trong căn phòng này mà không thấy sờ sợ. Chính tại đây ông Osborne vẫn ngồi kiểm tra sổ sách chi tiêu trong nhà, và soát lại cuốn sổ rượu của bác quản lý. Cửa sổ căn phòng này trông ra một cái sân rải đá sỏi và phía ngoài nối vào phòng. Thường ngày, khi nghe thấy ông chủ đứng trong cửa sổ la hét, chửi rủa, là anh xà ích vội tòi ngay từ trong căn lều của mình ra để nghe lệnh. Mỗi năm bốn lần bà Wirt được bước vào căn phòng này để lĩnh tiền công, cũng như hai cô con gái được vào để nhận tiền bố cho tiêu vặt từng quí. Hồi George còn bé nhiều lần đã bị án đòn trong căn phòng này; trong khi ấy, bà mẹ nem nép ngồi ở cầu thang, hồi hộp đếm từng ngọn roi một. Bị trừng phạt như vậy, mà ít khi thẳng bé kêu lấy một tiếng. Bà mẹ đau thương lại giấu giếm vuốt ve hôn hít con trai, và cho tiền để an ủi thằng bé. Mé trên lò sưởi, có treo một bức tranh gia đình; sau khi bà Osborne chết, người ta tháo nó ngoài phòng khách đem treo vào đây. Tranh vẽ George cưỡi một con ngựa non, người chị lớn bế cậu ta lên ngang bó hoa trang trí, cô em út nắm tay mẹ. Cả bốn mẹ con má hồng hồng, môi tô son đỏ thắm, nhìn nhau mà mỉm cười, đúng kiểu cổ truyền của những bức tranh gia đình. Bây giờ, bà mẹ nằm lâu dưới mộ đã bị quên rồi... hai cô con gái và cậu con trai còn bận biết bao nhiêu chuyện riêng và tuy họ vẫn sống chung dưới một mái nhà, nhưng thật ra đã hết sức xa lạ đối với nhau. Vài chục năm nữa, khi những người trong tranh đã có tuổi, bức tranh sẽ trở thành mỉa mai làm sao! Những trò hề tình cảm kia, những nụ cười dối trá và những dáng điệu giả dối, tự mãn kia, không biết còn để lại gì nữa không? Trong phòng ăn, nơi trước kia treo bức tranh gia đình này bây giờ treo bức chân dung toàn thân của George tay cầm một bình mực lớn bằng bạc, ngồi trong ghế bành. Thấy ông Osborne lui vào trong gian phòng riêng, mọi người nhẹ cả mình. Lúc bọn gia nhân đã lùi ra cả, họ mới xì xào bàn tán sôi nổi với nhau, đoạn mọi người rón rén lên gác; Bullock khe khẽ nhấc đôi giầy cứ kêu cót két lên để theo tiễn. Anh ta không còn bụng dạ nào ngồi lại uống rượu vang một mình, vì cảm thấy mình kề sát ông già ghê gớm đang ở trong phòng làm việc bên cạnh. Mãi đến ít nhất là một tiếng đồng hồ sau khi trời đổ tối, bác quản lý tuy không được lệnh gọi nhưng cũng bạo gan gõ cửa phòng để mang nến và nước trà vào. Ông chủ gia đình ngồi trong ghế bành, vờ như đang đọc báo khi người đầy tớ đặt cây nến và khay nước trà lên mặt bàn bên cạnh rồi bước ra, ông Osborne bèn đứng dậy khóa cửa lại. Lần này thì không còn nghi ngờ gì nữa; mọi người trong nhà đều biết chắc chắn một việc ghê gớm lắm sắp xảy ra cho cậu George. Chiếc bàn giấy lớn bằng gỗ đào-hoa-tâm của ông Osborne có một cái ngăn kéo dành riêng để đựng giấy má của con trai. Mọi thứ giấy tờ liên quan đến George từ bé tới lớn đều để cả trong đó: Đây là những sách phần thưởng George, những sách tập vẽ còn ghi lại nét vẽ của George, và của ông giáo; đây là những lá thư khi mới biết viết, chữ to tướng, nét nguệch ngoạc, George viết hỏi thăm bố mẹ và xin bánh. Trong thư nhắc luôn đến tên cha đỡ đầu là ông Sedley. Đọc qua mấy trang thư bắt gặp cái tên ấy, ông Osborne mấp máy đôi môi nhợt nhạt thất ra mấy tiếng chửi rủa; sự ngán ngẩm và nỗi căm giận khủng khiếp vò xé lòng ông. Những lá thư ấy đều được xếp gọn; dán giấy nhãn bên ngoài và buộc bằng dây vải đỏ. Có tập ngoài thấy ghi “Thư của George, xin 5 si-linh, ngày 23 tháng tư, 18... trả lời ngày 25 tháng tư. Trên một tập khác George xin một con ngựa non, 13 tháng mười”... Lại trên một tập khác, thấy viết “Biên lai của thày giáo Swishtail” “Biên lai đã thanh toán, trả tiền thợ may cho George...lấy vào tiền của tôi, tháng sáu v.v...Rồi đến những lá thư con trai ông gửi từ Tây Ấn về, những lá thư của luật sư riêng, những tờ báo có đăng tin con ông được bổ nhiệm; lại có cả một cái roi ông vẫn dùng để đánh đòn khi George còn bé và một tấm huy hiệu hộp, trong có một nắm tóc của con trai, đựng trong một phong bì bằng giấy; hồi còn sống, vợ ông vẫn đeo tấm huy hiệu này. Ông bố đau khổ ngồi hàng giờ, mân mê hết thứ nọ đến thứ kia, hồi tưởng lại những kỷ niệm đã qua. Những tập giấy này gói ghém bao nhiêu niềm kiêu hãnh, bao nhiêu nguyện vọng công bằng ấp ủ thiết tha. Xưa kia, ông đã từng hãnh diện vì con trai bao nhiêu! Hắn là, một đứa bé kháu khỉnh chưa từng thấy. Ai cũng bảo trông nó như con nhà quý phái. Một lần, có một bà quận chúa gặp nó ở Kew Gardens đã phải chú ý đến nó; bà ta ôm lấy nó mà hôn và hỏi tên là gì. Có nhà tư sản nào ở Luân-đôn này đẻ được đứa con như vậy? Đã có con trai một ông hoàng nào được chăm sóc hơn nó chưa? Bất cứ thứ gì có tiền mua được, là con trai ông phải có. Những ngày đi dự lễ phát phần thưởng, nó thường mặc áo mới, đi xe bốn ngựa đến trường, và tung hàng vốc tiền xu mới cho các bạn học. Có lần ông cũng đi với George tới chỗ trung đoàn của anh ta trú quân trước khi sang Canada, ông đã thết các sĩ quan một bữa tiệc sang trọng, có thể mời quận công York tới dự được. Có bao giờ ông từ chối không thanh toán một món nợ nào của George đâu? Đây, những văn tự nợ ấy còn đây ông đã thanh toán không một lời căn vặn. Khối vị tướng lĩnh trong quân đội không có được con ngựa của nó mà cưỡi. Lúc ông nghĩ đến George, ông lại thấy hình ảnh con trai hiện lên trước mắt trong nhiều trường hợp... này đây là sau bữa ăn, anh ta trông đường bệ như một ông hoàng bước vào phòng ngồi uống rượu cạnh cha ở đầu bàn... này đây, là ở Brighton, con trai ông cưỡi ngựa vượt qua hàng rào không kém bất cứ một tay săn thiện nghệ nào... và đây, con trai ông được giới thiệu tiếp kiến vị Hoàng tử nhiếp chính trong buổi chiêu đãi; cả hoàng cung đố kiếm đâu ra được một người trai trẻ lịch sự bằng. Bây giờ đâu hết cả rồi? Cưới con gái một người phá sản làm vợ và từ bỏ nhiệm vụ, từ bỏ tất cả tương lai sự nghiệp? Thật là nhục nhã! Thật là tuyệt vọng! Đau đớn bao nhiêu cho tâm hồn trìu mến đầy những cao vọng của người cha già nua này. Ông Osborne ngồi trầm ngâm suy nghĩ trên những xếp giấy má đó; ông lần giở từng tờ với vẻ mặt cay đắng, sầu khổ, tuyệt vọng, của những kẻ cùng quẫn khi hồi tưởng lại những ngày hạnh phúc đã qua. Đoạn ông rút tất cả giấy má trong ngăn kéo rũ bỏ vào trong một cái hộp khóa lại, chằng dây và gắn xi cẩn thận. Sau đó, ông mở tủ sách, lấy tập kinh thánh đồ sộ bìa đỏ mà ta đã nói tới... quyển sách trông thật trang trọng nét vàng mạ óng ánh, ít khi được nhìn đến. Trên trang đầu, có một bức tranh đầu sách vẽ cảnh Abraham đang hiến tế Isaac. Theo lệ thường, ông Osborne vẫn ghi lên trang đệm của cuốn sách bằng những chữ to, viết nắn nót như chữ một viên thư ký, ngày ông cưới vợ, ngày vợ ông chết, ngày sinh và tên của các con ông. Đầu tiên là Jane, rồi đến George Sedley Osborne rồi Maria Frances, có kèm theo ngày làm lễ rửa tội cho mỗi đứa trẻ. Ông lấy bút cẩn thận xóa tên George trên trang giấy. Chờ cho mực khô hẳn, ông mới đặt quyển sách vào chỗ cũ. Đoạn, ông rút một chiếc ngăn kéo khác đựng những giấy tờ riêng của mình, lấy ra một tài liệu, đọc lại một lượt, rồi vò nhầu châm vào ngọn nến đốt; ông nhìn cho tờ giấy cháy hết hẳn trong lò sưởi mới thôi. Đó là tờ di chúc ông đã thảo sẵn. Đốt xong tờ di chúc, ông ngồi vào bàn viết một lá thư, rung chuông gọi người hầu, và ra lệnh sớm hôm sau mang gửi. Lúc đó trời vừa sáng, ông mới lên giường nằm. Cùng với ánh nắng mặt trời, cả nhà đã dậy; chim chóc ríu rít ca hát giữa những vòm lá tươi xanh quanh khu quảng trường Russell. William Dobbin rất muốn lấy lòng mọi người trong gia đình Osborne và cả những người có quan hệ với nhà này vì anh ta thấy rằng, trong cơn hoạn nạn, George càng có thêm nhiều bạn càng tốt. Vốn hiểu rất rõ rằng rượu ngon ảnh hưởng lớn đến tâm hồn người ta như thế nào nên lúc quay về quán trọ, Dobbin lập tức viết ngay một lá thư lời lẽ rất lịch thiệp, mời Thomas Chopper tôn ông ngày hôm sau quá bộ đến tiệm Slaughters dùng bữa tối với mình. ông Chopper nhận được thư trước khi rời khu City ra về; lập tức viết thư trả lời: “Ông Chopper vô cùng hân hạnh và lấy làm vinh dự được hầu tiếp đại úy Dobbin”. Tối hôm ấy trở về nhà ở Somers’ Town, ông đem ngay chuyện mình được mời ăn và tóm tắt nội dung bức thư trả lời ra khoe với vợ và mấy cô con gái; cả gia đình ngồi uống trà cứ sôi nổi bàn tán mãi về những quân nhân và những người tại West End. Lúc các con gái đã đi ngủ cả, hai vợ chồng ông Chopper mới bàn tán với nhau về những chuyện kỳ lạ xảy ra trong gia đình cụ chủ. Chưa bao giờ người thư ký này thấy chủ mình xúc động mạnh đến như thế. Lúc đại úy Dobbin đã ra về, ông ta đi vào gặp ông Osborne thấy ông già tím mặt lại như đang cơn giận dữ ghê gớm; ông ta yên trí rằng giữa viên đại úy trẻ tuổi và ông Osborne đã xảy ra cuộc cãi lộn gì gay go lắm. Ông Chopper được lệnh lập một bản thống kê tất cả những món tiền đã giao cho đại úy Osborne trong khoảng ba năm vừa qua. “Cậu ấy tiêu tiền cũng đã khiếp”, người thư ký nói một mình như vậy, và lại càng thêm kính phục cả hai bố con ông chủ mình hơn vì họ coi tiền như rác. Hình như họ xích mích với nhau vì chuyện cô Sedley thì phải. Bà Chopper ngỏ ý rất thương cô thiếu nữ là mất đứt một ông chồng bảnh trai. Riêng ông Chopper thì không lấy gì làm thông cảm lắm với con gái một nhà kinh doanh kém may mắn đã không trả nổi một phần nhỏ số nợ của mình. Ông vẫn kính trọng gia đình ông Osborne hơn bất cứ gia đình nào khác tại khu City ở Luân-đôn: ông hy vọng và ước ao rằng đại úy George sẽ lấy con gái một nhà quý tộc. Đêm hôm ấy, người thư ký ngủ một giấc ngon lành hơn ông chủ. Sớm hôm sau, ông Chopper ăn sáng rất ngon miệng, mặc dầu suốt đời ông chỉ có đường đen để pha rượu; đoạn ông hôn các con, và mặc bộ áo chiều chủ nhật đẹp nhất của mình với chiếc sơ-mi có cổ hoa để đi làm; ông lại hứa với bà vợ đang trầm trồ ngắm chồng rằng tối nay sẽ không uống quá nhiều rượu “poóc-tô” của đại úy Dobbin mời. Đúng giờ như thường lệ, ông Osborne đến khu City; bọn nhân viên vì nhiều lý do vẫn có thói quen để ý dò xét nét mặt ông, thấy hôm ấy ông ta có vẻ bơ phờ nhợt nhạt. Đến giữa trưa, ông Higgs (tại văn phòng lục sự Higgs và Blatherwick, ở Bedford Row) được mời đến gặp. Ông này được đưa vào phòng riêng của ông Osborne: hai người đóng kín cửa ở trong ấy đến hơn một tiếng đồng hồ. Khoảng một giờ trưa, ông Chopper nhận được thư của đại úy Dobbin do một người hầu mang lại, có kèm theo một lá thư gửi cho Osborne; viên thư ký vội đem vào cho chủ. Một lúc sau ông Chopper và ông Birch, một người thư ký khác, được chủ gọi vào yêu cầu làm nhân chứng. Ông Osborne nói. “Tôi vừa làm lại một tờ di chúc khác”. Mấy người nhân viên ghi tên mình vào, không ai nói gì thêm. Lúc ông Higgs bước ra phòng ngoài, mặt ông ta có vẻ đặc biệt đăm chiêu, trịnh trọng; ông ta nhìn thẳng vào mặt ông Chopper, nhưng không giải thích tý gì. Suốt ngày hôm đó, ai ai cũng thấy ông Osborne có vẻ đặc biệt bình thản và dịu dàng; những người thấy điệu bộ ông rầu rĩ cứ lo lắng mãi bây giờ rất ngạc nhiên. Hôm ấy, ông không gọi ai bằng tên tục, cũng không thề độc câu nào. Ông nghỉ sớm và trước khi ra về, lại gọi viên thư ký chính đến một lần nữa để dặn dò mọi công việc. Sau đó, ông có vẻ ngần ngại một lúc, rồi mới hỏi ông Chopper có biết đại úy Dobbin còn ở trong thành phố hay không. Ông Chopper đáp rằng chắc vẫn còn. Thực ra, cả hai cùng biết rõ điều đó. Ông Osborne lấy một phong thư ngoài bì đề gửi cho Dobbin và bảo người nhân viên của mình trao ngay tận tay viên đại úy. Đoạn ông cầm lấy mũ, trong cái nhìn có một vẻ gì rất kỳ lạ nói. - Ông Chopper, bây giờ thì tôi có thể yên tâm được rồi. Đúng lúc ấy, đồng hồ điểm hai giờ, Frederick Bullock đến đón bố vợ, rồi cả hai cùng đi. * Viên đại tá chỉ huy trung đoàn thứ..., trong đó có đại đội của Dobbin và Osborne, là một quân nhân đã già; hồi mới nhập ngũ, ông ta đã từng chiến đấu dưới quyền chỉ huy của tướng Wolfe ở Quebec. Đã lâu lắm rồi, vì già yếu quá nên ông ta không chỉ huy được nữa. Tuy vậy, ông ta vẫn quan tâm đến trung đoàn mà về danh nghĩa ông vẫn là người chỉ huy. Một vài sĩ quan trẻ tuổi vẫn được ông ta mời cùng ăn một bàn, điều này bây giờ rất hiếm trong giới sĩ quan cao cấp; Dobbin được người quân nhân già ấy đặc biệt yêu mến hơn cả. Dobbin rất thích những tác phẩm văn học nói về chiến tranh, anh ta có thể kể chuyện về Frederick đại đế và về Hoàng hậu cùng những cuộc chinh chiến dưới triều nhà vua này, rành mạch không kém chính viên đại tá mấy tý. Ông già này rất thờ ơ đối với những cuộc chiến thắng hiện tại, chỉ để hết tâm hồn thán phục những nhà chiến thuật năm mươi năm về trước. Đúng hôm ông Osborne chữa lại tờ di chúc, và ông Chopper bận tấm áo đẹp nhất của mình, thì viên sĩ quan này gửi giấy mời Dobbin đến dùng cơm. Ông báo cho người sĩ quan trẻ tuổi con cưng của mình trước hai ngày về việc xuất quân sang Bỉ mà mọi người đang nóng ruột chờ đợi. Mệnh lệnh chuẩn bị sẽ trao cho đội Ngự lâm quân khoảng một hai ngày sau. Hiện giờ, mọi đồ quân trang quân dụng đã đầy đủ, trung đoàn sẽ xuất phát trong tuần lễ này. Trong thời gian trú quân ở Chatham trung đoàn đã mộ thêm được một số tân binh. Viên võ quan già hy vọng rằng những binh sĩ trong trung đoàn đã giúp ông ta đánh bại Montcalm ở Canada, và đuổi bộ đội của ông Washington chạy dài ở Long Island, sẽ giữ vững được truyền thống chiến đấu anh dũng trên chiến trường Bỉ. Ông ta đưa bàn tay nhợt nhạt run rẩy nhúm ra một ít bột thuốc lá để hít, rồi chỉ vào tấm áo ngủ của mình, chỗ trái tim của ông vẫn còn đang yếu ớt đập, nói: - Anh bạn ạ, bây giờ thì, nếu anh có cái “chuyện ấy”(),nếu anh cần an ủi cô Philis nào, có cần từ biệt ông cụ, bà cụ hoặc lập di chúc để lại thì tôi khuyên anh không nên chậm trễ. Đồng thời ông giơ một ngón tay cho người bạn trẻ tuổi bắt và gật gật cái đầu có mái tóc rắc phấn, để thõng xuống sau gáy như cái đuôi. Dobbin ra về rồi, ông ngồi vào bàn viết một “bức tình thư” (ông già này đặc biệt tự đắc về trình độ tiếng Pháp của mình) gửi cho cô Amenaide ở rạp hát của Hoàng gia. Những tin tức ấy làm cho Dobbin trở thành đăm chiêu suy nghĩ; anh ta nhớ đến các bạn ở Brighton; anh ta cũng tự thấy ngượng với mình vì vẫn cứ nghĩ đến Amelia trước nhất (trước tất cả mọi sự, trước cả ông bố, bà mẹ, các cô em, và nhiệm vụ của mình... nhiều khi cả lúc mới thức dậy, hoặc lúc đi ngủ, và cứ suốt ngày như vậy); Dobbin trở về nhà trọ, gửi cho ông Osborne một lá thư vắn tắt báo tin mới nhận được, và tỏ ý hy vọng rằng hay tin ấy hai cha con George sẽ trở lại hòa thuận với nhau. Người mang lá thư này vẫn là người bữa trước đã đưa giấy mời ông Chopper. Được tin, người thư ký này rất lo lắng; thư đề gửi cho ông ta; vừa bóc thư, ông này vừa lo bữa tiệc đang hy vọng phải hoãn lại. Đến lúc thấy nội dung lá thư chỉ nhắc lại lời mời, ông mới yên tâm (đại úy Dobbin viết “Tôi sẽ chờ ông vào hồi năm giờ rưỡi”). Chopper rất săn sóc đến công việc của gia đình ông chủ, nhưng được mời thế này thì còn muốn gì hơn?(),một bữa đại tiệc đối với ông vẫn quan trọng hơn công việc của bất cứ một ai trên thế gian này. Lẽ dĩ nhiên là gặp bất cứ viên sĩ quan nào trong trung đoàn, Dobbin cũng kháo ngay cái tin vừa được viên đại tá cho biết. Anh ta nói cả cho viên sĩ quan cầm cờ Stubble gặp tại nhà viên luật sư của mình được biết; anh chàng này có cái khí thế hăng hái của con nhà võ, vội tìm đến cửa hiệu bán đồ quân trang sắm ngay một cây kiếm mới. Anh chàng trai trẻ, tuy mới mười bảy tuổi đầu, cao khoảng sáu mươi lăm inch, tạng người vốn lẻo khoẻo lại sớm bị rượu chè làm cho thêm ốm yếu, nhưng có tinh thần dũng cảm không khác gì sư tử. Anh ta nhấc nhấc cây kiếm uốn cong, rồi múa tít y như đang tung hoành giữa đám quân Pháp, vừa giậm chân huỳnh huỵch xuống đất, vừa hét: “Ha! Ha!”;Anh ta đâm hai, ba nhát kiếm vào Dobbin; viên đại úy vừa cười vừa lấy cây gậy trúc gạt đỡ. Có lẽ vì vóc người khẳng khiu gày gò, nên Stubble được xung vào đội khinh binh bảo vệ. Trái lại viên sĩ quan cầm cờ Spooney, vóc người rất cao lớn; anh ta thuộc đại đội khinh binh của đại úy Dobbin. Anh ta đang đội thử chiếc mũ da gấu, khiến cho bộ mặt như già thêm mấy tuổi nom đến dữ tợn. Đoạn, cả hai người đến quán rượu Slaughters gọi dọn một bữa rượu tươm tất, rồi ngồi viết thư; đầy thương yêu, nhưng mà chữ nghĩa viết đầy những lỗi chính tả. Chao ôi, hồi ấy khắp nước Anh có biết bao trái tim hồi hộp đập, biết bao bà mẹ vừa khóc sướt mướt vừa cầu kinh trong các gia đình. Stubble đang ngồi viết thư ở một cái bàn uống cà-phê trong quán rượu của lão Slaughters, nước mắt chảy ròng ròng, nhỏ lã chã xuống giấy (cu cậu đang nhớ đến mẹ, mà rất có thể không bao giờ còn gặp lại được nữa). Dobbin cũng sắp sửa viết một lá thư gửi George Osborne; thấy vậy, anh ta lặng yên suy nghĩ, rồi cất giấy bút đi. Anh ta tự nhủ: “ Viết làm gì? Hãy để cho họ được hưởng thêm một đêm hạnh phúc nữa. Sáng sớm mai, mình về thăm nhà sớm, rồi sẽ đi Brighton”. Dobbin đứng dậy đặt bàn tay to lớn của mình lên vai Stubble mà bảo rằng nếu hắn chịu từ bỏ tính rượu chè be bét thì sẽ trở thành một quân nhân rất tốt, cũng như xưa nay hắn vẫn là một người bạn trung thực, tốt bụng. Nghe nói, mắt Stubble sáng ngời lên vì Dobbin vẫn được cả trung đoàn khen là người sĩ quan giỏi nhất và sáng suốt nhất. Stubble vừa chùi mắt, vừa nói: - Cảm ơn anh, anh Dobbin ạ. Tôi vừa viết cho mẹ tôi rằng tôi sẽ là một quân nhân xứng đáng. Anh ơi, mẹ tôi quý tôi quá cơ. Rồi anh ta lại khóc sướt mướt, và tôi cũng không dám chắc là viên đại úy dễ xúc động kia có rơm rớm nước mắt hay không. Cả hai viên sĩ quan cầm cờ, viên đại úy và ông Chopper cùng ngồi ăn trong một căn phòng. Ông Chopper trao cho Dobbin một lá thư của chủ; trong thư ông Osborne viết mấy lời vắn tắt cảm ơn Dobbin và nhờ trao cho đại úy George Osborne lá thư gửi kèm theo. ông Chopper nói cũng không được biết gì hơn. Ông tả lại dáng điệu của ông Osborne, và kể lại cuộc hội ý giữa mình và chủ hôm trước; lại tỏ ý rất lấy làm lạ tại sao ông chủ của mình không thề độc với ai, và - đặc biệt lúc mọi người đã uống rượu vang - ông Chopper còn ngỏ nhiều ý kiến phỏng đoán về nguyên nhân gây ra thái độ của chủ; nhưng cứ uống thêm một cốc, thì ý kiến của ông ta lại mơ hồ thêm một tý, và cuối cùng thì không ai hiểu ông ta định nói gì nữa. Mãi đến một giờ khuya, viên đại úy mới gọi một chiếc xe ngựa dong đưa ông ta về. Ông Chopper say mềm, vừa nấc lên vừa thề rằng suốt đời sẽ là bạn của viên đại úy. Khi đại úy Dobbin từ biệt cô Osborne, như ta đã biết, anh ta ngỏ ý xin phép sẽ được gặp lại cô này một lần nữa. Hôm sau, cô thiếu nữ chưa chồng cứ ngóng ngóng chờ anh chàng suốt ngày. Ví thử Dobbin trở lại và nếu anh chàng hỏi cô cái câu hỏi mà cô đã sửa soạn để trả lời, thì có lẽ cô đã tuyên bố ủng hộ cậu em trai, và rất có thể sự xích mích giữa George và ông bố đang sung tiết đã được giải quyết ổn thỏa. Nhưng mặc dù cô ngồi nhà chờ đợi mà viên đại úy vẫn biệt tăm. Anh ta còn bận giải quyết những công việc riêng, còn bận về thăm và an ủi cha mẹ; rồi mới một giờ sáng, anh ta đã leo lên chiếc xe ngựa “Tia chớp” để đi Brighton thăm các bạn. Ngày hôm ấy, cô Osborne nghe thấy ông bố ra lệnh cấm gia nhân không cho cái thằng khốn nạn đa sự Dobbin còn được bước chân vào nhà; thế là tia hy vọng cuối cùng cô gái còn ủ ấp trong lòng cũng tắt ngấm nốt. Anh chàng Frederick Bullock lại đến chơi, cứ quấn quít lấy cô Maria, và tỏ ra đặc biệt săn sóc ông già đang suy sụp tinh thần. Mặc dầu ông lão nói rằng lòng đã thanh thản, nhưng rõ ràng những biện pháp ông dùng để trấn tĩnh vẫn tỏ ra chưa có tác dụng rõ rệt, và những chuyện xảy ra hai ngày vừa qua rõ ràng đã vò xé tâm hồn ông.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]