Sau khi Thân Giang Kiệt rời khỏi đại lao, trời cũng dần về khuya. Phu phụ Tạ Doanh được đưa về phòng giam, canh phòng cẩn mật, còn có ám vệ theo sát. Thân Giang Kiệt vừa rời khỏi đại lao, Thôi Vĩnh Khanh đã đứng chờ sẵn bên ngoài, mang theo áo khoác và noãn lô. - Bệ hạ, đêm khuya rồi, vi thần đã dọn dẹp một tẩm phòng để Bệ hạ nghỉ ngơi. - Khoan nói chuyện này! – Thân Giang Kiệt nhỏ giọng nói với Thôi Vĩnh Khanh – Chuyện hôm nay trẫm đến tra khảo phu phụ Tạ Doanh phải lan truyện rộng rãi. Nhưng mà kín đáo thôi, không được để quá lộ liễu. Thôi Vĩnh Khanh lập tức hiểu ý Thân Giang Kiệt, cúi đầu nhận lệnh rồi nhanh chóng an bài thỏa đáng. Sáng hôm sau, quả nhiên tin tức Thân Giang Kiệt nửa đêm đích thân đến Hình bộ tra khảo phu phụ Tạ Doanh đã lan khắp hậu cung, tiền triều. Kẻ lo sợ nhất đương nhiên là La Thái Hầu. Mậu Thúy Hà vừa bị đuổi khỏi kinh thành, tinh thần La Thái Hầu vô cùng kích động, giờ lại thêm việc này, tình thế của lão ta càng lúc càng cấp bách. Không những lan truyền tin tức tra khảo phu phụ Tạ Doanh, Thân Giang Kiệt còn đi thêm một nước cờ hiểm. Hắn thông tri cho trên dưới kinh thành biết rõ hành vi của Mậu Thúy Hà và Hiền phi, khiến cho dân chúng dần không còn niềm tin ở La Thái Hầu, uy tín và danh dự của Mậu gia cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. La Thái Hầu đối với sự việc này còn bức xúc hơn. Lão ta cố gắng xây dựng thanh danh bao nhiêu năm chỉ để đổi lấy lòng dân, trải đường cho việc khởi binh sau này. Thế mà hiện tại, không hiểu bằng cách nào, chỉ trong một đêm ngắn ngủi, cả kinh thành đều kháo nhau rằng, Mậu gia hãm hại hoàng tự và Hoàng hậu, còn kết bè kết phái, chèn ép trung thần. Chỉ có việc sổ sách trưng binh có vấn đề là Thân Giang Kiệt không đem truyền ra ngoài. Hắn tự biết việc này cho chính hắn bày ra, hoàn toàn không phải lỗi của La Thái Hầu. La Thái Hầu biết bản thân mình chậm một bước, năm lần bảy lượt muốn giết chết phu phụ Tạ Doanh đều thất bại, mới khiến cho bọn chúng có cơ hội sống sót mà khai báo thành thật với Thân Giang Kiệt. Lão ta biết chuyện cũng đã không thể vãn hồi, liền cáo ốm vài hôm, dự tính đưa quân về thành, bức Thân Giang Kiệt thoái vị. Mấy ngày kế tiếp, đội quân Thân Giang Kiệt lại kết nạp thêm năm ngàn binh lính được tuyển chọn trong cả nước. Quân số của hắn lúc này đã lên đến một vạn người, đều đang được huấn luyện tại chỗ ở mỗi địa phương. Thân Giang Kiệt phân phó cho hai vị Đô chỉ huy sứ nhà Vương Tể tướng cùng các học trò của ông ở địa phương kiểm soát nghiêm ngặt việc huấn luyện, nhất định không để bất cứ sai sót nào xảy ra. Đối nghịch lại với tình thế đắc ý của Thân Giang Kiệt, La Thái Hầu lại tiếp tục chịu đả kích lớn. Quân đội của ông ta có người đào ngũ, khiến cho La Thái Hầu vô cùng tức giận. La Thái Hầu trị quân vô cùng nghiêm khắc, nếu không muốn nói là khắc nghiệt. Cơm vốn không đủ nuôi quân, lại thêm việc Mậu gia chuyên quyền, độc đoán, sớm đã khiến lòng quân bất mãn. Các vị tướng lĩnh của Mậu gia cũng từng cùng La Thái Hầu vào sinh ra tử, nay nghe tin Mậu gia có người làm chuyện khuất tất, hãm hại trung thần, bất kính với hoàng thất, trong lòng bọn họ cũng bắt đầu chán nản. Thân Giang Kiệt đối với tình hình gần đây nắm rõ trong lòng bàn tay, cảm thấy thời cơ lật đổ La Thái Hầu đang đến rất gần. Lúc này, hắn liền nhớ đến kế sách trưng dụng tiền tham ô mà Vương Chi Lăng nói đến hôm nọ, liền âm thầm an bài một số chuyện trọng yếu. Sáng hôm đó, ở buổi tảo triều, La Thái Hầu cáo bệnh không đến. Thân Giang Kiệt liếc mắt nhìn xuống đám quan lại, lão thần theo phe La Thái Hầu, ai nấy đều bày ra dáng vẻ hoang mang, rất thiếu tinh thần. Thân Giang Kiệt ngồi trên long ỷ, thở dài một hơi rồi nói: - Vì sao hôm nay các vị ái khanh lại im lặng như vậy? Mọi hôm không phải ai nấy đều nườm nượp dâng tấu sao? Hay là vì không có La Thái Hầu, nên cũng không cần dâng tấu chương, bàn việc quốc sự nữa? Đám quan lại nghe thấy lời này, liền sợ đến xanh mặt, lập tức quỳ xuống đất tạ tội với Thân Giang Kiệt. Thân Giang Kiệt trong lòng rất phẫn nộ, cảm giác như mấy lão già này ngoài La Thái Hầu thì không còn biết phục tùng ai khác. Để thay đổi được tư tưởng này, thậm chí để họ toàn tâm toàn ý mà theo một minh chủ khác là điều vô cùng khó khăn. Thân Giang Kiệt nhìn thấy tình cảnh trước mắt, nhân lúc La Thái Hầu không có ở đây mà làm mưu làm gió, hắn liền nhắc đến việc nuôi binh: - Hiện tại các vị ái khanh cũng đã biết trẫm lập được một đội quân mới, cũng đã đúc binh phù. Trẫm sẽ sớm chiêu mộ nhân tài, tiếp tục huấn luyện binh lính. Thời gian vừa qua, Thiên Quốc gặp nhiều thiên tai, phỉ tặc hoành hành, quốc khố sụt giảm không ít. Thiết nghĩ, các vị ái khanh làm quan hai triều, trong lòng trung trinh ái quốc, thương dân như con. Nay trẫm phát động quyên góp vào quốc khố để nuôi binh, đồn điền, trang trại trẫm sẽ trưng dụng để lập doanh trại quân đội, để binh lính tự cung tự cấp. Tất nhiên, trẫm sẽ trưng dụng tùy điều kiện của mỗi người, không cào bằng bình quân. Đây là cơ hội tốt để các khanh báo đền hoàng ân mà các khanh thường hay nói đấy! Mấy lão đại thần vừa nghe xong tuyên bố của Thân Giang Kiệt, ai nấy đều tái mét mặt mày. Tranh đấu cả đời, gom góp chỗ này một ít chỗ kia một ít mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay, Thân Giang Kiệt nói thu là thu. Thân Giang Kiệt nhìn sắc mặt không có chút tình nguyện nào của đám đại thần, trong lòng vô cùng thất vọng và ngao ngán. Vương Tể tướng, Thôi Vĩnh Khanh cùng với Tô Ngự sử là những người đầu tiên đứng ra khỏi hàng ngũ để ủng hộ chính sách mới của Thân Giang Kiệt. Tất nhiên, đây đều nằm trong sắp xếp của hắn. - Bẩm Bệ hạ, chúng vi thần nguyện hết lòng cống hiến cho Thiên Quốc và Bệ hạ, báo đáp hoàng ân. Hưởng ứng theo Vương Tể tướng, một số vị quan lại trẻ tuổi trong triều từng là học trò của ông cũng đứng ra ủng hộ Thân Giang Kiệt. Đám lão thần làm quan hai triều nhìn thấy cảnh tượng này, không thể để bản thân mình thua kém đám tân quan, cũng không thể lên tiếng phản đối, sợ khiến Thân Giang Kiệt nghi ngờ gia sản mà bọn họ có được. Hơn nữa, từ khuya hôm qua đến sáng hôm nay, khắp kinh thành đều đồn đãi những lời không hay về La Thái Hầu, cả phu phụ Tạ Doanh cũng đã bị tra khảo, không chừng đã khai ra điều gì đó bất lợi. Đám lão thần lúc này lòng đầy hoang mang, như rắn mất đầu, đối với Thân Giang Kiệt không dám chống đối. - Bẩm Bệ hạ, chúng vi thần cũng nguyện dốc sức vì Bệ hạ. Thân Giang Kiệt thấy một đám người đầu hai thứ tóc, ánh mắt lộ ra vẻ xót xa tiếc rẻ, lại luôn miệng nói muốn cống hiến cho quốc gia đại sự, chỉ muốn há miệng cười thật to. Lần này hắn danh chính ngôn thuận thu lại tiền tham ô, tham nhũng của bọn quan lại, lại khiến cho bọn họ không phản kháng được, Vương Chi Lăng và Vương gia góp công rất lớn. Thân Giang Kiệt giả vờ bày ra một bộ mặt chân thành biết ơn, đứng lên khỏi long ỷ, nhìn đám lão thần mà nói: - Trẫm thực sự cảm kích tấm lòng của các vị ái khanh. Để người đời sau nhớ đến công lao của các ái khanh, trẫm sẽ đích thân đề bút, ban tặng cho mỗi người một bảng hiệu lớn treo ở chính đường trong phủ đệ của các ái khanh. Vương Tể tướng vô cùng phối hợp mà cúi đầu hô vang “Bệ hạ vạn tuế”, văn võ bá quan không ai dám có ý kiến gì thêm, liền học theo Vương Tể tướng mà cảm tạ ân điển của Thân Giang Kiệt. Thân Giang Kiệt vô cùng hài lòng, ra hiệu cho Đào Dung mang lên một danh sách dài, trong đó có ghi chép lại kết quả kiểm kê toàn bộ gia sản của đám quan lại, đại thần. Tài sản thừa kế của tứ thân phụ mẫu cũng bị Thôi Vĩnh Khanh và Vương Khiết điều tra hết một lượt. Số tài sản nào vượt quá tài sản thừa kế cùng bổng lộc ước tính của bọn họ từ lúc nhậm chức quan cho đến thời điểm hiện tại đều bị xung vào công quỹ. Vì thế nên số tiền đóng góp của mỗi người đều khác nhau. Thân Giang Kiệt ra lệnh cho Đào Dung đọc to danh sách mà hắn đã chuẩn bị cho đám đại thần cùng nghe. Quả nhiên, khi nghe đến tên cùng tài sản phải xung vào quốc khố của mình, ai nấy đều toát mồ hôi, cúi gằm mặt không dám lên tiếng. Bọn họ sớm đã nhận ra, số gia sản bị xung công quỹ kia vừa vặn lại là tiền của mà bọn họ tham ô trên mồ hôi nước mắt của lê dân bá tánh. Nay Thân Giang Kiệt tính toán vừa khít, không sai một ly, chứng tỏ hắn đã điều tra rõ ràng, minh bạch gia cảnh từng người một. Đám đại thần tham ô tiền của kia mỗi người một kiểu bộc lộ xúc cảm trên khuôn mặt, nhưng tựu trung lại, ai nấy đều hoảng sợ tột cùng. Không có gì đáng ngạc nhiên, người phải xung gia sản vào quốc khố nhiều nhất chính là Mậu gia. La Thái Hầu không những tham ô tiền của từ đám quan lại cấp dưới lẫn sưu thuế của bá tánh, mà mỗi lần thành công đánh đuổi được vài bộ lạc làm loạn, chiếm được đất đai, tài sản của bọn chúng, lão ta đều cắt xén một ít để bỏ túi riêng. Những chuyện này Thân Giang Kiệt đã có lòng nghi ngờ từ khi Tiên đế còn tại vị, nhưng lúc đó hắn chỉ là một hoàng thứ tử không có địa vị, tài năng buộc phải che giấu để giữ lại mạng sống, nên hắn không thể nói với bất cứ ai. Chuyện Thân Giang Kiệt trưng thu tài sản của đám quan lại trong triều nhận được sự ủng hộ tiên phong của quan lại Vương gia, Thôi gia và học trò của Vương Tể tướng, khiến cho phe cánh La Thái Hầu cũng phải nghiêm chỉnh mà tuân theo. Thân Giang Kiệt sớm thu lại được rất nhiều tiền của, hắn dự định nhân lúc vi hành sẽ đến từng địa phương mà ban phát cho người dân đói nghèo. Sau buổi tảo triều hôm đó, Thân Giang Kiệt thực sự tự tay đề bút ban tặng cho mỗi vị quan lại một bức bảng hiệu lớn. Đám lão thần tham ô tiền của kia nhận được thư pháp của Thân Giang Kiệt lại càng khóc không ra nước mắt. Mỗi bức thư pháp đều đề tám chữ: “Cần, kiệm, liêm, chính, hữu đức hữu tài”.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]