Mùa thu, một mùa mà ngay bụi bặm cũng thành ra cô tịch, luôn đem lại biết bao nỗi buồn vô cớ. Bước trên con đường nhỏ lát đá xanh trong vườn cảnh Giang Nam, bắt gặp nhiều nhất, hẳn là lá rụng. Đôi ba chiếc lá đỏ rụng trên thảm rêu tích tụ nhiều năm, trông rất nổi bật. Thời gian bình lặng giở đọc bao ký ức không lời xa xưa khiến chúng ta rung động trước những vụn vặt nhỏ nhoi ấy. Bên hành lang dài quanh co, sen tàn khô héo rụng xuống hồ, tỏa ra thiền ý không thể diễn tả bằng lời. Trên phiến lá sen là những vết thương bị năm tháng xói mòn, ngay cả những hạt sương đọng đầy trong lòng lá cũng vỡ nát. Sự tàn khuyết ấy đượm một vẻ đẹp u sầu, sớm xuân chiều thu, chúng sớm đã học được cách liếm vết thương mà chữa trị.
Trông thấy hoa sen lại nhớ đến bài tản văn "Trăng sáng hồ sen" của Chu Tự Thanh, dưới ánh trăng tĩnh lặng, bao nhiêu đóa sen xôn xao cười nói trong hồ. Một lá thuyền con mắc cạn sâu giữa đám hoa, đương lúc tịch mịch, rất hợp thu lưu mộng đẹp. Có người nảy ý thơ đem bút mực nhúng vào hương ngát vần thanh, viết nên mấy bài huyền sắc tiểu lệnh. Cảnh tượng từng bình đạm đơn sơ, nay đã thành hình ảnh bao người phải dốc trăm phương ngàn kế dựng nên. Tựa như chỉ cần đào một cái ao là thành hồ nước, trồng mấy đóa sen thì trong lòng đã sinh Phật tính. Pha một bình trà, cầm một cuốn sách, bên hồ soi bóng, cũng coi là phong nhã vô biên. Cứ ngỡ thời gian sẽ âm thầm dừng lại trong một khoảnh khắc vô tình nào đó, lại chẳng biết rằng đêm ngày luân chuyển trước sau như một.
Rất nhiều người muốn mở ra một con đường mới giữa bể đời cuồn cuộn, nói đủ chuyện phóng túng đến điều, song lần nào như lần nấy đều mưa đổ quay thuyền. Non nước vui vầy, khói mây tan hết, vết mực lịch sử đã phai nhạt, chúng ta cũng dửng dưng mà quên nhau, quên cả những hẹn biển thề non quá khứ đi. Giữa dòng thời gian không ngừng nghỉ, chúng ta chẳng thể trách móc những lỡ lầm vốn quá nhiều trong đời, có lẽ sẽ phụ cả thanh xuân, song chung quy cũng không thể phụ định mệnh. Thường nói đời người như quán trọ, dẫu một ngày trăng che mờ bến, vẫn sẽ có một nhành lá đỏ đợi ta tại giao lộ mùa. Quỳ trước Phật đài, bẻ một cành sen, ấy là toàn bộ hành trang trong đời, cứ vậy mà đi dọc con đường núi mùa thu, không quay đầu lại, mãi tới khi nghe thấy tiếng chuông đầu tiên của kiếp sau.
Non nước vẫn linh tú, có điều hoàng hôn đã nhạt nắng, vườn cảnh gấm vóc lúc này đây giống như một bức ảnh đen trắng ố vàng. Mà chúng ta chính là người bước vào trong ảnh, hình ảnh trẻ trung đã bị khóa trong giấc mộng xưa lai vãng. Quán trà nhỏ nghỉ bán, cửa quán đóng chặt, chỉ có chiếc khóa đồng hoen gỉ nhắc nhở ta rằng, nó thực sự đã có tuổi. Chúng ta thường rung động trước vẻ thanh tân, song ngẫu nhiên cũng bị một thứ cũ xưa làm ướt nhòe hai mắt. Giang hồ gió mây vần vũ, tích tụ quá nhiều ân oán tình thù, đến đây rồi, cái mà bạn thiếu, chẳng qua chỉ là một chén trà thôi. Một chén trà khi chạng vạng, đượm hơi lành lạnh của mùa thu, dành cho khách hồng trần là bạn, dành cho khách hồng trần là tôi, uống vào có thể trông thấy sen nở bờ bên kia.
Hồ thu có mây trôi in bóng, có trăng sáng soi gương, có thuyền gỗ tựa mạn, có chim mỏi dừng chân. Lại nhớ tới một vị cao tăng thời Minh là Vĩnh Giác Nguyên Hiền từng viết một bài thơ thiền lấy tên "Hồ nhỏ", dùng ngôn từ bình đạm, miêu tả niềm hứng khởi thuận theo tự nhiên. Xưa nay tôi vẫn cho rằng, những tăng nhân gửi thân cửa Phật là vì đã nhìn chán hoa lệ thế tục, không muốn làm một con ve sầu trên mảnh gấm. Để tránh khói lửa, bọn họ lánh vào trong cánh cửa gỗ phủ đầy rêu, giữa khung cảnh khoáng đạt vượt ra ngoài thế tục, đã không chút hối hận vứt bỏ vinh hoa, giữ lấy thanh bần. Sống cuộc đời bình lặng, đã chẳng cần lần lại chuyện xưa, một khi giác ngộ thì vạn cảnh là không. Khi bọn họ đến, đã xóa hết những dấu chân mình giẫm, chỉ để không còn đường quay đầu. Lúc thanh nhàn, bèn đào hồ trên khoảnh đất nửa mẫu trước song, điểm thêm chút ý thơ linh thủy cho tháng năm thanh tịnh. Một chiếc hồ nhỏ, ban ngày có mây trôi đến thăm, để lại bóng hình nhìn quanh ngó quất trong làn nước trong veo. Đến đêm lại mời trăng sáng cùng nâng chén trên mặt hồ, mỹ tửu tháng năm, trôi vào thẳm sâu ký ức, trở về thời đại của "kinh Thi". Những sơ khởi tình thiền ấy đã chảy xuôi suốt ba ngàn năm dưới ngọn gió đổi chiều của tháng năm, xuyên qua đình cũ đường xưa, ngõ sâu bịn rịn. Đã bao vương triều sa sút, bao mây tụ mây tan, vẫn còn một người khăng khăng không thất hẹn, đứng đợi bên bờ hồ bỏ hoang. Dẫu có cô đơn, song mỗi khi trải qua một lần luân hồi, đều như vừa tỉnh mộng, mãi tới khi vứt bỏ tất cả tình tiết, xóa sạch mọi sắc màu sự sống.
Hồ vốn vô tư, tình cảm của nó tựa như con suối chảy dài không dứt, mà dòng nước đầy linh tính đó có thể tưới tắm hoa cỏ, nhuốm thêm sắc xuân vô tận cho khu vườn nhỏ. Cũng có thể rửa sạch bút nghiên, để hương mực thơm nồng từ vần Tống điệu Đường chan chứa giữa nhân gian. Chính mảnh hồ nhỏ đa tình như thế, bằng sinh mệnh nhỏ nhoi của mình, đã thành tựu vẻ hoàn mỹ cho thế gian. Song khi thành công nó cũng chẳng ở lại, không hề động lòng trước phù hoa, chỉ dửng dưng tự mình quên lãng, phóng khoáng tiêu sái trong một khu vườn hoang vắng, ở một góc của tháng năm. Có lẽ chỉ đọc thơ thiền của vị cao tăng ấy, mới khỏi khuấy động sự yên tĩnh của nó; có lẽ chỉ gốc sen từ thời Minh kia mới có thể trông thấy lòng thiền của nó. Dưới ngòi bút của Vĩnh Giác Nguyên Hiền thiền sư, hồ giống như một ẩn sĩ viễn du ngoài cõi thế, chúng ta cứ ngã vào hồi ức giữa làn nước trong xanh ấy, còn nó vẫn an nhiên tự tại. Giống như đóa sen sinh trưởng trong hồ, hứng gió uống sương, không hưởng khói lửa nhân gian, tiếng ve đầu cành, ngọn cỏ trên mái, đều chẳng liên quan tới chúng.
Vướng mắc trên đời, trong lòng người phàm chính là ngàn vạn sợi tơ vướng víu, song trong mắt thiền sư, lại chẳng hề dây dưa. Một khoảnh hồ xanh, quan sát hết bao khách vãng lai, mỗi lần gặp gỡ đều là kết duyên, mỗi độ chia lìa đều là độ hóa. Có người ở bên hồ ngâm khúc bi ai, hồi tưởng tuổi hoa đã trôi qua, là bởi cái thuần túy của nước, sự tĩnh tại của hồ. Đây chính là Phật tính, Phật tính của hồ nước, Phật tính của cao tăng. Dù hồ nước êm ả đã thề, nơi đây sẽ mãi dành ra một chiếc sập cho linh hồn của chúng ta nghỉ lại một buổi, song rốt cuộc chúng ta vẫn là kẻ giục ngựa bôn ba giang hồ, vạn dặm trời mây, ngàn năm bể biếc. Có một ngày, lạc đường giữa miếu cổ núi sâu, phía trong bức tường, hẳn sẽ có một cành hàn mai chỉ điểm giang sơn cho chúng ta.
Thiền sư tham ngộ là bởi lòng ngài chẳng hề lưu luyến vinh hoa trần thế. Xa rời hồng trần huyên náo, mới có thể cùng Phật Tổ chuyện trò thâm ảo. Thực ra, tất cả hững hờ đều khởi nguồn từ ham muốn, giống như hết thảy gặp gỡ đều kết thúc trong ly biệt. Còn chúng ta luôn trốn trong lớp vỏ hoa lệ tự tạo, vờ như vô cùng hạnh phúc, lâu dần cũng quên hết mọi bất hạnh. Như lời nói dối vậy, nói quá nhiều lần, cũng thành thật. Song dù mưa bụi đẹp đến đâu, chúng ta cũng chẳng xa nổi ánh dương, giác ngộ không phải là trốn tránh, đặt xuống không phải là rút đi. Ai ai cũng biết, duyên xưa chuyện cũ là nguyên quán mà chúng ta không thể quay về, nếu không học được cách lãng quên, thì sẽ cả đời trôi dạt.
Thời gian trôi qua, lưu lại dăm hình ảnh vỡ vụn, mặc cho chúng ta tìm kiếm, rà soát từng ly từng tý, cũng chẳng thể ghép lại được như thuở ban đầu. Trên bến đò cuối thu, chẳng cần khăng khăng chờ gặp lại, mỗi người cứ tự chọn lấy trong lòng mình một góc nhỏ, đào một chiếc hồ, trồng lấy mấy đóa sen. Rồi từ từ mà bình thản lãng quên nhau dưới quang âm thiền tịch. Xin hãy tin rằng, ở nơi sâu nhất của hồng trần, hết thảy liên kết giữa các linh hồn, đều nằm ngoài dự liệu.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]