🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Hạnh phúc đồng hành nơi tình bạn.
- Pam Brown
Nổi bật trong số những đồ trang trí và những món nữ trang trưng bày trong phòng của một cô bé 15 tuổi là một chiếc bình bằng gốm màu xanh da trời, có vẽ hình những bông hoa màu sắc sặc sỡ. Đó không phải là một chiếc bình đẹp và nguyên vẹn. Nó đã bị rạn nứt ở nhiều nơi. Dù chủ nhân của chiếc bình đã lắp ghép cẩn thận những mảnh vỡ lại, nhưng nhìn từ xa người ta vẫn có thể thấy những vết nứt chi chít của nó. Nếu chiếc bình ấy có thể cất được thành lời thì nó sẽ kể cho bạn nghe về câu chuyện của hai cô gái và tình bạn tuyệt vời giữa họ.
Amy và June quen nhau trên một chuyến bay khi hai cô bé cùng theo cha từ Bangkok trở về nhà - hai ông bố vốn là đối tác làm ăn của nhau và họ đến Bangkok để tham dự một cuộc họp. June ngồi ở phía sau Amy. Khi bay được nửa quãng đường, Amy ngập ngừng quay lại và đưa cho June một bình hoa màu xanh da trời bằng gốm. Cử chỉ ấy tuy không trang trọng lắm nhưng với hai cô bé điều đó đã được xem như một lời giới thiệu và một vật ký niệm đánh dấu cho tình bạn của họ. June nhận lấy món quà rồi cả hai đều nhìn nhau cười bẽn lẽn. Thế là ngày hôm ấy, tình bạn giản dị giữa hai bé gái cùng bốn tuổi, Amy và June, đã được giao kết.
Nhiều năm trôi qua, Amy và June cùng nhau lớn lên. Họ chơi chung, học chung và lẽ đương nhiên, họ trở thành những người bạn tâm giao, tin cậy nhất của nhau. Bờ vai của Amy là nơi để June gục đầu vào khóc nức nở, kể lể về nỗi đau buồn khi con chó nhỏ của cô bé bị chết trong một tai nạn xe hơi. Lúc Amy bị mọi người chế giễu khi cô trượt té trong một buổi thi năng khiếu thể dục dụng cụ, June đã có mặt ngay bên cạnh Amy để chia sẻ và bênh vực bạn mình. Khi June bỏ nhà ra đi vào năm lên 10 tuổi sau một cuộc cãi vã với mẹ mình thì chính Amy đã khuyên June quay về nhà. Và June đã là người an ủi Amy khi người chú thân yêu của cô bé qua đời. June đã trở thành một phần của Amy và ngược lại, Amy cũng chiếm một vị trí quan trọng không thể thay thế trong cuộc sống của June.
Thế nhưng cuộc đời vốn dĩ chẳng bao giờ êm ái, phang lặng như một thảm hoa hồng. Người ta thay đổi khi đến tuổi trưởng thành - có thể tốt hơn hoặc cũng có thể xấu đi. Đôi khi, những thay đổi này khó lòng được chấp nhận. Và ngay cả những tình bạn đặc biệt nhất cũng có thể đổ vỡ. Năm 14 tuổi, Amy bắt đầu có bạn trai, ở lứa tuổi này, đối với Amy, bạn trai đúng là một món quà trời cho. Amy dành hết thời gian hẹn hò với người bạn trai và càng ngày càng ít gặp June. Dù thấy lòng bị tổn thương, June vẫn luôn cố gắng thông cảm với bạn mình. Cô vẫn có mặt bên Amy sau mỗi lần Amy cãi vã với bạn trai và cần đến cô để giải tỏa nỗi buồn. Còn khi June cần đến Amy thì cô lại đang mê mải ở tận đâu đâu với anh bạn của mình. Và cứ thế, Amy vẫn vô tâm và tiếp tục trút gánh nặng ưu phiền lên June. Đến một ngày, quá buồn và thất vọng về thái độ thờ ơ của bạn mình, June đã gọi Amy sang nhà mình để nói chuyện. Trong khi June cố gắng bày tỏ những khó khăn và ưu tư của mình Amy đã không thèm nghe mà còn gạt phắt lời cô.
- Chuyện ấy nói sau đi.
Sau đó Amy hỏi ý kiến June về việc cô nên mua quà gì cho bạn trai nhân dịp nửa năm ngày họ quen nhau. Thái độ đó của Amy như giọt nước cuối cùng làm tràn ly. June không thể chịu đựng thêm được nữa. Bao nhiêu giận dữ, đau khổ, oán hờn và thất vọng chất chứa trong cô bao ngày chợt dâng trào, cô òa khóc và lớn tiếng với Amy.
- Cậu coi tớ là gì chứ, Amy? Là bạn cậu hay chỉ là một con chó bé nhỏ của cậu? - June nói trong nước mắt. Cô hy vọng là Amy sẽ hiểu ra và xin lỗi mình.
Nhưng không. Amy tìm cách chống chế và hét lại June. Tình bạn gắn bó trong 10 năm của họ đang tan dần trước mắt hai cô gái. Chẳng ai trong họ muốn cứu vãn tình hình.
- Đúng đấy, June! Tớ căm ghét cậu! - Amy hét lên.
Còn gì để nói nữa! June xoe tròn đôi mắt ướt đẫm nhìn sững Amy. Amy quay phắt đi, đừng đừng bước ra khỏi phòng June, kéo cánh cửa đóng sầm lại sau lưng mình. Chiếc bình gốm màu xanh da trời trên kệ lắc lư rồi rơi xuống sàn, vỡ tan thành nhiều mảnh. Nước mắt giàn giụa, June quỳ xuống sàn nhặt lên từng mảnh vỡ. Thế là hết. Hết rồi những tiếng cười khúc khích trong veo của hai đứa. Hết rồi những buổi tán gẫu, những bữa tiệc kéo dài phải ngủ lại nhà nhau. Và cũng hết rồi những lần hai đứa huyên thuyên bất tận trên điện thoại... Hết thật rồi! Tình bạn 10 năm đã vỡ tan tành như chiếc bình mà June đã nâng niu như báu vật suốt bao nhiêu năm, chiếc bình tượng trưng cho tất cả những gì tuyệt vời nhất của tình bạn.
Nỗi đau mất đi người bạn thân nhất, mất đi người mình tin tưởng nhất còn đau xót hơn cả việc bị ngàn vết dao đâm. June gục người trên ghế nức nở. Đây không phải là chuyện cãi nhau ngớ ngẩn nhưng đôi lúc vẫn xảy ra giữa cô và Amy. Lần này quá đỗi trầm trọng và khó lòng hòa giải. Một cảm giác trống trải khủng khiếp chiếm ngự trái tim June. Cô biết tình cảm gắn bó giữa họ chỉ còn là con số không to tương. Cô cũng biết chẳng cách nào có thể hàn gắn lại được. Tất cả đã kết thúc.
Những ngày sau đó, khi gặp nhau ở trường, cả June và Amy đều lạnh lùng và cư xử với nhau như người xa lạ. Không lâu sau lần cãi vã đó, Amy chia tay người bạn trai của cô. June biết lúc ấy Amy đang cần mình nhưng cả hai đều bương bỉnh, tiếp tục giữ thái độ băng giá và xa cách với nhau. Amy không tha thứ cho những lời kết tội “độc ác” của June. Và cả June, cô cũng không tìm được trong trái tim nguội lạnh của mình một chút hơi ấm nào để có thể tha thứ cho Amy. vết thương thể xác và nỗi đau tinh thần đều cần đến thời gian để chữa lành. Cũng giống như chiếc bình gốm vậy. Những mảnh vỡ của nó vẫn nằm nguyên trong ngăn kéo của June. Dau rằng có thể gắn chúng lại với nhau, và dù cẩn thận đến đâu, những vết nứt vẫn còn đó. Một chiếc bình đã vỡ không bao giờ có thể lấy lại sự nguyên vẹn như trước được.
Một năm trôi qua. Đến ngày sinh nhật của June, thay vì vui sương và hạnh phúc, June lại thấy buồn. Cô nhớ lại ngày sinh nhật lần thứ 14 của mình, một tháng trước khi cuộc cãi vã nghiêm trọng xảy ra. Ngày hôm đó thật tuyệt; cô và Amy đã rất vui vẻ bên nhau. Họ cứ khúc khích cười mãi về những điều chẳng đâu vào đâu rồi lao vào giành ăn với nhau. Họ đã cùng thề nguyền rằng tình bạn của họ sẽ mãi mãi không bao giờ đổi thay. Những giọt nước mắt thấm đẫm sự ngọt ngào lẫn đắng cay dâng lên trong khóe mắt của June. Cô vẫn còn nhớ hình ảnh cô bé Amy 4 tuổi đang chìa chiếc bình màu xanh về phía cô.
Có tiếng chuông reo. June bật dậy và chạy ra cửa. Cô đang chờ người chị họ của mình đến. Cánh cửa mở ra. June cứng đờ cả người. Amy đang đứng tại ngưỡng cửa, tay cầm một gói quà nhỏ.
- Tớ chỉ muốn nói rằng tớ...
Hai người bạn thân cũ nhìn nhau, cảm xúc của cả hai đang phản chiếu trên gương mặt của nhau.
- Ch... ú... c si... nh nhật vui vẻ, June.
Cuối cùng thì Amy cũng lắp bắp xong đủ câu. Cô giúi món quà vào tay June rồi chạy nhanh ra đường. June cảm thấy có điều gì đó thôi thúc mình đuổi theo Amy, nhưng cô vẫn đứng yên. Thay vào đó, cô nhẹ nhàng khép cửa lại.
Về đến phòng mình, June ngồi xuống giường và mở món quà ra. Đó là một chiếc vòng đeo tay. Đính vào đó là một mảnh giấy ghi hàng chữ: “June thân mến, Chúc Mừng Sinh Nhật thứ 15. Amy”, và phía cuối là câu tái bút “Tớ xin lỗi”. Chỉ vỏn vẹn có ba từ. Ba từ đơn giản mà đong đầy niềm vui trong trái tim June. Cô nhấc điện thoại và gọi Amy. Cùng lúc trong đầu cô nhắc mình là phải hàn gắn lại chiếc bình vỡ. Cho dù nó sẽ không bao giờ có thể hoàn hảo như cũ, nhưng một chiếc bình không hoàn hảo vẫn tốt hơn một chiếc bình vỡ nát.
Bộ đồ của ba
Lúc nhỏ, bộ đồ ba mặc luôn khiến tôi thấy sượng sùng. Tôi muốn ba ăn mặc giống mấy vị bác sĩ, luật sư chứ không như cách tôi trông thấy ba vào những sáng oi bức khi ba thức dậy sớm để chiên trứng cho tôi và mẹ.
Ba ưa mặc chiếc quần jeans cũ mèm, với những dấu dao nhíp ở đũng quần, và chiếc áo vải với thật nhiều móc khóa, gài đủ thứ bút viết, thuốc lá, mắt kính, cờ-lê, tuốc-nơ-vít ở các túi. Giày của ba là loại có mũi bằng thép, rất khó cởi ra nên tôi thỉnh thoảng cởi giày giùm ba mỗi khi ông đi sửa máy lạnh về. Mà nghề nghiệp của ba cũng làm tôi thấy xấu hổ ghê gớm.
Tuy vậy, vì hãy còn là con nít nên tôi thường lén vào phòng ba, bắt chước mặc đồ của ba và săm soi trước gương. Trí tưởng tượng của tôi biến áo ba thành áo choàng của vua, và dây thắt lưng thành bao súng của lính. Tôi thường mặc áo lót của ba đi ngủ. Chính nhờ cái mùi mồ hôi quen thuộc trên cổ áo ba mà tôi trấn át được nỗi sợ bóng tối của mình. Nhưng đến mấy năm gần đây tôi bắt đầu ước chi ba bán quách mớ quần jeans đi để đổi lấy quần kaki và thay những đôi giày cổ lỗ sĩ bằng giày đế phẳng hợp thời trang hơn. Tôi cũng thôi không mặc đồ ba khi đi ngủ. Và cuối cùng thì mơ về một người cha khác.
Tôi đổ lỗi cho cách ăn mặc của ba đã gây nên những thất bại trong đời mình. Khi bị bọn con trai bắt nạt, tôi cầu mong chúng nhìn thấy ba đội nón cao bồi, cởi trần và dẫn chó đi dạo. Tôi cảm tưởng như bọn con gái cười nhạo tôi vì thấy ba tôi mang đôi giày đen xì tự xén cỏ. Gia đình bọn nó thuê người khác cắt tỉa bãi cỏ (tôi tin chắc là họ ăn mặc cũng đẹp hơn ba tôi); trong khi ba tụi nó thảnh thơi dạo du thuyền trên vịnh, diện áo len màu vàng chanh và đi giày xăng-đan đắt tiền.
Ba chỉ mua có hai bộ đồ vét trong đời. Ba thích ăn mặc sao cho thoải mái để có thể dễ dàng chui xuống gầm xe. Thế nhưng, vào trước ngày kỉ niệm 20 năm ngày cưới của ba mẹ, ba cùng tôi tới tiệm Sears - cửa hàng quần áo nổi tiếng trong vùng. Suốt buổi trưa ba thử hết bộ này đến bộ kia. Mỗi bộ, ba đều bước đến trước gương, mỉm cười và gật đầu, hỏi giá rồi lại đi tìm bộ khác. Có lẽ ba thử đến cả chục bộ trước khi lái xe qua một cửa hàng giảm giá và mua ngay một bộ mà chẳng cần phải thử. Tối hôm đó, mẹ tôi mãi xuýt xoa là bà chưa từng thấy người đàn ông nào đẹp trai hơn thế.
Song, hôm ba mặc bộ đồ ấy đi dự lễ phát thưởng lớp 8 của tôi thì tôi ước gì ba ở nhà còn hơn. Sau buổi lễ (tôi được chọn là Học sinh Ưu tú toàn diện),ba vừa thay bộ đồ bạc màu vừa khen ngợi thành tích của tôi. Khi ba vào ga-ra để rửa xe, tôi đánh bạo nói hết với ba về điều bị coi như sai trái đã sỉ nhục tôi ở tuổi 14.
- Tại sao ba không ăn mặc “tử tế” như ba của mấy đứa bạn con? - Tôi chất vấn.
Ba sửng sốt nhìn tôi với ánh mắt đau buồn, cố tìm câu trả lời. Rồi trước khi đi khuất vào ga-ra ba nói:
- Ba thích bộ đồ của mình.
Đến khi chính chắn hơn, tôi nghiệm ra rằng bọn con gái tránh né tôi không phải vì ba tôi, mà chính vì tôi, con trai của ông. Tôi nhận ra câu nói của ba tối hôm đó rõ ràng hàm ý là: “Có những thứ quan trọng hơn quần áo bên ngoài; và ba không thể tiêu phí đồng xu nào cho bản thân bởi vì con cần nhiều thứ”. Ba chẳng cần nói thêm lời nào, nhưng tôi hiểu ba muốn nói: “Ba hy sinh để cuộc đời con sau này sẽ khá hơn cuộc đời ba”
Lễ tốt nghiệp trung học của tôi, ba đến dự trong bộ đồ mẹ mới mua hồi sáng sớm. Không hiểu sao ba có vẻ cao ráo đẹp trai và bệ vệ hơn những ông bố khác. Khi ba đi ngang, họ nhường lối cho ba - dĩ nhiên không phải vì bộ đồ mà vì con người ba. Nhận thấy sự tự tin trong dáng vẻ đường hoàng và niềm tự hào trong mắt ba, các bác sĩ và luật sư cư xử với ba thật lịch sự và trân trọng. Sau đó về nhà, ba cất kỹ bộ đồ tầm thường nhất của tiệm Sears ấy vào tủ. Và mãi cho đến lễ tang của ba, tôi không bao giờ trông thấy nó một lần nào nữa!
Tôi không biết ba đã mặc đồ gì khi mất. Nhưng lúc ấy ba đang làm việc nên ắt hẳn là ba đang mặc bộ đồ ưa thích của mình. Điều đó an ủi tôi nhiều lắm. Mẹ định tẩm liệm ba trong bộ đồ của tiệm Sears, nhưng tôi thuyết phục mẹ gởi đến nhà tang lễ cái quần jeans cũ, chiếc áo vải và đôi giày sờn mép của ba.
Buổi sáng hôm tang lễ, tôi lấy dao nhíp đục một lỗ trên dây thắt lưng của ba cho nó vừa với eo mình. Xong, tôi mặc bộ đồ tiệm Sears của ba vào. Thu hết can đảm, tôi nhìn mình trong gương. Đó! Ngoại trừ bộ đồ, dáng vẻ tôi mới nhỏ bé và tầm thường làm sao. Một lần nữa, như thời thơ ấu, bộ đồ lại lùng thùng phủ lên thân hình còm nhom của tôi. Mùi của ba lại phả lên mơn trơn khuôn mặt tôi, nhưng không thể nào an ủi tôi được. Tôi không chắc lắm về vóc người của ba - tôi đã không còn là thằng bé nông nổi từ lâu rồi. Đứng lặng trước gương, nước mắt dâng trào, tôi cố tưởng tượng ra “mình sẽ như thế nào trong quãng đời sau này” - những ngày tôi sẽ lớn lên trong bộ đồ của ba.
Khi bạn vội vã
(Chú thích: Thời điểm trong câu chuyện là năm 1945, khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. )
Hai cha con nhà nọ sinh sống bằng nghề làm nông trên một mảnh đất nhỏ ở miền quê. Mỗi năm, họ lại đánh xe bò nhiều đợt lên thành phố gần đó để bán rau quả, những thứ họ tự tay trồng. Ngoại trừ việc cùng danh tánh và sống chung dưới một mái nhà, hai cha con họ hầu như chẳng có điểm gì giống nhau. Người cha luôn bình tâm trước mọi việc còn người con trai thì lúc nào cũng vội vàng.
Một buổi sáng tinh mơ nọ, hai cha con thức dậy, chất hàng lên chiếc xe bò để bắt đầu một cuộc hành trình dài như mọi khi. Anh con trai tính trong đầu rằng nếu họ đi với tốc độ nhanh hơn và không nghỉ qua đêm, chỉ sáng sớm hôm sau họ sẽ tới được chợ. Thế là anh dùng roi liên tục thúc con bò, hối nó bước mau hơn.
- Từ từ thôi, con ạ! - Người cha bảo - Từ tốn sẽ giúp con sống lâu hơn đấy.
- Nhưng nếu chúng ta đến chợ sớm hơn những người khác, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội bán hàng giá cao hơn. - Anh con trai cãi.
Người cha không đáp. Ông kéo sụp chiếc nón xuống che mặt và ngủ tại chỗ của mình. Thấy thế anh con trai càng bực mình và khó chịu, anh cố thúc con bò đi nhanh hơn nữa.
Bốn giờ sau, họ đi ngang qua một ngôi nhà nhỏ. Người cha thức giấc, mỉm cười và nói:
- Tới nhà chú con rồi. Chúng ta ghé vào hỏi thăm chú ấy một tiếng.
- Nhưng chúng ta đã trễ mất gần một giờ rồi. - Con trai ông càu nhàu.
- Trễ thêm vài phút nữa cũng chẳng sao. Chú và bố là chỗ ruột thịt, có mấy khi gặp được nhau đâu. - Người cha chậm rãi đáp. Rồi họ dừng lại và ghé vào ngôi nhà.
Chàng trai trẻ càng sốt ruột và tức tối khi thấy cha và chú ngồi huyên thuyên cười nói. Gần một tiếng sau, hai cha con anh từ giã người chú và tiếp tục lên đường. Lúc này, đến phiên người cha cầm lái. Khi đến một ngã ba, người cha quẹo xe sang phải:
- Đường bên tay trái ngắn hơn mà bố - Người con nói.
- Bố biết, nhưng đường bên tay phải đẹp hơn nhiều.
- Chẳng lẽ bố không biết quý thời giờ à? - Chàng trai trẻ mất kiên nhẫn.
- Ô, bố quý thời giờ lắm chứ! Chính vì thế bố mới muốn ngắm nhìn cảnh đẹp và tận hưởng trọn vẹn mỗi giây phút.
Con đường mà người cha đi có nhiều khúc uốn quanh, băng xuyên qua những đồng cỏ thật đẹp mọc đầy hoa dại và có cả một dòng suối mát trong chảy dọc theo - thế nhưng người con trai đã để lỡ mất dịp ngắm nhìn phong cảnh đẹp ấy. Anh ngồi nhấp nhỏm bên trong xe, lòng bồn chồn và hết sức lo lắng vì sợ đến trễ. Anh cũng không nhận thấy cảnh hoàng hôn hôm ấy mới đẹp làm sao!
Trời sập tối, hai cha con đến một nơi trông như một khu vườn khổng lồ đầy hương sắc. Người cha khoan khoái hít thở hương thơm làm xao xuyến lòng người của những bông hoa, lắng nghe tiếng suối róc rách và đô xe lại.
- Chúng ta sẽ ngủ lại đây. - Ông khoan khoái nói.
- Từ giờ trở về sau con không bao giờ đi cùng với bố nữa. - Anh con trai tức tối nói - Bố thì chỉ thích ngắm hoàng hôn và xem hoa hơn là kiếm tiền!
- Tại sao lại không như thế chứ, đó chẳng phải là những điều đẹp nhất mà từ trước đến giờ con vẫn nói đấy sao?
Vài phút sau, ông thiếp vào giấc ngủ. Trong khi con trai ông nhìn mãi những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, mong cho đêm chóng qua. Đêm như dài vô tận và người con trai chẳng hề chợp mắt.
Trước lúc mặt trời mọc, chàng trai trẻ nhanh chóng đánh thức cha anh dậy. Họ lại tiếp tục đi. Sau khi đi được khoảng một dặm, tình cờ họ gặp một người nông dân đi đường - một người xa lạ - đang cố kéo chiếc xe ra khỏi một vũng lầy.
- Chúng ta giúp ông ấy một tay đi nào. - Người cha già thì thầm.
- Để mất thời gian nữa à? - Chàng trai như muốn nổi đóa lên.
- Con bớt căng thẳng một chút đi, có thể chính con cũng đang bị kẹt vào một vũng lầy nào đó. Chúng ta nên giúp đỡ người khác khi họ cần - đừng quên điều đó con ạ!
Anh con trai dừng xe mà trong lòng hết sức tức giận.
Khi họ giúp người nông dân kia kéo được chiếc xe khỏi chỗ lầy thì đã gần tám giờ sáng. Đột nhiên, có một vùng ánh sáng rất lớn lóe lên như muốn tách đôi bầu trời ra. Sau đó là một âm thanh nghe như tiếng sấm. Ở xa phía bên kia ngọn đồi, bầu trời trở nên tối đến.
- Chắc là trong thành phố có mưa dông lớn. - Người cha đoán.
- Nếu chúng ta nhanh chân hơn, có lẽ giờ này chúng ta đã bán gần hết hàng rồi - Người con lầm bầm.
- Bình tĩnh đi... con sẽ sống lâu hơn, và con sẽ tận hưởng cuộc sống được nhiều hơn. - ông già nhẹ nhàng khuyên nhủ con mình.
Khi hai cha con ông đến được ngọn đồi mà trông xuống sẽ thấy toàn cảnh thành phố, trời đã xế chiều. Họ dừng lại và nhìn xuống phía bên dưới một lúc lâu. Không ai nói với nhau một lời nào. Cuối cùng, chàng trai trẻ đặt tay lên vai cha anh rồi nói:
- Con đã hiểu những lời bố nói rồi.
Họ quay chiếc xe lại và bắt đầu trở về nhà, rời xa cái thành phố có tên là Hiroshima của Nhật Bản.
Bài học về cách chấp nhận
Mỗi lần thất vọng hay gặp thất bại trong cuộc sống, tôi lại nghĩ đến câu chuyện của một cậu bé gần nhà.
Ngày đó, cậu bé đang tranh tài với các bạn cùng lớp cho một vai diễn trong vở kịch của trường. Mẹ em nói với tôi rằng em đã đặt hết tâm sức vào vai diễn thử này, mặc dù trong thâm tâm bà biết con trai mình không có năng khiếu diễn kịch. Đến ngày nhà trường quyết định chọn ai vào vai, tôi theo mẹ em đến trường để đón em sau giờ tan học.
Vừa nhìn thấy mẹ, em chạy vội ngay đến, đôi mắt sáng long lanh ngập tràn hãnh diện và thích thú:
- Mẹ ơi, mẹ đoán thử xem nào?
Em la toáng lên và không thể chờ được, bằng giọng hổn hển, xúc động, em nói luôn câu trả lời mà sau này trở thành bài học cho tôi:
- Con được cô chọn là người vỗ tay và reo hò, mẹ ạ!
Người chia sẻ với người khác nhiều nhất
Tình yêu là tất cả mọi điều. Đó là chìa khóa của cuộc đời và ảnh hưởng của tình yêu làm lay động cả thế giới
- Khuyết danh
Một thầy giáo lớn tuổi đã kể lại cuộc thi mà có lần ông được mời làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm xem đứa trẻ nào có lòng quan tâm đến người khác nhất. Người đoạt giải cuộc thi này là một cậu bé mới bốn tuổi.
Gần nhà cậu bé có hai vợ chồng già luôn yêu thương và nương tựa lẫn nhau. Cho đến một ngày kia, khi bà cụ qua đời, ông cụ buồn đau khôn xiết. Nhìn thấy ông cụ đau đớn, cậu bé đi qua nhà và leo vào ngồi trong lòng ông cụ, và cứ ngồi yên ở đó. Khi mẹ cậu bé hỏi cậu đã nói gì để an ủi ông cụ, cậu bé trả lời:
- Con chẳng nói gì cả, con chỉ giúp cho ông khóc được thôi mà.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.