- Theo lời tiểu huynh đệ đã thuật với lão phu, thì tiểu huynh đệ đã tiếp xúc nhiều lần với người trong một bang hội bí mật nào đó, họ biết tiểu huynh đệ hiểu rất nhiều về hành vi của họ, họ chẳng khi nào buông tha tiểu huynh đệ đâu. Phần tiểu huynh đệ thì thân thế còn mù mờ, thù nhà lại chưa trả xong, nếu mang thêm cừu oán nữa thì phiền lụy vô cùng, việc cũ chưa rồi, sanh thêm việc mới, khó khăn nguy hiểm ngày một chất chồng, thiết tưởng đó không phải là một điều đáng mong muốn. Cho nên, tiểu huynh đệ cần phải cải sửa dung mạo, che giấu hành tung, có như vậy mới mong thành công được.
Tiết Thiếu Lăng thầm nghĩ :
- “Tiên sanh nói đúng! Hiện tại trên chốn giang hồ, có nhiều kẻ đã nhận diện được ta, nếu ta cải sửa dung mạo, thì ta tránh được chúng gây phiền lụy, ta mới có thể tự do đi lại, tra phỏng lai lịch của ta, truy lùng ke thù đã sát hại cha mẹ ta”.
Chàng vòng tay hỏi :
- Tiên sanh sẽ áp dụng phương pháp nào giúp cho tại hạ?
Cửu Nghi tiên sinh mỉm cười :
- Rất dễ! Lão phu đã chuẩn bị sẵn sàng, tiểu huynh đệ hãy đi theo lão phu!
Tiên sanh đưa Tiết Thiếu Lăng vào một gian phòng bên hữu, chàng trông thấy nơi vách có một chiếc kệ bày la liệt những hũ những bình nhỏ có to có, dưới nền lại có nồi, có dao, có xẻn, gian phòng này là nơi tiên sanh luyện thuốc.
Lão đưa tay chỉ một chiếc giường :
- Tiểu huynh đệ lên ngồi trên đó đi.
Lão nói xong bước ra ngoài, một lúc sau khuân một chiếc lò vào đặt trên nền phòng, sau đó mang chiếc nồi thuốc đặt lên lò, quạt lửa.
Tiết Thiếu Lăng không rõ chiếc nồi đựng loại thuốc gì, mùi thuốc bốc lên nghe đăng đắng.
Tiên sanh lại lấy một chiếc rương sơn đen, mở nắp ra, moi moi một lúc, lấy mấy chiếc bình đủ kích cỡ đặt lên mặt bàn.
Cuối cùng, tiên sanh đốt một ngọn đèn sáp, rồi lại lấy mấy thanh đao nhỏ, tất cả đều đặt lên mặt bàn. Tiên sanh quay qua chàng, điểm một nụ cười :
- Hiện tại, tiểu huynh đệ nằm xuống đi.
Tiết Thiếu Lăng lại nghĩ :
- “Lão sẽ làm như thế nào, trông lão dàn cảnh cũng công phu lắm! Phương pháp của lão phiền phức quá, khác xa với thuật của sư phụ ta!”
Nhưng chàng không hỏi gì cả, y lời nằm xuống, nghiêng mặt nhìn lão.
Tiên sanh lấy một chiếc khăn mặt, nhúng vào nồi thuốc, lấy tay vò lại thành một khối, phồng miệng thổi vài hơi, đoạn thốt :
- Tiểu huynh đệ cố gắng chịu đựng nhé!
Lão lấy chiếc khăn nhúng thuốc đỏ, mở rộng ra, trải lên mặt Tiết Thiếu Lăng.
Tiết Thiếu Lăng cảm thấy đau đớn vô cùng, mũi chàng hít hít mấy hơi, rồi không còn cảm giác gì nữa.
Tuy nhiên, chàng lờ mờ nghe tiếng dao xớt qua xớt lại trên mặt, mường tượng tiến cạo, tiếng sửa soạt soạt, rè rè.
Dần dần, chàng mê man rồi ngủ thiếp đi.
Tiết Thiếu Lăng không rõ mình thiếp đi được bao lâu, khi tỉnh lại mở mắt ra, thấy Cửu Nghi tiên sinh đứng trước mặt, lão lộ vẻ hài lòng lắm.
Dĩ nhiên, chiếc khăn thuốc đã được vứt bỏ rồi, nên chàng mới trông thấy lão được.
Thấy chàng tỉnh lại, lão hỏi :
- Tiểu huynh đệ có nghe cảm giác gì chăng?
Tiết Thiếu Lăng vừa ngồi dậy, vừa đáp :
- Tại hạ nghe da mặt căng thẳng quá, khó chịu vô cùng.
Cửu Nghi tiên sinh trấn an chàng :
- Không sao đâu, chỉ ít hôm là quen.
Lão trao cho chàng một tấm gương, bảo :
- Tiểu huynh đệ hãy soi mặt xem nhận ra mình được chăng?
Tiết Thiếu Lăng tiếp lấy tấm gương, đưa trước mặt bất giác sững sờ.
Mặt vẫn y nguyên hình dạng, không to hơn, không nhỏ hơn, không ốm không mập hơn, nhưng sắc thì hoàn toàn biến đổi.
Không phải biến đổi xấu hơn, đen đúa hơn, trái lại còn thanh tú hơn mấy phần, vẻ thanh tú dịu hiền, đôi mày lưỡi kiếm mất hẳn sát khí, chàng đã hoàn toàn có một gương mặt khác lạ.
Chàng đưa tay xoa xoa da mặt, làn da vẫn mịn màng như trước không thay đổi chút nào, xúc giác vẫn y nguyên không có vẻ gì là ngụy tạo cả.
Cửu Nghi tiên sinh cười, ngăn lại :
- Đừng động mạnh, tiểu huynh đệ ạ! Phải đợi 3 hôm nữa, gương mặt mới trở thành tự nhiên, chừng đó muốn nắn nót đụng chạm thế nào cũng được.
Tiết Thiếu Lăng buột miệng khen :
- Thủ thuật của tiên sanh quả thần diệu thật! Nhưng rồi sau này, tiên sanh làm thế nào khôi phục lại sắc diện của tại hạ?
Cửu Nghi tiên sinh cầm một chiếc bình, đưa lên nói :
- Khi nào tiểu huynh đệ biết được thân thế mình, trả xong thù nhà, muốn có gương mặt cũ trở lại, thì nấu nước sôi bỏ thuốc này vào, để nóng mà rửa tức khắc được toại nguyện.
Lão trầm giọng nói tiếp :
- Tuy là gương mặt giả tạo, song nó không phải là một gương mặt giả như chiếc mặt nạ, nó là gương mặt thiệt song khác hơn thôi. Nó biến đổi con người thành khác lạ, một con người thật sự khác lạ chứ không phải một con người giả. Tiểu huynh đệ lại còn được cái lợi là vẫn dùng thủ thuật của Tang Cửu cải sửa dung mạo như đã làm.
Tiết Thiếu Lăng tiếp lấy chiếc bình cất vào mình.
Cửu Nghi tiên sinh lại tiếp :
- Gương mặt đổi chưa đủ, phải đổi luôn giọng nói. Ngoài ra, không nên dùng tiếng xưng hô cũ, mà phải xưng là đệ tử nhà họ Bạch tại đất Cô Tô, bởi hiện tại thân phận phải tùy theo diện mạo mà biến đổi.
Tiết Thiếu Lăng kinh dị, thầm nghĩ :
- “Tại sao phải xưng là Bạch gia đệ tử đất Cô Tô?”
Song chàng không hỏi lý do, chỉ gật đầu thốt :
- Tại hạ nhớ việc đó!
Chàng nhớ lại, tiên sanh có nói là sẽ tóm lược sự phỏng tra lai lịch trong một phạm vi nhỏ hẹp, bởi không tiện nói nhiều, nói nhiều thì có hại cho chàng, nên nhắc tiên sanh việc đó, nhờ lão chỉ điểm.
Cửu Nghi tiên sinh gật đầu :
- Phải, tự nhiên lão phu phải nói cho tiểu huynh đệ biết đại khái sự tình, không khác nào vẽ một con đường tắt cho tiểu huynh đệ noi theo mà hành động, tránh bớt hoang mang, mau đạt đến đích. Sở dĩ lão phu đắn đo là vì chưa biết được làm như vậy có giúp ích gì thực sự cho tiểu huynh đệ chăng?
Lão trầm ngâm một lát rồi tiếp :
- Hiện tại là thượng tuần tháng 3, tiểu huynh đệ khởi hành từ đây thẳng tới Tứ Xuyên làm thế nào cho kịp ngày rằm tháng tư đến thành đô.
Tiết Thiếu Lăng hỏi :
- Đến Thành Đô rồi, tại hạ sẽ làm gì?
Cửu Nghi tiên sinh tiếp :
- Đến lúc đó rồi tự nhiên cơ hội đưa đến, tiểu huynh đệ sẽ biết mình phải làm gì.
Tiên sanh với tay lên bàn lấy một ống tre nhỏ trao cho chàng :
- Trong chiếc ống này, lão phu có để một mảnh giấy chỉ dẫn những điều cần thiết cho tiểu huynh đệ theo đó mà hành động, nhưng phải đợi đúng ngày mười tám tháng tư mới được mở ra xem.
Hiện tại Tiết Thiếu Lăng đã trọn lòng tin tưởng Cửu Nghi tiên sinh rồi, chàng tiếp lấy ống tre lại hỏi :
- Tiên sanh còn điều gì chỉ điểm thêm chăng?
Cửu Nghi tiên sinh gật đầu :
- Còn một điều rất trọng yếu. Lão phu đã dùng thủ thuật biến tiểu huynh đệ thành một thư sanh yếu đuối, vậy từ đây đến ngày mười tám tháng tư, tuyệt đối không để lộ mình là con nhà võ, bất cứ gặp trường hợp khiêu khích nào, bất cứ gặp trường hợp phải bắt buộc tự vệ như thế nào.
Tiết Thiếu Lăng lấy làm lạ :
- Rồi sau ngày mười tám tháng tư?
Cửu Nghi tiên sinh trầm ngâm một chút :
- Từ sau ngày mười chín trở đi, nếu không gặp trường hợp bất khả kháng, cũng không nên xuất thủ biểu lộ võ công. Lão phu nói “bất khả kháng” là khi nào cấp bách cần bảo vệ mạng sống, lúc đó tự nhiên mình phải động thủ rồi.
Tiết Thiếu Lăng thầm nghĩ :
- “Theo khẩu khí của lão, có lẽ ngày mười chín tháng tư có đại biến gì cho ta chăng?”
Chàng muốn hỏi thêm cho rõ ràng, tiên sanh chừng như đã đoán được ý niệm đó, bật cười ha hả :
- Đừng hỏi gì hơn những điều lão phu có thể nói, tiểu huynh đệ ạ, bởi lão phu chỉ có thể thu hẹp phạm vi sự giải thích như đã bảo với tiểu huynh đệ trước đây, vả lại nói nhiều quá thành ra vẽ vời. Theo lão phu nghĩ, càng biết ít việc trong chuyến viễn du này, tiểu huynh đệ càng có lợi. Hãy an tâm lên đường sớm, cho kịp thời hạn.
Tiết Thiếu Lăng biết có hỏi gì nữa, tiên sanh cũng không nói thêm, chàng vòng tay cáo biệt.
Cửu Nghi tiên sinh đưa chàng ra khỏi trận đồ, dặn dò thêm mấy câu, rồi trở lại lều.
Ra khỏi Cửu Nghi động, Tiết Thiếu Lăng tính ra, chỉ còn hơn hai mươi bốn ngày, mà con đường từ Cửu Nghi sơn đến Thành Đô, không thể bộ hành. Nếu đi theo thủy lộ thì phải mất nhiều thời gian, chàng lo ngại không đến nơi kịp ngày rằm tháng tư.
Do đó, chàng không dám trì hoãn hành trình, bỏ hẳn đường thủy, theo đường bộ, dù đường bộ có phần gian nan vất vả hơn.
Chàng cấp tốc đến Vĩnh Châu, mua một con ngựa tốt, ra roi giục vó đi liền, không cần tìm nhà trọ.
Theo ven sông Tường vào đất Sở, từ Sở vào Tứ Xuyên, chàng đi đêm đi ngày, đến mười ba tháng tư thì chàng đặt chân đến địa phận Thành Đô.
Dáng dấp thư sinh thanh tú của chàng hấp dẫn nhãn quang của người địa phương không ít. Dĩ nhiên trong đó phải có bọn thiếu nữ ấp ủ mộng tình...
Ngày mười bảy tháng tư, bốn ngày sau khi chàng đến Thành Đô, thời gian vào ngọ.
Nơi đầu đường Xuân Hy, có ngôi tửu lâu, bảng hiệu Phù Dung Xuân, trong tửu lâu thực khách đã chiếm hầu hết các bàn, không khí ồn ào náo nhiệt vô cùng, với những tiếng cười nói thoát ra, đổi lấy rượu vào, với những tiếng gọi tiểu nhị vang lên ơi ới tứ phía.
Mùi nấu nướng từ tửu lâu bốc ra, khách bộ hành dù no bụng cũng nghe thèm.
Vừa lúc đó, trên con đường cũng nhộn nhịp không kém tửu lâu, có tiếng ngân nga vang lên, giọng ngâm ồ ồ như trâu rống :
- Mỗi tháng ta say độ mấy hồi?
Gặp nhau thì cứ chén mềm môi
Mặc cho thời khắc qua theo gió,
Vàng cứ tay vung mãi chẳng thôi!
Bài ca đó không theo cái ý người xưa diễn tả cái cảnh hào sảng của khách giang hồ, lời ca không thanh cao lắm, song nó ở phong độ của hạng người vung vàng qua cửa sổ để mong một cuộc tao phùng.
Lời ca dứt, một đại hán trẻ tuổi có dáng dấp ngang tàng bước vào Phù Dung Xuân tửu lầu, đi thẳng lên trên lầu.
Đại hán cao hơn tám thước, mày rậm mắt to, mặt tím xạm, lưng giắt nhuyễn tiên, tóc rối bồng thòn đến ngực, chân vận giầy bố trông có vẻ phiêu linh lạc phác, sớm đói chiều no đêm rừng ngày núi.
Tuy nhiên đại hán có cái khí độ hào sảng bừng bừng, thần thái cao ngạo như xem trước mắt không người.
Hắn lên tới lầu, đảo mắt nhìn quanh các thực khách một vòng, không chờ tiểu nhị săn đón, chọn ngay một chiếc bàn trống kéo ghế ngồi xuống.
Ngồi xong hắn vỗ bàn kêu bốp một tiếng gọi oang oang :
- Tiểu nhị đâu! Năm cân bún, một mâm thịt trâu muối nhanh lên!
Một tiếng “Cộp” vang lên theo câu nói, hắn đặt chiếc bọc, một đỉnh vàng rơi tuột ra ngoài.
Cử động của hắn hết sức thô bạo, lời nói của hắn hết sức thô bạo.
Thực khách đã có người hướng mắt về hắn. Song hắn có ngại ngùng gì?
Ngang nhiên nhìn trả lại mọi người, chợt hắn phát hiện, nơi chỗ bàn đầu, dãy phía tả, có một người nhìn hắn điểm một nụ cười.
Người đó vận y phục thư sinh, mình mặc áo xanh, lưng giắt trúc tiêu bóng loáng đỏ ngời, người đó có thần thái ôn nhu văn nhã vô cùng.
Hắn giật mình, bất giác trả lại một nụ cười, vòng tay thốt :
- Huynh đài thứ cho, tại hạ thô lỗ quen tánh, thành có vẻ khôi hài quá.
Thư sinh áo xanh vội vòng tay đáp lễ :
- Huynh đài ý khí hiên ngang, tỏ rõ phong sắc bậc hào kiệt, đáng kính phục chứ có gì khôi hài đâu? Đúng là một hạnh ngộ cho tại hạ!
Đại hán nghe mấy tiếng phong sắc, hào hùng thích lắm, cười lớn :
- Huynh đài quả là con người thanh nhã, đáng mến vô cùng! Kim Nhất Phàm này nhất định phải kết giao cho kỳ được với huynh đài!
Hắn không đợi xem thư sinh có đồng ý hay không, thốt xong liền đứng lên, xách túi bạc sang bàn thư sinh, kéo ghế ngồi.
Hắn điểm một nụ cười, tiếp :
- Người trong bốn bể, như anh em một nhà, tại hạ là Kim Nhất Phàm, còn huynh đệ quý tánh cao danh là chi?
Thư sinh áo xanh cười thẳng thắn :
- À! Ra là Kim huynh! Hân hạnh cho tiểu đệ lắm! Tiểu đệ là Bạch Thiếu Huy!
Tiểu nhị đã mang thức ăn đặt lên bàn.
Kim Nhất Phàm vẩy tay :
- Bảo nhà bếp làm thêm vài món gì nhắm rượu nhé! Càng nhanh càng hay, không cần cầu kỳ lắm đâu! Ta nhất định chén với Bạch huynh đệ hôm nay!
Kim Nhất Phàm nâng chén rượu đã rót đầy, vừa cười vừa giục :
- Cạn chén đi Bạch huynh! Bèo nước gặp nhau, tại hạ kính mời Bạch huynh một chén!
Hắn nốc cạn chén rượu, lại xơi một chén bún.
Bạch Thiếu Huy vừa nâng chén vừa thốt :
- Đáng lẽ tiểu đệ phải kính Kim huynh trước mới phải.
Và chàng uống cạn chén rượu, đặt xuống bàn.
Kim Nhất Phàm khoái trá quá, mở to đôi mắt, cười lớn.
Danh sĩ thì phải phong lưu, thư sinh rượu như Bạch huynh kể có mấy tay!
Bạch Thiếu Huy khiêm tốn :
- Kim huynh khen quá lời! Tiểu đệ cảm thấy thẹn vô cùng!
Kim Nhất Phàm lại ăn, lại uống, ăn to uống đậm. Hắn vừa ăn uống, vừa thốt :
- Tại hạ dù là kẻ thô bạo, song lại thích giao kết với bậc danh sĩ. Trước đây, tại hạ có kết giao với Vương công tử nơi phía Tây thành, giờ lại gặp thêm Bạch huynh nữa, đúng là một duyên may vậy.
Hắn nói đến Vương công tử nào đó, bật cười thích thú, nước bọt bắn tung tóe, lộ vẻ kính phục rõ rệt.
Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ :
- “Hắn tuy thô lỗ, song bản tánh cương trực, khí độ hào sảng, lại kết giao với Vương công tử hẳn vị công tử đó cũng là tay phong lưu mới chịu đựng nổi tánh phóng túng ngang tàng của hắn! Nhưng Vương công tử là nhân vật như thế nào?”
Đột nhiên, Kim Nhất Phàm trố mắt nhìn đối tượng :
- Theo khẩu âm của Bạch huynh, tại hạ đoán Bạch huynh là người Giang Nam?
Bạch Thiếu Huy gật đầu :
- Tổ tông tiểu đệ xuất thân tại Cô Tô!
Kim Nhất Phàm vỗ tay đôm đốp :
- Cô Tô! Một thắng cảnh vùng Giang Nam có cả Thiên Đường, có cả Tô Hàn! Rất tiếc là tại hạ chưa có dịp đến tận nơi ngoạn thưởng.
Rồi hắn a lên một tiếng :
- Bạch huynh đến Thành Đô từ độ nào?
Bạch Thiếu Huy không nói rõ thời gian đến đây, chàng chỉ đáp :
- Tiểu đệ mộ phong cảnh Tứ Xuyên, nên sang Thành Đô du học.
Kim Nhất Phàm sáng mắt :
- Bạch huynh đến đúng lúc quá!
Bạch Thiếu Huy lấy làm lạ, thầm nghĩ :
- “Đúng lúc? Hay Cửu Nghi tiên sinh muốn cho mình đến đây, đúng lúc việc gì đó?”
Bạch Thiếu Huy, không ai khác hơn Tiết Thiếu Lăng, sau ngày đổi sắc diện, chàng đổi luôn tên họ, như Cửu Nghi tiên sinh đã dặn dò.
Tiểu nhị lại mang thức ăn đến.
Kim Nhất Phàm cùng Bạch Thiếu Huy uống thêm mấy chén rượu nữa, đoạn Kim Nhất Phàm thốt :
- Tại Thành Đô, không có dịp nào vui bằng tưới hoa hay tắm hoa cũng thế, người địa phương gọi là Hoán Hoa Nhật, ngày đó sắp đến, chẳng phải đúng lúc cho Bạch huynh sao?
Bạch Thiếu Huy vỗ trán :
- Hoán Hoa Nhật? Chừng như tiểu đệ có nghe nói đến thì phải!
Kim Nhất Phàm cười ha hả :
- Mười chín tháng tư là Hoán Hoa Nhật, tại suối tắm hoa, có vô số người đẹp, du khách mặc tình trông ngắm. Ngày đó, thiên hạ quy tụ đông đảo tại Hoán Hoa thuyền, đúng là một ngày hội tưng bừng tấp nập!
Hắn kể tiếp :
- Mỗi năm vào dịp này, Vương công tử bao trọn Vọng Giang lầu để đón tiếp du khách bốn phương, dù thân, dù sơ, dù quen, dù lạ, tất cả đều được tiếp đãi trọng hậu. Nhưng, đến lúc dạo thuyền thì số tân khác được mời rất ít.
Bạch Thiếu Huy thấy hắn cứ nhắc mãi đến Vương công tử bèn hỏi :
- Vương công tử là ai thế hở Kim huynh? Chừng như công tử hiếu khách lắm!
Kim Nhất Phàm búng ngón tay nghe bóc bóc, cười lớn :
- Nào chỉ hiếu khách mà thôi đâu? Nhà Vương công tử luôn luôn mở rộng cửa, vô luận là hạng người nào, ra vào cũng được, vô luận là giờ khắc nào cũng ra vào được. Vương công tử tiếp tất cả, không khước từ bất cứ một người nào. Chính Vương công tử đích thân đón tiếp, trừ trường hợp vắng mặt hay bận việc thì mới đặt người đại diện.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]