🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Mười lăm tháng Hai là ngày vô cùng đặc biệt đối với tôi. Ngày tôi sanh em bé đầu lòng. Cũng là ngày anh xã bỏ tôi đi. Mà vì anh có mặt chứng kiến cuộc vượt cạn, tôi đành tin là hai sự kiện này không phải không liên quan gì đến nhau.
Lẽ ra tôi đã phải nghe theo những linh tính của mình. Tôi ủng hộ cách cổ điển, chắc bạn gọi là truyền thống, mà các ông bố vẫn làm khi em bé ra đời. Tức là như thế này.
Nhốt các ông ấy ngoài hành lang phòng sanh, chớ cho phép vào. Nhét túi cho hai bao thuốc với một cái hộp quẹt. Hướng dẫn các ông bước đều bước về cuối hành lang và khi đã đến được cái nơi sung sướng ấy, chỉ cho các ông ấy bước quay trở lại vị trí ban đầu.
Lặp lại nếu cần.
Nói chuyện phải ngắn gọn thôi. Các ông được phép trao đổi vài lời với bất cứ ông bố tương lai nào đang đi đi lại lại ngay kể bên.
- Con đầu lòng, (cười nhăn nhúm)
- Mừng cho anh... tôi đứa thứ ba. (cười thiểu não)
- Cừ quá! (cười gượng gạo - phải chăng tên này ám chỉ hắn sung sức hơn mình?)
Thường đến thời điểm này các ông rất dễ xúc động. Các ông cũng được phép nhào đến, hỏi dồn bất cứ vị bác sĩ nào vừa rũ rượi bước ra khỏi phòng sanh, máu me đầy mình: “Sao rồi bác sĩ???” Bác sĩ có thể trả lời như thế này: “Trời ạ, chưa! Chị nhà mới mở có ba xăng ti thôi.” Và anh nhà bạn sẽ gật gù ra vẻ rất hiểu biết, trong khi chẳng biết gì hơn chuyện còn phải tiếp tục đi đều bước lâu lâu.
Anh nhà cũng được phép nhăn mặt một chút nếu nghe vợ yêu kêu la đau đớn. Cho đến khi mọi việc xong xuôi, mẹ và bé được lau rửa sạch sẽ. Mẹ được thay đồ sạch sẽ, tròn trịa nằm tựa trên mớ gối ren, trông kiệt sức nhưng vô cùng mãn nguyện, còn em bé vuông vắn thì nhay vú mẹ. Khi ấy, chi đến khi ấy bố mới được phép vào.
Vậy mà không, tôi đã chạy theo thiên hạ làm người hiện đại. Phải nói là chuyện này tôi không chắc tí nào. Ý tôi là tôi không đời nào muốn bất cứ đứa bạn thân hay họ hàng quen thuộc nào chứng kiến cảnh tháo gỡ... ờ... cái nhúm thêm vào của tôi. Xấu hổ cực đại! Bạn sẽ thấy mình vô cùng yếu đuối và bất lực. Tất cả bọn họ nhìn chằm chằm vào bạn, vào những chỗ trên cơ thể mà dù có cầm gương bạn cũng chưa từng bao giờ nhìn thấy được. Tôi chưa từng biết cái ruột già của mình trông như thế nào. Cũng chưa từng biết cái cổ tử cung của mình tròn méo ra sao. Và cũng không muốn biết. Vậy mà hết phân nửa nhân viên bệnh viện St. Michael biết.
Tôi cảm thấy vô cùng yếu đuối và bất lực. Tôi đã không phải với chính bản thân mình.
Nói cho dễ hiểu thì lúc đó đâu phải lúc tôi coi được nhất. Như tôi đã nói đấy, đẻ đóm là một chuyện xấu hổ cực đại.
Tôi từng xem thấy trên tivi các anh tài xế xe tải vụng về khoản ăn nói nhưng khí phách đàn ông đầy mình khóc đến nghẹn giọng, cố gắng diễn tả việc chứng kiến cuộc vượt cạn có ý nghĩa sâ... sâ... sâ... sâu xa đến nhường nào với cả cuộc đời họ. Tôi còn nghe kể lại có những anh cầu thủ bóng bầu dục tợp bia như nước mời cả đội về nhà xem đoạn băng ghi hình cả quá trình vợ mình sanh.
Nhưng đấy, bạn sẽ tự hỏi động cơ của các vị ấy là gì.
Mà thôi, James và tôi thấy rất xúc động, và hai đứa quyết định anh sẽ có mặt ở đó.
Vậy đó là câu chuyện anh đã chứng kiến cuộc vượt cạn. Còn tại sao anh bỏ rơi tôi và bỏ như thể nào thì dài dòng hơn một chút.
Tôi xin lỗi. Chắc bạn thấy tôi hơi đường đột. Chúng ta còn chưa kịp biết nhau mà tôi đã lan man câu chuyện kinh khủng này.
Cho phép tôi thật ngắn gọn về bản thân nhé. Những chuyện chi tiết như ngày đầu tiên đi học, rồi những ngày tiếp sau đó như thể nào, tôi sẽ kể thêm nếu có thời gian.
Để xem, tôi nên nói gì nào. À, tôi tên Claire, hai mươi chín tuổi và, như đã nói, tôi mới sanh em bé đầu lòng được hai hôm (một bé gái bé xíu xiu, nặng ba ký rưỡi, xinh đẹp vô vàn) và cách đây hai mươi bốn tiếng đồng hồ anh xã tôi (tôi đã nói tên là James chưa nhỉ?) cho tôi biết anh đã ngoại tình sáu tháng nay, và bạn biết không, không phải với thư ký của anh hay một cô đồng nghiệp quyến rũ nào đó đâu, mà với một cô đã có chồng ở cùng chung cư với chúng tôi, dưới hai tầng. Ý tôi là, sao mà con người ta thiển cận thế! Và anh đâu chỉ đang quan hệ với cô ta. Anh muốn ly dị.
Xin lỗi nếu tôi hơi suồng sã. Tôi rối hết cả lên. Tôi lại sắp khóc bây giờ đây. Vẫn còn bị sốc mà. Tên cô ta là Denise và tôi biết cô ta khá rõ.
Mà rõ ràng là không rõ bằng James rồi.
Điều kinh khủng là tôi luôn luôn thấy cô ta thật dễ mến.
Cô ta ba lăm tuổi (đừng hỏi làm thể nào tôi biết. Tôi tự biết, vậy thôi. Và nếu phải thật chua cay khiến bạn quên cả cảm thông cho tôi thì nói thật, cô ta trông đúng ba lăm tuổi thật),hai con và một anh chồng đẹp trai (tức là khá khác với anh chồng tôi). Không còn nghi ngờ gì nữa, cô ta đã dọn ra khỏi nhà cô ta và chồng tôi cũng đã dọn ra khỏi nhà chồng tôi (nhà của chúng tôi chứ),và cả hai đã dọn vào ở chung trong một căn hộ ở một nơi bí mật nào đó.
Bạn tin được không? Bạn thấy chuyện này bi kịch đến thế nào chưa? Tôi biết chồng cô ta là người Ý, nhưng tôi không nghĩ anh ta sẽ ra tay kết liễu đôi tình nhân. Anh ta làm phục vụ ở nhà hàng chứ không phải là một tay đàn em mafia, nên liệu anh ta sẽ làm gì đây? Tung rắc tiêu đầy mặt chúng đến chết? Tán tụng hai quý khách cho đến khi bất tỉnh?
Hay đẩy xe chuyển món tráng miệng cán chết hai kẻ tình nhân?
Mà nói thể thì tôi lại có vẻ quá suồng sã rồi.
Tôi đâu phải vậy.
Trái tim tôi tan nát.
Sao mà thương quá. Tôi còn chưa biết gọi tên con là gì nữa. James và tôi có nghĩ đến vài cái tên - hay nói đúng ra là tôi đã đưa ra vài cái tên và James đã làm bộ lắng nghe - nhưng chúng tôi vẫn chưa thực sự quyết định. Dường như tôi đã mất cả khả năng tự mình quyết định một việc gì. Khốn khổ, hôn nhân là vậy đó. Độp một cái, độc lập, tự quyết rớt đi đâu mất tăm.
Không phải lúc nào tôi cũng thế. Tôi đã từng rất độc lập, tự quyết. Nhưng có lẽ là lâu, lâu lắm rồi.
Chúng tôi cưới nhau được ba năm sau năm năm yêu thương thắm thiết. Và, trời ơi, nhưng mà tôi yêu anh ấy.
Mặc dù khởi đầu không có gì hứa hẹn lắm nhưng phép màu xảy đến với chúng tôi rất nhanh. Mười lăm phút sau khi gặp nhau lần đầu tiên, chúng tôi đồng lòng là đã phải lòng nhau, và chúng tôi nhất định thế. Hay ít ra là tôi đã nhất định thế.
Suốt một thời gian dài tôi đã từng không dám nghĩ sẽ có ai đó muốn cưới tôi làm vợ.
Ừm, có lẽ tôi phải nói lại cho rõ một chút.
Tôi chưa từng nghĩ sẽ có một người nào đó tử tế muốn cưới tôi làm vợ. Mấy tên dở hơi thì khỏi phải nói, đầy ra đấy rồi. Nhưng một anh chàng tử tế, lớn hơn tôi một chút, có công ăn việc làm đàng hoàng, ngoại hình ưa nhìn, hài hước, tốt bụng thì... Kiểu như người đó sẽ không nhìn tôi như một đứa dở hơi nếu tôi nhắc tới cái bộ phim truyền hình sitcom dài tập The Partridge Family, không hứa sẽ hẹn tôi đi ăn McDonalds ngay sau khi thi hết cấp hai, không xin lỗi đã không tặng quà sinh nhật cho tôi vì bà vợ đã ly thân của hắn đã thâu tóm hết tiền lương để chi trả cho tòa án dân sự, không phải mấy tên làm tôi thấy mình quê và lạc hậu nếu tôi nổi giận khi hắn khai báo đã vui vẻ với bạn gái cũ đêm trước cái đêm vui vẻ với tôi (Trời ạ, đám con gái nữ tu các em sao mà cổ hủ thế),không phải mấy cái tên làm tôi ngượng chín người vì không biết rượu Piat D’Or với Zinfandel (cóc nhớ đúng tên là gì nữa!) khác nhau chỗ nào.
James không xử sự theo bất cứ cái kiểu bạc bẽo nào tôi vừa liệt ra trên đây. Anh tốt đến không thể tin được. Anh thích tôi. Anh thích hầu như tất thảy những gì thuộc về tôi.
Lúc mới gặp nhau, cả hai đứa đều đang sống ở London. Tôi làm phục vụ bàn (chuyện này chút nữa tôi sẽ kể thêm) còn anh là nhân viên kế toán.
Trong ti tỉ các nhà hàng kiểu Tex-Mex trên trái đất này, anh đã đặt chân vào cái nhà hàng của tôi. Tôi không phải bồi bàn chuyên nghiệp, bạn hiểu không? Tôi có bằng Văn chương Anh, nhưng tôi trải qua giai đoạn nổi loạn hơi trễ hơn so với đa số người khác, đâu đó lúc tôi hai ba tuổi. Đó là lúc tôi thấy cũng hay hay nếu từ bỏ công việc đường hoàng của tôi ở Dublin, một công việc lương cũng ổn, có khoản hưu về sau này, mà vù sang cái thành phố London phớt tỉnh Ănglê, sống như những cô cậu sinh viên bất cần kia.
Đây là chuyện lẽ ra tôi đã nên làm hồi còn sinh viên. Nhưng vì quá lu bu kiếm việc làm cho có kinh nghiệm suốt mấy kỳ hè nên chuyện bất cần này đành phải chờ cho đến khi tôi ổn định và sẵn sàng cho nó vậy.
Tôi vẫn hay nói, sẽ có lúc và có chỗ cho những thứ tự phát như thế này.
Tóm lại là cuối cùng tôi cũng kiếm được một chân chạy bàn ở một nhà hàng vô cùng sành điệu ở London. Nhạc mở hết cỡ, màn hình chiếu khắp nơi và không thiếu các khuôn mặt hơi hơi nổi tiếng.
Mà nói thật trong số những khuôn mặt hơi hơi nối tiếng ấy, cái phần trăm lớn hơn lại rơi vào đám nhân viên này chứ không phải các quý vị khách hàng kia - họ là những diễn viên, người mẫu, v.v. và v.v., chưa có “sô”.
Kiếm được một chân trong cái nhà hàng này với tôi quả là nằm mơ cũng không thấy. Mặc dù cũng có thể tôi được nhận vào chẳng qua chỉ để khẳng định hình mẫu Cô Phục Vụ Béo Tốt. Tôi là phục vụ nữ duy nhất thấp dưới hai mét và nặng quá ba mươi lăm ký. Và mặc dù không có hơi hướm gì kiểu người mẫu, tôi cho là mình cũng có một nét riêng nào đó, thôi thì gọi là duyên tự nhiên đi nhé - tóc ngắn màu nâu huyền óng ả, mắt xanh, da thấp thoáng tàn nhang, nụ cười tươi tắn. Kiểu vậy.
Và tôi cực kỳ ngây thơ, trong sáng. Điều này tôi không hề biết cho đến khi cái mặt mộc của tôi được diện kiến những khuôn mặt phấn son dày cộp của các ngôi sao sân khấu, điện ảnh.
Không dưới một lần đang phục vụ (tôi dùng từ “phục vụ” với một ý thoáng nhất có thể bạn nhé) một bàn nào đó (và tôi cũng dùng từ “bàn” với một ý thoáng nhất có thể nhé) thì một trong các cô đồng nghiệp huých cùi chỏ tôi (làm đổ nước xốt thịt nướng còn đang nóng hổi vào háng một ông khách kém may mắn) và thì thầm câu gì đó hình như là: “Phải cái anh chàng cậu đang phục vụ là cái anh gì gì đó của ban nhạc đó đó không?”
Hình như tôi cũng đáp lại thể này: “Anh chàng nào? Cái anh chàng mặc váy da màu đỏ ấy hả?” (Bạn nhớ giùm cho đây đang là những năm tám mươi nhé.)
- Không, cô ấy thì thầm lại. - Cái anh tóc vàng uốn lọn xoăn xoăn, bôi son Chanel ấy. Chẳng phải cái anh chàng ca sĩ ấy là gì?
- Ừm... thế á? - tôi bắt đầu ngọng, thấy mình quê mùa và ngốc nghếch vì không biết cái người này là ai.
Nhưng nói chung tôi rất thích làm ở đây. Mọi thứ làm tôi mê tít, sung sướng đến tận tủy, cái phần tủy của dân trung lưu, nằm bên trong những cái xương vốn thói trưởng giả của mình. Thức dậy lúc một giờ trưa, đi làm lúc sáu giờ tối, xong việc lúc nửa đêm rồi tiếp theo là bí tỉ với đám pha chế rượu và dọn bàn đúng là vừa loạn lạc lại vừa sung sướng.
Trong khi đó ở Ireland, mẹ tôi, tội nghiệp, đang cay đắng sụt sịt nghĩ đến cảnh cô con gái đường hoàng tốt nghiệp đại học phải phục vụ hambơgơ cho các ngôi sao ca nhạc.
Mà tệ hơn, phải phục vụ cả những ngôi sao chưa thành sao nữa.
Làm ở đây được khoảng sáu tháng thì tôi gặp James. Hôm đó là tối thứ Sáu, lúc các NVVP quen kéo đến nhà hàng của chúng tôi. NVVP viết tắt cho nhân viên văn phòng, dĩ nhiên rồi.
Cứ đến năm giờ chiều thứ Sáu, y như những huyệt mộ mở cửa thả người chết ra, các văn phòng công ty ở trung tâm London giải phóng đám nhân viên sau một tuần ròng làm việc. Thế là nườm nượp, nườm nượp các anh chị nhân viên công sở mặt mũi xám ngoét mọc đầy mụn, ăn mặc tuềnh toàng ào đến các nhà hàng, quán bar của chúng tôi, háo hức hăm hở mong gặp được sao và được say bét nhè, mà thích khoản nào hơn thì cũng còn tùy từng người.
Đã thành lệ, lũ con gái phục vụ bọn tôi sẽ đứng rải ra, cười khinh khỉnh với các quý khách kém ăn diện, lắc đầu tỏ vẻ thương hại bộ đồ hay kiểu tóc, v.v. và v.v, của các quý khách tội nghiệp. Rồi chúng tôi sẽ phớt lờ họ trong khoảng mười lăm phút tính từ lúc họ bước chân vào nhà hàng, lao xao láo nháo chạy vụt qua bàn họ, bông tai, vòng xuyến kêu lanh canh, rõ ràng là bọn tôi đang mải việc gì đó quan trọng hơn là bận tâm đến cái nhu cầu khốn khổ của bọn họ nhiều. Và cho đến lúc họ gần tóe nước mắt ra vì tức và đói, bọn tôi mới ngúng nguẩy chạy đến bàn, bút viết sẵn sàng và một nụ cười tươi rói trên môi: “Chào anh, anh uống gì ạ?”
Thế bọn họ mới cảm kích, bạn hiểu không? Và sau đó thì dù đồ uống đưa ra nhầm hay đồ ăn kêu rồi chờ hoài không thấy, họ vẫn cứ sẽ bo hậu hĩnh. Quá may mắn vì được bọn này để mắt tới!
Câu cửa miệng của chúng tôi là: “Khách hàng không chỉ luôn luôn sai, anh ta còn rất dễ bị hớ nữa”.
Tối đó, James cùng với ba đồng nghiệp ngồi ở khu tôi đảm trách. Tôi tiếp đón họ theo đúng cái kiểu phớt lơ phớt lả thông thường. Tôi hầu như chẳng buồn để ý, gần như chẳng thèm nghe lúc phải ghi lại đồ ăn thức uống họ kêu, và dĩ nhiên thậm chí cũng chẳng thèm ngó ai. Nếu có, chắc tôi đã để ý thấy một trong bọn họ (vâng, dĩ nhiên rồi, là James) rất đẹp trai, tóc đen, mắt xanh, cao tầm cũng được mét sáu. Lẽ ra tôi đã phải nhìn thấu cái bộ quần áo kia, để thấy được cái tâm hồn bên trong của người ta.
Nông cạn! Đích thị là Claire!
Nhưng tôi lại muốn chạy ra sau với đám đồng nghiệp, uống bia, rít thuốc và tán chuyện giường gối. Khách hàng đúng chỉ là những kẻ làm mất hứng.
- Thịt nướng cho anh tái thôi, - một trong số họ yêu cầu.
- Ừm, - tôi đáp bâng quơ. Tôi thậm chí còn lơ đễnh hơn bình thường vì đang bận chú ý đến một cuốn sách đặt trên bàn. Một cuốn sách rất hay tôi đã đọc. Tôi mê sách. Mê đọc sách. Và tôi yêu những người đàn ông hay đọc sách. Tôi yêu người nhận biết và làm chủ được bản thân nhờ vào cái thuyết hiện sinh và thuyết hiện thực huyền ảo. Suốt sáu tháng trời rồi tôi đã phải làm việc với những kẻ ráng lắm cũng chỉ đọc tới tờ Sân Khấu (họ lẩm nhẩm từng chữ trong tờ tạp chí hết sức vất vả). Đùng một cái, tôi thấy nhớ cái cách trao đổi đầy trí thức này biết chừng nào.
Bởi vì tôi sẵn sàng đối đáp với bất cứ ai muốn nói chuyện tiểu thuyết Mỹ hiện đại. À, vậy là anh biết Hunter s. Thompson, thể thì tôi nói chuyện ông Jay Mclnerney cho anh nghe nhé?
Đột nhiên bốn người họ không còn là những kẻ làm mất hứng nữa. Tôi bắt đầu thấy họ có cá tính.
- Sách này của ai vậy? - tôi hỏi liền, cắt ngang việc gọi món (Tôi cóc cần biết anh muốn thịt nướng của anh kiểu gì.)
Và thế là bốn tên này bắt đầu nhúc nhích. Tôi đã lên tiếng. Tôi đã đối xử với bọn họ như với người!
- Tôi. - James đáp. Vậy là đôi mắt xanh màu biển của tôi “chạm” phải đôi mắt xanh màu lá của anh qua ly Mango Daiquiri (mặc dù anh gọi bia),và ngay lập tức những hạt bụi li ti óng ánh từ cây đũa thần bao quanh hai đứa. Trong tích tắc ấy một điều tuyệt diệu đã xảy ra. Từ cái khoảnh khắc nhìn vào mắt nhau, dù chẳng biết gì về nhau (trừ chuyện chúng tôi cùng thích một cuốn sách),(à còn nữa, chúng tôi còn thích ngoại hình của nhau nữa),chúng tôi đều biết mình đã gặp được một người rất đặc biệt.
Tôi nhất định là chúng tôi đã ngay lập tức phải lòng nhau.
Anh không tỏ vẻ gì như thế cả và nói tôi là một cô ngốc lãng mạn. Anh nói mất ít nhất phải ba mươi giây sau đó nữa anh mới phải lòng tôi.
À, các sử gia sẽ có nhiệm vụ tranh cãi chuyện này. Đầu tiên anh còn phải tin là tôi đã đọc cuốn sách kia cái đã. Vì anh nghĩ nếu làm phục vụ ở đây chắc tôi cũng thuộc đám người mẫu hay ca sĩ đần độn kia. Bạn hiểu không? Cũng như tôi đã nghiễm nhiên đồng hóa anh với đám nhân viên văn thư không ra hồn người. Cũng đáng đời nhà mi!
- Em đọc cuốn này rồi hả? - anh hỏi, ngạc nhiên thấy rõ, cái kiểu của anh thật ra là: “Cô mà cũng biết đọc sách nữa sao?”
- Rồi. Em đã đọc tất cả sách của ông này, - tôi bảo anh.
- Thật thế sao? - giọng anh trầm ngâm. Anh ngồi ngả lưng ra sau ghế nhìn tôi thích thú. Một nhúm tóc đen mềm mượt rủ nhẹ xuống trán.
- Vâng, - tôi ráng lắm mới đáp lại được vì đã thấy thèm anh đến phát nôn nao.
- Mấy đoạn chạy xe rượt đuổi nhau hay chứ nhỉ? - anh nói.
À, tôi phải cho bạn biết là không có chuyện rượt đuổi nào hết trong bất cứ cuốn sách nào của nhà văn này. Các sách ông viết đều rất nghiêm túc, sâu sắc về cuộc sống, cái chết và những điều tương tự.
Chúa ơi! Tôi lo sợ. Đẹp trai, thông minh và còn hài hước nữa. Mình đã sẵn sàng chưa?
Rồi James mỉm cười, một nụ cười vô cùng từ tốn, quyến rũ, một nụ cười tri thức, hoàn toàn trái ngược với bộ đồ anh đang mặc. Tôi xin thề với bạn, ruột gan tôi đã tan ra như những viên kem chiên. Cái kiểu nóng, lạnh, hừng hừng và... ờ... như thể tan đi, hay là sao đó.
Nhiều, rất nhiều năm sau đó, sau khi cái điều kỳ diệu đầu tiên ấy đã mòn mục đi mất và chúng tôi hầu như chỉ còn nói chuyện bảo hiểm, nước làm mềm vải Lenor với nạn mối mọt, tôi chỉ cần nhớ lại nụ cười ấy là đã lại cảm thấy như mới yêu.
Chúng tôi trao đổi qua lại thêm vài câu nữa.
Chỉ vài câu thôi.
Nhưng cũng đủ để tôi biết anh dễ mến, thông minh và hài hước.
Anh hỏi xin số điện thoại.
Cho khách hàng số điện thoại có thể bị đuổi việc như chơi.
Tôi cho anh số.
Khi rời nhà hàng cái tối đầu tiên ấy, cùng với ba bản sao của mình, xiêu vẹo ôm cặp tài liệu, dù, mấy tờ Financial Times cuộn tròn và quần áo thì nhàu nát, anh mỉm cười chào tạm biệt và (à, tôi nói ra được điều này vì tại thời điểm này nó đã là chuyện quá khứ. Nói trước được tương lai cũng dễ thôi khi nó đã xảy ra, nếu bạn hiểu ý tôi muốn nói gì) tôi biết mình đã đọc được phần phước của mình.
Tương lai của tôi.
Vài phút sau anh trở lại.
- Xin lỗi, - anh nhe răng cười, - em tên gì nhỉ?
Ngay khi những cô đồng nghiệp phát hiện ra có kẻ đã xin số điện thoại của tôi và tệ hơn thế, tôi đã cho, tôi lập tức bị đối xử như một kẻ hạ đẳng. Nói thật với bạn, phải rất lâu sau đó tôi mới lại được mời tới cái nơi ở rách nát của bọn họ để mà hít cocain.
Nhưng tôi cóc cần quan tâm. Vì tôi đã phải lòng James.
Nếu nghe tôi nói chuyện tự chủ, tự lập, bạn sẽ thấy thực ra tôi là đứa lãng mạn đến tận mây. Còn nếu chuyển qua đề tài nổi loạn thì rõ ràng tôi lại lộ ra mình vẫn chỉ là một kẻ trung lưu.
Ngay từ lần hẹn đầu tiên, mọi chuyện đã diễn ra rất tuyệt vời. Vô cùng lãng mạn, vô cùng đẹp đẽ.
Tôi xin lỗi sẽ phải để bạn nghe lại những câu chữ đã quá sáo mòn, nhưng tôi thấy không còn cách nào khác.
Tôi thấy xấu hổ phải thú nhận là tôi đã ở trên mây. Và tôi lại phải xin lỗi bạn lần nữa vì tôi phải nói là tôi cảm thấy như đã biết anh cả cuộc đời mình. Chán hơn nữa là tôi phải nói rằng tôi thấy như không ai hiểu tôi bằng anh. Và đến nước này, chẳng còn gì làm bạn chán hơn nữa nên tôi cũng ráng nói thêm là tôi đã không nghĩ đời mình sẽ có ngày được hạnh phúc như vậy. Nhưng mà tôi sẽ không quá đáng đến độ nói với bạn là anh đã khiến tôi thấy lòng bình an, yên ổn, thấy mình thật quyển rũ, thông minh và ngọt ngào. (Và xin lỗi nhé, nhưng tôi phải thêm vào là tôi thấy như đã tìm được cái nửa bị lạc mất của mình nên giờ tôi trở nên toàn vẹn, và tôi hứa sẽ ngưng ở đây). (Ngoại trừ chắc phải cho tôi thêm vào là anh dí dỏm đúng nơi đúng lúc và tuyệt vời chuyện chăn gối. Giờ thì tôi nói thật đấy, tôi không nói thêm tí teo nào nữa đâu).
Lúc bắt đầu hẹn hò đi chơi hầu như tối nào tôi cũng đi làm nên chỉ có thể gặp anh sau khi xong việc. Vậy mà anh luôn sẵn sàng đợi. Và khi tôi ghé anh, mệt lử sau hàng tiếng đồng hồ duyên dáng phục vụ các thứ hun khói quái quỷ gì đấy cho các quý khách London (hay nói chính xác hơn là các quý khách người Pennsylvania hay Hamburg),đến giờ tôi vẫn không tin nổi - thế nào anh cũng rửa hai bàn chân mỏi rã rời của tôi và mát xa bằng kem làm mềm da chân mùi bạc hà của Body Shop hẳn hoi. Cho dù lúc đó đã mười hai rưỡi đêm và tám giờ sáng hôm sau phải có mặt ở công ty, hướng dẫn khách hàng các thủ tục hoàn thuế, các thứ công việc của dân kế toán, thì anh vẫn chăm sóc đôi chân tôi. Năm tối mỗi tuần. Anh còn kể lại tường tận các tập phim truyền hình dài tập nếu tôi bỏ lỡ. Anh chạy đến cửa hàng tạp hóa mở cửa hai bốn trên hai bốn nếu tôi hết thuốc lá. Rồi anh kể chuyện phiếm ở công ty. Tôi biết, chuyện của mấy người kế toán thì có gì mà hài hước. Vậy mà anh làm tôi cười nắc nẻ.
Công việc của tôi đồng nghĩa với một thực tế là chúng tôi không thể đi chơi tối thứ Bảy. Thế nhưng anh chưa từng càu nhàu.
Quái lạ bạn nhỉ? ừ, tôi thấy lạ lắm chứ.
Anh còn giúp tôi đếm tiền boa, chỉ cho tôi tận tình nên dùng tiền ấy để đầu tư ra sao. Như mua trái phiếu chính phủ chẳng hạn, đại loại vậy.
Thường thì tôi đầu tư vào giày dép.
Cũng chẳng lâu sau thì tôi bị đuổi việc (một sự hiểu nhầm ngu xuẩn có liên quan đến tôi, vài chai bia ngoại, một cảnh tượng “bữa tối trên đùi” và một lão khách vô lý không chịu được, chẳng biết hài hước là gì. Mà thôi, tóm lại tôi chắc mấy cái sẹo của lão cũng đã mờ gần hết).
Rồi tôi cũng kiếm được một chỗ làm khác giờ giấc bình thường hơn. Và chuyện lãng mạn của chúng tôi cũng theo một thời gian biểu truyền thống hơn.
Rồi ít sau nữa chúng tôi dọn đến ở chung. Ít sau nữa chúng tôi cưới. Vài năm sau đó hai đứa quyết định có em bé. Các cái trứng của tôi bày trò chơi, cái chú tinh trùng của anh ghi điểm dễ dàng và tử cung của tôi cũng không phản đối gì nên tôi có bầu. Và tôi sanh được một bé gái.
Là đoạn mở đầu bạn đã đọc đấy.
Vậy đến đây thì tôi nghĩ bạn biết cũng kha khá rồi.
Mà nếu bạn nghĩ sẽ đọc được những đoạn miêu tả cảnh sanh nở đầy máu me, loáng thoáng nghe phải dùng đến cả bàn đạp và kẹp fooc-xép, rồi thì la thét đau đớn, rồi thì so sánh một cách thô bỉ như thể nặn ra một bao tải khoai tây dễ đến gần ba mươi ký thì tôi xin lỗi phải làm bạn thất vọng.
(Ừ, thôi thì để bạn vui, cứ lấy lần đau bụng kinh khủng khiếp nhất của bạn nhân lên bảy triệu lần, kéo dài liên tục khoảng hai bốn tiếng đồng hồ, bạn sẽ phần nào hình dung được chuyện đau đẻ).
Vâng, sợ lắm, nhếch nhác lắm, xấu hổ lắm và đau khiếp lắm. Nhưng mà cũng vô cùng hồi hộp và sung sướng đến tê dại. Và điều quan trọng là nó đã xong. Tôi cũng mang máng nhớ được đã đau như thế nào, nhưng nó không còn làm tôi đau được nữa. Nhưng rồi James bỏ đi và thế là tôi thấy thà được đau đẻ cả trăm lần còn hơn phải chịu đựng nỗi đau mất anh. Cảnh anh thông báo ra đi là như thế này:
Sau khi tôi được bế con lần đầu tiên, cô y tá bế bé trở lại phòng dưỡng nhi, còn tôi cũng được chuyển về phòng mình. Tôi thiếp đi được một lát.
Mở mắt dậy, tôi thấy James đang đứng cạnh giường, nhìn tôi, đôi mắt xanh thật xanh và khuôn mặt thì trắng bệch. Tôi mỉm cười lim dim hạnh phúc. “Chào anh yêu,” tôi cười toe.
- Chào Claire, - giọng anh nghiêm trọng, khách khí. Tôi đúng là một con ngốc, cứ tưởng anh tỏ vẻ quan trọng, trân trọng. (Hãy ngắm vợ tôi đây này, cô ấy vừa sanh ra một em bé, cô ấy là một người phụ nữ đích thực, người tạo ra sự sống - cái kiểu như thể, bạn hiểu không?)
Anh ngồi xuống. Ngồi mấp mé ngoài rìa cái ghế cứng ngắc của bệnh viện như thể anh chuẩn bị bật dậy ù té chạy. Mà đúng là thể thật.
- Anh qua xem con chưa? - tôi mơ màng hỏi, - con bé đẹp vô cùng.
- Chưa, - anh trả lời cụt lủn, rồi đột ngột bảo, - Claire này, anh đi đây.
- Sao vậy? - tôi lại rúc đầu vào mớ gối. - Anh vừa mới đến thôi mà. (Vâng, tôi biết, không tin nổi là tôi còn nói thế. Ai viết phần lời thoại của tôi thế nhỉ?)
- Claire, nghe này, - anh bắt đầu bối rối. - Anh bỏ em đi đây.
- Gì cơ? - tôi nói thật chậm và cẩn trọng. Phải nói là đến lúc này tôi mới thực sự chú tâm.
- Claire, anh xin lỗi. Nhưng anh đã gặp một người khác và anh đến với người đó đây. Anh xin lỗi phải xa con bé, xin lỗi vì tất cả và vì bỏ em đi như thế này. Nhưng anh phải đi. - Mặt anh trắng dã, đôi mắt phơi bày hết sự đau khố.
- Anh nói đã “gặp” ai đó nghĩa là sao? - tôi ngơ ngác.
- Là... là... anh đã yêu một phụ nữ khác, - anh nói, trông rất khổ sở.
- Anh nói vậy là sao? Một phụ nữ khác, hay là như thế nào? - tôi hỏi mà cảm thấy như bị phang một đòn chí mạng vào đầu.
- Đúng vậy, - anh đáp, khẳng định điều tôi đã lờ mờ nắm được.
- Giờ anh bỏ em đi? - tôi lặp lại lời anh mà không tin
vào tai mình.
- Đúng vậy, - anh nhìn xuống nền nhà, nhìn lên trần, nhìn chai Lucozade của tôi, nhìn bất cứ thứ gì trừ ánh mắt tôi.
- Anh không còn yêu em nữa sao? - tôi lơ mơ hỏi.
- Không. Chắc là không, - anh đáp.
- Nhưng còn con thì sao? - tôi kinh ngạc. Anh có thể bỏ tôi đấy, nhưng làm sao anh có thể bỏ đi khi mà chúng tôi đã có một em bé. - Anh phải lo cho hai mẹ con em chứ?
- Anh xin lỗi, nhưng anh không làm được. Anh sẽ đảm bảo tài chính cho hai mẹ con và mình sẽ xem giải quyết như thế nào chuyện nhà cửa, tiền vay mua nhà và mấy thứ đó. Giờ thì anh phải đi.
Tôi không tin được chúng tôi có thể nói với nhau những điều này. Anh đang nói cái quỷ gì thế kia? Nhà, tiền, nợ vay, những chuyện vớ vẩn? Theo như kịch bản thì chúng tôi sẽ cùng nựng con, cùng tranh xem con giống cha hay mẹ hơn kia mà. Nhưng James, James của tôi, đang bảo anh bỏ tôi đi. Ai chịu trách nhiệm số phận con người ta đây? Tôi phải khiếu nại cuộc đời mình. Tôi đã yêu cầu một cuộc sống hạnh phúc với một người chồng thương yêu và một em bé mới sinh, vậy mà ông trời lại dọn cho tôi một trò đùa tệ hại như thế này sao?
- Chúa ơi, Claire! Anh không muốn bỏ em đi như thế này. Nhưng nếu cùng em và con về nhà bây giờ, anh sẽ không thể ra đi.
Chẳng phải anh muốn như vậy sao? Tôi bối rối tự hỏi.
- Anh biết chẳng có lúc nào thuận tiện để nói những chuyện như thế này. Nhưng anh không thể nói lúc em đang mang bầu, rủi em bị sảy. Nên anh phải nói lúc này.
- James, - tôi nói giọng yếu ớt, - chuyện này quá khó hiểu.
- Anh biết, - anh vội nói. - Em đã phải trải qua quá nhiều thứ trong suốt hai mươi bốn tiếng vừa rồi.
- Vậy sao anh lại ở bên em lúc em sanh con bé, nếu anh đã sẵn sàng để bỏ em đi ngay sau khi mọi chuyện xong xuôi? - tôi nắm lấy tay anh, cố bắt anh phải nhìn thẳng vào mắt tôi.
- Vì anh đã hứa, - anh đáp, run rẩy gỡ tay tôi, tránh ánh nhìn. Trông anh như một thằng bé học trò bị phạt.
- Tại vì anh đã hứa? - tôi cố gắng nặn óc để hiểu được chuyện này. - Nhưng anh đã hứa hàng tỉ thứ. Như là yêu thương săn sóc em cho đến khi cái chết chia lìa hai đứa!
- Ờ... anh xin lỗi, - anh lí nhí. - Nhưng anh không giữ được những lời hứa ấy.
- Vậy thì mọi chuyện sẽ ra sao đây? - tôi nói không thành tiếng. Tôi không đời nào chấp nhận một câu một chữ anh vừa nói. Nhưng chấp nhận hay không thì cũng thế. Tôi vẫn đang nói chuyện với James, theo mắt người ngoài. Nhưng đó không thể gọi là nói chuyện được vì tôi đâu định nói những gì tôi vừa nói, và tôi cũng không chấp nhận bất cứ điều gì James vừa nói cả. Khi hỏi anh mọi chuyện rồi sẽ ra sao, tôi đã không đợi một câu trả lời. Tôi biết chuyện gì sẽ đến tiếp theo mà. Anh sẽ về nhà với mẹ con tôi, và sẽ không còn những chuyện vô lý điên khùng như thế này nữa.
Tôi gần như tin rằng nếu cứ để anh tiếp tục nói, tiếp tục trò chuyện với tôi, anh sẽ nhận ra rằng chỉ cần nghĩ đến chuyện bỏ tôi thôi thì anh đã đúng là rồ dại. Anh đứng dậy. Xa đến nỗi tôi không với tới. Anh mặc bộ đồ màu đen (chúng tôi vẫn hay đùa là anh thường mặc bộ này khi xem xét các trường hợp siết nợ và thanh lý). Trông anh lạnh lùng, dửng dưng và nhợt nhạt. Và ở một phương diện nào đấy thì tôi chưa từng thấy anh đẹp như thế này.
- Em thấy là anh đang mặc bộ đồ đi dự đám tang, - tôi cay đắng nói. - Hay lắm!
Anh thậm chí không cố nở một nụ cười, và tôi biết mình đã mất anh. Bề ngoài anh vẫn là James, vẫn giọng nói của James, vẫn cái mùi quen thuộc rất James, nhưng không còn là James nữa.
Giống như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng những năm năm mươi, cô bạn gái của nhân vật chính bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Nhìn bề ngoài cô vẫn là cô (áo len hồng, cái túi xách nhỏ xinh xắn, áo nịt ngực u nhọn đến độ điệp viên cũng không thể cầm lòng, v.v. và v.v.),nhưng đôi mắt cô đã khác.
Với người ngoài đó vẫn sẽ là James. Nhưng nhìn vào mắt anh, tôi biết James của tôi không còn ở đó nữa. Một kẻ lạnh lùng, xa lạ trong cơ thể của anh. Tôi không biết James của tôi đã đi đâu mất.
Có thể anh đang ở trong con tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh, cùng với cái cô Peggy Jo đó.
- Anh đã dọn hầu hết đồ cá nhân. Sẽ liên lạc sau. Giữ sức khỏe!
Anh nhanh chóng bước ra khỏi phòng. Thực tế là gần như bỏ chạy. Tôi muốn chạy theo anh nhưng tên đểu cáng đó biết rõ tôi đang phải nằm dính trên giường với mấy mũi khâu ở âm đạo.
Hắn đã đi.
Tôi nằm trên giường, nằm yên, thật lâu. Tôi bàng hoàng, tôi sốc, tôi hoảng sợ, tôi không tin được. Nhưng kỳ lạ là có một điều gì đó tôi tin là rất thật. Cảm giác của tôi lúc này như có một cái gì đó rất quen.
Tôi biết đó không thể là cái cảm giác quen thuộc, vì tôi chưa từng bị chồng bỏ. Nhưng chắc chắn có một điều gì đó. Tôi cho rằng trong bộ não của mỗi người, chắc chắn là não của tôi nữa, đều có một phần chuyên đứng canh chừng trên mỏm núi cao lởm chởm, tìm kiếm phát hiện những mối nguy hiểm rồi truyền tín hiệu cho cái phần còn lại của não khi sắp xảy ra chuyện không lành. Kiểu như: “Có thổ dân da đỏ!” Càng nghĩ, tôi càng nhận thấy có lẽ cái phần này trong não tôi đã rối rít, liên tục dùng gương chiếu sáng và cả khói phát đi tín hiệu suốt những tháng vừa rồi nhưng cái phần còn lại của đầu tôi còn đang bận nằm nhàn nhã dưới thung lũng xanh tươi yên bình của thai kỳ, không muốn biết gì về những nguy hiểm cận kề. Nó phớt lờ hết những tín hiệu kia.
Tôi biết James mệt mỏi, khổ sở gần như suốt thai kỳ của tôi, nhưng tôi đã đặt nó xuống thứ yếu so với cái tâm trạng biển đổi liên tục của mình, cơn đói triền miên và sự ủy mị quá mức. Từ phim truyền hình Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên cho đến chương trình Tài chính và kinh doanh, thứ gì tôi cũng khóc được.
Và dĩ nhiên chuyện quan hệ vợ chồng cũng bị cắt giảm trầm trọng. Nhưng tôi vẫn nghĩ sanh em bé xong mọi chuyện sẽ trở lại bình thường. Nếu không muốn nói là tốt hơn, nếu bạn hiểu ý tôi.
Tôi cứ nghĩ nỗi khổ của James chỉ là kết quả của việc tôi mang thai và cả các phản ứng phụ của nó nữa. Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình đã bỏ qua những chuyện lẽ ra không nên bỏ qua.
Tôi biết làm gì bây giờ? Tôi còn không biết anh ở đâu nữa. Nhưng linh tính mách bảo tôi nên cho anh ít thời gian. Để anh vui. Làm bộ như mình chấp nhận chuyện này.
Tôi gần như không tin được.
Bỏ tôi đi rồi! Đi rồi! Thường nếu bị xúc phạm, hay phản bội, tôi sẽ lao vào chiến đấu, nhưng không hiểu sao, tôi biết trong tình cảnh này phản ứng như thể sẽ chẳng ích gì. Tôi cần bình tĩnh cho đến khi tự quyết định được mình nên làm gì.
Một cô y tá lê đôi giày đế cao su đi ngang kêu rin rít. Cô dừng lại, mỉm cười với tôi: “Chị khỏe chưa?”
- Vâng, khỏe, - tôi đáp, chỉ mong cô đi cho rồi.
- Chắc chút nữa thôi anh nhà sẽ đến thăm chị và bé.
- Chẳng biết nữa, - tôi đáp cay đắng.
Cô y tá nhìn tôi lạ lùng rồi quày quả bước đi, đến chỗ một bà mẹ khác đàng hoàng, lịch sự. Cô bấm bấm cây bút bi liên hồi và liếc nhìn tôi vẻ lo ngại.
Tôi quyết định gọi cho Judy.
Judy là đứa bạn thân nhất của tôi. Hai đứa chơi với nhau từ hồi mười tám tuổi, và cùng chuyển đến London. Judy còn làm phù dâu cho tôi nữa. Tôi không vượt qua tình cảnh này một mình được. Judy sẽ biết khuyên tôi phải làm gì.
Tôi thận trọng, rón rén nhấc mình khỏi giường, và nhanh cũng như lúc người ta rạch âm hộ tôi, bước về hướng buồng máy điện thoại.
Judy bắt máy ngay.
- Ối Claire! Tớ đến thăm cậu bây giờ đây.
- Vậy tốt rồi, - tôi chỉ nói được có thế.
Có Chúa biết tôi chỉ muốn được khóc toáng lên mà nói cho Judy hay là James đã bỏ tôi đi, nhưng xếp hàng sau tôi còn một mớ đàn bà phụ nữ, tất tần tật đều mặc cái váy bằng vải bông hồng hồng đồng phục của bệnh viện, chỉ chờ tôi nói cho xong (dĩ nhiên là để gọi cho những ông chồng tận tụy của họ rồi). Và thế là, vượt lên tất cả những đau khổ, tan nát, tôi níu giữ lại được chút tự trọng.
Mấy con mụ vênh váo! Tôi lê trở lại giường, chua chát (và nói thật là khó chịu nữa) nghĩ bụng.
Judy vừa đến là tôi hiểu ngay nó đã biết tin. Tôi biết là vì nó nói: “Claire, tớ biết chuyện James rồi”. Tôi biết ngay cũng là vì Judy đến mà không vác theo một bó hoa to tướng, không cười toe toét, cũng không có một cái thiệp to bằng cái bàn bếp vẽ đầy hình con cò nào. Trông nó lo lắng, xúc động.
Tim tôi thắt lại. Nếu James đã thông báo cho bà con bạn bè, có nghĩa chuyện này hẳn là thật.
- Anh ấy bỏ đi rồi, - tôi thống thiết.
- Tớ biết.
- Sao anh ấy làm vậy được? - tôi hỏi nó.
- Tớ không biết…
- Anh ấy yêu người khác rồi.
- Tớ biết.
- Sao cậu biết? - tôi hỏi, chỉ mong khai thác được thông tin.
- Michael nói. Aisling nói với anh ấy. George nói cho Aisling.
(Michael là bạn trai của Judy. Aisling làm cùng công ty với Michael. George là chồng Aisling. George là đồng nghiệp của James.)
- Vậy là mọi người đều đã biết, - tôi lặng lẽ kết luận. Yên lặng một lúc. Judy trông như chỉ muốn chết đi cho rồi.
- Có nghĩa chuyện này là thật, - tôi nói.
- Tớ nghĩ là thật, - Judy đáp, vẻ ngại ngùng thấy rõ.
- Cậu có biết cái người đàn bà ấy là ai không? - tôi hỏi mà thấy mình quá đáng, đặt bạn vào cảnh khó xử này, nhưng tôi cần phải biết, tôi quá sốc nên không kịp hỏi James.
- Ờ, có, - Judy trông càng khổ sở hơn. - Là Denise đó.
Mất một phút tôi mới hiểu ra Judy đang nói tới ai.
- Cái gì? - tôi rít lên. - Đừng nói là cái cô Denise dễ mến ở tầng dưới đấy nhé!
Judy gật đầu thiểu não.
Lúc này tôi mới nhận ra mình đã nằm bẹp xuống giường.
- Con mụ quỷ cái! Tôi kêu lên.
- Còn nữa, - Judy lí nhí. - Anh ta còn nói chuyện cưới mụ ấy.
- Cậu nói cái quái gì? - tôi thét lớn. - Anh ấy đã cưới rồi. Cưới tớ. Và tớ vẫn chưa nghe nói đa thê đã được hợp pháp hóa ở cái đất nước này.
- Họ chưa cưới mà, - nó nói.
- Nhưng mà... - tôi xịu dần, hoang mang.
- Claire, - Judy mệt mỏi nói. - Anh ta nói sẽ ly dị cậu. Như vừa nói đấy, tôi đã nằm bẹp xuống giường.
Buổi chiều hôm ấy chầm chậm trôi đi, mang theo sự kiên nhẫn của Judy và bất cứ nhúm hy vọng mong manh nào tôi còn níu kéo.
Tôi nhìn Judy, tuyệt vọng:
- Judy, tớ phải làm gì bây giờ?
- Ừm. - Judy cố gắng đơn giản hóa vấn đề. - Hai ngày nữa cậu sẽ xuất viện. Cậu vẫn còn nhà để ở, còn đủ tiền để nuôi hai mẹ con. Rồi sáu tháng nữa cậu sẽ đi làm lại. Cậu sẽ chăm sóc con bé và cho James thời gian để suy nghĩ. Cuối cùng rồi hai người cũng sẽ tìm ra hướng giải quyết thôi.
- Nhưng mà Judy, - tôi rền rĩ, - anh ấy đòi ly dị mà. Mặc dù có lẽ James đã quên mất một điều. Không có chuyện ly dị ở Ireland. James và tôi cưới nhau ở Ireland. Chúng tôi đã được các Cha ở nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ban phước. Mặc dù rõ ràng chúng tôi cũng đã được ban phước nhiều. Nhưng giờ thì vĩnh biệt nhé, Sự Cứu Giúp.
Tôi cảm thấy mất mát, hụt hẫng. Tôi thấy cô độc và sợ hãi. Chỉ muốn trùm chăn kín đầu cho đến chết. Nhưng tôi không thế, vì tôi còn phải chăm sóc, nuôi nấng một đứa bé vô tội đáng thương.
Con bé chào đời như thế sao. Chưa đầy hai ngày tuổi đã bị cha bỏ rơi, mẹ thì sắp hóa điên.
Tôi tự hỏi đến lần thứ một triệu, vì sao James nỡ làm thế với tôi.
- Sao James nỡ làm thế với tớ?
- Cậu hỏi tớ câu này lần thứ một triệu rồi đấy.
Đúng thế thật.
Tôi không biết tại sao James lại có thể làm thế với tôi. Tôi chỉ biết là anh đã làm việc ấy.
Trước nay tôi cứ tưởng rằng ông trời luôn bẻ nhỏ những mẩu khó nuốt của cuộc đời cho tôi chứ. Rằng ông ta sẽ không bao giờ để tôi phải ráng nuốt một lúc nhiều quá sức mình chứ.
Khi nghe kể về những người liên tiếp gặp xui xẻo, như là bị đụng xe, mất việc, rồi thì bắt gặp bạn trai trên giường với chị hay em gái mình, liền tù tì trong một tuần, tôi đã từng có ý cho rằng đó là lỗi của họ. Ừ thì không hẳn là lỗi, nhưng nếu người ta cư xử như thể mình là nạn nhân thì họ sẽ trở thành nạn nhân, và nếu họ cứ nghĩ chuyện tồi tệ nhất sẽ xảy ra thì nó nhất định sẽ xảy ra.
Giờ tôi thấy mình quá sai lầm. Đôi khi người ta đâu có tình nguyện làm nạn nhân mà vẫn cứ trở thành nạn nhân đó thôi. Đó đâu phải lỗi của họ. Rõ ràng tôi đâu có lỗi gì trong chuyện chồng tôi nghĩ anh ấy đã yêu người khác. Tôi đâu có mong chuyện này xảy ra, đâu có muốn nó xảy ra. Nhưng nó vẫn cứ xảy ra đấy thôi.
Tôi biết ông trời không du di nhân nhượng ai. Ông ấy sẽ không nói: “Thôi ta khoan cho cô ta cái u vào ngực thêm một năm nữa. Tốt hơn hết là để cho cô ấy nguôi ngoai nỗi mất mẹ cái đã,” mà ông ấy sẽ cứ thế mà làm thôi, thích làm gì thì làm, thích làm lúc nào là làm lúc ấy.
Tôi nhận ra rằng không ai miễn nhiễm với những triệu chứng liên tiếp nhau của vận xui cả. Tôi không nói chuyện có em bé là xui xẻo đâu bạn à. Nhưng cũng có thể liệt nó vào danh sách những biến động của cuộc đời.
Tôi đã nghĩ cuộc sống hoàn toàn nằm trong tay tôi và, phỉ phủi cái miệng nói xui, nếu lỡ có chuyện gì không vui giữa James và tôi, tôi sẽ có thể toàn tâm toàn ý mà tìm cách giải quyết. Tôi đâu có mong bị bỏ rơi chỉ trong vòng hai bốn tiếng đồng hồ sau khi sanh em bé đầu lòng, là lúc mà sức lực của tôi luôn ở mức thấp nhất còn sự yếu ớt thì ở mức cao nhất.
Ấy là còn chưa nói tới chuyện tôi béo như một con mụ phì nộn không chối đi đâu được.
Một con mụ phì nộn giữ làm sao được anh James đẹp đẽ.
Judy và tôi ngồi yên lặng trên giường. Cả hai đều cố nghĩ ra một điều gì ổn ổn để nói. Đột nhiên, tôi có câu trả lời. Ừ thì không hẳn là câu trả lời chính xác, nhưng rõ ràng cũng là một hướng giải quyết. Một việc gì đó phải làm trong lúc này.
- Tớ biết phải làm gì rồi, - tôi nói với Judy.
- Ôi đội ơn Chúa. (Tôi thấy rõ Judy đang vắt hết cả óc ra mà nghĩ). - Đội ơn Chúa.
Rồi giống như Scarlett O’Hara trong đoạn kết của Cuốn theo chiều gió, tôi nói giọng buồn bã: “Tớ về nhà đây. Tớ sẽ về lại Dublin.”
Vâng, tôi đồng ý với bạn là Dublin nghe không được như Tara, nhưng vấn đề là tôi đi Tara để làm gì? Tôi chẳng quen ai ở đấy cả. Có chăng là chỉ chạy ngang qua cái ấp ấy chắc được hai lần hồi tôi đi Drogheda.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.