- Đúng vậy. – Bát Tư Ba nắm chặt tay lại, khóe môi mím lại vẻ quyết đoán. – Mâu thuẫn giữa chúng ta và họ đã đến mức không thể dàn hòa nên ta không muốn dễ dãi với bọn họ thêm nữa. Bức thư này được viết dưới danh nghĩa là pháp chỉ của quốc sư nhà Nguyên, không phải dưới danh nghĩa giáo phái Sakya, thế nên dù muốn hay không, bọn họ cũng phải tuân theo. Bằng không, sẽ là kháng chỉ!
Bản pháp chỉ này đã được gửi đến phái Drikung và phái Phaktru vào tháng cuối cùng của năm 1266. Nghe nói, hai giáo phái này chửi rủa, nhục mạ Bát Tư Ba với những lời lẽ độc địa nhất trong một thời gian dài, nhưng sau cùng vẫn phải trả lời như rằng, qua Tết sẽ đưa người tới. Động thái này của Bát Tư Ba đã giúp hạn chế rất nhiều âm mưu chống đối, phản kháng của hai phái Drikung và Phaktru. Trước thềm năm mới theo lịch Tạng, Sakya được sống trong bầu không khí thanh bình hiếm hoi, nhà nhà người người hân hoan đón Tết.
Ngày Ba mươi Tết, Kháp Na đã đến chỗ Bát Tư Ba, giúp chàng chuẩn bị việc tế lễ mừng năm mới từ sáng sớm. Tôi ngồi một mình trong phòng, cải trang thành Kangtsoban, vừa định bước ra ngoài thì chợt nghe có tiếng ‘cạch” ngoài cửa sổ phòng ngủ. Tôi lập tức nhận ra đó là tiếng một viên đá nhỏ chạm vào cánh cửa. Mở cửa sổ, tôi thấy một con quay – thứ đồ chơi con trẻ được làm rất tinh xảo, màu sắc bắt mắt nằm trên bậu cửa. Tôi tò mò cầm lên rồi ngó nghiêng xung quanh, không thấy ai cả. Không lẽ đứa bé nào mải chơi để quên ở đây?
Đang định đóng cửa lại thì tôi chợt trông thấy trên bậc đá của con đường dẫn lên ngọn núi phía trước có một con quay to hơn được cắm trong tuyết. Màu sắc sặc sỡ của con quay ấy nổi bật trên nền tuyết trắng xóa. Vài dấu chân còn lưu lại trên tuyết, dấu chân làm thành một vệt dài, dẫn đến lưng chừng núi.
Tôi cầm lấy con quay, trèo qua cửa sổ, men theo con đường núi. Khi đã nhặt được con quay cắm trong tuyết kia, tôi lại nhìn thấy phía trước có con quay khác. Tôi hiểu rồi, những con quay được dùng để dẫn đường. Tôi chầm chậm men theo dấu chân hướng lên núi, đi qua một triền núi khuất nắng, ngoảnh lại thì không còn thấy công trình kiến trúc nguy nga, rực rỡ với ba màu đỏ, xanh, trắng đâu cả. Các con quay kết thúc nhiệm vụ đưa đường trên một ngọn đồi bằng phẳng. Nơi đây có lẽ điểm hẹn của "người bí mật".
Có tiếng bước chân lạo xạo trên tuyết ngay sau lưng tôi, tôi lắng tai nghe, cảm thấy rất quen. Tôi kiềm chế bản thân để không quay đầu lại vì tò mò. Tôi đang đóng vai Kangtsoban, mà cô ngốc thì không thể quá nhạy bén trong hành động được. Tiếng cười khe khẽ vang lên:
- Kangtsoban ơi, em thông minh lắm, ta mới hướng dẫn có vài lần mà em đã thông thạo rồi.
Tôi run bắn, phải hít thở sâu mới bình tĩnh lại được. Tôi cố gắng diễn vẻ ngờ nghệch, quay đầu lại, hớn hở:
- Chàng đấy à?
Người đàn ông cao to, mặc áo khoác lông cừu rất bình thường, làn da đen đúa, thô ráp, hai vệt sạm nắng nổi bật trên đôi lưỡng quyền cao dị thường, lông mày rậm, khi cười, nếp nhăn vằn vện ở đuôi mắt. Làm sao tôi có thể quên được bộ dạng thâm trầm, nham hiểm đó kia chứ! Hắn ta chính là một trong bốn anh em trai của Kháp Na – Yeshe Bernas!
- Lần trước em bị trượt chân rơi xuống chân núi, ta vô cùng lo lắng. Ta sợ Kangtsoban đáng yêu của ta gặp nguy hiểm.
Hắn bước đến, ôm lấy hai vai tôi, nhìn tôi âu yếm:
- Tạ ơn trời Phật, em không những không hề hấn gì mà còn xinh đẹp hơn trước, đáng yêu hơn trước rất nhiều.
Cơn buồn nôn ập đến, tôi ra sức kiềm chế để không đẩy hắn ra xa. Hắn và Kangtsoban đã thân mật đến mức có thể ôm ấp nhau thế này ư? Tôi vờ nũng nịu:
- Chàng ơi, lần này chàng mang cho em đồ chơi gì vậy?
Hắn bật cười ha hả, càng thân mật hơn:
- Ta yêu Kangtsoban nhất trên đời, làm gì có chuyện không mang đồ chơi và đồ ăn cho em.
Hắn lấy ra từ trong chiếc túi mỏng khoác sau lưng một con búp bê bằng vải rất xinh đẹp, đưa cho tôi. Tôi giả bộ vô cùng vui sướng và thích thú, ôm chặt con búp bê vào lòng, đùa nghịch.
Hắn nhìn tôi chơi đùa với búp bê, gương mặt lộ vẻ nham hiểm. Hắn sáp lại gần tôi, thì thào:
- Con búp bê này xinh không?
Tôi gắng gượng không nghiêng đầu sang bên né tránh, cười ngây ngô:
- Đẹp lắm, đẹp hơn con búp bê lúc trước của em.
Hắn cười khe khẽ, ánh mắt lộ vẻ dâm đãng:
- Thế em có muốn sinh ra một con búp bê xinh xắn như vậy không?
Tôi sững sờ, bàn tay khẽ run lên, vội giả bộ vuốt ve con búp bê bằng vải. Tôi lờ mờ đoán ra ý đồ của hắn nhưng vẫn cất giọng tỉnh bơ:
- Muốn chứ!
Hắn tiến lại gần hơn, tôi cảm thấy lợm giọng, buồn nôn.
- Lần trước ta đã dạy em, rằng ta sẽ đặt em bé vào bụng em, sau đó em sẽ tự mình sinh ra em bé đáng yêu đó.
Tim đập thình thịch nhưng tôi vẫn vờ như không hiểu.
- Chàng... Em... em quên mất rồi. Lần trước chàng đã dạy em những gì? Chàng dạy lại một lần nữa được không?
Hắn vuốt ve tóc tôi, tiếp tục dỗ dành:
- Ta đã nói với em rằng, phụ nữ sẽ bị đau khi sinh em bé nhưng chỉ đau một lần thôi. Chỉ cần em ngoan ngoãn nghe lời ta, chịu đau một chút, không được ngọ nguậy thì sẽ sinh ra được em bé.
Tôi thừa dịp, gạn hỏi:
- Có phải lần trước em đã ngọ nguậy không?
Hắn nhếch mép cười:
- Đúng vậy, lần trước em không ngoan.
Tôi lấn lướt:
- Nếu lần này em ngoan hơn, chàng sẽ không đẩy em xuống chân núi, phải không?
Hắn thoáng ngỡ ngàng, nhưng nhìn điệu bộ ngây dại, chẳng có chút đề phòng nào của tôi thì bật cười, thừa nhận:
- Nếu em ngoan ngoãn, ta sẽ không đẩy em xuống chân núi nữa.
Tim tôi đập thình thịch. Rốt cuộc tôi đã biết nguyên nhân cái chết của Kangtsoban!
~.~.~.~.~.~
Chàng trai trẻ đặt câu hỏi:
- Sau đó, phái Drikung và Phaktru có đưa pháp vương tương lai của họ đến Sakya không?
- Có chứ. Ở đất Tạng, pháp chỉ của quốc sư chẳng khác nào thánh chỉ, kẻ nào dám chống lại kia chứ?
Tôi thở dài, giải thích nguyên do:
- Bát Tư Ba xưa nay vốn khiêm nhường, điềm đạm, sau khi trở về đất Tạng, chàng chỉ xưng mình là Bát Tư Ba của phái Sakya và rất hiếm khi ban bố pháp chỉ với danh nghĩa quốc sư. Nhưng vì thế lực của Drikung và Phaktru quá lớn mạnh, bọn họ không coi Bát Tư Ba ra gì, đã có nhiều hành vi chống đối, ngăn trở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch thiết lập hệ thống quản lý hành chính của Bát Tư Ba ở đất Tạng. Mệnh lệnh này của Bát Tư Ba được thực thi cho đến tận cuối triều Nguyên.
Tôi tiếp than vào lò, vừa cời than hồng vừa nói:
- Phái Phaktru và Drikung buộc phải đưa người thừa kế tương lai đến Sakya làm “Chungker”, có nghĩa là người hầu của trụ trì đền Sakya. Những người này, sau khi trở về để kế ngôi pháp vương, sẽ phải đích thân đến Sakya, dâng lên các tăng nhân Sakya lễ vật, gọi là lễ vật tạ ơn. Người sau này gây dựng nên chính quyền của phái Phaktru, thay thế phái Sakya đã suy yếu vào thời nhà Minh – đại sư Changchub Gyaltsen – hồi nhỏ đã từng là một “Chungker” lớn lên ở Sakya.
- Chỉ e phái Drikung và Phaktru sẽ coi việc này là một sự sỉ nhục.
Tôi bần thần, cười chua chát:
- Bởi vậy sau này phái Sakya và bọn họ đã xảy ra xung đột vũ trang.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]