Chương trước
Chương sau
Buổi sáng, Sinh ca đang loay hoay dưới bếp hâm mấy món ăn. Bình ca và Hùng huynh thì tranh thủ làm đuốc, rồi làm chạc ba để cố định chậu đèn mù u. Trái mù u dễ bắt lửa, cháy lớn nên ra gió khó bị tắt. Nhưng mà cũng vì vậy mà ngọn lửa của nó rất hỗn, không thể cầm quá gần.
Mai rửa mặt rồi tiếp tay Sinh ca lo nấu nướng. Cha và a Sao chắc đã đi đến nhà Vọc bá rồi. Mọi người đợi đến qua giờ Thìn thì hai người về đến. Hôm qua cha hỏi Lý thúc về người này rồi hỏi nên trả tiền như thế nào. Lý thúc nói, trước kia cũng mấy lần đi tìm trầm chung nhóm với người này, không thân thuộc lắm. Nhưng vẫn nghe Trương bá khen tài và coi trọng. Lần này huynh đệ Trương bá đều theo nhóm người đi săn, chưa về. Nếu không, có Trương bá đi cùng sẽ an tâm hơn.
Thấy mấy đứa nhỏ nhìn ra sau lưng mình hơi thất vọng, cha nói:
– Mời được rồi. May là bá ấy ở nhà. Bây giờ đang xử lý mấy con mồi, qua giờ tỵ sẽ đến.
Vậy là mời được “thổ địa” rồi. Mọi người ăn cơm rồi tự chia việc ra làm. Hùng huynh chỉ Mai cách sử dụng cung tên. A, Mai than thở trong bụng, không nghĩ tới có ngày mình phải học cái này. Nhưng mà không thể giỡn được, biết đâu đến lúc nguy hiểm cần dùng. Cung tên này làm cho a Báo, sức hắn khỏe hơn cô nhiều nên Mai phải dùng hết sức mới kéo được dây cung. Tập được mấy lần thì hai tay cô mỏi rã rời. A Sao cũng dùng thử, hắn kéo có vẻ nhẹ nhàng quá đi.
Thấy cô nhăn nhăn nhìn cung tên, hắn ngoắc tay cô kêu lên ghe đi chơi.
Chơi? Ở đây chơi ở đâu? Chỉ có vô rừng thôi. Mà cái viễn cảnh sẽ lang thang trong rừng mấy ngày trời đã đủ làm cô ngán rồi, đâu cần đi sớm làm gì. Nhưng mà thấy ánh mắt a Sao sáng quắc, lại có vẻ bí bí mật mật gì đó, nên cô đành lên ghe để hắn chèo đi.
Đúng là đi vào hướng rừng rồi! Không có nơi nào thay đổi nhanh như ở rừng. Lúc trước cô cũng đã đến đây, nhưng dấu vết không còn gì nữa. Rừng tràm mùa khô và mùa mưa khác nhau xa lắm. Chỉ có người quanh năm sống ở đây như a Sao mới thấy quen thuộc. Hắn nhanh nhẹn chống ghe vào con lạch mà chỉ mình hắn biết, nước sâu hơn khi tiến vào trong. Được hơn trăm thước thì, …
Wow! Chỗ này giống như bao tử của con lạch, rộng phình ra với vũng nước sâu. Xung quanh vũng nước là dây leo che kín, đầu kia vũng nước cũng có dòng nước bị dây leo che tầng tầng lớp lớp, không biết dòng nước đó chảy về đâu? Vào sâu trong rừng hay ăn thông ra con sông ngoài kia.
Mai đang say sưa nhìn ngắm thì a Sao đưa tay xuống nước, gõ lộc cộc mấy tiếng lên mạn ghe, sau đó huýt sáo rất dài, rất trong.
Sắp có bạn đến chơi chung rồi, là người bạn đặc biệt nào mà a Sao vừa bí mật lại vừa có vẻ hưng phấn như thế. Chỉ mấy phút sao đó thì Mai đã há miệng, mắt sáng rỡ, còn hưng phấn hơn a Sao gấp mấy lần.
Cô không tin được bạn mà a Sao mời tới! Là một con cá nược xinh đẹp! Không biết là cô hay chú cá nược đây. Nhưng dù thế nào thì Mai cũng chào đón. Nghe a Sáo huýt gió một tiếng dài, cô cá nược nhảy vọt lên, xoay một vòng rồi rớt xuống, bọt nước văng lên xung quanh, như một vũ điệu tuyệt đẹp. A Sao lại gõ lộc cộc trên mạn ghe, cô cá nược bơi lại gần, đưa cái mũi tới cho a Sao vuốt ve. Mai nhìn một người một cá thật ngưỡng mộ.
– Nè, rờ nó đi. Nó rất thích được rờ chỗ này.
Thật sao? Mai mừng rỡ cười toét miệng nhích lại gần.
Làn da thật mịn, thật mát. Huýt,… huýt.
Cô hơi giật mình nghe tiếng cô cá nược, là đang nói chuyện sao? Không hiểu!
Cô cá nược vẫn vui vẻ lặn hụp dưới nước, như chơi trò chơi rất thú vị. Có lúc nó đưa mỏ lại gần tay cô, lúc lại vụt nhanh ra xa. A Sao quăng mấy con cá tươi xuống, cô cá nược vụt ra chụp lấy. Mai cũng bắt chước, chọn mấy con cá tươi rói quăng xuống. Cô cá nược không hụt một con nào, bắt rất điệu nghệ!
Sau khi ăn hết hơn hai cân cá, chắc là đã no rồi. Thì cô nàng nhảy lên mặt nước như biểu diễn màn chào cuối rồi quay đầu bơi đi mất dạng. Chắc là theo đường nước con lạch đằng kia.
Trên đường quay về, Mai lắng nghe a Sao kể chuyện về cô bạn mới này. Hơn một tháng trước, khi nước vẫn chưa dâng lên cao, hắn vào con lạch này thăm lưới thì gặp con sấu nhỏ đang quần với con cá nược này. Hai con này có môi trường sống khác nhau nhưng không hiểu sao con cá nược lại lạc vào đây, rồi mắc cạn. Cá sấu không bỏ qua con mồi này, nhanh chóng tấn công. Lúc a Sao tới thì con cá nước đã bị thương ở hai vây, mực nước không đủ sâu để nó bơi thoát đi.
A Sao rất căm thù cá sấu, hắn không hề sợ hãi mà chống ghe tới, dùng cây mác đâm tới tấp trên lưng con cá sấu. Cá nược như hiểu ý người, cũng quay lại hợp sức khóa mõm cá sấu. Cá sấu mà bị khóa mõm thì sức sát thương đã giảm hơn nửa rồi. Tính ra cá nược cũng rất hiểu tập tính của cá sấu.
Sau đó a Sao ôm cá nược lên ghe, chở nó tới chỗ bao tử này, vừa rộng lại vừa sâu, đủ chỗ cho nó vùng vẫy, dưỡng thương. Ngày hai buổi a Sao lại đem cá tới, kéo dây leo che kín chỗ này.
– Mười ngày trước, ta thấy vết thương nó lành, chở nó ra sông lớn thả đi. Mấy ngày sau thì thấy nó quay lại đây, còn biết đường chỗ con lạch kia nữa.
Nếu chỗ bao tử này có hai lối thông như vậy sẽ an toàn cho cô cá nược này hơn. Hướng con lạch bên kia rất kín đáo, rất khó bị phát hiện.
Lúc hai đứa về đến nhà thì thấy Vọc bá đã đến. Mai kín đáo quan sát ông. Bá ấy cỡ tuổi Trương bá, gương mặt có mấy vết sẹo ở trước tai kéo dài xuống quai hàm, vết sẹo không sâu nhưng nham nhở. Đặc biệt còn có vết sẹo lớn hơn vùng bên dưới cổ kéo dài ra vai rồi bị khuất trong lớp áo. Bàn tay ông rất lớn, xương khớp hiện rõ, vết chai rất nhiều, đủ chỗ. À, bá ấy mang cung tên, cây mác còn có con dao nhỏ bên hông. Là do tập luyện quá nhiều loại võ khí phòng thân sao?
– Xong chưa, bây giờ đi đi. – Được, mời Lâm huynh.
Bá ấy tên Lâm Vọc, một nửa là người Việt, một nửa là người Chân Lạp. A Sao nói nhỏ trong tai cô. Lâm bá có vẻ hơi ngạc nhiên khi thấy Mai đi theo xuống ghe. Cha cũng nhận ra nên vội nói:
– Con gái út của đệ, biết một chút y thuật.
Mai hơi khuỵu gối như chào khi bá ấy liếc mắt tới. Đoàn người không nhiều lời mà nhanh nhẹn lên ghe chèo đi. Giống như hôm qua, một ghe lớn hai ghe nhỏ nối đuôi xuôi dòng sống hướng về mảng rừng tràm ngút ngàn. Dọc con sông Mai còn nhận ra mấy ký hiệu chỗ nước xoáy mà cậu hai chỉ hôm trước. Cô dằn lại nỗi lo lắng. Cảm xúc bây giờ không giúp ích được gì. Phải giữ bình tĩnh, giữ sức khỏe để đến lúc dùng đến. Đợi lúc gặp được cậu rồi tính tiếp.
Đến tối, mọi người đốt lửa trong căn chòi Thon bá. Cha thuật lại lời của ông ngoại kể. Lâm bá nghe xong nói:
– Thời gian đó ta đi rừng phía ven biển, lúc về có nghe nói vùng này gặp xoáy nước. Nhưng mà là ở sâu bên trong. Nhóm người Tàu đó vì sao lại vô sâu? Đi tìm trầm hay đi săn thú quý?
Ông phỏng đoán rồi lắc đầu nói tiếp.
– Mùa này rất hiếm người đi săn, người lành nghề sẽ không đi sớm vậy. Thường phải cỡ hai tháng nữa mới bắt đầu.
– Dạ phải. Nhóm thợ săn ở Bình San cũng đang lo chuẩn bị. Hơn tháng sau mới đi.
Hùng huynh tiếp lời Lâm bá.
Thật ra, nhà Mai tức tốc vào rừng là vì cậu hai, hơn chút nữa là vì dượng năm. Chớ nhà cô không nghĩ tới là vì nhóm người đồng hương của dượng. Dù sao cũng không quen biết với mình, đâu biết là ai mà khiến nhà mình lặn lội hiểm nguy. Còn liên lụy a Sao, Hùng huynh rồi Lâm bá theo nữa. Cha thấy Lâm bá trầm ngâm thì tỏ thật mục đích lần này.
– Ừ, ta hiểu được.
Tính từ ngày cậu hai đi vào rừng với Thon bá đã gần mười ngày rồi. Lần trước cậu một mình trong rừng một tháng, vẫn bình an. Mai vẫn thầm cầu nguyện lần này cũng vậy.
Sáng sớm đoàn người đã khởi hành. Lâm bá và Sinh ca dẫn đầu chống chiếc ghe nhỏ đi vào, ông hơi ngạc nhiên nhìn qua lại chiếc ghe. Không nghĩ tới lại nhẹ và nhanh như vậy. Hùng huynh và Bình ca trên chiếc ghe nhỏ thứ hai. Còn lại cha, a Sao và cô chèo ghe lớn sau cùng. Mọi người mang dụng cụ trên vai, bên hông.
Trời đã sáng nhưng trong rừng sương vẫn dày đặc, vài tia nắng len lõi qua lớp lá cây, dây leo rọi xuống. Sinh vật rừng đã tỉnh giấc, tiếng khỉ, vượn hú gọi nhau. Tiếng chim muông vang lên rộn ràng.
Con Vện nghe tiếng cũng sủa lên inh ỏi góp phần.
Lâm bá dùng cây mác dạt dây leo phía trên, chặt gốc cây phía dưới. Sinh ca chống xuồng len vào những khoảng trống. Chỗ này là vùng ven nên vẫn còn rõ dấu vết ghe xuồng đi lại. Ghe lớn chen được hơn canh giờ thì hết cách, không vô được nữa. Lâm bá làm dấu, những người còn lại chuyển đồ cần thiết qua hai ghe nhỏ. Mai vẫn ôm túi vải có mấy loại thuốc cô đã chuẩn bị. Cung tên thì Bình ca đeo giúp cô.
Càng vào sâu bên trong, mùi ẩm thấp càng tăng, cây cổ thụ càng dày. Rừng cây đước mọc ken nhau dày đặc. Đến khi mặt trời đứng bóng thì đoàn người dừng lại ăn trưa trên ghe. Sau đó, đó đi hơn một canh giờ nữa thì đến lúc phải bỏ cả hai ghe nhỏ, nước vẫn ngập rất sâu.
Con Vện chắc chưa đi vào rừng ngập nước như vầy nên nó có vẻ thích chạy xăm xăm ngửi ngửi. Chạy được khoảng xa thì nghe nó sủa rất dữ. Hùng huynh như hiểu ý đi nhanh lên phía trước, sau những thân cây cổ thụ là một dòng sông nhỏ cắt ngang. Lâm bá như cân nhắc rồi nói:
– Chúng ta dọn đường, kéo hai ghe qua đoạn này.
Mọi người nghe theo, hợp sức chặt cây, tỉa cành kéo từng chiếc ghe nhỏ qua. Dưới mặt nước lờ đờ là những lớp lá, rễ cây, bùn nhão rồi mới tới lớp đất hơi cứng. Mỗi bước chân đạp lên là bọt khí nổi lên, đã ngập sâu tới đùi a Sao rồi.
Cha cõng cô trên lưng, băng qua đoạn đường này. Cha đặt cô đứng trên gò đất cao khô ráo rồi quay lại tiếp tục dọn đường.
Mai nhìn con sông băng xuyên rừng, mặt sông rộng cỡ hai mươi thước, nước đục lờ đờ trôi. Tiếp theo thì nên làm sao? Băng qua sông tiến về phía trước, xuôi dòng hay ngược dòng con sông?
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.