Hôm nay không có hứng đi chơi, nên cả lũ kéo nhau về phòng Mộc Ma trong tòa chánh điện mà nghỉ. Hồng Ma đang “bảo trì”, bên ngoài cảng nói thế, nên chúng nó không được lên. Nhóm Oa Lân cũng không thể, dù họ là các sĩ quan buồng lái. Mà, Viêm nghĩ, Mộc Ma thuộc hội ấy mà không lên được, dĩ nhiên mấy chị kia cũng thế. Hình như trừ thuyền trưởng và một vài thi quỷ, số còn lại đều xuống cảng hay “ngủ đông” – chui vô quan tài và đánh một giấc đúng kiểu cương thi Trung Quốc.
Bên ngoài, nắng không gắt mấy, nhưng cũng chẳng dễ chịu gì cho cam. Tòa chánh điện không trồng quá nhiều cây, nên nắng rọi xuống nhiều hơn hẳn ngoài kia. Phòng Mộc Ma hướng mặt vào sân trong, chỗ có tòa tháp to nên cũng đỡ được phần nào, nhưng vẫn thấy nóng. Tất nhiên không bằng ở nhà: Sài Gòn mùa nắng có khi chỉ muốn cởi hết quần áo ra mà ngủ, mồ hôi mồ kê đổ nhễ nhại, so ra thì nơi này còn dễ chịu chán. Vả lại, nãy giờ gió thổi vô, mang theo cả hương thơm ngoài vườn nên cũng dễ chịu hơn hẳn.
Và trên hết, bọn nó có cái “máy lạnh di động” kia!
Nực nội, cu Thiên xả tử khí hết công suất, đến nỗi hai chị kia được hưởng ké, và đang tận hưởng ngay đây. Nếu là ở nhà, vừa bật máy lạnh vừa mở toang cửa sổ sẽ chẳng khác nào trò ngu học, thì ở đây, không mở ra chúng nó sẽ đóng băng ngay. Quả là con “Thi Hoàng” Viêm nghĩ, còn nhỏ thế mà đã khiến người ta lạnh sống lưng rồi. Lạnh theo nghĩa đen luôn. Nhìn cu cậu ngồi trên bộ ván gỗ, chân bành ra, tay để xuống, lưng khòm, cái mặt đờ đẫn buồn ngủ sắp gục tới nơi mà cưng gì đâu á!
Ngả người trên tấm ván dày cộm, lạnh tanh, Viêm duỗi thẳng hết tay chân, mặt mày mồ hôi mồ kê mà nhìn chằm chằm lên trần nhà. Nó mới tắm xong, tròng thế này cứ cởi hết đồ rồi lấy gáo dừa múc nước lạnh xối lên cho rồi chuyện chứ chẳng cần gì nhiều. Vậy mà vẫn nóng, vẫn ướt nhẹp như tắm quên lau mình. Nó thay luôn bộ đồ, bộ kia hôi rình cả rồi. Bây giờ nhỏ mặc áo bà ba cộc tay và quần ống rộng màu nâu đất che tới đầu gối, cổ áo tròn rộng xẻ hơi sâu, lộ rõ cả làn da kia. Phía trong áo thường sẽ đi kèm thêm yếm, cơ mà trời thế này thì quên đi! Thiên xả khí tuy lạnh thật đấy, nhưng nắng vàng rọi vô lại thấy nóng như cái lò ngay, thế nên dẹp hết! Nhỏ chưa tới cái trình độ mặc đồ lót trước mặt bạn bè như Mộc Ma, nhưng ít ra khi có áo thế này thì cũng không cần lắm mấy thứ phía trong… Nhỉ?
– Tận hưởng đi! – Mộc Ma gọi với sang – Tàu chỉ còn ở đây ngày mai thôi! Hôm kia cất cánh, tới lúc đó thì cậu không biết ra sao nha!
– Hả?
Đang nằm mơ màng, Viêm giật bắn mình khi nghe Mộc Ma nói vậy. Quay sang, nhỏ thấy bạn mình đang nằm sấp trên ván, chống khuỷu xuống, chồm người lên trước, coi bộ đang đọc gì đó. Trời thế này họa có điên mới xõa đầu, nên con bé buộc tóc thành cái búi lớn sau gáy, giữ lại bằng cái dây xanh xanh, lại thêm đoạn vải nhỏ nữa. Cặp sừng đỏ au vẫn hiện đó, nhưng lại có vẻ trong suốt và mờ nhạt hơn mọi khi. Nó không thèm mặc đàng hoàng nữa – mà có bao giờ ở nhà nhỏ đó chịu ăn mặc “đúng đắn” đâu. Chỉ chiếc yếm nâu vừa vặn che ngực, cái quần đùi ngắn cũn và xong, còn toàn bộ bờ vai cong vòng mịn màng, cái lưng trắng ngần và cặp đùi nhìn chỉ muốn bay vào ôm ấp, vuốt ve thì phô ra cả.
Ném cho Viêm cái lườm sắc lẹm từ ánh mắt đỏ ngầu kia, Mộc Ma muốn nói nhỏ biết cả, nên đừng có nghĩ bậy nghĩ bạ. Đoạn, nó kéo cái gối nằm tới, đệm vô ngay phía trước, rồi nằm tỳ hẳn ngực lên. Cùi chỏ vẫn chống trên mặt cây, đôi tay giữ lấy trang sách, con bé bình thản đọc như không có chuyện gì xảy ra. Thật khó tin, Viêm nghĩ, khi mới bữa hổm nhỏ chột còn xanh mét khi gặp Thiên, và sợ bị thằng cu cho hưởng hơi lạnh, vậy mà giờ lại sẵn sàng dùng bé con làm cái máy lạnh miễn phí. Gan cũng to gớm, Viêm nghĩ, hôm bữa còn sợ bị thuyền trưởng xử, vậy mà giờ lợi dụng ngay rồi!
Thiên nằm rồi, có lẽ nhóc tỳ mệt quá. Với lấy cái gối dài, nó ôm chặt vào, tay chân quấn lấy cái gối to hơn mình, nhìn tròn ủm như cún con vậy! Nó chiếm riêng một góc, chán quá lại tự mò xuống võng ngủ. Mà nãy giờ cu cậu cũng lờ đờ rồi. Mộc ma có nói thi quỷ nhỏ, dưới bao nhiêu Viêm không nhớ, thường ngủ trung bình mười mấy tiếng một ngày mà. Sáng giờ tụi nó đi chơi quá trời, nên chắc bé cưng cũng mệt lắm. Lại thêm nắng nóng vầy nữa, nhà gạch mái ngói xây chống nóng mà vẫn chẳng khác gì nồi hấp bánh bao thì ai lại chảng đuối cơ!
– Ngủ rồi!
Bò sang nhìn em, Mộc Ma nói.
– Hể?
Quay qua Mộc Ma, Viêm không thể không bất ngờ khi thấy nhỏ bạn, dù lết tới tận đây, vẫn giữ cái gối nằm trước ngực! Chiếc yếm ôm vừa vặn sát cơ thể, cổ không trễ xuống, nhưng chỉ nhìn sợi dây vải gài nút sau cổ và lưng là đủ thấy nóng mặt rồi. Mộc Ma thực sự rất dễ thương, Viêm nuốt nước bọt, nếu đây là một bộ light novel thì chắc hai đứa ôm nhau luôn rồi. Nhưng bây giờ thì không thể. Đêm kia Oa Lân đã thấy hai đứa ngủ chung, nhất định là thấy luôn lúc con chột ôm mình cứng ngắc, người ngợm đầm đìa mồ hôi. Giờ nghĩ lại, chắc chị ta ra tay nên lúc đó mới tự dưng thấy buồn ngủ nhỉ?
– Đừng… đừng nghĩ nhiều quá…
– Hử?
Đang miên man với trí tưởng tượng kinh dị, Viêm nhìn sang bạn mình, lúc này mặt đỏ như gấc. Nhỏ lập tức lùi lại, cắm đầu vào sách. Nhưng Viêm chưa chịu thôi. Nó lết qua, coi coi con chột đang đọc gì. Và đó là quyết định tồi tệ nhất trên đời, khi đập vào mắt Viêm là…
“Bậc Quân vương không nên có mục tiêu hay tư duy nào khác, mà cũng không nên học bất cứ điều gì khác, ngoài chiến tranh và các quy tắc của nó và phương pháp rèn luyện; bởi vì đó là nghệ thuật duy nhất thuộc về người trị vì, và nó không chỉ là sức mạnh nâng bước những người sinh ra đã là Quân vương mà còn giúp người khác trở thành Quân vương từ địa vị thường dân. Và ngược lại, có thể thấy rằng khi các Quân vương nghĩ nhiều đến những chuyện dễ dãi mà không nghĩ đến quân sự thì họ sẽ mất nước. Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới mất nước là coi thường nghệ thuật này; và cái sẽ giúp ngài thôn tính một quốc gia chính là trở thành bậc thầy về binh pháp…”*
– Cái quái gì vậy?
Không cầm được, Viêm buộc miệng thốt lên.
– Sao? Sốc quá à?
Đưa mắt nhìn bạn, Mộc Ma cười khẩy. Đoạn, nhỏ để mảnh đánh dấu trang vào rồi gập sách lại. Đưa bìa cho Viêm coi, con bé thấy đó chỉ là một quyển sách khá bình thường, bìa giấy cứng xanh nhạt cùng hình chiếc vương miện màu vàng vẽ tay. Tuy nhiên, cái tựa sách mới là thứ khiến nó quan tâm. “Il Principe”, hay tựa tiếng Việt bên dưới là “Quân vương”, được viết bởi Nicolaus Machiavellius vào năm một ngàn năm trăm mười ba theo lịch Tây. Tên nghe quen quen, nhỏ nghĩ, hình như anh sinh viên hay ăn hủ tiếu chỗ nó luôn kè kè một cuốn thế này. Ảnh bảo, đọc sách thế này tốt hơn là mấy thứ đạo đức, luân lý kiểu đạo Nho, vì muốn làm chính trị thì không thể chỉ dựa vào đạo đức và mong mọi người làm việc thiện được. Hồi ấy Viêm không hiểu lắm, nhưng giờ thì từ từ thông não rồi.
Có nghe nhầm không? Sách dạy cách làm vua á? Nhưng làm thế nào mà…
– Rồi rồi, nhìn cái mặt là biết cậu tính hỏi gì rồi.
Thè lưỡi, Mộc Ma nói.
– Muốn biết chứ gì?
– Ừ!
Viêm gật đầu.
Để sách sang bên, Mộc Ma ngồi dậy, trước ngực vẫn ôm gối. nhỏ nói, sách “Quân vương” này được một nhà chính trị lỗi lạc người Remusa là Nicolais Machiavellius viết trong thời quốc gia đó còn bị chia năm xẻ bảy thành mấy mươi công quốc, lãnh địa và thành bang khác nhau. Khi đó, nơi Machiavellius sống là thành bang Florencia, thuộc sự cai trị của gia tộc Medicius, tức nhà Công tước Florencia. Thành bang là một trong các thế lực lớn nhất bán đảo Remusa khi ấy, cùng với Đế quốc Cộng hòa Veneszea, Lãnh địa Giáo hoàng, Vương quốc Napolia và Công quốc Remugna tạo thành thế “Ngũ bá”.
Tuy nhiên, do thời cuộc mà nhà Công tước bị lật đổ. Machiavellius tham gia với chính phủ Cộng hòa non trẻ vừa dược thành lập, cố sức xây dựng một nền chính trị vững mạnh, tuy nhiên những người Cộng hòa không mấy tin tưởng ông. Lúc gia tộc Medicius quay lại nắm quyền hành, Machiavellius lại bị bỏ tù vì đã tham gia cuộc chính biến lật đổ họ trước đây. Trong thời gian ngồi tù, ông đã dùng kinh nghiệm khi còn làm việc cho cả hai chế độ để viết thành “Quân vương”, quyển sách đánh thẳng vào những vấn đề nhức nhối của thời đại cũng như vào cách làm vua, để dâng cho gia chủ nhà Medicius. Dẫu vậy, ông vẫn không được trọng dụng, còn bản thân cuốn sách này lại bị coi là tà đạo, là thứ chính trị tàn bạo, vô đạo đức đi ngược lại với giáo lý của Giáo hội. Đối thủ của Machiavellius liên tục chụp mũ ông là thứ phản trắc, đạo đức giả, vô nhân đạo, xảo quyệt,… nhưng lại không dám nhìn vào chính những gì đang thực sự diễn ra.
Cười khẩy, Mộc Ma nói lũ ngu ở đâu, thời đại nào cũng có. Trong quá khứ Đế quốc cũng từng phải chịu đựng một lũ như vậy, những tên tự nhận mình là “Nho gia” hay gì đó. Nhỏ nói liền liền, những tên Nho gia đó luôn chỉ nói về quá khứ, ngoài mặt đề cao học hành nhưng thực chất là cố gắng a dua, bắt chước người xưa, áp dụng rập khuôn, máy móc cách xử lý tình huống thời xưa vào thời nay mà không quan sát đến thực tế, không nhận ra những điểm khác biệt giữa hiện tại và quá khứ. Thế giới thay đổi từng nghày, nhưng hủ Nho luôn cố sống trong quá khứ, trong những triều đại mà chúng cho rằng tốt đẹp, tuyệt vời và luôn cố gắng quay trở về thời xưa, thời đại mà người ta còn chưa có nổi ánh đèn làm việc.
Chửi một tràng cho sướng miệng, nhỏ chột chốt câu xanh rờn:
– Bởi thế hồi đó cải cách là đúng, chứ để đám già hủ bại đó suốt ngày thi cử viết văn rồi thơ, vịnh thì mất nước lâu rồi!
– Hể?
Nghe Mộc Ma nói nãy giờ, Viêm chỉ biết đần mặt ra. Quá nhiều thứ dồn dập, nhỏ không tiếp nhận nổi.
Dừng lại, Mộc Ma rời bộ ván, tới chỗ bàn học của mình hồi trước. Lôi trong ngăn ra cuốn sách dày cộm, bám đầy bụi, nó phồng má thổi, lại lấy tay phủi cho sạch bụi đi. Đoạn, nhỏ chột quay lại ván, ngồi lên rồi nói:
– Nếu là một vị vua, cậu sẽ cai trị bằng đạo đức hay bằng pháp luật?
– Hể? Tớ hả?
Bị hỏi bất ngờ, Viêm thấy khó có thể trả lời được. Mà… Nếu làm vua thì trị vì kiểu nào á? Đạo đức với pháp luật. câu này khó. Khi còn đi học, nó được dạy phải luôn sống có đạo đức. Còn pháp luật, đó giờ cũng chẳng biết gì. Ừm, nếu mà phải chọn, có lẽ sẽ theo cái mình biết rõ hơn. Ừm, vậy đi. Nhỏ gật đầu.
– Tớ sẽ chọn đạo đức… nhỉ?
– Ừm, ừm! – Mộc Ma gật đầu – Vậy cậu là vua đạo đức, cậu sẽ chọn giữ lời hứa hay không?
– Tớ… sẽ giữ lời hứa!
– Mọi trường hợp?
– Ừm!
– Vậy giả sử nếu cậu ký kết hiệp ước không xâm lấn với một nước X nào đó, trong khi nước đó gây chiến với lân bang thì cậu cung cấp nhu yếu phẩm, rồi tới lúc đủ mạnh, X quay lại xé hiệp ước và đập cậu thì cậu sẽ làm gì?
– Hả?
Nghe câu ấy, Viêm nín luôn. Nhỏ không biết phải trả lời ra sao, nhưng nếu bị phản bội thế thì vẫn phải tấn công chứ? Vậy thì nó sẽ chọn đánh, dẫu sao thì bên kia mới là phía phá hiệp định trước mà! Cơ mà… bị tấn công bất ngờ, nhất định mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
– Ừ, cậu sẽ khổ nhiều!
Mỉm cười, Mộc Ma nói.
– Vậy nếu tớ chọn luật pháp?
– Hửm?
Nhướng nhướng chân mày, Mộc Ma nhìn Viêm đầy khiêu khích. Nó nói, nếu chọn luật pháp, có những lúc sẽ rất đau lòng. Như trong vụ bạo loạn ngày trước, cố Tổng lãnh đã chọn tuân thủ luật, chọn quốc gia thay cho gia đình, và cuối cùng chính là tự tay kí án tử cho cháu nội. Thuyền trưởng cũng chọn lấy pháp luật, tự mình chém lưỡi lê oan nghiệt đó xuống. Và chính quốc gia này, với luật pháp xử tội phản quốc cực kỳ nghiêm khắc, đã giết đi hàng ngàn người thuộc phe phản động năm ấy. Vụ trọng án gây chấn động tinh cầu, ngay chính hai nước đồng minh cũng bàng hoàng trước vụ xử tử tội phạm quy mô lớn chưa từng thấy này.
Ngoài ra, trong lịch sử Đế quốc còn có nhiều vụ việc lắm. Tuy nhiên, Mộc Ma tóm gọn lại, chủ yếu có ba cách sau: Đề cao đạo đức, đề cao pháp luật và kết hợp cả hai. Đế quốc vào buổi đầu đi theo học thuyết Pháp gia, là đề cao luật pháp, nhưng giáo lý của nó quá hà khắc, không phù hợp với đa số người dân. Nhân khi Pháp suy yếu, hủ Nho mới nổi lên, bắt đầu rao giảng về đạo đức chân lý này nọ, cho rằng vua nằm trên luật, đồng thời vua phải là người sống đạo đức thì mới có thể là người cai trị tốt.
Ban đầu nó được ủng hộ, nhưng chỉ sau vài đời là bắt đầu có vấn đề. Do vua coi mình trên luật, luật không trị nổi vua nên vua tự do tự tại hoang phí tiêu xài, khiến các lãnh chúa và người dân nổi dậy. Đỉnh điểm của hủ Nho là triều Mạc Dụ Tông, thối nát đến cực độ, mua quan bán tước, đút lót các quan chấm thi theo lối Nho gia, đạp đổ toán học, đề cao các giá trị xưa cũ mà không quan tâm tới thực tại nên rối hơn tơ tằm. Ở địa phương, quan gia ra sức vơ vét, không coi pháp luật ra gì, mà phía dưới đám lắt nhắt không bách hại dân thì cũng đút lót bề trên để dễ thăng tiến.
Mạc Dụ Tông sa đọa tới mức xây hẳn một tòa đài cao hàng trăm tầng, cho bắt người đẹp trong cả nước về đó “chơi đùa”, khiến người dân nổi giận. Theo Hiến pháp từ thời Trùng Hưng Đế, khi vua trở nên quá tồi tệ và có nhiều hơn ba lần phạm pháp, Hội đồng Đế quốc có quyền yêu cầu thoái vị và tiến hành bầu vua mới, nhưng Dụ Tông, người đã thấm tư tưởng “vua là con trời, vua đứng trên pháp luật”, hoàn toàn bỏ qua điều đó. Các quan khi ấy không còn nhiều người từ thời Trùng Hưng, tức cũng thấm thứ rượu nho độc hại kia, nên không những không khuyên ngăn, can gián hay “trị tội” vua, mà còn hùa theo để tranh thủ vinh thân phì gia. Luật pháp mấy trăm năm khi đó chẳng hơn gì mớ giấy lộn ngoài đường, còn đám học chữ Nho thì không dám ló mặt ra giúp đời, lại chui rúc nơi thôn dã hay trên núi, ra vẻ thanh cao đạo mạo, không màng thế sự, thực chất là quá ngu và bất lực để sửa cái sai do đám tiền bối của chúng để lại.
– Vậy sau đó thế nào?
Viêm nôn nóng, giục bạn kể nhanh.
– Từ từ! để tớ thở phát chứ!
Dừng lại chút, Mộc Ma nằm dài xuống ván. Đoạn, nhỏ lấy quyển sách to oành ban nãy ra, kê dưới đầu rồi nói tiếp, đôi tay vẫn giữ cái gối.
Năm ấy chính xác là một ngàn năm trăm năm mươi tám, Mạc Dụ Tông lộng hành đến cực điểm. Ban đầu chỉ là nội bộ Đại Việt, nhưng khi đã chán chê, hắn bắt đầu vươn sang các Đại Lãnh địa. Nơi đầu tiên bị chạm đến là Tây Việt, vốn là lãnh thổ do người đứng thứ hai trong cuộc bầu Hoàng đế chỉ huy. Sau đó là các vùng Ai Lao, Linh Giang, U Minh, mở rộng tới tận Bồn Điện, Viễn Tây. Không chỉ ra lệnh, Dụ Tông còn cho quân tiến vào các vùng ấy, vi phạm nghiêm trọng giao ước đã thành lập vào thời lập quốc là bảy vùng không tiến quân vào nhau trừ khi đã có sự đồng ý của cả sáu Tổng lãnh và Hoàng đế.
Bởi Đế quốc Liên hiệp, thành lập chính xác là từ sự hợp nhất của Hồng Bàng với U Minh và những lãnh thổ vệ tinh, các Đại Lãnh địa có địa vị ngang hàng nhau, nên kể cả Hoàng đế cũng không có quyền lấn lướt. Ngoài ra, do là quốc gia có khoảng tám mươi lăm phần trăm dân số là phi nhân loại, việc con người lấn lướt quyền lực khiến các chủng tộc khác nổi giận. Long nhân, người Nông, Gốp với dân lùn phản ứng trước hết, sau đó là tộc thi quỷ và người Giao. Các sắc dân khác cũng bày tỏ sự phẫn nộ, gia nhập hàng ngũ Tổng lãnh khi được kêu gọi. Sáu Tổng lãnh và Hồng Ma họp tại điện Huyền Vũ thành Gia Định, chính là nơi hơn nửa thiên niên kỷ trước Trùng Hưng Đế phát lệnh tiến quân ra Bắc. Lần đó, có cả Thái tử và hai công chúa, những người đã thoát được khỏi Đông Kinh, dẫn theo thân quân xuống bàn chuyện đảo chính.
Sự chênh lệch quân số là quá lớn: Mỗi Đại Lãnh địa đều có từ mười tới bốn muơi vạn quân thường bị, chưa tính hậu cần, dân quân, riêng vùng U Minh Hồng Ma hô một tiếng là ít nhất một triệu hai trăm ngàn thi quỷ vũ trang đầy đủ tập hợp thành quân đội rồi. Quân của Tây Việt và Ai Lao quá ít, mỗi bên chỉ có cỡ mười vạn, nên hợp nhất làm một đạo đặt dưới sự chỉ huy của Tổng lãnh Tây Việt, nhận thêm hai trăm ngàn quân thi quỷ Hồng Ma tăng viện cho.
Năm đạo quân, với tổng quân số ít nhất là hai triệu, kéo về Đông Kinh theo năm ngả. Mạc Dụ Tông biết tin liền ra lệnh cho quân đội chống cự, nhưng sau thời gian dài chịu đựng đủ chuyện bạo ngược, lại nghe phe Tổng lãnh khôi phục Pháp gia, xua đuổi hủ Nho, lấy lại địa vị cho quân đội và người lao động thì ai cũng mừng. đại đa số quân trấn thủ biên ải lập tức quay súng chống lại Trung ương, trong khi các đơn vị trung thành với Hoàng đế lại quá ít ỏi và liên tục bị chiêu hàng. Hồng Ma và Tổng lãnh U Minh đích thân dẫn quân chủ lực tiến vào kinh thành, hỗ trợ người dân, đồng thời bắt giữ những tên lạm quyền, tham nhũng, phạm pháp.
– Một cuộc cách mạng không đổ máu!
Vừa nói, Mộc Ma vừa huơ tay minh họa.
Nhỏ chột kể tiếp. Theo nhiều người nước ngoài quan sát thì tình hình Đại việt khi đó cực kỳ tan nát: Kinh tế suy sụp cực mạnh, lạm phát cao đến nỗi một cân gạo đáng giá ba tấn vàng và tăng ngay lập tức, còn nền chính trị thì hủ bại đến cùng cực. Tệ cướp bóc, hiếp dâm diễn ra khắp mọi nơi, mà thủ phạm thực hiện, trớ trêu, chính là lực lượng cảnh vệ đáng ra phải bảo vệ người dân!
Đạo đức tuột dốc, mua quan bán tước nhan nhản ngoài đường. Nạn đói xảy ra tại nhiều vùng phía Bắc. Lũ đòi bại không từ cả ni cô, nữ tu, tràn cả vào nhà thờ, đền chùa giở trò thú tính. Các công trình kiến trúc bị phá hoại nặng nề, nhiều cổ vật giá trị bị bán đi. Người dân đói khổ, còn lũ đọc sách, ngoài việc làm thơ chửi thời thế hay lui về ở ẩn và giảng “đạo lý” thì hoàn toàn không giúp ích được gì cho đời. Chỉ có một vài sĩ phu thực sự yêu nước đã cứu giúp người dân quanh chỗ mình, và đặc biệt gọi hàng quân triều đình, dẫn cho lực lượng của Thái tử vào kinh.
Cuộc loạn “không đổ máu” diễn ra chính xác là nửa năm, từ khi Thái tử kêu gọi khởi nghĩa tới lúc Mạc Dụ Tông bị bắt. Hiến pháp Trùng Hưng được khôi phục, đặt ra Tòa án Tối cao để xét xử ngay chính Hoàng gia, thực thi công lý. Xét theo hiến pháp, hành động của Mạc Dụ Tông và đám bề tôi chính là phản quốc, và dù không rước ngoại bang về xâm lược, thì nó cũng đã khiến kinh tế, chính trị quốc gia suy yếu trầm trọng, nhân dân oán thán, trời cao phẫn nộ. “Pháp luật không nói chuyện thiên vị”, Mộc Ma bảo, và bằng chứng chính là sau vụ đó, hai tháng sau, tất cả những thành phần có tội với quốc gia đều bị xử tử. Dụ Tông cũng không thoát tội, và sau đó, đầu cựu hoàng cùng hơn năm ngàn quyền thần, quan tham, tướng láo đã bị bêu trước Ngọ Môn.
– Chặt đầu vua?
Nghe tới đó, Viêm sốc tới mức đứng bật dậy. Nhỏ hét toáng lên, làm Thiên giật mình, cựa người, lại tỏa tử khí lạnh hơn nữa. Run quá, con bé ngồi bịch xuống liền, lấy mền trùm vào. Mộc Ma cười khì khì, nhưng cũng trùm luôn. Chui vô chính cái mền Viêm đang quấn, gái chột nhích sát vào bạn, tới nỗi đùi và vai hai đứa đụng nhau, rồi thì thầm:
– Ngạc nhiên phỏng?
– Thì… Chứ sao nữa! – Viêm dựng lên như con mèo – Chém đầu vua cũ, không phải như vậy là quá… quá lắm sao?
– Luật là luật!
Tặc lưỡi, Mộc Ma nói.
– Lạm quyền, tham nhũng, làm những việc gây ảnh hưởng tiêu cực tới quốc gia đều sẽ bị khép vào tội phản quốc nếu có đủ bằng chứng! Luật Đế quốc từ thời Mạc Thánh Tông, người đổi tên quốc gia, đã quy định rõ hình phạt cho tội này là chém đầu, thị chúng bảy ngày. Kể cả Hoàng tộc cũng không tha! Một khi đã mắc tội phản quốc thì tuyệt đối không có khoan hồng, thuyên giảm nào, ngày xưa bất kể già trẻ, nếu chứng minh có tội đều sẽ xử tử! Bây giờ luật mới là dưới mười tám thì sẽ được tạm “tha”, tới đúng sinh nhật thứ mười tám sẽ tiến hành tái xét xử và tuyên án tử, không kháng cáo!
– Ác vậy?
Viêm tái mét mặt.
– Khi cậu ở một nước liên minh có hơn tám mươi phần trăm dân là yêu ma thì phải dùng luật pháp để duy trì, chứ không chỉ đức độ được!
– Nhưng… Ác thế thì…
– Thì đâu có chế độ nào toàn vẹn đâu? Cậu phản bạn, phản thầy đã là tội rồi, phản lại chính quê hương sinh thành mình thì một ngàn cái mạng cũng đền không nổi đâu! Chưa tru di là hên lắm rồi đó!
Phồng má, Mộc Ma nói:
– Chủ trương chính sách của Đế quốc là nhân đạo với đa số quy thuận, và chuyên quyền với thiểu số chống đối! Cậu không thể làm hài lòng tất thảy mọi người, không bao giờ! Tới các đấng cứu thế còn bị đóng đinh, thiêu sống hay ném đá tới chết thì người thường làm được gì? Không bao giờ, tớ nhắc lại, không bao giờ cậu làm thỏa mãn được tất cả, trừ khi cho họ vào ảo mộng vĩnh hằng, để họ sống trong chính thế giới hoàn mỹ của mình!
– Nghe… quen quen…
– À, quên đi!
Lè lưỡi, Mộc Ma kể tiếp. Trên đời đó giờ không có chuyện khiến tất cả hài lòng, nên người ta thường có hai cách trị: Dùng đức và dùng luật. Đối với đức độ, đó là chuyện từ thời viễn cổ, khi các chủng còn đơn giản, chưa mấy mưu mô tính toán, thì một người đạo đức có thể làm những đối tượng khác ảnh hưởng. Lấy trí nhân để trị, là dùng lòng từ bi, cảm hóa đối tượng khác. Cách làm này rất tốt cho thời bình nhưng lại không hợp thời loạn, vì không bao giờ có chuyện ngồi nói đạo lý, sống lương thiện mà làm địch lui quân cả.
Cách thứ hai, là dùng luật trị. Nói cho thật dễ hiểu, đó là trị quốc bằng hệ thống pháp luật nghiêm minh, theo luật là đúng chống luật là sai. Luật pháp được xây dựng dựa trên nền tảng thực tế quốc gia và các bài học quá khứ, là các quy tắc cơ bản, mang tính bắt buộc và mọi người buộc phải tuân theo nếu muốn sống trong quốc gia này. Luật cũng bao hàm một phần đạo đức, vì nó mang theo các yếu tố đạo đức cơ bản như không trộm cắp, không tham lam, không tà dâm,… vốn bị xã hội lên án bất kể thời đại, tư tưởng thế nào đi chăng nữa. Luật pháp, khác với đức độ, không quan tâm đến việc người ta có sống theo đạo đức thực sự không, mà chỉ quan tâm đến việc có theo đúng quốc pháp không, từ đó đề ra chế tài xử lý tùy trường hợp.
Lịch sử đã chứng minh, Mộc Ma bảo, là các nhà nước chuyên quyền dùng luật trị sẽ tồn tại lâu và bền vững hơn nhà nước dùng đức. Vì thế giới có rất nhiều chủng loài, trong một nước cũng vài chục sắc dân, tâm lý, quan điểm đạo đức mỗi bên khác nhau, còn có thất tình lục dục, tham sân si, hỉ nộ ái ố nên nếu theo đức thì rất khó xử lý. Kể cả có khắc kỷ, ép mình theo khuôn phép thì cũng không có gì đảm bảo những người khác sẽ làm theo.
Ngược lại, khi quản lý tất thảy bằng pháp luật, nhờ có hệ thống luật lệ nền tảng mà việc quản lý, trị an xã hội sẽ dễ dàng hơn, mà cũng không bắt buộc ai cũng phải tự giữ mình quá mức. Luật pháp vừa tạo nên tự do, vừa dựng thành hàng rào, bảo vệ mà cũng trừng phạt người dân. Chỉ cần còn nằm trong hàng rào, họ có thể làm những gì mình muốn, nhưng nếu phá luật thì sẽ chịu phạt. Nó tạo thành “sự tự do trong khuôn khổ”, một kiểu tự do có kiểm soát, không quá khích và điên rồ như “một quốc gia Tân Thế giới nào đó”, cũng chẳng tới mức tu khổ hạnh như những gì mấy người đạo Nho luôn rao giảng về đức, về sự giữ gìn tính thiện.
Nói tới đây, Mộc Ma cầm cuốn “Quân vương” lên. Nhỏ bảo tư tưởng trong này là kim chỉ nam cho Mạc Thành Tông từ khi Bệ hạ nhận nó từ một vị cha đạo người Portugale. Dĩ nhiên phải dịch ra tiếng Việt, và bản dịch thời ấy khá tệ, nhưng vẫn rất tốt. Nó không mâu thuẫn với lý luận Pháp gia mà Đế quốc theo đuổi bấy lâu, vốn đề cao quyền lực pháp luật và coi cách ứng xử của kẻ làm vua dưới góc nhìn của luật chứ không phải của đức. Ngoài ra, do quyển sách dày chưa tới hai trăm trang này chuyên về “những điều người ta làm” chứ không phải “những điều người ta nên làm”, nên nó rất được lòng Thành Tông, người nổi tiếng thực dụng và không tin vào chuyện học hỏi rập khuôn ngày xưa.
“Quân vương” bàn nhiều về cách làm vua, Mộc Ma gật đầu, nhưng bên cạnh đó còn những thứ khác. Đó là một nhà cai trị nếu phải chọn, hãy chọn keo kiệt thay vì hào phóng, để luôn có đủ tài sản khi cần thiết, và thà mang tiếng kẹt xỉ còn hơn là vì cố tỏ ra hào phóng mà phải vơ vét của dân. Đức vua không nên nghĩ gì ngoài quân sự, cũng đừng bao giờ dễ dãi, lơ là chuyện binh. Các đời Uy Tông, Mục Tông và Dụ Tông đã chứng minh điều đó, khi vua chúa ham mê tửu sắc, bỏ bê chính sự thì mọi thứ sẽ đi xuống rất nhanh, và cuối cùng chính là kết cục thê thảm của Dụ Tông.
– Một vị vua không có quân đội thì không bao giờ có uy quyền thực sự cả! A!
Đến đây, Mộc Ma lấy cuốn sách khủng nhỏ kê đầu nãy giờ cho Viêm coi. Tuy khá cũ, và nhiều nơi thậm chí còn bị mối mọt gặm loang lổ, phần bìa cứng vẫn còn nhìn được khá rõ. Nó vẽ một người phụ nữ, rất đẹp, mặc bộ giáp đen và cầm cây giáo màu đỏ thẫm, với mái tóc đen bồng bềnh và ánh mắt nhìn xa xăm ra xa. Tay phải cô ta hoàn toàn bình thường, nhưng bên trái lại to lên, như cửa quái vật, với năm vuốt lớn kéo dài đến tận đầu gối. Bộ giáp trụ cũng rất khác khi nó giống như “bọc’ lấy cơ thể, ôm sát vào, với các tấm vảy, sừng to mọc lồ lộ lên. Bên cạnh người đó là mấy hiệp sĩ giáp bạc sáng lóa, đội mũ kín bưng, tay mang giáo, kiếm và khiên. Họ đứng trước một cánh rừng, phía sau dường như là Mặt trời đang lặn.
Chỉ vào tựa sách, Mộc Ma bảo:
– Cuốn này giờ không còn nữa đâu! “Huyền thoại Coincheinn”, câu chuyện về nữ chiến binh huyền thoại Fianna Nír Coinheinn của xứ Irea! Điển hình cho việc trị quốc bằng đức độ và chỉ quan tâm tới chuyện giữ hình tượng thì quốc gia sẽ tiêu vong như thế nào!
– Hể…
Có vẻ Viêm không hứng thú lắm. Mà nãy giờ nhỏ cũng nghe đủ mấy thứ chính trị chính em nhức não này rồi.
Dĩ nhiên Mộc Ma biết tỏng.
Nhưng con bé đâu có dễ gì buông tha!
Vỗ vỗ bìa sách, nhỏ chột nói:
– Nè, tuy là truyện nhưng có tới tám phần là thiệt à nha! Fianna là một nữ vương có thật của xứ Irea, cai trị trong khoảng thế kỷ thứ ba sau lịch Tây đó! Và…
– Và?
Viêm rướn mình.
Cá đã đớp câu!
Cười thầm, Mộc Ma tự nhủ, nhỏ này dễ dụ quá! Thè lén lưỡi, nó nói:
– Có Ma vương nha! Cậu thích Ma vương mà nhỉ?
– Ma… Ma…
– Đọc không?
– Đọc!
Gật đầu cái rụp, Viêm lập tức vồ lấy quyển sách lớn, mở tung ra. Nhỏ đọc ngấu nghiến, với cái tốc độ tới chính Mộc Ma cũng phải thất kinh. Quá nhanh, kể cả so với mình! Dường như chỉ vài giây một trang, con nhỏ lại sang trang sau, cuối cùng thì cày hết cả cuốn dày cộm chỉ trong chưa tới nửa tiếng đồng hồ.
Nội dung không có gì quá mới, nếu không phải là khá đại trà, Viêm nghĩ thế. Câu chuyện là hành trình của Fianna Nír Coincheinn, cô công chúa bí mật của vua Coincheinn vùng Irea đã rút được thanh gươm Carildwyss, bảo kiếm chọn vua huyền thoại và trở thành vua kế tiếp sau khi Coincheinn qua đời trong cuộc chiến với ma vương Curruid, ác ma vùng biển cả. Tuy nhiên, người dân sẽ không chịu đi theo một công chúa thiếu tiếng tăm, nên phù thủy Fergus Mac Nuada đưa cô tới cho hiệp sĩ Chulainn đào tạo, người giúp Fianna trở thành bậc thầy kiếm thuật. Cùng với đó là bộ giáp Coincheinn, được làm từ chính thân xác của vị vua quá cố, vốn cũng là một quỷ biển, Fianna dẫn theo hơn một trăm hiệp sĩ tham gia vào cuộc chiến chống lại Curruid và các thế lực thù địch.
Theo sau nàng công chúa chiến binh với mái tóc xanh như mặt biển ấy là những hiệp sĩ tiếng tăm, với các thành tích vượt trội, đến từ nhiều quốc gia. Trong số đó phải kể tới pháp sư Fergus, người cố vấn đặc biệt của Fianna, hay Chulainn, kiếm sĩ thiên tài của tộc yêu tinh. Bên cạnh họ, còn có ngài Caerleon Kyrielight, chiến binh số một Albion và con trai Galahd, hiệp sĩ chiến đấu với độc một chiếc khiên lớn hình tròn. Hay như ngài Gawynn, “hiệp sĩ Mặt trời”, với bảo kiếm Claim Solais có thể xua tan màn đêm, cung thủ Trystovius bắn mười mũi tên một lúc, cùng nữ thần Lilyanna của hồ thiêng, người trao cho Fianna ngọn thương thần Rhongoln sau khi Carildwyss gãy trong một trận đánh,…
Cùng với sự trưởng thành và phát triển của Fianna, câu chuyện cũng cho thấy cách cô từ một công chúa bị ruồng rẫy trở thành nữ hoàng đứng đầu nhà nước, và cách cô đánh mất chính quốc gia của mình. Viêm rất thích cách xây dựng tâm lý và sự phát triển nhân vật. Fianna từ nàng công chúa ngây thơ trở thành nữ tướng dũng mãnh, nhưng khi thực sự ngồi lên ngai vàng thì lại suy sụp bởi chính áp lực mà nó đem lại. Phù thủy Fergus, với tính đào hoa, đã chọc giận phù thủy Morganna và phải bỏ trốn tới khu vườn ở nơi tận cùng thế giới, không dám quay về. Những người khác lại phát triển khác nhau: Ngài Caerleon dính vào nghi vấn tình ái với nữ hoàng, còn ngài Trystovius bỏ đi, nói rằng nhà vua không thể hiểu được nhân dân, và so với vua cha thì Fianna tệ hơn rất nhiều.
Đọc hết truyện, Viêm hiểu lý do vì sao Mộc Ma đưa nó cho mình. Fianna là một vị vua “lý tưởng” theo tư tưởng lấy đức làm trọng. Cô sống đức độ, giản dị, không tham ô, luôn rất hào phóng độ lượng, giữ chữ tín, lúc nào cũng nghĩ cho thần dân nhưng chính những điều đó giết chết cô. Một vị vua giấu mình sau bốn bức tường lâu đài Ulster, một vị vua luôn sống khổ hạnh không khác gì thánh nhân, nhưng lại không hề hiểu được điều nhân dân cần.
Luật lệ đề ra quá giản đơn, sơ lược, kêu gọi chủ yếu là đạo đức chứ không phải các biện pháp thiết thực. Trên hết, chôn vùi mọi cảm xúc của mình, chiến đấu như một cỗ máy, Fianna khiến ngay cả các hiệp sĩ trung thành cũng phải e ngại mình. Đúng như lời cung thủ Trystovius đã nói, “Bệ hạ không hiểu gì cả! Những điều Bệ hạ làm chỉ là cứu rỗi, chứ không hề dẫn lối cho thần dân! Bệ hạ cứu họ được một lần, hai lần, nhưng không thể cứu mãi! Khi Bệ hạ rời đi, quốc gia này sẽ ra sao?”, vương quốc Irea tan nát ngay khi Fianna rời Ulster mà chinh chiến với Curruid. Luật lệ quá lỏng lẻo, trong khi dân chúng chán ghét vị nữ hoàng khắc khổ, đã ủng hộ hiệp sĩ Moldrwyt là cháu ruột Fianna nổi dậy lật đổ cô mình.
Trận quyết chiến diễn ra tại đồi Calmaan. Dưới ánh chiều tà, khi thi thể quân hai bên chất cao như núi, mùi máu tươi hòa với xác thối và đất bùn xộc vào mũi đầy tởm lợm, Fianna và cháu trai Moldrwyt đối đầu nhau. Mặc trên mình bộ giáp Coincheinn, nữ hoàng lựa chọn vứt bỏ phần nhân tính cuối cùng của mình, đồng hóa hoàn toàn với lớp da của cha mà trở thành quái vật biển hung tàn. Cô không biến đổi toàn vẹn, vẫn còn hình người, và ngay khi còn chút nhận thức cuối cùng, đã giết chết Moldrwyt bằng ngọn thương Rhongoln.
Tuy nhiên, trước lúc đó Moldrwyt cũng đã dùng ma kiếm Caladbwln chém vào tim Fianna, ngăn cô biến đổi thành Coincheinn. Vào phút cuối đời, Fianna đã yêu cầu ngài Bedywern, cận thần của mình, trả lại Rhongoln cho Lilyanna, còn mình chấp nhận cái chết. Dẫu thế, cô đã được Bedywern, Lilyanna và Caerleon đưa tới nơi tận cùng thế giới, với lời tiên tri ngày nào đó sẽ quay lại.
“Sặc mùi ông vua Anh nào đó…”, Viêm nghĩ bụng. Cơ mà thôi, cái chính khi Mộc Ma kêu nó đọc chắc chắn không phải chỉ là chuyện truyền thuyết thế này.
– Ừ, chắc chắn không!
Mỉm cười, Mộc Ma nói. Những điều trong truyện này cho thấy, một người cai trị bằng đức sẽ dễ dàng bị chán ghét và phản bội thế nào so với người dùng luật. Fianna dễ bị chống đối vì người dân quá yêu thương cô ta, nhưng với bản chất dễ thay lòng đổi dạ, chủng tộc nào cũng thế, Irea đã đứng lên chống lại vua của mình. Bởi lẽ, làm hại người mình yêu bao giờ cũng dễ hơn người mình sợ. Hiệp sỹ Moldrwyt đối lập hoàn toàn, cai trị bằng quân sự và luật pháp rõ ràng, và trong thời gian hai tháng ngắn ngủi, anh ta đã xử lý gần như gọn gàng những vấn đề Fianna gây ra bởi lối cai trị “đức độ” của cô ấy.
– Nên là phải dùng luật, thấy chưa! – Mộc Ma nở mũi nói.
– Vậy sao cuối cùng Moldrwyt chết? – Viêm chợt hỏi – Vậy chả phải nói dùng đức tốt hơn sao?
– Hứ!
Nguýt rõ to, con đầu đỏ bảo:
– Moldrwyt chỉ thua vì Fianna có lợi thế tầm đánh và bộ giáp thôi! Kể cả vậy, trước khi chết anh ta cũng cho con điên đó một nhát rồi! Nói thiệt, tớ đọc mà ưa không nổi Fianna! Quá lý tưởng, quá ngây thơ, ngồi trên ngai mà ngô nghê như con ngốc á! Vua mà như vậy thì là vua tu hành à? Xí!
Nói thế, nhỏ chột tự dưng nín thinh, rồi xích sát vào người Viêm, tới nỗi cái gối bông đè hẳn lên tay nhỏ bạn. Viêm đỏ bừng mặt, song nó nhận ra con chột đang run cầm cập! Ra thế, trời nóng gắt, Thiên lại ngủ say quá nên khí lạnh thoát ra ngày một nhiều, tới nỗi dù cửa sổ mở toang ra mà vẫn lạnh run người. Viêm thở dài. Rồi chẳng biết có phải cái đầu nghe nhiều quá cháy não không, mà tự dưng nhỏ lại đưa tay phải ôm sát Mộc Ma vào!
– Cậu… Cậu… Cậu… Cậu… Cậu làm gì vậy!
– Thì cậu lạnh mà?
– Ha… Au!
Hoảng tới mức lắp bắp, răng cắn trúng lưỡi, Mộc Ma đỏ ửng mặt, còn hơn cả mái tóc mượt tuyệt vời kia nữa. Nó nhắm mắt, thè lưỡi ra, coi bộ đau lắm. Rồi một vòng phép sáng sáng màu lục hiện lên, ngay đúng chỗ đau, làm tan biến mọi cảm giác khó chịu. Nhưng chuyện đó cũng không làm con bé bớt cái cảm giác xấu hổ này. Tự dưng Viêm quàng tay qua ghì chặt mình là sao? Tay cậu ấy ấm quá, nhưng… nó đang bóp ngay eo! Nhột quá! Mà kỳ nữa! Thế nào mà nhỏ này lại ấm vậy cơ chứ? Mộc Ma tự hỏi, khi vô thức dựa đầu lên vai Viêm. Cặp sừng đỏ biến mất hoàn toàn, còn lại chỉ là mái đầu rực rỡ như ráng chiều, cùng mùi hoa lài phảng phất, phà vào cánh mũi Viêm.
Thôi thì thế này cũng được, Viêm nghĩ thầm, rồi tựa đầu vào đầu Mộc Ma.
————————–
*Quân vương, chương 14, “Quân vương và binh pháp”, Niccolo Machiavelli, Vũ Thái Hà dịch.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]