Cũng may tôi về vào lúc chỉ còn cách đám cưới bốn ngày, nên thoát được cảnh phải theo hầu cô dâu chú rể chụp ảnh cưới, kiểm thực nhà hàng cùng với một đống mấy việc linh tinh lang tang gì đó. Càng may hơn nữa, Tuyết đang được nghỉ phép để đám cưới. Tôi giơ ngón tay cái tán dương, làm việc ở công ty có phúc lợi tốt là số một! Vậy nên, trong khi chồng sắp cưới của ai đó còn bận đi cày, thì vợ sắp cưới của ai đó và tôi, kéo theo Văn, thằng em bảnh trai của Tuyết đi sắm đồ. Mẹ già dấu yêu của tôi ngay khi tôi lên máy bay ở Los thì đã hì hục soạn ra một danh sách những thứ cần mua rồi email về cho cậu mợ. Híc, ‘đơn đặt hàng’ về tới còn sớm hơn cả người mua hàng. Chỉ tội cho túi tiền của tôi, tiền dành dụm vất vả bằng mồ hôi nước mắt để cung phụng cho chuyến du lịch một người này… nay phải thê thảm đem ra tuyển hàng cho nàng. Mẹ tôi lại không thèm khách sáo, dây điện thoại kéo dài nửa vòng trái đất mà vẫn còn nghe oang oang khắp nhà, “Than thở cái gì? Nếu sợ hết tiền thì mau hốt thằng nào về trả bill cho mày đi! Lần này về tao với ba mày phải đóng gói mày tống đi cho được! Nhà làm gì, xe làm gì mà không chịu lấy chồng? Mấy cái đó có ở với mày chắc?...” Tay cầm ống nghe của tôi để cách xa hết cỡ mà vẫn còn nghe ong ong trong lỗ tai. Tròn mắt nhìn sang đã thấy mặt của các cậu các mợ và các anh chị em yêu dấu của tôi vì nín nhịn mà đỏ như mào gà. Tôi khóc không thành tiếng, mẹ ơi là mẹ, không lẽ mẹ quyết không cho con gái mẹ cọng giá nào sao? Có cần phải trụng chín, luộc kĩ như vậy không? Tôi với Tuyết thuộc loại người hành động, thanh niên tiêu chuẩn đánh nhanh thắng nhanh của thời đại, nên mua đồ trả tiền xoành xoạch. Nhóc Văn đã hai mươi bảy tuổi, từ một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch, trở thành thanh niên trí thức sáng tám chiều năm trong một công ty điện lực. Da trắng giống chị nó, mũi cao, mắt sáng hơn chị nó, còn có một cặp kính cận vuông vuông gác ngang, vô cùng bắt mắt nha. Há há, đây cũng là lý do mà tôi và Tuyết dụ dỗ, đe dọa, khủng bố, bắt cậu nhóc đi theo cho bằng được. Dù có phải hoa của mình hay không cũng chẳng sao, chỉ cần đi dạo phố mà có trai đẹp tháp tùng đã đủ thỏa mãn thú ham hư danh của chị em tôi. Mua xong đồ cho mẹ yêu, hai đứa tôi quyết định lượn thêm một vòng để sắm vài bộ đầm, dù gì thì tôi cũng chưa có đồ mặc đám cưới, còn con nhỏ kia, sắm đồ là bệnh của nó, nên miễn bàn tới. “Cái này, hay cái này?” tôi giơ hai bộ đầm, hỏi Tuyết. “Cái này, với cái này đi?” nó cũng giơ hai bộ, hỏi tôi. “Đang lựa cho chị mà?” “Thì tui lựa cho bà chứ gì?” “Nhưng mà… hình như hơi thiếu vải…” Nó trợn trắng mắt, xì mũi, “Nói nhảm, bây giờ không mặc cho sướng, sau này có chồng phá tướng rồi làm sao mặc?” “Vậy… bộ nào đây?” Rốt cuộc hai đứa tôi đều quay qua hỏi ý kiến thằng đàn ông nhỏ theo đuôi, hiện đang ngồi dựa ghế nhắn tin, miệng cười ngu ngu, nhìn là hiểu đang nhắn nhít với ẻm rồi. Tôi dù sao cũng còn chút tế nhị, còn chị nó, thôi khỏi đi, vừa ngó thấy cái mặt ngu kia là đã sấn tới đá người ta một cái, trừng mắt phun một câu, “Chị hỏi sao không trả lời? Điếc rồi hả?” “Dạ…” mặt thằng nhỏ tội nghiệp dại ra hai giây, nhìn rõ bốn bộ đồ hai con chị nó đang cầm rồi nói, “…cái nào cũng đẹp, thử hết đi, cái nào hợp nhất thì lấy chứ có gì đâu mà mấy bà nhảm xàm hòai…” Con chị nó búng tay cái chóc, gật đầu, “Nói có lý! Chị, thử hết đi, để em đi lấy thêm mấy cái nữa.” “Để em phụ cho nhanh.” Thằng nhỏ cũng đứng lên đi hươ đồ. “Ê…” tôi còn chưa phản ứng đã bị hai chị em âm binh nhà nó tống vô phòng thử. Mua đồ thì dĩ nhiên phải thử, nhưng mà tôi chỉ định mua một bộ, có cần phải làm rầm rộ vậy không? Nhìn mấy cô nhân viên đang bu lại háo hức kìa, lát nữa tính tiền có một bộ, chắc nhục chết! Nhất định là nhục chết! Đờ! Hai cái đứa em ó đăm! Tụi mày cũng đâu có trả tiền cho chị! Thử đồ, thử giày dép là một thú vui tao nhã của chị em phụ nữ. Nhất là vào thử ở phòng có gương lớn, có thể mặc đồ đẹp rồi tự selfire vài tấm quăng lên phây, nhưng mà tôi không có cái thú vui khoe hàng trên phây, cũng không ưa thích chụp selfire. Huống hồ còn bắt tôi thử đi thử lại gần chục bộ. Mẹ nó chứ, dù có mê cỡ nào chăng nữa cũng mệt chết. Khi tôi thử đến bộ thứ n, thì phải ngồi luôn trong phòng thử đồ nghỉ mệt. Xắn váy xoa nắn đùi trái đang bắt đầu nhưng nhức. Mấy năm qua, một phần tôi không ra đường là vì lười, một phần nhỏ là do cái chân này đây. Một vết sẹo dài từ lưng chừng bắp chân xuống qua đầu gối, dù đã lành lặn hoàn toàn nhưng cũng không tránh khỏi đau nhức do vận động quá nhiều. Từ lần tai nạn cách đây năm năm, tôi chưa từng mặc quần đùi hay váy ngắn ra đường. Hôm nay thật quá trâu bò rồi, tự dưng đi theo thói hư vinh dớ dẩn của chị em nó làm gì cho mệt xác. Nhìn chính mình trong gương, tự dưng tôi thấy hơi giật mình. Người trong gương tóc xõa lòa xòa, mái tóc này ngày hôm kia đã ngốn hết của tôi năm trăm bạc mới thẳng, suôn, bóng được như vậy. Tóc tôi vốn nhiều, sợi tóc lại dày và chắc, điều duy nhất là lúc nào cũng cong cong xù xù, sóng biển không ra sóng biển, quắn cũng không ra quắn, nhìn giống rễ cây lại không được phong cách như rễ cây, nói chung là không ra cái hình gì hết trơn. Mẹ tôi nói, đầu tóc mày như vậy, hèn chi mà vừa ngu vừa lì, không biết ăn cái gì mà càng lớn càng không giống ai. Tôi cười thầm, mẹ à, con ăn cơm của mẹ từ nhỏ tới lớn, không biết mẹ bỏ cái gì trong cơm mà con càng ăn càng ngu càng lì nha… Màu da tái nhợt, thật ra da tôi vốn dĩ màu bánh mật khỏe mạnh, nhưng mấy năm nay ngoài đi làm thì về nằm chảy thây trong nhà, không có cơ hội hưởng nắng, nên mới dưỡng thành cái màu nhờn nhờn, nhạt nhạt, như ma này đây. Tuy nhiên, ha ha, tôi vẫn thích cái màu này hơn, có cảm giác phiêu dật tựa yêu quái, thích hợp với tâm tư văn vẻ bẻ chữ của tôi. Hơn nữa vóc dáng vừa dài vừa gầy, nếu nửa đêm muốn giả ma hù chết người cũng dư sức, chính xác mà nói thì, tôi đã từng hù người ta sợ chết khiếp. Ngoại trừ một người, chẳng những không sợ, mà còn thay người ta mắng tôi một trận. Nghĩ lại, người ấy đã từng vì người khác làm rất nhiều việc, nhưng chưa từng vì tôi một lần. Cho đến khi tách ra, vẫn chưa từng một lần nhìn lại, nhìn xem tôi có bao nhiêu khó chịu, uất ức. “Sao rồi?” nhóc Văn gọi vào, có lẽ anh chàng đã sốt ruột muốn về rồi đây. “Ra liền!” tôi vuốt vuốt tóc, chỉnh lại bộ đồ trên người. Ừ, đầm dài màu xanh sậm, bó sát, phía sau có hở một chút lộ ra một góc hình xăm trên lưng tôi. Khi nãy tôi định lấy một bộ hở nguyên tấm lưng, sẵn để ‘Xà Hậu’ trên lưng tôi được dịp tung hoành giang hồ, nhưng nghĩ lại, dù gì cũng nên nể mặt mũi cậu mợ với bên xui gia một chút nên thôi. Tôi mở cửa ló đầu ra, không thấy Tuyết đâu, chỉ thấy nhóc Văn đang ngồi trên ghế nghịch điện thoại. Vì có người chung quanh, nên tôi gọi khẽ, “Văn!” Anh chàng ngẩng đầu nhìn. Tôi hỏi, “Tuyết đâu?” Nhóc Văn nhét di động vô túi quần, vớ đôi giày bên cạnh đi tới, nói, “Anh rể gọi. Bả nói mang thử với cái này… chị đứng đi, để em mang cho chị, mau lên còn về nữa!” “Nghe rồi… em không mua gì sao? Có đồ mặc đám cưới chưa? Không thì chị mua cho em, sẵn em lựa dùm chị mấy cái cho anh Qúy luôn!” thằng nhóc vừa cười vừa cúi xuống xỏ đôi giày cao gót vào chân tôi. Nói thật tình, tôi lúc nào cũng phục cách dạy em của con nhỏ dã man kia. Không hiểu nó làm cách gì mà mấy đứa em trai của nó, đứa nào cũng thành thạo mấy việc ‘chăm sóc’ con gái như vậy, thậm chí là làm riết rồi quen, cũng không còn chút xíu ngượng ngùng gì ráo. “Chị vịn vai em đi, không thôi té dập đầu bây giờ. Hông biết bả làm gì lựa mấy đôi cao cổ này, đi gãy chân chết!” Một tay tôi kéo tà váy, một tay vịn vai nhóc Văn, mái tóc mới duỗi rũ dài xuống. Sợ hình ảnh này sẽ hù chết vài người yếu tim, tôi mới ngẩng đầu hất tóc qua một bên vai, sẵn cũng hít một hơi. Còn may là mình không phải cô dâu, nghe nhóc Văn nói hôm thử đồ cưới xong về nhà, chị hai nó bịnh luôn mấy bữa. Tầm mắt tôi lại vô tình lướt thấy hai bóng người đang đứng bên hàng trang sức hướng đối diện, mà một trong hai cái bóng lưng đó, tôi có biết. Cái chuông trong đầu tôi lại ‘coong’ lên một tiếng. Khi cái bóng dáng nhỏ nhắn kia xoay người, tôi lập tức cúi đầu xuống, không khí dường như nghẹn lại. Là Trúc. “Xong rồi, chị đi thử coi sao!” nhóc Văn đứng dậy phủi phủi tay, hất hất vài sợi tóc ám trên trán, cười gật đầu. Tôi cũng cười. Thật là dớ dẩn, dù gì ngày mốt cũng gặp, khẩn trương làm qué gì. Tôi lững thững đi một vòng, hướng tới cái gương cao trong góc tường, nhìn một trai một gái đang đứng trong đó. Cô gái tóc dài, da trắng tái, bận bộ đầm dài màu xanh sẫm duyên dáng. Cậu trai trẻ đứng sau, hai tay chống hông, vừa cười vừa gật gù, làm như đang ngắm ‘kiệt tác’ do một tay mình tạo thành. Tự dưng tôi có cảm giác, hai mươi tám, vẫn còn trẻ chán! “Ừ, bộ này được nhất! Lấy bộ này đi! Lấy thêm một bộ đầm cụt này để tối xong ở nhà hàng còn đi tăng ba nữa!” Tuyết trở lại, đi một vòng ngắm nghía tôi, gật đầu tấm tắc, cũng đeo một vẻ mặt ‘kiệt tác gia’ giống hệt thằng em của nó. Nhìn thấy một góc vết xăm trên lưng tôi, nó tấm tắc, “Ừ, xâm lâu vậy mà vẫn chưa phai màu, hàng độc, xịn, đợi vài năm nữa em với Khoa gom đủ tiền qua bển du lịch, chị phải dẫn em tới chỗ đó xăm!” “Chuyện nhỏ! Tin chị đi!” tôi cười hề hề, trong bụng lại nghĩ, chị dẫn mày đi thì được, nhưng không biết chồng mày có cho đàn ông khác đụng vô da thịt mày suốt mấy tiếng đồng hồ không thôi. Để tránh bị người ta chửi thầm trong bụng, tôi quyết định kéo nhóc Văn sắm thêm mấy bộ đồ nam, vóc người nó cũng tương tự thằng Qúy em trai tôi, nên tiện thể mua luôn. Dĩ nhiên, vợ sắp cưới của người nào đó cũng phải có phần, đòi cho được một bộ đầm củn. Hừ hừ, cười cho sung sướng đi con, ngày mai chị đây sẽ đòi lại từ chồng mày, phải có lễ thì mới được rước dâu đi! Lúc rời khỏi hàng quần áo, tôi cuối cùng cũng không kìm được mà xoay cổ lén nhìn lại một lần. Thấy được gương mặt tươi cười dịu dàng của Trúc, cùng với chiếc nhẫn trên tay cô ấy. Trúc vẫn không khác xưa là mấy, đôi mắt cong lên khi cười, da trắng môi hồng, tóc búi cao làm cô ấy sang trọng thay vào vẻ ngây thơ ngày xưa. Lại không nhịn được mà liếc nhìn bóng lưng người đàn ông kia. Sơ mi xanh, quần tây đen, vóc người cao to. Là Kiệt, phải không? Tôi còn nhớ, bóng lưng anh ngày đó, áo sơ mi học trò, cao ốm, nhưng cánh tay hất tôi ra thật khỏe, thật có lực. Mười ba năm, ngay cả nước da của tôi còn có thể đổi như đi tắm trắng, huống hồ là vài kí thịt mỡ trên người… Đã mua nhẫn rồi. Bọn họ cuối cùng cũng đã cùng nhau đi đến ngày này. Tôi khẽ cười, rồi giật mình thì ra mình còn có thể cười. Thì ra, cảm giác khi buông tay một giấc mơ là như vậy. Chỉ bằng một cái liếc mắt, chỉ cần tỉnh táo một chút để nhìn rõ sự thật. Ngưa ngứa, nhột nhạt, có lẽ là rất đau, nhưng một khi đã có thể nhìn rõ hiện thực, thì chút đau đớn ấy không đáng là gì. Nhẹ nhàng, khe khẽ, như một chiếc lông vũ vuốt hờ qua tim. Cứ vậy mà đi qua thôi. Tôi tháo một trong hai chuỗi đá trên tay, đưa cho Tuyết. Nó liếc tôi một cái, cười nói, “Đã mua rồi, một cái màu hổ phách, đẹp hơn nhiều!” “Cái gì vậy? Chuỗi hạt hả? Chị hai em không lấy thì cho em đi!” nhóc Văn ghé vô, cười nói. “Ừ, đưa tay đây.” Tôi liếc con Tuyết một cái, nó khịt mũi làm bộ làm tịch, nên tôi liền kéo tay nhóc Văn đeo vô luôn. Biết con nhóc này thế nào cũng giở giọng ‘bà đây đách thèm’ ra. Đêm, tôi ngủ không được nên cứ lăn qua lăn lại trằn trọc mãi. May là Tuyết đã ôm gối qua phòng cậu mợ ngủ đêm cuối. Từ mai phòng này cũng chỉ có mình tôi ở, sau này chắc cũng để trống cho vợ chồng nó thỉnh thoảng về ngủ lại. Tôi xém chút nữa đã bổ sung là, để dành cho nó có đêm nào gây gổ thì trốn về đây ngủ một mình. Thật may là không có phun câu đó ra, nếu không chắc đã có án mạng trước đêm tân hôn rồi. Haizz, cái miệng này đã chỉnh sửa biết bao lâu qua mà nhiều lúc vẫn hớ, ngày mai nhất quyết ngậm thinh luôn là tốt nhất. Tôi chộp hộp thuốc lá trên đầu giường, cái này là hồi chiều tịch thu của nhóc Võ, thằng út trong nhà cậu mợ, nhà này cũng chỉ có nó mới có thuốc lá. Đêm vắng, trên ban công lộng mát. Buổi đêm Sài Gòn là thích hợp nhất đối với tôi. Không quá lạnh, không sương mù, chỉ có một màn đêm tĩnh mịch, đèn đường hoe hoe thắp suốt con đường vắng, thỉnh thoảng có vài chiếc xe lướt vội qua, một hai chiếc truck, nhà nhà đều đã tắt đèn. Cũng là một màu tối đen, nhưng khung trời có vẻ cao hơn, cảm giác không khí xung quanh lại gần hơn. Bầu trời ở Mỹ, chưa từng cho tôi cảm giác thực. Trong cái tĩnh lặng lại có âm thanh lóc cóc của ai đó bán hủ tiếu gõ. Dưới cái khói thuốc mờ mờ, lắng nghe tiếng gõ nhịp nhàng đều đặn, tôi bỗng nhớ về những năm tháng xa xưa… Tôi và Kiệt không tính là thanh mai trúc mã, nhưng nếu muốn gọi là bạn thân thì cũng có thể. Chính xác mà nói, lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, anh học chính thức, tôi học dự thính. Khi đó, anh đã nghĩ tôi là con trai. Trước năm tuổi, tôi có một đầu tóc dài quắn quắn rất dễ thương. Một lần ra tiệm gội đầu, trong lúc ngồi chờ thấy mấy cô thợ cầm kéo xả tóc người ta thật bắt mắt, tôi đã lân la mò lấy cái kéo, giơ tay nắm một chùm tóc phía trước trán, xẹt một cái cắt mất. Mẹ yêu của tôi tức quá, quyết định bảo người ta hớt luôn cái đầu tém, nhìn cực kì cực kì ngố. Ngày đầu tiên đi học, chưa có đồng phục, nên mẹ cho tôi mặc tạm một bộ áo liền quần super mario, ba tôi còn rất ý tứ chụp lên đầu tôi cái mũ dẹp, khiến cho nhiều người đến bây giờ nhìn hình của tôi với nhóc Tuyết khi đó mà vẫn cười sặc sụa. Tôi chỉ biết, ba mẹ tôi đã đạp dẹp cái duyên con gái của tôi khi nó còn trong trứng nước. Tôi làm quen với thằng nhóc cùng bàn, trong ấn tượng của tôi, Kiệt lúc đó thật lễ phép, biết tự giới thiệu mình, còn chỉ tôi kéo tóc bạn gái ngồi phía trước để chào hỏi nữa. Ừ, coi như là tạm ổn. Ngày thứ hai, tôi mặc đồng phục. Hành động khi đó của Kiệt là giở váy tôi lên coi có phải con gái thật không. Kết quả là bị tôi giơ chân đá cho một cú ngã lăn xuống bậc thềm. May mà chỉ là bậc tam cấp nho nhỏ, nếu là bậc thang, chắc đã đi đời. Nhưng nếu đổi lại đó là một cú ngã cầu thang, thì đã không có người khiến tôi đau nhiều như vậy. Hỏi vì sao tôi đau? Mối tình đầu, mối tình duy nhất trong suốt những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời, kết thúc trong day dứt như vậy, hỏi ai mà không đau? Tới thời khắc này, tôi mới dám gọi đó là mối tình đầu của mình. Vì tôi vẫn tâm niệm một câu nói, ‘tình đầu là tình dang dở,’ cũng chả rõ nó từ bài thơ hay bài hát nào nữa. Hôm nay, tôi chính thức tuyên bố với lòng mình, mối tình đó đã dang dở rồi, đã thật sự trở thành mối tình đầu của tôi. Thật ra, tôi và Kiệt những năm sau này không hề học chung với nhau. Hết năm dự thính, ba mẹ tôi quyết định cho tôi vào học trường gần nhà để khỏi mắc công đưa đón, còn dám lấy cái cớ dớ dẩn là để tôi tự đi bộ cho quen. Kiệt học khác trường tiểu học, sau lại thi được điểm cao, học những trường cấp hai, cấp ba đều khác tôi. Nhà hai đứa nằm trên cùng một con đường, chỉ cách nhau con hẻm nhỏ. Tôi vốn lười, nên ít ra đường, phạm vi hoạt động cũng chỉ từ trường về nhà. Trường tiểu học của tôi nằm trong con hẻm ngăn cách giữa hai nhà, cho nên buổi chiều đi học về, tôi thường ghé qua nhà Kiệt chơi ké đồ chơi. Ba mẹ Kiệt là những người bận rộn, anh lại là con một, nên trong nhà chỉ có anh và bà vú. Ban đầu bị ăn hiếp, tôi thường càm ràm với mẹ, nhưng qua hôm sau vẫn chạy sang đó chơi. Mẹ tôi nói, nó không có ai chơi, buồn nên mới thích chọc con, nếu không thích thì đừng đi nữa, rồi lại hừ mũi bảo, cũng không ai ép mày. Quả thật không ai ép, nhưng không hiểu sao chân tôi vẫn lê lết qua nhà bên đó, kéo dài đến những năm sau này. Tuyết và chị ba Thu, chị Thư đều biết chuyện của tôi và Kiệt cũng vì tôi thường kéo theo họ qua đó chơi mỗi cuối tuần khi cả ba lên ở lại nhà tôi. Lớp năm, tôi tan học thường qua nhà Kiệt ôm truyện tranh đọc. Ba mẹ anh mua nhiều đồ chơi, truyện tranh, đàn, nhạc, đủ thứ trò tiêu khiển cho anh, cho nên tôi cũng được chơi ké. Kiệt chưa bao giờ chấp tôi cái gì, cả cái máy vi tính đầu tiên bị tôi giành chơi super mario cũng vui vẻ nhường. Nhưng vào đầu học kì hai năm ấy, chúng tôi đã xảy ra tranh chấp đầu tiên. Khi ấy đầu óc tôi chỉ nhồi toàn trò chơi điện tử, truyện tranh, chứ đâu có biết trường này trường kia, rồi thì tuyển là cái gì, chỉ biết tới đâu thì tới. Kiệt khi đó lớp sáu, anh bảo tôi ráng học thi vào chung trường với anh. Tôi nói, xa quá, không thích. Anh nói, đi chung với anh là được. Tôi lại bảo, lười. Rốt cuộc anh nổi cáu, lấy lại truyện, tắt máy tính, dẹp đồ chơi điện tử. Tôi giận, bỏ về, anh cũng mặc. Con gái lớn nhanh, dù là đứa dớ dẩn như tôi khi đó cũng đã biết giận biết hờn. Mấy hôm sau cũng không qua nhà anh, nhưng lại không kìm được mà lấp ló bên hông nhà. Anh đi học về, nhìn thấy tôi cũng không nói gì, chỉ bỏ vô trong nhà. Đó là lần đầu tiên anh quay lưng với tôi, cũng là bắt đầu cho từng chuỗi những năm tháng tôi chỉ biết đứng ngây ngốc nhìn theo lưng anh. Sau này, dù cho có cố gắng cách mấy, tôi cũng không thể thi vào cùng trường với anh. Còn nhớ ngày báo điểm, tôi đang ở nhà ngoại nghỉ hè, ba gọi điện cho dì Hai, bảo tôi nghe máy. Ba mẹ không trách tôi, dù gì họ cũng không cần tôi phải vào trường chuyên, trường cơ sở bình thường là được, nhưng tôi sợ là anh. Tôi sợ anh sẽ không thích chơi với đứa ngốc như tôi nữa. Ngày hôm đó biết điểm thi, tôi òa ra khóc nức nở, làm Tuyết cũng khóc theo, bởi vì nó thi còn ít điểm hơn tôi. Thế là tôi trốn ở nhà ngoại hết hai tuần, rốt cuộc cũng bị mẹ thân yêu thộp cổ đem về. Lần đầu tiên, anh chạy sang nhà tôi, xộc thẳng vào phòng tôi. Nhìn thấy anh, tôi đã muốn khóc. Anh vẫn còn mặc đồng phục học hè, áo còn thấm mồ hôi, nhìn tôi anh hỏi, “Đã cố hết sức chưa?” Tôi gật đầu, mắt ngân ngấn nước. Anh cười, dường như rất lâu rồi anh không cười với tôi như vậy. Anh nói, “Vậy là giỏi rồi.” làm tôi khóc thêm một hồi nữa. Từ đó, anh thường sang nhà tôi hơn, thậm chí có khi tới giờ đi ngủ mới chịu mò về nhà. Ba mẹ tôi nuôi ba đứa con, bây giờ thêm một đứa nữa cũng không ăn nhằm gì. Mẹ tôi còn nói, nhờ có anh quản lí, mấy chị em tôi mới đi vào khuôn phép. Bình yên được một năm, Trúc xuất hiện. Cô ấy nhập học vào giữa năm tôi học lớp bảy. Ấn tượng đầu tiên của tôi là Trúc giống như búp bê vậy. Tóc dài da trắng, miệng cười có đồng điếu, hai mắt cong cong như trăng. Thuở ấy đang tuổi thích sinh sự, nên mấy đứa con gái trong lớp tôi thích buôn chuyện, có đứa ở gần nhà Trúc, nên chúng tôi đều biết, Trúc hơn chúng tôi một tuổi, vì năm ngoái bị bệnh phải nhập viện nên mới trễ mất một năm. Lúc ấy tôi nghĩ, thì ra Trúc bằng tuổi với anh, lại nghĩ, cô ấy là người bệnh, từ nay mình nên nhường người ta, không nên ỷ mạnh hiếp yếu. Thật ra bây giờ đem hết mọi chuyện ra nghĩ lại một lần nữa, tôi lại thấy bản thân mình thật ấu trĩ. Trúc vốn dĩ mạnh mẽ hơn tôi nhiều, cũng không hề cần tôi phải rủ lòng thương hại hay lo lắng dớ dẩn. Chúng tôi không phải bạn thân gì, nhưng so với những đứa con gái khác trong lớp, tôi lại chú ý Trúc nhiều hơn, bởi vì Trúc khá giống tôi. Cô ấy cũng thích vẽ vời, cũng thích nghe nhạc, thích hát hò, thích văn chương. Nhưng mà, Trúc học khá hơn tôi nhiều. Trong tất cả các môn học, tôi chỉ khá nhất môn họa và môn tiếng Anh, văn thì tàm tạm, còn lại đều trung bình, cho dù có học thêm chỗ này chỗ kia đến mệt bở hơi cũng không kéo điểm lên được. Nhưng những thứ này không quan trọng, mấu chốt ở chỗ, tôi chính là người đưa Kiệt và Trúc đến với nhau. Ừ, cứ coi như tôi là bà mai vô danh của họ đi. Năm đó lớp tôi làm báo tường, thi thiết kế thời trang giấy, cả hai nhóm đều chọn địa điểm cạnh trường học, chính là nhà của tôi để làm việc. Tôi vừa phụ làm báo tường, vừa lăng xăng làm thời trang giấy, nhạc cũng mở ầm ĩ để bọn ‘người mẫu nghiệp dư’ kia chọn bài chủ đạo. Kiệt đến, nhìn thấy một nhà người lạ thì chỉ định nói vài câu với tôi rồi về, tôi lại kéo anh vào chơi chung, giới thiệu hết một lượt đám bạn, trong đó có cả Trúc. Anh ngồi nán lại một lát. Lúc đầu chỉ là ngồi nhìn, rồi không biết thế nào cũng xắn tay áo nhảy vô giúp chỗ này một chút, chỗ kia một chút, cuối cùng ngồi luôn cạnh Trúc giúp cô ấy làm trang phục. Tôi vô tư, trong một lúc sơ ý, đã để lạc anh từ lúc nào không biết. Có lẽ, lúc thấy anh và Trúc thường gặp nhau trước cổng trường, tôi nên thông minh nhận ra, lựa chọn tránh đi hoặc là dứt khoát giành anh về. Nhưng tôi là đứa cạn nghĩ, làm sao biết phải tránh, làm sao biết tranh giành, huống hồ, con người chứ đâu phải đồ vật gì mà có thể giành đi tặng lại. Tôi làm không được, nên chỉ biết ngây ngốc nhìn anh đạp xe chở Trúc đi nhà sách, thư viện, công viên, quán nước sau mỗi lần tan học. Ban đầu anh còn có ý rủ tôi theo cùng, nhưng xe đạp anh chỉ chở được một người, anh chở tôi, cô ấy thì sao? Anh chở cô ấy, tôi thì sao? Tôi đếm số lần anh mở miệng rủ rê, mặc dù mỗi lần tôi đều từ chối, nhưng tôi vẫn thầm đếm. Đến lần thứ chín, khi anh rủ, mắt tôi nhìn xuống chân hai người họ, cả hai đôi giày bata trắng. Tôi biết anh đi học từ nhỏ tới lớn đều thích mang giày thể thao hoặc giày bata, tất cả mỗi đôi đều dùng màu trắng. Tôi cũng biết, trước kia, Trúc không đi giày này. Tôi nhìn đôi chân họ đứng cạnh cùng một phía với nhau, rốt cuộc không chịu nổi nữa bèn ngẩng đầu gắt, “Đi thì đi đi! Mắc mớ gì mà rủ hoài?” Anh nhíu mày nhìn tôi, giọng cũng không còn kiên nhẫn, “Không đi thì thôi, làm gì mà nạt nộ? Con gái con đứa mà hở chút là gây gổ…” “Kệ tui! Không thích thì đừng nghe! Tui còn phải đi học thêm, biết mà cứ rủ hoài làm chi?” Anh liếc tôi, nhìn thấy ánh mắt chán ghét của anh, sống lưng tôi bỗng lạnh rét. Anh kéo Trúc đi, bỏ lại một câu, “Vậy thì ráng mà học!” Nhìn bóng lưng anh đi, tôi cắn môi khóc không thành tiếng. Mấy đứa bạn gái thấy hoảng, bèn dẫn tôi đi giải khuây. Đó là lần đầu tiên tôi khóc trước mặt người dưng, vì anh. Cũng là lần đầu tiên tôi tan học mà không về thẳng nhà, tự ý trốn đi chơi với mấy đứa bạn. Chơi tới chiều mới mò về. Ba tôi vừa thấy đã thộp cổ lôi tôi vô nhà dần cho một trận. Lúc xức dầu cho tôi, mẹ nói, không thấy tôi về ba đã lo quýnh quáng, hết tìm trong trường lại xách xe đi tìm khắp ngõ cũng không biết tôi đi đâu. Mẹ vừa dứt lời, tôi liền òa ra khóc, lúc bị ba đánh, tôi cắn răng không khóc không kêu một tiếng. Người lớn thường cho rằng, con nít thì biết cái gì là yêu là thích. Nhưng tôi lại cho rằng, nếu không có yêu có thích, thì làm sao con người ta có thể trưởng thành? Thời điểm mà mỗi người chỉ có một cơ hội để trải qua đó, mới là lúc con người ta thật lòng nhất, chân thật nhất. Không có đắn đo cân nhắc về bối cảnh, không có sự can thiệp của tiền tài vật chất, không có chi phối của nhu cầu xác thịt, chỉ có trái tim trần trụi, mộc mạc. Thứ tình cảm đơn giản nhất, lại là trân quý nhất, bởi vì nó thật trong trắng, thuần túy chỉ là yêu thích, tất cả đều do trái tim làm chủ. Bản thân tôi, vì đã từng thật lòng nên rất quý trọng cảm xúc ấy. Nó chính là của riêng tôi, chỉ riêng tôi mà thôi. Từ lúc bắt đầu đã như vậy, cho đến bây giờ, cho dù đã quyết định bước tiếp, nhưng tôi vẫn âm thầm trân trọng, khắc ghi, bởi vì, đó là duy nhất một lần trong đời, tôi yêu chân thật nhất.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]