BÀ CRAWLEY DƯỠNG BỆNH Chúng ta đã biết bà Firkin, người hầu phòng của bà Crawley sẵn sàng báo tin tức về bất cứ chuyện gì đáng chú ý xảy ra trong gia đình này cho bà Bute ở Nhà thờ. Chúng ta lại cũng đã thấy bà này tỏ ý vì nể như thế nào đối với người gia nhân của bà Crawley, đồng thời cũng tự coi là một người bạn thân của bà Briggs, người bạn của bà chủ nhà. Tấm tình bạn ấy, bà đã mua bằng hàng nghìn cử chỉ săn sóc, hàng nghìn lời hứa hẹn, không tốn kém gì đối với bà, nhưng người nghe thì hởi lòng hởi dạ. Các bà nội trợ dè xẻn cần hiểu rằng những lời tuyên bố không mất tiền mua mà có giá trị lắm; nó giúp cho những món ăn tầm thường nhất trong cuộc đời thêm hương vị. Anh chàng ngu xuẩn nào dám nói bậy rằng “Miệng lưỡi giảo hoạt không thay được cơm gạo”(). Nửa phần cuộc đời, người ta vẫn ăn ngon cơm với thứ nước chấm ấy đấy. Alexis Soyer con người bất tử () xưa kia chỉ cần một trinh cũng nấu được món xúp ngon hơn một anh đầu bếp tầm thường tốn kém hàng đồng để mua rau với thịt; cũng như một nghệ sĩ có tài chỉ cần mấy câu đưa đẩy lấy lòng còn có tác dụng hơn hàng nắm tiền trong tay một anh ngốc nghếch. Những đồng tiền đối với vài người thì sinh đầy vì không tiêu hóa được, trong khi đó một số lớn kẻ khác lại ưa ngốn những lời lẽ đẹp đẽ bóng bẩy không bao giờ chán. Bà Bute nói đi nói lại mãi với bà Briggs và bà Firkin rằng bà quý họ lắm, rằng nếu được giàu có như bà Crawley thì bà chẳng tiếc gì hai người bạn tận tâm; hai người đàn bà lấy làm gắn bó với bà quá, tỏ vẻ biết ơn, và thân mật với bà y như đã được bà Bute ban cho bao nhiêu ân huệ. Trái lại, Rawdon Crawley đúng là một anh lính ngự lâm thô lỗ cục mịch, chẳng hề thèm chú ý đến việc lấy lòng hai người hầu cận của bà cô. Anh ta cứ đường hoàng tỏ thái độ khinh bỉ cả hai ra mặt; có lần anh ta bắt bà Firkin tháo ủng cho mình... trời đang mưa to, anh ta sai bà này đi làm những việc bẩn thỉu, rồi ném cho bà một đồng ghi-nê, coi bà ta như cái ống để tiền không bằng. Thấy bà cô hay đem bà Briggs ra làm trò cười, anh ta cũng bắt chước chế giễu bà ta tàn nhẫn, mất mày mất mặt. Trong khi ấy bà Bute gặp việc gì khó khăn cũng hỏi bà Briggs cách giải quyết, kể cả những việc đòi hỏi đến khiếu thẩm mỹ, lại ca tụng cả tài làm thơ của bà này, hết sức săn đón, lễ độ, tỏ ra rất quý bà. Mỗi khi biếu bà Firkin một tặng vật đáng vài xu, bà lại biết kèm theo vô số lời chúc tụng, khiến cho đối với bà Firkin những đồng xu ấy biến thành những đồng vàng; đồng thời, người hầu phòng này cũng đã sẵn sàng chờ đợi trước những ân huệ lớn lao hơn nhiều mình sẽ được hưởng, khi bà Bute nắm trong tay cơ nghiệp của bà Crawley. Đối với những người mới bước vào đời, tôi khuyên nên bắt chước thái độ khác nhau của cả hai người nói trên. Hãy nên tận dụng tất cả thiên hạ; đừng có làm ra vẻ khó chịu, hãy cứ nịnh nọt người khác ngay trước mặt họ, hoặc sau lưng họ nếu bạn thấy lời nói của bạn có hy vọng bay đến tai họ. Hãy làm như Collingwood xưa kia, thấy bất cứ chỗ đất bỏ hoang nào trong nước là rút trong túi ra một hạt dẻ rừng trồng ngay. Trong đời, bạn cũng phải biết “cấy” những lời tán tụng của mình như vậy mới được. Một hạt dẻ rừng không đáng bao lăm nhưng một ngày kia rất có thể nó trở thành một cây đại thụ đấy. Nói tóm lại, trong lúc Rawdon Crawley còn vận tấy, anh ta chỉ được thiên hạ miễn cưỡng nghe mình, cho nên khi anh ta mất chỗ dựa, không ai buồn thương xót giúp đỡ anh ta nữa. Và khi bà Bute nắm quyền lãnh đạo trong nhà bà Crawley, thì toàn bộ gia nhân lấy làm sung sướng được có một viên chỉ huy như bà; nghe bà hứa hẹn, nói ngon nói ngọt, ai cũng hy vọng rồi tha hồ mà phát tài. Bà Bute Crawley không bao giờ tự cho phép được tin rằng kẻ thù của mình đã chịu bó tay ngay sau lần thất bại đầu tiên mà không chịu phản công chiếm lại vị trí đã mất. Bà lại biết Rebecca là người thông minh, mưu mẹo, không đời nào chịu ép một bề mà không giẫy giụa. Bà cảm thấy mình phải chuẩn bị sẵn sàng tác chiến, phải luôn luôn đề phòng kẻ địch tấn công, gài mìn hoặc đánh úp bất ngờ. Trước hết, tuy bà làm chủ thành phố thật, nhưng phải xem nhân dân trong đó có thực sự trung thành với bà không đã? Bản thân bà Crawley có chịu kiên trì không. Hay là trong thâm tâm bà này vẫn còn muốn thỏa hiệp với kẻ thù đã thất trận? Xưa nay, bà lão vẫn quý Rawdon và Rebecca. Bà Buten Crawley cũng thấy rõ, không thể chối cãi được, rằng trong phe của bà không có đủ tài làm là cho bà Crawley được vui lòng như Rebecca. Bà vợ viên tu sĩ đành lý thú nhận rằng so với Rebecca, giọng hát của hai cô con gái bà là không nghe được. Mỗi khi Martha và Louisa song ca với nhau, lẽ thường thường bà Crawley phải đi ngủ. Bà này cũng chán ngấy Jim với cái điệu bộ cứng nhắc của một anh sinh viên đại học, cùng những câu chuyện chó chuyện ngựa của ông Bute. Bà Bute nghĩ thầm: “Nếu ta mời bà ấy đến chơi nhà thờ, có lẽ bà ấy đến nổi đóa lên với tất cả rồi trốn mất, chắc chắn vậy, và rất có thể lại rơi vào trong móng vuốt của thằng Rawdon ghê gớm kia, làm mồi ngon cho cái con Sharp rắn độc ấy mất. Song, hãy cứ biết rõ ràng là bây giờ, bà ấy đang ốm nặng chưa thể đi đâu được ít nhất là hàng tháng nữa; trong thời gian này, ta phải tìm kế hoạch che chở cho bà ấy khỏi bị hai vợ chồng tên lưu manh tấn công mới được. Trong nhũng ngày bà Crawley mạnh khỏe nhất, hễ ai hơi nói rằng bà có vẻ mệt, lập tức bà run rẩy cho đi mời thầy thuốc riêng ngay. Có thể nói rằng, sau biến cố đột ngột của gia đình, bà ốm nặng thực sự; người khỏe hơn bà cũng phải quỵ. Bà Bute thấy mình có bổn phận phải báo với thầy thăm bệnh, với ông thầy bào chế, với người tùy nữ, với mọi gia nhân trong nhà, rằng bệnh trạng bà Crawley rất nguy kịch; bà còn bắt họ cũng phải đi báo tin khắp nơi như vậy. Ngoài phố, bà bắt trải rơm cao đến đầu gối và cất chiếc chuông ở cửa đi. Bà nhất định yêu cầu ông thầy thuốc đến thăm bệnh một ngày hai lần và cứ hai tiếng đồng hồ, lại bắt bệnh nhân uống thuốc đến phềnh bụng lên. Có ai vào phòng, bà vội “suỵt, suỵt” một cách đáng sợ, làm cho bà già nằm trên giường giật nẩy mình. Nằm trên giường nhìn ra, bao giờ bà Crawley cũng gặp đôi mắt sắc sảo của bà Bute ngó chăm chăm vào mình, bà Bute ngồi vững vàng trong chiếc ghế bành kê bên cạnh. Trong bóng tối (tất cả màn cửa đều buông kín) đôi mắt ấy sáng rực lên. Bà Bute đi lại trong phòng lặng lẽ như con mèo nhón chân trên bộ vuốt bọc nhung. Bà Crawley đã nằm như vậy không biết bao nhiêu ngày. Bà Bute đọc sách đạo cho bà em chồng nghe; suốt những đêm dài đằng đẵng bà Crawley cứ bắt buộc phải nghe tiếng hát của bác gái và tiếng lép bép của ngọn đèn. Khoảng nửa đêm, ông thầy thuốc đến thăm bà đi rón ra rón rén, thế là hết. Bà chỉ còn được nhìn có đôi mắt bà Bute lấp la lấp lánh, hoặc khoảng ánh sáng vàng khè ngọn đèn đêm chiếu hắt lăn trên nền trần tối tăm rầu rĩ. Sống như vậy thì đến ngay Hygeia () cũng đến phải phát ốm, nói gì bà già yếu ớt đáng thương kia? Người ta đồn rằng, hồi còn mạnh khỏe, vui vẻ, con người đáng kính của Hội chợ phù hoa này vẫn thường phát biểu những ý kiến rất phóng túng về tôn giáo và luân lý không kém gì Voltaire () tiên sinh, nhưng đến khi bệnh tật giày vò, thì cái bà già phạm tội hèn nhát này lúc nào cũng chỉ lo chết, làm cho bệnh càng thêm nặng. Trong một cuốn tiểu thuyết tầm thường như cuốn này không phải là chỗ kể lể dài dòng về những lời giảng đạo bên giường bệnh cũng như những sự suy tưởng về tín ngưỡng (như một nhà tiểu thuyết hiện đại thường làm); độc giả mất tiền để mua vui với một tấn hài kịch, không nên thuyết lý làm người ta buồn ngủ. Tuy nhiên, mặc dầu không dám giảng đạo, tôi cũng phải công nhận rằng trước công chúng, kẻ đóng trò trong Hội chợ phù hoa thường tỏ ra hoạt động, cười cợt vui vẻ, nhưng lúc trở về với đời tư của mình thì không được như vậy; nhiều khi anh ta cũng bị những nỗi thất vọng và hối hận ghê gớm đè nặng tâm trí mình. Những ngài Epicures đau ốm nhớ lại bao bữa tiệc ê hề cao lương mỹ vị đã hưởng cũng không thể yêu đời được, quần áo lộng lẫy và những buổi dạ hội tưng bừng cũng không thể an ủi nhiều lắm những sắc đẹp tàn phai. Những nhà chính khách, đến một lúc nào đó, sẽ không được hài lòng lắm khi nghĩ tới những thành công rực rỡ đã qua của mình, sự thành công hoặc những khoái lạc hôm qua trở thành không nghĩa lí gì khi cái buổi mai chắc chắn sẽ phải đến (tuy không biết đến lúc nào) mà không sớm thì muộn thế nào cũng có ngày ta phải nghĩ tới, bỗng hiện ra. Ôi, những người bạn đồng nghiệp mặc áo sặc sỡ () ơi, phải chăng đã bao lần chúng ta từng phát ốm lên vì nhăn nhó, vì nhảy nhót và tiếng nhạc mũ kêu loong coong mãi bên tai? Mục đích của tôi, thưa các bạn đồng nghiệp, là muốn cùng các bạn dạo thăm Hội chợ phù hoa, xem các gian hàng, thưởng thức các trò biểu diễn. Đoạn, sau cuộc đốt pháo bông, chúng ta sẽ từ giã mọi sự ồn ào vui vẻ, để về nhà sống cuộc đời riêng tư cực kỳ khốn khổ. Bà Bute Crawley nghĩ thầm: “Giá ông lão đáng thương nhà mình có đầu óc một tý, thì bây giờ đã giúp được vô khối việc ích lợi cho bà cụ đau khổ này. Ông ấy có thể khiến bà ta hối hận về những tư tưởng quá táo bạo trước kia, có thể khuyên bà ta trở về với nhiệm vụ và truất quyền thừa kế của thằng cháu khốn kiếp đã làm mất danh dự của riêng nó và của cả gia đình. Ông ấy có thể khuyên bà Crawley ăn ở công bằng với hai đứa con gái và hai thằng con trai nhà mình; chúng nó đang cần và thật xứng đáng được giúp đỡ”. Biết thù ghét cái xấu, thường thường là điều kiện để biết làm điều thiện, cho nên bà Bute Crawley ra sức mà tiêm nhiễm vào tư tưởng bà em chồng sự ghê tởm của những tội lỗi chồng chất do Rawdon Crawley gây ra: bà thím liệt kê ra một tràng dài những thói xấu của anh cháu, đủ để kết án cả một trung đoàn toàn những sĩ quan trẻ tuổi. Nếu có người nào phạm lỗi trong cuộc sống, có lẽ không nhà luân lý nào lại thiết tha vạch cái xấu ra hộ bằng những người thân thích của người đó. Cho nên bà Bute Crawley đã tỏ ra rất quan tâm và nắm vững mọi chi tiết về đời tư của Rawdon Crawley. Bà ta biết tỉ mỉ chuyện xích mích đáng buồn giữa Rawdon và đại úy Marker; Rawdon sai, nhưng cuối cùng đã bắn chết viên đại úy. Bà ta biết cả chuyện vị bá tước bất hạnh Dovedale đánh bạc với Rawdon thế nào mà mẹ người thanh niên này phải đích thân dọn nhà đến ở tại Luân-đôn để theo dõi việc học hành của con trai. Từ nhỏ Dovedale chưa hề biết cây bài là gì, vậy mà đến Luân- đôn, bị ngay Rawdon cám dỗ ở quán “Cây dừa”; tên chuyên quyến rũ và làm sa đọa những người trẻ tuổi này cho Dovedale uống rượu say, rồi thịt mất hơn bốn nghìn đồng. Bà ta còn kể lại thật hào hứng tỷ mỉ về nỗi đau khổ của những gia đình nền nếp xứ quê bị thằng cháu làm khánh kiệt ra sao... con trai thì bị lâm vào cảnh khốn cùng và ô nhục, con gái thì bị quyến rũ làm điều bậy bạ. Bà lại biết rõ bao nhà thương gia đã bị phá sản vì thói “ngông” của hắn... bao nhiêu thủ đoạn đê tiện, bao nhiêu mánh khóe dối trá hắn đã dùng để lừa gạt bà cô rộng lượng nhất; và để đền đáp những sự hi sinh ấy, hắn đã vô ơn và giễu cợt bà ta. Những chuyện này bà kể lại ít một, ít một, cho bà Crawley nghe, cốt giúp bà này khỏi mắc hợm. Bà cảm thấy ở cương vị một người đàn bà ngoan đạo, lại là một bà mẹ, mình cần hành động như vậy. Bà không hề mảy may hối hận về việc đã dùng cái lưỡi mà thí mạng kẻ thù một cách không thương tiếc. Không những thế, bà còn nghĩ rằng việc mình làm là ngoan đạo và đáng phục, tự khen mình có can đảm theo đuổi đến cùng. Thật đấy, bạn chỉ cần ngỏ ý muốn được nghe nói xấu một người nào đó, lập tức thân nhân của họ sẵn sàng giúp bạn. Vả lại, ta phải công nhận rằng trong trường hợp của Rawdon Crawley, nguyên sự thực cũng đã đủ kết tội tên khốn nạn đó, chẳng cần phải dùng đến sự vu cáo, bịa đặt làm gì. Bây giờ Rebecca đã trở thành người trong gia đình cho nên cũng được bà Bute có lòng yêu hỏi thăm đến rất tỷ mỉ. Con người tìm hiểu sự thực không bao giờ mệt mỏi ấy, sau khi đã ra lệnh dứt khoát không ai được tiếp người nhà của Rawdon hoặc nhận thư từ của anh ta, bèn lấy xe ngựa của bà Pinkerton ở Chiswick Mall báo cho bà bạn cái tin ghê gớm là cô Rebecca đã quyến rũ mất đại úy Crawley rồi. Bà Pinkerton kể lại cho bà nhiều chi tiết quái gở về dòng dõi của cô giáo dạy trẻ cũ, và về cuộc đời của cô ta hồi nhỏ. Bà bạn của nhà từ điển học cung cấp những tài liệu rất phong phú. Bà sai cô Jemima đi tìm những tờ biên lai và thư từ của ông giáo dạy vẽ. Lá thư này ông ta viết từ trong một nhà giam những kẻ “bị bỏ tù vì nợ” yêu cầu ứng trước một món tiền; lá thư kia gồm toàn những lời cảm tạ bà góa ở Chiswick vì cô con gái được phép nhập học; còn lá thư cuối cùng nhà nghệ sĩ bất hạnh viết trên giường bệnh lúc hấp hối gửi gắm đứa con gái mồ côi nhờ bà Pinkerton che chở. Có cả những lá thư Rebecca viết hồi còn bé xin bà giúp đỡ bố, hoặc bầy tỏ lòng biết ơn của mình. Trong Hội chợ phù hoa, có lẽ không có lời châm biếm nào tài hơn là những lá thư. Cứ đọc lại thư từ người bạn thân nhất của ta viết hồi mười năm về trước mà xem; bây giờ, anh bạn quý ấy bị ta ghét cay ghét đắng rồi; ta lại đọc tập thư của cô em gái viết cho ta, mới thấy hai anh em yêu quý nhau như vàng cho tới khi chỉ vì cái gia tài đáng giá hai mươi đồng tiền vàng mà ghét nhau như quân thù? Này đây là những bức thư chữ viết nguệch ngoạc của con trai bạn; từ khi nó hư hỏng cưỡng lại ý bạn, bạn đã đau khổ vì nó biết bao nhiêu! Và này đây là một tập thư chính tay bạn viết, đầy những lời lẽ nồng nàn yêu dấu, bị người yêu của bạn gửi trả khi cô ta bỏ đi lấy một ông nhà giầu... bây giờ đối với cô tình nhân ấy, bạn coi xa lạ chẳng khác gì đối với nữ hoàng Elizabeth. Những lời yêu đương thề thốt, những lời hứa hẹn tâm tình, những lời biết ơn... sau một thời gian, đọc lại mà thấy tức cười ra phết! Trong Hội chợ phù hoa, nên đặt ra cái lệ là sau một thời gian ngắn cần thiết, tất cả mọi thứ giấy tờ đều phải hủy bỏ (trừ biên lại của người bán hàng). Phải giết cho tiệt cái bọn lang băm và bọn chán đời đang ra sức quảng cáo cho thứ mực tai hại rửa không phai kia đi mới được. Thứ mực tốt nhất nên dùng trong Hội chợ phù hoa là thứ mực chỉ hai ngày là phai hết, giấy lại sạch bong như mới, để bạn có thể dùng ngay mà viết cho người khác. Từ nhà bà Pinkerton, bà Bute không biết mệt mỏi lần theo dấu vết hai bố con ông Sharp đến tận ngôi nhà ở phố Hy-lạp, nơi xưa kia ông ta trú ngụ, và còn thấy trên tường phòng khám treo bức chân dung bà chủ nhà mặc áo sa- tanh trắng cạnh ông chồng mặc áo có đính khuy đồng. Ông Sharp không có tiền trả tiền thuê nhà phải vẽ bức tranh này để trừ nợ. Bà Stokes là người hay chuyện, mau mồm kể lại tất cả những điều bà biết về ông Sharp; những là ông ta nghèo kiết và trác táng ra sao, tính tình vui vẻ và hay bỡn cợt thế nào; rồi thì chuyện ông ta bị bọn mõ tòa và chủ nợ luôn luôn làm rầy rà, chuyện ông ta chỉ chịu làm phép cưới cô vợ ít lâu trước khi cô này chết, khiến cho bà chủ nhà tuy không phải chịu đựng gì với cô ta mà cũng lấy làm ghê sợ. Bà còn kể thêm rằng Rebecca trước kia là một con bé láo lếu mất dạy; có tài làm điệu bộ bắt chước tất cả mọi người để làm trò... Cô bé chuyên được sai đi mua rượu ở các tửu quán, và trong các phòng vẽ của khu phố không ai không biết mặt. Tóm lại bà Bute thu thập được một bản báo cáo rất đầy đủ về dòng dõi, về giáo dục, về tư cách của cô cháu dâu: giá Rebecca biết mình được bà thím chồng quan tâm đến như vậy hẳn cô phải hài lòng lắm. Việc điều tra được tiến hành một cách khéo léo ấy nhằm mục đích phục vụ lợi ích của bà Crawley. Vợ Rawdon Crawley là con gái một vũ nữ ở rạp Opera. Chính cô ta cũng đã nhảy cho thiên hạ xem. Cô ta đã làm kiểu mẫu cho các họa sĩ. Cô ta thừa hưởng một nền giáo dục thật xứng đáng là con gái mẹ. Cô ta cùng uống rượu mạnh với bố v.v... và v.v…Cùng là những kẻ mất linh hồn, đôi trai gái ấy lấy nhau là phải. Bài học luận lý rút ra từ câu chuyện của bà Bute là đôi vợ chồng ấy hư hỏng quá lắm rồi, những người biết tự trọng không ai còn nên nhìn mặt họ nữa. Những tài liệu ấy chính là những quân nhu khí giới bà Bute chuẩn bị đầy đủ ở công viên Lane để chống lại hai vợ chồng Rawdon vì bà biết thế nào họ cũng vây hãm bà Crawley. Tuy nhiên, nếu trong việc sắp đặt này bà Bute có đáng trách, thì chính vì bà đã quá mức độ cần thiết; thành ra, mặc dầu người ốm chịu khuất phục trước uy quyền của bà, nhưng vì uy quyền ấy quá nghiệt ngã, quá bức bách, nên kẻ nạn nhân cảm thấy muốn lợi dụng cơ hội đầu tiên để thoát khỏi vòng kiềm tỏa. Mấy bà quen chỉ huy- đó là sự kiêu hãnh của phái yếu - cứ muốn ra lệnh cho tất cả mọi người trong tất cả mọi việc, cứ muốn tỏ ra biết rõ hơn người khác mọi điều quan hệ đến hạnh phúc của bản thân người ta; nhiều khi họ không ngờ rằng sự thống trị hà khắc của họ có thể gây ra một cuộc nổi loạn trong gia đình, hoặc những kết quả tai hại khác. Chính là trường hợp bà Bute; đích thị bà có thiện ý tốt đẹp nhất trần đời, nên mới hy sinh cả giấc ngủ, cả bữa ăn, cả việc dạo mát hít không khí trong lành, chịu vất vả đến kiệt sức để mưu lợi ích cho em chồng đang ốm. Bà yên trí rằng em chồng mắc bệnh trầm trọng đến nỗi suýt nữa bà cho mua sẵn quan tài đem chôn. Một bữa, bà trình bày với ông Clamp, ông thầy bào chế, về những sự hy sinh của mình và kết quả đạt được ra sao. Bà nói: - Ông Clump thân mến ơi, tôi đã không quản ngại sức lực săn sóc cho người ốm được bình phục! Cái thằng cháu trai vô ơn ấy nó bỏ mặc cô nó nằm trơ trọi trên giường bệnh.Tôi không bao giờ ngại vất vả, tôi không bao giờ từ chối bất cứ một sự hy sinh nào. Ông Clump cúi chào, đáp: - Phải nhận rằng bà đã tận tâm săn sóc người ốm một cách đáng kính nhưng… - Từ bữa tôi đến đây, tôi không mấy khi được chợp mắt. Tôi hy sinh hết: giấc ngủ, sức khoẻ, thú vui, để làm tròn nhiệm vụ. Hồi thằng James nhà tôi lên đậu mùa tôi có chịu nhờ người khác trông nom cho cháu đâu. Không. - Một bà mẹ xứng đáng phải như vậy, thưa bà, bà thật là một bậc hiền mẫu; nhưng… Bà Bute vẫn tiếp, vẻ mặt trang trọng đầy tin tưởng. - Là một người mẹ trong gia đình, là vợ một tu sĩ Anh quốc, tôi tin tưởng rằng những nguyên tắc cư xử ấy là tốt. Ông Clump ạ, trời còn cho tôi được sống làm người, không bao giờ... không bao giờ tôi rời bỏ nhiệm vụ của tôi. Kẻ khác có thể bỏ mặc người đàn bà tóc bạc kia đau khổ trên giường bệnh (nói đến đây, bà Bute chỉ vào một bộ tóc giả màu cà-phê của bà Crawley, treo trên một cái giá trong phòng rửa mặt) nhưng tôi ấy à, không bao giờ. ông Clump ạ, tôi e rằng, tôi tin rằng người ốm kia cần sự giúp đỡ về tinh thần cũng không kém gì thuốc men đâu. Đến đây, ông Clump cương quyết bày tỏ ý kiến một cách ngọt ngào: - Thưa bà, điều tôi muốn bà lưu ý bà, khi bà đề cập đến những tình cảm đáng quý kia, tôi nghĩ rằng bà đã lo lắng quá đáng về bệnh trạng của bà bạn quý, và đã phí phạm sức khỏe một cách vô ích đấy. Bà Bute chặn ngay: - Tôi rất sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh tôi để làm tròn nhiệm vụ, hoặc để mưu lợi ích cho bất cứ người nào trong gia đình chồng tôi. Ông Clump lịch sự đáp: - Thưa bà, rất đúng, nếu cần thiết. Nhưng chúng tôi không muốn bà Bute Crawley phải là một kẻ tử đạo. Bác sĩ Squills và tôi đã cẩn thận xét kỹ bệnh trạng của bà Crawley, như bà đã rõ. Chúng tôi thấy bà ấy có vẻ buồn bã lo nghĩ vì những biến cố xảy ra trong gia đình. Bà Bute vội kêu lên: - Tại thằng cháu trai của bà ấy hư hỏng quá đấy. - Vì thế, bà ấy sinh lo nghĩ. Và bà đã đến đây như một vị thần hộ mệnh để an ủi người bệnh trong cơn khủng hoảng tinh thần. Nhưng bác sĩ Squills và tôi thấy rằng, xét bệnh trạng của người ốm, không nên bắt ru rú mãi trong phòng. Như vậy có thể làm cho sức khỏe càng giảm sút. Bà ấy cần được đổi không khí, được vui vẻ, đó là những thang thuốc thần hiệu nhất đấy. (ông Clump cười để lộ ra bộ răng rất đẹp). Bà hãy cố khuyên bà Crawley đi lại, đừng nằm một chỗ mãi, ảnh hưởng đến tinh thần; lên ngay xe ngựa đi chơi đây đó đôi chút và, xin bà cho phép tôi được nói như thế này, như vậy chính đôi má của bà cũng sẽ được hồng hào như cũ, bà Bute Crawley ạ. Bà Bute đáp (và con mèo ích kỷ giấu kín trong bị thòi ngay cái đuôi ra) : - Sợ bà ấy gặp mặt thằng cháu trời đánh trong công viên mất. Họ mách tôi rằng nó giong xe đi chơi tay đôi với cái con tòng phạm trơ trẽn. Như thế thì đến ốm lại vì xúc động ông Clump ạ, không thể đưa bà ấy đi chơi được, tôi còn ở đây trông nom thì không thể để bà ấy đi đâu được. Còn như sức khỏe của tôi ấy à? Thưa ông, tôi vui lòng hy sinh hết vì nhiệm vụ. Ông Clump bèn nói thẳng: - Vậy tôi xin nói thực, nếu cứ giam mãi bà ấy trong buồng tối thì chúng tôi không chịu trách nhiệm về tính mạng của người ốm đâu. Bà ấy đang lo nghĩ quá nhiều, không chừng chỉ ít ngày nữa là đi đứt. Nếu bà mong cho đại úy Crawley được hưởng gia tài thì, thưa bà tôi xin nói thẳng rằng bà đã giúp ông ấy rất đắc lực đấy. Bà Bute kêu lên: - Trời đất ơi? Bà ấy sắp chết à. Sao ông không cho tôi biết sớm hơn? Đêm hôm trước, ông Clump và bác sĩ Squills đã hội ý với nhau về bệnh tình của bà Crawley trong khi ngồi uống rượu trong nhà ông Lapin Warren, có bà vợ sắp sinh đứa con thứ ba, Bác sĩ Squills nhận xét: - Này ông Clump, cái con mụ ở Hamshire đến thật là một con quỷ cái. Nó muốn cứ giữ rịt lấy mụ già Tilly Crawley thôi...Rượu ngon tuyệt nhỉ. Ông Clump đáp: - Cái thằng Rawdon Crawley mới ngu chứ, đi lấy một con bé dạy trẻ làm vợ? Nhưng kể ra con bé trông cũng kháu. Bác sĩ Squills nói: - Mắt biếc, da nõn nà, mặt xinh, trán nở, đẹp. Trông ra gì đấy chứ, nhưng cái thằng Crawley cũng ngu thật. Ông bào chế tán thành: - Ngu bỏ mẹ đi ấy. - Dĩ nhiên bà lão sẽ cắt phần gia tài của hắn. Ngừng một lát, ông nói tiếp: - Bà lão sẽ để lại một gia tài lớn đấy nhỉ? Ông Clump cười: - Lớn lắm! Tôi chỉ mong bà ấy không chết để chém mỗi năm hai trăm đồng thôi. - Nội hai tháng nữa, thế nào con mụ ở Hamshire kia cũng giết chết bà lão, nếu ông không can thiệp, ông Clump ạ. Bệnh già, lại bội thực, rồi lo nghĩ; tim đập mạnh lắm; mắc chứng xung huyết não; thế là tiêu. Clump, phải dựng bà ấy dậy, lôi bà ấy ra ngoài. Nếu không, chỉ vài tuần nữa thì đừng có hy vọng gì xoay được mỗi năm hai trăm đồng. Lời khuyến khích trên đã khiến ông thầy bào chế thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình với bà Bute Crawley. Nắm chặt bà già trong tay, lại chỉ có hai người với nhau, nhiều lần bà Bute đã tấn công xui bà Crawley chữa lại tờ di chúc; nhưng cứ mỗi khi nghe nhắc đến chuyện ấy, bà Crawley lại cuống cuồng lo chết; thành ra bà Bute đành chờ đến khi nào bà Crawley vui vẻ sẽ lại đả động đến vấn đề kia. Nhưng đưa bà ấy đi chơi đâu bây giờ? Chỉ có một chỗ yên trí sẽ không gặp mặt cái thằng Rawdon đáng ghét kia, đó là đi nhà thờ; nhưng bà Crawley lại không ưa gì nhà thờ, bà Bute biết rõ điều ấy quá. Bà nghĩ: “Ta phải đi thăm những vùng ngoại ô thành Luân-đôn mới được. Nghe nói đó là những thắng cảnh đẹp nhất trần đời”. Thế là tự bà đâm ra yêu những khu Hampstead, Hornsey; thấy phong cảnh khu Dulwich rất hấp dẫn, thế là bà đưa nạn nhân của mình lên xe ngựa đi thăm những vùng quê ấy; vừa đi chơi bà vừa nói chuyện về hai vợ chồng Rawdon, cốt mọi cơ hội làm cho bà lão thêm căm ghét đôi trai gái hư đốn ấy. Có nhẽ tại bà Bute làm găng quá; vì thế, tuy bà Bute đạt được kết quả khiến cho bà cô thù ghét đứa cháu không biết vâng lời, thì trong thâm tâm bà Crawley cũng cảm thấy khó chịu: bà ghê sợ con người đang hành hạ mình, và đang tìm cách thoát khỏi tay bà Bute. Được ít hôm, bà Crawley nhất định không chịu đi chơi ở Hornsey và Highgate; bà muốn ra công viên chơi. Bà Bute chỉ sợ chạm trán với thằng cháu Rawdon hư đốn ở đó. Quả nhiên bà lo là đúng. Một buổi thấy chiếc xe ngựa của Rawdon đằng xa chạy lại Rebecca ngồi cạnh chồng. Trên xe ngựa của kẻ thù, bà Crawley vẫn ngồi chỗ mọi khi, bà Bute ngồi bên tay trái. Bà Briggs ngồi ở ghế sau với con chó. Giờ phút gay go đã đến. Rebecca nhận ra chiếc xe, tim đập thình thịch. Lúc hai xe gặp nhau, cô ta chắp hai bàn tay lại, nhìn thẳng vào bà già, nét mặt đầy vẻ gắn bó và trung thành. Rawdon cũng run lẩy bẩy, mặt đỏ bừng lên sau bộ ria mép. Người duy nhất bị xúc động trên chiếc xe kia là bà Briggs; bà này giương đôi mắt to tướng nhìn về phía hai bà bạn. Nhưng bà Crawley vẫn nhất định quay mũ về phía con người xảo quyệt còn bà Bute thì đang mải mê nựng con chó con, gọi nó nào là cún ngoan, cún yêu, cún quý của bà. Thế là hai chiếc xe đi về hai phía. Rawdon bảo vợ: - Hỏng bét rồi! Rebecca đáp: - Anh Rawdon, ta cố một lần nữa xem sao. Anh không thể cho bánh xe của mình móc vào bánh xe kia được ư, anh yêu dấu của em? Rawdon không đủ can đảm làm thế. Lúc hai xe lại gặp nhau, anh ta đứng hẳn dậy trên xe, giơ tay sẵn sàng ngả mũ chào, mắt chăm chăm ngó sang. Lần này bà Crawley không quay đi chỗ khác, nhưng cả bà và bà Bute cùng nhìn thẳng vào mặt anh cháu như nhìn người không quen. Crawley văng tục một câu, ngồi phịch xuống ghế, đánh xe ra khỏi công viên về nhà, vô cùng chán nản. Bà Bute đã thắng một trận vẻ vang quyết định. Nhưng bà cũng cảm thấy những cuộc gặp gỡ như vậy rất nguy hiểm, vì rõ ràng bà Crawley có vẻ bị xúc động. Bà quyết định rằng để đảm bảo sức khỏe, bà em chồng nhất định phải rời thành phố xa ít lâu, và nhất định đòi đi Brighton.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]