Chương trước
Chương sau
Trong thời gian bị cấm túc, Sở Vọng như chàng Alibaba vui vẻ ngày ngày trông nom thùng kho báu của mình. Thư của chị Mã Linh được cô lót bên dưới một chai nước ngọt, đặt trên bệ cửa sổ.
Bất tri bất giác đã đến ngày nộp thư hồi âm, thế nhưng Sở Vọng vẫn chưa viết được chữ nào. Không phải cô lười, mà chỉ đơn giản là vì không đủ kiến thức.
Ngược lại với cô, Lâm Doãn Yên đã viết xong thư từ lâu. Ba ngày nay, bà Kiều lên tầng ba thăm cô nàng rất nhiều lần, lần nào cũng thấy cô bé ngoan ngoãn ngồi trước bàn vẽ vời tập viết, thậm chí còn học tiếng Anh và xoạc chân, khiến bà Kiều vô cùng vui vẻ yên tâm.
Ngoài miệng cô bé ngoan ngoãn gọi bác cả, gọi xong lại không vui xoay đầu đi, vẫn còn dỗi cô chuyện xé ảnh lần trước.
Bà Kiều ngồi xuống bên cạnh, kéo tay Doãn Yên cười nói, “Vẫn còn giận bác hả?”
Doãn Yên không ư hử trả lời.
Bà Kiều bảo dì Triệu lấy bánh bao tào phớ đến, đặt lên bàn. Doãn Yên liếc nhìn rồi tiếp tục cúi đầu đọc sách. Bà Kiều thở dài, “Tính khí bướng bỉnh này, y hệt cha cháu.”
Doãn Yên vẫn không thưa thốt.
Bà Kiều cắt bánh bao tào phớ thành từng lát nhỏ, nói, “Bác cả hiểu rõ ai nhất, Doãn Yên còn không biết sao?”
Doãn Yên bĩu môi, “Không phải bác cũng hiểu rõ em ba nhất đấy à?”
“Được rồi được rồi, bác hiểu rõ em ba nhất, nên cháu làm sai bác vẫn bắt nó chịu phạt với cháu!” Bà Kiều bị cô bé chọc cười, “Chuyện này cháu giải quyết không tốt, cháu có biết vì sao không?”
“Không tốt ở đâu ạ?” Lâm Doãn Yên cụt hứng cúi đầu.
Bà Kiều nói, “Cha và bác hiểu cháu nhất, trong lòng Doãn Yên biết thế là được rồi. Cháu là người có được mọi ưu thế, trừ khi em ba có hôn sự tốt, chứ nó đâu hơn được cháu hả? Cháu phải tỏ vẻ xuất chúng hơn người, không để nó vào trong mắt. Ngày hôm trước cháu bực tức với nó ngay trước đám đông, nếu lọt vào mắt người khác thì sẽ nói cháu không ra dáng chị gái, bảo có muốn bác bảo vệ cháu cũng không được, cháu nghĩ xem có đúng không?”
Lâm Doãn Yên cảm thấy bà Kiều nói có lý, nhưng vẫn không vui, “Hôn sự của nó vốn là của cháu…”
Bà Kiều thoáng tức giận, đặt dao nĩa xuống bàn cái *cạch*, dọa Lâm Doãn Yên giật mình.
“Cái gì mà phải với không phải của cháu hả?” Bà Kiều nghiêm mặt nói, “Cuộc hôn nhân này giờ đã vậy rồi, ngày trước cũng chẳng ai ngờ cả. Chính cha cháu là người hứa gả, sao nhà chúng ta có thể lật lọng bội ước được?”
Lâm Doãn Yên bị bà dọa sợ trắng bệch mặt, không dám ho he.
“Nhưng cháu phải biết, nhà ta không lật lọng không có nghĩa là nhà họ Tư sẽ giữ lời. Năm dài tháng rộng, ai biết được sáu năm sau có xảy ra rắc rối gì không? Cháu chỉ việc ngày ngày học tập tốt, nghiêm túc học những gì bác dạy cháu, chắc chắn chỉ mấy năm nữa cháu sẽ trở nên xuất sắc. Đợi sáu năm sau, em gái cháu lớn lên trông như thế nào, cái cậu nhà kia có còn coi trọng nó không, hay có nhờ vả được người nào khác hơn, chuyện khó nói lắm.” Bà Kiều cố gắng hạ thấp giọng, nhưng lời nói ra rất vang rất có lực.
Lâm Doãn Yên bị bà ta làm ảnh hưởng, trịnh trọng gật đầu.
Lúc này cơ mặt bà Kiều mới giãn ra, vuốt tóc Lâm Doãn Yên ra sau tai, “Nên là, bây giờ cháu cứ nhân nhượng vì lợi ích đã. Cháu cứ đi xin lỗi em ba đi, để người ngoài thấy người làm chị như cháu rộng lượng thế nào. Chúng ta dù làm gì cũng phải thích đáng, không được để kẻ khác nói ra nói vào.”
Lúc này Lâm Doãn Yên mới mỉm cười, thấp giọng đáp, “Vâng ạ.”
***
Khi bà Kiều dẫn Doãn Yên đến xin lỗi thì Lâm Sở Vọng đang uống xá xị, thế là cô vội đá thùng đồ xuống giấu dưới gầm giường.
Lâm Doãn Yên khẩn khoản xin lỗi, Lâm Sở Vọng cũng bày tỏ: em không nên xúc phạm chị, là em sai trước.
Chuyện cứ thế kết thúc trong tốt đẹp.
Nhưng với Lâm Sở Vọng từ khi tốt nghiệp cấp hai đã bắt đầu cuộc sống chung đụng mười mấy năm mà nói, lời xin lỗi của Lâm Doãn Yên là chân tình hay giả ý, chỉ liếc qua là cô có thể thấy rõ ngay.
Thật ra thì chuyện nhận lỗi đó, cũng chỉ là sau khi cân nhắc suy tính mới nhượng bộ thỏa hiệp.
Có một kiểu người đồng ý trút bỏ sự tôn nghiêm vì quý trọng bạn, không muốn mất bạn.
Nhưng vẫn có một loại người, sau khi quật phá cuộc đời bạn thì lại hời hợt nói: “Xin lỗi nhé, tôi không cố ý.” Chẳng qua là để thuận tiện cho sau này cưỡi trên đầu bạn làm xằng làm bậy mà thôi.
Lâm Sở Vọng hiểu rất rõ đạo lý này, thậm chí có thể đấm ngực khóc chảy máu mắt, vung bút viết ra một bài luận: Luận văn về bạn cùng phòng ngu tới mức nào mới không đáng để tha thứ.
Cũng sau khi bà Kiều dẫn Doãn Yên đến nói xin lỗi, Lâm Sở Vọng mới ý thức được, lá bài trong tay mình quá xấu.
Cô nheo mắt nghĩ ngợi, nhưng vẫn chẳng thể nào nhớ nổi sự kiện Đông Bắc “đổi cờ”, Bắc phạt thành công là vào năm nào*.
(*Vào Ngày 4 tháng 6 năm 1928, Trương Học Lương được các thủ hạ của cha mình tôn lên chức vụ Tổng tư lệnh Bảo an Đông Bắc.Ngay lập tức, ông cùng các thủ hạ tuyên bố đổi cờ, ly khai chính phủ Bắc Dương, gia nhập chính phủ Quốc dân đảng. Do sự quy thuận của Trương Học Lương, Tưởng Giới Thạch dễ dàng chấm dứt cục diện quân phiệt gây rối loạn, hoàn tất công cuộc thống nhất Trung Quốc (tức chiến tranh Bắc phạt 1926-1928).)
Cô vẫn chưa thánh mẫu tới mức muốn viết thư nói với cha rằng: trong hai năm tới, giả sử không thể thay đổi phe cánh nương nhờ chính phủ Quảng Châu*, thì tốt nhất là nên sớm từ bỏ chính sự, chuyên tâm vào chuyện trường lớp, tránh làm con thốt chí trong cuộc chiến tranh chính trị.
(*Năm 1927 trong cuộc nội chiến Trung Quốc, chính quyền Quảng Châu đã vào tay những người Cộng sản Trung Quốc.)
Không biết đến khi đó nhà họ Tư có đáng tin cậy không, nhưng hình như lúc ấy Tư Ngôn Tang đã có thể độc lập được rồi.
Trong tay toàn bài xấu, chỉ có duy nhất một con át, còn lại có quá nhiều nhân tố không thể chống chế.
Cô có kỹ năng của mình, nhưng giờ làm gì được đây?
Dịch ít sách về Cách mạng Công nghiệp Châu Âu, lịch sử Châu Âu cận đại hay lịch sử Hoa Kỳ trước cuộc cách mạng độc lập?
Viết một bài báo học thuật? Đến trường đại học đứng lớp?
Nhưng với tuổi tác và bằng cấp hiện tại mà nói thì chẳng thực tế chút nào.
Nếu tiếp tục nghề cũ, làm hình ảnh sinh học*… lại càng không thể. Hiện tại là thế giới của vật lý và khoa học công nghiệp, còn sinh học cùng lắm chỉ có tác dụng răn đe trong chiến tranh… Huống hồ bây giờ vẫn chưa phát minh ra máy vi tính.
(*Hình ảnh sinh học hay hình ảnh y khoa là kỹ thuật và quy trình tạo hình ảnh trực quan về bên trong của cơ thể để phân tích lâm sàng và can thiệp y tế, cũng như biểu thị trực quan chức năng của một số cơ quan hoặc mô sinh lý học.)
Học vật lý hạt nhân, phấn đấu vì cuộc chiến của phe Đồng Minh chống phát xít sau này sao?
Nghĩ đến đây, Lâm Sở Vọng bị chính bản thân chọc cười. Trong thời đại này, sự xuất hiện của cô chỉ như hạt cát dưới đáy biển sâu. Tại nơi đây có rất nhiều lớp người tài giỏi, biết bao nhiêu anh hùng nhi nữ, người trước ngã xuống người sau tiến lên. Với lượng kiến thức dự trữ hiện hữu của mình, cô không thể thay đổi chiến tranh, chỉ đành để mặc bản thân bị cuốn đi, không khác gì con người trong thời đại này.
Những người vượt thời gian khác thì luôn hâm mộ những nhà du hành thời gian giỏi khoa học công nghệ, nhưng với thân phận một nhà khoa học vượt thời gian như cô mà nói, có những lúc kiến thức học thuật chỉ là thứ vô bổ, còn không bằng hiểu biết thêm về kiến thức lịch sử.
Nhưng may là cô vẫn có điều may mắn đáng giá, đó là chí ít trước khi bị tống cổ vào năm mười sáu tuổi, cô vẫn còn an toàn. Trong sáu năm tới, có rất nhiều tài nguyên có thể lợi dụng.
Nếu có thể được học hành như Lâm Doãn Yên, cộng thêm thiên phú cô có sẵn trước khi đến đây, liệu có phải sẽ tạo ra được một vài kỹ năng đặc biệt độc đáo không?
Tờ giấy viết thư trắng phau đã ba ngày không hạ bút đang nằm trên bàn, Lâm Sở Vọng nôn nóng gõ ngón trỏ xuống giấy.
Chỉ cần không bắt cô đọc thuộc lòng tứ thư ngũ kinh, Đường thi tam bách thủ và viết văn cổ, thì dù bảo cô luyện cách dùng tay không bổ sầu riêng hay đập bể tảng đá bằng ngực cũng được.
Học cái gì đó thì để sau rồi nghĩ…
Lâm Sở Vọng cắn nắp bút, thầm nghĩ: Không phải là thư hồi âm thôi sao? Vậy cứ viết theo những gì mình am hiểu vậy.
Nghĩ đến đó, cô lập tức nghĩ ra đề bài, hạ bút như bay.
Gửi một bức thư nhà đến người cha trong nhà.
Lâm Sở Vọng (1) Lâm Doãn Yên (2) Tiết Chân Chân (3) bác cả (4) chị Mã Linh (5)
(1) là đứa con gái thứ ba của người cha. (2) là người con gái thứ hai của người cha. (3) là cháu ba của dượng Kiều. (4) là chị cả của người cha. (5) là cháu cả của người cha.
Dàn bài: Bài viết này chủ yếu miêu tả những chuyện Lâm Sở Vọng gặp được trong những ngày đến Cảng. Trong bài viết kể sơ lược những chuyện như chăm sóc chị hai Doãn Yên khóc lóc trong hai ngày từ Thiệu Hưng đến Thượng Hải, rồi từ Thượng Hải đi tàu đến Hương Cảng chăm sóc chị hai, bác cả và cô bé Tiết Chân Chân say sóng như thế nào. Ngoài ra, sau khi chuyển vào ở biệt thự họ Kiều trên đường Bá Tước, tất cả những việc ăn ở đi lại cũng được giới thiệu khái quát. Sau đó lại miêu tả cặn kẽ quá trình học ba-lê và tiếng Anh gần một tháng. Ngoài ra, những suy nghĩ và cảm ngộ của Lâm Sở Vọng liên quan đến ba giai đoạn trên cũng sẽ được tổng kết ở cuối bài.
Từ khóa: Đường Bá Tước, biệt thự họ Kiều, ba-lê, tiếng Anh, chị hai bị say sóng nghiêm trọng.
(Ở đây đã lược bớt mười ngàn chữ nguyên bản.)
Cám ơn những người đã đóng góp ý tưởng rất nhiều cho bài viết này: dựa theo mức độ đóng góp mà chia Lâm Doãn Yên, Tiết Chân Chân, bác cả và chị Mỹ Linh theo thứ tự tác giả hai, ba, bốn, năm.
***
Bị chữ phồn thể giày vò suốt đêm, nên lúc viết xong thư nhà theo lối viết tinh tế, nội dung phong phú lại suy luận rõ ràng, Lâm Sở Vọng đã lập tức nằm trên bàn ngủ gục, trước khi nước dãi chảy đến dòng “thư nhà”, Điệp Nhi đã ôm cô lên giường, nhanh chóng cứu lấy bức thư.
Sáng sớm ngày hôm sau, lệnh cấm túc kết thúc. Lâm Sở Vọng mơ màng được Điệp Nhi dẫn ngồi vào bàn ăn, giao thư hồi âm vào trong tay bà Kiều trước hạn chót mười lăm phút.
Khi bà Kiều duyệt thư, ba đứa nhỏ im lặng vùi đầu ăn cơm.
Bà Kiều: “Chữ của Doãn Yên rất nắn nót rất đẹp, khiến người ta thích mắt. Viết đầy đủ hơn một nghìn chữ, dẫn trích điển cố, hạ bút thành văn, văn chương tài hoa, nếu cha con thấy nhất định sẽ rất vui.”
Lâm Doãn Yên nhướn mày, nhưng vẫn bình tĩnh loay hoay dùng dao nĩa ăn trứng chiên.
Bà Kiều tiếp tục phê bình: “Kiểu chữ của Chân Chân đẹp thì có đẹp, nhưng lại quá láu, quá nguệch ngoạc.”
Chân Chân phớt lờ, khẽ liếc lấy Lâm Doãn Yên, nói với vẻ khiêu khích, “Trâm hoa tiểu khải* đã không còn thịnh hành, không chút phóng khoáng gì cả.”
(*Tiểu Khải là kiểu chữ nhỏ viết tay, cụm từ trâm hoa tiểu khải để miêu tả nét chữ nắn nót của người con gái.)
Doãn Yên tức giận, nhưng vẫn nín nhịn không nổi nóng, nghiến răng nghiến lợi nuốt xuống nửa lòng đỏ trứng.
Bà Kiều đặt thư của Tiết Chân Chân xuống, cầm lấy phong thư cuối cùng lên, “Sở Vọng… Sở Vọng…”
Bà nheo mắt, nghi ngờ mình nhìn nhầm: “Đây, đây là cái gì?”
Doãn Yên vô cùng chu đáo đưa đầu đến xem giúp bác, nhìn một lúc rồi lập tức cười phì, “Vì sao lại viết ngang? Kiểu như thế đâu phải thể viết thư… Em ba ngủ đến lú lẫn rồi hả?”
Tiết Chân Chân thấy Lâm Doãn Yên chế nhạo chính em gái mình thì cũng tò mò đưa đầu tới, nhìn một lần rồi lại khinh thường ra mặt, “Viết ngang càng sát với thói quen thị giác của người ta hơn so với viết dọc —— đấy là cha con nói thế. Từ mấy năm trước, mấy người cha con đã đề xướng viết chữ ngang trong tạp chí Tân Thanh Niên rồi. Có điều không phổ biến rộng rãi ngoại trừ những nơi như Bắc Bình, Thượng Hải và Quảng Châu.”
Lâm Doãn Yên rất ghét lúc nào Tiết Chân Chân cũng lấy cái chuyện mình là người Thượng Hải ra để dè bỉu mình, lập tức phản bác, “Vậy vì sao cô không viết chữ ngang hả?”
Tiết Chân Chân thờ ơ đáp, “Có viết chữ ngang hay không cũng phải xem tâm trạng thế nào đã.”
Lâm Sở Vọng đang nín nhịn chợt cười phì một tiếng, suýt nữa đã phun nước trái cây lên mặt Tiết Chân Chân ở đối diện, tức khắc bị bà Kiều trợn mắt.
Mới sáng sớm mà Lâm Doãn Yên đã bị Tiết Chân Chân giễu cợt, không khỏi xấu hổ.
Kiều Mã Linh cũng tò mò lại gần nhìn, “Ngày trước khi học ở trường dòng, có vài sinh viên đại học Hương Cảng cũng từng phổ biến dùng chữ Latin để viết văn theo kiểu này.”
Bà Kiều đặt giấy viết thư ra xa, cảm thấy Lâm Sở Vọng dùng bút máy viết rất khá, hàng chữ cân đối, thế là khen ngợi một câu hiếm hoi, “Cháu ba biết theo trào lưu mới đấy.”
Kiều Mã Linh cũng cười nói, “Nghe Điệp Nhi bảo, sáng nào em ba cũng đọc báo, không sót ngày nào.”
Lâm Doãn Yên im lặng không lên tiếng, chỉ nhướn mày nhìn thư nhà của Lâm Sở Vọng.
Kể từ đó trở đi, đột nhiên Lâm Doãn Yên cũng có thói quen tốt ngày ngày đọc báo.
Điều này khiến Tiết Chân Chân phỉ nhổ: “Phải đợi ba bốn năm nữa, tin kết hôn của cô với cậu Trịnh mới được đăng báo. Giờ gấp cái gì?”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.