Tại góc nào đó của điện Cây Quế, dưới tán bàng xanh rợp trời, nhóm oa Lân đang ngồi vây quanh chiếc bàn đá mà đánh cờ. Đã thành lệ, cứ rảnh là Oa Lân và Hương Hương lại lôi cờ tướng ra đánh, dù họ cũng chẳng giỏi giang gì. Masami không biết chơi, nhưng cô thường phải ngồi chung, vì trong ba người thì nàng rồng là nhân vật duy nhất đủ sức ngăn hai chị máu nóng kia lại, kẻo họ lại lao vào đánh nhau vì mấy chuyện không đâu. Vả lại, coi đánh cờ, dù chỉ là đám nghiệp dư ngồi chơi, cũng vui lắm chứ! Nó làm Masami nhớ lại hồi ở nhà, anh chị mình cũng hay chơi cờ. Dĩ nhiên họ là dân không chuyên, nhưng lại áp dụng kiến thức quân sự vào thế đánh, khiến ngay cả “Danh Nhân” cũng phải tím mặt.
Cách. Cách. Cách. Cách. Tiếng mấy quân cờ gỗ tròn tròn, gõ mạnh xuống mặt bàn khắc sâu mới vui tai làm sao! Tám mươi mốt ô chia hai phe xanh đỏ, mỗi bên gồm một Soái, các đôi Vệ, Pháo, Trọng rồi Khinh Kỵ từ trong ra và chín quân Binh đối đầu nhau. Bên ngoài, dọc theo các cạnh là dãy số từ một tới chín, bao phủ một nửa bàn cờ hình vuông. Gần như là sa bàn, nhưng thứ này lại được phát minh sau khá lâu, vào khoảng hai ngàn năm trước, còn sa bàn quân sự với các hình khối và ô kẻ tọa độ đã có từ lâu rồi.
Đối diện nhau qua bàn cờ, Oa Lân và Hương Hương đều cúi thấp người, tay chống cằm, tay nắm chặt gấu quần mà nhìn tình hình. Có vẻ căng. Trời không nóng mấy, dưới tán cây rợp bóng, vài ba tia nắng vàng rọi thẳng xuống cục diện chiến trường, nơi hai vị quân sư đang điều binh khiển tướng, cố gắng ăn thua đủ nhau.
Tình hình đang khó: Quân đỏ của Oa Lân, dù đã tiến quá hàng năm tung, lại đang chịu thiệt hại nặng nề. Chín Binh mất sáu, lại thí luôn cả hai quân Trọng Kỵ, quân cờ có khả năng đi dọc ngang mạnh nhất trò chơi. Trong khi đó, dù Hương Hương vẫn đang bị ép ở khoảng “sân nhà” – hàng năm tung được coi là “biên giới” giữa hai bên, lại giữ được đa số lực lượng và chỉ mới mất ba Binh, một Tượng, một Khinh Kỵ và một Pháo, đổi lấy một Pháo bên đỏ. Nước đi vừa rồi, dù chấp nhận hỏa lực sụt giảm, cô thi vu tập sự đã làm suy yếu rõ rệt cánh trái của cấp trên, khi bên đó chỉ còn một Binh và một Khinh Kỵ trấn giữ.
– Có vẻ căng… Hừm…
Vê vê cằm, Oa Lân gằn giọng khi nhìn vào bàn cờ. Hiện tại, Khinh Kỵ địch vẫn giữ nguyên hai con. Là quân thuộc hàng “đặc biệt”, cùng với Trọng Kỵ, chúng là đơn vị vừa có thể vỗ mặt, vừa thọc sườn cực kỳ hiệu quả. Để chống Kỵ thì phải dùng Khinh Kỵ, nhưng Khinh của Oa Lân lại đẩy lên chót vót rồi. Bị vây bởi hai Binh phe mình phía sau, tại cánh phải, và tương đối trống mé trái, thuyền phó có thể cho lui về phòng ngự. Kỵ binh hạng nhẹ rút theo đường thẳng và ngang mà, lại có khả năng đặc biệt đó nữa. Nhưng mà, nếu lui lúc này, phía kia sẽ lập tức đem quân tấn công ngay. Chỉ còn mỗi một Binh trấn đây thôi, lui Khinh về đồng nghĩa tự sát.
Cờ còn đó nhưng quá xa, trong khi Khinh Kỵ cánh trái đang mắc kẹt không thể về, nếu bị thọc sườn thì chẳng còn cách nào ngoài việc chạy Soái. Cánh phải vẫn còn kha khá lực lượng, Pháo cũng tiến sang, có thể nhanh chóng bắn xuống đớp luôn Pháo địch, nhưng hai con ngựa ô mắc dịch kia lại trấn ngay mới khốn! Mất nốt pháo này, khả năng thắng của Oa Lân càng mong manh hơn, khi bên kia kỵ binh còn quá mạnh, trong khi mình thì tan tác cả rồi.
Ừm, ừm, chưa được!
Không chấp nhận thua cuộc, Oa Lân lập tức rút Khinh Kỵ ở ô phải về. “Nhảy” qua đầu quân Binh – khả năng chỉ kỵ binh nhẹ mới làm được, nó lui về được ô ngay sau Binh ấy, nhưng đổi lại là hai đơn vị lính bộ kia bây giờ hoàn toàn nằm trên đường càn quét của ngựa địch. Chết tiệt, không để ý mà cứ tiến quân, giờ Oa Lân đã đẩy hai đạo quân bộ quý giá vào chỗ chết, đối diện với lính cưỡi ngựa cực kỳ hùng mạnh. Cái này y như sai lầm chiến lược ấy, mà không, đúng là sai lầm chiến lược rồi! Mất lính bộ, cuộc chiến sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Giờ chỉ hi vọng Hương Hương không ác tới mức ép chết mình…
Đùa thôi!
Không hề lui Khinh Kỵ, Oa Lân lập tức đổi bên, thọc mạnh một nhát từ ô 2 – 4 đánh thẳng xuống 2 – 1, chiếm ngay tắp lự lỗ hổng hữu quân địch. Trọng Kỵ cánh phái của Hương Hương đang đẩy phía 1 – 3, hoàn toàn không kịp phản công. Việc quân Khinh Kỵ đánh thọc thẳng xuống hàng dưới là diều khả dĩ, nhưng rất ít người nào đủ liều để tấn công như vậy. Nếu là chiến trường thực sự, đây chính là nước “thọc sườn”, đánh vào bên cánh khi chủ lực đang phải đối phó địch quân. Kỵ binh trang bị nhẹ, cơ động cao là đơn vị thích hợp nhất cho nhiệm vụ này, khi nó có thể nhảy qua đầu một quân bất kỳ – trừ Soái và kỵ mã – và nhanh chóng đâm sâu xuống dưới. Khác hoàn toàn với Trọng Kỵ sẽ công phá như sóng thủy triều, dồn dập đầy uy hiếp, Khinh Kỵ lại như mũi tên vút bay, đánh vào những nơi hiểm yếu bậc nhất.
Nét lo âu thoáng hiện trên mặt Hương Hương, nhưng cô Thiếu tá này chưa chịu chùn bước. Từ 1 – 3, cô ta nhanh chóng kéo kỵ binh hạng nặng về, bao vây ngựa địch. Dù ô Pháo, lúc này trống rỗng, nằm ngay sát bên, và Vệ phải lộ sườn hoàn toàn, nhưng Oa Lân nhất định không dám ăn. Chỉ còn kỵ binh nhẹ làm mũi đột tiến, nếu để mất, bà chị lờ đờ kia coi như cầm chắc thất bại. Một Pháo, hai Khinh Kỵ, hai vệ và ba Binh, trong khi bên này Hương Hương còn những bảy Binh, một Pháo, ngựa thì đủ cả hai con nặng, một con nhẹ, chênh lệch quân lực là quá rõ ràng. Hừm, vẫn không nên khinh suất.
Cởi bỏ chiếc áo choàng nặng nề, đoạn lấy khăn lau mồ hôi đã bắt đầu lấm tấm trên trán, Hương Hương tiến hành tấn công.
Không giữ lính nữa, Hương Hương cho quân Binh tại 8 – 2 tiến hai ô lập tức ăn chết một Binh bên địch. Ngay tầm Khinh quân mình, nhưng Oa Lân không dám tấn công, vì giữ mặt nó vẫn còn Khinh địch. Nãy giờ khu vực tả quân, Hương Hương vẫn chưa dốc toàn lực. Chỉ mới có bên hữu, nơi đã mất Pháo và Khinh, còn mỗi quân Trọng và một Binh, vốn nằm trước mặt Phao1m là chịu thiệt hại. Cánh tả giữ vững đồng thời chính là đe dọa lớn cho hữu lộ Oa Lân, vì bên đó có thể tiến hành công kích bất cứ lúc nào. Chậc, cô tính nhầm rồi! Nhầm to luôn rồi!
Không lui Trọng sang bắt Khinh, hay điều Vệ ra, Hương Hương toàn lực tiến quân bên trái.
Bắt đầu với quân Binh ở 8 – 2, khi thấy Oa Lân nhanh chóng cho Khinh Kỵ bên ấy lùi về, Hương Hương biết thời cơ phản công đã tới. Nãy giờ Khinh Kỵ trái có tiến, nhưng từ tám nước trước, cô đã tính đường rút nó về, và trước đây bốn lượt thì chú ngựa dũng mãnh tung hoành sa trường nãy giờ đã nằm im trong chuồng, có lính tốt và kỵ binh nặng canh gác đàng hoàng. Bây giờ Binh đã tiến, địch không thể ăn vì ngựa canh chừng rồi. Nếu mất thêm bất cứ Binh nào nữa, Oa Lân sẽ tan nát đại quân ngay, và có thể phải mở miệng nhận thua.
Mắt đã hoa, Oa Lân đành cho Khinh Kỵ mình từ bên cánh phải địch lùi về, tới đúng ô 2 – 5 thì dừng lại. Vừa ngay chóc một hàng ngang với Binh đang bị hăm he kia. Ngựa bên phải của mình không chạy, thay vào đó lại gọi ngựa trái. Rõ ràng Oa Lân không có ý chịu thua, ít nhất không phải bây giờ. Dù nhìn chồng quân bị xử đẹp nằm cả mớ bên kia lại thấy ngu học, nhưng chuyện lỡ rồi, giờ cô phải đánh với số đơn vị ít ỏi còn sót lại này. Vì thế, chưa thể nào bỏ cuộc được. Thu ngựa về giữ lính, bình thường người ta dùng Trọng, nhưng mất hết ngựa bọc thép rồi thì xài ngựa trần thôi! Tình hình cấp bách không thể nào chần chừ, làm bậy là chết ngay.
Cạch. Cạch. Cạch. Cạch…
Mười phút sau, Oa Lân thua trắng.
Bàn cờ không còn quân xanh nào, phe đỏ của Hương Hương hoàn toàn nghiền nát thế lực thù địch. Ngồi dựa ngửa vào lưng ghế đá, tuyền phó mặt thất thần, buông thõng tay, miệng há to như chờ trái bàng rớt xuống, trong khi cô hoa tiêu lại hí hí hửng hửng cất cờ vô hộp. Sáng giờ hai người đã ngồi chơi liên tục, và Oa Lân không thắng nổi trận nào! Thảm bại tuyệt đối, ngay tới Masami là người không biết chơi cũng thấy cô Đại tá toàn đút đầu vô mấy chỗ dịch thủ mạnh nhất, sau đó thì tạch lô cả lũ. Hoàn toàn không có chiến thuật gì, cứ đánh bậy đánh bạ, tới lúc thua thì cuống quýt cả lên và làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Thở daik, chị rồng nghĩ bụng, làm thế quái nào cái người này lại là cựu chỉ huy một Quân đoàn năm vạn lính cơ chứ? Chả lẽ toàn xông lên thí mạng?
– Mấy chị chơi cờ à?
Đang dọn dở dang, Thượng tá Liên, cháu họ Giao Long lại đi ngang qua. Trẻ măng, với bản mặt búng ra sữa chưa đầy ba mươi, nhưng lại đeo lon ba sao bạc nhờ các công trình nghiên cứu, nên cô ta được tiến cử để vào làm việc tại Bộ Tư lệnh.
Khác với mọi khi, không ở trên tàu nên Liên diện thường phục. Mà ngay cả Masami cũng chỉ mặc đồ sĩ quan mấy lúc cực kỳ cấp bách thôi, nên không lạ gì cả. Chiếc áo bà ba nâu sần mau buông, tay áo ngắc cùng chiếc yếm đào lấp ló bên trong, trong khi phía dưới là cái quần ống dài chuyên dùng để đi ngoài ruộng. Người U Minh thực tế, họ không chuộc phục trang cầu kỳ, kiểu cách mà sẽ hướng tới tính thực tiễn của quần áo đó. Dù thời tiết mùa này se lạnh – khá bất thường – nhưng thể lực của họ sư sức chịu được. Hơn nữa, tay áo ngắn nên đôi tay có thể dễ dàng vận động, làm việc hơn, còn quần ống dài, có nút cài bên dưới lại buộc túm được ngay chỗ mắt cá, rất gọn.
Luận về tuổi tác, thì trừ Oa Lân “tạch” năm mười sáu, và vì thế mãi mãi mười sáu tuổi, thì gai người kia đều lớn hơn Liên. Hương Hương tuy sinh ở Hoa Đông, dùng lịch cũ nhưng nếu tính theo lịch Tây thì cũng gân bốn mươi, trong khi Masami đã hơn sáu mươi mùa hoa đào nở rồi.
Ngồi xuống bên cạnh Masami, lúc này Hương Hương mới để ý cô cháu “ghẻ” của thuyền trưởng đang cầm theo một xấp tài liệu, coi chừng dày lắm. Hỏi vài câu, họ mới biết đó là đồ án để lấy bằng tiến sĩ. Liên còn thiếu một bằng để chính thức rở thành Thượng tá, cái lon đeo hiện tại chỉ là lon tạm thời vì thiếu nhân lực. Sau vụ nội loạn trước đây, một lượng lớn sĩ quan cấp tá nếu không phải xử tử thì cũng bỏ quân hàm, tống vào trại giam, nhẹ hơn thì giảm bậc và đá xuống cấp úy, thậm chí là hạ sĩ quan hay binh lính.
Do loạn xảy ra ở đơn vị do chị họ Giao Long, khi đó là Đại tá bên Lục quân, chỉ huy, nên hầu như toàn bộ nhân lực bên đó đều bị “thuyên chuyển” hay xử tử. Phó Đô đốc Trung, em trai ruột của cô ta, không bị vạ lây vì khi đó ông ấy nằm dưới quyền chỉ huy của Giao Long, lại là đơn vị đã có công bảo vệ kỳ hạm Đại Việt của Hoàng gia nên thăng cấp vượt bậc. Bốn năm trước, Liên còn là học viên năm ba, vậy mà bây giờ đã là Thượng tá dự khuyết rồi. Thăng tiến quá nhanh, thực sự không thể ngờ. Hương Hương đã gần bốn chục, làm hàng tá thứ mà mới leo được tới một sao bạc mấy hôm trước thôi, trong khi Masami lại chững luôn ở ngạch Trung tá, không tăng nổi nữa. Ngay đến Oa Lân, cựu chỉ huy một quân đoàn mà cũng chỉ là bốn sao bạc thôi, vậy mà… Thực sự bất công mà!
– Mấy chị nè. – Liên chợt nói – Bộ mấy chị không thấy có gì sai sai sao? – Sai cái gì?
Dựa ngửa người, Hương Hương hất hàm:
– Nếu là cưng lên bậc siêu nhanh thì đúng rồi đó, quá sai luôn! – Không phải chuyện đó! Mà… cũng đúng, nhưng… Ý em là, chúng ta rút hết quân giữ mặt Nam kiểu đó, không phải là giơ lưng cho địch à? – Vụ ấy à?
Đang thất thần vì bại liền sáu hiệp, Oa Lân bỗng tỉnh hẳn ran gay khi nghe tới chuyện rút quân. Tuy nói là kế hoạch lần này được Bộ Tổng Tư lệnh đưa ra, nhưng nó vẫn có gì đó sai sai. Huy động quân của phần lớn các gia tộc trực thuộc, trong khi chuyển lính của mình vao lấp mấy khu vực dưới, và đồng thời kéo dãn phòng tuyến phía Nam, đó không phải điều một Tổng lãnh nên làm. Đặc biệt là khi Albion vẫn còn Hạm đội Viễn Đông, hơn bốn trăm tàu, đóng ở Terra Australistz. Hơn bốn trăm tàu, nếu so với Không Hạm đội 6 lúc đầy đủ, cộng với các lực lượng bản địa thì cũng sơ sơ bảy, tám trăm chiếc, nắm ưu thế áp đảo, nhưng khi đem quân ra Bắc thì Giao Long chỉ còn một nửa quân lực thủ nhà.
Tuy nhiên, Oa Lân lại không nghĩ vậy.
Vỗ nhẹ tay, Hương Hương lấy trong túi quần ra tấm bản đồ vùng U Minh. Nhanh đến không ngờ, trước sự ngạc nhiên của Liên, ba người nhóm buồng lái nhanh chóng trải bản đồ ra bàn, đặt vào đó mấy quân cờ để dằn lại, và sau đó thì bắt đầu nói.
Vùng U Minh, Oa Lân bảo, thực tế đóng vai trò là trường thành mặt Nam của Đế quốc Liên hiệp. Từ lãnh thổ Bồn Điện ở phía Tây tới hết Terra Guinia, hòn đảo nằm ngay sát Australistz, U Minh kéo ngang như cái rào chắn vậy. Không chỉ thế, hải lưu Austrorivèrre chạy ngang quần đảo và lục địa kia lại giúp hệ thống bảo vệ cứng hơn, bởi các hải lưu nóng như nó thường sẽ mang theo mấy trận bão lớn, đến cả chiến hạm cũng khó mà lành lặn vượt qua. Một biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia, phía Bắc là vùng Nam Đảo đầy đá linh tử – tên gọi của Divaenium tại phương Đông – trong khi miền Nam là châu lục rộng lớn, nhờ dòng hải lưu ấm mà cây cối sinh trưởng rất nhiều, trở thành một trong mấy lá phổi xanh của Thủy Tinh. Tuy nhiên, không chỉ có vậy.
Dọc theo Nam Đảo, hay khi xưa là quần đảo Mã Lai Á, là ba mươi sáu quân cảng cấp phi đội, chứa hai mươi khu trục, cùng bốn quân cảng cỡ hải đoàn, loại có thể ních tới một trăm tàu đủ cỡ. Tuy đa số cảng cấp phi đội thuộc về hai bang tự do, chúng vẫn nằm dưới quyền điều động trực tiếp của Tổng lãnh và bộ tư lệnh quân sự địa phương, các thống đốc bang chỉ có thẩm quyền hạn chế. Ngoài ra, mười lãnh thổ quý tộc, trong số tổng cộng trên dưới ba mươi gia tộc đã được công nhận quyền tự trị, dù gửi ba phần tư quân đi, số còn lại không có quyền sở hữu hạm đội nhưng vẫn có bộ binh giúp hỗ trợ quân đội chính quy.
Với việc rút phần lớn quân địa phương và chừa lại quân của mình, Giao Long đã tạo ra một sự chênh lệch lớn về cán cân quyền lực: Các gia tộc lớn, trừ nhà Tổng lãnh, chỉ có quyền sở hữu tối đa hai mươi tàu. Lấy đi ba phần tư, hay thậm chí là bốn phần năm số quân, khiến không lực của họ suy giảm rõ rệt và hoàn toàn không có khả năng đâm sau lưng. Do quân lần này là hợp thành từ nhiều lãnh thổ quý tộc nhỏ, cùng khoảng một phần sáu lực lượng Không Hạm đội 6, tổng cộng ba trăm hai mươi tàu, thêm một cái siêu du thuyền bọc giáp và vũ trang hạng nặng, nên vẫn sẽ còn khoảng ba trăm tàu trấn thủ biên giới mặt dưới. Ngoài ra, các Quân đoàn 7 đến 10 đều đã chia nhau mà giữ các vị trí trọng yếu bậc nhất, không để tuyến bị vỡ.
– Là vậy ạ?
Ngập ngừng nhìn bản đồ, Liên vẫn chưa dám tin hoàn toàn. Nếu là một Thượng tá thực sự, khi nghe giải thích thế này nhất định sẽ hiểu ra, nhưng cô ta lại quá thiếu kinh nghiệm. Đế quốc Liên hiệp vốn có chế độ “sĩ quan dự khuyết”, sẽ tạm thời cất nhắc cho một số người bậc thấp lên nắm lon ở mức cao hơn trong trường hợp thiếu hụt nhân lực. Dĩ nhiên việc này chỉ là tạm thời, và sau khi mọi chuyện ổn thỏa, người được đưa lên sẽ phải quay về lại quân hàm cũ. Chính xác thì Liên mới chỉ là Thượng úy, nhưng do việc xử nhiều “bạc” nên một số người “đồng” được đôn lên. Hơn nữa, so với Mộc Ma thì Liên trưởng thành hơn, lại có quan hệ huyết thống với Tổng lãnh nên cũng được “ưu tiên” hơn “chút đỉnh”. Giao Long hoàn toàn biết về điều này, nhưng cô ta nhắm mắt làm ngơ, với mục đích mà ai biết cũng phải lạnh sống lưng.
Nhớ lại lúc nói chuyện với thuyền trưởng về các nhân sự mới, Oa Lân đã ngạc nhiên khi thấy Liên được đề bạt làm chỉ huy hậu cần của tàu. Hương Hương cũng ở đó – khi ấy Masami chưa tham gia, và với cái tính tò mò cố hữu, cô thi vu đã đánh bạo hỏi thuyền trưởng, rằng để cháu mình lên vậy có sao không. Không phải là con ông cháu cha, nhưng bởi vì chỉ trước đó một năm, mẹ con bé là thành viên lãnh đạo đám phản quốc và bị chính Giao Long chém chết mà. Nếu vậy thì chuyện để Liên lên chẳng phải nguy hiểm lắm sao, nếu như nó muốn phá hoại từ bên trong?
Oa Lân cũng nghĩ thế, và thực sự rất phân vân về việc đề cử lần này. Nhưng trái với hai cấp dưới, một người giống như em gái, và người kia thì là đứa học trò khờ khạo, Giao Long đã trả lời, và khiến hai người kia rùng mình, tim đập loạn xạ khi nhận ra hàm ý đằng sau.
“Con của phản động chưa chắc sẽ không làm phản động.”
Giao Long đã nói vậy.
“Nhưng cái gì cũng có thể cả. Thế nên cứ để nó lên, khi cần ta sẽ lôi ra “sử dụng” sau.”
Giao Long, người phụ nữ ái quốc đến mức cực đoan ấy, không hề tin rằng cháu mình sẽ không làm điều ngu xuẩn. Giữ nó bên cạnh như một cách đề phòng, “Thi Hoàng” kiềm chế Liên, vì cô biết cháu gái vẫn rất hận mình năm ấy đã tự tay chặt đầu mẹ nó. Luật Đế quốc quy định những ai tham gia phản loạn chống lại Trung ương, Hoàng đế hay các thành viên Hoàng gia đều phải bị xử chém, nhưng không đụng tới người trong nhà nếu chứng minh được bản thân không liên can. Liên có bằng chứng ngoại phạm, trong thời gian xảy ra vụ đó cô ấy vẫn còn là học viên và học rất chăm, đã được các giáo quan, học viên khác và cả Hiệu trưởng xác nhận. Vì vậy, cô ấy an toàn.
Tuy thế, việc phải tự tay chứng kiến cái chết thê thảm của mẹ mình lại là một cú sốc quá lớn. Đế quốc rất cứng rắn khi xử tội làm phản, cứng rắn đến mức phải gọi là tàn nhẫn. Tử hình công khai như vậy rất dễ trở thành nỗi ám ảnh với thân nhân tử tù, nhất là với những người bản lĩnh chưa đủ vững vàng. Năm ấy, ngay lúc Liên được nghỉ phép thì vụ xử chết diễn ra. Cô đã chạy ngay tới pháp trường, lập ngay ngoại ô thủ phủ Long Xuyên, để chứng kiến khoảnh khắc cuối cùng của mẹ. Hình ảnh ấy tới giờ vẫn còn nguyên: Mẹ Liên bị còng tay ra sau lưng, miệng ngậm khăn, mắt bịt vải đen, ú ú ớ ớ đi từ xe tù tới chiếc cọc giữa quảng trường, nơi người ta trói phạm nhân vào để xử. Giao Long đi theo, trên tay là chiếc lê súng trường dài năm tấc, đã gắn vào cây K98. Đó là lệ xử tử quân nhân, chiếc lê trước nòng súng, khi xưa là lưỡi kích, sẽ cho họ vinh dự ra đi như một người lính.
Lúc ấy, Liên như muốn phát điên. Cô định lao ra, nhưng mợ Dung, vợ cậu mình, kịp ghìm lại. Lại thêm ông cố giữ tay, nếu không chắc cô đã leo qua cả hàng rào rồi. Xung quanh đầy những tiếng la ó, chửi bới, sỉ nhục mẹ mình là nỗi hổ thẹn, là sự sỉ nhục, là cục bùn ném vào gia tộc Tổng lãnh, bởi chính người U Minh. Họ còn nói mẹ cô là sự xúc phạm tất cả các sĩ quan, quân nhân Đế quốc, đã làm tới Đại tá mà còn dám đang tâm bán nước, vì mấy đồng bạc lẻ ngoại bang mà đâm sau lưng Tổ quốc mình. Nhiều người ném tiền Columbia in giả, lỗi vào, liên tục lớn tiếng thóa mạ, chửi bới. Chỉ khi quân cảnh vệ tới, và ngài Tổng lãnh cùng cậu Trung đồng loạt lên tiếng yêu cầu mọi người giữ im lặng, buổi tử hình mới diễn ra được.
Thấy người nhà chết đã là cú sốc lớn rồi, đằng này lại là mẹ bị xử chết bởi chính dì họ, giữa nơi đông người, đầy các tiếng la hét, chửi bới kiểu đó thì Liên còn gì chấn động hơn? Những binh sĩ chưa trải qua chiến trường thực sự, chưa được biết cảm giác cái chết treo ngay trên đầu, Địa ngục chỉ cách mình hai thước xuống dưới thì thần kinh khó mà vững được. Mà ngay đến cựu binh, như Phó Đô đốc Trung, tới giờ còn bị hậu chấn tâm lý bởi sự thảm khốc của chiến tranh thì cô gái mới ngoài hai mươi, đó giờ toàn sống trong nhung lụa như Liên sao chịu nổi?
Ảnh hưởng về tâm lý, tâm thần đeo bám rất dài, dễ khiến người ta, trong những hoàn cảnh cụ thể, khi điều kiện chín muồi, buông xuôi và làm điều dại dột. Đối với Liên, việc thấy mẹ chết thảm vậy chính là đả kích tinh thần, và việc “bị” Giao Long, người thực hiện điều đó giữ trên tàu, không khác gì vừa giam lỏng, vừa từ từ đẩy cô tới cực hạn. Tuy không rõ mục đích thực sự, nhưng Oa Lân dám chắc, thuyền trưởng không phải người sẽ làm mà không có ít nhất hai kế hoạch dự phòng. Có trời mới biết cô ta đang mưu tính gì, nên ba người nhóm buồng lái chỉ còn biết thở dài mà trông thôi.
Mà, Oa Lân nghĩ bụng, cũng cóc phải chuyện của mình!
Đèn nhà ai nhà nấy rạng, mấy vụ này tốt nhất cô không nhúng mũi vào. Hương Hương cũng vậy. Mấy vụ rắc rối này người trong gia đình nên tự xử với nhau. Mà cha Liên cũng chết lâu rồi, dưới cô ta chỉ còn người em gái đang học lớp mười hai, nên cũng chẳng mong đợi được gì. Người lớn trong nhà còn lại ông Tham mưu trưởng, một dì lớn và một dì nhỏ. Hừm, cô thuyền phó nghĩ bụng, lão già ấy cũng tốt số thiệt. Vợ ba lão chỉ cho ra một nàng, nhưng con bé ấy đẻ liền bốn đứa, ba gái một trai, trong khi bà vợ nhì chỉ cho ra hai thằng cu, thằng lớn đi làm thầy tu còn thằng nhỏ giết con gái mình rồi bị tử hình nữa chứ! Hai cái thế hệ ấy coi bộ hơi bị nát rồi, không biết tới đời con Giao Long có khấm khá lên chút nào không đây.
– A mà không phải! – Liên bỗng hét toáng lên – Em dịnh kiếm mấy chị hỏi chuyện mà! – Chuyện gì? – Masami nhìn sang. – Dạ, thì…
Lấy chiếc túi xách mang theo nãy giờ, Liên lôi ra một xấp tài liệu lớn. Không cần nhìn kỹ, ba người kia đã biết đó là thứ gì. Luận án tiến sĩ của con bé đây mà! Để làm Thượng tá, có hai cách: Công trạng hoặc đóng góp lý thuyết. Về công trạng, thường là phải đánh thắng sáu trận ở cấp chiến thuật, chỉ huy tầm cỡ Lữ đoàn vàtổn hao không quá hai mươi phần trăm quân mỗi lần đánh. Còn về mặt lý thuyết, thường dùng cho thời bình, thì phải có được học hàm tiến sĩ chuyên ngành của quân đội.
Mà cái “tiến sĩ” này cũng khó chịu lắm. Phải có tính thực tế, thực nghiệm trên sa trường chứ không phải viết chơi chơi cho vui. Vì cấp úy sẽ tăng theo niên chế, lên bậc Thiếu tá sẽ đòi bằng cử nhân – tốt nghiệp đại học, Trung tá yêu cầu một công trình nghiên cứu và Thượng tá thì hai, mà hai công trình có tính thực tiễn, in được vào sách giáo trình tham khảo thì là tiến sĩ rồi. Riêng những thành phần dự khuyết như Liên, thường gọi chính thức là “quyền” với cấp bậc tạm thời, sẽ phải có tới bốn dự án, bởi họ “nhảy cóc” nên phải tăng thêm nhiều. Còn Đại tá như Oa Lân, nếu không nhờ chiến công thì cũng phải làm nghiên cứu tới mức gọi là “phó giáo sư” chứ chẳng đùa! Bởi vậy trong quân đội hay nói nữa giỡn nửa thật, là tối đa chỉ leo tới ba sao bạc, từ bốn sao trở lên là phải giỏi như thiên tài hay quẩy cỡ chiến thần mới được!
Hơi chút hứng thú, Hương Hương cất bản đồ vào, đoạn mặc lại áo choàng. Thẳng lưng lên, cô học trò của Hồng Ma hỏi:
– Lần này em làm về gì? – Ế? Chị hỏi đề tài à? – Ừ.
Hơi giật mình, Liên tự dưng cúi gầm mặt. Tuy trong nhóm nhìn cô có vẻ “lớn” nhất, thực ra chỉ là đứa nhỏ so với mấy người kia. Hương Hương hơn mình gần mười lăm tuổi, Masami đáng tuổi mẹ, còn Oa Lân… Thôi không tính mấy người bất tử vậy. Họ đều có kiến thức quân sự tốt hơn mình.
Thuyền phó Oa Lân, các chiến tích của chị ta đã được sử sách ghi lại rất rõ: Cuộc giữ thành Ân Cơ vùng Nam Vang chống lại nhà Hạ xâm lược, chiến tranh Hoa Đông – U Minh ba lần, chiến dịch Bắc Tiến đánh thẳng ra tổ địa Kinh Dương của Bách Việt, và gần đây nhất là Đại chiến Gaia, phá tan nát tuyến địch ở vùng Tây Nam. Masami tham gia nội chiến Yamato ngày trước, đã đánh đến trận chiến nổi tiếng ở núi Kuroyama và tiêu diệt tàn quân phản động Chuichi, tạo thành trận pháo kích quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử Yamato mà pháo dã chiến áp đảo hoàn toàn so với súng hay cung tên. Còn Hương Hương, tuy là Thiếu tá nhưng trước đây là chỉ huy đơn vị biệt động “Cầu vồng VI” nổi tiếng của Quân đoàn 2, khi Oa Lân còn là tư lệnh bên ấy, và là đội đặc nhiệm đã đánh tan trụ sở phản động trong cuộc bạo loạn Phiên An, giảm thiệt hại dân sự xuống mức thấp nhất,… Họ đều là những huyền thoại sống, những người thừa kinh nghiệm trên chiến trường. So với họ, Liên giống như đứa ngốc mới tốt nghiệp, chỉ biết tới kiến thức sách vở mà thiếu hụt kinh nghiệm thực chiến vậy.
Khẽ chìa đống giấy tờ ra, Liên cúi mặt, nói nhỏ:
– Dạ… Là “biển người” ạ… – Hả? – Hả? – Hả?
Ba người đồng loạt hét lên, quay qua nhìn con bé kia.
Không nghe nhầm chứ?
Biển người á?
Ngay lập tức, Hương Huong phá lên cười, trong khi Masami bụm miệng, ôm bụng còn Oa Lân thì đập tay vô mặt, kiểu như “Cả ngàn đề tài sao lại chọn đúng cái đó?”.
Và…
– Cả ngàn đề tài sao lại chọn đúng cái đó?
Cô ta la vậy thật!
– Ơ, không được ạ? – Nghe thế, Liên cuống ngay – Vì nó là của Lục quân, hay… – Không phải! Phụt ha ha ha ha!
Vẫn còn cười lăn ra bàn, Hương Hương cố gượng dậy. Tỳ bộ ngực căng to như dưa hấu lên mặt đá, cô hoa tiêu bảo:
– Oa Lân là chuyên gia biển người đây! Hỏi đúng người rồi đó cưng ới! Ha ha ha ha ha ha ha! – Nín! – Oa Lân đỏ mặt, quát thẳng. – Nhưng sự thật là vậy mà! – Hương Hương lại chọc – Không phải bà chị còn viết hẳn một cuốn về nghệ thuật dùng biển người trong chiến tranh hầm hào và tác chiến hiện đại đó sao? “Bét seo lơ” và mấy đứa học viên mua về gối đầu giường luôn nha, ha ha ha ha! Thiệt là hài ma! – Có vụ vậy ạ?
Tới tận bây giờ, Liên vẫn mù tịt về mấy chuyện bên Lục quân, hay thậm chí là Quân Đổ bộ. Chờ khi ba người kia bình tĩnh lại, cô mới nói thực ra đống giấy đó còn trắng tinh, chưa có nổi chữ nào. Liên cũng chỉ mới chọn đề tài, chưa đi vào viết luận gì cả, bởi nguồn thông tin chưa đảm bảo. Các bài luận lớn thế này luôn yêu cầu nguồn chứng thực rõ ràng, số liệu chính xác, và nếu sai thì sẽ không thể bảo vệ được. Trước hội đồng mấy trăm người mà bảo vệ luận án không xong coi như đi luôn. Hạn chót để cô nộp bài là đầu tháng sáu, tức chỉ còn chưa tới ba tháng nữa. Vậy mà bây giờ vẫn chưa có chữ nào. Chết chắc rồi!
Nhưng ngay lúc tuyệt vọng nhất, cô lại vớ được phao!
– Thôi để chị đây cứu nhân độ thế cho!
Vừa nói, Oa Lân cưa tằng hắng giọng. Chỉnh cổ áo lại, cô làm ra vẻ ngầu kinh lắm. Đoạn, Oa Lân lấy hộp cờ Hương hương vừa định cất, bày hai quân xanh đỏ ra bàn tám mươi mốt ô. Chín cột chín hàng, cùng một “trục” ngoài ghi tọa độ ô, nằm ngang với quân là hoành, vuông góc trục ấy là tung. Và khác với hệ trục tọa độ của toán học, bộ trục này thiếu số không, cũng nhu tung nằm về bên phải. Bày đủ chín Binh, mấy đôi Trọng, Khinh, Pháo, Vệ và quân Soái ra, Oa Lân mới kêu Liên sang ngồi phía bên này, bởi vừa giảng vừa thực hành nó dễ hơn là nói suông.
– Bà rảnh gớm nhờ? – Hương Hương rõ ràng không vui – Lát tự xếp đó! – Được thôi! – Hất hàm, Oa Lân nói – Liên, đánh với con Hạ kia đi, rồi chị nói tóm tắt biển người cho! – Dạ?
Có nghe nhầm không? Oa Lân vừa bảo Liên đánh cờ với Hương Hương, người vô địch “cờ soái” của tàu hai năm liền á?
Tuy bình thường hay tỏ ra đánh kém, thực chất Hương Hương là một kỳ thủ hạng khủng, khủng của dân không chuyên. Trong các trận đấu, thường cô ta luôn đánh làm sao cho mình luôn thắng đối phương chỉ với một bước nhanh hơn – kỹ thuật còn khó hơn là đánh thắng bằng mọi giá nữa. Bản thân cờ soái đã khó nhằn lắm rồi, khó hơn cờ tướng của Yamato, nên Masami lẫn Oa Lân đều không có cửa đánh lại. Dù nhìn lối đi có vẻ khá vụng về, và thực chất Hương Hương không biết bất cứ lối đánh chính quy nào, chính khả năng quan sát và bình tĩnh lạ thường giúp cô ấy áp đảo được khí thế đối phương. Ngay cả Giao Long cũng lắc đầu chịu thua, mà ván đó là họ đánh bốn ngày đêm liền mới phân được thắng bại.
Cờ soái, theo đúng tên gọi, là trò đánh cờ làm sao diệt quộc quân Soái bên địch. Mỗi người chơi có mười tám quân, trong đó chín Binh là lực lượng lính bộ rất quan trọng. Ở lần đi đầu Binh có thể tiến một hay hai ô, các lượt tiếp theo đi một, ăn thẳng và có thể giật lùi hay đi ngang một ô nếu tới hàng cuối của đối phương thực sự là mối phiền toái lớn. Trong khi đó, Pháo có khả năng ăn một quân bất kỳ, với điều khiện trên đường thẳng giữa nó và mục tiêu phải có một quân nào đó, không phân biệt địch ta. Tuy nhiên nếu để bình thường, nó chỉ bò dọc bò ngang, hoàn toàn vô hại.
Hai quân Kỵ mới là thứ nguy hiểm, khi Khinh Kỵ, thường gọi thành Khinh, có khả năng nhảy qua đầu một quân đứng trước, tới ô ngay phía sau quân ấy. Chỉ khi đối phương là kỵ binh hay quân Soái bên mình mới không thể nhảy, còn lại đều có thể tấn công. Trong khi đó, Trọng Kỵ, tức kỵ binh nặng, hay gọi là Trọng, có khả năng ăn ngang ăn dọc cực kỳ hổ báo. Cái lợi của quân Trọng là nếu đã ăn một quân, không phải các loại Kỵ, thí có thể tiếp tục đi sâu thêm tối đa là hai ô theo đường đã tiến nãy giờ, không được rẽ. Trong giai đoạn ấy, nó có thể bị chặn nếu gặp bất kỳ quân Kỵ hay Vệ nào của địch, và phải dừng trước quân đó. Dĩ nhiên bên kia sẽ được tấn công như thường, nhưng nếu là Trọng, sẽ phải dừng tại ô ấy và không tiến tiếp.
Đối với đôi Vệ và quân Soái, chúng có cách di chuyển hoàn toàn không giống ai. Trong khi các quân khác có thể đi khá xa nhưng hướng bị giới hạn, ba quân này lại có thể lê mông tới bất cứ đâu trên bàn cờ, bởi chúng đi ngang, dọc hay chéo đều được. Tuy nhiên, vì là Soái và Vệ nên mỗi lần các quân này chỉ có thể di chuyển đúng một ô, không cần biết là theo hướng nào, sang tám ô gần kề nó nhất nếu còn trống. Về lý thuyết, Soái với Vệ nếu ở khu vực trống của bàn sẽ có tới tám lựa chọn cho nước đi tiếp theo, nhưng thường không ai để trống Soái thế cả, vì dễ chết lắm.
Hiểu biết sơ sơ của Liên về trò này là thế. Nói ngắn gọn, nó mô phỏng gần như chính xác một trận bộ chiến điển hình, với tướng chỉ huy có hai đội vệ binh canh gác, pháo binh bắn yểm trợ cùng lính cưỡi ngựa sẵn sàng xông pha. Lính bộ là lực lượng đông và nguy hiểm, di chuyển chậm nhưng nếu xuống tới dưới thì thực sự là một vấn đề lớn.
Ngồi thẳng lưng lên, Liên sẵn sàng đánh với Hương Hương rồi. Vì biết cô Thượng tá đánh không giỏi, nên Oa Lân đã ngồi chỉ nước cho. Masami tiếp tục làm trọng tài, cô phải đảm bảo không có trò ngu ngốc gì xảy ra. Hai đánh một thì cũng coi như cờ tướng chấp quân đi, vì dù gì học trò của Hồng Ma vẫn đủ bá để đánh ngang hàng với Giao Log mà.
Ván cờ bắt đầu. Cùng lúc đó, đám Viêm đi ngang. Tiếng quân cờ đập cách cách lập tức thu hút sự chú ý của nhỏ.
– Ai đánh cờ hả? – Viêm chợt hỏi vẩn vơ. – Nhìn thì có vẻ là bộ ba buồng lái… và chị Liên?
Nhìn sang hướng kia, Mộc Ma bất ngờ nhận ra cô Thượng tá đang mặc đồ thường. Ẵm Thiên trên tay, lúc này bé nó tỉnh như sáo, nhỏ chột huých nhẹ Viêm, hỏi:
– Qua coi không? Kèo này coi bộ vui đó! – Ngay và luôn!
Nói thế, ba đứa nhỏ liền mò qua. Dưới tán bàng, trận tỉ thí đã bắt đầu phân định cục diện.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]