“Bản lĩnh, can đảm mà thiếu trí tuệ thì khó thành công;
Nhiều tiền, lắm của mà kém phần phước thì khó bền lâu.”
(Cách ngôn Sakya)
19.1
Bàn tay run rẩy, gương mặt đỏ gay, hơi thở gấp gáp, Kháp Na vẫn nhắm chặt mắt, vẻ mặt ngượng ngùng, ngón tay nhẹ nhàng lần tìm, cài nốt chiếc khuy áo cuối cùng cho tôi. Rồi cậu ấy thở phào một cái, mở mắt ra, gật đầu bảo tôi:
- Xong rồi.
Sau khi ra khỏi phủ Phò mã, tôi đã làm phép che mắt đám gia nhân được sai phái theo dõi phía sau, dụ bọn họ đuổi theo một bóng người không có thật. Một khi ảo ảnh tan biến, đám người đó chắc chắn sẽ cuống cuồng tìm kiếm trên phố và lúc trở về, e sẽ phải chịu những trận đòn roi của Mukaton.
Thoát khỏi đám tai mắt của Mukaton, Kháp Na bỏ ra một khoản tiền lớn mua y phục và trang sức rồi ôm tôi (khi ấy vẫn trong hình hài một tiểu hồ ly) lên ngựa, phi đến núi Bậc Thang ở ngoại thành Lương Châu. Nơi đây có ngôi chùa hang đá nức tiếng gần xa, được vị vua nhà Bắc Lương, tên gọi Thư Cừ Mông Tốn xây dựng vào thời Thập lục quốc [1]. Trải qua gần chín trăm năm lịch sử, thạch động huy hoàng năm xưa nay chỉ còn là phế tích, những thanh xà ngang bằng đá trên đỉnh thạch động phủ đầy cát bụi và mạng nhện, bầy chim yến tước bay lượn làm tổ. Kháp Na tìm đến đây vì nơi này thâm u, vắng vẻ, hầu như không có dấu chân người. Trong hang động thờ Phật Lô Xá Na[2], tôi đã thử hóa phép thành người, sau vài lần hóa phép không thành công, tôi đã nghiệm ra điều này: chỉ cần tập trung suy tưởng, trong đầu xuất hiện nụ cười ấm áp của Bát Tư Ba là thân thể lập tức biến đổi dần dần, sau cùng sẽ hóa thành hình dáng con người.
Kháp Na nhắm mắt lại giúp tôi mặc quần áo, vì là lần đầu nên tôi cảm thấy rất gượng gạo. Đứng giữa thạch động rộng lớn, tôi ngậm sợi dây buộc tóc rất dài, đung đưa trước ngực mình, lắc qua lắc lại, cúi đầu quan sát. Kháp Na chọn cho tôi chiếc váy màu xanh nước biển, viền thêu những bông hoa mai trắng, phần eo gắn một sợi dây đai bằng lụa trắng thêu kim tuyến lấp lánh, ngay cả chiếc hài tôi đi dưới chân cũng được thêu những bông hoa nhỏ màu trắng trên nền xanh thẫm. Sự kết hợp hài hòa giữa hai sắc xanh lam và trắng khiến trang phục của tôi càng thêm nổi bật, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy hạnh phúc khi được mặc quần áo.
Bộ trang phục đó tôi đã cất giữ suốt mấy trăm năm, cho đến khi nó trở nên cũ kỹ và tan vào tháng năm dằng dặc. Kể từ đó về sau, tất cả quần áo tôi mặc đều có màu lam.
Một bàn tay nhè nhẹ vén mái tóc tôi, Kháp Na cài lên tóc tôi một chiếc trâm bạc khảm hình hoa cúc xanh. Gương mặt cậu ấy đỏ như gấc chín, nụ cười bẽn lẽn, lúm đồng tiền đáng yêu:
- Tiểu Lam à, em phải học cách mặc quần áo mới được, ta không thể giúp em mãi.
Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Con người thật phiền phức, chẳng như loài hồ ly, chỉ cần bộ lông che phủ thân mình là được, đằng này họ mất khá nhiều thời gian để mặc và cởi y phục, bởi vì con người quan niệm rằng để thân thể lõa lồ rất đáng xấu hổ. Nhưng bù lại, người ta có thể thay đổi đủ loại màu sắc và kiểu dáng để mình xinh đẹp hơn, đó cũng là niềm yêu thích không bao giờ cạn của phụ nữ. Tuy mới chỉ làm người có một ngày nhưng tôi cũng giống như các cô gái khác, rất chú trọng đến vẻ ngoài của mình. Tôi nói với Kháp Na:
- Tôi muốn ngắm xem dung nhan của mình ra sao.
Nãy giờ cậu ấy nhìn tôi không chớp mắt, đôi đồng tử màu đen long lanh, thăm thẳm:
- Bên ngoài có một dòng suối, chúng ta đến đó nhé!
Đứng bằng hai chân hồi lâu khiến tôi cảm thấy rất mỏi, tôi cúi thấp, thả hai tay cuống, vừa chạm phải những viên đá dăm dưới đất, tôi lập tức nhăn mặt vì đau, tay vụng loạn xạ. Không còn bàn chân dày dặn, lòng bàn tay găm phải đá dăm đau quá! Kháp Na vội đỡ tôi lên, ân cần xem xét bàn tay của tôi, rút khăn tay lau hết những vụn đá nhỏ, giọng vừa thương vừa trách móc:
- Tiểu Lam, không được bò bằng tứ chi như thế, em phải học cách đi bằng hai chân như con người.
Tôi nhìn lại đôi chân thon dài của mình, dẩu môi oán thán:
- Đi bằng hai chân rất mệt mà chạy cũng không được nhanh.
- Bây giờ em đã mang hình hài con người, phải học cách sống của con người chứ!
Kháp Na đỡ lấy cánh tay tôi, nụ cười rạng rỡ với lúm đồng tiền duyên dáng, niềm hạnh phúc chất ngất, giọng nói dịu ngọt:
- Ta sẽ hướng dẫn em. Khi nào quen, em sẽ thấy làm người thích hơn làm hồ ly cho xem.
Tôi không bao giờ quên buổi chiều đầu hạ rực rỡ, trong một hang đá đổ nát, tiêu điều, không dấu chân người ấy, Kháp Na đã tận tâm dạy tôi bước đi ra sao. Tôi như đứa trẻ còn hơi sữa đang gắng học cách mặc quần áo, học cách ăn bằng tay. Thời gian đầu tập làm người, Kháp Na đã giúp tôi làm quen dần với những điều lạ lẫm. Sự dịu dàng của cậu ấy, nụ cười tươi tắn, nhẹ nhõm của cậu ấy, hơn bảy trăm năm sau vẫn vẹn nguyên, sống động trong tâm trí tôi.
Bầu trời cao trong xanh, mây trắng bồng bềnh trôi, những cụm rừng bát ngát vây bọc lấy những ngọn núi hùng vĩ. Khắp mặt đất, những bông hoa cánh bướm [3] đủ mọi màu sắc sặc sỡ, rung rinh khoe mình trong gió, phả vào không gian mùi hương dìu dịu, thanh thanh. Thảng hoặc những chú chim rừng lại cất lên tiếng hót líu lo trong veo, nước suối chảy róc rách, đôi bóng in trên mặt nước.
Một người là thiếu nữ chừng mười sáu, mười bảy tuổi, gương mặt nhỏ nhắn, xinh tươi, các nét trên gương mặt cân đối và hoàn hảo như được bàn tay diệu kỳ của tạo hóa tạo tác nên, vóc dáng yêu kiều, thon gọn, làn da trắng ngần như bạch ngọc. Tôi mỉm cười, thiếu nữ trên mặt nước cũng mỉm cười theo. Lúm đồng tiền đáng yêu lấp ló ẩn hiện, khóe môi khẽ uốn lên, tạo một độ cong tuyệt mỹ.
Hình ảnh tươi tắn trên gương mặt đó nên hình dung thế nào nhỉ?
Thuần khiết! Đúng rồi, thuần khiết như nền trời xanh thẳm, như mây trắng bồng bềnh, như nước suối, như trăng non, như minh châu ngọc bích, như bất cứ sự vật gì là tự nhiên nhất, đẹp đẽ nhất trên thế gian này, từ sự vật đó phát ra thứ ánh sáng tinh diệu, cuốn hút. Đôi mắt như làn thu thủy, trong ngần không gợn đục. Đồng tử lấp lánh ánh sáng màu lam diệu ảo, dưới nền trời thăm thẳm, ánh sáng tỏa ra từ đôi mắt ấy càng trở nên ngọt ngào, êm dịu vô chừng.
=== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[1] Thời Thập lục quốc: chỉ giai đoạn lịch sử diễn ra từ năm 304 đến năm 439 ở Trung Quốc. (DG)
[2] Theo Phật giáo Đại Thừa thì Phật có ba hiện thân, trong đó: Pháp thân Phật là vị Phật Tỳ Lô Giá Na, Báo thân Phật là vị Phật Lô Xá Na và Ứng thân Phật là Phật Thích Ca Mâu Ni. (DG)
[3] Nguyên tác là hoa Gesang (Kelsang),loài hoa này mọc trên núi cao năm nghìn mét so với mực nước biển, chủ yếu phân bố trên các thảo nguyên ở Tây Tạng, Thanh Hải, Tứ Xuyên của Trung Quốc. Gesang trong tiếng Tạng có nghĩa là hạnh phúc, người Tạng xem loài hoa này là tượng trưng của sự thanh khiết, hạnh phúc và tình yêu. Tên Việt Nam của loài hoa này là hoa cánh bướm, cúc sao nháy hay hoa chuồn chuồn. (DG)
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]