🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Một ngày tháng Tư tại thành phố K, trời đổ cơn mưa rả rích. Đang giờ lên lớp buổi chiều, các sinh viên giơ cao cặp sách và giáo trình che đầu, chạy như bay trên sân trường.
Chân Ý giẫm lên vũng nước, rảo bước chạy tới trú dưới tán cây cao đầu ngõ, ngẩng đầu trông lên chồi non xanh mướt và bầu trời phương Bắc cao vời vợi.
Cuối ngõ là một ngôi nhà nhỏ kiểu Dân quốc cuối triều Thanh, hoa anh đào trắng trong sân nở rộ, cánh hoa rơi lả tả. Nơi ấy yên ắng trang nhã tựa chốn đào nguyên, điểm tô hài hòa với những tòa giảng đường xung quanh.
Gió xuân nhẹ lướt qua ngọn cây, những hạt mưa đọng trên lá tuôn rơi tí tách, chui vào trong cổ áo, lạnh buốt. Chân Ý thoáng rùng mình, chạy ù vào màn mưa, theo đà đó lao tới ngôi nhà nhỏ ở cuối ngõ.
Cánh cửa gỗ kêu kẽo kẹt, trong nhà phần lớn là đồ gỗ cổ xưa, ấm áp và dễ chịu.
Trong chiếc radio kiểu xưa, phát thanh viên đang đọc bản tin thời sự: “Một tuần sau khi Đường Thường – nạn nhân trong vụ cưỡng hiếp của Lâm Tử Dực – tự sát, Tòa án Nhân dân quân Lan Đình cho rằng chứng cứ không đầy đủ, bác bỏ tố tụng Lâm Tử Dực và ba người khác về tội danh cưỡng hiếp. Ngày hôm qua, phía nạn nhân bày tỏ rằng sẽ tôn trọng phán quyết. Vụ án kéo dài ba tháng này...”
Chân Ý cởi áo khoác, giũ những cánh hoa và giọt mưa còn vương trên áo. Thấy cửa sổ không đóng, nước mưa hắt hết vào nhà, cô vội vàng gài móc cửa lại rồi cài then.
Ngôi nhà này chỉ có ông nội cô ở, ông là cựu giáo sư khoa Triết trường Đại học K, cả đời say mê nghiên cứu, xưa nay vẫn lôi thôi lếch thếch. Đừng nói chuyện nhỏ nhặt như đóng cửa sổ, ngay cả một ngày ba bữa cơm còn phải nhắc nhở. Theo cách nói ngày nay, ông là đứa trẻ già đầu thông minh nhưng ngơ ngáo.
Bốn tháng nay, Chân Ý bận đến mức chân không chạm đất, không có thời gian đến thăm ông. Cô chị họ năm xưa lấy chồng đại gia đã thuê thím Trương giúp việc đến chăm sóc ông. Nhưng hôm nay thím Trương xin nghỉ nên Chân Ý mới tới đây.
Chiếc kim đồng hồ chỉ 2 giờ rưỡi, đến giờ ông ngủ trưa dậy rồi. Chân Ý đang chuẩn bị lên tầng, lại thấy trên chiếc ghế gỗ lim đặt một hộp giấy tinh xảo, gửi về từ Mỹ, cô mới nhớ ra chị gái ở phố Wall xa xôi đã gửi quà về chúc mừng cô kết thúc vụ án lớn đầu tiên trong đời. Quả thực là vụ án lớn, rất nhiều luật sư cùng ngành cả đời cũng không thể gặp được.
Chân Ý mở hộp giấy ra, bên trong là một chiếc váy ngắn đính đá hở lưng, lụa trắng bồng bềnh, áo khoác viền ren được cắt may tinh tế, trông vô cùng đẹp mắt. Chị gái kỹ tính còn giúp cô phối túi xách và giày cao gót nữa.
Điện thoại trong phòng khách đổ chuông, cô nhận lấy, nghiêng đầu kẹp bên tai: “Xin chào?”
Hình như bên kia hơi bất ngờ, ngập ngừng giây lát rồi khẽ hỏi: “Chân Phủ phải không?” Giọng nam trầm thấp ôn hòa, Chân Ý lập tức cảm thấy đâu đó trong lòng bị giọng nói này làm xao xuyến. Chân Phủ ư? Cách gọi này quá tôn kính và cổ điển thì phải. Nhưng nghĩ lại, ông nội cô thuộc dòng dõi thư hương, học trò khắp thiên hạ, gọi là “Chân Phủ” cũng không xem là cổ hủ và quái đản.
Cô bối rối trong chốc lát, người bên kia chẳng mảy may sốt ruột, vẫn bình thản chờ đợi mà không hề nổi nóng.
Trong phút giây tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng mưa rơi trên cây chuối ngoài cửa sổ.
Chân Ý bừng tỉnh, vội vàng đặt đồ xuống, cầm điện thoại đàng hoàng: “Đây đúng là nhà họ Chân, xin hỏi anh tìm ai ạ?”
“Tôi đã hẹn ba giờ sang thăm giáo sư Chân, không biết giáo sư có nhà không?”
“Có ạ.”
“Cảm ơn.” Anh ta lịch sự nói, rồi cúp điện thoại.
Ông nội xuống nhà, mặc chiếc áo dài cotton nhăn nhúm, mái tóc bạc bù xù, trông như ông tú tài nhếch nhác cuối triều Thanh. Chân Ý nói có người đến thăm, chải đầu cho ông, khuyên nhủ hết lời nhưng ông vẫn không chịu thay áo, cô đành phải là qua chiếc áo dài cho xong chuyện.
Ngoài kia mưa vẫn rơi tí tách, chiếc radio vẫn rủ rỉ đưa tin đang phát trên sóng FM: “...Tại phiên tòa xét xử, công tố viên Doãn Đạc và luật sư Chân Ý đại diện cho nạn nhân đã lợi dụng màn truy hỏi bất ngờ, bác bỏ tơi tả những lời biện giải của bị cáo. Chuyên gia luật phân tích cho rằng Lâm Tử Dực và ba người còn lại sẽ bị phán ít nhất mười năm tù giam. Nhưng tại phiên xét xử thứ hai, luật sư bào chữa đưa ra chứng cứ đanh thép chứng tỏ nạn nhân Đường Thường vốn là gái làng chơi. Về sau Đường Thường không chịu nổi áp lực nặng nề nên nhảy lầu tự tử...”
“Tạch!” Chân Ý thờ ơ tắt radio.
Mưa đã tạnh, cô lại mở cửa sổ ra, dùng chêm gỗ chống từng cánh cửa đâu ra đấy. Quét dọn căn nhà sạch sẽ tinh tươm, pha ấm trà đãi khách đặt trong phòng khách, xong xuôi hết rồi cô mới ôm quần áo đi lên lầu.
Bộ váy may theo số đo, khoác lên người trông thanh nhã duyên dáng. Chân Ý khác vui vẻ, cởi váy ra, chợt nghe thấy tiếng hét hoảng hốt của ông: “Lũ lụt rồi!”
Chân Ý vơ lấy cái áo sơ mi chạy xuống nhà, thấy ông nội làm đổ nước sôi khắp bàn. Trên bàn mịt mù hơi nước. Cô lập tức gỡ chiếc áo khoác treo trên chiếc giá gần nhất thấm nước, ngăn không cho nước chảy xuống chân ông.
“Ông đứng sợ, không sao đâu!” Cô mỉm cười an ủi ông, lại nghe phía sau có người đóng cửa, rất khẽ rất chậm, dường như không muốn khiến người ta chú ý. Nhưng cửa gỗ đã cũ, khó tránh khỏi phát ra tiếng.
Chạy vội từ trên tầng xuống, quần áo cô tuy xộc xệch nhưng không đến nỗi “phi lễ chớ nhìn”, cú đóng cửa này quả thật làm cho người ta lúng túng.
Cô khó chịu lên tầng, không bao lâu sau ông nội gọi với lên: “Ý ơi, khách sắp về rồi!”
Chân Ý không chịu xuống tiễn, dẩu môi, miễn cưỡng lên tiếng: “Tạm biệt!” Nhưng đối phương không đáp lại.
Người đi khuất cô mới ra, vũng nước trên nền nhà đã được lau sạch. Cô thầm kinh ngạc, ông nội thậm chí còn không biết cây lau nhà để đâu, xem ra là do vị khách kia lau rồi, sợ ông nội không cẩn thận giẫm phải té ngã đây mà. Bàn cũng đã được lâu khô, trong sọt rác có một chiếc áo khoác.
Một ý nghĩ nhanh như tia chớp lóe lên trong đầu Chân Ý, cô lấy áo khoác của khách đi thấm nước ư? Lật ra nhìn, vậy mà cô lại lấy chiếc áo Zegna cao cấp làm rẻ lau.
Chân Ý rên rỉ, ôm áo khoác lao như bay ra cửa.
Một chiếc Porsche màu đen đỗ đầu ngõ, có người kính cẩn che chiếc ô đen cho người ấy, còn người ấy mặc bộ vest phẳng phiu, khom người định lên xe.
“Xin chờ một chút!” Cô chạy nhanh tới, giẫm phải vũng nước đọng khiến nước văng tung tóe.
Người ấy đứng thẳng lên, hơi nghiêng đầu nhưng không quay lại.
Không biết bởi vì chiếc xe hay bởi vì người mà đám sinh viên đi ngang qua thi nhau nhìn ngó.
Vừa chạy tới sau lưng người ấy, cô bỗng phát giác người này rất cao, bộ vest được cắt may rất khéo, thẳng thớm không một nếp nhăn. Người che ô đứng cạnh nhìn Chân Ý, ánh mắt hững hờ.
Gió xuân thổi tới, giọt mưa đọng trên lá rơi xuống, dậy tiếng lộp bộp trên tán ô. Chân Ý đứng ngoài ô, rụt cổ lại, giọng điệu thỏa đáng: “Vừa nãy không cẩn thận lấy áo anh thấm nước, tôi giặt sạch rồi trả cho anh nhé?”
“Không cần đâu.” Anh ta thản nhiên nói, khom người định lên xe nhưng hơi khựng lại: “Những điều giáo sư Chân chỉ dạy đáng quý hơn một chiếc áo nhiều.”
Trạng thái tinh thần của ông nội hiện giờ còn có thể nghiên cứu học thuật ư?
Chân Ý bối rối, tuy vậy xưa nay tính tình cô vốn thoải mái vô tư, nếu người ta đã nói chẳng đáng thì cô cũng không dây dưa nữa.
Lúc xoay người định đi, cô bỗng trông thấy gương mặt nghiêng tuấn tú khôi ngô của anh ta, giống như có cánh hoa anh đào lìa cành theo gió bay đến từ nơi không xa. Cô hơi sững sờ.
“Ngôn Cách?” Cô không chắc lắm, ôm áo anh tiến lên một bước, sau khi thấy rõ cô cười rạng rỡ: “Đã lâu không gặp.”
“Xin lỗi, tôi không nhớ cô.” Dứt lời, anh khom người lên xe.
Cô biết anh có tật hay quên người khác, không hề để ý, còn rất vui khi gặp lại cố nhân ở nơi đất khách quê người: “Anh quên rồi à, em là Chân...”
Chưa nói xong, người che ô đã đóng cửa xe lại. Chân Ý chỉ nhìn thấy chiếc cằm thanh thoát trắng trẻo của anh.
Nhìn chiếc xe xa dần, Chân Ý thờ ơ nhún vai. Đã xa cách tám năm, với tính cách lạnh nhạt của anh, ắt hẳn đã sớm quên cô rồi. Nếu cô vẫn giống như thời trung học, chắc chắn đã giả vờ nhanh miệng, cười khúc khích nói: “Đàn anh, em là con bé từng yêu đương với anh thời trẻ trâu đấy!” Rồi nhìn anh – da mặt vốn mỏng – mắc cỡ đỏ cả tai. Nhưng cô không còn điên rồ như xưa nữa, còn anh vẫn không thèm đoái hoài đến cô như thuở nào, thậm chí chẳng buồn chào hỏi.
Trở về nhà, ông nội đang ngồi bên bàn ăn bánh brownie hạch đào.
Chân Ý đoạt lấy đĩa bánh, giả bộ trợn mắt: “Ông già này lại không nghe lời rồi, từng này tuổi còn có thể ăn đồ ngọt ư?”
Ông nội cầm chiếc dĩa, hết sức tủi thân: “Là đường xylitol (1) mà.”
(1)Xylitol là chất ngọt tự nhiên, được chiết xuất từ cây bu-lô, cây sồi xanh, hoặc một số loại cây khác. Xylitol có độ ngọt tương đương đường mía, nhưng ca-lo chỉ bằng khoảng 75% đường mía. Sử dụng đường xylitol có thể hạn chế các vấn đề sức khỏe như huyết áp, tiểu đường. (Mọi chú thích trong cuốn sách này đều của người dịch.)
“Ơ?” Đúng là được đặc chế từ đường xylitol, ai có lòng như vậy nhỉ? Trên bàn còn đặt mấy lọ hạt có vỏ cứng: hạch đào, hạt điều, hạt phỉ, hạt mắc ca... Trên lọ thủy tinh dán giấy ghi chú, nét chữ đẹp đẽ, viết “Mỗi ngày ba hạt”.
Chân Ý trả đĩa cho ông nội, hỏi: “Người vừa nãy là ai thế ạ?” Ông nội đã về hưu từ lâu, không thể nào là thầy giáo của anh ấy được. Vả lại anh ấy đã ra nước ngoài từ mấy năm trước.
Ông nội gãi đầu: “Thầy Tô giới thiệu.”
Giáo sư Tô là đồng nghiệp của ông, chuyên ngành Y. Ông nội nghiên cứu Triết học, từ lâu đã nổi tiếng trong ngành. Mặc dù đã về hưu, nhưng thường xuyên có học trò tới thăm hỏi nhờ chỉ dạy.
Nhớ lại năm đó ở Thâm Thành rợp bóng cây xanh, anh nói muốn ra nước ngoài học y. Bây giờ xem ra anh đã chuyển sang nghiên cứu Triết học rồi? Ngẫm lại như vậy đúng là rất hợp với tính cách lạnh nhạt, cực kỳ lạnh nhạt đó của anh. Đã mười hai năm kể từ lần đầu gặp mặt, tám năm tính từ buổi chia ly, thời gian trôi đi nhanh quá.
Chân Ý cầm thìa xúc một miếng bánh brownie nhỏ xinh, vị đường xylitol, chỉ có anh mới nghĩ ra được thôi. Cô chọc chọc vào chiếc bánh ngọt màu đen, bỗng nhớ lại những năm tháng đeo đuổi người ấy. Xem Đồi gió hú, hai mươi năm, Catherine biến thành rồi vẫn phải trở về bên Heathcliff giữa đêm gió táp mưa sa. Khi đó cô cho rằng mình sẽ có mối tình đầu sâu đậm như Catherine. Nhưng dần dần cô nhận ra, nào có mấy người đàn ông yêu đến cuồng si như Heathcliff chứ?
Cô bé đã trưởng thành, biết được cái gì gọi là hiện thực, cái gì gọi là tuổi thanh xuân khi còn dịp hãy tận hưởng hết thú vui (2),nhất là tuổi thanh xuân cảu cô gái trẻ.
(2)Nguyên văn là “Thanh xuân đắc ý tu tận hoan”, cải biên từ câu “Nhân sinh đắc ý tu tận hoan” – Đời người khi còn dịp hãy tận hưởng hết thú vui, trong bài thơ Xin mời rượu của Lý Bạch.
Những ký ức xưa kia chợt vụt qua, Chân Ý nhướng mày, điều tiếc nuối duy nhất là: Gương mặt tuấn tú ấy lại không thuộc về mình. Là hội trưởng hội mê trai đẹp, cô vô cùng đau xót. Cô cười sự thiếu đứng đắn của mình, vui tươi trở lại, chọc chọc tay ông nội: “Ông ơi, bao giờ gặp cậu học trò nào đẹp trai ngất ngây nhớ giới thiệu cho cháu gái nhé. Nước phù sa đừng để chảy ruộng ngoài ạ!”
Ông nội phớt lờ cô, ngoan ngoãn ăn bánh ngọt. Chân Ý dẩu môi, trừng mắt nhìn ông.
Mấy năm nay, cô không còn theo đuổi bạn trai như thế nữa.
Còn nhớ rõ, cô chắp tay sau lưng đi bên cạnh anh, nghiêm túc nói: “Ngôn Cách, cho em mượn một thứ nhé.”
Anh hờ hững nhìn cô, ánh mắt như muốn hỏi: “Gì cơ?”
“Kiss!” Cô hé môi cười.
“...”
“Đừng đi mà... Anh yên tâm, em sẽ trả lại cho anh... Này, anh đừng chạy... Anh tưởng chạy thoát được à?”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.