Trước khi rời tàu, thuyền trưởng đã cho nửa tiếng để mọi thành viên chuẩn bị “dạng người” của mình. Do lãnh thổ Đại Việt gồm đại đa số con người, yêu ma chỉ chiếm số rất ít, nên chuyển sang dạng ấy cho tiện. Vả lại, dễ ngồi xe hơn. Hai người khổng lồ nhất hội, vợ chồng Hồng – Giao ấy biến thành người thì đẹp miễn bàn. Viêm đã thấy cả hai, Hồng Ma khi ở điện và Giao Long lúc sáng, nhưng thật sự vẫn quá sức diễm lệ. Dung nhan ấy đã vượt khỏi định nghĩa của “đẹp”, trở thành những tuyệt phẩm của tạo hóa. Cằm chữ V, mắt tròn to long lanh, mái tóc dài thướt tha như lụa đổ, lại cả thân hình đồng hồ cát, nhìn thôi đã thấy ghen tỵ cực mạnh rồi.
Ba người kia cũng biến đổi, thậm chí thay quần áo. Trong số đó, Hương Hương nhẹ nhàng nhất, chỉ “rút” chân tay vào, ép chiều cao lại chỉ còn cỡ thước tám. Quần áo dài quá cỡ thì xắn lên, tấm áo choàng lớn tháo ra vì nó không hợp với mấy lúc thế này, thay vào bằng áo bành tô da mới, giống của cậu Trung, tức không có vòng hay cầu vai gì sất. Tới giờ Viêm mới biết tấm vải quái dị đó thực ra là áo choàng hành quân của đơn vị đặc công ngày xưa, cũng được dùng bởi các đơn vị pháp sư hoàng gia. Nó chỉ nghĩ vì là học trò của Hồng Ma nên bà chị người Bắc đó mới trùm thôi, ra là không phải. Nếu có, xem ra Hương Hương xuất thân không tầm thường. Chẳng lẽ là đặc công thiệt?
Oa Lân hình người không khác gì khi là thi quỷ, trừ màu da đã hồng hào, trắng trẻo hơn, không còn tái xanh nhợt nhạt nữa. Mái tóc đen dài uốn lượn sóng được giấu dưới chiếc mũ kêpi xanh đen, thay cho loại nón vải mềm của quân đổ bộ. Đôi mắt ấy từ sắc huyết dụ trở thành màu vàng hổ phách tuyệt đẹp, óng ánh lại tựa mã não, to tròn hai mí với hàng lông mi cong cong như lá liễu, giống như từ những tác phẩm văn học ngày xưa bước ra. Chiếc áo mang tô bên ngoài cũng thay đổi luôn, chuyển sang màu xanh Hải quân cùng phần vải móc cầu vai bên trên. Là áo loại mới. Còn cầu vai thực sự lại nằm trên quân phục, cộm cộm dưới lớp da thuộc bóng loáng ấy. Mấy vòng vàng lấp ló dưới ống tay áo, trên lớp vải của bộ quân phục. Để hở phần cổ áo lớn, chị ta khoe ra bộ ngực căng tròn đẫy đà như khiêu khích, dù đã mặc quân phục và sơ mi lót tối màu bên dưới. Nhìn chị ấy có chút e thẹn, cái vẻ mặt mà ở buổi chào đón những quý tộc miền Nam Đảo cũng không có. Mà, hình như hôm đó chị ấy đứng xa hơn?
Masami mới thực sự gọi là dữ dội. Cả cơ thể tự dung hóa thành đỏ, khắp tay chân đuôi và thân mình đều hiện lên những lằn màu đỏ sẫm như máu, lóe sáng như cái đèn plasma trên tivi hay quảng cáo. Những đường ấy chạy khắp cơ thể, giống như mạch máu, tụ về nhiều nhất ở ngực trái. Đôi bầu ngực sáng rỡ lên, rồi đến đôi vai, cuối cùng là ánh mắt. Như thể bốc cháy, toàn thân ngùn ngụt khói, đến nỗi chính Giao Long phải ra tay. Lớp vảy trên người bị “thiêu” hết, móng vuốt hóa thành ngón tay với bộ móng cắt tỉa đẹp đẽ, còn đôi chân đã không còn hạ thấp, ngược lại đứng thẳng lên như người thường, với nước da trắng như tuyết và sự mịn mà nếu được chạm vô, chắc Viêm sẽ nghiện luôn. Cái đuôi biến mất tiêu, và bây giờ trông chỉ chẳng khác gì một cô gái với quả tóc bù xù. Không còn sót lại vẻ gì của long nhân. Rồi chị ta mặc quân phục đàng hoàng lên, với cầu vai Trung tá màu bạc hai sao, trên ống tay áo ngoài vòng vàng lớn thì chỉ còn hai vòng nhỏ. Đôi bàn chân ấy đã có thể đi giày đàng hoàng, đầu đội nón sĩ quan, trên vai khoác bành tô da xanh đen, nhìn đẹp cực kỳ.
Sau khi chuẩn bị hoàn tất, họ mới rời tàu.
Di chuyển vào nhà điều hành của quân cảng, Viêm thật sự chẳng ngậm nổi mồm trước khung cảnh nơi này. Hoành tráng quá, hiện đại quá! Nhỏ đi chung xe với các thành viên chỉ huy tàu, vào tận bên trong. Xe bọc thép bán xích của quân đội, bên trên lắp cả súng máy, thật sự quy mô không ngờ. Những người kia đi phía sau thì phải, chị Liên và bác sĩ Kiyo cùng hai Thượng tá khác nó vẫn chưa biết mặt. Trong đêm tối, hướng ánh mắt ra bên ngoài, nhỏ tha hồ nhìn ngắm ánh đèn rực rỡ tựa sao trời, cả những khu trục đang nằm cảng đằng xa kia. Đèn rọi chiếu sáng trời, cùng rất nhiều tàu bay cảnh giới bên trên. Xung quanh họ, có cả các người máy và xe bọc thép khác hộ tống nữa. Cứ như dân VIP vậy!
Và khu điều hành thậm chí còn dữ dội hơn. Một pháo đài hình sao, với rất nhiều các tháp pháo phòng không xây dôi ra góc ngoài tường, bên trên bố trí vũ trang cực nặng. Cao xạ chĩa thẳng lên trời, cùng rất nhiều quân lính đi trong những “người máy” cơ khí tuần tra xung quanh. Phần chân có xích, chắc chạy như xe tăng, nhưng vẫn có thể bước đi được. Đôi tay to quá khổ ấy trừ bàn tay máy móc bọc thép, kêu ken két ấy còn gắn thêm hai cây đại liên bên dưới, bố trí song song. Buồng điều khiển nhỏ chỉ vừa đủ nhìn bên ngoài, lắp kính, có lẽ là loại chống đạn, nó nghĩ. Trên đầu người máy có các ăng ten cao, chắc để dùng truyền và nhận tin từ đơn vị khác? Nó không rõ nữa, nhưng trông ống khói xả hơi trắng xóa sau lưng cùng tiếng máy chạy xình xịch như xe lửa, chẳng phải tuyệt cực kỳ luôn sao?
Tuy nhiên, bất ngờ nhất là khi xuống xe. Viêm đã nghĩ cùng lắm cũng sẽ chỉ có vài chục người tới chào, nhưng ngay lúc Giao Long xuất hiện – cô xuống đầu tiên – tiếng hô “Quyết thắng!” đã vang dậy cả góc cảng. Hàng trăm binh lính, sĩ quan, kỹ sư,… có mặt ngay trước cửa vào cảng, giơ cao tay về trước mà chào với tất cả sự trang nghiêm, kính trọng họ dành cho người phụ nữ ấy. Không quân, Lục quân, bộ phận kỹ thuật, nhân viên sân bay, rất nhiều người tới đây. Ngay cả những binh sĩ điều khiển người máy cũng mở nắp buồng lái, đứng lên chào đầy cung kính.
Trong số đó có những vị đầu tóc bạc phơ, râu ria lún phún, ngực đeo đầy huân, huy chương. Cũng có nhiều người trẻ tuổi, mặt mày sáng láng khôi ngô, đầu tóc gọn gàng, ánh nhìn đầy hoài bão và sự ngay thẳng của người lính trẻ tuổi. Họ đứng thành hàng ở hai bên đường đi, kính cẩn dạt ra cho Giao Long và thành viên tàu di chuyển. Cực kỳ ngay ngắn, thậm chí nhỏ tưởng họ đã tập dợt từ trước. Không ai mắc lỗi. Quần áo ngay ngắn thẳng thớm, tư thế nghiêm cực chuẩn với chân khép chặt và mũi bàn chân choãi ra góc bốn mươi lăm độ, ngực ưỡn nhưng không ẻo lả, mặt ngẩng cao kiêu hãnh, thật sự không thể dùng từ gì khác ngoài “hoàn hảo” để nói nữa.
Rồi đoàn U Minh đến trước cửa vào pháo đài. Viêm chợt thấy, đứng ngay đằng đó là một nhóm người khá đông, cỡ vài chục, trang bị súng trường G96 hay K98 gì đó xếp thành hai hàng ngang rất đẹp. Lính đứng nghiêm như tượng, toàn bộ đều là nam giới. Mặt mũi tuấn tú điển trai, tóc tai gọn gàng, mày râu nhẵn nhụi, trẻ trung khỏe khoắn, tướng tá chắc trên thước tám, nói chung là chuẩn trai đẹp đi lính. Khác với những người bên ngoài, không phải áo xanh Hải quân thì cũng là đen Lục quân, kiểu may hiện đại với hai túi trước ngực và thắt lưng da, những người này mặc loại quân phục khá đặc biệt, với phần cổ tròn hồ cứng ôm sát thân, trong khi cổ áo bình thường được làm dạng ve nhọn kiểu Tây.
Trang phục không như số đông, áo màu lá mạ chẳng bỏ vào quần mà vạt kéo dài xuống ngang đầu gối, phía sau xẻ cao, lại gấp vào hai bên, để lộ phần vải vàng bên dưới. Trong quân phục mặc thêm áo màu be, đóng thùng ngay ngắn chứ không để ra như áo ngoài. Ống tay may ôm chứ không để lệt phệt, quần ống túm rộng phần đùi nhưng bó sát ở bắp chân, với đôi giày da bóng loáng đi dưới chân. Đầu đội mũ vành rộng gấp lên bên trái, có quai đeo qua cằm, lại thêm thắt lưng và chiếc đai đeo chéo móc vào chiếc túi vải màu nâu đất, nhìn nhóm ấy hoàn toàn lạc quẻ.
Đặc biệt, những người này không có cầu vai. Chỉ có phần vành vải được may như thế trên vai áo, cài vào bằng chiếc khuy. Áo lính ngoài cũng vậy, độc một hàng cúc. Các sĩ quan mặc áo hai dọc khuy vàng, còn họ dùng một hàng màu đen bóng, rất lạ. Tay mang găng vàng che quá cổ tay áo, đôi giày da lên đến gần đầu gối, kỳ lạ cực kỳ. Túi vải đeo bên hông khá lớn, nhưng Viêm không biết chúng đựng gì. Đến như trang bị cũng quái, tuy mang súng trường kéo thoi nhưng dàn đội hình lại kiểu hỏa mai hàng ngang. Trông mà Viêm ngỡ mấy người đó cứ như… chui từ cái bảo tàng nào ra vậy!
Gõ nhẹ vai Viêm, Mộc Ma thì thào:
– Đội cấm vệ của hoàng cung đó! Không phải thứ xoàng đâu!
– Cấm vệ? – Viêm tròn mắt.
– Lực lượng đặc biệt bảo vệ hoàng cung! Ở đây chỉ cỡ trung đội thôi, vô kinh rồi mới thấy đông cỡ nào!
– Cỡ nào?
– Đông kinh!
Quả chơi chữ không thể khắm hơn! Cũng may vì đứng phía dưới cùng hàng sĩ quan chỉ huy phòng lái, lại nói cực nhỏ nên hầu như không ai để ý. Hoặc giả họ thấy nhưng không để ý. Dù gì thì thêm một con bé cũng chẳng phải chuyện nhỏ, nhưng nếu nó đi cùng Tổng lãnh thì cô ta ắt hẳn có lý do. Có lẽ họ nghĩ thế.
Đứng đầu hàng quân đó, kỳ lạ thay, là một người mặc quân phục hiện đại.
Nheo nheo mắt, Viêm nhìn ông chú ấy. Khoảng độ ngoài năm mươi, với bộ ria mép để vểnh, chòm râu dưới cằm như con dê. Mặt mày sáng sủa dễ coi, tuy da dẻ rám nắng và đầy các nếp nhăn, lại có cả vết sẹo dài chạy qua mắt trái. Dáng vẻ bệ vệ cao lớn, thân hình hộ pháp, xem ra không phải tầm thường. Đặc biệt hoàn toàn không phải “bụng bia”. Chỉ qua lớp vải áo quân phục dày cộm thôi cũng thấy cơ bắp cuồn cuộn bên dưới. Giống như cậu Trung và Bá tước Karl, cơ bắp nổi từng múi như đô vật hạng chuyên, đến nỗi nhắm chừng có thể tay không bứt đứt thanh sắt đầu giường.
Quân phục y mặc nổi bật hoàn toàn giữa nhóm lính cấm vệ. Đồ hiện đại, với chiếc áo đen Lục quân cài hai hàng khuy vàng bên ngoài, lại thêm bộ dây tiêu vàng sáng rực móc vào chiếc nút thứ hai từ trên xuống, để thõng trước ngực, vòng qua cầu vai và nách áo thêm mấy lần nữa. Tay áo ba vòng vàng mảnh, không có vòng dày, lại thêm cầu vai vàng ánh kim nữa. Đã biết Giao Long thế nào, Viêm “mạnh dạn” đoán người kia phải có cấp hàm ngang Thủy sư Đô đốc. Là Lục quân thì gọi Nguyên soái nhỉ, hay Thống chế? Nó không biết. Áo quân phục để ngoài quần, không đóng thùng, bên trong còn sơ mi đen gài kín cổ, loại cổ bẻ được hồ cứng, ve nhọn chứ không dùng kiểu tròn. Có cả hai miếng phù hiệu binh chủng, màu đỏ tươi với hình cặp súng vàng bắt chéo. Con bé chẳng hiểu đó nghĩa là gì, chút hỏi sau vậy.
Áo mặc gọn gàng đã đẹp, lại thêm phần quần và giày cũng đẹp không kém. Quần ống suôn dài, không cần mấy trò bó trước bó sau như đám thanh niên choai choai Việt Nam mà vẫn cực kỳ nam tính, nhìn thôi cũng thấy mạnh mẽ rồi. Cùng màu với áo, quần màu đen đậm, có vẻ như may từ vải kaki hay cái gì đó tương tự. Thắt lưng không thấy bên ngoài, nhỏ nghĩ, chắc bị áo che rồi? Thế thì hơi bất tiện, nếu giắt súng như cách của Giao Long thì thật sự khó lấy. Giày da, ống quần phủ lên nên cũng hơi khó trông hết. Viêm nghĩ, trông được đó chứ! Giày da bóng loáng cơ mà, đến cả vết bẩn cũng chẳng có. Vẫn hơn mấy đôi giày vải. Mà hình như sĩ quan ở đây toàn dùng giày da thuộc thôi nhỉ?
Đúng chuẩn phong cách tướng quân, ông ấy đội loại nón kêpi sĩ quan màu đen tuyền, bên dưới có vòng giữ vào dưới cằm, trước trán có huy hiệu màu vàng kim rất đẹp, dù Viêm không hiểu nó có nghĩa gì. Một hình chữ thập nổi với bốn biểu tượng gồm quyền trượng, quả địa cầu, cán cân và khẩu súng theo chiều kim đồng hồ từ góc trái trên cùng, bên ngoài lại được bao lấy bởi nhiều lá cờ lớn. Viêm nghĩ, chắc đó là quốc huy Đế quốc chăng? Ở Việt Nam, quân đội và công an đều đeo quốc huy trước mũ, chắc ở đây cũng vậy. Nghĩ lại thì, nhỏ chưa từng để ý cái trên nón thuyền trưởng. Hôm nay ai cũng đội nón cả, nên chắc sẽ được thấy dài dài đây. Nghĩ thế thôi.
Mà đã mặc đủ cả bộ quân phục cấp tướng thì làm sao thiếu “thứ đó” được? Viêm nhìn, chắc chắn phải có! Cái áo bành tô ấy! Mấy người bên Không quân mặc loại làm từ da thuộc, màu xanh đen. Oa Lân dùng kiểu của Quân Đổ bộ đường không nên may từ vải dày chống thấm và màu khác, nhưng vẫn cực kỳ ngầu. Còn của ông chú này, lại thấy khá đặc biệt. Chiếc bành tô bằng vải dày, cổ lớn, chắc cũng dùng loại kaki chống thấm, mặc khoác trên vai chứ không xỏ tay vào. Áo hai hàng khuy, sợi dây nịt lớn vẫn còn để buông thõng bên ngoài, thấy luôn cả phần túi áo mặt hông nữa. Bên trong còn có nhiều túi nhỏ, giắt được cả súng lục. Viêm xanh mặt, súng giấu trong áo?
Không suy nghĩ nữa. Viêm lại nhìn, chiếc áo khoác lớn quá khổ ấy xem ra dành riêng cho bộ binh, những người phải chiến đấu dưới đất. Do thế giới này mới chỉ trải qua Đại chiến Gaia, chẳng biết có thể xem như chiến tranh thế giới chưa, họ xem ra chưa cải tiến nhiều về loại trang phục này. Đến cả bành tô vẫn còn phần vạt vải choàng phủ qua vai, dài tới cùi chỏ nữa cơ! Phủ cả hai bên, rộng và khá quái, vạt vải ấy khiến con bé thấy cứ dị dị. Bên trên có vành vải giả cầu vai cài khuy lại, tấm vải trùm đó che kín vai và bắp tay, nhưng lại không phủ được tới phần giữa ngực, tức chừa khoảng giữa hàng nút áo ra. Thiết kế, Viêm phải nói thực, quái đản và chả giống ai! Đồ bên Không quân còn thấy quen thuộc, chứ mặc cái thứ kia, chẳng lẽ mốt thời trang từ thế kỷ mười tám chui lên á?
Nhưng trong lúc con bé còn đang suy nghĩ, những ngừi hàng đầu đã giơ tay chào. Trừ Giao Long theo kiểu quân lính, thì từ Hồng Ma xuống sau đều để nắm tay phải lên trước ngực, xong duỗi thẳng về trước, cao quá đầu. Họ đồng loạt hô to câu khẩu hiệu “thần thánh” ấy:
– Quyết thắng!
– Quyết thắng!
Ông ta đáp lại với điệu bộ khoan thai, ung dung nhưng vẫn ngời ngời khí chất.
Bước tới gần người đàn ông ấy, người mà Viêm ước chừng phải cao ít lắm là thước chín, có khi hai thước, Giao Long đứng nghiêm rồi cất giọng trầm trầm:
– Báo cáo đồng chí Bộ trưởng, đoàn U Minh đã tới.
– Tốt.
“Cái gì?”
Viêm không nghe nhầm chứ?
Bộ trưởng?
– Không nhầm đâu!
Véo tay Viêm, Mộc Ma lại thì thầm nhỏ xíu:
– Đó thực sự là Thừa tướng đương nhiệm, Bộ trưởng Bộ Tổng Tư lệnh Đế quốc đó!
– Bộ trưởng? Vậy ổng làm gì ngoài này chứ? Mấy ổng chả phải lúc nào cũng ngồi văn phòng sao?
– Ai biết! Coi tiếp đi!
Dù nói chuyện thế, nhưng do đã có “kỹ thuật”, lại khi chào, đội hình di chuyển khiến chúng nó đứng lọt thỏm giữa mấy người cao ngồng kia nên lực lượng quân cảng không để ý thấy. Masami ngay trước mặt ngoắc tay, ý bảo nói khẽ thôi. Mộc Ma gật đầu. Tới đây, nó đã thu đôi sừng vào, nhưng mái tóc và con mắt đỏ lừ vẫn không đổi được. Cả vết vẽ trên mặt nữa, cái đó truyền thống rồi. Cũng may được người ta vây quanh, không thì chúng nó bị phát hiện ngay. Nói chuyện riêng khi cấp trên đang chào hỏi nhau bị xử nặng lắm. Con chột biết, nhưng… cứ ngứa mồm thế nào ấy!
Trong khi đó, ở hàng đầu, Giao Long vẫn đang tay bắt mặt mừng với Thừa tướng. Tuy không tỏ vẻ gì ra ngoài, nhưng rõ ràng giọng điệu có phần vui hơn thường ngày:
– Dạo này ông anh sao rồi, khỏe chứ? Vẫn chết chìm với bàn giấy à?
– Hờ hờ, khỏe! Thằng Trung thấy giống chết chìm hơn!
– Nói vậy đau lòng ổng giờ! A ha ha ha!
“Thuyền trưởng… đang cười?”
Mấy người đằng sau tái mặt, nhất là Mộc Ma. Giao Long chỉ cười với mấy đối tượng sau: Đám ngu, nhân vật đáng tôn trọng và người nhà. Bộ trưởng Bộ Tổng Tư lệnh chắc chắn không thể là “ngu”, vậy thì còn hai trường hợp sau. Đáng tôn trọng là tất nhiên. Duy chỉ có Hồng Ma và vài người đã ở lâu trong nhà họ Phạm biết chuyện. Họ quyết định giữ im lặng.
Sau lúc chào hỏi sơ lược, họ mới vào trong nhà điều hành. Có người đến báo Phó Đô đốc Trung, các học viên và quý tộc địa phương đều vào trước rồi. Chỉ còn chờ thủy thủ đoàn của Hồng Ma, do tàu quá lớn nên hạ cánh mất thời gian.
Cùng bước vào pháo đài điều hành, Viêm thật sự choáng ngợp trước khung cảnh ấy. Một pháo đài cực lớn, với hành lang từ cửa vào đến đại sảnh bên trong dài và hẹp, lại bố trí nhiều chốt gác và các lỗ châu mai, có lẽ để đảm bảo phòng thủ. Giống như điện Cây Quế, nơi này là một căn cứ quân sự cỡ khủng, nên chắc cái đoạn đường này chỉ mới là hầm chui qua thôi. Nó nghĩ thế. Đi cùng Mộc Ma, hai đứa gần tới mức nắm tay, nhưng vẫn còn cách ra chút xíu.
Hết đoạn hầm ấy, họ đã vào trong. Nhà điều hành quân cảng Kẻ Chợ khổng lồ nằm lọt giữa tám vách tường vừa dày vừa cao, bao quanh là các công sự chìm, nổi cùng những dãy nhà phụ trợ. Dãy nào cũng xâu cao năm, sáu lầu, chính giữa có tòa tháp hình lăng trụ đa giác cao cũng phải cả vài chục tầng, bên trên lắp các dàn loa AL cực lớn cùng cửa sổ kính to tướng quan sát được hết thẩy ba trăm sáu mươi độ bên ngoài. Có cả ban công đứng nhìn cùng hàng đống những chiếc đèn pha, bật sáng hết cả tháp. Những dãy nhà dài, mái ngói đỏ au ấy dù đang trong đêm cũng nhìn cực kỳ hoành tráng. Cứ đầu mỗi dãy lại có một tháp canh lớn, bên trên bố trí cao xạ và đèn. Mà phải là cao xạ nòng đôi cỡ lớn nữa cơ! Cùng với phía bên ngoài, quy mô của nó thực sự chẳng khác gì lưới lửa nhiều tầng.
Vào tới đây rồi, Viêm thấy cậu Trung và các quý tộc đang tập trung thành đoàn riêng. Xung quanh họ rất nhiều sĩ quan trẻ bủa vây, cùng những người trông đứng tuổi đến hỏi chuyện, bàn luận. Xem ra do lúc này đã hết giờ hành chính, họ mới tự do vậy. Nhỏ nghe liếng thoắng cái gì mà hỏi về luận án, luận văn các thứ, lại mấy bác già đến rủ đi uống trà, đánh cờ soái cho vui. Nhiều người hiếu kỳ nhìn các yêu ma phương Nam, đã quay về nguyên hình. Tuy thích thú, họ vẫn phải giữ lễ nghĩa. Dù sao mấy người đó cấp hàm vẫn cao hơn. Vô lễ với cấp trên bị phạt rất nặng. Quân đội nào cũng thế. Nên “vui thôi, đừng vui quá”, dù muốn nói chuyện, trao đổi nhưng nhìn các chàng trai cứ phải giữ ý tứ cũng buồn cười thật. Nhất là khi hai Bá tước kia, người xanh lè đáng sợ, kẻ lại cao to hộ pháp, đứng canh chừng cho bóng hồng hiếm hoi trong hội.
Cùng lúc đó, Hồng Ma quay lại nói:
– Chúng ta sẽ tạm trú lại đây, ngày hai tháng Tư sẽ tiến hành di chuyển! Đội hình giải tán!
– Rõ!
Chỉ chờ có thế, nhóm sĩ quan theo Giao Long xuống tàu lập tức tản ra. Không chỉ có đội buồng lái, ngay cả một số người ở Quân đoàn 1 cũng đi theo. Nó thấy vậy vì tấm áo choàng đen đặc trưng, cùng những chiếc nón lính và mái tóc màu bạc. Chị Lệ? Nhỏ không biết, định đi sang nhưng tức thì bị Mộc Ma nắm tay lôi đi.
~oOo~
Khi tất cả đã về phòng – những sĩ quan cấp cao xuống đây được bố trí phòng nghỉ, còn tụi học viên và thủy thủ thường ở lại tàu – chỉ còn lại những người chức vụ lớn nhất và Viêm. Tất cả ở trong căn phòng họp lớn “mượn” của bên cảng. Nơi này vốn dùng tiếp đãi các nhân vật quan trọng của Chính phủ hay Bộ xuống kiểm tra, cũng như các tướng lĩnh nơi khác đến gặp, nên được trang hoàng vô cùng sang trọng. Căn phong hình chữ nhật dài, một mặt hướng ra sân sau của nhà điều hành quân cảng, lắp cửa sổ kính chống đạn trông về vườn tuyệt đẹp, lại có cả bộ khung kim loại tuy tạo hình đơn giản mà tinh tế, với họa tiết đôi cò đứng hướng vô nhau, ngẩng cao đầu, bên trên là các nan thép hình dạng như mây. Tấm màn được kéo vén lại, có lẽ để đảm bảo an ninh, vì bên ngoài vẫn có người đi tuần. Tuy thế, vách và cửa sổ làm cách âm nên chẳng dễ gì nghe được.
Phần sàn lát đá hoa cương được trang trí họa tiết bông sen tuyệt đẹp. Mà không, Viêm nghĩ, toàn bộ cái sàn đã là một tuyệt tác! Hàng trăm thước vuông của nó là một bức tranh tuyệt đẹp vẽ cảnh hồ sen, với mặt nước xanh rì long lanh, lá sen màu lục mát rười rượi hẵng còn đọng những giọt nước óng ánh như ngọc, cùng những bông hồng hồng trắng trắng ấy đua nhau khoe sắc. Có cái bừng nở đầy ưu nhã, cái lại e ấp, thẹn thùng mà mới chỉ chịu khoe ra chút sắc nước hương trời. Nhụy hoa vàng tươi khỏe khoắn, xinh xắn, điểm tô với hình ảnh mặt nước phản chiếu sen hồng, tạo thành điểm nhấn đặc biệt. Thật là “trong đầm gì đẹp bằng sen”, dù chỉ là sen vẽ dưới đá thôi, cũng đã khiến người ta nhẹ lòng đi hẳn. mà, con bé giật mình, đứa dở hơi nào lại mang cả tuyệt tác thế này xuống sàn cho người ta chà đạp vậy chứ! Cóc có biết thương hoa tiếc ngọc gì sất á!
Ngược lại, trần nhà lại hoành tráng theo… ờm… “một cách khác”? Ngước nhìn đến mỏi cả cổ, Viêm không biết phải nói thế nào nữa. Một bức tranh tường? Quái dị thật, trên ấy thì lại vẽ hình những tàu bay bắn nhau giữa mây, mây cuồn cuộn từng khối trắng phau bị nhuộm màu đen đỏ bởi ánh lửa và tàn khói. Tàu bay kiểu zeppelin bắn vào nhau, có chiếc nổ tung giữa thân, gãy đôi mà rơi xuống. Xung quanh, các tàu nhỏ dàn hàng nã pháo, với nhiều chiếc trúng đạn bốc chát ngùn ngụt. Nhưng quái đản, ở ngay giữa tranh, mây lại được vẽ dạt ra. Một vòm sáng lớn được vẽ rất nổi bật chính giữa, tỏa ánh sáng dịu dàng đến bất ngờ. Bên trong đó là hình đôi tay nắm lại với nhau, cùng tràng hạt nâu với cây thập giá, giống như một người đang cầu nguyện. Và ánh sáng chiếu xuyên qua đó.
Thực sự không để ý thì nó đã chẳng nhận ra đó là cái đèn trần được lắp âm vào! Viền y như thật, lại cùng với cách vẽ mà như vầng hào quang tỏa sáng rực rỡ.
Ánh sáng từ thiên đường… giữa chiến trường nơi không trung!
– “Lời cầu nguyện của người lính Không quân”.
Giọng đều đều, Giao Long chợt nói vào đầu Viêm.
– Bức tranh của danh họa Miguel Pablo Augustíne de Picásorre vẽ lại trận không chiến trên không làng Zoelik ở Thánh quốc Romulusea, ngày mười hai tháng Chín năm một ngàn chín trăm. Trận không chiến zeppelin lớn nhất lịch sử, với hơn ba trăm tàu Gaullia và khoảng bốn trăm bảy mươi chiếc từ ba nước Thánh quốc, Valhöll và Remusa cùng chống lại lực lượng xâm lược. Trận đánh đầu tiên làm chững đà tiến quân của Gaullia, và sang năm tiếp theo thì chiến dịch phản công Argönne chính thức bẻ nát âm mưu Đông tiến của đám quần đỏ ấy.
– Dạ… Ớ?
Viêm tròn mắt. Một bức tranh như vậy ở đây… khá hợp chứ nhỉ?
Cùng lúc đó, quay lại thực tại, Viêm chợt nhận ra mình đang bị “bao vây” bởi các chỉ huy cấp cao. Họ ngồi bên chiếc bàn gỗ dài, trên đôi hàng ghế đối diện nhau với nhóm U Minh ở hết một phía. Nói là “những” cho đông thôi chứ thật ra cũng chỉ có vài người, gồm Bộ trưởng Bộ Tổng Tư lệnh, thuyền trưởng, Hồng Ma, cậu Trung và một người đàn ông nữa. Có lính canh, nhưng không phải cận vệ hoàng gia mà là những binh lính bình thường, mặc đồng phục màu đen đặc của Lục quân và đội nón vải. Họ cầm súng tiểu liên băng đạn tròn, sau lưng có thêm khẩu súng hoa cải, hông giắt cây lê cỡ thanh kiếm ngắn, trước ngực lại đeo thêm bao đựng đạn. Trông oách vô cùng.
Trong tất cả những người ở đây, Viêm chú ý nhất là người đàn ông bên cạnh Bộ trưởng. Khoảng gần năm mươi với mái tóc bạc trắng chải chuốt gọn gàng, bộ ria mép vểnh cực kỳ quý tộc cùng chiếc kính một tròng đeo bên trái. Ánh mắt ngọc lục bảo khép hờ đầy vẻ lãng tử, mơ mơ màng màng mà khí chất ngút trời, chỉ liếc qua thôi mà đã thấy lóe sáng sắc lẹm như lưỡi lê tàn nhẫn. Không hề cơ bắp cục súc, ngược lại trông cực kỳ thư sinh và điển trai, nho nhã, nếu không phải hơi “già” thì y đã thành soái ca đốn tim hội chị em rồi.
Mặc cùng loại quân phục với Giao Long, tức áo quân đội xanh đen cài hai hàng khuy vàng, ông ta có thêm chiếc huy hiệu hình cánh quạt để chéo trên ngực trái, bên dưới ghi tên, nhưng chữ làm khó đọc quá nên Viêm trông không ra. Áo quân sự Đế quốc hình như không có túi ngực, phẳng lỳ xuống, không thì hai người kia đã cộm lên rồi. Trước ngực đeo đủ loại huân, huy chương vàng chóe, sáng lóa, có cái tạo hình vòng tròn với đôi cánh, cái lại mang hình chiếc zeppelin đang bay, cái khác là hai khẩu súng bắt chéo,… Thực sự ấn tượng. Nhìn lại bên mình, thấy chả má nội nào có cái đó, lại còn không có huân chương, thứ “trang trí” chỉ là cái chữ thập sắt đơn điệu đeo trên cổ – ông ta cũng có – thiệt là phát chán!
Tuy nhiên, da ông ấy lại mang sắc đỏ gạch, trước trán thêm cả đôi sừng nhọn nhọn. Viêm giật mình. Là á nhân hay yêu quái?
Ngồi bên cạnh Bộ trưởng, vị ấy lên tiếng:
– Cô thật sự nhận con nuôi từ thế giới khác à?
– Đúng vậy. – Giao Long gật đầu.
– Và tự đem nó qua?
– Đúng luôn.
Mặt không biến sắc, Giao Long khoanh tay đáp gọn lỏn.
– Chơi quả này lớn đấy.
Ngồi ngay đối diện “Thi Hoàng”, Thừa tướng rít sâu điếu thuốc rẻ tiền rồi nói:
– Chuyện này đã trở thành một vấn đề khó giải quyết rồi đây. Trung, chú mày sao?
– Thằng này biết nói gì giờ? Thế đã rồi, thua.
– Chúng ta đều đã vào tròng! – Hồng Ma nói – Mà quan trọng không? Mấy chuyện này hồi ta đẻ con tụi bây cũng la làng quá trời mà!
– Cái này khác, bà già! – Thừa tướng bảo – Làm thế quái nào một đứa nhỏ “nhận nuôi” lại y hệt con em ta hồi nhỏ vậy hả?!?
Cái gì?
Viêm… có nghe lộn không?
“Con em ta”?
Chấm hỏi, chấm hỏi, mặt cười và chấm hỏi?
– À phải, chưa ai giới thiệu hết nhỉ?
Lúc này, Giao Long mới lên tiếng. Rồi xoa đầu Viêm, đang ngồi ở ghế bên cạnh, cô nói:
– Con bé này là Phạm Huyền Viêm, con gái ta vừa nhận nuôi. Tên nó do con bé nhà chúa sừng đặt nên khỏi thắc mắc sao nghe quái dị vậy.
“Tên mình… Quái dị…”
Nhỏ tủi thân kìa! Phồng tròn gò má, mặt cúi gầm xuống, cưng hết phần thiên hạ luôn! Nhưng dẫu thế, nó vẫn biết khoanh tay chào, dạ thưa lễ phép. Đảm bảo lịch sự tối thiểu.
– Làm nó buồn rồi kìa, thứ vô tâm!
Bĩu môi thấy rõ, Thừa tướng dụi tắt điếu thuốc xuống gạt tàn. Rồi ông nói:
– Ta là Phạm Hữu Chính, Thừa tướng Đế quốc và Hầu tước vùng Việt Thường. Và cũng là… anh họ của “mẹ” con, con gái! Ta đọc thư rồi, nhưng không ngờ con giống nó như hai giọt nước, giống tới cả cái thứ đáng nguyền rủa đó…
– Cái thứ… đáng nguyền rủa…
Viêm tái mét mặt. Nó thậm chí không dám nói lớn, chỉ có thể lí nhí. Đôi tay bé bỏng ấy bất giác đã bấu chặt vào vạt áo mẹ, run cầm cập. Thấy vậy, Giao Long nhẹ nhàng vòng tay qua ôm lấy con bé, giữ nó khỏi sự đe dọa bên kia. Nhìn cháu mình thế, Trung bảo:
– Giờ thì anh làm con bé sợ rồi đấy.
– Thôi nào thằng em, làm gì căng! Anh có phải dạng sẽ phun clo cả chiến tuyến đâu!
– Cà khịa hơi dữ đó cháu trai, mày phải biết tiết chế lại đi.
– Dạ, thưa ông…
Ông chú da đỏ ngồi cạnh Thừa tướng vừa lên tiếng, ngay lập tức người đứng đầu Bộ Tổng Tư lệnh tắt đài ngay. Viêm thấy, dù không rõ ràng lắm, người này khiến con nhỏ cảm thấy uy áp thật đáng sợ. Không phải kiểu tướng lĩnh thông thường, cũng chẳng phải yêu ma quỷ quái gì. Một cảm giác đè nén, bá khí đến cực độ. Đến nỗi nó tưởng người trước mặt là một gã khổng lồ, có thể đạp bẹp mình mà chẳng tốn chút công sức nào. Lại còn sát khí nữa. Không hiểu sao mấy ngày ở điện Cây Quế, nó lại nhận ra cái cảm giác này. Nhất là từ khi bị Thiên “ám”, nhỏ có thể cảm nhận cái “khí” gì đó, tuy vẫn còn mờ nhạt lắm. Chuyện này nó chưa nói với ai, nhưng e rằng chẳng thể giấu được bao lâu nữa. Nó vẫn chọn giữ im lặng, dẫu biết thế. Sợ nói ra người ta sẽ xa cách mình, bởi thế.
Quay lại nhìn Viêm, chú ta bất giác mỉm cười. Thật ấm áp, không phải kiểu dịu dàng như Hồng Ma, mà giống như của người ông với cháu mình hơn. Đoạn, ông nói:
– Số phận thật thú vị nhỉ, đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn.
– Dạ? – Viêm bất giác hỏi.
– Ta vẫn chưa giới thiệu nhỉ, cháu gái? Nhớ cho kỹ, ta tên Nguyễn Minh Hiệp, chỉ huy Không hạm đội 4, là người mang cùng quân hàm lẫn tước vị với mẹ con.
– Nghĩa là…
– Thủy sư Đô đốc, Tư lệnh các lực lượng vũ trang kiêm Tuyển đế hầu, Tổng lãnh, Đại Công tước xứ Bồn Điện, người cai trị các thành phố phía Tây Nam, thành chủ thành Đế Ly. Hơi lệch nhỉ, Giao là Thân vương mà phải không?
– Dạ.
Thật bất ngờ, Giao Long dạ ngọt xớt, lại còn lễ phép gật đầu nữa!
Sau đó, nói chuyện vào mới thật sự vỡ lẽ ra.
Nhà họ Phạm ở U Minh và họ Nguyễn cai trị Bồn Điện vốn đã có mối quan hệ lâu đời. Từ thời xa xưa khi Hồng Ma còn bành trướng thế lực để chuẩn bị chiến tranh Bắc phạt, vùng Đông Bắc của tiểu lục địa Gautama đã nằm trong tầm ngắm của bà ta. Trải qua khoảng sáu mươi năm chinh chiến, nơi ấy đã hoàn toàn bị thôn tính. Hồng Ma, khi ấy còn gọi là U Minh Công, đã chọn lấy một nhà quý tộc thuộc tộc Dạ Xoa, loài yêu quái bản xứ nơi ấy, đưa về U Minh đào tạo theo kiểu Việt và lấy họ Việt là Nguyễn. Một thời gian sau, cô đưa người ấy trở lại, ngồi vào cái ghế “Tổng trấn Bồn Điện”, tiền thân của chức Tổng lãnh bây giờ.
Khi đó Bồn Điện còn là lãnh thổ thuộc U Minh, về danh nghĩa thì là xứ chư hầu, nên địa vị nhà bên đó thấp hơn bên này một bậc. Chuyện xảy ra trùng với khi nhà Mạc thứ mười tám chính thức bị diệt trong chiến tranh Hoa Đông – U Minh lần ba, và họ Phạm, một nhánh cũ của nhà Mạc, đổi thành họ Mạc Phạm rồi lại tách ra, hình thành tiền đề cho dòng họ Tổng lãnh U Minh. Các Mạc vương của triều Mạc Phạm đóng tại thành Định Tường cũ, về sau đổi thành Gia Định, còn thành Định Tường mới được xây cách về đó vài chục cây để làm căn cứ hậu cần. Nhà họ Phạm đóng ở thành Bình Sa, trung tâm quyền lực của Hồng Ma, trong thời kỳ U Minh còn được gọi là “vương quyền Bình Sa”. Họ Nguyễn vì thế thần phục cả họ Mạc và Phạm. Kể cả sau này, khi đã có địa vị Tuyển đế hầu ngang nhau, nhà Nguyễn vẫn rất kính trọng nhà Phạm, thường xuyên gửi “cống phẩm” qua.
Nhưng mối quan hệ giữa hai nhà ở thời kỳ này gần hơn.
Tổng lãnh Hiệp nói bản thân đã trên dưới ba trăm tuổi, già hơn hẳn cố Tổng lãnh U Minh Phạm Đông Hải “chỉ” hưởng thọ… một trăm ba mươi sáu năm. Viêm nghe mà muốn té ngửa, vậy mà ít?
Mối quan hệ giữa hai dòng họ bắt đầu vào khoảng tám mươi năm trước, khi con trai cả của Hải lấy con gái đầu bên Hiệp. Giao và Dạ Xoa, á nhân lấy yêu quái, đó cũng không phải chuyện gì to tát lắm. Con của các cặp lai khi sinh ra thực tế rất ít khi có đầy đủ đặc tính di truyền từ cả bố và mẹ. Trong trường hợp này, vợ chồng nhà họ đã làm một lèo những… bốn thằng cu và mười con vịt trời, mà đẻ vịt lại là hai đợt sinh ba và hai lần sinh đôi!
Không biết có phải do địa thế hay ăn ở thế nào mà dòng họ Phạm từ đời cha của cố Tổng lãnh sinh rất ít trai, đa số toàn gái. Gái, gái và gái, chính ông ta cũng chỉ só sáu nam nhưng đến mười ba nữ. Trung có ba người chị, bản thân là con út trong nhà. Và Chính là một trong bốn người con trai của cậu cả nhà cố Tổng lãnh. Nhìn mặt có vẻ mới trên dưới năm mươi chứ kỳ thực đã ngoài bảy mươi mùa xuân rồi. Thậm chí ông đủ tuổi để làm cha Giao Long, nếu có thể, vì Tổng lãnh mới chỉ bốn mươi ba, còn Trung thì cộng ba năm vào tuổi em gái.
Và vì cái chuyện kết thông gia này mà Thừa tướng gọi lão Hiệp là ông ngoại. Theo một kiểu dây mơ rễ má tào lao bí đao nào đó thì cũng có quan hệ bà con xa lắc, đại bác sợ bắn không tới với Viêm. Dù sao thì sáu người con trai cũng không phải chỉ do một bà vợ đẻ: Cố Tổng lãnh có bốn vợ, trong đó một người đến từ Trái đất là bà nội “Thi Hoàng”, một bà khác là con vị chỉ huy đánh thuê người Bắc Gaia, Bá tước Karl gọi là bà cô, tức em của ông. Do con sinh ra không phân theo thứ bậc của vợ mà chỉ tính bằng tuổi, lại coi tất cả là anh em ruột nên gia phả nhà Giao Long khá hại não.
Cuộc nói chuyện phiếm còn kéo dài một lát nữa, chủ yếu là hỏi thăm sức khỏe nhau. Họ dùng cả phòng họp lớn chỉ để thế thôi! Nói toàn những chuyện không đâu, nhưng lại cực kỳ nhạy cảm với gia phả hai dòng tộc. Tất cả đều do Hồng Ma mà ra, trong khi đó bà già chỉ khoanh tay mỉm cười đầy cà khịa!
Xong màn “gặp mặt gia đình” này, Viêm chính thức vứt não vào sọt rác.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]