Chỉ khi nào tâm ta không còn những khắc khoải mong cầu hay chống đối, chấp nhận và tùy thuận mọi hoàn cảnh thì ta mới nếm được chất liệu bình yên và hạnh phúc chân thật.
Cảnh bình tâm cũng bình
Tâm ta vốn gắn kết chặt chẽ với ngoại cảnh, vì hai nhu cầu hưởng thụ căn bản nhất của con người là tiện nghi vật chất và tiện nghi tinh thần (danh dự) đều nằm ở bên ngoài. Thế nên, ngày đêm ta không ngừng cầu mong những điều kiện thuận lợi luôn đến với mình. Chỉ khi nào những ước nguyện của ta đều được thành tựu, hay ít nhất không có bất kỳ khó khăn nào xảy ra thì ta mới thấy lòng bình yên. Rồi chẳng bao lâu những điều bất như ý lại ập đến, hoặc chính trong ta phát sinh những mong cầu khác nên cái bình yên kia không còn cơ sở để tồn tại được nữa. Cảnh không bình yên thì tâm cũng không bình yên.
Ta dễ thấy lòng bình yên mỗi khi rong ruổi đến một vùng quê xa xôi hẻo lánh, hay một miền sơn cước tĩnh mịch nào đó. Vừa tạm gác lại những lo toan tất bật của cuộc sống, vừa được nuôi dưỡng trong những cảnh vật hiền hòa và tươi mát, lại vừa cảm nhận được sự sống mà ta đang tiếp xúc ở từng phút giây, nên lòng ta đã thật sự lắng dịu và dừng lại. Nếu ta có chủ ý tìm đến không gian như thế để nuôi dưỡng tâm hồn thì hẳn nhiên ta sẽ trân quý từng khoảnh khắc trôi qua. Nhưng tiếc thay, sự cố gắng cũng chỉ là ý chí. Thói quen bám víu vào những đối tượng đem tới cảm xúc quen thuộc có thể xuất hiện bất ngờ và lấn át cả ý chí. Thế rồi, bỗng nhiên ta thấy mình không thuộc về nơi này nữa, lòng chợt bâng khuâng như kẻ xa lạ. Còn nếu vì bất đắc dĩ mà ta phải rơi vào khung cảnh bình yên thì chắc chắn ta sẽ thấp thỏm như ngồi trên than hồng. Thậm chí, ta còn tìm cách phá tan bầu không gian yên tĩnh cho thoải mái hơn. Nếu không được chuyện trò với ai, ta sẽ nhớ về quá khứ hoặc tưởng tới tương lai để giết bớt thời gian. Cho nên, cảnh bình yên cũng có thể làm cho tâm bình yên, nhưng nếu tâm bị xáo động quá lớn thì cảnh cũng chịu thua.
Bây giờ nhiều người trẻ hay than cuộc sống quá bận rộn, đến nỗi họ không còn thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng khi có được những ngày nghỉ thì họ lại kiếm đủ mọi việc để làm. Không đi mua sắm thì họ đi gặp bạn bè; không nấu nướng thì họ lên mạng tìm kiếm thông tin; không xem ti-vi thì họ lang thang ngoài đường. Dường như họ không thể nghỉ ngơi. Tâm tư phải bám vào một cái gì đó, ít nhất là phải nghĩ tưởng đến những điều gì mà họ cho là cần thiết. Như vậy họ mới thấy ổn. Khi nào đuối sức họ mới chịu dừng lại và chìm vào giấc ngủ; hoặc khi nằm trên giường bệnh hay rơi vào một tai nạn khốn đốn họ mới thấy giá trị của sự nghỉ ngơi. Tâm bình yên trong trường hợp này vẫn còn dựa vào điều kiện của hoàn cảnh, vẫn nằm ngoài sự chủ động của ta. Nhiều người sau khi trải qua những tai nạn lớn lao, cảm nhận được giá trị của cuộc sống, ý thức được điều gì đáng giữ gìn, nên họ tưởng rằng mình đã bước sang khúc quanh khác của cuộc đời. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ngủi thì những hấp dẫn của ngoại cảnh lại đưa họ trở về với tâm thức cũ. Họ lại tiếp tục tranh đấu và đầy mệt mỏi như chưa từng ngộ ra điều gì cả.
Có một vị tên là Huệ Khả đến cầu đạo với thiền sư Bồ Đề Đạt Ma. Trải qua nhiều ngày mà Huệ Khả vẫn chưa thấy thiền sư trao truyền những kinh nghiệm tu tập quan trọng như mong đợi, lòng chợt hoang mang. Huệ Khả liền lấy hết can đảm, bước tới chỗ thiền sư và quỳ xuống xin ban cho phương pháp giúp tâm yên ổn. Thiền sư bảo: "Đưa tâm không yên đây ta giúp cho". Huệ Khả nhìn kỹ lại mình để tìm kiếm tâm không yên, rồi thưa: "Dạ, con đã tìm nhưng không thấy ạ". Thiền sư cười đáp: "Ta đã yên tâm cho con rồi đấy".
Ngay cả khi ta mong muốn được tiếp nhận những điều hay lẽ phải, tìm học những phương pháp giúp thăng hoa giá trị tâm hồn thì cũng có thể khiến tâm ta không yên, mệt mỏi và khổ sở. Lẽ dĩ nhiên, không ai có thể đưa tâm mình ra cho người khác xem, bởi nó vốn không có hình tướng cụ thể. Huống chi, tâm không yên chỉ là một hiện tượng tâm lý nhất thời, nó không thể giữ nguyên một trạng thái. Nhưng thiền sư lại đề nghị đem tâm không yên ra là vì muốn giúp thiền sinh hiểu rằng: khi lòng còn mong cầu là còn không yên, hết mong cầu thì tự nhiên tâm sẽ yên. Đúng ra, thiền sư chẳng trao truyền phương pháp gì cả, chỉ nhắc thiền sinh quay lại dùng chính cái không yên của mình để tìm ra cái yên. Cái yên không dựa vào điều kiện bên ngoài như thế mới là cái yên chân thật. Tất nhiên, phải thêm nhiều công phu nữa mới giữ vững tâm yên ấy, nhưng đó là khởi điểm rất quan trọng.
Tâm yên cảnh sẽ yên
Khi tâm ta giữ được trạng thái quân bình với chính mình - hài lòng với những gì mình đang có, không mong muốn có thêm cũng không muốn loại trừ bớt - tức là ta cũng đang giữ được thế quân bình với vạn vật xung quanh. Đây chính là nền tảng quan trọng để cho sự yên ổn ra đời. Điều kỳ diệu là khi tâm bình yên ta sẽ thấy mọi đối tượng hay mọi vấn đề ở cung bậc khác, khá chính xác với những gì đang thật sự diễn ra. Bởi tâm bình yên không những rất trong sáng, mà còn có thể kết nối với những năng lượng phóng ra từ chính đối tượng hay vấn đề đang tiếp xúc. Vì vậy, khi tức giận hay yêu đương cuồng nhiệt, ta không thể nào thấy đúng đắn về thực tại. Ta dường như ở trong một thế giới khác.
Khi nhìn những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ, có thể ta nghĩ cái hồ này đang bị xáo động. Hay khi nhìn thấy một màu trắng xóa bao phủ trên ngọn núi, ta lại tưởng ngọn núi này chắc đã già nua. Nhưng đó là cái nhìn hời hợt. Khi tâm bình yên, quan sát kỹ hơn ta sẽ thấy cái xáo động kia chỉ là phần trên mặt hồ bị gió tác động, chứ phía dưới mặt hồ vẫn yên lắng. Ta cũng phát hiện ra cái trắng xóa kia chỉ do tuyết phủ, chứ ngọn núi vốn rất xanh, rất trẻ. Khi tâm bình yên, ta sẽ thấy rõ đâu là hiện tượng đâu là bản thể, đâu là giả tạm đâu là chân thật. Quan trọng hơn hết là ta đã tìm thấy được chính mình - cái tôi thật thà, hồn nhiên đã trôi lạc theo thăng trầm cuộc sống từ bấy lâu nay. Tâm bình yên mới đích thực là tâm chân thật của ta; còn tâm lao xao chỉ là sự biến động trong nhất thời.
Đức Phật đã từng khẳng định: "Nhất thiết duy tâm tạo" - tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận thế giới xung quanh như thế ấy. Đẹp-xấu, cao-thấp, sang-hèn, thuận- nghịch vốn không phải là bản chất của thực tại. Tất cả đều do tham-sân-si của con người dệt lên. Khi được thỏa mãn những mong muốn của mình thì ta nghĩ cuộc đời rất tươi đẹp; còn khi mọi thứ diễn ra trái nghịch với những nguyện vọng của mình thì ta cho rằng cuộc đời thật đáng chán. Trong khi đó, vạn sự vạn vật trên thế gian này và cả vũ trụ bao la đều vận hành theo nguyên tắc rất tự nhiên: nhân quả và duyên sinh. Nó không chiều chuộng ai, cũng không có ý ghét bỏ ai. Chỉ tại ta quá tham lam. Khi nó thuận với ta thì ta mừng rỡ mà không hề ngạc nhiên và từ khước; còn khi nó nghịch với ta thì ta lại hốt hoảng và chống đối. Cho nên, khi nào ta chuyển hóa được những năng lượng mong cầu và chống đối không cần thiết ấy, trả lại bản chất tĩnh lặng mầu nhiệm của tâm hồn, thì ta sẽ thấy thế giới xung quanh mình thật bình yên - rất dễ thương và rất đáng giữ gìn.
Từ tuệ giác sâu sắc, đức Phật cũng đã từng nhấn mạnh: "Tâm bình thế giới bình". Dù thế giới xung quanh ta còn nhiều xáo động, nhưng nếu tâm ta bình yên thì sẽ không bị nó làm cho xáo động theo. Trái lại, năng lượng bình yên trong ta sẽ lên đường xâu kết với những năng lượng bình yên khác đang bàng bạc khắp nơi trên thế giới. Đến khi hội đủ điều kiện thì nó sẽ trở thành hiệu ứng vĩ đại - thế giới bình yên. Thật ra, vạn vật trên khắp hành tinh vốn rất bình yên, chỉ có con người mới không bình yên và đã làm đảo lộn mọi thứ. Nhưng bản chất con người cũng rất bình yên, chỉ vì họ đã để cho những năng lượng tham cầu và chống đối lấn át đi vẻ tự nhiên hiền hòa mà trời đất đã ban tặng. Cho nên, không ai có thể làm cho mọi người trên thế giới này bình yên được cả, đó là vấn đề của mỗi người. Tuy nhiên, năng lượng bình yên trong mỗi người có tính tương tác rất lớn. Nó sẽ giúp cho điều kiện đi tới sự bình yên trong mọi người dễ dàng xảy ra. Vì vậy, năng lượng bình yên của mỗi người luôn rất cần thiết cho gia đình, xã hội, thế giới, và cả vũ trụ nữa.
Trong bài hát "Bình yên", nhạc sĩ Quốc Bảo thật tinh tế khi nhận ra: "Bình yên một thoáng cho tim mềm/ Bình yên ta vào đêm/ Bình yên để đóa hoa ra chào/ Bình yên để trăng cao/ Bình yên để sóng nâng niu bờ/ Bình yên không ngờ/ Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên". Khi tâm hồn bình yên, dù chỉ trong một thoáng, những giận hờn hay cố chấp cũng sẽ tan rã. Trong thoáng bình yên ấy, ta đã thấy được những thực tại mầu nhiệm mà thường ngày ta không hề thấy: đóa hoa vừa hé nở, trăng đang lên cao và sóng không ngừng nâng niu bờ. Tuy nhiên, nhạc sĩ lại khẳng định chính năng lượng bình yên của ta trong đêm nay đã khiến cho hoa nở, trăng cao và sóng nâng niu bờ. Đúng là cảnh vật xung quanh vẫn xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không liên quan gì với con người. Vì vạn sự vạn vật vốn luôn tương tác với nhau kia mà. Khi đóa hoa trong lòng ta đã nở, trăng trong lòng ta đã sáng trong, sóng trong lòng ta đã chấp nhận nâng niu bờ, thì làm sao những thứ bên ngoài ấy không được nuôi dưỡng bởi ta kia chứ? Và chính ta cũng không ngờ khi lòng bình yên thì từ bi bỗng nhiên thức giấc.
Trong bài hát có hai câu rất lạ: "Như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa/ Như từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau". Phải là người đã đi qua kinh nghiệm thương đau và đã từng chạm tới bến bờ bình yên mới viết được những câu này. Khi tâm hồn bình yên thì chẳng khác gì ta được sinh ra một lần nữa - ý niệm cũ chết đi để nhường chỗ cho ý niệm mới được sinh ra. Đó là con người mới của ta. Tuy nó và con người cũ không phải là hai cái khác biệt, nhưng không thể là một nữa rồi. Vấn đề là ta có thật sự muốn và can đảm để ý niệm giận hờn và thù hận trong ta chết đi, cho ý niệm bao dung và tha thứ được sinh ra không? Nhiều khi nó đã sinh ra rồi mà ta không chịu nhìn nhận. Ta cứ cố bám lấy con người cũ kỹ tàn tạ kia để thỏa mãn cái tôi ích kỷ và yếu đuối của mình. Điều tuyệt vời là cái kiếp mới của ta có được chính nhờ vào cái khổ đau của người kia đem đến. Và khi ta ý thức rằng ta đã từ trong nhau lớn khôn lên thì làm sao có thể oán trách nhau? Cho nên "Tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên/ Để quên hết khó khăn chia lìa" - không những tha thứ mà ta còn trân quý giây phút được gặp mặt nhau, hết lòng giúp đỡ nhau tươi tỉnh lại chứ không trách móc hay hơn thua nữa. Chỉ có cõi lòng bình yên mới làm được như thế!
Quả thật, chỉ khi nào tâm hồn ta không còn những khắc khoải mong cầu hay chống đối, chấp nhận và tùy thuận mọi hoàn cảnh, thì ta mới nếm được chất liệu bình yên và hạnh phúc chân thật. Trong giai đoạn ban đầu, nếu thấy khó giữ tâm trước những hoàn cảnh quá trái nghịch, thì ta hãy tạm thời tìm cho mình một không gian đủ an ổn để tịnh dưỡng tâm hồn. Khi tâm hồn đã thật sự bình yên, những phiền não đã lắng đọng và chuyển hóa thì ta cứ mạnh dạn tiếp xúc trở lại với mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng. Dù hoàn cảnh vẫn còn đang xáo trộn, dù đối tượng vẫn chưa hết khó khăn, nhưng với trình độ mới của tâm thức thì ta sẽ nhìn thấy nó không còn là vấn đề ghê gớm nữa. Và chính ta cũng có thể góp phần làm cho tình trạng được thay đổi. Cho nên, nếu biết tâm bình yên chắc chắn cảnh sẽ bình yên thì ta chỉ nên giữ gìn tâm mình mà không cần phải đuổi theo cảnh. Bởi cảnh bình yên mà tâm ta chưa bình yên thì ta cũng chẳng thấy nó bình yên.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]