Chương trước
Chương sau
Trên đường về nhà ba vừa lái xe vừa dạy dỗ tôi: "Con gái con đứa sao lại chửi tục thế hả? Mắng chửi người khác chung quy là không đúng."

Hộp khăn giấy trên xe đã bị tôi dùng hơn phân nửa, tôi khóc lóc nói: "Con còn muốn đánh người nữa cơ! Bây giờ cả thôn ai cũng biết con bị đá rồi, mất mặt chết đi được."

"Mất mặt cái gì! Thời đại này không cưới được vợ mới mất mặt, con gái quý báu lắm. Con cứ đợi mà xem, bắt đầu từ ngày mai đội ngũ tới cửa muốn làm mai cho con có thể xếp hàng từ nhà mình tới nhà kính luôn cho mà xem!"

"Hu hu hu con không tin!"

"Thật đấy bé à, con đừng không tin, ba không gạt bé đâu. Con gái của lão Lý ở đội hai nặng chín mươi cân mà vẫn còn đang chọn chưa ưng ai kìa, con xinh hơn con bé đó nhiều, nhất định có thể lấy được chồng!"

"...Thôi bỏ đi ba ơi, con không muốn lập gia đình nữa."

"Nói bậy! Con bao lớn rồi, trễ nải nhiều năm như vậy rồi mà giờ còn muốn kéo dài nữa hay sao?”

"Ba, con không cam tâm! Con muốn báo thù!"

"Trả thù ai cơ? Nghe ba nói, đừng nghĩ tới mấy thứ ngổn ngang kia làm gì. Nhìn rõ mọi việc sớm một chút cũng được, con người có một đời này thôi, mình phải biết nhìn về phía trước, sống cuộc sống của mình thật tốt, không thẹn với lương tâm là được rồi."

Ba tôi luôn như vậy, từ lúc tôi còn nhỏ đến khi đã trưởng thành vẫn luôn thấy ba treo câu "không thẹn với lương tâm" bên miệng.

Nhưng mà buông bỏ thật sự không phải là chuyện dễ dàng.

Tôi block và xóa bỏ tất cả phương thức liên lạc của Sở Ngang và ba mẹ anh ta, duy chỉ lúc chuẩn bị xóa kết bạn với Phương Cẩn, tôi ngây người hồi lâu, cuối cùng vẫn không nhịn được gửi tin nhắn cho cô ta.

Tôi và cô ta hẹn gặp mặt nói chuyện.

Ở quán cà phê trong trung tâm thành phố, cô ta vẫn như trước đây, khuôn mặt trắng nõn, đáy mắt chứa đầy ý cười.

Cô ta đã cởi bỏ nghi ngờ của tôi, vô cùng trực tiếp nói cho tôi biết rằng quả thật hồi ở nước ngoài cô ta và Sở Ngang đã từng ngủ với nhau trong một lần uống quá chén ở một buổi tụ họp.

Sở Ngang không muốn chia tay với tôi, sau chuyện đó anh ta vô cùng hối hận.

Nhưng cái giới đó của bọn họ rất phóng khoáng, mấy chuyện như này vốn chẳng có gì to tát.

Thời gian qua lâu rồi, cảm giác tội lỗi của Sở Ngang cũng biến mất, thậm chí anh ta còn cảm thấy ở nước ngoài chơi đùa cũng được, về nước cắt đứt sạch sẽ không để tôi biết là ổn hết thôi.

Nhưng Phương Cẩn đã rung động.

Cô ta lặng lẽ lên kết hoạch về nước với Sở Ngang, rồi cùng nhau hợp tác xây dựng sự nghiệp.

Cô ta nói, đúng là Sở Ngang muốn phân rõ giới hạn với cô ta, cũng nói sau này hai người chỉ có thể là bạn bè mà thôi.

Nhưng mà quan hệ như thế, lại còn ngày ngày ở bên nhau thì muốn phân rõ kiểu gì?

"Tôi phí nhiều sức lực như vậy không phải vì muốn làm bạn bè với anh ấy, nếu là người tôi thích, thì tất nhiên tôi phải làm mọi cách mà đoạt lấy."

Phương Cẩn nói thẳng thắn mà bình tĩnh, đôi mắt cô ta tỏa ra ánh sáng lấp lánh, sau đó lại nói với tôi: "Đồ Khả, tôi biết hai người đã yêu nhau tám năm, nhưng cô và anh ấy thực sự không phù hợp với nhau. Tôi không có ý gì khác, nhưng nghe nói nhà cô làm ruộng, cô cũng chỉ học trường đại học bình thường thôi. Cô không thể giúp đỡ bất cứ thứ gì cho Sở Ngang trong con đường xây dựng sự nghiệp này, nhưng tôi không giống cô, tôi đang tận tâm tận lực giúp anh ấy."

"Có mà giúp chính cô thì đúng hơn, công ty đó cũng không phải của mình anh ta."

Tôi nhìn cô ta, cơn giận bùng lên gần như thiếu đốt tim gan nhưng lại bị tôi đè ép xuống.

Cô ta cười: "Không giấu cô làm gì, đối với mấy vụ lập nghiệp này tôi vốn chẳng có hứng thú gì. Nhà tôi thế nào chắc cô cũng biết, cho dù tôi sống trong nhung lụa ngày nào cũng tiêu cả đống tiền thì cả đời này cũng chẳng xài hết. Tôi chỉ vì Sở Ngang mà thôi."

Tôi thua.

Không thể không thừa nhận, tôi thua vô cùng triệt để.

Rõ ràng người ghê tởm là bọn họ, vậy mà Phương Cẩn còn có thể cây ngay không sợ chết đứng mà nói với tôi: "Cô đã từng nghe qua câu nói kia chưa? Nếu một người thích hai người cùng một lúc thì nên chọn người đến sau, bởi nếu thực sự thích người đến trước thì đã không có sự xuất hiện của người đến sau rồi."

"Đồ Khả, xã hội này chính là như vậy, chỉ cần có đủ cám dỗ thì lòng người sẽ trở nên rất phức tạp, không có ai có thể chịu được thử thách."

"Biết là đĩ nhưng vẫn làm đĩ, cô thấy tự hào quá nhỉ."

"Sở Ngang và cô nam chưa cưới nữ chưa gả, biết đĩ vẫn làm đĩ cái gì ở đây? Tôi biết bây giờ cô đang rất phẫn nộ, rất không cam tâm nhưng cũng chẳng còn cách nào khác đâu, cô thua rồi."

Giết người tru tâm, cô ta còn thuận thế vuốt tóc sang một bên để tôi nhìn thấy chiếc dây chuyền Bulgari trên cổ---

"Cô cũng đoán được mà, đây là do Sở Ngang tặng tôi. Tuy là do tôi mở miệng gợi ý nhưng lúc anh ấy đưa cho tôi, tôi có nói hay anh cũng mua một sợi cho Đồ Khả đi, anh ấy nói không cần, Đồ Khả không hợp đeo cái này."

"Sợi dây chuyền này hơn năm mười nghìn tệ, tôi đoán lễ tình nhân anh ấy tặng cô một thỏi son môi hàng hiệu, chắc cũng tầm một nghìn tệ thôi đúng không?"

"Thật ra trong lòng đàn ông phân chia rất rõ ràng, cô phải thừa nhận rằng trong lòng anh ấy tôi và cô không giống nhau. Sợi dây chuyền hơn năm mười nghìn tệ này, anh ấy nghĩ rằng tôi xứng với nó còn cô thì không."

"Ba mẹ anh ấy cũng vậy. Hồi trước quả thật họ rất thích cô, nhưng đó là bởi vì tôi còn chưa xuất hiện. Lựa chọn giữa năm mười nghìn tệ và mười nghìn tệ, tôi nghĩ cũng chẳng có ai sẽ do dự đâu."

Tôi không nên đi gặp Phương Cẩn.

Gặp rồi tôi chỉ càng thấy phẫn nỗ, càng thấy thống khổ hơn mà thôi.

Buổi nói chuyện đó kết thúc bằng khoảnh khắc tôi đứng dậy tạt ly cà phê vào mặt cô ta, tôi nói: "Hai người các cô rất vô liêm sỉ, chơi nam đạo nữ xướng* rõ ràng như thế mà còn tự hào. Vậy tôi chúc các người ở bên nhau thật lâu vào nhé, khóa cứng lại với nhau đi, đừng đi ra ngoài ghê tởm người khác."

[*nam đạo nữ xướng: trai là trộm cướp, gái là kỹ nữ.]

Tôi từ chức về quê, ở nhà sa sút hơn nửa tháng, cả ngày mất hồn mất vía khóc đến sưng cả mắt.

Loại đau khổ này giống như cái gai nhọn cắm sâu vào trong lòng, đau đến nỗi tôi không thở nổi.

Mỗi ngày ba tôi bận rộn chăm nom nhà kính, buổi trưa còn không quên về nhà nấu cơm cho tôi.

Ba nói: "Hoan Hoan vừa bảo trưa nay tới tìm bé chơi đấy, bé vào rửa mặt đi, trông lôi thôi lếch thếch chết đi được."

Giọng nói của tôi rầu rĩ vô cùng: "Con không muốn gặp ai hết, ba cứ nói còn không có nhà đi."

"...Cả thôn ai chẳng biết con bị đá đến giờ vẫn đang ở nhà khóc hu hu."

Từ hai ngày trước tôi đã không khóc nữa rồi, thế mà nghe xong lời này nước mắt lại tràn mi, lập tức khóc òa lên: "Con biết ngay mà, mọi người đều cười nhạo sau lưng con! Ba còn nói đội ngũ tới cửa làm mai cho còn có thể xếp hàng từ nhà mình tới nhà kính, có mà người đang chê cười con có thể xếp từ nhà mình tới nhà kính thì có! Hu hu hu."

"Ai dám chê cười bé! Ba đã sớm nói rồi, chờ tới khi bé kết hôn ba sẽ cho năm trăm nghìn tệ hồi môn, thêm một chiếc ô tô hai trăm nghìn tệ trở lên nữa. Mấy hôm nay thiếu gì người muốn tới mai mối cho bé, nhiều lắm luôn ấy, chẳng qua ba thấy tâm trạng bé không tốt nên từ chối hết thôi!"

"Hu hu hu, đời này con không kết hôn nữa!"

"Không có tiền đồ! Hoan Hoan nhà người ta bằng tuổi con mà đã có hai đứa nhỏ rồi, thế mà giờ con còn ngồi đây ôm chân khóc, bé à con cũng hai tám rồi, con cứ thế này ba lo chết mất!"

Tôi đang nức nở nhưng vẫn không nhịn được sửa đúng lại: "Con hai sáu, tuổi mụ hai bảy."

"Được rồi, con hai bảy, vẫn đang ở nhà ôm chân khóc, Hoan Hoan nhà người ta cũng hai bảy mà đứa lớn sắp học cấp một rồi. Bé à con ăn cái bánh bao rồi tranh một hơi xem nào, Sở Ngang cũng đâu có gì tốt, ba nhìn thì thấy nó cũng thế thôi à. Lưu Gia Dịch người ta tốt hơn nó nhiều, đã biết kiếm tiền còn được việc nữa, tâm địa cũng tốt, ai gặp thằng bé mà không khen nó một câu...."

"Ba, ba đừng nói nữa, con nói ba nghe, con không có nói đùa đâu. Con đã gặp cú sốc quá lớn, đời này con không muốn kết hôn nữa."

"Không kết hôn thì con muốn làm gì?"

Rõ ràng ba đã hơi sốt ruột, tôi lau sạch nước mắt: "Con xin nghỉ việc rồi, sau này con ở nhà trông nom nhà kính với ba, còn tiện chăm sóc ba nữa."

"Con thì hay rồi, ba vất vả làm lụng bồi dưỡng ra một sinh viên đại học là để con về nhà trồng rau à?"

"Trồng rau thì sao chứ? Sinh viên thì sao? Ai dám nói không bao giờ ăn mấy thứ trồng từ đất ra? Không phải ba vẫn hay nói đếm ngược ba đời tất cả mọi người đều là nông dân, phân đắt rẻ sang hèn làm gì à? Chẳng lẽ ngay cả ba cũng thấy nông dân trồng rau thì thua người ta một bậc hay sao?"

"Ba không có nói như vậy nhé, ai dám nói thế là ba cầm xẻng hốt phân hốt nó lên liền, chủ tịch nước còn không dám nói thế cơ mà!"

"Đúng rồi, xem thường ai cơ chứ, sau này con ở nhà trồng rau với ba. Mười mẫu rau trong nhà kính nhà mình con còn có thể bán online trên mạng nữa, phát triển thêm nguồn tiêu thụ."

"Bé à, con cứ nghỉ ngơi đi, rau nhà mình không cần lo không bán được. Trừ bán cho khách mua lẻ như Lưu Gia Dịch thì rau nhà mình đã được thị trường rau sạch ở chợ nông sản bao hết rồi."

"....Vậy, vậy khi nào người ta tới lấy rau thì con giúp ba hái."

"Được, bé đi với thím hai con ra nhà kính hái rau đi, ba trả lương cho bé, một ngày năm mươi tệ."

"Một ngày mới năm mươi tệ?!"

"Nhìn dáng vẻ ôm chân ngồi khóc của con bây giờ cho con năm mươi tệ là còn nhiều đấy. Đám nhóc con mấy đứa bay bây giờ đúng là chưa trải qua đau khổ trong cuộc sống bao giờ nên không biết sợ. Đợi đến lúc con biết tiền khó kiếm, phân khó ăn thì sẽ không ở nhà khóc nữa đâu. Trên đời này nào thiếu người không có cơm để ăn đâu, con có biết không? Xem thời sự chưa? Những nước đang ở trong chiến loạn kia kìa, dân chúng còn không giữ nổi mạng nữa là. Nhà nước mình cho con ăn ngon uống đủ, không tai không họa, thế mà con chỉ vì chút chuyện này mà không chịu đi ra ngoài, mặt không rửa, rằng không đánh, lôi tha lôi thôi..."

"...Ba đừng nói nữa, con xin lỗi Đảng và nhân dân, con đi đánh răng liền đây!"

"Tiện thì rửa mặt luôn đi, xế chiều qua nhà kính làm việc."

Trải qua cái khổ trong cuộc sống rồi thì mới cảm thấy mọi thứ đều là mây bay.

Bên ngoài nhà kính tiết xuân se lạnh, bước vào bên trong thì lại ấm áp như độ hè đến.

Vào nhà kính là phải cởi bớt đồ ra, chỉ mặc áo ngắn tay thôi cũng có thể bận rộn đến nỗi toát mồ hôi đầy đầu.

Tôi ở trong lều trồng đầy cải bó xôi và rau tần ô, công việc của tôi là hái rau rồi buộc gọn gàng lại giống các cô các thím.

Thím hai làm việc rất nhanh nhẹn, vừa cắt rau vừa khuyên tôi: "Tần ô bây giờ hơn mười tệ một cân, cải thìa cũng được sáu bảy tệ, chỉ một mùa đông này thôi ba con cũng phải kiếm được ba bốn mươi nghìn tệ rồi. Anh ấy có tiền, với cả anh ấy cũng tích góp lại hết cho con mà, con còn lo lắng cái gì, bị đá thì bị đá thôi chứ cần gì phải khóc! Mình thế này thì có kiểu người gì mà mình không tìm được!"

"Nhưng mất mặt lắm thím."

"Mất mặt cái gì? Không mất mặt tí nào luôn, con chưa từng nghe à? Người có phúc không vào nhà vô phúc, mình cứ sống thật tốt, sống cho vui sướng vào, để nhà nó hối hận cho biết đời."

"Đúng rồi, là nhà anh ta không có phúc, tìm người tốt hơn anh ta cho nhà bọn họ tức chết đi!"

Thực ra lúc tôi vừa tới nhà kính thì lòng còn hơi thấp thỏm, rất sợ sẽ nhìn thấy ánh mắt dò xét của người khác.

Kết quả là tôi nghĩ nhiều quá rồi, mấy cô mấy thím này ai cũng đều rất nhiệt tình, từng người tới khuyên bảo tôi, còn nói muốn giới thiệu bạn trai cho tôi nữa.

Không biết thím già nào còn dùng điện thoại bật một bài "Phong cách dân gian đẹp nhất" lên.

Mọi người đều cười toe toét, mấy luống rau trong nhà kính mọc rất tốt, luống nào cũng xanh tươi mướt mát.

Ánh nắng xuyên thấu qua đỉnh lều, chiếu rọi vào nhà kính đang độ nóng bức, tôi quay đầu nhìn thấy ba đang đứng ở cách đó không xa nói chuyện với chú hai, khuôn mặt của ba trông vừa tang thương vừa thô ráp, da đã hằn lên rất nhiều nếp nhăn.

Tóc ba bạc đi nhiều, hình như cũng ngay mấy năm gần đây ba già đi trông rõ.

Nhưng chỉ cần ba đứng ở sau lưng tôi thì tôi biết rằng, miễn là ba còn ở đây thì ba chính là tự tin và chỗ dựa của tôi.

Các thím cố hết sức khuyên nhủ và trêu chọc cho tôi vui vẻ lên, nghĩ thôi cũng biết là do ba đã dặn dò trước, để mấy thím ấy khuyên giải tôi nhiều hơn.

Vành mắt của tôi đột nhiên lại nóng bừng, nhớ lại những ngày bản thân mình từng móc tim móc ruột đối xử tốt với ba mẹ Sở Ngang, tính từ lúc ba anh ta bị nhiễm trùng đường tiểu thì có gần hai năm tôi ở nhà anh ta.

Khi đó vừa phải đi làm, lại còn phải chăm sóc gia đình anh ta nữa nên số lần có thể về thăm ba cũng không nhiều.

Dù là có về cũng không ở được bao lâu đã phải chạy lên lại thành phố.

Tôi có lỗi với ba, làm con cái mà lại để tới hai năm sau mới biết được ba bị ung thư tuyến giáp, đã làm phẫu thuật rồi.

Dường như muốn tự ngược bản thân để bớt mấy suy nghĩ lung tung, tôi hái rau trong nhà kính hai ba tiếng liên tục, mệt đến nỗi hai cánh tay đau nhức không giơ lên nổi.

Thím hai bảo tôi đi ra nghỉ ngơi một chút.

Trời đã chạng vạng tối, nhà kính chợt trở nên vô cùng náo nhiệt, bên ngoài có rất nhiều người đang nói chuyện.

Thím hai nói là mấy tiệm cơm trên phố không muốn tới chợ nông sản mua nên ngày nào đúng giờ này cũng đến nhà kính nhập rau về.

Tôi nhớ ba nói con trai của dì Triệu tên là Lưu Gia Dịch.

Vào ngày đầu tiên ba tôi nằm viện là anh rút thời gian ra đến chăm sóc cho ba tôi.

Về tình về lý tôi cũng phải đến ngỏ ý cảm ơn vài câu.

Tôi đã biết Lưu Gia Dịch từ rất lâu. Lúc mẹ tôi còn sống thì bà ấy với mẹ anh là bạn rất thân với nhau.

Hồi tôi còn học nhà trẻ dì Triệu thường hay dẫn Lưu Gia Dịch tới nhà tôi tìm mẹ tôi nói chuyện.

Khi đó quan hệ của tôi và anh vô cùng tốt, chúng tôi cũng nhau chơi đóng vai gia đình, chơi ném bùn ném đất.

Nhưng sau đó ba mẹ anh ly hôn, dì Triệu dẫn anh đi tới nhà cậu ở Sơn Đông.

Mà mẹ tôi đã qua đời ngay lúc tôi đang học tiểu học.

Cho nên chúng tôi từng gặp nhau hồi sáu tuổi, nhưng thời gian qua lâu như vậy rồi, tôi đã sớm chẳng nhớ dáng dấp của anh ra sao.

Thím hai nói anh đang ở lều trồng cà chua và dưa chuột. Tôi mặc áo lông lên, cua vào một đường khác trong nhà kính đi đến lều anh đang đứng.

Mấy giỏ cà chua đã hái được xếp gọn gàng thành từng hàng, có mấy người đang cân, mọi người nói chuyện rôm rả và vui vẻ cực kỳ.

Tôi nhớ lời thím hai nói, Lưu Gia Dịch rất cao, để đầu đinh, trên cánh tay có hình xăm.

Trong nhà kính ai cũng mặc áo ngắn tay nên tôi tìm thấy anh rất dễ.

Chỉ không ngờ rằng trông anh khá mô đen, vành tai đeo một đôi bông tai sáng long lanh, anh cắt đầu đinh sát chân tóc mà còn nhuộm màu vàng nữa.

Thím hai tôi nói trông anh rất ổn luôn, ngũ quan đoan chính, mặt mày chính trực.

Tôi rất muốn phản bác lời này, nhìn thì cũng được, mặt anh rất trắng nhưng trông lưu manh thật sự, không hề liên quan tí gì đến mặt mày chính trực luôn.

Lúc anh ngồi xổm xuống cầm một quả cà chua trong giỏ ra thì tôi mỉm cười đi qua vỗ vai anh:"Hey, Lưu Gia Dịch."

Đột nhiên anh quay đầu lại, chúng tôi bốn mắt nhìn nhau, trong miệng anh đang cắn một quả cà chua.

Cắn miếng to quá nên nước cà chua đang chảy từ khóe miệng anh xuống, còn không may nhỏ đầy trên quần áo.

Quả nhiên tôi có thấy anh hơi quen mắt, tôi đang rất muốn cười nên không nhịn được nói luôn: "Em là Đồ Khả, hồi bé chúng ta có chơi với nhau đấy, anh còn nhớ không?"

Cậu trai đang ngậm cà chua trong miệng lập tức nuốt hết đống cà chua đó xuống ngay, tôi tưởng anh đang định nói gì với tôi thì lại thấy anh há miệng gào lên:"Anh bảy! Đồ Khả tìm anh này!"

Tôi sửng sốt một chút, theo ánh mắt của cậu ta nhìn lại thì mới nhìn thấy có vài người đang đứng cách đó không xa, nãy giờ bị mấy luống cà chua che mất.

Ba tôi và chú hai cũng ở đó.

Liếc mắt sang nhìn người đàn ông trẻ tuổi đang đứng bên cạnh mới thấy anh giống hệt như những gì thím hai nói, anh rất cao, rắn rỏi khỏe mạnh, để kiểu tóc đầu đinh hơi nhú gốc xanh, hình xăm trên cánh tay anh trải dài đến tận mu bàn tay, nhưng ngũ quan lại rất đoan chính nên nhìn trông cực kỳ chính trực.

Có thằng nhóc mặt trắng dáng vẻ lưu manh ở đây làm vật đối chiếu, trông anh thực sự dễ nhìn hơn rất nhiều.

Quai hàm sắc bén, mắt một mí xinh đẹp, sống mũi cao thẳng....Có điều khuôn mặt có vẻ hơi nghiêm túc, ánh mắt thâm trầm ấy lộ ra vẻ sắc bén kinh người.

Ánh mắt kia nhìn lại đây, lúc bốn mắt nhìn nhau đột nhiên tôi cảm thấy cực kỳ căng thẳng.

Như ba tôi đã nói, anh rất được việc, mấy chú bác kia đứng nơi đó, trong tay ai cũng cầm điếu thuốc lá anh đưa qua.

Ba tôi nhìn tôi bằng vẻ mặt hiền từ, ông ấy vẫy tay gọi tôi qua: "Chạy qua đây nhanh lên bé ơi, Lưu Gia Dịch ở đây cơ mà!"

Xấu hổ quá, đột nhiên tôi rất muốn quay người chạy đi.

Nhưng mà các bác các chú và tên mặt trắng trông lưu manh đứng bên cạnh đều đang cười híp mắt nhìn tôi.

Tôi không thể làm gì khác hơn là cắn răng bước qua.

Còn chưa đi tới nơi thì ba tôi đã dẫn chú hai và mọi người lướt qua người tôi một cách nhẹ nhàng---

"Bé à, con với Lưu Gia Dịch cứ nói chuyện từ từ nhé, ba với các bác đi lều khác xem rau, không quấy rầy hai đứa nữa đâu."

Ngay cả thằng nhóc mặt trắng đang thò đầu ra hóng hớt cũng bị ba tôi lôi đi rồi.

Nhất thời chân tay tôi lại trở nên luống cuống và xấu hổ cực kỳ.

Lưu Gia Dịch thật sự rất cao nên vô tình khiến cho nhóc lùn như tôi cảm thấy cực kỳ áp lực.

Mấy ngón tay thon dài của anh vốn đang cầm một điếu thuốc, chắc là đang định châm lên hút, nhưng mà anh thấy tôi đi đến thì lại nhét điếu thuốc đó vào hộp rồi cất đi.

Tôi ngẩng đầu nhìn anh, giọng nói nhỏ như ruồi muỗi, lặp lại y nguyên mấy câu hồi nãy nói với thằng nhóc mặt trắng kia bằng giọng điệu yếu ớt rụt rè:

"Hey, Lưu Gia Dịch. Em là Đồ Khả, hồi bé chúng ta có chơi với nhau đấy, anh còn nhớ không?"

"Nhớ chứ."

Nhìn anh rất nghiêm túc nhưng khi anh cười thì đôi mắt cong lên trông rất đẹp.

Giọng nói cũng dễ nghe, hòa với nụ cười trên môi anh khiến nó trở nên trầm thấp êm ái, giống như khe suối nước đương buổi đầu xuân: "Xin chào Đồ Khả, anh là Lưu Gia Dịch."

Vừa chạm vào cặp mắt kia tôi đã thấy xấu hổ tột độ, chẳng biết nói cái gì cho phải. Nghĩ hồi lâu mới nghẹn ra một câu: "Anh đến mua rau à?"

"Không, anh đến đây đi dạo."

Anh rất hài hước, giọng nói chứa ý cười ấy lập tức đánh tan vẻ lúng túng của tôi, thế là tôi cũng cười: "Anh đi dạo cũng hơi xa đấy."

"Ừ, tiện thế mua rau luôn."

Tóm lại hôm đó là một cuộc đối thoại lạ lùng.

Tôi hỏi anh sao không đi chợ nông sản mua rau, anh lại hỏi tôi có phải không muốn làm ăn với anh không.

Tôi lại hỏi tiếp: "Nghe mọi người nói anh mở một tiệm cơm trên phố hả?"

Anh nói: "Đúng vậy, thế nên mới tới nhà em mua rau."

Tôi còn hỏi anh: "Tiệm ăn làm ăn ổn không?"

Anh nói: "Cũng được, nuôi sống gia đình không thành vấn đề."

Sau này tôi mới biết được người này đúng là rất khiêm nhường.

Tiệm cơm tên "Nhà hàng Cư Phúc" kia có tất cả ba tầng, chiếm diện tích khá lớn, trang trí nội thất bên trong bên ngoài đều trông rất cao cấp.

Bán buôn rất tốt, muốn có phòng riêng cần phải đặt trước mới được.

Lúc bận rộn nhất thì ông chủ như anh cũng phải vào bếp nấu ăn.

Tôi ngạc nhiên hỏi: "Anh cũng biết nấu ăn à?"

Anh nhướng mi rồi nhìn tôi cười: "Ừ, anh tốt nghiệp ở Tân Đông Phương."
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.