🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Parker Kincaid ngồi trên chiếc ghế xoay màu xám mà chính anh đã lấy về từ phòng GSA nhiều năm trước, và làm một việc mà rất ít nhà giám định tài liệu nghi vấn chịu làm.

Anh đọc tài liệu.

Anh đọc đi, đọc lại đến cả chục lần.

Parker tin rằng nội dung của tài liệu tự nó sẽ hé lộ nhiều điều về tác giả. Có lần anh được yêu cầu chứng thực lá thư được cho là của Abraham Lincoln gửi Jefferson Davis, trong đó Lincoln gợi ý rằng nếu phe liên minh miền Nam chịu đầu hàng, ông sẽ cho phép một số bang được ly khai.

Vị giám đốc của Hiệp hội sử gia Hoa kỳ đã hoảng hốt gửi cho Parker bức thư ấy, nếu là thật, nó sẽ làm xáo trộn lịch sử nước Mỹ. Các nhà khoa học đã kết luận rằng tờ giấy được sản xuất vào những năm 1860 và loại mực được dùng là sắt galat, cũng thuộc về thời đại ấy. Tài liệu cho thấy mức độ thẩm thấu của mực vào các thớ giấy với trị số đúng và nó cũng được viết ra bằng nét chữ đặc trưng của Lincoln.

Nhưng Parker thậm chí còn chẳng lấy chiếc kính lúp cùa mình ra để kiểm tra các điểm đầu và cuối của mỗi nét vẩy bút, mà chỉ cần đọc nó một lượt là đã viết ngay vào bản báo cáo phân tích, "Tài liệu này có nguồn gốc đáng ngờ".

Nó chẳng khác nào một lời chào khinh miệt trong ngôn ngữ của các nhà giám định tài liệu.

Lý do ư ? Lá thư được ký tên "Abe Lincoln". Vị tổng thống thứ mười sáu ghét cay ghét đắng cái tên Abe và sẽ không bao giờ dùng nó để ám chỉ mình, đó là chưa nói tới chuyện ký vào một văn kiện quan trọng bằng biệt danh ấy. Kẻ làm giả bức thư sau đó đã bị bắt, bị buộc tội và cho hưởng án treo như thường thấy trong các trường hợp làm giả tài liệu khác.

Lúc này đây, trong khi đọc lại bức thư tống tiền, Parker ghi chép cẩn thận cú pháp, trật tự các câu và thành phần cấu tạo câu, ngữ pháp của tên nghi phạm, cũng như tổng thể cách hành văn của gã.

Hình ảnh đầu tiên về linh hồn của gã đàn ông đã viết bức thư này dần hiện lên trong lúc gã đang nằm lạnh cóng bất động bên dưới họ sáu tầng lâu trong nhà xác của FBI.

Tobe Geller gọi, "Có rồi này". Cậu ta vươn người sang. "Báo cáo tâm lý học ngôn ngữ bên Quantico gửi sang".

Parker nhìn chằm chằm vào màn hình. Anh cũng đã quen với loại báo cáo phân tích từ máy tính này khi còn là trưởng phòng phòng Tài liệu. Toàn bộ nội dung của bức thư đe dọa, các câu cú, thành phần cấu tạo, các dấu chấm câu, được nhập vào máy tính; đến lượt mình nó sẽ phân tích lá thư và so sánh với cơ sở dữ liệu trong một cuốn "từ điển đe dọa" khổng lồ, chứa hơn hai trăm năm mươi nghìn từ, rồi tiếp tục với cuốn từ điển tiêu chuẩn chứa hàng triệu từ. Một chuyên gia sẽ làm việc song song với máy để so sánh lá thư với các lá thư khác trong cơ sở dữ liệu để xác định xem có phải chúng do cùng một người viết ra hay không.

Các nhóm tính cách cụ thể của người viết cũng sẽ được xác định theo cách này.

Geller đọc, "Hồ sơ tâm lý học ngôn ngữ của nghi phạm số 12-31A (đã chết),vụ METSHOOT. Dữ liệu cho thấy nghi phạm nêu trên sinh ra ở nước ngoài và đã di cư vào nước ta từ hai đến ba năm. Không được học hành và có lẽ chỉ học không quá hai năm tại một nơi tương tự như trường phổ thông ở Mỹ. Chỉ số IQ có thể vào khoảng một trăm, cộng trừ mười một điểm. Lời đe dọa trong tài liệu gốc không khớp với bất cứ thư đe dọa nào có trong dữ liệu hiện tại. Tuy nhiên, ngôn ngữ đồng nhất với những lời đe dọa thực sự đẩy vụ việc đến mức tội ác tống tiền và khủng bố."

Cậu ta in ra một bản rồi đưa cho Parker.

"Nước ngoài à", Lukas nói. "Tôi biết mà." Cô giơ một bức ảnh chụp thi thể nghi phạm tại hiện trường gã bị chiếc xe tải cán chết lên xem, "Tôi thấy giống người Trung Âu lắm. Serbia, Séc hoặc Slovakia".

"Gã đã gọi điện đến Tòa thị chính", Len Hardy nói. "Chẳng phải họ ghi lại các cuộc gọi sao ? Chúng ta có thể nghe xem giọng hắn có gì đặc biệt không ?"

Parker nói, "Tôi cá là gã có dùng máy biến âm, đúng không ?".

"Đúng", Lukas xác nhận. "Cứ như giọng trong phim Bạn có thư vậy."

Geller nói, "Chúng ta nên gọi cho đội IH ".

Phân ban Án mạng quốc tế và Khủng bố của Cục điều tra.

Nhưng Parker lại vo viên tờ báo cáo tâm lý ngôn ngữ rồi ném vào sọt rác.

"Sao...?", Lukas cất lời.

Từ cổ họng của c. p. Ardell phát ra một âm thanh chỉ có thể gọi là cười hô hố.

Parker nói, "Thứ duy nhất họ nói đúng là mối nguy này có thực. Nhưng chúng ta biết điều đó rồi, phải không nào ?".

Chẳng buồn nhìn lên từ chỗ bức thư anh nói, "Tôi không bảo là ta chẳng nên gọi IH vào cuộc, nhưng tôi dám nói nghi phạm không phải người nước ngoài và chắc chắn là cực kỳ thông minh. Tôi cho rằng IQ của gã phải trên một trăm sáu mươi".

"Dựa vào đâu mà anh nói thế ?", Cage hỏi, phẩy tay về phía bức thư. "Đến cháu tôi còn viết tốt hơn thế này."

"Tôi ước gì gã ngu hơn", Parker nói. "Như thế sẽ bớt đáng sợ hơn rất nhiều." Anh gõ vào bức ảnh của nghi phạm. "Chắc chắn là có chút dòng máu châu Âu, nhưng hẳn phải cỡ thế hệ thứ tư. Gã cực kỳ thông minh, có ăn học đàng hoàng, có lẽ còn học trường tư, và tôi nghĩ gã dành rất nhiều thời gian bên máy tính. Địa chỉ thường trú của gã có lẽ là nơi nào đó ngoài khu vực này, gã chỉ thuê nhà ở đây thôi. Ồ, gã là một bệnh nhân rối loạn nhân cách xã hội điển hình."

Tiếng cười của Margaret Lukas nghe gần như lời phỉ báng. "Anh lấy thông tin ấy ở đâu ?"

"Nó nói cho tôi biết", Parker nói đơn giản. Gõ gõ vào lá thư.

Với tư cách là nhà điều tra ngôn ngữ, Parker đã làm công việc phân tích tài liệu mà không cần tới phần mềm tâm lý học ngôn ngữ từ nhiều năm nay. Anh chỉ dựa trên những cụm từ người ta đã lựa chọn cùng những câu cú họ viết ra mà thôi. Chi riêng lời lẽ cũng đủ tạo nên sự khác biệt lớn trong việc phá án. Vài năm trước, Parker từng làm chứng trong một phiên tòa xét xử một nam thanh niên về tội giết người. Đối tượng tình nghi cùng bạn cậu ta đang lấy trộm bia trong cửa hàng tiện lợi thì bị người trông quầy phát hiện và cầm gậy bóng chày lao vào họ. Cậu bạn kia giật được cái gậy và đe dọa người trông quầy. Đối tượng tình nghi, cậu nhóc phải hầu tòa đã hét lên, "Cho lão đi !" (nguyên văn: Give it to him !)

Rồi cậu bạn kia vung gậy và giết chết người trông quầy.

Công tố viên cáo buộc câu "Cho lão đi !" nghĩa là "Đánh lão !"

Bên bị đơn thì bác lại rằng đối tượng tình nghi chỉ có ý nói "trả lại cây gậy đi !". Parker đã ra tòa làm chứng rằng "Cho lão" trong quá khứ từng là khẩu ngữ tiếng Mỹ có ý gây hại, như bắn, đâm hoặc đánh. Nhưng cách dùng ấy đã bị quên lãng, cùng với những từ như là "swell" (cừ khôi) hay "hip" (biết tỏng). Theo Parker thì ý của cậu bé là bảo bạn mình trả lại chiếc gậy. Bồi thẩm đoàn tin lời làm chứng của Parker và mặc dù cậu ta bị kết tội trộm cắp, nhưng đã thoát được án giết người.

"Song đó là cách nói của người nước ngoài", Cage chỉ ra. "Tôi đang biết. Trả cho tôi. Có nhớ vụ bắt cóc Lindbergh không ? Bài học trong Học viện ấy ?"

Tất cả các nhân viên thực tập tại FBI ở Quantico đều được nghe kể câu chuyện đó trong bài học pháp y của họ. Trước khi Bruno Hauptmann bị bắt và bị kết tội bắt cóc bé Lindbergh, các nhà giám định tài liệu của Cục đã suy luận ra từ bức thư tống tiền rằng kẻ viết chúng là một người nhập cư gốc Đức mới tới nước Mỹ được khoảng hai ba năm, và đó là mô tả chính xác về Hauptmann. Phân tích ấy giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm kẻ bắt cóc, và cuối cùng tên này đã bị kết án chỉ dựa vào việc so sánh chữ viết tay của hắn trong một tài liệu đã nhận biết với các bức thư đòi tiền chuộc.

"Thôi nào, cùng đọc lại nhé", Parker nói và đặt bức thư xuống dưới một chiếc máy chiếu treo tường kiểu cũ.

"Anh không muốn scan nó và cho lên màn hình vô tuyến à ?"

Tobe Geller hỏi.

"Không", Parker trả lời dứt khoát. "Tôi không thích số hóa. Chúng ta cần ở gần với bản gốc nhất có thể." Anh nhìn lên và thoáng mỉm cười. "Chúng ta cần lên giường với nó."

Bức thư được phóng lên một màn chiếu lớn gắn trên tường phòng thí nghiệm. Tài liệu màu xám dường như đang ở trước mặt họ như một đối tượng tình nghi bị thẩm vấn. Parker bước đến chỗ nó và nhìn vào những chữ cái phóng đại trước mắt mình.

Nói đến đâu, Parker chỉ vào phần đó trên bức thư. "'Tôi đang biết" (I am knowing) và 'trả cho tôi' (pay to me) nghe có vẻ ngoại lai, chắc chắn rồi. Động từ 'to be' kết hợp với động tính từ thì hiện tại là cấu trúc điển hình trong ngôn ngữ Slavic hay tiếng Đức hệ ngôn ngữ Ấn-u. Chẳng hạn người Đức, hay Séc, hay Ba Lan. Nhưng cách dùng giới từ 'to' với 'me' thì các anh không thể tìm được trong ngôn ngữ ấy. Họ cũng nói y như cách ta vẫn nói thôi. "Trả tôi !" Cấu trúc kia lại thường thấy trong ngôn ngữ châu Á hơn. Tôi nghĩ gã chỉ ngẫu nhiên ném vào vài cụm từ nghe có vẻ ngoại lai. Cố lừa chúng ta nghĩ rằng gã là người nước ngoài. Đánh lạc hướng chúng ta."

"Tôi không biết", Cage mở lời.

"Không, không", Parker khăng khăng. "Cứ nhìn vào nỗ lực làm việc đó của gã mà xem. Những cách nói ngoại lai này đặt quá sát nhau, cứ như gã định nói nốt cho xong để còn viết tiếp. Nếu tiếng nước ngoài mới đúng là tiếng mẹ đẻ của gã thì gã phải nhất quán hơn mới đúng. Nhìn vào câu cuối của lá thư mà xem. Gã lại trở về cú pháp Anh ngữ điển hình. 'Chỉ có tôi biết chuyện đó'. Không phải là 'chỉ có tôi đang biết chuyện đó". Nhân tiện, chính vì lý do này mà tôi nghĩ gã dành nhiều thời gian bên máy tính. Tôi cũng lên mạng rất nhiều để duyệt qua những website của các nhà buôn bán tài liệu quý hiếm lẫn các mục tin tức. Hầu hết chúng đều là trang nước ngoài nhưng lại để ngôn ngữ là tiếng Anh. Các anh sẽ thấy kiểu tiếng Anh con hoang này nhiều lắm."

"Tôi đồng tình với ý kiến đó, chuyện lên mạng ấy", Lukas nói với Parker. "Chúng ta chưa biết chắc nhưng rất có thể tên sát thủ học cách lắp ống giảm thanh và biến tấu khẩu Uzi thành tự động toàn phần trên Web. Ngày nay, đó dường như là nơi để tất cả mọi người học về những điều như thế."

"Nhưng còn chuyện cách nói giờ hai mươi bốn tiếng thì sao ?", Hardy hỏi. "Gã đòi tiền chuộc lúc '1200 giờ '. Đó là kiểu nói giờ của châu Âu mà,"

"Lại đánh lạc hướng đấy. Gã đâu có nói như vậy, khi viết về thời điểm Digger sẽ lại tấn công. Gã đã nói, 'Bốn, tám và nửa đêm'."

"Chà", c. p. nói, "nếu không phải người nước ngoài thì hẳn là tên này rất ngu. Nhìn đống lỗi chính tả mà xem". Anh ta quay sang Lukas, "nghe cứ như đám lỗ mãng chúng ta tóm được ở Công viên Manassas vậy".

Parker bác lại, "Giả hết".

"Nhưng", Lukas phản đối, "ngay dòng đầu tiên này: 'Kết thúc là đêm'. Ý gã là 'Kết thúc đang gần kề'. Gã...".

"Ồ", Parker nói tiếp, "nhưng đó không phải là lỗi mà người thường mắc phải. Mọi người hay nói, "once and a while" (đôi khi),cho dù câu đúng phải là "once in a while", bởi vì rõ ràng dùng liên từ 'and' sẽ hợp lý hơn là giới từ 'in'. Nhưng 'Kết thúc là đêm', thì chẳng có nghĩa lý gì cả, cho dù trình độ học vấn của gã có đến đâu đi nữa."

"Còn lỗi chính tả", Hardy hỏi. "Rồi những chỗ viết hoa và đánh dấu lộn xộn nữa ?" Đôi mắt anh chàng thanh tra đang cẩn thận lướt qua bức thư.

Parker nói, "Còn có nhiều lỗi hơn anh vừa nói ấy chứ. Xem gã dùng ký hiệu đồng đô la rồi mà vẫn còn kèm theo từ 'đô la' này. Bị lặp lại. Và khi nói về tiền, gã còn dùng tân ngữ không đúng cách nữa chứ". Parker chạm vào góc màn hình và di ngón tay theo từng chữ:

"Thấy chưa, nghi phạm nói là "nhét nó", nhưng từ "nó" không thật sự cần thiết. Chỉ có điều đó không phải là kiểu lỗi hợp lý, hầu hết các lỗi ngữ pháp đều chỉ là hình ảnh phản chiếu của cách nói sai. Và trong ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta chẳng tùy tiện thêm vào những tân ngữ không cần thiết. Nói đúng hơn là chúng ta lười, chúng ta thường có xu hướng lược bớt câu nói và bỏ bớt từ.

"Còn lỗi phát âm sai ?", Parker nói tiếp. Anh di chuyền từ từ đến trước lá thư đã được phóng to, khiến các dòng chữ giờ vắt ngang qua vai và mặt anh như những con côn trùng màu đen. "Hãy nhìn vào câu 'hông có cách nào ngăn cản được hắn'. 'Hông' nghe cỏ vẻ na ná nhưng viết ra thì khác hẳn. Đáng lẽ phải là 'k-h-ô-n-g'. Nhưng con người ta chỉ mắc phải lỗi này khi họ viết nhanh, thường là khi viết trên máy tính. Tâm trí gửi đến họ gợi ý về âm thanh trước cả hình ảnh. Tỷ lệ người mắc lỗi chính tả đồng âm cao thứ hai là ở những người đánh máy chữ. Nhưng với thư viết tay thì đó lại là lỗi hiếm."

"Còn chuyện viết hoa ư ? Anh liếc nhìn Hardy. Anh chỉ có thể tìm thấy những lỗi sai ấy khi nào chúng có cơ sở thực tiễn, những khái niệm kiểu như nghệ thuật hoặc do yêu ghét. Đôi khi là do nghề nghiệp hay xu hướng công việc. Không, nghi phạm chỉ đang tìm cách làm chúng ta nghĩ gã ngu thôi. Nhưng gã chẳng hề ngu."

"Bức thư đã nói cho anh biết từng ấy à ?", Lukas hỏi, nhìn chằm chằm như thể cô đang nhìn vào một bức thư hoàn toàn khác bức thư Parker phân tích.

"Dám cá không ?", nhà giám định tài liệu trả lời. Anh phá lên cười. "Sai lầm tiếp theo của gã là không mắc những lỗi lẽ ra phải mắc. Chẳng hạn, gã dùng dấu phẩy ở các mệnh đề phó từ rất chuẩn. Mệnh đề khởi đầu cho một câu luôn phải kết thúc bằng dấu phẩy. Mệnh đề 'nếu' chẳng hạn" Anh chạm vào nó trên màn hình.

Nếu ông giết tôi, hắn sẽ tiếp tục giết chóc..

"Nhưng với một mệnh đề kết câu thì không cần"

Hắn sẽ lại giết người, lúc 4, 8 và nửa đêm nếu ông không trả..

"Hắn cũng dùng dấu phẩy ở trước chữ 'which' (mà)."

Tôi đang muốn có $ 20 triệu đô la tiền mặt, mà ông phải nhét nó vào một cái túi…

"Đó là quy tắc ngữ pháp cơ bản: ‘phẩy’ trước liên từ không giới hạn "which", trước liên từ giới hạn "that" thì không có, nhưng thường thì chỉ những nhà văn chuyên nghiệp và những người đi học ở các trường tốt mới tuân theo quy tắc này."

"Ở trước 'which' phải có dấu phẩy ấy à ?", c. p. làu bàu. "Ai thèm quan tâm cơ chứ ?"

Parker điềm tĩnh trả lời, "Chúng tôi quan tâm. Bởi vì chính những điều nhỏ nhặt mới dẫn chúng tôi đến sự thật".

Hardy nói, "Trông có vẻ như gã cố đánh vần từ "bắt" nhưng không làm được. Anh giải thích thế nào về chuyện đó ?".

"Trông thế thôi", Parker nói. "Nhưng anh có biết có gì bên dưới cái dấu vết ấy không ? Tôi đã dùng máy chiếu tia hồng ngoại để quét qua nó."

"Cái gì ?"

"Vết gạch xóa."

"Vết gạch xóa ?", Lukas hỏi.

"Một khái niệm nghệ thuật", Parker nhăn nhó nói. "Gã chẳng viết gì cả. Gã chỉ muốn chúng ta nghĩ rằng gã gặp khó khăn khi phải đánh vần chữ ấy."

"Nhưng tại sao gã lại phải nhọc công đến thế chỉ để chúng ta nghĩ rằng gã ngu đần ?", Hardy hỏi.

"Để lừa chúng ta đi truy tìm một gã người Mỹ ngốc nghếch hoặc một người nước ngoài kém ngu hơn một chút. Lại là một cách đánh lạc hướng khác", Parker nói thêm, "Và làm chúng ta đánh giá thấp gã. Tất nhiên, gã rất thông minh. Cứ nhìn địa điểm thả tiền mà xem".

"Thả tiền ?", Lukas hỏi.

c. p. hỏi lại, "Ý anh là đường Gallows ? Tại sao chọn chỗ ấy lại là thông minh ?".

"À..." Parker ngước lên, rồi nhìn từ người này sang người khác. "Trực thăng."

"Trực thăng nào ?", Hardy hỏi.

Parker cau mày. "Các cô chưa kiểm tra những người cho thuê trực thăng à ?"

"Chưa", Lukas nói. "Tại sao phải làm vậy ?"

Parker nhớ lại một quy tắc từ thời còn làm việc ở Cục. Không bao giờ giả định một điều gì. "Nghi phạm muốn chúng ta thả tiền xuống bãi cỏ nằm ngay cạnh một bệnh viện đúng không ?"

Geller gật đầu. "Bệnh viện Faufax."

"Chết tiệt", Lukas buột mồm. "Nó có một sân đỗ cho trực thăng."

"Thế thì sao ?", Hardy hỏi.

Lukas lắc đầu giận dữ với chính mình. "Nghi phạm đã chọn một địa điểm nơi đội giám sát sẽ thấy quá quen mắt trước những chiếc trực thăng lên xuống. Gã sẽ tự mình thuê một chiếc và hạ cánh, lấy tiền rồi cất cánh trở lại. Rất có thể gã sẽ bay đến chỗ giấu xe và tẩu thoát."

"Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ấy", Hardy cay đắng nói.

"Làm gì có ai trong chúng ta nghĩ đến", c. p. nói. Cage nói thêm, "Tôi có anh bạn bên FAA. Tôi sẽ nhờ anh ấy kiểm tra xem sao".

Parker liếc nhìn đồng hồ. "Chưa có phản ứng gì từ cuộc họp báo của Kennedy à ?"

Lukas gọi điện thoại. Cô nói chuyện với ai đó một lát rồi cúp máy.

"Sáu cuộc gọi đến. Chỉ toàn là lừa bịp. Không ai biết chút gì về những viên đạn sơn màu, nên tất cả bọn họ đều là đồ rởm. Chúng tôi đã ghi lại tên tuổi lẫn số nhà. Sau này sẽ xử họ vì tội can thiệp vào hoạt động điều tra của nhà chức trách."

"Anh nghĩ nghi phạm không phải người vùng này à ?", Hardy hỏi Parker.

"Đúng. Nếu gã biết có bất kỳ cơ hội nào cho chúng ta so sánh chữ viết tay của gã với hồ sơ công cộng thì chắc chắn gã sẽ giả dạng chữ viết hoặc dùng các chữ cái cắt ra từ giấy in. Nhưng gã chẳng làm vậy. Như thế có nghĩa là gã không thể là người ở Đặc khu, hay Virginia lẫn Maryland"

Cửa chính bỗng mở toang. Là Timothy, người vừa mang lá thư đến. "Đặc vụ Lukas ? Tôi đã có kết quả bên nhà xác."

Parker nghĩ, "Cũng đến lúc rồi".

Lukas cầm lấy bản báo cáo và trong lúc cô đang đọc thì Cage cất tiếng hỏi, "Parker, anh nói gã bị rối loạn nhân cách xã hội. Làm sao anh phát hiện ra ?".

"Bởi vì", Parker lơ đãng trả lời, trong lúc mắt vẫn ở chỗ Lukas, "còn kẻ nào làm một việc như thế này ngoài bọn rối loạn nhân cách chống đối xã hội chứ ?".

Lukas đọc xong và đưa lại cho Hardy. Anh ta hỏi, "cô muốn tôi đọc nó à ?".

"Đọc đi", cô trả lời.

Parker để ý thấy trạng thái điềm tĩnh của chàng trai trẻ có phần nào khởi sắc, có lẽ vì anh ta cảm thấy mình thuộc về đội này, trong một khoảnh khắc nào đó.

Anh chàng thanh tra hắng giọng, "Nam da trắng, xấp xỉ bốn mươi lăm tuổi. Cao một mét tám bảy. Nặng tám tư cân. Không có đặc điểm nhận dạng. Không mang đồ trang sức ngoại trừ một chiếc đồng hồ Casio có đặt nhiều báo thức", Hardy nhìn lên. "Nghe này. Báo thức sẽ đổ chuông lúc bốn giờ, tám giờ và nửa đêm." Trở lại với bản báo cáo: "Mặc một chiếc quần bò không nhãn mác, đã sờn. Áo gió vải polyester. Áo sơ mi lao động hiệu JCPenncy, cũng đã cũ. Quần lót Jockey. Tất cotton, giày chạy của Walmart. Tổng cộng mang một trăm mười hai đô la tiền mặt một ít tiền xu".

Parker nhìn lên những chữ cái trên màn hình trước mặt cứ như thể những câu chữ mà Hardy vừa đọc không phải bản mô tả tên nghi phạm, mà chính là bức thư.

"Các yếu tố vi lượng: Bụi gạch trên tóc, đất sét dưới móng tay. Thành phần trong dạ dày gồm có cà phê, sữa, bánh mỳ và thịt bò, có thế là loại rẻ tiền, được tiêu hóa trong vòng tám giờ trước khi chết. Hết rồi." Hardy đọc thêm một thông báo khác cho đội METSHOOT được gắn kèm bản báo cáo ve vụ tai nạn. "Không có đầu mối nào dẫn đến chiếc xe tải chở hàng đã tông chết nạn nhân." Hardy liếc nhìn Parker. "Khó chịu thật đấy, chúng ta có thủ phạm trong tay nhưng gã lại chẳng thể nói được cái quáỉ gì."

Parker liếc nhìn bản sao của tờ Bản tin các vụ án lớn, chính là số anh đã thấy lúc trước. Về vụ đánh bom nhà Gary Moss. Các mô tả hết sức lạnh nhạt về phút cận kề sinh tử của hai cô con gái nhà Moss đã làm Parker bị chấn động thật sự. Khi nhìn thấy bản tóm lược ấy, anh đã suýt quay bước ra khỏi phòng thí nghiệm.

Parker tắt máy chiếu, đặt bức thư trở lại bàn giám định.

Cage nhìn đồng hồ, rồi mặc áo khoác vào. "Chúng ta chỉ còn bốn mươi lăm phút nữa. Tốt nhất nên di chuyển thôi."

"Ý ông là sao ?"; Lukas hỏi.

Vị đặc vụ cấp cao đưa trả cô chiếc áo gió và áo khoác da cho Parker. Anh chỉ cầm mà không nghĩ ngợi gì.

"Ra ngoài." Ông gật đầu về phía cửa. "Để giúp đội của Jerry Baker kiểm tra các khách sạn."

Parker lắc đầu. "Không. Chúng ta phải ở lại đây." Anh nhìn Hardy. "Cậu nói đúng, Len. Nghi phạm không thể kể với chúng ta điều gì. Nhưng bức thư thì có. Nó có thể gợi ra rất nhiều chuyện."

"Họ cần tất cả những người có thể huy động được", Cage khăng khăng.

Im lặng một lát.

Parker vẫn đứng đó cúi đầu, đối diện với Lukas ở bên kia chiếc bàn giám định được chiếu đèn sáng trưng, bức thư tống tiền nằm giữa hai người. Anh nhìn lên và nói giọng đều đều, "Tôi không nghĩ chúng ta có thể tìm ra tên xạ thủ kịp thời. Trong bốn mươi lăm phút nữa thì không thể. Tôi ghét phải nói ra điều này nhưng cách tốt nhất để sử dụng những nguồn lực chúng ta có là ở lại đây. Tiếp tục nghiên cứu lá thư".

c. p. nói, "Ý anh là anh cứ thản nhiên để mặc họ chết sao ? Những nạn nhân ấy ?".

Anh ngập ngừng rồi nói, "Tôi đoán ý tôi là thế. Buộc phải vậy thôi".

Cage hỏi Lukas, "Cô nghĩ sao ?".

Cô nhìn sang Parker. Mắt họ gặp nhau. Rồi cô nói với Cage, "Tôi đồng ý với Parker. Chúng ta sẽ ở lại đây. Tiếp tục thôi !".
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.