🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Lũ đàn ông rặt 1 một thói chung ấy?

Tôi đương nhiên không vui: “Hôm qua chàng đã hôn thiếp mấy lần rồi, chúng ta thế là sòng phẳng lâu rồi nhé.”

Lí Thừa Ngân vạch cổ áo ra, chỉ vào vết sẹo trên ngực: “Thế cái này thì tính sao? Nàng định trả thế nào?”

Tôi trông vết sẹo có màu hơi hồng hồng ấy, không khỏi có chút nhụt chí: “Là do thích khách đâm chàng đấy chứ, có phải thiếp đâm đâu.”

“Là vì cứu nàng mạng nàng đấy nhé! Ta mà không đẩy nàng ra, không chừng nàng đã bị thích khách lấy mạng rồi.”

Tôi không còn gì để bẻ lại, những gì hắn nói hoàn toàn là sự thật, chẳng qua tôi vẫn cố cãi bài cùn: “Giờ chàng muốn thế nào?”

“Lần sau nếu nàng đến phường Minh Ngọc, phải dẫn ta theo.”

Tôi hãi hùng: “Chàng…chàng…” Tôi lớn tiếng quở trách, “Đường đường là Thái tử của thiên triều, mà lại tới kỹ viện!”

Lần này đến lượt Lí Thừa Ngân bổ nhào đến bịt miệng tôi, quýnh quáng bảo: “Đừng có gào lên! Gào cái gì! Ta chỉ đi mở mang tầm mắt thôi, có làm gì xấu xa đâu!”

“Chúng ta bị nhốt ở đây, cứ cái đà này, đi Minh Ngọc phường chơi làm sao được…” tôi tỏ vẻ hệt như rầu rĩ, “Thái hoàng thái hậu định giam chúng ta đến sang năm luôn chắc…”

Lí Thừa Ngân bảo: “Không sao, ta có cách!”

Biện pháp của hắn thật đúng là biện pháp tồi, lại bảo tôi giả bệnh chứ.

Tôi giả thế nào được.

Từ nhỏ tôi đã khỏe như ngựa, chỉ khi đến Thượng Kinh thì mới ốm đau có 1 lần, bảo tôi giả bệnh, tôi biết thế nào mà giả.

Lí Thừa Ngân nói tôi cứ nằm ngất ra đấy là được, nhưng tôi không làm nổi đâu, tôi cứ nằm 1 lúc là không kìm được phá lên cười, sau đó Lí Thừa Ngân sốt ruột lắm, bảo: “Nàng không làm, ta làm!”

Hắn đóng kịch mới khéo làm sao, vừa lật ra giường đã duỗi thẳng đơ rồi nằm bất động.

Tôi gào lên qua khung cửa sổ: ‘Người đâu! Thái tử điện hạ ngất rồi này! Có ai không…” Tôi phải hét đến mấy câu xong, cửa điện cuối cùng mới mở toang, nhiều người xộc vào 1 lúc, nội cung tất tả đi truyền ngự y, phen này kinh động đến cả Thái hoàng thái hậu rồi.

Ngự y bắt mạch chẩn bệnh nửa ngày trời, sau cùng chỉ kết luận mạch tượng Lí Thừa Ngân không rõ ràng, tỳ khí hư.

Hai bữa đói meo nào đã ăn gì, đương nhiên tỳ khí hư vậy thôi. Nhưng mà Thái hoàng thái hậu đâu có nghĩ thế, người lại cho rằng Lí Thừa Ngân ngất vì kiệt sức, thế nên dù cho người có già không nên nết, cũng không đành nhốt chúng tôi mãi được.

Tôi thì được tiễn về Đông Cung, song Lí Thừa Ngân lại không có vận may ấy, hắn vẫn phải vào Trai Cung, dù gì thì mai sắp phải tế trời.

Dẫu đã về tới Đông Cung, nhưng đợt này nhiều việc bận bịu cần giải quyết rốt ráo, bệ hạ không hề để Cao quý phi đứng ra lo liệu đại lễ Nguyên Thần, mà việc ấy tạm thời do tôi làm chủ.

Tết nhất bận tối mắt tối mũi, thành ra mệt bã người, chẳng thấy tẹo thích thú nào.

Cái đáng lo nhất bây giờ là đại lễ Nguyên Thần, mặc dù có Vĩnh Nương và Cao quý phi phụ giúp, nhưng cái bài lễ nghi rườm rà ấy phí của tôi biết bao nhiêu thời gian để học thuộc, hơn nữa nối đuôi nhau ùn ùn kéo đến còn có không ít yến tiệc lẫn lễ lạt.

Hằng tối mỗi lúc ngồi tẩy trang tháo trang sức, tôi chỉ rặt gà gật, thế rồi hằng sớm toàn là lúc trời còn chưa hửng sáng, đã lại bị Vĩnh Nương lôi khỏi giường để trang điểm. Trước kia lúc có Hoàng hậu, tôi chẳng hề hấn gì, giờ thì khổ sở không biết bao nhiêu mà kể. Tôi nào là phải tiếp kiến vô số người quen lẫn không quen, nào là phải chệu chạo nhai những bữa cơm chẳng rõ mùi vị gì, mỗi 1 tuần rượu đều có nữ quan xướng tên, chúc mấy lời may mắn, rồi thì phải xem múa hát rõ nhạt nhẽo, nghe mấy vị mệnh phụ nội ngoại cười nói líu lo.

Bữa yến thú vị duy nhất chỉ có hôm mùng 5, hôm đó toàn thể dâu mới trong dân gian đều về thăm đằng ngoại, mà Hoàng thất thì có thết tiệc mời hết thảy các công chúa. Chủ yến là hai bà cô, vốn là cô của Hoàng đế bệ hạ, sau đó lần lượt là mấy vị trưởng công chúa, đều là cô của Lí Thừa Ngân. Dẫn đầu kính rượu tôi có trưởng công chúa tên gọi công chúa Bình Nam, bởi lẽ tôi là Thái tử phi, tuy vẫn là hậu bối, nhưng trước mắt ngôi vị Hoàng hậu còn bỏ ngỏ, tôi vẫn được xem như nữ chủ nhân của Hoàng thất.

Tôi nhấp ngụm rượu, đích thân Vĩnh Nương đỡ BìnhNamcông chúa bình thân, tôi chợt nhớ ra, trưởng công chúa BìnhNamlà mẫu thân của Bùi Chiếu đây mà.

Bùi Chiếu và bà ấy chẳng được mấy nét hao nhau.

Thành ra bất giác tôi mới đảo mắt tìm kiếm công chúa Lạc Hi, trước kia tôi thật chẳng mấy để ý đến muội ấy, chung quy cũng tại công chúa trong hoàng thất quá nhiều, tôi và đằng các công chúa không mấy khi gặp gỡ, lắm nàng trong mắt tôi cứ y chang y tạc, chính là cô bé đang mặc Địch y ngồi kia. Lần này nguyên do ở cả Bùi Chiếu nên tôi tỉ mỉ để mắt đến công chúa Lạc Hi, muội ấy có vẻ bề ngoài xinh đẹp, dáng dấp tao nhã, không ngờ nom muội ấy so với trưởng công chúa Bình Nam hệt như mẹ và con gái. Tiệc rượu hoàng tộc theo thông lệ thì phải có ngâm thơ vịnh phú. Từ tinh mơ Vĩnh Nương đã mời 2 cao thủ đến hộ tôi làm 3 bài “Mừng thái bình”, tôi cứ ngâm nga theo nguyên mẫu đã thuộc là được. Công chúa Lạc Hi ngâm một điệu Thanh bình, trong đó có đến vài chữ tôi không biết, chứ đừng bảo hiểu được ý tứ bài thơ. Thế nên tất cả mọi người đều khen thơ tôi là hay hơn cả, công chúa Lạc Hi chỉ về hạng nhì, tôi nghĩ bụng nàng công chúa này có lẽ là mẫu thê tử tiêu chuẩn mà đấng trượng phu hằng thích đây, lá ngọc cành vàng nhé, tính tình ôn hòa nhé, đa tài đa nghệ này, đối với Bùi Chiếu quả thật rất xứng đôi vừa lứa.

Tôi thấy Tết năm nay chẳng mấy vui vẻ, hoặc biết đâu là vì quá mệt mỏi, bẵng đi một thời gian không hề thấy bóng dáng Lí Thừa Ngân đâu, nghe đồn hắn và Triệu lương đệ giảng hòa rồi, hai người lại thắm thiết ngọt ngào như xưa. Tự dưng tôi thấy chạnh lòng, dù sao cả tháng giêng duy chỉ có ngày 15 tết Nguyên tiêu là khiến tôi mong chờ nhất.

Tôi thích Thượng Kinh âu cũng bởi có tết Nguyên tiêu.

Hoa đăng mười dặm, lầu cao chín tầng, pháo hoa tám phương, thất tinh bảo tháp, sáu phường rộn rã, năm chùa rền chuông, bốn cổng mở toang, ba non mừng rỡ, hai người cùng nhau, một đời yên ổn(*): vẻ đẹp của Thượng Kinh vào dịp tết Nguyên Tiêu được miêu tả như thế đấy. Phải mấy ngày nữa mới đến tết, trong những ngày giáp tết Nguyên tiêu, phố phường đã rực rỡ sắc màu đèn lồng, con phố Chu Tước trải dài mười dặm cũng không ngoại lệ, đèn làm tinh tế vô cùng, cứ 3 bước một cảnh, 5 bước đã đổi màu, về mặt tạo hình có đèn sơn thủy, nhân vật, đèn chim trời cá nước, kích thước từ to đến nhỏ, hoa đăng cứ gọi là muôn hình vạn trạng, rực rỡ sắc màu, chất đầy núi lấp đầy sông, nom hoa mắt chóng mặt, có thể diễn đạt bằng cụm “sinh động khéo léo tuyệt vời”. Hơn nữa, đêm đó, Thượng Kinh rợp trời pháo bông, nhất là ở tháp Thất tinh, nơi ấy tháp gạch, địa thế lại cao, thế nên những xưởng pháo hoa nổi tiếng nhất luôn chọn tháp Thất Tinh làm địa điểm để luân phiên bắn pháo, hay còn gọi là “chọi hoa”, lúc đó, phần lớn người trong thành Thượng Kinh hầu như đều được chứng kiến tiết mục rực rỡ hoa lệ ấy. Mà chính trong đêm Tết, tiểu thư khuê các con nhà công khanh thuộc 6 phường cũng được phép rủ nhau đi trảy hội, đêm đó được dịp thiếu nữ toàn thành nô nức xuống đường ngắm đèn kiêm ngắm người. Sau khi nghe Ngũ Phúc Tự thỉnh chuông cầu nguyện quốc thái dân an xong, các cổng thành chính Nam, chính Bắc, chính Đông, chính Tây của Thượng Kinh sẽ đồng loạt rộng mở, không cấm gì người đi lại, dân trong thôn xóm tiện bề vào thành ngắm hoa đăng. Mà núi Tam Doãn chính là nơi cầu duyên thiêng nhất trong thành, nghe truyền đạo quán trên núi Tam Doãn có từ đường thờ Nguyệt Lão, phàm là nam nữ còn độc thân, vào tết Nguyên Tiêu mà đến đó dâng hương, ắt sẽ có linh nghiệm. Đôi ngả song quy vốn là tập tục của Thượng Kinh, những người phụ nữ đã yên bề gia thất, ngày này nhất định phải cùng phu quân của mình đi ngắm hoa đăng, để thỉnh cầu một năm mới hạnh phúc, xuôi chèo mát mái, còn như vẫn chưa thành thân thì cũng sớm gặp được ý trung nhân, cũng chẳng cần phải nói nhiều nữa, tết Nguyên Tiêu còn là dịp để nam nữ hẹn hò riêng, mà vẫn trong phạm vi cho phép của lễ giáo.

Nguyên Tiêu năm ngoái, tôi và A Độ đến Tam Doãn ngắm đèn, chen chúc đến nỗi đá văng cả giầy. Nghe đâu tối hôm đó số giày bị thất lạc lên đến mấy nghìn đôi, sau này đạo sĩ trên núi Tam Doãn quét dọn thu gom đống giấy ấy quyên góp cho người nghèo, phải đến mấy chiếc xe lớn mới kéo hết

Năm nay bụng bảo dạ phải lấy dây da bò quấn ủng cho thật chặt vào, kẻo lại bị người ta giẫm tụt giầy, những chỗ tưng bừng sôi nổi ngút trời như thế, đương nhiên tôi phải đi góp vui chứ nhỉ!

Tầm ngày 14 tháng giêng, những yến tiệc bái yết những chuyện nhốn nháo cuối cùng đã tạm gác sang 1 bên, tôi cũng đổ đốn trốn việc, một thân một mình ngủ ngon lành trong Đông Cung, lên tinh thần để còn đi chơi Nguyên Tiêu. Thế nhưng đang lưng chừng giấc, Vĩnh Nương đã vào gọi tôi dậy.

Tôi vẫn gà gật liêu xiêu, ngáp hỏi: “Lại chuyện gì à?”

“Dưới giường Tự bảo lâm phát hiện có bùa gỗ đào, nghe nói là vật yểm thuật, bên trên có ghi rành rành ngày sinh tháng đẻ của Triệu lương đệ, giờ Triệu lương đệ gây khó dễ với Tự bảo lâm, đôi bên đang hầu ngoài điện, muốn mời Thái tử phi xử trí.”

Tôi đã mệt lại buồn ngủ giờ đâm ra bực mình: “Lắm chuyện, mỗi một khúc gỗ ấy mà cũng phải ầm cả lên, Tết nhất còn chưa đâu vào đâu! Tự bảo lâm có phải ngốc đâu, vả lại khắc một khúc gỗ thì rủa chết được Triệu lương đệ chắc? Chẳng phải Triệu lương đệ vẫn sống sờ sờ ra đấy thôi!”

Vĩnh Nương nghiêm nét mặt, nói với tôi: “Trong cung cấm kỵ nhất là bùa ngải, có lẽ Thái tử phi chưa hay, mười năm trước có Trần Trưng vì vụ án làm bùa oán rủa Thánh thượng, mà bị ban giáng tử hình, tru di cả nhà. Thiên triều ta buổi đầu lập quốc, có Ngô hậu bị phế làm thường dân cũng bởi chuyện làm bùa yểm Hứa phi, thậm chí con trai thân sinh ra còn không được phép phong Vương….”

Rõ đau đầu, tôi sợ nhất mỗi lần Vĩnh Nương lôi những chuyện từ mấy trăm năm trước ra giảng giải, liền răm rắp bật dậy, gọi cung nhân hầu thay xiêm y, gấp ga gấp gáp rửa mặt chải đầu. Vĩnh Nương thưa: “Tuy chuyện Tự bảo lâm bỏ bùa ngải có phần kì lạ, nhưng dù sao Thái tử phi cũng nên cẩn thận, cố gắng đừng để bị trúng kế.”

Tôi thành thật hỏi thẳng: “Theo ý ngươi, ta nên giải quyết thế nào?”

Vĩnh Nương bẩm: “Thoạt đầu Thái tử phi có thể thoái thác, tấu lên Hoàng hậu để người phán xử, hiềm nỗi hiện nay ngôi vị Hoàng hậu còn bỏ ngỏ, lại phải dịp Tết nhất, không phải lúc thuận tiện để bàn những chuyện xui xẻo. Nô tì thiết nghĩ, Thái tử phi đừng ngại tấu chuyện này cho Thái tử điện hạ cân nhắc quyết định.”

Tôi không nói gì, ngẫm vụ này nếu như giao cho Lí Thừa Ngân, Tự bảo lâm hẳn sẽ bị định tội là cái chắc.

Triệu lương đệ là người con gái trong lòng hắn, không cần biết phải quấy ra sao, thể nào mà hắn chẳng nổi giận, rồi thì Tự bảo lâm lại xúi quẩy ra. Tự bảo lâm cũng tội nghiệp, Lí Thừa Ngân đã không ưa gì nàng ta, lần trước vào cung thăm nom, nàng ta chỉ khóc suốt, lần này xảy ra chuyện, xem ra khó giãi bày hết được. Tôi cứ ngẫm mãi, chỉ thấy không đành lòng.

Vĩnh Nương thấy tôi không nói lời, lại thưa: “Bẩm nương nương, giữa chốn ao tù nước đục này, nương nương trước nhất vẫn nên nghĩ cho mình là hơn cả.”

Tôi lớn tiếng nói: “Nghĩ cái gì cho mình, bảo ta mặc kệ Tự bảo lâm ấy à, cứ giao nàng ta cho Lí Thừa Ngân xử trí à, ta không thể làm như thế được!”

Vĩnh Nương chực nói thêm mấy lời khuyên tôi, tôi đã sửa sang lại váy áo, nói: “Truyền Triệu lương đệ và Tự bảo lâm vào.”

Mỗi lần tôi làm bộ làm tịch lòe thói Thái tử phi ra, Vĩnh Nương toàn đành chịu, Vĩnh Nương nắm cung quy thì vững lắm, lại thêm mười mấy năm giáo dưỡng, chung quy, bà ấy buộc lòng phải cung kính vâng lời mà thôi.

Triệu lương đệ thấy tôi, vẫn tỏ vẻ kính cẩn, hành đại lễ theo quy củ với tôi. Tôi khách sáo sai Vĩnh Nương dìu ả dậy, rồi thì cũng mời ngồi.

Song Tự bảo lâm vẫn quỳ dưới nền, gò má đỏ ửng, mắt cũng hoe hoe, như thể vừa mới khóc xong.

Tôi hỏi cung nữ: “Sao không đỡ Tự bảo lâm đi?”

Đám cung nhân không dám không nghe lời, liền vội vã vực Tự bảo lâm dậy. Tôi bắt đầu nói mấy câu tán gẫu: “Thời tiết hôm nay đẹp thật….hai tỷ muội đến chúc Tết ta chăng?”

Có câu ấy thôi đã khiến khuôn mặt Triệu lương đệ thoắt đỏ lại trắng, thoắt trắng lại đỏ.

Đáng lý ra, theo quy định của Đông Cung, mùng một bọn họ phải mặc trang phục hoàng tộc đến tẩm điện chỗ tôi khấu đầu hành lễ đầu năm, nhưng 3 năm này, Lí Thừa Ngân chỉ canh cánh lo tôi gây khó dễ với Triệu lương đệ, xưa nay không bao giờ để nàng ấy tự mình lại đằng tôi, vì lẽ đó mà tục ấy cũng bị bãi bỏ. Giờ tôi nói thế, Triệu lương đệ đã đoán bụng tôi đang mỉa mai ả. Thực ra, hôm đó trong cung bận bịu tổ chức đại lễ Nguyên thần, mãi tận đêm khuya mới về được Đông Cung, làm gì có thời gian để bày vẽ lễ tiết vô nghĩa ấy, mà Tự bảo lâm nào có đến khấu đầu với tôi đâu.

Tôi lúc bấy giờ không nghĩ sâu sa như thế, mãi sau này Vĩnh Nương thủ thỉ nói tôi mới hay. Lúc đó tôi chỉ thấy sắc mặt Triệu lương đệ cứ là lạ, cứ ngỡ nguyên do là vì tôi tỏ vẻ hòa nhã với Tự bảo lâm, thế nên tôi vỗ về Tự bảo lâm mấy câu rồi sai người đưa khúc gỗ kia ra.

Bởi lẽ bùa ngải bị cho là vật ô uế, tấm gỗ kia được đặt trên khay, cung nhân trình lên cho tôi xem, Vĩnh Nương không để tôi phải đụng tay vào. Tôi ngắm nghía 8 chữ ngày sinh tháng đẻ được khắc rành mạch trên đó, nhìn mãi vẫn không nhìn ra manh mối nào khác. Tự nhiên trong đầu nảy ra 1 câu hỏi: “Sao đột nhiên lại đi lục soát dưới giường Tự bảo lâm thế?”

Tôi vừa dứt lời, mặt Triệu lương đệ thoắt biến sắc khó hiểu.

Vốn Triệu lương đệ có nuôi 1 con cún nhỏ, nó tự dưng chạy đâu không rõ, cung nhân tìm khắp nơi không thấy, có người thấy thì bảo nó chạy vào viện đằng Tự bảo lâm, thế là người của Triệu lương đệ liền xộc vào tìm. Tự bảo lâm cứ khăng khăng nói không thấy con chó nào ở đây cả, cung nhân hầu hạ Triệu lương đệ sao mà chịu tin được, ầm ĩ cả lên, nhốn nháo đổ đi lục soát, chẳng ngờ chó chưa tìm thấy, mà lại phát hiện ra tấm bùa này.

Triệu lương đệ thưa: “Xin thái tử phi giúp muội lấy lại công bằng.”

Tôi hỏi Tự bảo lâm: “Rốt cuộc thứ này ở đâu ra?”

Tự bảo lâm lại quỳ sụp xuống: “Thần thiếp quả thật không rõ, xin Thái tử phi minh xét.”

“Đứng lên, đứng lên đi.” Thì vốn dĩ tôi đã cực ghét những người hở 1 tý là quỳ, thế là tôi nói với Triệu lương đệ: “Chuyện ở đời, có lửa mới có khói, Tự bảo lâm vốn không duyên không cớ gì, hà tất phải yểm bùa muội? Ta cảm thấy chuyện này, không đơn giản…”

Triệu lương đệ lạnh lùng đáp trả: “Chứng cứ rành rành ra đấy, những lời Thái tử phi nói, phải chăng đang thiên vị Tự bảo lâm?”

Nàng ta chẳng hề khách khí cãi lại, ánh mắt càng hùng hổ. Không đợi tôi lên tiếng, Vĩnh Nương đã thưa: “Ý Thái tử phi nói phải điều tra nguyên do cẩn thận, không hề có ý thiên vị, xin Lương đệ kiệm lời.”

Bất thình lình ả ta đứng phắt dậy, vái tôi, nói: “Vậy thần thiếp đành chờ Thái tử phi điều tra vụ này vậy, chỉ mong sớm có một ngày cháy nhà ra mặt chuột, đến lúc đó đương nhiên mong Thái tử phi sẽ cho thần thiếp một lời giải thích rõ ràng.” Đoạn tiếp lời, “Thần thiếp xin được cáo lui.” Thế rồi không lôi thôi nữa, cũng chẳng đợi tôi đồng ý, ả đã nghênh ngang dẫn người bỏ đi.

Vĩnh Nương tức lắm, bảo: “Há lại như thế, mạo phạm đến thế là cùng!”

Tôi không nói gì, Triệu lương đệ ghét tôi cũng phải thôi, đằng nào thì tôi cũng chẳng ưa gì ả.

Tự bảo lâm vẫn quỳ từ nãy đến giờ, rụt rè nhìn tôi. Tôi thở dài, đích thân đỡ nàng ta dậy, hỏi: “Chuyện hôm nay, kể một lượt xem nào, rốt cuộc thì đã xảy ra chuyện gì.”

Tự bảo lâm dường như vẫn chưa hết hoảng hồn, cho đến khi Vĩnh Nương sai người rót trà nóng, nàng ta chậm rãi nhấp môi, lúc ấy mới nói được căn nguyên của câu chuyện.

Lúc đầu, nơi Tự bảo lâm sống vốn khuất nẻo, độ Tết này, trong cung có ban thưởng theo thông lệ. Những món đồ đó đối với tôi và Triệu lương đệ chẳng là bao, thế nhưng đối với Tự bảo lâm mà nói, âu cũng là những vật hiếm có. Tự bảo lâm tính tình ôn tồn, hai cung nữ tôi sai tới chăm sóc nàng ta hàng ngày đối với nàng ta rất trung thành, Tự bảo lâm lấy bánh trái ban cho mấy cung nữ đó ăn. Bởi lẽ vật ngự ban không thể tùy tiện biếu tặng kẻ khác được, thế nên đành phải lén lút khóa trái cửa, phòng có người đi qua bắt gặp.

Đúng lúc đó thì người của Triệu lương đệ bất thình lình gõ cửa, bọn họ giật mình hốt hoảng, phải lúc đang chột dạ, vừa giữ cửa, vừa tìm cách cất giấu chỗ bánh trái kia đi. Người của Triệu lương đệ vừa xộc vào đã ráo rác lục soát khắp nơi, Tự bảo lâm đương lúc chột dạ, đâu có chịu để bọn họ xông vào làm bừa, cộng thêm đám người Triệu lương đệ phái đến chẳng khiêm nhường gì cho cam, đôi bên lời qua tiếng lại, chóng vánh đã cãi cọ ầm ĩ cả lên, người hầu bên chỗ Triệu lương đệ xưa nay quen thói không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho trót, thế là bắt đầu xới tung cả phòng lên, chẳng ngờ chó còn chưa tìm thấy, thế nào mà lại tìm ra bùa gỗ đào ngay dưới giường Tự bảo lâm. Tấm gỗ ấy theo lẽ đương nhiên như chọc phải tổ ong vò vẽ, đám tay chân của Triệu lương đệ một mặt quay về bẩm báo với chủ nhân, một mặt giam lỏng Tự bảo lâm lẫn hai cung nhân trong viện. Triệu lương đệ vừa nhìn thấy tấm bùa, tức thì giận đến run rẩy cả người, không nói nhiều, vội dẫn thẳng Tự bảo lâm đến gặp tôi.

“Thần thiếp quả thực không biết thứ đó ở đâu ra…” Tự bảo lâm nước mắt lưng tròng đoạn nói, “Xin thái tử phi minh xét…”

Minh xét cái nỗi gì…Hai người bọn họ trời chẳng chịu đất, đất chẳng chịu trời, không ai chịu ai, xoay tôi như mòng mọng, tôi còn minh xét được cái gì nữa, song có điều khúc gỗ này hẳn không phải từ trên trời rơi xuống được. Tôi hỏi Tự bảo lâm: “Đồ ở ngay dưới giường ngươi, lẽ nào ngươi không biết ai đặt vào hay sao?”

Tự bảo lâm tưởng tôi hạch tội, giật mình quỳ phịch xuống: “Bẩm nương nương, thần thiếp tự biết mình phận hèn, trong lòng tuyệt đối không có ý tranh giành phô trương với ai, nào dám oán rủa gì Lương đệ…”

Tôi trông sắc mặt nàng ta sợ sệt lại tái ngắt, tôi vồn vã bảo: “Ta không có ý đó đâu, ta chỉ nói, vật này tự dưng để ngay dưới gối ngươi, hẳn không dễ dàng gì. Ngươi cả ngày quanh quẩn trong phòng, hai cung nhân kia ngày qua ngày ở bên hầu hạ, dạo gần đây liệu có kẻ khả nghi nào dạt qua chỗ ngươi, hoặc có manh mối nào đáng ngờ không?”

Tự bảo lâm nghe thế, mới dần trấn tĩnh lại, tập trung tinh thần nhớ lại xem có chỗ nào đáng nghi.

Nàng ta ngẫm nghĩ một hồi, chung quy vẫn thưa: “Thần thiếp không nhớ ra có kẻ nào khả nghi…”

Thôi, Tự bảo lâm này thì có khác gì tôi, cũng là dạng người lơ đễnh cả.

Tôi có thiện ý an ủi nàng ấy vài câu, rồi bảo nàng ấy cứ lui về. Nom Tự bảo lâm dường như còn bán tin bán nghi, tôi nói: “Năm dài tháng rộng, rồi cũng có ngày sự thật được phơi bày, sợ gì nào, đợi ra Giêng rồi nói.”

Nàng ta trông tôi có vẻ đã định liệu trước cả rồi, phỏng chừng tưởng tôi sớm đã nắm chắc manh mối trong tay, liền trịnh trọng bái chào tôi, rồi mới lui.

Vĩnh Nương hỏi tôi: “Thái tử phi đã có diệu kế nào để tìm ra hung thủ thật sự của án này chăng?”

Tôi ngáp một cái: “Ta thì có kế gì chứ, mấy vụ này ta không biết gì đâu.” Vĩnh Nương dở khóc dở cười, lại hỏi: “Vậy Thái tử phi định giải thích thế nào với Triệu lương đệ?”

Tôi trợn mắt nhìn bà ấy: “Bùa ấy có phải ta đặt dưới gầm giường nàng ta đâu, sao ta phải đi giải thích với ả?”

Vĩnh Nương nghe tôi nói mà cứ khóc dở mếu dở, càm ràm khuyên tôi mãi, tôi sớm đã buồn ngủ díp mắt, nghe chẳng được mấy chốc, đầu đã trẹo sang 1 bên ngủ gục.

Giấc ngủ ấy cứ say sưa, cho đến khi có người xách tôi dậy, nói thực thì tôi vẫn còn hơi mơ màng ngái ngủ, tuy Vĩnh Nương thường xuyên sai người kéo tôi ra khỏi giường, nhưng ít ra cũng còn dìu đỡ hoặc ẵm bồng, chẳng vô lễ xấc xược như cái người này.

Tôi hé mở mắt, ối! Lí Thừa Ngân! Hắn không chỉ xốc tôi dậy mà còn bảo: “Nàng vẫn ngủ được cơ à!”

Thôi xong, xong rồi, thế là xong!

Nhất định ả Triệu lương đệ kia đã mách lẻo với hắn, thế nên hắn kéo đến hạch hỏi tôi đây mà. Tôi xẵng giọng: “Có gì mà thần thiếp không ngủ được nào! Chuyện Tự bảo lâm chưa điều tra rõ thì là chưa điều tra rõ chứ sao nữa, điện hạ gào lên thì ích gì!”

“Tự bảo lâm lại có chuyện gì thế?” Hắn nhìn tôi, chân mày nhúm nhó lại thành cả cụm.

Hả? Hắn còn chưa biết à! Triệu lương đệ chưa thủ thỉ gì sao? Tôi đảo mắt cười nịnh bợ hắn: “Kìa…không có gì không có gì, chàng tìm thiếp có chuyện gì thế?”

“Mai là tết Nguyên tiêu rồi!”

“Thiếp biết chứ.” Nhảm thật, bằng không sao hôm nay tôi phải cố ngủ trọn ngày chứ, là để lên tình thần cho tối mai, để tiện đi ngắm nghía hoa đăng chứ còn gì nữa.

Hắn thấy tôi chẳng mảy may phản ứng, đoạn nói: “Mai ta phải hầu Phụ hoàng lên lầu Chu Tước, chúc dân trong thành ấm no.”

“À thiếp biết.” Đương nhiên phải biết chứ, năm nào cũng vậy, cứ độ tết Nguyên Tiêu, bệ hạ và hắn đều xa giá đến cổng Thừa Thiên, vẫy chào với dân trong thành, nghe bách dân thiên hạ hô “vạn tuế” rầm rầm, gọi tóm lại là “chúc phúc dân ấm no”, mà cứ nói toẹt ra là đứng hứng gió mất nửa ngày, may thay phận nữ nhi trong hoàng thất không phải đi theo, bằng không kiểu gì tôi cũng đông cứng thành cột băng trên cổng thành, đóng băng chỉ là chuyện nhỏ, bỏ lỡ dịp đi xem hoa đăng mới là chuyện lớn.

“Nàng đã hứa với ta gì nào?” Hắn gườm gườm với tôi, tỏ vẻ bực mình khó chịu.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.